Đại lãnh địa Bồn Điện, thủ phủ Đế Ly, cuối tháng Ba năm một ngàn chín trăm hai mươi ba.
Cuộc diễn tập hằng năm lại sắp đến. Nhưng lần này, ngoài chuyện đó, còn là cuộc diễu hành kỷ niệm mười năm đăng quang của Bệ hạ. Dù Đế quốc bây giờ “ngoài mặt” là nhà nước quân chủ lập hiến, họ vẫn luôn phô bày sức mạnh quân sự và quyền lực hoàng gia, đến nỗi nhiều người bắt đầu tự hỏi cái “lập hiến” đó có thật không.
Không quan trọng.
Tất cả những gì cần thiết là sức mạnh, sức mạnh tổng thể của toàn quốc gia. Một vài con sâu ngu xuẩn, những kẻ mơ mộng về thứ “thiên đường dân chủ” sẵn sàng tiễn dân da màu về với đấng bề trên ấy sẽ không thể ngăn cản được. Nhưng, vẫn phải đảm bảo an toàn cho Hoàng đế. Và đó là lý do lần này, cả sáu Tổng lãnh đều tới. Đây là lời cảnh cáo của Đế quốc, tới bất cứ quốc gia, tổ chức nào muốn thực hiện một cuộc phiêu lưu chính trị ở nơi này.
Dinh Tổng lãnh Bồn Điện, nằm ngay giữa trung tâm thủ phủ Đế Ly, tuyệt đối không phải là nơi người thường có thể mơ mộng tới. Bốn bề nhà cửa san sát, cao ốc mọc lên như rừng, đường đi hình bàn cờ cắt thành phố thành từng ô, vậy mà ngay tại nơi ấy, cảnh tượng như thuộc về một thế giới khác. Pháo đài xây theo lối kiến trúc Vauban, với phần nền dưới hình bát quái, mỗi góc nhô ra một phần hình thoi, đặt đại bác trên ấy, chĩa nòng cao lên trời.
Cổng chính, nằm ở vách Đông, làm theo lối tam quan, với cửa lớn chính giữa và đôi cửa phụ hai bên, vòm đá cuốn cao cầu kỳ vô cùng. Cách giữa dinh với bên ngoài là một hào nước lớn, vốn là con sông chảy qua, bị đào chuyển dòng mà thành. Chiếc cầu kéo khổng lồ, hạ từ phía dinh xuống đường bên kia, thấy rõ cả mấy đoạn xích lớn giữ chúng khiến dân chúng vừa kính sợ vừa thán phục, khi biết tòa thành ấy xây lên từ thậm chí trước thời Đế quốc giao thương với phương Tây.
Ngồi trong phòng làm việc, Tổng lãnh Bồn Điện, Đại Công tước Nguyễn Minh Hiệp chống cằm suy tư, trước mặt là đống giấy tờ vẫn chưa xử lý hết. Ngồi vào ghế này cũng hơn ba trăm năm rồi, nhưng vị Tư lệnh ấy nhìn vẫn trẻ măng, hoàn toàn không có vẻ gì lão hóa, trừ mái tóc bạc như cước. Mặt mày không đến nỗi gọi là đẹp trai, nhưng vẻ dung mạo như mới gần năm mươi, ông ta hoàn toàn có thể khiến tim người ta loạn nhịp, nhất là với đôi mắt khép hờ, bộ ria mép vểnh, chiếc kính một tròng đeo bên trái và mái tóc chải mái chéo đầy vẻ lãng tử kia.
Dạ Xoa.
Một trong các dân tộc chính của Bồn Điện, tộc Dạ Xoa được xếp vào loại yêu quái do thể lực lẫn khả năng dùng ma pháp đều vượt trội hơn so với các á nhân, như người Gốp, Giao, hội lùn và ngay cả người Ein Nord gốc Bắc Gaia định cư ở Nam Đảo. Kể cả trong dạng người, họ vẫn đặc trưng với màu da màu gạch nung, không đỏ tươi cũng chẳng bầm bầm, là thứ màu như chuyển tiếp giữa đỏ tươi và sắc hồng, rất khó để có thể hình dung chỉ với từ ngữ đơn thuần, nên nói về họ, người ta thường chỉ tả với bốn chữ “da màu gạch nung”. Nổi bật nhất là đôi mắt màu xanh lục bảo và cặp sừng nhỏ trước trán, trông vừa dữ tợn lại oai nghiêm vô cùng. Chiếm đa số dân cư nơi này, Dạ Xoa không được xem là dân tộc thiểu số, do số lượng của họ đã cán mốc sáu mươi triệu vào năm ngoái, trong khi tổng dân số cả nước chỉ là hơn ba trăm hai mươi triệu nhân khẩu.
Và người đứng đầu chủng tộc hùng mạnh này chính là Tổng lãnh vùng Bồn Điện.
Mặc trên mình bộ quân phục cấp Thủy sư Đô đốc của Hải quân với áo dài tay màu xanh biển đậm, cài hai hàng khuy vàng trước ngực và đeo hơn hai chục huân, huy chương, nhìn Hiệp ra dáng Nguyên soái hơn “một con da xanh nào đó” hẳn. Phía sau chiếc áo ngoài là sơ mi đen, cài khuy kín bưng, cổ áo hồ cứng bẻ gập xuống, trước cổ đeo huy chương thập tự đen. Đó là phần thưởng danh giá nhất của Liên minh Gaia, lực lượng quân sự hình thành trong thời Đại chiến nhằm chống lại “Gaullia và lũ chư hầu”, còn bản thân Đế quốc không có loại nào như vậy. Một kỷ niệm chương, hiện được dùng như thế, bởi tất cả những ai từng có cống hiến lớn, được ghi nhận trong cuộc chiến ấy.
