Ngày khởi hành.
Năm rưỡi sáng, cảng Thiên Cẩm đã chật cứng những người là người. Các kỹ sư, thợ thuyền đang gấp rút hoàn tất công tác kiểm tra cuối cùng, chuẩn bị cho đại hạm đội cất cánh. Cần cẩu đã xoay sang chỗ khác, nhường không gian trống để tàu bay lên. Các ụ cảng lộ thiên đã chuẩn bị tháo tay đỡ, trong khi từ lòng núi, những chiến hạm được mang ra ngày một nhiều. Di chuyển trên những bộ đường ray to ngoại cỡ, bệ đỡ có thể mang được cả con tàu hàng chục ngàn tấn chạy từ từ ra khỏi cảng ngầm trong lòng núi, đưa chúng vào vi trí thuận tiện để cất cánh.
Ba trăm hai chục tàu, con số này hoàn toàn không phải nhỏ. Nó có thể sánh ngang với toàn bộ Không quân của một nước cường quốc hạng hai nào, cũng như dư sức đánh ngang hàng với Hạm đội Bờ Tây của Columbia, có quân lực chỉ tầm hơn hai trăm chiếc. Chưa kể “pháo đài bay” Hồng Ma, tuy bị xem như “phế vật”, nhưng nếu dùng đúng cách thì thực sự không khác gì quái vật. Mà Hồng Ma cũng chẳng phải tàu chiến tuyến như nhiều người vẫn nghĩ, ngay đến các thành viên Không Hạm đội 6 cũng từng bị lừa bởi cái số hiệu lườn đó. Khác với mọi tàu mang hiệu LBB, tòa tư lệnh di động ấy có chút “khác biệt”.
– Mọi người đã lên tàu đầy đủ! Chuẩn bị hoàn tất, sẵn sàng cất cánh thưa thuyền trưởng!
– Tốt.
Đứng ở vị trí quen thuộc, Oa Lân tay cầm bản kế hoạch, tay cầm bút báo cáo lại tình hình trên tàu cho Giao Long. Ba ngày rồi mới lại thế này. Những ngày nghỉ đã kết thúc, tới lúc quay lại với công việc thường nhật. Hương Hương phụ trách tay lái, mở khóa trục bánh lái chính, đang xoay xoay tay lái để xem có bị khô dầu không – mà chắc chắn không rồi. Bên dưới, Masami lôi tất cả các thiết bị của bộ phận điều khiển hỏa lực ra, không giấu giếm bất cứ thứ gì. Rất nhiều máy móc, gồm nhiều bàn xoay có vạch độ, các cò súng giống như súng lục được nối vào bằng đoạn ống dài, hay các loa truyền âm dùng nội bộ. Mộc Ma cũng chuẩn bị hết bên phía nhỏ, với các tai nghe truyền trực tiếp từ loa AL bên trên xuống, ống nói, bàn điều khiển hỏa lực phòng vệ và nhiều thứ khác.
Vị trí liên lạc vẫn bỏ trống, nhưng máy móc lại tự… vận hành! Bánh đà lớn xoay từ từ, truyền động cho các bánh nhỏ hơn, trong khi mấy tay máy gắn đầu kim nhọn liên tục co duỗi, chọc vào những chỗ phía sau, hình như là bộ truyền động chính của nó. Bộ máy vô tuyến vừa được lắp gần đây tự chạy thử, kiểm tra xem có vận hành tốt không. Núm vặn tự xoay, và cây kim nhỏ chỉ dải băng tần chầm chậm dịch qua lại trên cái bảng nhỏ chỉ tần số. Nối trực tiếp vào bộ liên lạc chung, tức là nó có thể dùng luôn ăng ten chính, thứ này sẽ giúp liên lạc giữa các tàu với nhau và tàu với mấy đơn vị khác dễ dàng hơn.
Bước đến chiếc bàn liên lạc ở xa hơn chút, Oa Lân truyền lệnh xuống mấy bộ phận bên dưới. Trong khi đó, Hồng Ma, với bộ quân phục quen thuộc, vẫn đứng chắp tay ngay bên phải vợ mình. Tuy mang danh Tư lệnh Quân Đổ bộ U Minh, cô không có tàu riêng mà chấp nhận đi cùng Giao Long.
Người ngoài nhìn vào sẽ thấy rất quái, nhưng thực ra đó là bởi “Thi Hoàng” không có Ban Tham mưu riêng thường trực trên kỳ hạm. Lực lượng “tham mưu” duy nhất cô có là Ban Tham mưu U Minh, phụ trách chung cho cả bốn quân chủng lớn của vùng đất này, chứ không chuyên biệt về mảng nào. Vì vậy, Hồng Ma đóng vai trò là nhóm cố vấn một người, trực tiếp đưa ra các tư vấn, lời khuyên cho Tư lệnh trong trường hợp cần thiết. Vả lại, vì con tàu này không có thuyền trưởng riêng, nên trong vài trường hợp khẩn cấp bà già sẽ tạm kiêm nhiệm cái chức đó luôn, theo quy định quyền thuyền trưởng là người có cấp hàm cao nhất trong số các sĩ quan còn khả năng chiến đấu nếu thuyền trưởng “vắng”.
Dĩ nhiên, “khách” trên tàu cũng vậy.
Nép mình bên chiếc ngai thuyền trưởng, Viêm nắm chặt lấy tay vịn, cứ chốc chốc lại liếc nhìn xung quanh. Nhỏ được đưa lên tàu, thực cứ như mơ. Hồng Ma xuất hiện, bảo muốn thì cứ đi, và thế là lôi xồng xộc hai đứa nhỏ đi đánh răng rửa mặt, thay đồ, xong chạy biến ra ngoài cảng luôn. Hơi chán, Thiên không chịu đi chung. Thằng cu làm mặt phụng phịu, khoanh tay, lắc đầu nguầy nguậy, nhất quyết không lên tàu nên cũng chịu. Giao Long không tới. Dù hôm nay phải đi rồi, và có lẽ còn lâu lắm mới về được, cô ta không đến chào con mình. Nhóc tỳ không nói, nhưng cái mặt ngờ nghệch đó có vẻ buồn. Dù sao, nhỏ cũng không muốn đào sâu hơn.
