Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 66



Tin hạm đội U Minh di chuyển ra Bắc đã nhanh chóng lan khắp làng trên xóm dưới. Không cố giấu mình khỏi cái nhìn tò mò của người dân, ngược lại còn cố tình bay ở độ cao vừa đủ quan sát được, Giao Long cho toàn quân dàn đội hình bay tiêu chuẩn, với sáu cụm quân di chuyển cách nhau khoảng vài chục cây, tính từ tàu ngoài rìa xa nhất. Đội hình lúc này nhìn như viên kim cương khổng lồ hướng đáy nhịn lên trước với một cụm tiền quân, hai nhóm lớn đối xứng qua trục giữa, phòng ngự vị trí “cánh”, cùng một đôi khác bay gần hơn, làm thành lực lượng bọc hậu đằng sau hết.



Chính giữa đội hình đó là nhóm các tàu chỉ huy trung tâm, với Hồng Ma là hạt nhân cùng hai chục chiếc hộ tống, tự thân chúng bay thành bốn nhóm hình thoi bốn tàu, cùng Đội Khu trục 6 bảo vệ xung quanh. Năm nhóm quân chia bằng nhau, tức mỗi cụm có năm chục chiến hạm đủ mọi loại. Các tàu chở học viên thực tập, trừ Đội 6 trực tiếp bảo vệ kỳ hạm, đều đi ở tuyến trước và hai cánh bên. Đội hình không chính thống với đa số học thuyết, nhưng Đế quốc có lý do riêng.



Một trong những truyền thống lâu đời của Đế quốc chính là cho lính mới lên trước để tự mình trải nghiệm thao trường, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để tung lứa mới được huấn luyện bài bản vào trận. Còn các sĩ quan giàu kinh nghiệm, sau khoảng thời gian nhất định, nếu giàu thành tích sẽ được thu về, thực hiện đào tạo các thế hệ tiếp. Làm vậy, họ vừa đảm bảo luôn giữ được số đông quân nhân giàu kinh nghiệm, vừa cho ra lò được những người lính tuy mới nhưng chất lượng khá tốt, chứ không phải nướng sạch sành sanh hàng bá ở đầu cuộc chiến rồi về sau chỉ ném ra được đám thư sinh cầm súng trói gà không chặt.



Ngoài ra, để các sĩ quan có thâm niên ở sau cũng giúp giám sát được đám trẻ tốt hơn, thay vì đi trước và không biết sau lưng mình có vụ gì.



Ngồi một chỗ – quyết định bệt mông luôn xuống sàn – Viêm im lặng theo dõi cách mọi người vận hành.



Theo những gì nó biết, việc phân chia đội tàu lớn thành các đơn vị nhỏ hơn này không phải điều quá hiếm. Ngay ở Trái đất cũng tồn tại các “nhóm tác chiến” xoay quanh tàu sân bay hạt nhân, có khả năng cơ động ứng phó với những tình huống khác nhau. Hơn nữa, ba trăm hai mươi tàu, thêm cái dinh bay này là ba trăm hăm mốt, không phải là con số nhỏ. Nó từng nghe nói về một chỉ huy người Trung Quốc triều Minh đã dẫn hạm đội ba trăm tàu đi viễn chinh nhiều vùng khác nhau, cũng như một nữ tướng cướp có xêm xêm từng đó tàu và vài vạn thuộc hạ xưng bá vùng biển Đông ở đầu thế kỷ mười chín, nhưng… Được trực tiếp chứng kiến thế này thì quả thực lần đầu tiên.



Mỗi đội nhỏ như vậy, được gọi là “Hải đoàn”, có tàu chỉ huy riêng. Các tàu này thường di chuyển ở trung tâm cùng một nhóm thân quân, đưa lệnh xuống những tàu cấp nhỏ hơn. Một Hải đoàn hình thành từ nhiều Hải đội, với quân số dao động từ một đến mười tàu mỗi đơn vị kiểu ấy. Tàu chỉ huy Hải đoàn cũng trực tiếp quản lý Hải đội riêng, nên chính xác một Hải đoàn sẽ gồm năm hải đội, mỗi nhóm chín thành viên với kỳ hạm đi giữa. Thay vì đội hình hình thoi, họ lại bay thành dạng kim tự tháp, với tuần dương hạng nặng đi đầu, sau đó là tuần dương hạng nhẹ và khu trục bọc hậu. Tàu chiến lớn, thường nắm quyền chỉ đại, di chuyển ở trung tâm. Năm tam giác cơ động trong thế trận dấu cộng hình thành Hải đoàn, bản thân các hải đoàn lại tạo thành những phần của hình kim xương hướng mũi ra trước này.



Tàu cứ đi.



Viêm không hề biết ở những nơi khác, tình hình diễn ra thế nào. Nhưng nhìn ào việc đội hình duy trì thế này, cô bé nghĩ chắc sẽ ổn thôi. Hồng Ma có cột buồm rất cao, cao ngang với một chiếc chiến hạm Đế quốc dựng đứng, nên tầm quan sát tốt hơn hẳn. Từ đây trông ra, cảnh vật đẹp vô cùng. Mây trắng bay bồng bềnh xung quanh – nó chưa từng biết mây có thể thấp tới vậy – gợn lên như lớp sóng cồn giữa đại dương, trong khi mũi tàu vẫn cứ thế mà rẽ qua lớp sương trắng phau phau này, thẳng tiến về trước. Các tàu duy trì khoảng cách với nhau rất rõ ràng, khoải vài cây, có lẽ để khi rẽ thì không va đụng chăng? Chắc thế, nó nhớ lại, tàu chiến thường có bán kính xoay rất lớn. Không như xe máy, xe hơi ôm cua rất gọn, tàu muốn quành sẽ phải đánh vòng rất to, cũng như phụ thuộc vào kích cỡ và tốc độ nữa.