Ông khoác áo bành tô dài, đậm sắc xanh đen, với cầu vai cấp tướng năm sao gắn bên trên. Màu vàng, với sao sáu cánh dập nổi rõ mồn một bên trên ấy. Không như người đồng cấp miền Đông Nam, Hiệp không ưa xỏ tay vào áo khoác ngoài, cũng vì vậy mà thấy rõ được ba vòng vàng kim trên mỗi cổ tay áo quân phục bên trong. Chiếc áo khoác ngoài là kiểu mới, chỉ giữ các vành vải móc cầu vai, còn vòng phân chia thứ bậc không còn nữa. Đôi khi ông tự hỏi người bên phía Hậu cần đã nghĩ gì, khi thay loại bành tô cũ đã quá gắn liền với quân đội bằng kiểu mới, trông nhạt nhẽo hơn và chỉ còn một hàng khuy này. Nhưng ít ra họ đã thêm thắt lưng vào, điều mà loại áo cũ như “con nhóc đó” hay mặc không có.
Trước mặt ông, bản thiết kế của thứ tàu mới chi chít các vết bút chì, những đường vẽ, khoanh tròn và ghi chú. “LCV01”, theo cách gọi của Viện Bình Sa, thì nó sẽ là loại tàu chuyên dùng để chở xe bay, đặc biệt dành cho nhiệm vụ ấy, chứ không phải kiểu tàu hoán cải từ những chiến hạm đang có. Dùng lại thiết kế thân của lớp tuần dương Thuận Châu, nhưng rõ ràng thay đổi rất… “không” đáng kể. Tuần dương Thuận Châu là dạng tàu hỗ trợ mặt đất, nên phần lớn, nếu không phải tất cả, pháo hạng nặng của nó đều nằm hết dưới đáy. Phần trên của loại tàu này vốn khá trống trải, dường như bị bỏ trống, và từng là đề tài cho những cuộc chỉ trích giữa bên kỹ thuật, đóng tàu với phía tham mưu chiến trường.
Tuy nhiên, với việc tái thiết kế chúng lại thành một loại tàu mới, một số vấn đề đã nảy sinh. Theo bản vẽ, tàu sẽ có ba khoang chứa, được gọi là các “hangar”, ký hiệu từ H0 tới H2. Tầng H0 là khu vực nằm ngay trên boong, trong vòm kim loại lớn, cũng chính là đường băng cho xe cất, hạ cánh. Dự tính tầng trên cùng có đủ chỗ chứa một trăm xe F1A cùng khoảng năm mươi chiếc LAtV01, với điều kiện cường kích được tháo rời và để trong thùng, khi cần sẽ lôi ra lắp ráp tại chỗ. H1 nằm ngay dưới sân bay, đóng vai trò nhà chứa chính, có khả năng mang đến bốn trăm cỗ phi xa, cùng với đống vũ khí, đạn dược, nhiên liệu và các loại đồ linh tinh khác dùng cho hậu cần. H2 là khoang phụ, mang các xe dự phòng và phụ tùng thay thế. Hệ thống thang nâng được làm âm vào tường, dọc hai bên đường băng, nên khi nâng, hạ sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của các khu vực. về lý thuyết là thế, và điều này có vẻ khá, thậm chí quá, lý tưởng khi nói về một con tàu còn đang nằm trên giấy.
“Quá hoàn hảo.”, vị chỉ huy già nghĩ bụng, “Thực tế lại khác. Lớp Thuận Châu từng bị chửi không ngóc nổi đầu vì tính thiếu cân bằng và sự ôm đồm quá nhiều pháo lớn của nó. Ngay cả người thiết kế chính cũng bị cách chức, và thiết kế bị xem là sản phẩm lỗi của lõi, một thứ lai căng giữa zeppelin và Dreadnought. Cô ta có nhớ chuyện đó không chứ?”
Gần hai thập kỷ trước, lớp tuần dương Thuận Châu xuất hiện trong sự gièm pha, ghét bỏ của giới chỉ huy cấp cao. Trong mắt họ, đó là thứ tàu lai căng, không ra hồn, khi dùng phần thân zeppelin vốn không thích hợp cho việc trang bị quá nhiều pháo hạm cỡ nòng trên ba trăm ly với kiểu “toàn súng lớn” theo lối Dreadnought. Nhóm kỹ sư đã tạo ra nó, đến từ các viện nghiên cứu phía Viễn Tây, bị lên án kịch liệt, phê bình, và cuối cùng là cách chức. Sau đó, nghe nói U Minh đã “mua” lại các bản vẽ, đồng thời chuyển công tác mấy người ấy xuống miền Nam, về thủ phủ Bình Sa làm việc. Từng có nhiều lời đồn đoán, Tổng lãnh khi ấy, tên gàn Phạm Đông Hải tính làm trò khùng gì đó, nhưng dường như kẻ thực sự mưu tính là cháu gái lão, con bé Giao, tức Tổng lãnh U Minh đương nhiệm.