Hôm nay, nó lại mặc quân phục, chứ không phải mấy bộ đồ thủy thủ thực tập nữa. Hồng Ma bảo quân phục thực ra bán đầy ngoài đường, chỉ cần đừng có “chơi ngu” làm giả cầu vai, bảng tên là được. Vả lại, đồ cho quân nhân, trong chỗ cái miếng nhỏ nhỏ dưới mép ghi thông tin có số hiệu riêng, khác với các hàng bán dân sự, nên cũng có thể phân biệt được. Loại Viêm đang mặc là áo quần phục vụ thị trường dân sự, do mốt mặc đồ lính chưa bao giờ lỗi thời ở Đế quốc. “Hẳn rồi, quân sự thế cơ mà?”, con bé nghĩ bụng. Bộ của nó y hệt Mộc Ma, chỉ khác không có cầu vai và cái dây chuyền móc thẻ tên. Cũng không có vòng trên tay – điểm khác nhau dễ nhận diện nhất đối với trang phục sĩ quan – nên vẫn có thể biết được.
Đứng lại gần Giao Long, Viêm quan sát xung quanh. Cảm giác như mình là người thừa. Hồng Ma ra lệnh cho các thi quỷ ở tầng cầu quan sát tiến hành cảnh giới, xem xung quanh có chướng ngại gì không, đồng thời yêu cầu vùng điều hành phía trên báo cáo tình hình xuống. Oa Lân, mặt khác, trực tiếp gọi loa chỉ đạo xuống các bộ phận bên dưới. Có vẻ chị ta đang nói chuyện với dưới động cơ. Mấy cái loa nói được bật nắp, dường như liên lạc nghe – nói gì đều diễn ra thông qua chúng, nhỏ không hiểu. Kể cả Mộc Ma ngày thường vui cười là vậy, ngay khi lên tàu đã chạy tuột xuống vị trí, ngồi vô ghế rồi khởi động đống máy móc cơ giới đó lên.
Mà, ấn tượng về việc cất cánh này thực sự khác với những gì nó nghĩ.
Viêm đã hình dung, trước khi đi, toàn quân sẽ đứng trên một quảng trường rộng lớn, tiến hành chào cờ. Các sĩ quan cấp cao như Giao Long, Hồng Ma, cậu Trung, chị Lệ,… sẽ đối diện họ và đọc bài phát biểu dài lê thê nào đó, nói những câu khẩu hiệu rồi cuối cùng là kiểu chào quyết thắng quen thuộc, sau đó mới lên tàu. Nhưng không, không có cái “buổi lễ” nào như thế, cũng chẳng có bất kỳ một bài diễn thuyết dài dòng văn tự nào. Mọi người đã lên tàu từ hồi đêm – có vẻ đó là lý do vì sao tối qua Mộc Ma tự nhiên bò ra ngoài. Chuẩn bị kỹ lưỡng, nhu yếu phẩm vận chuyển đầy đủ. Bây giờ chỉ cần kiểm tra sơ bộ là có thể cất cánh bất cứ lúc nào.
Ngồi cạnh Viêm, Giao Long im lặng như bức tượng sáp. Ánh mắt vô hồn nhìn chằm chằm ra ngoài kia, qua những tấm kính dày, hướng về phía mũi tàu và khu rừng xanh um xa xa phía đối diện. Không nói lời nào từ khi lên tàu, thuyền trưởng để những người khác tự xử lý lấy. Cô chỉ ngồi đấy, nhìn bâng quơ bên ngoài, mà Viêm cũng chẳng biết có thứ gì trong đôi mắt đó. Tối quá, đen quá. Chỉ là màn đêm, với những vòng đỏ sâu dần vào trong, như vòng tròn oan nghiệt ấy. Không thở, không mạch, da dẻ lạnh như nước đá, xanh tái màu xác chết để lâu, cô im lặng.
Và đột nhiên, như thể vừa bừng tỉnh, thuyền trưởng ra lệnh:
– Tiến hành quy trình rời cảng thời bình! Tốc độ tối thiểu ba mươi lý, nâng lên độ cao ba trăm bẻ lái sáu mươi độ sang phải! Bộ phận hỏa lực, bộ phận phòng không, mở khóa vũ trang! Thuyền phó, yêu cầu phòng máy tăng công suất đầu ra lên mức bảy mươi phần trăm! Chuyển tàu từ chế độ nghỉ sang chạy, đảm bảo sau nửa tiếng đạt tới tốc độ hành trình! Vùng điều hành tập trung vào các loa, còn cầu quan sát tiếp tục cảnh giới tầm gần! Không được để tàu va phải bất cứ thứ gì! Lập tức thực hiện! Hồng Ma, nhổ neo!
– Rõ!
Quân lệnh như sơn. Nghe một tràng vừa dài như súng máy nã, lại vừa ồn như đại bác ru đêm làm óc Viêm ong ong hết lên, ấy vậy mà những người khác lại có thể thực hiện nhuần nhuyễn, không sai chút nào. Hương Hương ở bánh lái lặp lại mệnh lệnh dành cho mình, dường như các lái tàu đều như vậy, đồng thời đẩy tay chuông truyền lệnh từ chỗ trên đỉnh xuống cái dòng chữ tiếng “Đức” màu xanh lá gần nó nhất, chắc là mức tốc độ. Mấy cái máy móc này Viêm không rành lắm, lại còn toàn ngoại ngữ, nên nó cũng bỏ luôn. Nhỏ không biết hai người dưới kia làm ăn thế nào, bây giờ chạy xuống coi lại không hay, nên thôi. Lát rảnh cạy miệng Mộc Ma sau… mà đằng nào con đó chả lên bép xép?
Ruỳnh…! Ruỳnh…!