“Tốc độ hành trình”, một trăm năm mươi lý mỗi giờ.



Tuy có kích thước ngoại cỡ, Hồng Ma lại bay khá nhanh, thậm chí ngang với tuần dương hạng nhẹ ở mức di chuyển đường dài. Dĩ nhiên tốc độ này vượt xa so với thiết giáp hạm, vốn chỉ có khả năng đi đường dài ở tầm một trăm ba mươi. Chênh lệch hai mươi lý mỗi giờ chắc chắn không phải trò đùa, nhất là nếu đổi sang cây số. Viêm vẫn nhớ một lý của Thủy Tinh tương ứng một hải lý trên trái đất, là một ngàn tám trăm năm mươi hai thước, nên sự nhanh chậm này thực sự là vấn đề lớn. Các tàu phía sau sẽ khó bắt kịp nhóm chỉ huy trung tâm này, họ cũng có khả năng sẽ tông phải tàu đi trước. Đặc biệt với cái pháo đài bay này, việc va chạm với đồng minh chẳng khác gì húc chìm người ta.



Bởi thế mà khi yêu cầu chuyển sang trận thế kim cương, Giao Long ra lệnh tất cả tàu vào “tốc độ phòng không”. Hồng Ma nói đó là vận tốc khi các chiến hạm di chuyển trong hình dáng này, một chiến thuật tăng cường khả năng tác chiến đối không đã được dùng từ khi lũ wyvern còn là vấn đề lớn, và sau đó là các pháp sư bay. Hiện tại, bất kể tàu nào, họ cũng đi với mức một trăm lý, tương đối chậm kể cả với thiết giáp hạm cồng kênh, chậm chạp, nhưng lại lý tưởng với việc không phải bay quá nhanh. Dù sao thì ngày hăm chín mới phải tiến hành duyệt binh, hôm nay mới sáng hăm sáu nên chẳng lo lắm. Đặc biệt, Giao Long chắc chắn đã có “đối sách” cho chuyện này.



Trên ngai vàng, Giao Long ra lệnh:



– Báo cáo tiến độ.

– Vâng! – Oa Lân đáp ngay – Hiện chúng ta đang duy trì độ cao bốn ngàn, tốc độ một trăm theo hướng Bắc – Đông Bắc, hướng đi mười độ sang cánh phải! Với tiến trình này, dự đoán hạm đội sẽ tới cảng quân sự Kẻ Chợ vào khoảng tám giờ tối nay!

– Bây giờ là?



Nhìn lên đồng hồ treo tường – Hồng Ma vẫn có vài cái như thế – Rồi lại lấy đồng hồ quả quýt trong túi áo ra đối chiếu, Oa Lân nói:



– Thưa, mười giờ hai mươi sáu phút sáng!

– Vậy đi trong khoảng…



Bấm ngón tay, Giao Long nhẩm tính.



– Hơn chín tiếng rưỡi nữa. Không nhanh lắm, mà kệ. Ông già chắc cũng tầm đó mới tới.



Rồi dừng một chút, cô nói:



– Bật đài lên. Coi tình hình sao rồi. Chỉnh kênh liên lạc toàn tàu, để nội bộ nghe thôi.

– Vâng!



Vừa dứt lời, Oa Lân liền cúi xuống, lôi trong bàn ra chiếc đài vô tuyến cũ kỹ, không biết từ cái thời nào. Nói là “chiếc” nhưng thực ra nó lại gồm hai máy riêng rẽ đặt chồng lên nhau trên chiếc kệ sắt, với cái tên là máy nghe băng có cả chỗ gắn băng đài vào, nhiều núm vặn cùng tấm bảng hiển thị dải tần số, trong khi mấy dưới có nhiều nút gạt hơn, viết bằng tiếng Đức, hay Valhöll gì đó. Chúng nối với nhau bằng hàng tá các sợi dây cắm phía sau, cái máy dưới còn có ăng ten để nghe riêng. Hàng đống dây nhợ lòng thòng như dây leo trong rừng làm Viêm nhìn muốn hãi, nhưng đó không phải là chuyện duy nhất.



Lấy đống ấy xong rồi, Oa Lân còn mang thêm một chiếc bàn xếp từ trong hộc ra. Thực tình, Viêm tự hỏi cái bàn liên lạc đó thiết kế ra sao mà phía trong nhét được lắm thế! Cồng kềnh, rườm rà, thuyền phó phải mở bung bàn xếp trước, sau đó để cái đống máy móc kia lên. Tiếp theo, cô cắm dây nó vào đống máy móc liên lạc. Con bé sững người, hóa ra chỗ đó cũng có giác cắm cơ á? Nó cứ ngỡ chỉ là mấy ống đồng với tai nghe thôi, hóa ra còn có cả trang bị điện tử sao? Khó tin thật, nhưng… ở một thế giới có động cơ hợp hạch mà vẫn phải dùng súng trường bắn phát một thì cái gì chẳng xảy ra được chứ? Thậm chí giờ họ có lôi được cái máy tính của Charles Babbage nó cũng chả sốc nữa đâu.



– Máy tính vi sai dùng bảng giấy đục lỗ à?



