Nơi căn hầm bí mật dưới lòng núi Thiên Cẩm, một cuộc họp bí mật đang được tiến hành giữa những chỉ huy cao cấp nhất của Không quân U Minh. Giao Long, Hồng Ma, Tham mưu trưởng Trung và nhà bác học “Jessie” Tesla ngồi quanh chiếc bàn tròn, cũng một xấp các thiết kế để bên trên. Xung quanh họ là ngổn ngang hàng đống khí cụ, vũ khí cũ, cùng mấy tá ống dẫn chạy ngoằn ngoèo trên tường. Đồng hồ áp suất vỡ nát kính đã đóng đầy mạng nhện, còn ánh đèn tò vò không thể trông rõ quá năm thước.
Bản vẽ, được thực hiện trên giấy xanh tiêu chuẩn, có kẻ khung và ghi chú thích, thể hiện thiết kế một loại tàu hoàn toàn mới. Không giống bất cứ loại nào từ thời kỳ Dreadnought tới giờ, thứ này sở hữu thiết kế thân trụ tròn kéo dài, cải tạp lại từ zeppelin. Một “nhà chứa” dài được bố trí bên trên, với xung quanh là tua tủa các tháp pháo phòng không hai cụm sáu nòng bốn mươi ly. Tháp điều hành được bố trí bên trên nhà chứa dài, hình trụ xilanh cổ điển với cột buồm cao, trang bị các loa âm thanh AL cùng nhiều đường dây khác. Một tháp thứ hai, nằm giữa tàu, cao hơn, trang bị tháp ăng ten có lẽ dành cho việc chỉ huy toàn cục, và phía đuôi là tháp thứ ba cùng cột buồm sau. Mạn tàu được làm phồng to với các “đai” đặc biệt lộ rõ mồn một, trên dưới bố trí tháp pháo đôi hai trăm linh tám ly, cũng như dàn phòng không dày đặc.
Trong khi đó, ở một bản vẽ khác, con tàu được thể hiện với góc nhìn từ dưới lên. Mười ụ pháo đôi mỗi bên mạn, cùng dàn hỏa lực chính là mười tháp pháo ba nòng bố trí theo lối “bắn thượng tầng”, tức tháp sau cao – mà ở đây là thấp hơn – tháp trước. Phần gondola được làm rất lớn và kéo ngang với nhà chứa bọc giáp bên trên, khoảng tám mươi lăm phần trăm chiều dài tàu. Nơi này có những thứ chưa từng được trang bị cho zeppelin trước đây: Các bệ phòng không xây dôi ra, cụm cửa phóng bom bay và trên hết là toàn bộ hệ thống chỉ huy hỏa lực chuyển xuống dưới. Hệ thống loa AL được trang bị dày đặc hơn hẳn những chiếc thời trước, đảm bảo sự bao quát ba trăm sáu mươi độ trước sau trái phải, đồng thời bao phủ luôn cả phía bên dưới.
Dĩ nhiên, đây không phải tàu bình thường.
Bản thiết kế với toàn bộ là tiếng Việt này ghi rõ nơi thực hiện là Viện Nghiên cứu Hàng không Bình Sa, nằm tại thủ phủ Bình Sa của U Minh. Khác với các viện ở điện Cây Quế chuyên về vũ khí cầm tay hay khí tài hạng nhẹ để trang bị cho lính đổ bộ, thủy thủ trên tàu, Viện Nghiên cứu ở thành phố Bình Sa là một tổ hợp công nghiệp thực sự, sở hữu một trong các khu đóng tàu tốt nhất thế giới với dây chuyền vừa được làm mới bốn năm trước. Một trong mấy khu vực quan trọng nhất của Không quân đế quốc Liên hiệp, cùng với tổ hợp công nghiệp như ở Thiên Trường vùng Đại Việt và thủ phủ Bạch Hạc xứ Linh Giang, chúng liên tục cho ra lò chiến hạm với tần suất vài ngày một tàu. Và tàu ở Viện Bình Sa thì không phải trò đùa.
– Vậy là đã có rồi à?
Ông Trung nói trước.
– Nhanh đấy. Ta đã nghĩ ít nhất sang năm thì Bình Sa mới làm kịp. Mà cái này cũng chỉ là thử nghiệm bước đầu, phải không giáo sư?
– Đúng vậy!
Gật đầu, Jessie đáp lời người thượng cấp vạm vỡ.
– Bản vẽ vừa được chuyển lên từ Bình Sa. Xem ra trong lúc chúng ta ngồi chơi xơi nước thì họ đã có thiết kế nguyên mẫu này rồi!
– Chi tiết đi. – Hồng Ma nói.
– Vâng!
Chỉ tay vào bản vẽ đầu tiên, Jessie nói thiết kế này sẽ được gọi là “tàu mẹ chuyên dụng cho xe bay”, hay gọi ngắn hơn là “tàu mẹ”, “mẫu hạm”, cải tạo lại từ khung zeppelin cũ. Loại tàu được chọn cải tạo là lớp tuần dương bảo vệ Thuận Châu, nên sẽ được ký hiệu là “LCV”, trong đó C là viết tắt của “cruiser”, tức tàu tuần dương, còn V là “vimana”, tên gọi chính thức của xe bay bên Tây. Về lý do không dùng từ “kreuzer” của người Valhöll mà lại là “cruiser” trong tiếng Albion, Jessie nói việc đặt ký hiệu này đã trở thành thông lệ quốc tế. Tất cả các tàu đều thống nhất định danh tàu theo Columbia, vì đó là nước đầu tiên có hệ thống ký hiệu rõ ràng, và cũng để tạo thành quy ước chung cho mọi thành viên Liên đoàn Thủy Tinh.
– Tới Hồng Ma cũng là LBB2520 đó thôi? – Cô kỹ sư lùn tịt nhún vai.