Thân tàu rung lên từng đợt. Phía bên kia, Oa Lân liên tục đưa chỉ thị xuống dưới, cũng như nghe hồi âm của phía ấy. Cô gọi trực tiếp cho bên động cơ, nhưng Viêm nhớ mấy tàu hơi nước thường có hai phần riêng mà nhỉ? Phòng nồi hơi đung sôi nước, giống như trái tim của tàu, rồi hơi ấy mới chuyển sang bên động cơ. Nó không rõ mấy cái chuyện đấy, tàu chiến chỉ tìm hiểu qua loa như chiếc nào lớn nhất, pháo to, giáp dày, còn những phần khác dường như chẳng để ý đến. Bởi thế, bây giờ nhìn cái gì cũng thấy mới, thấy lạ. Nó muốn hỏi, tuy nhiên hoàn cảnh không cho phép. Người ta đang cất cánh, cần có sự tập trung cao. Nếu giờ mình chõ miệng vô, chẳng phải sẽ vừa nguy hiểm, vừa bất lịch sự sao?
Nghĩ thế, viêm quyết định nín thinh. Thay vì hỏi, nó quay ra sau nhìn. Trên tường, những chỗ không có cửa sổ, gắn đầy các đường ống kim loại to tướng, chạy ngoằn chạy ngoèo như bầy trăn nằm đè lấy nhau. Trên ấy gắn hàng chục những chiếc đồng hồ to tướng, viền tròn, mặt trước lắp kính. Bên trong chủ yếu là các vạch đo áp suất làm hình cung tròn, giống như trên phim Viêm từng coi. Những số trong phần xanh biển cho thấy tàu “an toàn”, còn khi đã qua vạch đỏ, thường nằm ở cuối, tức là đã nguy hiểm rồi. Chiếc kim lớn được thiết kế nổi bật, có cái gì đó như lớp phản quang, ắt hẳn để người trên tàu có thể nhìn thấy rõ ràng hơn khi bay đêm. Số cũng vậy. Mà không, tới nay Viêm mới để ý, hình như cái gì quan trọng cũng đều có lớp phản quang? Thế này thì “hơi nước” ở đâu chứ?
Nó không có cơ hội hỏi. Vì khi đó, tàu cất cánh.
Bên ngoài cảng, khuất khỏi tầm mắt của đại đa số các chỉ huy trên phòng lái, những tay máy vốn giữ chặt phần bụng dưới LBB2520 đồng loạt mở ra, giải phóng con tàu vĩ đại. Được làm theo từng “giàn”, tức bộ khung lớn dùng giữ tàu mấy ngày qua, chúng phân tán khối lượng quá lớn của chiến hạm, đồng thời giúp lớp vỏ ngoài không bị trầy xước, hư hại nặng khi phải nằm yên trên bộ thân đỡ kim loại. các kỹ sư, công nhân bên dưới điều khiển việc này. Các khớp nối to kinh khủng, tạo thành từ hàng ngàn bánh răng lớn nhỏ, dây curoa, ống dẫn và muôn vàn các thứ máy móc khác, giúp tay máy mở ra y hệt tay người. Hơi nước trắng xóa tuôn xối xả. Không phải sự cố, đó là cách nó giúp giải nhiệt các bộ máy cồng kềnh. Và tay mở ra, tức là tàu đã đủ nóng máy để tiến vào trạng thái “phản trọng lực”.
Viêm đã biết đại khái nguyên lý bay thực sự của tàu bay Thủy Tinh, nhờ bữa hổm Mộc Ma có nói sơ qua. Con tàu được ‘bọc” trong một lớp màn sinh ra trong phản ứng Dicaenium bị đốt nóng bởi các chất hợp hạch, mà ở đây là phần linh hồn đã “luyện hóa” để trở thành lõi năng lượng cận vĩnh cửu cho tàu. Linh lực sinh ra từ việc này được động cơ và các máy móc đặc biệt chuyển thành một trường năng lượng lớn bao phủ toàn tàu, đảm bảo không phần nào bị hở.
Đồng thời, phần “phản trọng lực” sinh ra trong việc này được điều hướng theo các ống dẫn riêng, không như những tàu Dreadnought khác sẽ tập trung hết chúng xuống phần dáy, cũng chẳng phải kiểu zeppelin hướng mọi thứ vào những khoang chứa. Thay vào đó, nguồn năng lượng này được cho chạy tuần hoàn trên tàu nhờ một hệ thống ống từ trường thiết kế đặc biệt, khiến nó vừa tạo thành lực đẩy lên, đồng thời lại là cái “dằn tàu” giúp bay đầm hơn mà không phải mang thêm khối lượng dư thừa. Chủ yếu là thân chính với cánh, nhưng như vậy cũng hơn cả đủ rồi.
Cuối cùng, phần có thể xem như quan trọng chỉ sau nâng, bộ máy đẩy của Hồng Ma đã hoạt động. Con tàu vẫn sử dụng kiểu đẩy đa bộ đồng trục cũ, gồm một trục dài thật dài phía sau và nhiều cặp quạt xoay ngược hướng nhau theo từng đôi một. Bộ dẫn động thứ này siêu phức tạp và khó bảo trì, khiến không ít tàu mới hơn đã chuyển sang dùng nhiều động cơ đơn, tuy nhiên đầu ra lại không hề tầm thường. Và để có thể đẩy được cái pháo đài Stalinium nặng hơn bảy triệu tấn đầy này di chuyển, công suất của mỗi động cơ truyền động cho quạt rơi vào tầm… tám triệu mã lực! Hồng Ma có bốn động cơ chính như thế, hai cái chạy một trục, năng lượng dẫn trực tiếp từ lò phản ứng hợp hạch ra, còn các máy phụ chưa được kết nối có nguồn khác, tuy nhiên vẫn đảm bảo được ít nhất một nửa công suất hành trình của máy chính.