Không nghĩ nữa.
Dẹp đống ấy sang một bên, Hiệp đứng dậy, bước khỏi chiếc ghế gỗ gụ lưng cao. Phòng làm việc của Tổng lãnh, giống như phía Linh Giang, là một sảnh lớn, rộng rãi, thoáng mát, với nhiều ô cửa sổ kính nhìn ra ngoài. Chiếc bàn gỗ thông lớn với hình hoa cỏ cách điệu được đặt gần sát tường, đối diện cửa sổ nhìn xuống sân trong dinh thự. Sàn lát đá hoa cương, một chi tiết khá lạ trong thiết kế nhà ở truyền thống của người Dạ Xoa, vì họ thường dùng đá ong, thứ có rất nhiều ở Bồn Điện, cho các công trình của mình hơn. Phòng xây theo kiến trúc Dạ Xoa cổ điển, với nền bát giác, trần mái bằng, được đỡ bằng các trụ đá lớn chạm trổ hình cây cỏ đầy tinh tế. Các vách cũng được điêu khắc, tô điểm bằng cảnh đầm sen, dóa hoa, tán cây lớn,… tuyệt không có con người, yêu ma hay các loài động vật.
Nhìn xuống sân, Hiệp thấy đám trẻ nhà mình đang chơi, hoàn toàn không có chút lo lắng nào trên mất gương mặt trẻ thơ đáng yêu đấy cả. Lên chức cụ cố rồi, có cả cháu năm đời, không thể cứ tùy tiện trước mặt lũ trẻ con nữa. Giữa vườn hoa, bọn nó lon ton trên mấy con đường lát đá, cùng với đám cháu cố ông, tức lứa ba mẹ chúng. Họ không mặc quân phục: Dinh Tổng lãnh Bồn Điện dù sao vẫn không phải căn cứ quân sự, chỉ là một pháo đài cũ với mấy cây pháo hết đát trưng cho đẹp thôi. Vậy cũng được, quá nhiều quân sự sẽ ảnh hưởng tới tâm lý con trẻ sau này, nên nơi đây khá thoải mái, không phải căng thẳng như chỗ của ông bạn già lai rồng và con bé da xanh tái kia. Nhìn cháu chắt mình vô tư vậy, ông mỉm cười.
Đế quốc là quốc gia quân phiệt, đúng vậy, nhưng nó còn có một phần “tàn dư” Nho gia, rơi rớt lại những quan niệm về đạo đức, về cách ứng xử giữa người với người, những điều mà khi đó Hồng Ma không những không bài trừ mà còn khuyến khích. Con cháu phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ, và đổi lại bề trên phải làm gương tốt, phải hướng con trẻ về cái đẹp, cái thiện. Ông hiểu điều đó thế nào. Nhiều người ưa đổ hết trách nhiệm cho nhà trường, nhưng họ quên rằng mình cũng từng như con cái bây giờ, và vai trò giáo dục sấp nhỏ phải được bắt đầu từ gia đình. Đúng vậy, từ gia đình trước, rồi mới tới bên ngoài.
Cộc. Cộc.
Có tiếng gõ.
– Vào đi. – Hiệp nói như ra lệnh.
– Vâng.
Cửa mở.
– Quyết thắng!
– Quyết thắng.
Đưa tay chào kiểu nhà binh, Hiệp nheo mắt nhìn người vừa bước vào. Lùn tịt, nhỏ con, với mái tóc hung nâu buộc đuôi gà phía sau, cùng bộ đồng phục đen của Quân Đổ bộ và cầu vai thêu chỉ bạc một sao năm cánh. Hàm Thiếu tá, cổ tay không vòng, thay vào đó là hai chiếc cúc nhỏ. Chi tiết ấy áo nào cũng có, dùng khi muốn cổ tay áo ôm chặt lại. Mà ít người dùng, nên lâu dần cũng chỉ như kiểu trang trí. Nhưng với các chủng tộc nhỏ người, như kẻ mới bước vào này, thì lại là chuyện khác. Hai chiếc túi trước ngực áo cài đàng hoàng, bộ đai đeo gồm thắt lưng và hai dây móc luồn qua cầu vai treo lủng lẳng các túi vải, lựu đạn và cả bao súng – tất nhiên vũ khí phải bỏ lại bên ngoài. Nhìn y, ông nói:
– Ta đang chờ cô đây, Thiếu tá.
Chỉ tay vào chiếc ghế gỗ để đối diện bàn làm việc, ông từ tốn:
– Ngồi đi.
– Vâng.
Bước đến chiếc ghế, cô ta ngồi xuống. Bộ quân phục huấn luyện vẫn còn hâm hấp mồ hôi, và gương mặt cô bé, dù xanh màu lá, lại đang ửng cả lên vì mệt. Việc phải đi từ khu doanh trại, vốn nằm ngoài rìa Tây thành phố, tới dinh Tổng lãnh ở quận trung tâm, cũng gần nửa tiếng ngồi xe qua quãng đường hơn trăm cây, mà đó là đi theo tuyến cao tốc rồi. chiếc cặp da cô ôm theo cũng dính mồ hôi, in hình đôi bàn tay bé nhỏ, với chỉ bốn ngón mỗi bên.