Giọng thuyền trưởng vang lên ngay trong đầu! Giật mình, Viêm quay sang nhìn thì thấy Giao Long đang nhếch mép nhìn nó. Rồi con bé lại nghe tiếp cái âm thanh như người chết thều thào bên tai đó:



– Loại đồ cổ hóa thạch sống đó chỉ còn trang bị trên mấy tàu dân sự cũ và tàu nhỏ thôi, chứ chiến hạm chuyển sang dùng máy tính cơ – điện tương tự rồi. Bọn ta không thể điều khiển hỏa lực từ xa bằng mấy miếng bìa cạc tông được, nhóc thấy đấy? Không phải cứ thế giới hơi nước là phải bám rịt lấy mấy thứ đó. Hơi nước là vận động, vận động là phát triển. Giậm chân một chỗ riết sẽ chết thôi. Tới con cá còn phải bơi mà.

– Dạ… Mà máy tính… “tương tự” là cái gì vậy ạ?

– Không biết, bỏ qua.



Lần đầu tiên Viêm thấy Giao Long bỏ không trả lời!



Nhưng ngay lập tức, cô trả lời nó, nhưng với một câu hỏi khác:



– Nếu ta hỏi nhóc máy tính xách tay là gì thì có trả lời được không?

– Dạ, thì… Máy tính xách tay là máy tính xách tay ạ?

– Thì máy tính tương tự là máy tính tương tự thôi. Chứ ta cũng chả biết nghuyên lý hay cách chế tạo đâu. Điều nhóc hỏi ta giống như đi hỏi một đứa cả đời lái tàu về nguyên lý chi tiết của công nghệ thông tin vậy, hiểu chứ? Có nhiều thứ ta không biết lắm.

– Èo…

– Ý gì đó?

– Thì… con nghĩ cô là… biết mọi thứ chứ?

– Ta không phải cái wiki. Thứ ta không biết nhiều hơn vài tỷ lần thứ ta biết, đó hoàn toàn bình thường. Nói mình không biết lại nhẹ nhàng hơn cứ phải vòng vo, chém gió.

– Cô không ngại nói thẳng nhỉ?

– Sao phải ngại? Không biết chả có gì xấu hổ, xấu hổ là khi nhóc không biết mà vẫn không chịu học. Cái đó mới đáng cười vô mặt.



Nói đoạn, Giao Long dừng lại. Cùng lúc đó, Oa Lân đã chuẩn bị đài xong. Chỉnh tần số, cô nối dây với máy phát thanh, và cả tàu cùng nghe.



Đó cũng là lần đầu trong đời Viêm được biết cảm giác nghe đài qua radio là thế nào.



Tiếng máy rè rè, nhưng vẫn đủ nghe rõ, qua hệ thống loa phát thanh lại càng tốt hơn. Bản tin họ nghe nói về việc các hạm đội đã bắt đầu di chuyển. Sáu giờ sáng hôm nay, tại vùng Linh Giang, đơn vị dưới quyền Tổng lãnh Trịnh Hồng Đức đã đồng loạt nhổ neo, tiến thẳng xuống Đông Kinh. Lực lượng của họ bao gồm ba trăm bốn mươi tàu, với tổng quân số vào khoảng một triệu thủy thủ, sĩ quan và học viên năm cuối. Đồng thời, ở miền U Minh, đơn vị thuộc Tổng lãnh Giao Long đã bắt đầu hành trình. Theo tiến trình hiện tại, dự đoán nhóm quân của Không Hạm đội 2 sẽ tới vào khoảng giữa giữa trưa tới đầu giờ chiều, trong khi Không hạm đội 6 có thể sẽ đến chiều tối mới hạ cánh.



Tiếp tục thông tin, việc chuẩn bị cho cuộc diễu binh kỷ niệm mười năm Hoàng đế Mạc Thiện Tông lên ngôi cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn chờ đợi chính thức khai mạc. Các Đại sứ đồng minh đã đến chúc mừng từ sớm, đồng thời nhiều tàu bắt đầu tiến vào không phận Đế quốc từ phía Tây. Xác nhận hạm đội Novgoroussiya đi vào hướng Tây Bắc qua vùng Viễn Tây, đã báo cáo hành trình, trên tàu có cả Hoàng đế Pyotr IV cùng gia đình hoàng tộc. Valhöll cũng đã phát tín hiệu đang vào tại vùng ranh giới Bồn Điện – Viên Tây, dự kiến sẽ hạ cánh trong một đến hai ngày nữa. Hoàng đế Friedrich III cùng Thái tử và Công chúa sẽ đến. Đây là lần đầu tiên Thái tử Valhöll có chuyến công du nước ngoài chính thức từ khi được chọn cho ngai vị này, vì vậy đôi bên đều tỏ ra vô cùng quan tâm tình hình hiện tại.



Đồng thời, trên đài còn đưa tin, các Tổng lãnh khác sáng nay cũng rục rịch di chuyển. tất cả họ đều đi trên kỳ hạm, không người nào dùng xe lửa hay tàu bay thương mại để đến Đông Kinh. Mỗi người đưa theo khoảng chục tàu hộ tống, đồng loạt xuất hành lúc sáu giờ sáng, như thể có hẹn trước. Đi chuyến này không chỉ các Tổng lãnh mà có cả gia đình họ, đến tham dự lễ kỷ niệm và buôi duyệt binh. Không hạm đội 1, nơi Tổng lãnh Tây Việt là Tham mưu trưởng, sẽ thực hiện nhiệm vụ cảnh giới toàn vùng Đại Việt. Trong đó, Hải đoàn Cơ động 1, lực lượng hạt nhân của Không Hạm đội, sẽ do chính Thái tử trực tiếp chỉ huy, bảo vệ không phận Đông Kinh và tỉnh Đông Đô cho sự kiện này.