Cảnh tượng ấy thực không phải thứ có thể dễ dàng chứng kiến được. Từ dưới đất trông lên, siêu pháo đài bay Hồng Ma từ từ cất cánh, thẳng đứng chứ chẳng hề tiến tới chút nào. Mấy cánh quạt phía sau đang quay, nhưng rất chậm, xem ra vẫn chưa truyền đủ động lực cho. Nhưng nghĩ xem, con quái vật théo dài một cây sáu, sải cánh đủ sức che rợp cả khu cảng đang lơ lửng giữa trời cao, phô ra toàn bộ dàn hỏa lực dưới đáy ấy, liệu bao nhiêu người có thể nhịn được mà không há hốc mồm trầm trồ?
Bốn tháp pháo nòng đôi hạng một ngàn ly bố trí bắn “thượng” tầng, cỡ chục khẩu đội hạng hai ba nòng ba trăm lẻ năm ly, cùng vô số những ụ sáu nòng xoay khác nằm xung quanh, hỏa lực nó mang theo tương đương ít nhất cũng phải một lữ đoàn pháo mặt đất. Pháo phòng không, súng máy có thể hạ xuống bắn sát rạt mặt đất, trong khi cột buồm dưới cũng vũ trang tua tủa những loại vũ khí phòng thủ hàng nhẹ cùng đèn rọi và loa AL, như thể không muốn phần trung tâm tàu có bất cứ góc chết nào. Trên hết, hai khoang “đường băng” lớn nằm ngay dưới cánh, nối trực tiếp vào nhà chứa giữa thân, có thể triển khai hàng trăm xe bay ra một lúc. Và đó mới thực sự là vai trò chính của Hồng Ma “tàu”: Một pháo đài di động ở tuyến sau, làm nhiệm vụ chỉ đạo hạm đội, đồng thời cung cấp chi viện không lực cho những khu vực cần nó.
Nhìn thứ ấy bay lên, dàn nhân sự mặt đất không khỏi tự hào. Bởi, dù nhiều năm đã qua, họ vẫn không thể quên được cái ngày biết chiến hạm mới sẽ được đóng tại vùng U Minh, tại chính khu nhà máy bí mật bên dưới điện Cây Quế. Những người trực tiếp bảo trì Hồng Ma cũng chính là các thành viên đội thi công năm ấy đặt từng khối mô đun vào vị trí, gắn kết chúng lại, rồi trang bị các thứ máy cơ khí lên. Không thiếu một ai. Dù tàu được thiết kế tại Columbia, và cái bản thiết kế có hơi “lấn cấn” trong chuyện ngày tháng – Tổng lãnh không muốn thiên hạ biết ngày khởi công với hạ thủy thực sự – thì niềm tự hào khi làm ra thứ quái vật này vẫn không bớt. Bởi nó được chính miền U Minh đóng, từ mọi cơ sở quân sự gửi các bộ phận về, và lắp ráp ở đây. Quy trình do người Đế quốc xử lý hết, không có sự can thiệp của nước ngoài.
Những điều này, dĩ nhiên, Viêm không biết.
Tuy nhiên, nhỏ cảm nhận được tàu đang lên. Bằng chứng trình ngay trước mắt, cảnh vật cứ thế lùi xuống dần, và tầm nhìn cũng ra xa hơn. Hồng Ma lên thẳng, thay vì vừa khởi động đã bay tới trước rồi lấy đà cất cánh như máy bay thông thường và vài bộ khoa học viễn tưởng nó coi trộm được. Tàu đang bay, chắc chắn thế. Các kim đồng hồ áp suất dịch từng tí, chỉ sang những số mới. Không phải vô duyên vô cớ chúng ở đây: Đồng hồ nơi này và phòng máy đồng bộ nhau, nên các chỉ huy có thể truyền lệnh cho dưới đó, yêu cầu thế này thế khác và ngược lại, phía động cơ cũng có thể báo cáo tình hình lên.
Khác với cái bữa hạ cánh, làm quả cua siêu gắt tới nỗi tưởng rơi luôn cột buồm, bây giờ Hồng Ma cất cánh khá… chậm? Viêm chưa từng thấy những tàu bay bên này rời cảng thế nào, nhưng pháo đài bay thực sự như rùa! Nó lề mề, bay một hồi gần năm phút mới vượt được qua khỏi toàn bộ cánh rừng bao phủ bên ngoài những vách xa nhất của điện Cây Quế. Cũng chẳng có cảm giác xóc hay mất thăng bằng, mấy điều nhỏ nghĩ đi tàu bay thường phải chịu. Sàn khá thăng bằng, dao động không đáng kể, vì thế mà không cần dây an toàn nó vẫn đứng vững. Ừm… Có nắm tay vịn ghế, nhưng vẫn tính là vững nhỉ? Nó tự hỏi.
Chưa bao giờ đi máy bay, nên Viêm cũng không biết đường so sánh. Nhưng, trải nghiệm lần hạ cánh trước làm nó khá sợ. tàu nghiêng quá, tới nỗi muốn té luôn, nên bây giờ phải đứng cho vững, bám cho chặt vào bất cứ thứ gì bám được. Thật quái, mấy người khác đường như không bị ảnh hưởng bởi chuyện ấy? Trọng lực chẳng làm gì được họ, chân vẫn bám chặt trên sàn, trong khi tóc tai, quần áo,… rõ ràng rũ hẳn sang bên. Thôi, nó tự nhủ, ở đây có ai là người thường nữa đâu? Làm sao lấy lý lẽ bình thường để nói được cơ chứ?
Tàu bay cao dần.
Từ khi đạt khoảng cao độ ba mươi mét so với mặt đất – dĩ nhiên tính từ điểm thấp nhất của đáy – tốc độ lên tăng nhanh chóng. Cảnh bên ngoài cứ vùn vụt, vùn vụt ở lại bên dưới, và có cảm giác Hồng Ma đang tiến lên chứ chẳng còn bay thẳng đứng nữa. Viêm nghĩ không sai, các trục quạt đã đủ nóng, đạt đủ sức đẩy tàu tới trước. Dinh Tổng lãnh đang bay chéo lên trời, phần mũi hơi vểnh, trong khi phía sau chúc xuống thấp. Giống như máy bay trên tivi, Viêm nghĩ. Không nhanh lắm đối với một thứ trên trời. Nó không rõ ba mươi lý một giờ chính xác là bao nhiêu, nhưng nếu lấy một lý bằng một hải lý Trái đất, một hải lý lại là một ngàn tám trăm năm mươi hai mét, thì chắc… Ừm, nhỏ bấm tay, nhẩm nhẩm, cỡ hơn năm chục cây số mỗi giờ nhỉ?