Không phải người Gốp, dù nhìn rất giống, cô ấy thuộc chủng Petja, một loài yêu ma địa phương của Gautama. Petja có vẻ ngoài na ná người, nhưng đặc trưng rõ ràng nhất là màu da xanh như người bệnh nặng, dáng mình ròm nhom, chiều cao cực kỳ khiêm tốn và đặc biệt là chiếc sừng nhỏ nhô ra trước trán, ngay bên trên sống mũi. Màu tóc họ khác biệt tùy vùng, cô bé này xuất thân từ khu vực phía Nam, nhiều cát, nắng và gió nên tóc chuyển thành màu hung, còn nếu ở miền núi cao thì thường sẽ đen hơn. Màu mắt cũng rất lạ, cô ta có đôi mắt màu như hoa sim, tím hồng rất đẹp, pha lẫn vô số những đốm lấp lánh như kim tuyến bên trong. Nhưng chỉ có thế, không còn trắng, đen hay gì khác nữa cả.
Mở cặp, Thiếu tá lấy ra một xấp tài liệu, đưa cho Hiệp. Nhận chúng, ông mỉm cười. Nét mặt tuy không đến nỗi hiền hòa, cũng chẳng ác, bỗng đanh lại, ánh mắt nheo nheo cực kỳ đáng sợ. Mặt ông tối sầm, đến nỗi gần như không còn thấy được cả đôi đồng tử sáng quắc lên kia. Không khí xung quanh cũng như thay đổi hẳn, ngột ngạt, u ám hơn. Phòng làm việc tràn ngập ánh nắng phút chốc như tối sầm lại, không khí bị hút cạn, không còn lại gì. Chỉ nghe tiếng cười hục hục của vị chỉ huy lão thành, nhưng thay vì giọng điệu bình thường của người già, nó lại lạnh lẽo, tàn nhẫn và như thấu tận tâm can người ta. Âm thanh cơ hồ không đến từ cuống họng, mà từ chốn A Tỳ địa ngục, vọng lên từ mười tám tầng sâu thẳm.
Đặt chúng xuống, Hiệp hỏi:
– Tất cả?
– Vâng, tất cả. – Cô ta trả lời.
– Được rồi.
Cất xấp giấy vào hộc bàn, cẩn thận khóa lại rồi bỏ luôn cả chùm chìa vào túi áo, ở góc độ mà người kia không thấy được, Tổng lãnh Bồn Điện quay lại bàn việc với người sĩ quan kia. Tuy thuộc Quân Đổ bộ, thực tế vai trò và nhiệm vụ chính của cô ấy là thanh tra, nhận lệnh từ trực tiếp Tổng lãnh để thực hiện giám sát, điều tra các quân nhân có biểu hiện nghi vấn, đồng thời tiến hành phối hợp với Tổng cục Tình báo và bên quân cảnh để tổ chức phản gián, chống lại các âm mưu tự diễn biến tự chuyển hóa trong quân ngũ. Mật danh “Sita”, cô không để lộ tên thật, và được tạo cho một hồ sơ giả với tên bằng tiếng Việt lẫn tiếng Sanskr, ngôn ngữ bản địa vùng Bồn Điện, để thuận tiện làm việc. Dưới quyền Hiệp có hơn một ngàn người như thế, tỏa ra khắp nơi trong lãnh thổ, làm tai mắt cho chỉ huy.
Lần này, đám phản động lại hành động.
Bốn năm trước, tại Phiên An đã nổ ra cuộc bạo loạn của người dân và quý tộc nhỏ, do tổ chức phản động – khủng bố Việt Tân cầm đầu, gây ra cái chết của hàng ngàn công dân, thiệt hại hàng trăm triệu quan, và quan trọng nhất là tát một cú đau điếng vào thể diện của Đế quốc trên trường quốc tế. Việt Tân, hay tên đầy đủ là Đại Việt Canh tân Cách mạng Đảng, đã kích động dân chúng, vốn chỉ là biểu tình ôn hòa, thành bạo loạn, đập phá nhà cửa, phương tiện đi lại. Tiếp sau đó, các quý tộc, sĩ quan, công chức được hứa hẹn về “phần thưởng” cho quân ùa ra bắn phá, bắt ép dân chúng phải tham gia làm giặc. Trong ba ngày, toàn bộ thành Gia Định, trung tâm Lãnh địa Công tước Phiên An, chìm trong khói lửa, hỗn loạn. Giao thông bị cắt đứt, không điện nước, cơ quan Nhà nước bị vây hãm, khiến cuộc sống của người dân không khác gì địa ngục.
Lực lượng làm phản năm đó đáng chú ý nhất là hai sư đoàn bộ binh, trang bị súng trường K98, đã chặn đứng mọi cửa ngõ vào thành phố. Chiến sự diễn ra liên tục, trong từng căn nhà con hẻm, giữa quân triều đình và đám làm phản. Một cuộc “chiến tranh đô thị” nơi quân đội trung thành với Đế quốc và gian thần loạn đảng giao tranh ngay trong từng góc nhỏ nhất của thành phố, mỗi góc phòng là một chiến trường, mỗi công trình là một công sự. Chiến lũy, làm từ mọi thứ có thể huy động, chặn khắp các con đường.