Những tin vào dạng tuyệt mật thế này không bao giờ có thể nghe được trên báo đài dân sự bình thường. Chỉ trên tần sóng quân sự, băng tần dành riêng cho lực lượng vũ trang, mới được phát. Quân đội Đế quốc có trạm phát thanh, kênh liên lạc lẫn hệ thống bưu chính viễn thông riêng, không dùng chung với bên công an hay dân sự. Giao long cũng không cho phát sóng hết hạm đội, cô lo rằng nếu truyền diện rộng như thế có thể làm lộ dải băng tần và gián điệp bắt được. Tuy không biết có gián điệp nào gan to đến mức mò lên các tàu khác hay không, cô vẫn phải đảm bảo sự an toàn.



Vả lại, bây giờ đang bay trên khu dân cư. Dù tỷ lệ cực kỳ nhỏ, ẫn có khả năng có đứa bé nghịch ngợm nào đó xoay núm dò đài linh tinh mà bắt trúng vào đài quân đội. Rất khó, nhưng không phải không thể. Các radio đời mới không còn, nhưng loại cũ xì như cái Hồng Ma dùng hoàn toàn có thể tóm được với kha khá nhân phẩm. Một bộ trộn sóng cồng kềnh, phức tạp, hàng đống thao tác để chỉnh đúng tần số, và sự may mắn ngất trời để dò trúng chính xác dải ấy trong hàng đống những thứ tạp nham được phát ngụy trang. Các máy mới đã bỏ luôn tần số quân sự, cũng như thiết bị cần để thu được. Chính là cái thùng lớn bên dưới, chuyên dùng xử lý sóng cao tần, không có nó thì nghe đài nào cũng chỉ được tiếng rè rè như máy hư.



Tiếp tục nghe, radio phát về tin phổ thông. Lúc này Giao Long bảo Oa Lân ngắt phát sóng toàn tàu, chỉ để nội bộ trên này nghe. Âm lượng cũng được vặn xuống mức nhỏ nhất. Dường như cô ta định nghe một mình, không có ý định cho các bộ phận khác biết. Thuyền trưởng bảo thủy thủ đoàn chỉ cần biết chuyện quân đội là đủ, mấy cái linh tinh khác không cần nghe, ảnh hưởng chuyên môn. Lý luận không hợp lý lắm nhưng có vẻ rất thuyết phục, Viêm cũng không biết nói sao. Con bé cũng ngồi yên.



Điều đầu tiên chính là một đoàn thám hiểm thuộc Đế quốc Hy Brasil công bố việc mình vừa tìm được di tích một thành phố cổ đại ở thời kỳ tiền Tây hóa nằm sâu trong khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, cách thủ đô bọn họ khoảng hai ngàn tám trăm cây về phía Tây Bắc. Thành phố được xây dựng theo kiến trúc tập trung, với một quảng trường trung tâm lớn ở giữa cùng các dãy nhà dài xung quanh. Kiến trúc xây dựng giống như những khu tập thể mái bằng, bốn dãy quây quần thành hình vuông, chính giữa có khoảng sân rộng để đón nắng.



Các công trình lớn bao gồm một cung điện đã sụp đổ phần lớn, hai ngôi đền nằm đối diện nhau qua trục đường cái và đền thờ chính lớn hơn, ở cuối đường, nơi ước tính độ cao có thể lên tới hàng trăm thước. Tất cả đền đều bị cây xanh bao phủ nên việc kiểm tra chi tiết vô cùng khó khăn, tuy nhiên các nhà thám hiểm đã phát hiện được nhiều tượng Kukulkan – vị thần rắn cánh chim trong truyền thuyết của người bản địa. Chỉ còn ba khu nhà nguyên vẹn, trong đó không còn đồ đạc gì trừ vài món tạo tác bằng gỗ đã phân hủy mục rữa, dây leo chằng chịt chùng rễ cây cổ thụ bao phủ như bầy trăm.



Theo điều tra sơ bộ, kiến trúc này thuộc về nền văn minh Aztan, hậu duệ cũa đế chế huyền thoại Imperium Gatlantus theo truyền thuyết đã biến mất vào hơn mười ngàn năm trước lịch Tây. Các vật tạo tác bằng tumbaga được tìm thấy trong đền thờ cho thấy nó chưa bị các đội quân thực dân Portugale đánh chiếm, và có vẻ thành phố bị bỏ hoang do nguyên nhân tự nhiên hơn là chiến tranh. Các bàn buộc dây, cách “ghi chép” sự kiện của chủng tộc Aztan, đã cho thấy khoảng năm trăm năm trước khi những đoàn tàu phương Tây đầu tiên tới, một dịch bệnh kinh khủng đã tàn phá nơi này, khiến thành phố mất hơn chín phần dân cư. Những người còn lại buộc phải bỏ đi. Hiện vẫn chưa biết làm cách nào những đoạn dây màu mảnh lại có thể tồn tại lâu tới vậy, tuy nhiên xem xét điều kiện chúng được tìm thấy, một chiếc rương đá lèn chặt bên ngoài, có thể đã giúp việc phân hủy không thể diễn ra.



Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy tàn tích một nghĩa trang tập thể cực lớn, với ước tính ba mươi ngàn bộ xương người được chôn cùng nhau trong những chiếc “quan tài” làm từ vỏ cây bào mỏng, buộc bằng dây thừng và phủ bùn kín bên ngoài. Có nhiều ghi chép của các Chinh tướng cho thấy đó là cách dân Aztan xử lý những xác chết do dịch bệnh, với quan niệm cho rằng bùn tươi trong rừng có thể khiến “con ma” hây bệnh không thể thoát ra.