– Độ cao một trăm, tốc độ ba mươi!
Hô to báo cáo, Hương Hương tay giữ chặt bánh lái, tuyệt không nhìn lại.
– Bẻ lái sáu mươi độ sang mạn phải! Tăng lên tốc độ trung bình! Đạt độ cao năm ngàn chuyển sang tốc độ hành trình!
Quay lại bên cạnh thuyền trưởng, Oa Lân ra lệnh.
Và ngay tức khắc, hoa tiêu trưởng đáp lời:
– Rõ! Sáu mươi độ sang mạn phải, tốc độ trung bình!
Vừa lặp lại yêu cầu, Hương Hương vừa thi hành. Tay trái cô xoay bánh lái, trong khi tay phải đưa sang bên, nắm lấy chiếc đòn bẩy trên tay chuông, kéo nó xuống mức “Halb” màu xanh. Tuy tiếng Đức cũng chỉ bập bẹ được vài từ cho có, như “Heil Hit…”, Viêm đủ nhạy bén để biết được từ ấy có nghĩa “một nửa”, và màu xanh cho thấy tàu tiến lên.
Lần trước quan sát, và thêm bây giờ xem cận cảnh nữa, con bé nhận ra mỗi khi thực hiện lệnh, chị người Hoa kia sẽ kéo cái cần gạt về đúng tới mức yêu cầu, như thế nó cũng học được chút chút. Mức ba mươi lý trên giờ dường như là tốc độ tối thiểu để tàu vẫn bay về trước được, tương ứng với dòng “Ganz Langsam” ngay cạnh chữ “STOP” viết in hoa to oành nằm chính giữa. “Langsam” là gì nó không biết, trong khi “Halb” là một nửa, còn “Voll” chắc là “tối đa”? Nhức não quá, nó nghĩ bụng, sao mấy người này không dùng tiếng Anh… Albion hay Việt cho dễ đi? Cứ thích chơi khó nhau thế?
– Hạm đội đã lên, thưa thuyền trưởng!
Từ cầu quan sát, một sĩ quan báo cáo.
– Thanh Long đang hỏi chúng ta có bố trí đội hình như thường không, hay hôm nay đi riêng ạ!
– Thuyền trưởng?
Quay sang chỉ huy, Oa Lân chờ lệnh.
– Bình thường.
Giao Long nói.
Và nhanh như chớp, thuyền phó truyền lệnh xuống.
– Bình thường!
– Bình thường! Rõ!
Không mất quá nhiều thời gian để Hồng Ma truyền tin ra ngoài. Thay vì dùng hệ thống máy điện tín, mã hóa hay vô tuyến nằm ở tầng dưới cùng, các thi quỷ quan sát sử dụng đèn rọi công suất lớn để hồi âm cho bên kia. Cũng không phải lạ, tàu ấy lấy đèn bắn tín hiệu qua, nên bên đây chiếu lại là lẽ thường. Không phải bật lên rồi để đó, mà đèn được bật tắt liên tục, tạo thành các đợt tối giữa những lần chiếu sáng. Đèn cao áp, đường kính đến thước rưỡi nên dù ngày hay đêm vẫn cứ sáng rực, và tầm nhìn vẫn tốt vô cùng.
Lúc đấy, Viêm mới hiểu được chuyện gì đang diễn ra.
Ngày đầu tiên xuống điện, nó với Mộc Ma đã đến nhìn cảng Thiên Cẩm từ xa, chứng kiến những chiến hạm lên xuống vô cùng nhịp nhàng, đẹp mắt. Bây giờ, cùng Hồng Ma, họ cất cánh, thực hiện cuộc Bắc tiến ra Đông Kinh. Viêm không biết bao nhiêu tàu chính xác sẽ tham gia, những thông tin ấy được bảo mật tuyệt đối, chỉ nội bộ trên tàu kháo nhau, chứ người ngoài như nó hoàn toàn bó tay. Mà cũng không cần phải biết. Lát nữa khi lên cao hơn, kiểu gì chẳng thấy mấy chiến hạm khác? Nó nghĩ thế, và chờ đợi.
Cùng lúc đó, vài chiếc khu trục lớp Xích Quỷ xuất hiện. Viêm nhận ra chúng, mài sơn xám tro có phần đặc trưng hơn màu đen của những tàu khác, y hệt cái khi nhỏ thấy chúng hạ cánh. Đội khu trục 6, đơn vị hộ tống của Hồng Ma. Nhóm tác chiến bốn tàu bay thành đội hình lục giác, với mỗi bên một cặp khu trục ở ngang phần mũi và lui dần ra sau đuôi. Hồng Ma to quá, Viêm nghĩ, nên dù chỉ có năm chiếc và bị khuất mất phía sau, nhỏ vẫn hình dung ra. Giống như… lấy cây bút chì dài để giữa, bốn mẩu ngắn hơn xung quanh ấy? Nó nhận ra chiếc Thanh Long, tàu có hình vẽ rồng vảy xanh trên thân, và đôi cánh lớn giống như tòa thành này, đang bay bên trái mũi tàu. Hình như chưa thấy tàu chiến “tiêu chuẩn” nào khác của Đế quốc dùng cánh nhỉ? Lạ thật, nó nhủ bụng.
Viêm không phải suy nghĩ lâu, vì cảnh tượng tiếp theo khiến nó chẳng thể nào thoát việc phải há hốc mồm kinh ngạc. Từ cánh rừng già nguyên sinh, hàng chục, không, hàng trăm chiến hạm đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng, phân loại đồng loạt bay lên, hoành tráng hơn cả cái tập trận Thái Bình Dương gì đó! Tàu lớp Định Quốc có không nhiều, chủ yếu là những chiếc tuần dương, với phần mũi không mấy nhọn. Thiết kế mũi kiểu ấy làm con bé nhớ tàu chèo Hi Lạp trong cái phim hải chiến gì đó, cũng có phần đầu thẳng bên trên và chìa ra một khúc mé dưới, tông nhau ác liệt lắm.