Thành cổ Gia Định thất thủ, đám nổi loạn giết hại tàn nhẫn vợ con Công tước Phiên An, trong khi chỉ duy người em trai là chỉ huy cảnh sát giao thông thành phố, lúc đó cố thủ trong trụ sở công an Gia Định, thoát được. Nhà Hội đồng, Tòa án thành phố bị thiêu rụi, các công ty nước ngoài phải đóng cửa. Ngay cả sứ quán đồng minh cũng phải tăng cường vũ trang và yêu cầu Đông Kinh cho phép họ mang quân vào. Dân số vùng Phiên An giảm đáng kể, do những tên giặc, đám cầm đầu, liên tục xả súng máy vào những người dân trung thành với Tổ quốc, và xử tử không qua xét xử mọi thành viên quân đội, công chức chúng bắt được.
Năm đó, tình hình đã căng thẳng tới mức suýt nữa Columbia đã được Hội đồng Bảo an đồng ý cho phép “đưa quân can thiệp” tình hình. Với những người có nhận thức, họ đều biết đây là âm mưu của thế lực thù địch nhằm lật đổ Đế quốc, xây dựng một chính quyền bù nhìn để chúng dễ bề chi phối, cũng như loại bỏ một đối thủ ở vùng Viễn Đông. Nhưng mọi chuyện không theo ý chúng: Novgoroussiya bỏ phiếu chống, Valhöll đẽ dọa đưa Hạm đội Baltika tới ngay sát Bờ Đông, còn Albion cho phiếu trắng cũng như từ chối không cho xứ dân chủ giả tạo đi qua các quần đảo do họ kiểm soát trên Đại Đông Dương.
Trong nước, thành Định Tường dù thuộc Phiên An nhưng chưa bị đụng tới đã nhanh chóng đưa quân và cảnh sát đặc nhiệm tới, đánh mạnh vào vùng Tây Bắc Gia Định, theo sông Bến Nghé đi thẳng về thành cổ. Không hạm đội 1 và 6 nhanh chóng huy động các nhóm cơ động, lập tức tiến quân về giao tranh, trong khi quân U Minh đánh thúc lên theo hướng Bình Sa, dùng chính cao tốc và đường tàu hỏa chưa bị phong tỏa để chuyển quân lên. Cuối cùng, sau ba ngày địa ngục, vùng Phiên An hoàn toàn im tiếng súng. Thiệt hại không lực chỉ gồm hai tàu khu trục, do một chiếc cố tấn công Kỳ hạm Hoàng gia còn tàu kia lao ra cản, đều thuộc Không Hạm đội 6 cả, nhưng hơn một ngàn ngừi hi sinh trong vụ rơi.
Tiếp theo đó là công cuộc “trừng phạt”.
Nhớ lại những ngày ấy, Hiệp không khỏi rùng mình. Lần đầu tiên sau hơn ba thế kỷ rưỡi từ cuộc nội chiến chống lại Dụ Tông và đưa Thành Tông lên ngôi, Đế quốc mới lại chứng kiến một trận chiến đẫm máu và tang thương như thế, khi những người bên kia chiến thuyến, đang chĩa súng lại chính là đồng bào, là bạn bè, đồng đội, là người thân ruột thịt của mình. Ngay cả trong gia tộc Tổng lãnh U Minh, lão Hải cũng đã rất đau khi biết cháu gái mình chính là một trong các thành phần chóp bu làm phản. Và cái cảnh con Giao tự tay xử chém chị họ nó, cảnh con nó gào lên rồi ngã quỵ xuống, nước mắt chảy dài, khóc không thành tiếng trong khi người dân xung quanh không ngừng rủa xả tử tù, đều là những điều mà ông, người đã chứng kiến, sẽ không bao giờ quên được.
Quay về chuyện chính, bản báo cáo Hiệp nhận được tổng hợp tên, mã số, quân hàm, đơn vị và chức vụ của tất cả những thành phần bị “nghi ngờ” trong suốt bốn năm qua, từ sau vụ bạo loạn Phiên An. Sự kiện ấy đã châm ngòi cho một loạt động thái tiếp theo của Đế quốc, đầu tiên là chiến dịch tróc nã và lùng bắt tàn dư đám nổi loạn, tiếp theo là xây dựng đội tình báo – phản gián đặc biệt nằm trực tiếp dưới quyền các Tổng lãnh, quyền hạn điều tra cao hơn cả quân cảnh lẫn cơ quan thanh tra, để giám sát và thu thập chứng cứ về những việc làm trái quân lệnh, Hiến pháp và pháp luật.
Từ dạo đó, sáu Tổng lãnh và Trung ương duy trì lực lượng đặc biệt, được gọi là các “thanh tra ngầm”, để đảm bảo khả năng giám sát và ứng phó khi xảy ra chuyện bất ngờ. Vùng U Minh của Giao Long có ưu thế nhất, do bên cạnh cô ta còn có Hồng Ma và đám thi quỷ, muốn bao nhiêu nhân lực cũng có, thậm chí nghe nói đủ biên chế một tập đoàn quân cơ mà. Lão già Đức ngoài Bắc có hẳn một mạng lưới tình báo đã duy trì từ tận khi Đế quốc cùa thành lập, thề trung thành với hắn. Đều là các gia tộc thuộc hạ cũ, sau khi chuyển vào quân đội thì phần làm nổi, phần hoạt động chìm, lại có cả lực lượng “giang hồ hợp pháp” tản khắp nơi nghe ngóng tình hình nên không cần quá lo lắng.