Theo khám nghiệm ban đầu, đa số người qua đời có tuổi thọ dao động từ hai mươi tới ba mươi sáu, thấp hơn mức tuổi trung bình của người Aztan, vốn lên đến sáu mươi vào thời hoàng kim. Có nhiều di cốt trẻ em được khai quật, chiếm khoảng hai mươi phần trăm tổng số người chết, trong khi đó người lớn tuổi lại không có nhiều, chủ yếu thuộc vào tầm chín mươi trở lên, và chiếm tỷ lệ thấp. Theo công bố ban đầu, bên nghiên cứu cho rằng khả năng cao người Aztan bỏ rơi thành phố là do lứa trẻ chết quá nhiều, khiến dân số không thể khôi phục, buộc họ phải tìm một nơi sống khác.



Đến đó, Giao Long cho tắt đài. Bản tin quan trọng đã hết, và cô biết sau tin thế giới, sẽ chỉ là những vụ nhàm chán tương tự như các đài khác. Dù thuộc quân đội, họ vẫn phát các bản tin phục vụ nhu cầu giải trí đời thường của quân nhân. Thuyền trưởng không hứng thú với mấy điều đó. Cô đã có quá đủ tin “đời thường” với báo chí và các kênh truyền thông dân sự rồi. Ngay cả chính trị cũng vậy. Mà chính trường gần đây cũng ít sóng gió, không còn thấy nhiều vụ làm chao đảo thiên hạ nữa. Nếu lớn lắm thì là tin Yamato đang bí mật đóng tàu chiến mới, mà cái đó cô cũng biết lâu rồi. Giờ chỉ hóng vụ radar với kết giới hoàn tất thôi.



Ngả người trên ngai, thuyền trưởng lại thiu thiu ngủ.



Đứng cạnh Viêm, Hồng Ma bất thình lình đưa vạt áo choàng ra trùm con bé. Bất ngờ, nó định xông ra, nhưng trong màn đêm ấy, nhỏ lại nghe tiếng bà già rất rõ:



– Từ từ, nói chuyện chút chứ?

– Dạ?



Viêm lắc lắc đầu. Không phải con bé từ chối, nó chỉ đang ngạc nhiên khi nghe giọng Hồng Ma vọng đến từ khắp nơi trong này. Vạt áo tối om, không thấy nổi dù chỉ tia sáng lẻ loi, nhưng lạ lùng thay nó lại không thấy sợ. Lùi một chút, nhỏ đựng trúng thứ gì đó, chắc là đôi giày. Lấy tay lần mò, nhỏ chắc chắn nó đang rờ vô chiếc giày da, cao hơn là ống quần dài may bó sát. Bắp chân thật đẹp, cong cong nhưng không béo ú, mượt như siêu mẫu. Nhỏ nghĩ thế, rồi bất thình lình dừng lại. Dù có thế nào đi nữa, đây cũng là bên trong áo Hồng Ma. Nghĩa là… nó vừa sờ mó chân cô ta? Và còn nghĩ bậy? Được rồi, thế này kinh dị trên hơi bị nhiều cấp độ!



Đưa tay xoa đầu Viêm, Hồng Ma, bằng cách nào đó, nói trong tấm áo:



– Ta nghe thấy hết đấy, đừng có quên, ư phư phư phư!

– Dạ… Mà cô cũng nói được vô đầu người ta ạ?

– Làm quái gì! – Hồng Ma gạt phăng ngay – Ta là ma, nhớ chứ? Thứ cô hồn dã quỷ gì mà không làm được trò truyền âm này? Biết nhà ma ám không? ừ, tụi nó cũng làm trò này hù người đó!

– Vậy là, vì cô là “cô hồn dã quỷ” nên mới dùng được? Ngoại cảm ạ?

– Không hẳn. Chỉ là ta có thể điều hướng âm thanh chút đỉnh, tạo hiệu ứng thôi, hiểu chứ? Thay vì nói trực tiếp thì ta hướng nó vô trong này, và chỉ nhóc mới nghe được.

– Ưm, khó hiểu quá…

– Chính ta còn thấy lấn cấn mà! Nhóc biết đó, còn nhiều thứ khoa học chưa giải thích được lắm, nên cứ tạm coi là “ma thuật” hay cái gì đó huyền bí đi! Đám bọn ta ra câu đố, để đó tương lai mấy đứa giải, ga ha ha ha ha!

– Ư…



Nghe xong mấy điều đó, Viêm thực chẳng muốn nói nữa. Nếu cái gì cũng lấy khoa học ra mà giải thích thì còn gì vui nữa? Nó muốn thế giới phép thuật, thế giới kiếm và ma pháp, chứ không phải thế này. Một nơi mà mọi ảo tưởng hoang đường nhất có thể thành hiện thực, vùng đất có những anh hùng mang kiếm diệt quỷ vương, những pháp sư xinh đẹp, các ma thuật cầu kỳ đủ màu sắc, hay chỉ đơn giản là cuộc sống thôn quê khỏi lo khỏi nghĩ,… Chứ ma pháp lý giải bằng khoa học thường thức thì còn gì hay?



Ngay lúc đó, Hồng Ma lại xoa đầu Viêm. Cô hỏi nó:



– Nhóc nghĩ vì sao bọn ta phát triển công nghệ?

– Bữa cô nói rồi mà? – Nó ngạc nhiên – Để cân bằng sức mạnh… gì đó?

– Đúng vậy, để cân bằng. Nhưng không chỉ vậy.