Tàu bay theo đội hình kim cương, với cứ sáu chiếc thành một nhóm, đi thẳng hàng bốn tàu đầu đuôi nối nhau, thêm hai chiếc khác bay hai bên. Bốn nhóm như thế lại thành một hình thoi to, khoảng cách tương đối rộng lớn nên Viêm nhìn không rõ hết. Nhưng bọn họ đi rất khoa học, với chiến hạm lớn nhất tại vị trí trung tâm, trước với sau là tuần dương bảo vệ, trong khi phía cánh là khu trục cơ động, chiến đấu tốt. Nhìn xa thấy chiến hạm bé tẻo teo, tới lúc lại gần mới biết to kềnh thế nào! Vậy mà so với Hồng Ma vẫn cứ như châu chấu đá xe, tí hơn cạnh khổng lồ.
Hồng Ma dẫn đầu, toàn hạm đội kia theo sau. Trong lòng Viêm lúc này, cảm giác thật khó tả. Chưa bao giờ nó thấy một lực lượng lớn tới thế cùng di chuyển, mà mới chỉ là diễn tập. Không hạm đội 6 có sáu trăm ba mươi bảy tàu chiến, chưa tính bên đổ bộ với các nhóm hậu cần, thì thế này thôi cũng lớn quá mức cho phép rồi. Nếu quay về năm một ngàn chín trăm hai mươi ba ở Trái đất, đổi hết số này ra tàu biển nhưng vẫn giữ bộ động cơ, lò phản ứng, nó đinh ninh, Pháp hay Anh gì cũng chạy dài! Sáu trăm mấy tàu chiến, súng ống kềnh càng đầy vẻ uy hiếp, thì có cho vàng cũng không ai dám làm bậy. Chưa kể nếu đổi xe bay thành máy bay thì chỉ riêng Hồng Ma cũng có thể vùi dập bất cứ thế lực nào trong khu vực. Lúc đó đừng nói đá đít Pháp về, qua tận nơi đánh Paris đầu hàng thay Đức cũng nên? E he he…!
Viêm không biết, lúc này Giao Long đã biết tất cả mọi thứ nó nghĩ.
Không như me con Hồng Ma với khả năng đọc suy nghĩ “bị động”, tức lúc nào cũng thấy và buộc phải ngưng nghĩ về nó mới dừng được, khả năng của Giao Long thuộc dạng “chủ động”, tầm hoạt động cũng không xa bằng. Tuy nhiên, cô lại có cái lợi thế của ngoại cảm, thứ “Thi Hoàng” mạnh hơn mấy loài vong linh, để có thể can thiệp trực tiếp đến một mức độ nào đó với ý thức của mục tiêu.
Khả năng thâm nhập, quan sát và giao tiếp, những thứ cơ bản nhất, chứ chưa tính tới “tác chiến tinh thần” có thể phá nát nhận thức của đối phương. Giao Long không thường dùng trò này, chính cô thấy nó bất tiện và cực kỳ nguy hiểm: Sai lầm một chút cũng để lại hậu quả khôn lường. Bản chất của nó cô không rõ, nhưng bác sĩ Kiyo khi đo đạc đã phát hiện ra thứ gì đó như sóng điện với tần số cực “quái” phát ra, và vì là sóng “điện” nên tốt nhất đừng nghịch lung tung.
Nãy giờ nghe Viêm tự kỷ, Giao Long thấy mắc cười lắm mà chẳng nói gì. Tuy nhiên, bàn về hạm đội thì không thể bậy bạ được. Đã mang nó theo, lại để đứng tự kỷ thế thì không hay, nên thuyền trưởng quyết định lôi con bé vào luôn.
Nghĩ là làm…
– Ơ?
Lại ở đây rồi!
Vừa đứng trên cầu chỉ huy, chỉ trong chớp mắt Viêm đã thấy mình tới miền đất cỏ xanh trải dài kỳ lạ ấy. Giống như cái hôm ở viện nghiên cứu gì đó, cỏ non phủ đến ngút tầm mắt, với những bông tím dại mọc lốm đốm trên thảm cỏ thơm lừng. Nhưng hôm nay, có thêm dòng suối xanh chảy róc rách, nước trong veo nhìn thấy cả mấy hòn cuôi dưới đáy, vài ba con cá chép vảy cam vàng tung tăng bơi lội. Trên cao, bướm bay dập dìu, đầy màu sắc, với những gợn mây trắng ngần và sao trời lấp lánh. Không có khái niệm “ngày – đêm” ở đây, khi mặt đất sáng rỡ như buổi sáng, nhưng trên kia thì chẳng khác gì nửa đêm, trừ mây.
Nơi xa kia, các vì tinh tú vẫn thật đẹp, thật lấp lánh, với ánh trắng be bé giữa nềm đen thẳm. Dải Ngân hà nằm vắt ngang bầu trời, phủ cái màu bàng bạc của nó qua giữa không trung, với những gợn “sương” màu sữa đôi bờ con sông ấy. Còn nơi chân trời, nhìn ra thật xa, nó thấy các hành tinh nằm gần như san sát, nom cứ như thể mấy quả đồi to. Xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu, có cái còn thêm vành đai bên ngoài, cái khác lại có đốm đỏ to chạy vòng vòng gần Xích đạo.
Nơi xa nhất, Viêm không biết, là một tinh cầu màu xanh tuyệt đẹp, với mây trắng bao phủ quanh bề mặt. Tinh cầu ẩn mình phân nửa trong bóng đêm, nhưng lại trông bình yên tới lạ, với biển xanh tuyệt đẹp, các lục địa và mây trời. Lần trước tới, con bé không có dịp chiêm ngưỡng. Bây giờ nhìn lại, nó thấy nơi ấy trông… quen quen? Sao… Sao mà… Viêm bàng hoàng, môi mấp máy chẳng nói nên lời. Sao lại giống Trái đất đến thế chứ?