Trung ương chính thức cải tổ lại Tổng cục Tình báo, đặt ra các Cục Tình báo cho bộ phận trong nước và nước ngoài, thậm chí xây dựng riêng đơn vị Tình báo Liên Lãnh địa để hoạt động hỗ trợ cho các lực lượng trị an khác. Phía U Minh có quan hệ rất tốt với bên ấy, và nhờ khả năng gián điệp đặc biệt tuyệt vời của những cá nhân được huấn luyện chuyên nghiệp, họ được cử sang nước ngoài để do thám thông tin địch. Chủ yếu dưới vỏ bọc người du lịch, nhập cư, xuất khẩu lao động, phóng viên quốc tế, nhân viên sứ quán,… thậm chí họ sẵn sàng làm giấy “kết hôn” giả với những người đã được cài cắm qua từ sớm để dễ bề thám thính tin tức. Nghe qua khá điên rồ, nhưng có một Tư lệnh như Giao Long thì không điên theo cũng lạ. Tổng cục bắt tay với cô ấy phần do thiếu nhân lực nước ngoài, phần vì mạng lưới cô ấy thiết lập sẵn trong gần hai chục năm chu du bên ngoài hoạt động hiện tại rất hiệu quả.
Tại Bồn Điện, việc tổ chức như thế xuất phát chậm hơn, nhưng lại nhanh chóng hoàn thiện, do đã có sẵn lực lượng điệp viên, phản gián ngày đêm túc trực tại biên giới với Gautama thuộc Albion. Trên toàn tuyến biên giới dài hàng ngàn cây ấy, cứ cách vài ngàn thước là một trạm gác lù lù xuất hiện, với đầy đỏ các cơ sở vật chất và hệ thống hầm hào, địa đạo để điệp viên di chuyển, làm việc. Số lượng không quá đông, chỉ cỡ ngàn người, nhưng đều là tinh anh của tinh anh, rút trích từ những đơn vị tốt nhất họ đang có. Được giao nhiệm vụ tại các đơn vị khác nhau, có một quy tắc bất thành văn, đó là những đặc vụ này không bao giờ được ở đơn vị gốc, nếu không sẽ có “chuyện không hay”. Cứ thế, họ luân chuyển, vừa quan sát vừa ghi chép, và cứ chốc chốc lại báo cáo về cho chỉ huy, chính là Sita.
Và lần này, có chuyện lớn đã xảy ra.
Việt Tân não tàn là một chuyện, hiện nay đã xuất hiện một số tổ chức phản động mới, do những kẻ may mắn trốn thoát được trong cuộc truy nã của quân U Minh gây nên. Lấy tên “Chính phủ quốc gia Đại Việt lâm thời”, kẻ cầm đầu là cựu Trung úy Đào Mạnh Quân, vốn là một trong những kẻ đầu tiên xả súng máy vào thường dân, tự xưng “Thủ tướng quốc gia Đại Việt”, đang hô hào kêu gọi chống lại cả Trung ương lẫn… Việt Tân. Hay như “Thủ tướng” Trần Văn Ngạn, một tên cựu công chức từng bị sa thải và đi tù vì tội giao cấu với trẻ vị thành niên, nói thô “một chút” là cưỡng hiếp con nít, đã thành lập “Chính phủ lâm thời Đại Việt Cộng hòa”, liên tục đưa ra các lời “tiên tri” không hơn gì những tiết mục hài nhảm rẻ tiền, liên tục nói chính quyền sẽ sụp đổ nhưng hoàn toàn không hơn gì người nói mớ khi ngủ.
Nổi bật trên sân khấu hài hơn cả là gánh “Chính phủ Đại Việt tự do” của Nguyễn Hữu Chính, nổi tiếng chuyên dùng bom đạn dân chủ để tạo hiệu ứng khói lửa trong các tuồng diễn. Các vở nổi tiếng nhất là vở “Thủ tướng Chính phong hàm tướng…”, “Thủ tướng Chính đặt phòng ban, trao quyền Tư lệnh…”, đặc biệt không thể thiếu câu khẩu hiệu “Ba triệu thành viên, mười bảy ngàn chiến sĩ!” mà gánh này luôn quảng cáo rầm rộ trước mỗi vở.
Cái hội tấu hài này của tên Chính, một kẻ còn chẳng ai biết chui từ phương nào ra, cùng những trò như “có điện thoại nối với Tổng thống Columbia, Cục Điều tra Liên bang,…” chưa khi nào ngưng chọc cười các thành viên nội các Đế quốc, và ngay cả những đám hài kịch nhảm khác cũng phải cười ra nước mắt trước những trò lố lăng, và sau đó là chúng quay ra chửi bới, công kích nhau.
Gần mười năm tồn tại, trước cả vụ Phiên An, đây là nhóm diễn hài duy nhất được đánh giá là có độ vui tính và não tàn ngang hàng Việt Tân, nhưng sau vụ biến, trong khi Việt Tân bị quét sạch khỏi Đế quốc thì chúng vẫn tạm thời chưa bị đụng tới, do theo đánh giá chi tiết, “gánh hài ông Chính”, cái tên mỉa mai mà ngay cả các tổ chức phản động khác cũng gọi chúng, hoàn toàn không đủ thực lực để huy động thậm chí một trăm người, chứ đừng nói mười bảy ngàn quân, trong khi Việt Tân đã lộ gần như rõ mồn một là có “tay to” chống lưng.