Hồng Ma nói, ở trên tàu người ta ít có quan tâm tới mấy chuyện này, ngay con gái cô cũng chỉ cắm mặt vào trau dồi kiến thức nên muốn có người nói chuyện rất khó. Giao Long lại quá kín tiếng, kể cả có đánh lời trước, nếu không thích cô ta sẽ từ từ hướng cuộc nói chuyện vào ngõ cụt. Đám trẻ Hương Hương, Masami lại có cách nhìn khác, họ quan tâm tới hiện tại hơn căn nguyên. Mấy thi quỷ rất lười quan tâm điều này, chúng nó chết cả rồi nên có ra sao cũng mặc kệ. Bà già cũng chẳng biết phải tìm ai nữa, vì ngay chính vợ cũng chẳng hứng thú cơ mà!



Rồi sau đó, Viêm xuất hiện. Hồng Ma thấy con bé như một “người bạn nhỏ”, một “đồng chí tí hon”, khi cảm nhận được sự đồng điệu trong sở thích của hai người. Bà già khú đế và con bé chưa trải đời, hai thế hệ xa lắc xa lơ, nhưng lại chung niềm hứng khởi với những khám phá khoa học, những phát kiến mới, ham muốn tìm hiểu những thứ chưa biết. Tuy Viêm hay tỏ ra lảng tránh điều đó, tự cho rằng bản thân yêu thích thế giới giả tưởng Trung cổ phiêu lưu ly kỳ hơn, nhưng điều đó không giấu được những cảm xúc thực sự mà nó hiển hiện hết ra mặt mỗi khi biết được những thứ mới mẻ, hiện đại của thế giới này.



Thứ Hồng Ma nhìn thấy ở nhỏ, chính là “bằng hữu”.



Đặt bàn tay ấm áp lên vai con bé, Hồng Ma nói, dịu dàng như người mẹ tâm sự với con mình:



– Công nghệ phát triển để cải thiện đời sống, thúc đẩy xã hội đi lên, chứ chả đơn thuần là phá mất những giá trị xưa cũ. Đúng là sẽ có người vỡ mộng, muốn tìm về quá khứ, khi thế giới còn đơn giản, nhưng không bao giờ có thể. Họ sẽ phải chọn, hoặc chấp nhận xã hội và đi lên cùng nó, hoặc chối bỏ và bị đào thải.

– Là sao ạ? – Con bé bàng hoàng, không hiểu.

– Tăng năng suất hoạt động, khả năng đi lại, tạo thành những thiết bị mới, nâng cao nền kinh tế, thúc đẩy y học, vô tuyến viễn thông, thậm chí đơn giản nhất là cái bóng đèn điện cũng từ công nghệ mà ra! Đi cùng nó là những người hưởng lợi, mong muốn sở hữu thêm, có nhiều thêm, nhưng cũng có kẻ ghét bỏ, từ chối! Như là… ví dụ thế này có hơi kỳ, nhưng vầy ha?



Hồng Ma bắt đầu nói. Một nhà máy dệt có một trăm công nhân, trong một tháng làm ra mười ngàn thước vải. Ông chủ thấy năng suất thế không ổn, thu lời chẳng bao nhiêu mà còn phải trả lương cho công nhân. Rồi tự nhiên có ai làm ra cái máy dệt vải, chạy bằng sức nước thôi, cho năng suất cũng mười ngàn mét vải một tháng nhưng chỉ cần mười người vận hành.



Chủ xưởng sướng quá, quyết định giảm số nhân công xuống. Những người bị sa thải đó không nghĩ tới các lý do sâu xa, chỉ thấy rằng vì cái máy mà mình mất việc, nên phá. Thế là chủ kiện tất cả ra tòa, đám công nhân bị ngồi tù vì tội phá hoại tàn sản. Trong khi đó, ông ta nhận thấy tiềm năng kinh tế của nó, lại mua thêm máy và tuyển mộ nhân lực mới. Cứ mười người một máy, sản lượng vải ra gấp mười lần. Sau lại ra máy dệt chạy bằng hơi nước, mười người vận hành nhưng một tháng có thể tới một trăm ngàn thước. Vải dệt ra ngày càng nhiều, vì làm dễ và nhanh, lại đầy ra nên giá trị hàng giảm, người tiêu dùng mua được nhiều hơn. Cứ thế, từ một ví dụ như vậy, nhân rộng ra toàn xã hội, sẽ thấy công nghệ phát triển góp sức lớn thế nào cho sự phát triển của thế giới.



Đặc biệt, đối với Thủy Tinh, nơi sự phân hóa sức lao động giữa các chủng tộc cực kỳ lớn, thì nó lại càng cho thấy rõ lợi thế. Điều này không cần phải nói nhiều.



Kết thúc, Hồng Ma bảo, công nghệ phát triển thực sự đã làm mờ khoảng cách thực lực giữa các chủng loài. Vài trăm năm trước, không ai nghĩ mình có thể dùng tàu chiến tuyến để chống lại rồng, thì ngày nay cả rồng cổ đại trí khôn đầy mình cũng bị tuần dương nện tan xác pháo. Những công trình vĩ đại nếu không phải do các tộc cao lớn, khỏe mạnh xây dựng thì có thể mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới xong, giờ có thể hoàn thành chỉ trong mấy năm, mấy tháng ngờ máy móc cơ giới.



Và dù vậy, Hồng Ma bảo, không có nghĩa những chuyến phiêu lưu thám hiểm đã kết thúc.



– Thế giới rộng lớn lắm, còn chúng ta thì bé xíu.



Vuốt tóc Viêm, cô thỏ thẻ.