– Hà, tới giờ vẫn còn mắc cười vụ đánh số! – Hồng Ma vỗ đùi cái bốp – Đứa ôn thần nào nghĩ ra cái trò đánh số thứ tự cho mọi tàu bất kể kiểu loại chứ hả? Não úng nước rồi à?
– Không phải úng nước. – Trung lắc đầu – Làm thế nào bà khiến một thứ vốn không tồn tại bị úng hả?
– Ga ha ha ha, miệng lưỡi y như lão Hải! Chửi hay!
– Còn phải nói à?
Đập mạnh tay xuống bàn, hai người cùng cười ha hả. Trong khi đó, Giao Long lại chống tay phái lên, tỳ cả bộ ngực nặng trĩu lên mặt đá lạnh ngắt. Như một thiếu nữ mười chín, đôi mươi, cô nhẹ nhàng vén tóc, ánh mắt vô cảm nhìn lướt qua một loạt. Tuy ngoài mặt có vẻ lạnh nhạt, thực sự cô mới là người khoái nhất, vì không ngờ chỉ mới hơn một năm mà đã có thiết kế thử nghiệm rồi. Kế hoạch đề ra từ khi ông nội còn chưa qua đời, sau khá nhiều lần thất bại, cuối cùng cũng làm được vài mẫu xe bay cho ra hồn. Dẫu thế, để thực hiện được chuyện đó, chuyện sáng nay cô và Tổng lãnh Linh Giang đã bàn, họ sẽ cần nhiều hơn nữa.
Một loại tàu chuyên dụng để chở xe bay.
Quay lại vấn đề chính, Jessie nói loại tàu này, do cải tạo từ khung tuần dương, nên đảm bảo được sức tải tốt, bọc giáp đàng hoàng lẫn tính cơ động cao. Và thực sự, các tàu tuần dương bảo vệ thời zeppelin cũng không khác mấy so với tuần dương chiến hạm bây giờ, thậm chí sức bảo vệ còn tốt hơn, nên lựa chọn chúng để chuyển thành cái sân bay di động là vô cùng hợp lý. Đủ nhanh để đi cùng các tàu hạng hai thực hiện tác chiến cơ động vùng rìa ngoài, đủ giáp để che cho các bồn dung dịch Divaenium lẫn đống đạn dược bên trong, và đủ sức mang theo hàng trăm cỗ xe, chúng là lựa chọn cực kỳ phù hợp.
Được đẩy bằng mười động cơ một cặp quạt đồng trục Daimler Benz loại sáu mươi ngàn mã lực ở hai bên mạn cùng hai động cơ Thiên Trường Kiểu 88, trục năm đôi chĩa sau, mỗi cái cho công suất đầu ra một trăm bảy mươi ba ngàn mã lực. Tốc độ khi trước của lớp Thuận Châu là một trăm sáu mươi hải lý mỗi giờ ở mức tiêu thụ hành trình, còn khi đẩy lên tối đa, kết hợp bộ siêu tăng áp thì sẽ là hai trăm ba mươi.
Lớp bọc giáp dày ba trăm ly tuy không mấy tốt trước pháo hạm hiện tại, lại có thể trụ vững trước loại pháo chỉ có cỡ đạn bằng một phần mười lắp cho xe… trừ khi tay nào đó chế ra cái đồ gắp mang được cả dàn rốc két thì khổ. Hỏa lực vẫn đảm bảo được khả năng tự vệ, thậm chí là hơi bị quá nhiều: Mười tháp pháo chính ba nòng hạng ba trăm năm mươi sáu ly là quá nhiều cho một con tàu đóng vai trò là căn cứ di động cho xe bay. Dàn hạng hai khủng bố là đặc điểm cố hữu của các tàu thời zeppelin, hay “tiền Dreadnought”, tronng khi vì được chế tạo vào buổi giao thời của hai loại thiết kế mà lớp này có cấu hình pháo chính “toàn pháo lớn” của dreadnought bố trí trên các tháp cao thấp kề cận. Còn cấu hình phòng không tua tủa như nhím thế này thì rõ ràng là người thiết kế muốn tàu không có điểm mù.
Tuy thế, vẫn có cái gì đó ngồ ngộ ở đây.
Tàu mẹ này hoàn toàn không có đường băng lộ thiên.
Đã nhiều lần sang Trái đất, Giao Long đã chứng kiến thứ họ gọi là “tàu sân bay”: Một căn cứ quân sự di động trên biểng, boong được làm phẳng lỳ hay hơi chếch lên để “máy bay” cất cánh. Trong các tư liệu lịch sử của thế giới ấy, tàu sân bay thời kỳ đầu có sàn đáp là một phần của kiến trúc thượng tầng, tức các cấu trúc xây cao hơn boong tàu chính, bên dưới là khu vực nhà chứa, và được chống đỡ bởi các trụ lớn.
Dĩ nhiên, Giao Long biết sự khác nhau giữa máy bay và xe bay. Máy bay của thế giới ấy dựa hoàn toàn vào khí động học để thực hiện việc bay, còn mấy con xế hộp nhà mình lại “nổi” trong không khí từa tựa như cái thuyền, cánh quạt chỉ làm chuyện đẩy, nên có thể cất, hạ cánh thẳng đứng. Một đường băng dài thực tế là không cần thiết, và ông anh Karl còn cải tạo tàu thành tàu “lai” có sàn đáp phía sau cơ mà. Nhưng vẫn có gì đó, điều khiến cô thấy băn khoăn.
– Nhà chứa kín à?
Chỉ vào bản vẽ, Tham mưu trưởng hỏi.
– Nó có đủ chống lại “Máy chém” và phong lộ không, hay chỉ tránh để xe bị gió thổi bay đấy?
– Trừ Đại Phong lộ, còn lại tôi tự tin nó chịu được mọi thứ gió!
Ưỡn ngực đầy chắc chắn, Jessie tuyên bố chắc nịch trước mặt mấy cấp trên.
– Ghê quá nhỉ? Hồng Ma, tới lúc đó nhớ cho một đao đó.