Mà, Hiệp thở dài, đó giờ cũng chỉ có Việt Tân “được” Trung ương xem là tổ chức phản động, khủng bố, chứ rơm rơm như dăm ba thằng Quân, thằng Ngạn tuổi gì? Định khiến Thủ tướng cười quá đứt mạch máu chết à? Ý tưởng cũng thú vị đấy, nhưng tiếc là não tàn quá, làm không xong!
Móc nối với đám diễn tuồng lên dĩa xuống mương ấy, Hiệp nghĩ, thật đáng thương cho đám sĩ quan nhẹ dạ cả tin, nghe theo mấy lời chiêu dụ của bọn ấy. Giả mà mỗi đứa về mở một rạp hát, dựng kỹ xảo, làm trò cười mua vui cho thiên hạ thì phải có ích cho xã hội hơn không? Đằng này… Mấy thành phần có tên trong danh sách cũng toàn lũ trẻ, tuổi đời cỡ mười tám, hai mươi, già lắm cũng chưa nổi “băm”. Xuất thân từ vùng cao, những nơi học hành thiếu thốn, nền giáo dục chưa chăm sóc đúng mức nên bọn nhỏ chưa có được khả năng nhận thức lẫn bản lĩnh chính trị đàng hoàng. Các việc chúng nó làm, tuy nhiên, lại không hề đáng cười. Nhất là sau thất bại ấy, Việt Tân suy yếu, thì bọn kia được dịp ngoi lên, bắt đầu làm giặc rồi.
– Bốn năm trước, cũng vì quá chủ quan mà chúng ta đã nhận một vố đau.
Tổng lãnh Hiệp nói.
– Bây giờ, Đế quốc vẫn chưa rút được kinh nghiệm. Chúng ta rất nhanh trong việc thay đổi, áp dụng cái mới, nhưng với các sai phạm của bản thân thì rõ ràng còn chần chừ, còn chưa dám nhìn thẳng, dù cái hậu quả Phiên An nó thế nào thì cũng rõ rành rành ra rồi! Sita, có nhiệm vụ mới cho cô đây!
– Vâng, thưa ngài!
Đứng nghiêm dậy, cô ấy nói.
Gõ ngón tay cộc cộc trên mặt bàn, Hiệp ra lệnh:
– Hiện tất cả những đứa này đều thuộc diện lính nghĩa vụ, là dân vùng sâu vùng xa, còn khó khăn nên trức tiên cứ nhẹ nhàng khuyên bảo, làm không xong thì cho coi phim tài liệu hồi đó. Tụi nó thuộc đơn vị nào thì báo cáo cho đơn vị đó xử lý, nhớ là không gặp chỉ huy trực tiếp mà phải trên đó ít nhất một cấp. Nếu sau một tháng không có dấu hiệu thay đổi, lập tức điều tra luôn cả chỉ huy và báo lại cho ta! Rõ chưa?
– Vâng, thưa ngài!
– Tốt. Việc của cô vậy là nặng hơn đấy, Thiếu tá.
– Nếu ngăn được tụi nó làm giặc thì tôi sẵn sàng, thưa Tư lệnh.
– Đừng quá tự tin, Thiếu tá. Nếu không chúng ta sẽ lặp lại chính xác sai lầm của mình, và lần này sẽ là một quy mô kinh khủng hơn.
– Vâng.
Cuộc trao đổi còn kéo dài hơn một giờ nữa, chủ yếu là ở việc tình báo sẽ tiến hành tiếp theo ra sao. Theo tình hình hiện tại, các tổ chức chống phá đang im hơi trên truyền thông, nhưng trong bóng tối, chúng lại rầm rộ làm việc. Phe tên Chính có nhiều thế lực nhất trong đám choai choai, tuy không tới ba triệu thành viên, nhưng cũng gom góp được hơn sáu ngàn người gốc Việt bất mãn với chính quyền, với chế độ, hiện tập trung chủ yếu ở khu đất nhỏ thó tại bờ Tây Columbia, gần sát biên giới Terra Méxca. Tên Ngạn cầm đầu thế lực cũng cỡ một ngàn đàn em, liên tục tìm cách chiêu dụ người gốc Việt tham gia, nhưng sau một vụ đọ súng với mafia thì lực lượng suy yếu nghiêm trọng.
Đáng gờm và nguy hại nhất lúc này vẫn là Việt Tân, với sự chống lưng của các chính trị gia diều hâu và tài phiệt vũ khí giấu mặt trong chính trường dân chủ giả tạo. Tuy bị đánh bại trong vụ bạo loạn, cũng như tất cả các chân rết chủ chốt cắm ở Đế quốc đã bị nhổ bung gốc, thì cái rễ chính nằm tại Columbia vẫn chưa thể bị đụng tới.
Không chỉ có hơn hai chục ngàn thành viên, gấp hơn ba lần gánh cải lương chú Chính, chúng còn được vũ trang tận răng, với những vũ khí sát thương thuộc diện bất hợp pháp, lưu hành trên chợ đen và những khu mafia của nước này. Bọn này thường xuyên tiến hành những cuộc bắt cóc tống tiền, ám sát, thậm chí là xả súng vào người ủng hộ Đế quốc lẫn các nhóm chống phá khác, khiến tình hình phản động hải ngoại rối hơn nồi canh hẹ. Dẫu vậy, nhờ nguồn tài chính dồi dào mà bọn này vẫn có thể tiếp tục bành trướng.