– Nãy nhóc nghe đài rồi phải không? Một đoàn thám hiểm đã tìm được tàn tích thành phố cổ đại. Trên khắp Thủy Tinh, các di chỉ bí ẩn, hang động tuyệt đẹp đang ẩn mình hay mấy hố xanh đại dương vẫn còn rất nhiều, chúng ta chưa biết hết được!

– Còn nữa ạ?



Viêm hỏi. Nhưng rồi nó nhận ra, cũng như Trái đất, nơi đây nhất định vẫn còn nhiều bí ẩn chưa thể khai phá hết. Các quốc gia trên giấy tờ đã ăn chia nhau lục địa kín hết, nhưng lãnh thổ của họ thực sự bao gồm những gì thì có khi ngay chính các nguyên thủ cũng bó gối không biết. Rừng cây, Hồng Ma nói, vẫn đang che phủ hầu hết những vùng đất bằng phẳng, nơi xã hội văn minh chưa vươn được tới. các sa mạt rộng lớn mênh mông, với những đụn cát vĩ đại, chính là tàn dư của thời gian trôi qua, nuốt chửng mọi thứ từng tồn tại. Đại dương xanh thẳm kia nhìn có vẻ hiền hòa lắm, nhưng kỳ thực nó lại chính là con quái vật đã hủy diệt không biết bao nhiêu đô thị, quốc gia ven biển. Các tàn tích từ ngàn xưa ấy vẫn đang ngủ yên, chờ người khai phá.



Không phải tự dưng Giao Long cho đài tiếp tục phát việc tìm thấy dấu tích nền văn minh cổ đại. Cũng như hôm qua, cô ta đã cố tình mang tờ báo có tin khảo cổ lên đây. Hồng Ma không nói ra, nhưng cô biết vợ mình đã nhìn thấu tâm can Viêm, biết những chuyện con bé phiền lòng, điều nó không vui, và bằng cách này, tạo thành động lực để nó phấn đấu. Chẳng nói thành lời, nhưng đã ở chung từ bé, bà già biết vợ có ý thế nào. “Thế giới này rộng lớn lắm, và còn nhiều thứ chưa biết tới”, cô ta ngầm nói với Viêm như thế. Và nhìn biểu hiện của con nhỏ lúc nghe tin – sững người, rồi sung sướng, tròn xoe mắt, cuối cùng chính là hí hửng đến chỉ muốn bật thành lời, Hồng Ma biết cá đã cắn câu.



Cúi xuốn, người phụ nữ tóc đỏ từ tốn bảo:



– Thủy Tinh có thể đã không còn Công hội, mạo hiểm giả hay những trò như xách kiếm thánh đánh quỷ vương, nhưng vẫn còn rất nhiều nhà thám hiểm sẵn sàng dấn thân vô mấy nơi chưa ai biết tới, để mang chúng về với ánh sáng văn minh! Họ là những là thám hiểm, vạch trần bức màn che qua các kỳ quan ẩn mình, để khiến thế giới phải trầm trồ trước sự nguy nga, vĩ đại của thiên nhiên, của người xưa.

– Ý cô là, những nhà thám hiểm kiểu đi rừng hay dò tìm hang động ạ?

– Ừ, những người như vậy.



Dừng chút, Hồng Ma nói:



– Ta không muốn cà khịa, nhưng nếu so sánh giữa những người sẵn sàng dấn thân đi tìm hiểu thế giới, di tích hay kỳ quan thiên nhiên với cái kiểu xách kiếm chém goblin trong light novel, ta sẽ tôn trọng cái trước hơn. Không phải ta không biết tầm quan trọng của việc thảo phạt, nhưng nếu chỉ một màu, nhạt nhẽo như vậy thì đó chẳng phải ‘con người” nữa, mà chỉ là mấy hình tượng được tác giả vẽ ra bằng con chữ, với nhân cách và hướng phát triển nghèo nàn, động cơ hành động không có gì thú vị! Nó… chà, sẽ đụng chạm đấy, nhưng ta nói thật, đọc chán lắm!

– Thì chán thiệt mà? Mấy chương đầu xây dựng thế giới rõ hay, về sau cứ mê cung, mê cung và mê cung! Giống như hết ý tưởng vậy ạ! Con muốn thế giới mở, muốn tự do cơ, chứ cứ bó buộc vô chuyện đi móc cống đó đọc nản!

– Xem ra ta không cô độc nhỉ?

– Dạ… Chắc vậy ạ?

– Hê, rõ rồi còn gì?



Vậy là giờ Viêm đã biết thêm chút. Thủy Tinh không còn mạo hiểm giả. Cái cách Hồng Ma dùng từ “không còn” chứ chẳng phải “không có” làm nó ngờ ngợ, lẽ nào trước đây từng tồn tại? Mấy thông tin lịch sử này tạm thơi Viêm chưa có nhiều, nên định sẽ tìm hiểu sau. Có lẽ giờ nghỉ trưa, nó sẽ hỏi Mộc Ma sau. Còn bây giờ, cứ tiếp tục nghe và học đã.



– Kể con thêm… chút xíu về mạo hiểm giả được không ạ?

– Thêm à? Nãy đứa nào mới định giờ trưa hỏi Mộc Ma đó?

– Thì… thêm xíu hui mừ…



Không nhìn thấy, nhưng Hồng Ma biết Viêm đang phụng phịu má làm nũng! Con bé đã tới thế rồi, thì chẳng lý do gì mà không nói. Cũng chẳng chết ai, có phải chuyện quốc gia đai sự gì đâu?