– Con thấy rồi à?
– Thuyền trưởng?
Quay lại phía sau, Viêm cứ ngỡ mình thấy Giao Long, nhưng lại… không phải? Người xuất hiện là một chị gái trẻ măng, mặt coi chỉ cỡ mười tám, mười chín, búng ra sữa, với đôi gò má hồng hào và bờ môi đỏ căng mọng. Mái tóc đen đổ dài như thác sau đầu xõa thẳng, còn mái trước lòa xòa trên bộ ngực to quá cỡ. Chị ấy mặc bộ đồ như áo bà ba, nâu sần, cái quần ống dài quét đất, chân đi đôi giày ôm sát như phim cổ trang. Nhìn nông dân lắm, nhưng để ý lại, Viêm mới thấy cách may rất đẹp, vải cũng là lụa hàng xịn, không hề có vết úa màu. Người ấy mặc áo khoác không tay bên ngoài, kiểu “áo chiến binh” như bữa kia Hồng Ma đưa mình, nhưng cài cúc đằng trước.
Đăc biệt, đôi mắt ấy, đơi mắt vừa to tròn, lại long lanh với cái màu nâu đất ấy, sao lại cảm thấy quen đến thế? Hiền lành, dịu dàng, ấm áp, ẩn sau mái trước rũ xuống, gần như che nửa trái mặt. Viêm thấy hơi chọn. Kiểu tóc xõa che nửa trái ấy không phải là nó sao? Mắt mình cũng màu nâu, và hai mí như cô ta. Khoan, kể cả tóc, mắt, da cứ như thấy… chính mình trong tương lai?
– Sao thế? Không nhận ra ta à?
– A…!
Viêm há mồm.
Nó biết giọng nói đó.
– Thuyền… Thuyền trưởng?
– Ừm, ta đây.
– Cái…
– Là ta của hơn hai chục năm trước. Chính xác là khi ta còn sống. Thế nào, đẹp chứ?
– Ơ… Ơ…
Không tin nổi vào mắt với tai mình nữa! Viêm đứng như trời trồng, miệng há to dụ ruồi vào, dù chẳng có ruồi nào ở đây. Giao Long… khi còn sống? Nó muốn cắn lưỡi! Đẹp quá, đẹp dã man con ngan! Nhan sắc thế này mà đăng lên mạng xã hội là dăm ba con “gái nóng” nguội ngắt ngay, không đùa đâu! Mặt trái xoan ngây thơ pha lẫn sự duyên dáng, ánh mắt hơi ngờ nghệch nhưng cực kỳ đáng yêu, lại thêm cơ thể! Cơ thể! A a a a, muốn bùng cháy! Nhỏ muốn đổ xăng tự thiêu, sao trên đời lại tồn tại người nóng phỏng mắt vậy cơ chứ! Chỗ nào ra chỗ đó, điện nước dư xài, trên tấn công dưới phòng ngự, eo cong mượt hơn cách người ta làm đường né nhà cán bộ! Tại sao… Đây là định nghĩa của sắc đẹp… đã hóa thành người sao?
– Nhóc học đâu ra cái mớ đó vậy?
Khoanh tay ngay dưới ngực, Giao Long bĩu môi nói.
– Lại mẹ con nhà đó nữa phải không? Suy nghĩ kiểu này chỉ có thể là chúng nó thôi…
– Dạ…
– Mà bỏ đi.
Mỉm cười, Giao Long nói. Đoạn cô phất tay cái, tức thì bàn ghế hiên ra đầy đủ. Kéo chiếc ghế gỗ, cô ngồi xuống, rồi bảo Viêm vào chung. Con bé bẽn lẽn lại, vẫn chưa biết nên làm gì lúc này. Tình huống có phần khác so với khi nó tới đây lần trước. Người đối diện đã không còn là “Thi Hoàng” đáng sợ nữa, mà là một chị gái hết sức bình thường. Dĩ nhiên là trừ ngoại hình rực cháy, nó nghĩ. Làm sao mà từ thế này lại biến thành cái người rõ đáng sợ như mới trong phim kinh dị chui ra kia chứ? Rõ hư cấu… Hay Hồng Ma làm trò bậy bạ?
– Lăn tăn về ta nhiều nhỉ? Hay nhóc muốn biết cách để có “cái này”?
Vừa nói, Giao Long vừa ấn vào ngực! Lúc này thì Viêm muốn ói máu rồi đấy!
– Cơ thể ta đã như vầy lâu rồi. Con gái tộc Giao mà “đồng bằng” mới đáng lo, chứ đồi núi trùng điệp là quá bình thường. Nên là… cũng chả biết phải nói sao đâu?
– Dạ, dạ, dạ…
Chống cằm, Viêm phồng má, có vẻ ức chế lắm. Thấy vậy, Giao Long lại cười. Rồi cô nói:
– Giỡn chút thôi. Ta biết nãy giờ nhóc nghĩ rất nhiều về hạm đội ta đưa đi, phải không? Muốn biết chút chứ?
– Biết được ạ? – Mắt Viêm sáng rỡ lên, nhưng tồi nó nói – Nhưng Mộc Ma bảo tiết lộ bí mật quân sự sẽ bị…
– Nói vậy chắc mấy tờ báo công cộng dẹp tiệm cả nhỉ?
– Dạ?
– Tin về cuộc tập trận lẫn số lượng quân mang theo đã được báo chí công bố từ nửa năm trước, nên không cần lo đâu. Cái bọn ta giữ bí mật là số lượng cụ thể, còn với mấy kiểu thống kê, làm tròn khoảng nhiêu nhiêu ấy, cứ để họ biết! Cho dân biết để họ thấy tự hào, tăng khí thế, và cũng dằn mặt đám chống đối. Chà, hơi khó hiểu nhỉ?