Cho tới tháng trước.
Nói chuyện ấy, Hiệp lại thấy buồn cười. Đám Việt Tân trong một lần tấn công nhà của người gốc Việt, vô tình đã bắn chết một thành viên cộm cán thuộc băng mafia khét tiếng thế giới Tyranno Rex khi người này đang tới chơi nhà bạn, một nhà báo gốc Việt chuyên viết sự thật và chống lại Việt Tân. Xui cho chúng, băng đảng ấy là thế lực ngầm ngay đến các cường quốc hạng hai cũng phải nể đôi ba phần. Thế là một cuộc chiến toàn diện đã nổ ra giữa hai băng, một bên là đám gàn dở mơ mộng “dân chủ”, bên kia là lực lượng tội phạm tinh nhuệ khét tiếng, một trong năm đại gia đình của đô thị Neo Lexington, quân lực hùng hậu có thể sáng ngang mười sư đoàn bộ binh, chỉ tính riêng nhánh ở Columbia chứ thậm chí chưa phải “nhà chính” bên Gaia.
Một trận càn duy nhất, Tyranno Rex chi nhánh Tân Thế giới đã “hốt xác” hơn ba phần tư số phản động, đem ném đầy xuống những hồ, đầm, bãi, theo đúng tiêu chí “cho ngủ với cá”. Số còn lại vừa đánh vừa chạy thục mạng khỏi các thành phố cứ điểm, không dám quay đầu lại. Theo lời người tường thuật trên đài quốc gia Columbia, thì phe Việt Tân khi bỏ chạy đã quăng lại cả súng ống, lựu đạn, tuột luôn quần dài, giày dép mà chạy cho nhanh hết mức có thể. Cảnh tượng cả một đoạn đường dài la liệt giày da, quần tây, súng trường, tiểu liên,… khiến không ít người khắp năm châu bốn bể cười không nhặt được mồm.
Sau vụ ấy, trên kênh truyền thông quốc gia Vương quốc Remusa, từ thành phố Napolita tại vùng cực Nam quốc gia hình chiếc giày cao gót ấy, bố già của Tyranno Rex, Luigi Antonio Fernandes Caesar đã lên tiếng xác nhận tổ chức đã ra tay đánh Việt Tân, với lý do là chúng dám đụng tới người của họ. Ông trùm bên Tân Thế giới cũng đã lên tiếng công khai trận “càn” này là sự trả thù, đồng thời cũng là đòn cảnh cáo các tổ chức chính trị khác đừng mong đụng tới giới mafia đang làm ăn ở đây. Hiện tại, với năm băng đảng lớn cùng hàng ngàn nhóm nhỏ, lực lượng “xã hội đen” Columbia đang được coi là đáng gờm bậc nhất, và chỉ riêng Tyranno Rex đã có thể sánh ngang với quân đội vài nước khi tổng số thành viên là hơn hai triệu, có khu trục riêng và tổ chức chặt chẽ theo mô hình quân sự.
Điều đáng nói ở đây, chính là Luigi Fernandes, tên thường gọi của bố già siêu khủng này, từng thuộc cùng một đơn vị với cô gái “ai cũng biết là ai” kia.
– Ý ngài… Tổng lãnh U Minh và trùm mafia từng chung đơn vị? Hồi ấy?
– Đúng vậy.
Gật đầu, Hiệp nói.
– Không chỉ họ, mà cả Hoàng tử Friedrich của Valhöll, Thái tử Pyotr của Novgoroussiya, tướng Flint của Carib,… đều từng chung đơn vị ấy. Một đội quân, hoàn toàn do tình cờ, đã tập hợp những người sau này đều khuynh đảo cả thế giới. Các Hoàng đế Pyotr IV khôi phục nền kinh tế ì ạch của quốc gia, Friedrich III cải tổ toàn bộ hạm đội, khiến Albion điêu đứng. Jonathan Harold Flint trở thành một trong những trụ cột của Không quân Carib, chiếc tàu Wanderlust do ông ta chế tạo chính là khuôn mẫu của lớp khu trục Xích Quỷ. Luigi Fernandes ngoài mặt chỉ là ông chủ tiệm bánh pizza thông thường, bên trong lại là bố già xã hội đen. Còn Giao… ta không phải kể, đúng chứ?
– Vâng…
Toàn những người nổi tiếng, thậm chí khét tiếng, với những “thành tựu” đáng nể trong thời đại này. Cả năm người họ đều chung một đội ngũ, nếu như vậy, chẳng phải quan hệ rất thân sao? Giao Long lại nổi tiếng ưa giao du, và có khi nào, trong những chuyến đi đó, cô ấy thực sự thành đồng minh của Tyranno Rex, và nhờ họ đóng vai trò một mạng lưới thám báo toàn cầu? Có thể lắm, nhưng… Liệu chuyện như thế xảy ra được sao?
Nghĩ về điều đó, Thiếu tá bỗng thấy lạnh sống lưng. Số phận có những lúc ngẫu nhiên vậy sao, hay là ai đó cố tình sắp đặt? Không thể biết được. Nhưng, đó không phải chuyện của cô. Nhận lệnh và rời đi, nữ sĩ quan nhỏ thó nhanh chóng rời dinh Tổng lãnh, bắt một chiếc xe và đi ra ga xe lửa. Nhưng những chuyện nãy giờ cứ ám ảnh mãi không ngừng.