“Thi Hoàng” cất giọng.
– Bà muốn phá banh chành nó hả? – Hồng Ma hỏi, nhưng dường như đã nhận ra – Mà thôi kệ. Không chịu nổi một đao của ta đây thì tuổi gì gặp đám chém gió trên kia cơ chứ! Ga ha ha ha ha!
– Cho chém! – Jessie nói – Nhà chứa được làm từ hợp kim nhôm – titan, bọc bên ngoài là mười ly Stalinium, giáp nghiêng góc sáu mươi độ nên độ dày thực sự tăng gấp đôi! Bên đó đã thử nghiệm lấy pháo lớp Định Quốc bắn vô rồi, từ cự ly ba mươi cây số trở lên thì không thể xuyên thủng được nữa!
– Vậy là dưới ba mươi cây số thì xuyên thủng được Stalinium? – Ông Trung hơi ngạc nhiên – Ấn tượng đó. Họ dùng loại đạn xuyên giáp hỗn hợp đặc biệt, hay đạn lõi Stalinium để bắn?
– Ờm… Theo báo cáo thì việc thí nghiệm độ bền được thực hiện với cả ba loại đạn, gồm đạn xuyên giáp tiêu chuẩn, hai loại ông mới nói và loại đạn thứ tư, dùng lõi Uranium nghèo để phá. Trong bốn loại thì chỉ có đạn Stalinium bắn thủng được giáp, do động năng quá lớn của nó…
– Được rồi.
Ngắt ngang chuyện, “Thi Hoàng” yêu cầu xem báo cáo chi tiết thông số. Tất cả chỉ mới là dự kiến, tuy nhiên không thể bỏ qua được. Quân đội làm việc là phải chi tiết từng ly từng tý, chỉ đứa ngu xuẩn mới nghĩ là “đừng đưa ra hết, phải giấu rồi để người ta suy luận”. Thật, cô chỉ muốn chửi, đứa nào nhồi tàu hủ thay não mà phát ngôn ra câu ngu học thế không biết? Chúng nó chắc đọc ba cái truyện tào lao, ba xu quá nên trí khôn bị hạ bậc cả rồi, chứ quân sự mà không chi tiết, chính xác, tới lúc xảy ra vấn đề thì đứa nào chịu? Lính chịu trước đấy, rồi tới chỉ huy! Nhỏ như xe bay đã ngốn cả vạn quan, chưa tính tiền nhân mạng, thì một cái tàu dài bốn trăm thước kia nó cỡ nào? Vớ vẩn, một lỗi ntrên bản vẽ cũng sẽ thành điểm yếu chí tử lúc bay thử nghiệm. Phải luôn làm rõ, đúng vậy, phải luôn rõ ràng, không có chuyện qua loa cho xong được.
Thiết kế mới, được định danh là LCVX, với “X” là số thứ tự sẽ điền vào khi được Bộ Tổng tư lệnh chính thức duyệt, dài bốn trăm thước chẵn, bề ngang phần thân trụ sáu mươi thước, nhà chứa xe bay cao mười thước, rộng bốn mươi thước, tổng tải trọng dự tính là ba trăm sáu mươi bảy ngàn tấn. Cải biến từ tàu tuần dương bảo vệ nên chúng giữ lại phần giáp bọc thân dày ba trăm sáu mươi ly cùng dàn hỏa lực bụng, do lớp Thuận Châu vốn là tàu dùng đổ bộ – yểm trợ mặt đất chứ không phải kiểu chiến hạm đấu pháo tay đôi. Khu vực kho lớn trên lưng tàu được bọc tổng cộng ba trăm mười ly giáp hai lớp, gồm giáp hợp kim bên trong và mười ly Stalinium phía ngoài, cho độ bảo vệ tương đương lô cốt bê tông mà vẫn đảm bảo đủ nhẹ.
Hệ thống đẩy của tàu, như đã trình bày – Jessie nói, gồm mười động cơ Daimler Benz và hai động cơ đẩy khổng lồ Kiểu 88, cấu hình tiêu chuẩn của các zeppelin cỡ lớn thời trước, dư sức chống chịu sức ghó mạnh trên cao. Thậm chí với loại tàu này, động cơ đã được bọc giáp, nên gió ở tầng chi lưu với nó cũng như người ta cầm quạt mà phe phẩy vào mặt. Sức chịu đựng vượt xa các zeppelin cũ, do loại này thuộc thế hệ cuối của kỷ nguyên ấy, mang theo những thành tựu tốt nhất và đã chứng minh là chịu đựng tốt trước các “Máy chém”, nên có thể tin tưởng được. Lực nâng chủ yếu vẫn là hệ thống ống dẫn tuần hoàn trường ma pháp trong thân, lấy năng lượng từ mười hai lò Divaenium trong thân.
– Lò tiêu chuẩn? – Hồng Ma chợt hỏi.
– Ừ, lò tiêu chuẩn. – Jessie gật đầu.
– Chứ cậu muốn vác cái lò của cậu lên chắc? – Giao Long nói ngang vào – Tuy nhiên, với kích thước thế này mà chỉ mười hai lò thì có vẻ hơi ít. Chi tiết hơn đi Thượng tá.
– Vâng!
Liếm môi, Jessie đi vào chi tiết, thực chi tiết, vì cô biết khi Giao Long gọi bằng cấp hàm tức là cô ta đã nghiêm túc xem xét, chỉ thiếu điều tuôn khí lạnh như tối qua thôi. Bậy bạ là ăn quả đóng băng mạch máu ngay, nên phải báo cáo thật cẩn thận. Chơi với vua như chơi với cọp, còn làm bạn với “Thi Hoàng” thì cứ như đánh đu với thần Chết vậy. Sơ sẩy là tiêu, mà cô thì còn muốn sống lắm. Vẫn còn nhiều thứ chưa xong, mà đó không phải điều đáng quan tâm hiện giờ.