Thủy Tinh bây giờ không còn là thế giới trung cổ ngày xưa nữa. Không còn nhu cầu cho các đội “lính đánh thuê” cỡ nhỏ. Không nghe nhầm đâu, tại thế giới này, người ta gọi mạo hiểm giả nói chung là lính đánh thuê, còn Công hội thực chất là cơ quan quản lý của Nhà nước, đưa ra các nhiệm vụ cùng mức phí, thù lao riêng. Cũng không có chuyện chia hạng cụ thể, chỉ đơn giản là ai nhắm làm được thì giật lấy mà đăng ký thực hiện.



Các nhóm nho nhỏ kiểu này từng thịnh hành vào thời kỳ thành bang Sơ kỳ Trung cổ, khi “quốc gia” vẫn còn là một mớ hỗn độn những lãnh chúa tranh quyền đoạt vị, nội chiến liên minh, khiến dân nghèo thường phải làm cướp kiếm sống qua ngày. Cho tới giai đoạn Hậu kỳ, tức các nước đã hình thành cơ bản hoàn chỉnh, thì những đội quân đánh thuê quy mô lớn vài trăm, vài ngàn người đã khiến kiểu tổ đội bé bé xinh xinh kia hết thời. “Ma vương” cũng tăng cường vũ trang, phong vệ, và không như trong light novel nơi nhóm anh hùng đánh lên như chẻ tre, ở đây chuyện nhóm ba bốn thành viên đối đầu cả một vương quốc chẳng khác gì tự sát. Kể cả rồng cũng không chơi ngu thế.



Ngày nay, những “nhà thám hiểm” đích thực, được gọi bằng thuật ngữ tiếng Albion “explorer”, mới chính xác làm các công việc mạo hiểm, phiêu lưu. Họ tìm các di chỉ cổ đại, các kỳ quan thiên nhiên hay mấy khu vực “bí hiểm” trong rừng, trên núi, hang động hay dưới lòng biển sau, sau đó báo cáo vị trí lại cho chính quyền. Đoàn thám hiểm thường được tài trợ lớn bởi công ty tư nhân hay Chính phủ, cá biệt có trường hợp tư nhân tự dốc túi bỏ tiền. Họ làm trước hết vì khoa học, sau đó mới tới tiền nong. Giới khảo cổ, sinh học, địa chất rất ưa đi cùng những đoàn thế này, vì thường họ có quy mô lớn, tài chính rõ ràng, giúp chuyến đi dễ thở hơn.



Công việc của nhà thám hiểm cũng không phải đánh quái, tàn sát goblin vô tội hay cố hết sức lật vua hợp pháp của một nước như “cái bè lũ nào đó”, mà họ thực sự thám hiểm. Đo đạc, lấy mẫu, đánh dấu tọa trên bản đồ, chụp hình, vẽ phác họa, mang hiện vật về nghiên cứu, báo cáo chính quyền, tổ chức họp báo trả lời cánh săn tin,… đủ thứ để làm chứ không đơn giản như mạo hiểm giả muốn đi đâu thì đi. Đoàn thám hiểm cũng không “sướng” tới mức chỉ cần chìa giấy phép là có thể xuất nhập cảnh thoải mái: Họ phải có hộ chiếu, visa, giấy phép hành nghề, giấy tờ đặc thù của cơ quan chính quyền những nước có liên quan, rồi các thứ hợp đồng, bảo hiểm này nọ. Chi phí một chuyến đi có thể lên tới bạc triệu, dĩ nhiên tính bằng đồng bảng Albion, loại tiền có giá nhất hiện tại với một bảng bằng ba quan Đế quốc.



Như đoàn trên bản tin vừa nãy, họ đươc tài trợ bởi Chính phủ Albion và cả Hy Brasil, số tiền đổ vào không nhỏ. Với những vùng đặc thù như khu rừng mưa nhiệt đới đó, không thể tới bằng đường bộ thông thường, mà phải dùng thuyền nhỏ đi sông. Đồng nghĩa với việc họ phải đối diện với cá sấu và trăn khổng lồ, mấy thứ coi yêu ma cũng chẳng khác bữa trưa là mấy. Vài vùng khác phải di chuyển bằng tàu bay mới tới được, như hai vùng cực, bay xuyên biển để tránh hải lưu. Nơi nguy hiểm như sa mạc cũng vậy, các loài sâu cát khổng lồ sẵn sàng tử chiến với rồng nếu cần thiết. Các khu di chỉ lại có thể có bẫy treo, bẫy ngầm các thứ, cơ chế phòng ngự bằng ma pháp cổ đại đã thất truyền, sẵn sàng tấn công. Vì vậy nếu so về sự nguy hiểm trong công việc, mạo hiểm giả chưa chắc đã bằng.



– Nguy hiểm vậy ạ?



Nghe hết, Viêm toát mồ hôi hột.



– Thôi chắc con ráng thi vô Không quân cho rồi…

– Mới đó đã sợ à? – Hồng Ma chọc – Mà vậy mới gọi là “thám hiểm”, chứ cứ vác kiếm chém Ma vương hay cái kiểu chán quậy, về làm thường dân thì hay hớm gì?

– Chắc vậy ạ… Mà con hỏi cái nữa được không ạ?

– Gì?

– Chuyện quân sự hồi nãy phát thanh toàn tàu ấy, có ổn không nếu con cũng nghe?

– Thì sao?

– Thì… Dạ… Cô không sợ con lỡ làm lộ bí mật ạ?



Thực ra không cần nghe câu ấy, Hồng Ma cũng biết Viêm nghĩ gì. Nhẹ nhàng, cô bảo:



– Lúc chúng ta tới thì cũng xong xuôi rồi, với lại, chà, sao nhỉ, Giao cố tình bật đấy.

– Dạ? Sao ạ?

– Ư phư phư, bí mật nhé!


TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv