Mười hai giờ trưa.
Từ phòng ăn trở về, Viêm gần như nằm gục trên ván, không di chuyển nổi. Quá no, quá ngon, dù rõ ràng cũng chỉ là những món bình thường, bên kia có đầy ra. Hai chén cơm trắng nóng hổi, ba khứa cá lóc kho tộ, cùng một tô canh chua bạc hà lớn, khi còn ở nhà nó không lúc nào ăn khỏe tới vậy. Không mấy lo nghĩ, Viêm ngả người, nằm thở phì phì như mới chạy bộ đâu xa lắm về. Thiên nằm kế bên, kéo áo, ưỡn cái bụng xanh lè, căng tròn lên. Thực ra cu cậu không mệt, cũng chẳng bị no căng, nhưng thấy chị làm nên bắt chước theo. Hai chị em dang tay chân hình chữ đại, tức tay ngang vai, dạng rộng chân sang hai bên, mặt ngửa lên trời, người không phải thở, kẻ thở không ra hơi.
Bước tới tủ sách, Mộc Ma chồm hổm xuống, đưa tay vào tìm tìm cái gì đó. Nhìn sang, Viêm thấy phục sao nhỏ đó đeo cái dây nịt quấn sát bụng, ăn cũng ba, bốn chén mà lại chẳng có vẻ gì mệt nghỉ. Lại còn đủ sức “vác” mình từ dưới lầu trệt lên tới trên này, yêu ma có khác, nhỏ nghĩ bụng. Thiên nằm chán, lại lăn qua ôm chị, phà nhẹ khí lạnh vô người con bé. Trưa không nóng nhưng cũng chẳng dễ chịu, lại đang mệt vì cứng bao tử, có tí ti gió mát thế này thực sự đã à… Người ta hay nói ăn no mà lạnh bụng thì dễ bị ông Tào Tháo tới kiếm, nhưng đây là dị giới mà, chắc gì lại thế, nhỉ?
– Lăn chỗ khác đi Thiên, mắc công hồi nó đi nhà nặng đó!
– Ầu…
– Hả?
Chưa kịp làm gì, Thiên đã nhanh chóng lăn cù ra chỗ khác, với tốc độ mà có lẽ con thỏ cũng phải bó tay, đua không lại. Không biết phải nói gì, mọi lời nói đều biến mất như cách các siêu anh hùng “bốc hơi” sau cú búng tay của gã phản diện da tím, Viêm nằm yên, chẳng buồn nghĩ ngợi. Chính khi ấy, Mộc Ma đi sang, trên tay là một cuốn sách khác. To đùng, với lớp bìa bọc da thuộc màu nâu sần, cùng dòng chữ vàng in bên trên. “Cái chết của vua Arthur: Huyền thoại và sự thật”, đó là tựa đề quyển sách. Phần tác giả bên dưới đã bị mất, có lẽ do bay chữ, nhưng Viêm vẫn thấy được năm xuất bản. “1900”, là hai mươi ba năm trước.
Ngồi xuống giường, Mộc Ma hỏi:
– Nè, bên cậu có truyền thuyết vua Arthur chớ?
– Ừ, có. – Viêm đáp – Nhưng sao? Bên này cũng có à?
– Nhìn tựa đề rồi còn hỏi! Mà… bên ấy thì vua Arthur có thiệt không, hay là truyện kể vui mồm vậy?
– Ừm… Cậu hỏi giờ thì tớ cũng… chả biết! Tớ đâu rành mấy vụ này, nhưng chắc là chém gió cho vui thôi! Nhưng…
Dừng chút, Viêm nói:
– Cậu lại tính làm tớ nổ não nữa, đúng không?
– Dào, làm người ai làm thế!
Lè lưỡi, Mộc Ma đáp ngay.
– Cậu không phải người.
– Nên tớ sẽ làm cậu nổ não… lần nữa! A hi hi, đồ ngốc!
– Ư…
Không để Viêm kịp phản ứng, Mộc Ma đã sà lại, lấn sát vào người nhỏ bạn. Mấy ngày chơi chung, sính với nhau như dán keo, lại thêm khả năng đọc suy nghĩ nên nhỏ biết bạn mình đề kháng cực kém trước mấy chuyện li kỳ, thú vị. Và “Cái chết của vua Arthur” hoàn toàn không phải thứ nó có thể chống được, có lên kháng thính thông thạo vô cực cũng chết ngay!
Bắt đầu, Mộc Ma khơi gợi từ nguyên gốc câu chuyện. Bản trường ca “Cái chết của vua Arthur”, hay tên gốc tiếng Albion là “Le Morte d’Arthur”, là sử thi lãng mạn về vị vua Arthur Pendragon của vùng Walesh, thuộc miền Tây Albion bây giờ. Truyền thuyết bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ thứ năm sau lịch Tây, thời điểm các quân đoàn lê dương của Đế quốc Remusa rời khỏi tỉnh Albionia, tức vùng phía Nam chính quốc Albion bây giờ, để lại một vùng đất rộng lớn vô chủ cho người Celta, chủng á nhân đã sống ở đó và Gaullia từ rất lâu. Các bộ tộc Celta liên tục nội chiến, cùng với đó là sự xâm lấn của Vương quốc Erin, những người kế thừa của Irea và các sắc dân Anglus, Sadjon và cả người Ein Nord từ phương Bắc.
– Khoan, dừng hình!
Đang kể hay, bỗng Viêm đòi dừng lại.
– Cái này có liên quan gì truyện tối qua cậu cho tớ đọc không đó? Sao nghe có mấy cái…
– Thì cái này diễn ra sau thời nữ vương Fianna khoảng hai trăm năm mà. – Mộc Ma nhún vai – Thôi, cứ tiếp đi!
Câu chuyện tiếp diễn với sự thống nhất miền Tây, tức vùng Walesh, dưới sự cai trị của vua Ether Pendragon “Chiến binh Rồng”, mang dòng máu Remusa – Celta và là một hậu duệ xa của hiệp sĩ Galadh Kyrielight, một trong các tướng dưới quyền nữ vương huyền thoại Fianna Nír Coincheinn. Ba mươi sáu năm ông cai trị là thời gian hòa bình, thịnh vượng của Vương quốc Walesh, nhưng vua Ether có tham vọng bành trướng khắp toàn đảo Albion, đánh sang cả Erin và thậm chí là vùng đất liền Gaullia lúc này đang bị các bộ tộc Val Nord xâu xé.
Vị vua già chỉ có duy nhất một người con trai, Arthur, nhưng đã lâu không được biết tới. Pháp sư hoàng gia Gamelin, người mang trong mình dòng máu Celta và được cho rằng có quan hệ họ hàng với loài quỷ giấc mơ, đã đưa hoàng tử trẻ rời xa kinh thành, tới nhà của một hiệp sĩ để được dạy dỗ. Ở triều, đức vua chỉ công khai trước toàn dân người con gái lớn Morgan, không nói gì về con trai. Chỉ khi nhà vua băng hà, hoàng tử mới tham gia cuộc tuyển chọn vua, rút “thanh gươm trong đá” ra và lên ngôi. Sau đó là hội bàn tròn các thứ, bi kịch các thứ, nhà vua bị con trai tạo phản và tử thương, được đưa tới hòn đảo thần tiên…
Nghe tới đây, Viêm hoàn toàn chưng hửng. Gần như không khác gì “Huyền thoại Coincheinn” tối qua! Sự khác biệt, nếu có, chắc chỉ là ở cái tên nhân vật, thời gian. bối cảnh và vài chi tiết, còn lại giống y hệt! Vua Arthur cũng có một hội hiệp sĩ, nhưng thay vì có một người gian dúi với chính bản thân thì lại là vợ mình, việc nhà vua không hiểu lòng dân, các chiến binh dần từ bỏ, ngay tới việc con trai – bên kia là cháu – nổi dậy và chống lại nhà cai trị rồi kết thúc đều y chang nhau. Sự khác biệt lớn nhất là hiệp sĩ phản loạn Mordius là con ruột của vua với hoàng hậu, và thay vì được nữ thần dưới hồ ban cho ngọn giáo sau khi thanh kiếm trong đá bị gãy, cái anh nhận được là một kiếm thánh khác, có khả năng quét sạch một pháo đài trong một lần vung. Còn lại thì cứ gọi là “sao y bản chính”!
Không nhịn được, con bé thốt lên:
– Sao y xì cái kia vậy?
– Ừ, y chang, đúng chứ?
Gật đầu, Mộc Ma nói, chuyện này thực ra không hiếm. Các nền văn minh, các dân tộc khi giao lưu với nhau thường có hiện tượng “trao đổi văn hóa”, nghĩa là mỗi bên sẽ tiếp nhận một chút của đối phương. Xứ Walesh thời ấy nằm ngay sát Vương quốc Erin, nên việc du nhập là rất bình thường. Vả lại, trong một thời gian dài, khoảng một thế kỷ, người Erin đã bành trướng sang vùng Walesh, đánh với Đế quốc Remusa, nên trong dân gian lưu truyền những câu chuyện của họ cũng không phải lạ. Tuy nhiên…
Lật tiếp sang trang, Mộc Ma nháy mắt, giờ là phần chính. Câu chuyện về vua Arthur được ghi nhận sớm nhất vào thế kỷ thứ bảy bởi thánh Georgious, nhà truyền giáo đã cải đạo người Albion khi ấy sang tôn giáo chính của Gaia là đạo Jervius. Các tên gọi khi ấy đều thuộc tiếng Walesh, với vua Ether là Ythril, Arthur là Artwyn và cứ thế. Thánh kiếm của Arthur, “thanh gươm trong đá” Caliburn có tên gốc là Caledfwlch, mà bản thân nó lại có cùng nguồn gốc với từ “caladbolg”, cách gọi sau này của thanh Carildwyss, vốn lại chính là bảo kiếm mà nữ vương Fianna từng dùng khi còn sống!
Theo các bằng chứng khảo cổ, lịch sử và cả truyền thuyết dân gian đảo Erin, thì Fianna Nír Coincheinn là vị vua có thật, cai trị ở khoảng nửa đầu thế kỷ thứ ba, tại tòa lâu đài Ulster tọa lạc tại trung tâm đảo. Câu chuyện về bà được các đời dân Erin truyền tụng, lâu dần lan sang cả Walesh. Và, nhỏ bảo, tuy khoa học đã xác nhận vua Ether là người có thật, cai trị trong khoảng từ năm bốn trăm hai mươi tới bốn trăm năm mươi sáu sau lịch Tây, thì các bằng chứng về vua Arthur lại cực kỳ mờ nhạt. Hiện tại, thứ duy nhất còn sót lại là một quyển sách da dê nằm ở lâu đài Kyrielight, được cho là nơi ở khi về già của dũng sĩ Galadh và hậu huệ của ông, về một người tên “Artwyn Pwyn Drawlrm”, sống cùng thời với vua Arthur, nhưng không rõ có phải một không.
Hiện tại, các nhà sử học đang tranh cãi rất nhiều, rằng liệu bản trường ca “Cái chết của vua Arthur” và chính vị vua huyền thoại có thật sự chính xác với lịch sử không, hay là hư cấu dựa trên chuyện kể của nữ vương Fianna. Các chứng cứ chỉ ra rằng trước khi thánh Georgious tới Albion, không ai trong cộng đồng Celta Albionia biết tới vị vua này, nhưng người Walesh lại có thể kể vanh vách. Thứ hai, do trong thời điểm đó tiếng Remusa là ngôn ngữ chính, rất có thể vị thánh truyền giáo đã chuyển tự tên của Arthur từ tiếng Walesh sang tiếng Remusa, hình thành nên nhân vật được gọi là “Artorius Pendragonus”, và về sau thì Albion hóa nó thành Arthur Pendragon. Tên gọi Caledfwlch trở thành Caliburnus, rồi là Caliburn.
Giữa hai câu chuyện, những điểm tương đồng cực lớn hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra. Đều là con vua, được một pháp sư gửi cho hiệp sĩ nuôi dạy, lên ngôi nhờ rút thanh kiếm trong đá và lãnh đạo quốc gia, cuối cùng đẩy nó tới sự diệt vong bởi chính sách cai trị quá đỗi vị tha. Họ đều là những quân vương duy ý chí, quá mùi mẫn nhưng không hiểu được lòng dân, cho rằng vua phải vì dân mà không nhìn vào thực tế quốc gia. Thành viên đi theo gần như y hệt: pháp sư hội đồng, người chị gái trong bóng tối, hai cha con hiệp sĩ đối lập nhau, chiến binh mang bảo kiếm có sức mạnh của Mặt trời, cung thủ thiện xạ, người bà con về sau sẽ phản loạn,… Rất nhiều sự tương đồng, đến ngay cả trận chiến cuối cùng.
Trong “Huyền thoại Coincheinn” tối qua Viêm đọc, Fianna tử thương trong trận chiến ở đồi Calmaan nhưng kịp xiên chết đứa cháu phản nghịch. Ở đây, vua Arthur chịu thương tích nặng nề nhưng đã giết được con trai Mordred Pendragon, chính là người đã dẫn đầu cuộc nổi loạn chống lại chính sách trị vì “điên khùng”, ở đồi Calmland, phát âm rất giống. Fianna đánh đổi lý trí, dùng thần thương Rhongol để đâm thì Arthur dùng ngọn giáo Rhongominyad, tên gọi của vũ khí cũng na ná. Cả hai quốc gia đều sụp đổ sau khi vua băng hà, do cách trị quốc tệ hại, còn thi thể nhà cầm quyền được đưa tới một vùng đất xa xôi.
Tiếp về sau, quyển sách tiếp tục giải thích, chủ yếu là về câu chuyện trong bài thơ. Bằng các lập luận khoa học xác đáng và bằng chứng khảo cổ, các nhà khoa học chứng minh rằng “Arthur Pendragon” hoàn toàn là người có thật. Nhưng khác với trong sử thi, đó không phải con ruột vua Ether, mà là do một lỗi khi thánh Georgious dịch từ tiếng bản địa sang tiếng Remusa. Tên đầy đủ của vua Ether trong tiếng Walesh là Ythirl Pwlndragwlrm, nghĩa là “Ythril Chiến binh Rổng” hay chuyển sang tiếng Albion hiện đại sẽ thành Ehter Pendragon, “Ether the Dragon Warrior”, là sự chuyển tự và dịch nghĩa chính xác.
Trong khi đó cái tên “Artwyn Pwyn Drawlrm”, với sự khác biệt giữa phần “pwym” với “pwlm” và việc một cái viết liền, một cái không đã khiến nhiều người đặt nghi vấn. đặc biệt, trong giai đoạn này người Celta không có tục lấy họ, nên bản trường ca nói hai cha con mang họ Pendragon là chi tiết sai lầm nghiêm trọng. Từ “pwym” trong ngôn ngữ Walesh cổ có nghĩa là ‘con trai của”, vì vậy chuyển thể thực sự phải là “Arthur con trai của Rồng”. Cái phần “Pendragon” khả năng cao là do sai sót, vì chữ viết celta khi ấy rất khó đọc, khác với chữ Remusa, trong khi thánh Georgious lại học tiếng Remusa từ bé nên không quen với ngôn ngữ miền Tây, từ đó gây ra hiểu lầm cho các thế hệ sau.
Gập sách lại, Mộc Ma nói:
– Theo nhiều chuyên gia hiện tại, thì câu chuyện của vua Arthur không hơn gì một trò sao y bản chính của chuyện kể nữ vương Fianna, nhưng được biết tới nhiều hơn do các giáo sĩ liên tục tuyên truyền, lại thêm mấy nhà thơ thời Trung cổ không ngừng chém gió về nó! Thấy trong sách không, nó phân tích những điểm giống đến đáng ngờ giữa hai truyền thuyết, một cái ở Erin ít được biết tới hơn, cái kia là một nhà thơ Gaullia biên soạn lại dựa trên các chuyện kể dân gian! Gần như y đúc!
– Thực sự như vậy được à? – Viêm sửng sốt – Cứ như là đạo nhái ý!
– Đạo nhái trắng trọn luôn còn gì! Nếu cậu mượn cốt truyện để phóng tác thì không nói gì, đây hầu như chỉ thay tên nhân vật, còn lại thì cứ gọi là nguyên xi! Vậy mà bây giờ nhiều người Albion tự hào lắm, còn ra sức tìm cái lâu đài Camelot của vua Arthur nữa chứ! Nó làm gì có thiệt!
– Thôi thì… cuộc sống mà…
Đang nói, bỗng Viêm chưng hửng, dừng ngay lập tức. Bình thường khi đang chém gió thế này, Mộc Ma kiểu quái gì cũng sẽ cài cắm chủ đề để nó tô lái qua chính trị hay quân sự, nên tốt nhất là dừng ngay khi còn có thể. Bộ não cỏn con này đã chịu dựng quá đủ rồi, nếu có ngày đang nghe con kia huyên thuyên mà óc chảy khỏi tai thì cũng dám lắm chứ!
– Dào, lo gì!
Mỉm cười, Mộc Ma nheo mắt, nói:
– Giờ có cái khác vui hơn cơ!
– Cái khác vui hơn?
Không nhịn được tò mò, Viêm đành hỏi.
Mà Viêm đã hỏi, thì con chột trả lời thôi!
– Cậu có biết là dân quý tộc thường không chỉ có một danh hiệu duy nhất chứ?
– Hả?
– Nhìn cái mặt ngố là biết không rồi!
Quả thật, mặt Viêm lúc này ngố hẳn ra, hoàn toàn không biết gì. Chân mày nhướng cao, mắt to tròn, cái miệng mím nhỏ lại, đều là những biểu hiện cô bé chỉ để lộ khi não “trống rộng”. Ngồi bật dậy – nãy giờ vẫn đang nằm dài – nhỏ nhìn bạn, rồi như thể con hổ đói tới bàn tiệc muộn, liền lao tới vồ lấy vai Mộc Ma, gầm sát mặt vào mà nói như thể ép cung:
– Khai, ngay!
– Rồi, rồi!
Để bạn bình tĩnh, Mộc Ma mới tằng hắng giọng. Nhỏ mào đầu – phải có phần này mới khiến một đứa ngáo như con Viêm chú ý hết mức được. Theo lời nó, thì tất cả các quốc gia đã từng, hay đang duy trì chế độ quý tộc, đều tồn tại hệ thống danh xưng cấp bậc địa vị. Hiện tại, nhỏ chi bàn về Đế quốc Liên hiệp. Theo mô hình phương Đông, đó là năm tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam từ trên xuống. Đó là năm tước bậc quý tộc thường được sử dụng, có thể phong cho người có công hay tập ấm, cha truyền con nối. Trong số này thì trừ Công thường do những ai có quan hệ thân thích với hoàng gia, còn lại nếu người dân đủ thực lực thì hoàn toàn có thể nhận, ít bị làm khó.
Trên năm tước quý tộc là các tước bậc hoàng tộc, gồm Vương và Đế. Vương là cách gọi cao nhất cua nhiều triều đại, tức là vua, điều này con chột bảo là không cần giải thích thêm. Cả Hồng Bàng lẫn Hoa Đông đều dùng cách gọi Vương cho vua của mình, cho đến khi một bên tan rã thành mấy trăm nước nhỏ, bên kia thì thống nhất và bành trướng suốt một ngàn năm. Còn Đế, hay Hoàng đế, là kiểu gọi rất cũ, thuộc vào thời thượng cổ Hoa Đông, dưới ba triều Hoàng và năm vị Đế, chia nhau cai trị châu thổ Hoa Đông và bồn địa Tứ Xuyên rộng lớn.
Trong lịch sử, thời kỳ ấy, được gọi là Tam Hoàng Ngũ Đế, được cho là thịnh vượng nhất của xã hội phương Bắc cổ đại. Vì thế nên khi thống nhất các nước, vua triều Hạ Tần mới ghép chữ Hoàng với Đế lại làm một, thành danh xưng cho mình và đời sau. Các triều kế đó cũng theo truyền thống này, coi Hoàng đế là cao nhất, đẩy tước Vương xuống hàng thứ hai, thường ban cho hoàng tộc hay vua chư hầu.
Dần dần sau này, khi giao thương với phương Tây, Đế quốc đã thêm một số tước hiệu khác cho “bằng bạn bằng bè”. Đó là sự xuất hiện của Đại Công, Thân vương với Đại Thân vương, một cái mới hoàn toàn và hai cái kia là cải biến từ tước Vương có sẵn. Theo hệ thống sắp xếp, được quy định theo hiến pháp đời Mạc Thành Tông, thì Hoàng đế ngự trị tối cao, liền sau đó tới Đại Thân vương, Đại Thân vương cao hơn Thân vương, Thân vương lại trên Đại Công, còn lại giữ như cũ.
Luật cũng thay đổi, thay vì tập ấm tước vị mỗi đời sẽ giảm một bậc, và chỉ được tăng lên khi lập công, thì hiện tại con cái có thể giữ nguyên chức tước của cha ông, nhưng chỉ dành cho người thừa kế trực tiếp và gia đình, như vợ, chồng, con cái, chứ không cho anh chị em. Các Hoàng thân lại có cách xếp khác, vì là gia quyến của Hoàng đế nên luôn có chức tước, thấp nhất là Bá. Đế quốc loại bỏ các tước mang hình thức Hoa Đông mà đi theo phương Tây, tuy nhiên không thành lập tầng lớp hiệp sĩ, do không có nhu cầu.
Về cơ bản, Mộc Ma bảo, các nhà quý tộc đại đa số đều có lãnh thổ riêng, nhỏ thì vài vạn mẫu đất, lớn thì có khi cả thành phố, riêng các Tổng lãnh thì không cần bàn tới. Tổng lãnh luôn là Đại Công tước trở lên nên không cần bàn cãi, chỉ cần nhìn cái tước là đủ hiểu họ lớn tới thế nào. Những Công tước, quý tộc cao nhất xếp dưới Tổng lãnh, có đất thường là một vùng hành chính lớn, vài ngàn tới cả mấy ngàn cây vuông, với một cây vuông bằng một ngàn mẫu, một mẫu lại là một ngàn thước vuông.
Họ có đủ quyền lực kinh tế lẫn quân sự, nhưng tùy vào lúc, như Công tước Phiên An, đã để quân của mình thất bại bước đầu, nhưng sau đó nhanh chóng phản công. Các quý tộc địa phương, như ba người đang ở trong điện hiện tại, hoặc là hào trưởng cát cứ đã lâu, hoặc là tập ấm, hay được bề trên ban cho. Ngoài Hoàng đế thì chỉ Tổng lãnh mới có quyền sắc phong chức tước, nhưng sau đó vẫn phải có giấy gửi ra kinh đô.
Và do nhiều “lý do lịch sử”, mà cái chuyện tên gọi của các quý tộc có khá nhiều rắc rối. Bậc thấp, từ Bá tước trở xuống, không cần quá lo lắng, vì thường chỉ có một danh hiệu duy nhất. Nhưng đối với các quý tộc bậc cao, đặc biệt là người trong quân đội, thì khi xưng hô lại là cả một vấn đề. Mộc Ma nói:
– Ví dụ như thuyền trưởng ha! Một mình cổ thôi mà đã có cả đống cách gọi rồi nè!
– Là sao? – Viêm tròn mắt, chưa hiểu.
– Là kiểu như cậu giới thiệu thuyền trưởng trong một bữa tiệc hay họp hội nghị gì đi, thì cái chuyện đọc tất cả các danh hiệu nó thốn trời ơi đất hỡi luôn, chứ chả sướng đâu!
– Cậu… đọc thử xem?
– Rồi… Bình tĩnh, cấm có để nảo chảy khỏi tai nha.
– Ừ.
Viêm gật đầu. Lúc đó, nhỏ chợt thấy Mộc Ma khẽ thở dài. Hít một hơi thật sâu, con bé ưỡn ngực, nói nhanh như người ta bắn rap:
– Thủy sư Đô đốc Phạm Huyền Giao, Tư lệnh các lực lượng vũ trang kiêm Tuyển đế hầu, Tổng lãnh, Thân vương xứ U Minh, Đại Công tước của điện Cây Quế, người cai trị các thành phố phía Nam, thành chủ thành Bình Sa.
– Hả…?
Nghe hết đóng đó, Viêm muốn té ngửa!
– Thằng ông nội nào chế ra cái mớ đó vậy!
Nằm gục xuống, con bé hét lên, làm Thiên đang lim dim ngủ cũng giật mình tỉnh dậy. Thằng bé nằm sấp trên ván, nhìn hai chị một lát rồi lại nhắm mắt, mút ngón tay ngủ ngon lành.
Nhìn Viêm rồi để ngón trỏ lên miệng, ra vẻ bảo giữ im lặng, Mộc Ma mới nói tiếp. Việc có một lô lốc các thứ danh hiệu là tàn dư của chuyện bắt chước phương Tây trong giai đoạn Tây hóa thứ nhất, từ năm một ngàn năm trăm sáu mươi tới một ngàn sáu trăm mười ba, kết thúc triều Mạc Thành Tông. Các quý tộc cấp cao được gắn cho hàng lô lốc các thứ tên gọi, quy định cả vào luật, nhưng về sau thấy rối quá nên đã bỏ luật ấy. Những quy định về danh xưng bây giờ chỉ còn mang tính hình thức xã giao, trừ khi trong quân đội, vì các quý tộc đa số, nếu không phải tất cả, đều làm việc trong quân ngũ.
Ví dụ, con bé bảo, đối với Giao Long, tùy theo tình huống mà sẽ gọi theo những cách khác nhau. Trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, hay các loại giấy tờ hành chính của Hội đồng Đại Lãnh địa gửi lên, họ đều gọi cô là Tổng lãnh. Đối với những thư từ bên ngoài, đặc biệt là các loại công văn, điện tín, thư đóng mác hoàng gia, “Thi Hoàng” sẽ được gọi là Tuyển đế hầu U Minh. Khi dùng cho ngoại giao, thuyền trưởng sẽ được gọi với danh xưng hành chính cao nhất cùng tên lãnh thổ cai quản, rất ít khi gọi bằng tên cúng cơm, như vậy sẽ là Tổng lãnh U Minh. Tuyển đế hầu không phải danh xưng dùng cho hành chính, còn “Thi Hoàng” thì chỉ là tên gọi cực kỳ đặc biệt, nên sẽ không dùng trong các trường hợp này.
Trong quân ngũ, cũng tùy theo trường hợp mà Giao được gọi với các cấp bậc, tên hiệu khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là Tổng lãnh, vì đây vốn là chức vụ quân sự tương đương hàm Nguyên soái, nhưng đã mất hầu hết giá trị quân đội thực tế sau khi trở thành hiệu của sáu đại quý tộc ấy. Đối với giới thủy thủ tàu bay và các sĩ quan xuất thân Hải quân, họ sẽ gọi cô ấy là Thủy sư Đô đốc, quân hàm năm sao ngang với Nguyên soái, nhưng vốn thuộc về Hải quân. Viêm cũng biết vụ này, Không quân với Quân Đổ bộ đường không tách ra từ các quân chủng lớn nhưng lấy cách gọi theo lính biển, nên không quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, Thủy sư Đô đốc quá dài dòng, nên dần về sau từ sĩ quan cấp cao tới lính mới đều gọi là Tổng lãnh hay Tư lệnh, như nhau cả, nhưng trên giấy tờ thì vẫn phải gọi đúng quân hàm.
Cuối cùng, chỉ áp dụng riêng với Hồng Ma, họ sẽ gọi cô là thuyền trưởng hay chỉ đơn giản là Giao Long. Phần này không liên quan lắm, nhưng Mộc Ma bảo lỡ rồi thì nói luôn cho trót, nên Viêm đành nghe theo. Đối với cô ta, và một số quý tộc cụ thể tự mình chỉ huy tàu lẫn hạm đội cùng lúc, thì các thành viên trên buồng lái sẽ gọi là thuyền trưởng, còn những người ở phòng tham mưu dành riêng cho việc điều hành đại quân sẽ gọi theo quân hàm cao nhất. Hệ thống quân hàm của Đế quốc giống nhau ở mọi quân trong các bậc hạ sĩ quan và sĩ quan tới bậc Đại tá, sau đó mới phân chia, nên không có sự rối loạn khi xưng hô. Điều này khác với một số nước phương Tây, khi từ “thuyền trưởng” và “đại tá” đọc giống hệt nhau, gây nhầm lẫn trong quá trình dịch từ tiếng Tây sang Việt.
Đối với các quý tộc bậc thấp, từ Bá tước đi xuống, họ không quá đặt nặng vấn đề này. Chỉ ai sĩ diện lắm mới đi bắt lỗi, vì thực sự ba tước ấy thường mặc nhiên bị coi là “bề dưới”, là “hàng thấp nhất” của quý tộc, nên họ không muốn làm căng. Đặc biệt là các Nam tước, thấp lè tè, gần như chỉ là người dân có công lao to lớn thì sẽ được ban cho, nhưng bây giờ thì rất khó. Việc cấp đất cho các quý tộc đã không còn từ sau khi Mạc Hiếu Tông lên ngôi, khoảng sáu mươi năm trước, do quỹ đất của Đế quốc không còn, nên các cá nhân được nhận tước vị sau này chủ yếu chỉ có mang danh cho sang và hằng năm ăn bổng lộc, chứ muốn có đất thì phải tự dốc tiền túi ra mua. Quý tộc có thể chuyển nhượng bất động sản của mình cho người khác, nhưng không được bán tước vị, vì đó là thứ Hoàng đế ban cho, đem bán tức là phạm tội khi quân.
– Rắc rối nhỉ?
Nghe hết đống ấy, Viêm phòng má, cúi mặt xuống. Nhiều thứ quá, nhớ không hết. Nhưng nói chung thì phiền phức và rối rắm. Các quy định này với nó hoàn toàn xa lạ, không có chút dính líu, liên quan gì. Không chỉ bản thân, nhỏ nghĩ đa số người ở Việt Nam cũng sẽ thấy các tước hiệu quý tộc, danh gia các kiểu rất xa lạ, không phải thứ gì cần biết và quan tâm. Cũng đúng, vì đó giờ nó lớn lên trong một quốc gia không có chế độ này, nên không thể hiểu được.
Mộc Ma biết, nhưng không nói. Sự khác biệt từ môi trường sống dẫn tới các xung khắc trong tư duy, văn hóa và cách nhìn nhận xã hội, nên con bé cũng không mở lời châm chọc. Khi chuẩn bị nói, thực ra nhỏ đã chuẩn bị trước. Nền “cộng hòa”, đó không phải khái niệm xa xôi gì đối với Thủy Tinh. Hơn hai ngàn năm trước đã tồn tại cộng hòa ở phương Tây, và bây giờ, trên thế giới, số quốc gia theo chế độ cộng hòa không phải hiếm. Columbia, Carib, Gaullia,… đều là các nước cộng hòa có Tổng thống, và không tồn tại chế độ quý tộc.
Lay Viêm mấy cái, Mộc Ma nói, đó chỉ là đối với quý tộc. Hoàng tộc Đế quốc còn phức tạp và nhức não hơn, kể cả với những người phục vụ trong cung. Các thành phần cơ bản đều được công khai, vì nước nào cũng như nước nào, còn cái chi tiết thì tuyệt mật. Nhưng có một số điều con bé cần biết để không “chơi ngu”, vì tội khi quân là tội nặng thứ hai chỉ xếp sau phản quốc ở đây, và mức án cao nhất là chung thân nếu phạm phải. Và Đế quốc chung thân không có ân xá, nên như vậy chẳng khác gì chết đâu!
– Gắt vậy? – Viêm sửng sốt.
– Phải gắt mới ngăn người ta chơi ngu!
Đá lông nheo phát, Mộc Ma mỉm cười, rồi nói tiếp:
– Nước có Vương là vương quốc, vậy nước có Hoàng đế thì là đế quốc, đúng không?
– Ừ hử…?
– Vợ của Vương là Vương hậu, vợ Hoàng đế là Hoàng hậu?
– Ừ hử?
– Vậy mấy thành phần khác thì sao?
– Ế?
Đang được mớm lời, Viêm chưng hửng khi bị cắt ngang mạch cảm hứng. Nhỏ hỏi ngay, và không quên dí sát mặt vào, ép Mộc Ma trả lời. Dĩ nhiên, con chột không đề kháng được trò này. Mặt nó đỏ ửng lên, miệng lưỡi lắp bắp, rồi nhanh chóng xổ tất tần tật, tuốt tuồn tuột các thông tin phổ thông cho bạn.
Hoàng gia Đế quốc Liên hiệp, khác với các nước bên ngoài, chọn người thừa kế ngai vị bằng hình thức bầu cử. Chuyện này Viêm đã biết, do nhà cai trị vẫn có thực quyền – chí ít là mặt quân sự – nên họ không muốn một kẻ bất tài, chỉ biết ngồi mát ăn bát vàng lên làm lãnh đạo. Ngoài ra, đó còn là truyền thống giữa các lãnh thổ yêu ma, khi các Tuyển đế hầu đồng loạt ra phiếu bầu, và Hoàng đế dương nhiệm sẽ chốt bằng lá cuối, chủ yếu để đảm bảo không ai ngang hàng nhau. Người có nhiều phiếu nhất sẽ là Thái tử, về nhì là Đại Thân vương, và cũng là chức danh duy nhất không phải cha truyền con nối. Các Đại Thân vương thường sẽ có thêm một tước nữa, để khi có người mới thay thế thì họ và con cháu vẫn là quý tộc.
Vì vậy, thường ngôi vị Thái tử sẽ không được quyết định tới khi bầu xong, và trong thời gian chờ lên ngôi, nếu thấy không ổn, Hội đồng Đế quốc hoàn toàn có quyền yêu cầu Thái tử phải điều trần trước toàn thể thành viên nội các. Tòa án Tối cao cũng được quyền yêu cầu điều tra Hoàng gia nếu thấy có vấn đề, mọi thành viên, kể cả Hoàng đế cũng không ngoại lệ.
Ngoài việc “quyền lực tối cao” bị giảm và phải chia sẻ cho Hội đồng Đế quốc, Thủ tướng và Thừa tướng – Bộ trưởng Bộ Tổng Tư lệnh, thì hoàng thất khá yên ắng, không có sóng gió gì nhiều. Hiến pháp cũ quy định đàn ông trong nước được lấy tối đa năm vợ, nhưng sau khi Hiếu Tông lên ngôi đã thay đổi, và duy trì chính sách một vợ một chồng, ngay cả đối với các thành viên hoàng gia. Không tồn tại khái niệm “hậu cung” ở Đế quốc, đó giờ luôn vậy, mà là một điện riêng dành cho gia đình của Hoàng đế ở, gồm nhà vua, các bà vợ và con cái. Hoàng thân ở trong những điện khác, vẫn thuộc vào Cấm Thành.
Thành phần cơ bản của hoàng tộc Mạc Phạm gồm nhà vua, Hoàng hậu, các Hoàng tử, Công chúa và Hoàng thân. Dĩ nhiên, Hoàng tử với Công chúa là chuyện Viêm đã biết, con cái nhà vua, còn Hoàng thân thì khác. Họ là những người có cùng dòng máu, và có thể là cùng hay khác thế hệ, với Hoàng đế đương trị. Khi một người trong số con cháu trực hệ của Hoàng đế trở thành Thái tử, những người khác sẽ giữ nguyên cách gọi, nhưng một khi lên ngôi, thì các anh, chị, em, cô, dì, chú, bác,… của người ấy sẽ đều đươc gọi là Hoàng thân cả. Từ ấy có nghĩa là “người thân của Hoàng đế”, nhưng được dùng để phân biệt với vợ hay chồng, và các con cháu của mình.
Đặc biệt, nếu người thành Thái tử là nữ, thì sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào trong cách goi thành viên kế vị. Trong luật pháp Đế quốc chỉ quy đinh duy nhất danh hiệu “Thái tử” cho người được chọn kế vị Hoàng đế, và nó, khác với ở Hoa Đông, là từ trung lập về giới tính. Có nghĩa, cả nam, nữ lẫn “ở giữa” đều dùng được. Đế quốc chủ trương bình đẳng giới tính một ngàn năm trước cái phong trào “nữ quyền” của Tây, nên tư tưởng dân chúng khá thoáng khi người trị vì là nữ. Đối với dân, họ chỉ cần một vi vua tốt, còn với các lãnh chúa, đó phải là người đủ khiến tất cả nể phục, thống nhất trăm họ, ngăn các bộ tộc nổi dậy, nên nam hay nữ không phải vấn đề. Yếu tố hàng đầu vẫn là huyết thống, thực lực với nhân cách, giới tính chỉ là chuyện “ruồi bu”, không đáng kể tới.
Mộc Ma nói, Hiến pháp Đế quốc từ đời Thành Tông đã quy định rõ, nếu nam làm vua thì gọi Hoàng đế, nữ sẽ là Nữ hoàng. Vợ Hoàng đế là Hoàng hậu, chồng Nữ hoàng là Hoàng tế, khi là Thái tử thì chồng mang danh Thái tử quân, tức “chồng của Thái tử”, tương tự vợ là Thái tử phi vậy. Người nắm quyền tối cao, trên danh nghĩa, vẫn là Nữ hoàng, Hoàng tế chỉ được đóng vai trò cao nhất là cố vấn, không được phép lấn lướt quyền hành, và không được can thiệp vào chính trị.
Thủ tướng đứng đầu, lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng, tức Chính phủ theo cách gọi hiện tại, thực hiện việc hành pháp. Chủ tịch Hội đồng Đế quốc đóng vai trò tương đương với Chủ tịch Quốc hội, có quyền yêu cầu điều trần và can dự chính trường, làm nhiệm vụ lập pháp. Thẩm phán Tối cao xử lý tố tụng, nắm quyền tối cao về tư pháp. Tam quyền phân lập, tạo thành tam giác cân bằng, lại thêm Hiến pháp gần như tước bỏ mọi quyền hành chính trị nên việc Hoàng tế hay ngoại thích muốn can thiệp để thao túng là cực kỳ khó.
Đặc biệt, khi sinh con, tất cả con cái của Nữ hoàng đều phải mang họ Mạc. Đó là cách để duy trì dòng tộc, không để mai một. Trường hợp Nữ hoàng không có con, Hội đồng Tuyển đế hầu sẽ tiến hành một cuộc bầu cử khẩn cấp để chọn ra Thái tử mới, với các ứng viên thuộc thế hệ con ngay liền sau nhà vua, chứ không lấy thế hệ ngang hàng. Lý giải cho việc này, Luật Thừa kế hoàng gia quy định rõ, đây là việc ngăn không để nhà cầm quyền mới tai vị quá ngắn ngủi, còn thế hệ con sau này sẽ có nhiều thời gian hơn. Nhưng luật này đã gây tranh cãi suốt mấy thập niên từ khi có nên tạm thời Mộc Ma sẽ không đi sâu vào.
– Nghe mà buốt hết cả óc…
Ôm đầu, Viêm lại ngã lăn ra ván, lăn qua lăn lại cho đỡ mệt mỏi. Thực tình, những thứ như vậy không hợp với nó chút nào. Con nhỏ muốn nghe mấy thứ như quân đội, tàu bay bắn nhau cháy nổ ì xèo hơn là một lớp học về các loại quý tộc trên trời dưới đất. Dám chắc ngoài kia, nhiều người cũng nghĩ thế lắm, nhỏ nhủ bụng. Vị thánh nào mà có thể cày hết được tất cả những thứ trên thì phải goi là thần thông quảng đại, hay chí ít cũng là giáo sư chuyên ngành các kiểu. Thực sự, nhỏ không dám tin – chính xác là không muốn tin, lại phải có một đống thứ nổ não thế này ập ào mặt.
Rồi chợt nhớ chuyện gì đó, Viêm quay sang bạn, hỏi:
– Mà nếu vậy thì mai mốt thuyền trưởng xuống, thì Thiên sẽ kế thừa cái mớ tên gọi kia à?
– Hừm? Cái đó chưa chắc nha?
– Sao vậy?
– Cậu còn nhớ cách chọn Tổng lãnh chứ?
Hỏi ra câu đó, Mộc Ma muốn thử xem Viêm còn nhớ những gì mình từng nói không. Quả nhiên, nhỏ còn giữ trong đầu, khi có thể nói hết ra. Chung quy lại, việc chọn Tổng lãnh không đơn giản chỉ là người thừa kế, đứng đầu gia tộc, mà còn là một Tư lệnh mới cho toàn bộ vùng lãnh thổ y cai trị. Thế nên nếu trong nhà có người thuộc dòng dõi Tổng lãnh đạt lon năm sao vàng trước thì sẽ ưu tiên người đó, ngoại tộc như dâu, rể, con nuôi,… không tính.
Tới đây, Mộc Ma dừng một chút, rồi tiếp:
– Điều đó có nghĩa là, trong trường hợp Thiên không đủ tiêu chuẩn, thì Tổng lãnh kế tiếp có thể sẽ là một người bà con với thằng bé. Có thể ngài Trung sẽ lên, hay anh Hoàng chả hạn?
– Anh Hoàng? Ai cơ?
Nghe cái tên lạ hoắc, Viêm không khỏi ngạc nhiên. Biết ý, Mộc Ma liền nói:
– Con duy nhất của Tham mưu trưởng, giờ ảnh đang học dưới Bình Sa á! Lớp Sáu, nhỏ hơn tụi mình một tuổi, mà lập dị lắm cơ! Ảnh ở tạm trong nhà riêng của thuyền trưởng, cũng gần trường! Nếu cậu ký giấy làm con nuôi và đi học, có thể cổ sẽ “quăng” cậu xuống đó luôn!
– Hả?
Viêm dựng hết cả tóc gáy.
– Một trai một gái… chung nhà?
– Nói vậy thôi chứ nhiều người làm lắm! Mà cứ thư thả đi, bất động sản của thuyền trưởng mình đầy ra mà, vớ vẩn lại cho cậu ra Đông Kinh học luôn cũng nên, ha ha ha ha!
– Ư…