Đưa tay chọc má Viêm, Giao Long nói, bây giờ không cần giữ kẽ nữa. Cuộc diễn tập năm nay U Minh tham gia với tổng cộng ba trăm hai mươi tàu, trong đó phần lớn lấy từ các nhà quý tộc địa phương vùng Nam Đảo. ba gia tộc Raja, Tengku và Einherjar là các đồng minh lâu đời của họ Phạm, chưa kể dòng dõi Bá tước xứ Burneo đó còn có quan hệ họ hàng xa với cô nữa. Ít nhất là với cậu Trung, bà nội ông ta là con gái của Bá tước đầu tiên.
Các vùng dưới ấy tư chủ chuyện đóng tàu được, thậm chí còn xuất ngược về cho Trung ương, và cũng giúp làm đa dạng kiểu mã lên. Cô nói, nếu mỗi hạng tàu chỉ có đúng một lớp thì địch sẽ khai thác điểm yếu rất nhanh. Vì vậy mỗi lớp thường có nhiều biến thể, lớp con, lớp chuyển giao, rồi cải tiến dựa trên tàu cũ để cho ra hàng mới,… Rất nhiều, “Thi Hoàng” bảo.
Những đợt diễn tập bắn đạn thật, ngoài chuyện đi dần mặt mấy nước cà khịa mình, còn để thử nghiệm vũ khí, trang bị, học thuyết tác chiến mới. Chiến tranh vận động không ngừng, điều ấy ai cũng phải thuộc nằm lòng. Nếu cố chấp không chịu thay đổi, nhất định sẽ bị bỏ lại đằng sau. Vì vậy mấy lần này cũng có thể xem như tổng kết một năm qua đã đạt được những thành tựu gì, còn mặt nào chưa tốt vẫn tồn tại, hay mục tiêu nào chưa hoàn thành. Nó không đơn giản chỉ là ra dàn trận, bắn hai ba phát pháo, bay trình diễn rồi đi về. Đó là cuộc huấn luyện lính mới, thử nghiệm vũ khí trong điều kiện thực chiến, và buổi họp “cuối năm” để đúc kết kinh nghiệm, cái gì cần phát huy, cái gì phải làm tới và cái gì cần loại bỏ.
Nhưng trên hết, cuộc tập trận thường niên này chính là nơi cho các đơn vị từ những chỗ xa xôi nhất tập hợp về, giao lưu, trao đổi, hiệp đồng tác chiến. Điều này cực kỳ quan trọng vì các Đại Lãnh địa gần như là những quốc gia độc lập, bên trong lại chia nhiều khu vực, nên nếu không dợt thường xuyên thì khi có chuyện cần, hiệu quả phối hợp sẽ không cao. Mà nếu hiệu quả phối hơp không cao, hậu quả để lại sẽ cực kỳ thảm khốc.
– Không chỉ chiến đấu trên không, bọn ta còn các bài thực hành đổ bộ từ tàu, tác chiến đo thị. – Giọng đều đều, Giao Long nói – Chưa kể, mấy năm gần đây Trung ương đã thêm nội dung tập huấn ứng phó thiên tai, thảm họa nữa. Bọn ta sẽ đi đầu tới các vùng bị nạn, hỗ trợ người dân, tìm người bị nạn, khắc phục hậu quả,… các thứ, nên việc phối hợp không thừa chút nào.
– Làm nhiều vậy ạ? – Viêm ngạc nhiên – Con tưởng quân đội thời này chỉ có đánh nhau thôi chứ?
– Nếu “thời này” là hai, ba ngàn năm trước, ừ!
Mỉa mai câu nói của con bé, Giao Long bảo, quân đội giờ đa nhiệm lắm, phân hóa cho phù hợp với những yêu cầu mới. Các vấn đề hiện đại cần phải giải quyết theo cách hiện đại, người ta đã nói thế rồi. Không thể cứ giữ khư khư tư duy “quân đội chỉ dành cho chiến tranh” được. Thậm chí quân đội Đế quốc còn lập hẳn nhà máy, xí nghiêp, đồn điền, có cơ sở sản xuất riêng, buôn bán như công ty, tập đoàn để cải thiện tình hình kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội – hay gì đó từa tựa thế – của Đế quốc có một phần ba là quân đội góp vào. Họ không còn bị giới hạn trong chuyện chiến tranh nữa.
Việc mang hàng trăm tàu di diễn tập, ngoài các lý do bên trên, còn là một kiểu “tiếp thị sản phẩm” trá hình, vừa khoe hàng, vừa khoe lính. Đế quốc cho thế giới thấy tàu mình tốt thế nào, vận hành trơn tru ra sao, năng lực tác chiến kiểu gì. Trong khi đó, người ta nhìn vào cũng đánh giá độ tin cậy, khả năng giao tranh, tuổi thọ phục vụ trong quân ngũ, có dễ dùng không,… Chất lượng lính cũng vậy, đây là bài kiểm tra cho cả lính mới lẫn cựu binh, về mọi mặt khi làm việc trên tàu. Bên ngoài nhìn vô cũng sẽ đánh giá tác phong, thái độ, năng lực,… Họ sẽ nể trọng mình hơn, hay khinh rẻ, đều là do mấy cái này.
Cuối cùng, Giao Long nằm gục luôn xuống bộ ngực vĩ đại. Hình tượng chỉ huy lạnh lùng, nghiêm túc hoàn toàn tan nát, thay vào đó là cô nàng có vẻ biếng nhác, mệt mỏi. Cô nói:
– Tóm lại, có nhiều cái lợi nên bọn ta mới làm trò này, chứ không thì ai rảnh hơi mỗi năm xách mông bay cả ngàn lý chỉ để bắn dăm ba viên đạn chớ?
– Là vậy ạ?
Viêm khẽ gật đầu. Rồi đột nhiên nó hỏi:
– Mà sao chúng ta phải nói chuyện trong này vậy ạ?
– Chứ ở ngoài kia, người ta đang làm mà mình cứ tía lia cái miệng thì vô duyên lắm, không phải sao?
– A…
– Vấn đề hiện đại cần phải giải quyết theo cách hiện đại, a ha ha ha!