Trở lại vấn đề, Jessie tiếp tục trình bày. Dưới ánh đèn tù mù, muỗi bay vo ve nhức tai và tiếng gió thổi u u lạnh lẽo trong đường hầm, bốn nhân vật quây quanh chiếc bàn đá, một người trình bày còn ba vị kia lắng nghe, đôi lúc lại cúi xuống ghi chép gì đó. Không hộ tống, không thư ký, chỉ có bấy nhiêu trong căn hầm bí mật này. Do đây là vấn đề tuyệt đối tối mật, càng ít người biết càng tốt, ít nhất là đến khi được Tổng Tham mưu trưởng, tức Thừa tướng – Bộ trưởng Bộ Tổng tư lệnh và Hoàng đế chấp thuận đã.
Theo Jessie, sàn bay của con tàu sẽ kéo dài trên một khoảng chính xác là ba trăm bốn mươi thước, tức toàn bộ khoang chứa xe bay sẽ đồng thời đóng vai trò đường băng cất, hạ cánh. Với bề ngang dược dùng để triển khai xe là ba mươi lăm thước, nó đảm bảo mỗi lần có thể cho lên ít nhất bốn phi đội F1A và hai đội LAtV01, với mỗi phi đội tương ứng mười chiếc. Việc triển khai được diễn ra liên tục, do xe sẽ nổi trong khoang trước, sau đó mới bay ra bên ngoài. Nhà kho do thiết kế hình hộp nên sẽ mở cửa sập ở mũi ra, tạo thành lối cho xe bay xuất kích. Khi quay về, chúng sẽ đi lần lượt vào cửa sau, cũng được hạ xuống theo dạng cầu kéo của pháo đài thời xưa, đáp xuống nửa sau đường băng. Do tiết diện ngang tương đối nhỏ, xe hạ cánh sẽ được đưa về một phía, dọn đường cho các đội sau, đồng thời chiếc nào sẵn sàng cất cánh sẽ được dẫn lên nửa trước và bay ra.
Bên trong kho chứa xe, được gọi là “hangar” theo tiếng Albion, là một tổ hợp công nghiệp khổng lồ có thể sáng ngang với một xí nghiệp cơ khí cỡ vừa. Để đảm bảo khả năng vận hành của bộ máy này, tàu được trang bị bốn thang nâng lớn, bố trí mỗi mạn hai chiếc, cách nhau hai trăm thước trước sau và so le qua trục thân tàu. Các thang này được dùng để hạ xua xuống hầm bên trong phần thân trụ dài, bảo vệ chúng khỏi các trận pháo kích mà có thể mái vòm hợp kim không trụ được, đồng thời dùng mang đạn dược, khí tài, phụ tùng và các thứ khác từ dưới hầm chứa lên. Mỗi thang có sức tải tối đa ba trăm tấn một lần, là những thành tựu khoa học cực khủng mà ngay chính những bộ máy công nghiệp bá đạo nhất còn đang trầy trật do yêu cầu cấu trúc quá khủng để thực hiện. ba trăm tấn chứ đâu có ít!
Nói đến đây, Jessie dừng lại chút. Quay sang Hồng Ma, cô bảo:
– Thực sự có thể nghiên cứu và thiết kế LCVX đều là nhờ kinh nghiệm thu về sau bốn năm thiết kế, xây dựng và vận hành LBB2520. Việc phóng xe từ trong khoang chứa “kín” đã được thử nghiệm với LAtV01 lúc trước. Các thang nâng đã được xác nhận hiệu quả là cùng loại với các “siêu thang máy” bố trí trong bệ tháp pháo, loại dùng nâng mấy quả đạn mười sáu tấn đó lên. Vậy nên có thể cam đoan rằng trước mắt, không có vấn đề gì với máy móc cả!
– Mới chỉ là trước mắt. – Tham mưu trưởng khoanh tay lại, quay sang bên – Bốn người chúng ta đều biết Hồng Ma ngoài mặt được ngụy trang là tàu riêng của Giao, nhưng thực chất là khu vực thí nghiệm công nghệ mới! Và các vấn đề máy móc của cô ta, nói thiệt, không phải là hư hỏng gì, mà là việc vận hành nó quá phức tạp! Ta đã lên thử vài lần, và thấy ngay đến thủy thủ đoàn còn cần phải có sách hướng dẫn mới làm được! Như vậy, giả sử tham gia tập trận bắn đạn thiệt thôi, thì có hiệu quả được như trên giấy tờ không?
– À, vâng, thưa ngài.
Cúi nhẹ đầu, Jessie nói:
– Về vấn đề ngài đặt ra thì, tôi tin rằng Phó Đô đốc Hồng Ma là người hiểu rõ nhất. Nhưng tôi cũng xin được giải thích. Hồng Ma, hay chính xác hơn, LBB2520, là một con Behemoth biết bay.
– Ai da, quá khen! – Hồng Ma nói chõ vào.
– Hẳn rồi. – Cô kỹ sư nguýt nhẹ – Vấn đề là con tàu đó quá to lớn, dài chính xác bằng một ‘dặm” của chúng tôi, nên các bộ phận bên trong vô cùng phức tạp! Tuy vẫn là hệ thống cơ khí như các tàu khác, việc vận hành chúng trơn tru nằm ở một tầm cao hoàn toàn tách biệt, nên thủy thủ đoàn cần có sách hướng dẫn cho việc đó. Vả lại, chẳng phải khi có một lớp tàu mới được hạ thủy thì nhân sự trên tàu sẽ được phát tài liệu sao?
– Có à?
– Có à?
– Có à?
Nghe Jessie nói vụ sách hướng dẫn là cái có vẻ như thủy thủ sẽ được phát khi có tàu lớp mới ra lò, ba vị chỉ huy nhìn nhau như người tối cổ. Mãi lát sau, họ mới vỡ lẽ ra, đó là quy định của Columbia. Bên đó luôn có tài liệu chỉ dẫn cụ thể cho từng loại tàu, từng lớp, từng chiếc, thậm chí các bộ phận còn phải có đề cương riêng. Còn Đế quốc Liên hiệp, do cái truyền thống cải tạo tàu cũ nên máy móc hầu như cứ y chang nhau, hơn mười lăm năm từ thời Dreadnought duy chỉ có LBB2520 là mới quá nên mới phải phát sách. Mà đó cũng là lưu hành nội bộ, do Hồng Ma tự bỏ tiền túi ra in cho hội thi quỷ, chứ cũng chẳng phải tài liệu chính thống nữa. Do phần lớn các hệ thống chính khác hẳn với các lớp tàu hiện có nên mới phải ghi chú riêng. Tuy nhiên, sau bốn năm chế tạo và sử dụng thì chuyện đó cũng không mấy quan trọng nữa.
Cũng có nghĩa, sách hướng dẫn thời ông Trung lên thăm quan nhà mới của em họ chỉ là đồ lưu hành nội bộ, không được công nhận và cũng không cần phải cho người ngoài biết.
– Chúng ta làm ăn hơi lỏng rồi nhỉ?
Trầm ngâm hồi dài, Giao Long mới nói.
– Trước đây nước mình không làm tài liệu kiểu đó vì lo chúng bị tuồn ra ngoài, nhưng xem ra bây giờ phải xem xét lại rồi.
Ông anh họ quý hóa nói vào.
– Tàu mẹ này sẽ là loại khác, không phải tuần dương, cũng không phải loại tàu lai như của anh Karl. Thủy thủ hiện tại sẽ không thể vận hành chúng trơn tru mà không có đề cương, thật. Rõ khổ, cái gì mới quá cũng rắc rối, hầy…
– Đành vậy thôi chứ sao giờ?
Hồng Ma lên tiếng.
– Jessie, cô có thể liên lạc với Viện trưởng Viện Bình Sa về vụ đề cương hướng dẫn này không? Nếu thiết kế được thông qua, mà chắc Thừa tướng sẽ chịu thôi, hãy đảm bảo quân lính đã có, và được phổ cập cơ bản cách vận hành loại tàu mới này.
– Tất cả những thông tin cần thiết, hãy cho các sĩ quan điều hành một bộ hoàn chỉnh, còn thủy thủ thì tổ năm người một cuốn, các hạ sĩ quan phụ trách từng khu vực có một quyển chuyên biệt bên cạnh đề cương chung! Đây là lệnh! – Giao Long nói ngay vào – Rõ chưa?
– Rõ!
Xong màn nói chuyện “phiếm”, họ trở về vấn đề chính trước mắt. Theo bản vẽ, LCVX sẽ có đến năm buồng chỉ huy, với một cái chính ở gondola để vận hành tàu, đúng như zeppelin, một cái khác ở tận cùng phía sau phòng trường hợp khẩn cấp. Hai buồng lái này nằm chìm vào khối cấu trúc gondola dưới, tức không tách biệt với toàn bộ khu phức hợp dài hơn ba trăm mét kia. Các tháp pháo ngoài được dẫn bắn từ cầu tác chiến, nằm bên trong buồng lái, còn có các tháp quan sát xung quanh, và hệ thống máy do quang học giúp xác định cự ly, góc độ. Nhìn chung, nửa dưới tàu vẫn giữ nguyên các đặc điểm của tàu tuần dương bảo vệ giai đoạn cuối của kỷ nguyên zeppelin.
Theo dự tính, tàu sẽ mang theo bốn mươi phi đội tiêm kích và mười phi đội cường kích, nâng tổng phi xa lên con số sáu trăm. Ngoài ra, sẽ còn một số loại khác sẽ được biên chế thêm – trong thiết kế không đề cập – nên cơ số thực tế có lẽ là đến bảy trăm chiếc. Lượng đạn dược dự tính cho hành trình là bảy mươi ngàn tấn, trong khi trữ lượng dung dịch Divaenium sẽ đủ cho số xe ấy bay hai ngày liền không ngừng nghỉ. Tương ứng, thủy thủ đoàn sẽ là khoảng năm ngàn người, thêm số phi công thì là tầm hơn sáu ngàn. Dự trữ hành trình là bốn tháng hoạt động, sau đó nó sẽ quay về cảng lấy thêm dung dịch và nhu yếu phẩm. bệnh xá đủ chỗ cho một ngàn người nằm một lúc, gồm ba phòng, có cả phòng mổ, hồi sức cấp cứu và khu cách ly. Nhìn chung, nó giống như một thị trấn nổi vậy.
Có một điểm rất khác biệt trong thiết kế thứ này với các tàu khác, đó là trên nóc khoang chứa xe bay lại có đến ba tháp điều hành, mỗi cái cách nhau tầm một trăm năm mươi thước. Hai tháp rìa là gốc cột buồm, cao khoảng năm thước, xây dựng theo dạng trụ xi lanh bình thường như những chiến hạm khác, tuy nhiên cái ở giữa lại cao hơn gấp đôi, và trang bị cột ăng ten. Đối với Đế quốc, đây là thiết kế không chính thống, vì gần hai thập kỷ nay họ đã luôn đồng nhất ăng ten tàu với cột buồm cao, cho các tàu hạng hai, hạng ba, và được bố trí riêng cho tàu hạng nhất. dẫu vật, chúng vẫn luôn dính chung với cấu trúc cột buồm, chứ không một mình “lẻ loi đơn chiếc” như vậy.
– Cái tháp giữa này là gì đây?
Thắc mắc là hỏi, Hồng Ma lập tức nêu vấn đề.
– À, nó là tháp điều hành trung tâm.
Jessie đáp.
– Là cái gì cơ?
– Là…
Không tốn nhiều thời gian, Jessie tiến hành giải thích luôn. Cô đi từ thiết kế tàu. Do đường băng của LCVX “kín”, tức được bọc trong vòm kim loại kín bưng này, nên việc quan sát, chỉ huy xe lên xuống sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu chỉ có độc một tháp bên trên. Như vậy, hai “cục” trước và sau có tầm nhìn bao quát và kiểm soát được việc vào. Ra của xe bên dưới. Không chỉ vậy, cặp tháp ấy còn có một phần ăn sâu bên dưới, xây thành tầng nhô ra ba thước tính từ trần trong khoang xuống, bọc kính dày để kiểm soát tốt nhất không lưu. Đèn rọi cũng được trang bị, cùng cầu thang, hành lang dẫn lên đó.
Lấy một bản vẽ, Jessie đưa cho ba người kia coi. Phần trong kho này, ngoài đường băng với thang nâng, còn có hai hành lang dài nằm cách bên dưới bảy thước nữa. Chúng chạy dọc theo chiều dài vách tường, cách mỗi năm thước lại có một cầu nối dẫn sang bên kia. Tại vị trí cách cửa sập hai mươi thước là cầu thang, gần như dốc đứng hoàn toàn, dẫn lên tháp không lưu. Quanh đó là ban công gắn loa với đèn cao áp, đảm bảo rọi sáng khu vực xung quanh. Tường trong cũng lắp đèn điện sáng trưng, và do nơi này không có cửa sổ trông ra ngoài, chỉ có ống thông hơi nên điều này là cần thiết.
– Bọc giáp kín bưng nên tầm quan sát bên dưới bị hạn chế à?
Xoa xoa cằm, ông Trung trầm ngâm. Quả nhiên, nếu là đường băng lộ thiên thì một tháp là đủ quan sát, hay cùng lắm là hai, với một cái cho việc chỉ huy tàu và cái kia là điều hành sàn đáp. Tuy nhiên, do quá dài, lại bị cái vòm che hết cả, nên họ cần tới hai nơi để đảm bảo quan sát, điều hướng rõ ràng. Như vậy, một cặp đài chỉ huy là cần thiết, cái phía trước quan sát nửa đầu sân, cái sau quản lý nửa còn lại. Việc chỉ huy cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, theo cách nào đó, vì mỗi nơi sẽ chỉ phải phụ trách một bộ phận. Các tháp có hệ thống loa riêng, giúp xác định địch ta, đồng thời cũng giúp việc chỉ huy xe bay đỡ vất vả hơn. Dù sao thì tốc độ âm thanh vẫn nhanh hơn mấy chiếc xế hộp ấy.
– Òa…
Jessie há hốc mồm:
– Ông bạn biết dữ vậy? Tưởng ông chỉ làm bàn giấy thôi chứ?
– Bậy nha thím. – Hồng Ma nói – Cựu Tổng cục phó Tổng cục Kỹ thuật đó! Dân kỹ thuật chuyên nghiệp chứ không phải tay mơ đâu!
– Cái…
– Nói gì chuyện hồi ta còn là Phó Đề đốc vậy? – Tham mưu trưởng giơ tay cắt ngang – Cái gì cũ rồi thì cho nó cũ đi, đào lên hoài. Cũng chỉ là tên thợ máy nửa mùa thôi, sao bằng mấy người thực sự nghiên cứu chứ!
– Một trong những trụ cột thiết kế lớp Xích Quỷ mà nói chuyện chán đời vậy à? Ông anh định làm trò ăn vạ hả?
– Vạ gì giờ này?
Chống tay lên bàn, Trung cười khẩy. Đoạn, ông nói:
– Nguồn sáng bên trong có đảm bảo không? Hầm tối, kín mít chứ không có cửa sổ, quan sát khó lắm. Jessie, ta tin là nãy giờ khi diễn giải, cô chưa đề cập đến tầm quan sát tối đa của các tầng chỉ huy bên trong khoang xe bay?
– À, vâng, về tầm nhìn.
Gật đầu, Jessie đáp lời.
– Tầm nhìn trên lý thuyết của một người khỏe mạnh, mắt không bị tật, trong điều kiện lý tưởng của khu vực điều khiển không lưu sẽ là chính khoảng cách từ nơi đang đứng tới cửa, trong trường hợp đóng, và sẽ là khoảng vài cây lúc mở. Hệ thống chiếu sáng bên trong hoạt động ở điều kiện đảm bảo nguồn sáng giống ngoài trời nhất có thể, cùng bộ điều áp giúp giảm nguy cơ tầm nhìn thu ngắn lại. Dĩ nhiên, đó là ở điều kiện lý tưởng của tàu!
– Vậy trong điều kiện thực tế, giả sử như có cháy trong khoang, mất điện cục bộ, diện rộng, hay khói, sương mù theo đường thông hơi tràn vào?
– Vâng, thưa ngài.
Cô kỹ sư chép miệng, mắt hơi nheo, rồi nói:
– Trong trường hợp xảy ra bất trắc, giả dụ như sập nguồn sáng, thì các đài chỉ huy sẽ sử dụng đèn rọi cao áp. Các đèn này có nguồn cấp riêng, là những ắc quy dùng hỗn hợp Divaenium – Lithium đời mới, cho phép vận hành liên tục trong sáu giờ đồng hồ. Lúc đó tầm nhìn sẽ đảm bảo được tới cửa, do chúng dùng cùng loại với các đèn cao áp trang bị bên ngoài. Lúc đó bên trong sẽ tạm thời giống như bình thường, ít nhất là trong vùng đèn chiếu sáng được. Còn nếu như xảy ra sương khói, thủy thủ đoàn buộc phải khởi động hệ thống hút gió bằng tay, và trong thời gian đó thì tùy vào độ dày đặc mà cự ly quan sát tối đa, kể cả đã bật đèn, có thể dao động từ ba trăm tới chỉ một vài thước trước mặt.
– Hừm…
Chau mày lại, Phó Đô đốc Trung trầm ngâm một lát rồi hỏi:
– Tất cả những chuyện này đã được thử nghiệm lâm sàng chưa, hay chỉ là báo cáo lý thuyết do đội thiết kế ở Bình Sa gửi lên?
– Báo cáo, kết quả trên đều chỉ mới là giả định trên giấy, chưa tiến hành thực nghiệm!
– Vậy à?
Dừng một chốc, ông nói:
– Cũng không trách được, chúng ta không có thời gian lẫn trang thiết bị để tiến hành. Trước mắt có thể tính toán được tới vậy thì xem như tạm chấp nhận được. bảo viện Bình Sa thiết kế một mô hình tỷ lệ thật của khoang chứa rồi thử nghiệm mọi tình huống có thể, trong khả năng cho phép của họ. Và làm luôn cho ta, Giao, Hồng Ma với hai tên ngoài kia mỗi người một mô hình ty lệ một phần bốn trăm, chi tiết cả trong lẫn ngoài, có thể tháo lắp được. Và sơn phết cho đàng hoàng vào, vụ Xích Quỷ ta kỷ luật cái tội mô hình cẩu thả chắc đủ rồi nhỉ?
– Vâ… Vâng!
“Khổ, gặp trúng ông chơi mô hình cứng cựa. Đụng món đó thì ta cũng không cứu nổi cô đâu…”
Nghĩ bụng vậy, Giao Long tập trung vào bản thiết kế. Cô biết rõ sở thích “độc” của anh họ, cũng như cái sự cuồng loạn mỗi khi đụng trúng “chủ đề” đó, nên không dây vào, sợ rắc rối. Jessie cũng đã xong màn chất vấn, tiếp tục nói về thiết kế bên trên LCVX. Cặp tháp không lưu có nhiệm vụ quản lý hệ thống sân bay, trong khi cái ở giữa, là tháp điều khiển trung tâm, sẽ phụ trách việc liên lạc, thông tin cho phi đội và chỉ đạo cả dàn phòng không bên trên.
Được chia làm ba khu chính, dựa theo thiết kế của Hồng Ma, tháp giữa, hay “cột buồm chính”, gồm bộ phận chỉ đạo phòng ngự ở trên cùng, vùng điều hành nằm lưng lửng cùng trung tâm liên lạc, viễn thông ở dưới cùng. Tòa tháp này không có thiết kế trụ tròn, hay hình ống bơ, như cặp kia, mà mang hình dạng đa diện, với chủ yếu là các khối trụ tiết diện bát giác xếp chồng lên nhau. Sử dụng loại ăng ten băng tần cực ngắn tiêu chuẩn, nó cho phép con tàu bắt sóng từ những nơi cách căn cứ gần nhất tới hai mươi ngàn cây theo mọi phương, giúp việc liên lạc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, đồng thời hỗ trợ cực tốt cho vai trò dự tính của loại tàu này: hạt nhân của các hạm đội hoạt động xa “nhà”.
Đặc biệt, có một thứ trang bị ở cả trên lẫn dưới con tàu này mà ba người kia cực kỳ chú ý.
“Radar”.
Vốn là công nghệ Albion, radar, hay viết đầy đủ là “Radio Detection Anh Ranging”, tức “Dò tìm và định vị bằng sóng vô tuyến”, là một phát minh cực kỳ ‘tình cờ”. Trong cuộc Đại chiến Gaia, người Albion đã cố chế ra một loại vũ khí dùng bước sóng radio để “bắn hạ” zeppelin Gaullia, tuy nhiên họ thất bại thê thảm trong mục đích đó. Đổi lại, những “thiên tài” nghiện trà như nghiện cần sa ấy vô tình đã đóng góp cho nền quân sự toàn cầu nói riêng, cũng như thế giới văn minh nói chung một thứ vô cùng quan trọng: Một hệ thống dò tìm, xác định vật thể lẫn cự ly bằng sóng vô tuyến với sai số chưa đến một phần ngàn.
Phát minh quan trọng này, cùng với xe thiết giáp cũng được tạo ra vào giai đoạn cuối chiến tranh, bị bỏ quên một thời gian dài do sự phức tạp quá mức vào thời đại đó. Tuy nhiên, không phải không nước nào tiếp tục: Valhöll với Novgoroussiya vẫn nghiên cứu công nghệ này, nhưng cho mục đích dân sự, còn Columbia thì đại chúng hóa và biến nó thành một môn khoa học thú vị cho giới trẻ. Trong quá khứ, Jessie khi còn ở Columbia đã làm ra một con tàu đồ chơi chạy bằng sóng vô tuyến, điều khiển được, với chỉ một bộ thu phát sóng đơn giản. Tuy không nói ra nhưng cái tham vọng phát triển thứ “mắt thần” này của xứ “dân chủ” là điều cả thế giới đều biết, nhưng có động thái rõ ràng để đáp trả thì xem ra chẳng ai thực sự chú tâm.
Đế quốc cũng vậy.
Trong một thời gian dài, giới quân sự Đế quốc, kể cả Giao Long, đều tin rằng loa AL là quá đủ để phát hiện tàu chiến, bởi chúng to, ồn và cực chậm. Loại khu trục nhanh nhất cũng chỉ hơn một phần sáu tốc độ âm thanh chút, trong khi một nhân viên quan trắc chuyên nghiệp có thể biết được tàu loại nào, lớp nào chỉ bằng việc nghe tiếng động cơ. Âm thanh truyền không tốt trong không khí, nhưng qua mây thì khác, ồn hơn cả một hẻm đồng loạt làm đám cưới và mời kèn trống rình rang về chơi. Vì vậy, họ không thấy có lý do gì để phải phát triển những thiết bị dò tìm phức tạp hơn, vừa làm tăng chi phí đóng tàu vừa tốn thêm nguồn lực đào tạo các sĩ quan chuyên về mảng này.
Tuy thế mà không phải thế, cục diện thay đổi. Năm năm trước, Columbia khiến thế giới choáng váng với thành tích vô tiền khoáng hậu: Tích hợp radar dẫn đường vào hệ thống điều khiển hỏa lực! Loại radar đầu tiên của họ dùng ăng ten dạng rổ, băng tần ngắn, giúp tăng độ chính xác thêm bảy mươi phần trăm, đồng thời có thể hoạt động cả trong điều kiện thời tiết bất lợi – cái yếu nhất của các hệ thống dẫn bắn quang học là chúng gần như chết đúng lúc xấu giời.
Dùng một loại máy điều khiển riêng, sử dụng bàn xoay để làm chủ dàn pháo, kết hợp với khả năng tính toán nhanh của máy tính cơ khí lẫn tốc độ truyền tin khủng khiếp từ buồng lái xuống từng tháp pháo, bọn họ đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc: Tỷ lệ bắn dính mục tiêu là tám mươi bảy trong tổng một trăm phát trong thời tiết mưa bão nặng nề của loại thiết giáp hạm mới nhất, lớp Potomac, khiến mọi chiến hạm đều phải e dè.
Ngoài ra, cũng trong thời gian ấy Albion giới thiệu loại động cơ đẩy mới, cực êm, khiến việc phát ra tiếng động trở nên như một trò đùa. Chính là thứ động cơ Giao Long đã được mật báo bên Yamato đề cập tới. Như vậy, khi tàu di chuyển “im lặng”, âm thanh phát ra rất nhỏ thì loa AL sẽ gần như phế vật. Với tầm nhìn phụ thuộc chủ yếu vào máy đo khoảng cách và loa, mất một trong hai chính là thảm họa. Đặc biệt sẽ còn thảm họa hơn nếu mất cả “mắt”, tức điều kiện thời tiết xấu.
Vì thế, các cường quốc nhận ra đã tới lúc không thể coi nhẹ radar nữa.
Liên minh Trục Branden – Moskowiy – Đông Kinh lao ngay vào nghiên cứu công nghệ radar riêng, nhưng cho tới nay vẫn chưa có thành tựu đáng kể. Trong lúc đó, người Albion đào lại phát minh vốn của họ, phát triển nó thành radar dò tìm bề mặt, dẫn bắn với phòng không, ba nhiệm vụ tách biệt nhau. Điều ấy vượt mặt luôn Columbia, và khiến phe Trục càng lo lắng. Họ đi theo các hướng khác. Valhöll vừa tập trung làm radar, vừa tham khảo mẫu của nước ngoài trong các cuộc triển lãm khí tài để phát triển. Novgoroussiya có bước đi “lầy lội” hơn, lhi quyết định vừa nghiên cứu hệ thống này, vừa thiết kế một loại máy có thể làm nhiễu radar. Họ gọi đó là “tác chiến điện tử”, chọc mù mắt địch trong khi mình vẫn thấy rõ.
Trong khi đó, Đế quốc đang ra sức đi xa hơn. Với nền tảng là Không quân bá nhất thế giới, nền công nghiệp mạnh mẽ hàng đầu châu lục, các nhà máy quân sự cả nước đang hì hục tìm tòi, thiết kế các mẫu radar mới. Chủ yếu vẫn dùng ăng ten dạng chảo, dạng rổ, nhưng có cấu hình nhỏ gọn hơn để lắp được ở nhiều nơi trên tàu. Độc nhất, theo tin từ Bộ Tổng tư lệnh thì Tổng cục Kỹ thuật đang hợp tác với Tổng cục Tình báo phát triển một loại radar mới, dùng ăng ten xương cá để lắp cho F1A. Bỏ bốn khẩu pháo mũi đi, thay vào đó là bộ radar nhỏ xinh, vừa đủ gắn vô, họ hi vọng chế tạo được một phương tiện bay chiến đấu mọi thời tiết, điều mà trước đây tàu bay thường bó tay chịu chết. Bão lớn. phong lộ sẽ phải rọi đèn, mà rọi cũng chưa chắc thấy, dễ còn là đứa ăn đạn trước nữa. Nên đánh đêm thời ấy cực kỳ nguy hiểm, bậy bạ là chết chứ chẳng chơi.
Trở về với radar dự tính lắp cho LCVX, nó sẽ là mẫu Kiểu 22A, mới được hoàn thiện sơ bộ năm ngoái và đang trong quá trình thử nghiệm. Đây là radar băng tần ngắn, dùng ăng ten trụ cao nên có thể trang bị cùng cột ăng ten viễn thông, với nhiệm vụ chính là xác định các phương tiện địch ta. Cho việc phòng ngự, tàu có Kiểu 22C, sẽ được tích hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực. Dàn pháo lớn tạm thời chưa có, do Đế quốc chưa làm được radar riêng cho loại này. Với tầm quét một ngàn hai trăm bảy mươi cây của mẫu A và C là sáu trăm, chúng tạo thành “mắt thần” cho tàu. Các radar không bố trí gom lại một cụm duy nhất, mà sẽ gồm nhiều vị trí khác nhau. Như vậy, vùng phủ sóng sẽ tăng lên, và xung quanh tàu, về lý thuyết, là không có điểm mù.
– Thú vị.
Vỗ tay, Giao Long nói:
– Nếu có xe bay cảnh báo sớm nữa thì nó thâu tóm cả bầu trời. Tuyệt vời đấy, thực sự rất tuyệt.
– Cảnh báo… Mà ý cô là sao?
Jessie hỏi, vừa dò xét vừa lo, vì hiện tại thuyền trưởng của cô đang nhếch mép, cười mỉm theo một cách không thể nào rùng rợn hơn. Mặt cô ta tối sầm lại, đôi mắt vô hồn nheo gần nhắm chặt, và cái lưỡi đen ngòm, nhớp nháp chút chút lại lè ra liếm môi.
Nhìn cô Thượng tá, Giao Long nghiêng đầu, bảo:
– Dự tính khi nào sẽ mang cái này ra cho tên Thừa tướng đó đây?
– Thưa… Tầm khoảng tháng Sáu năm nay, sau khi đã hoàn tất thiết kế chi tiết… Và nếu làm mô hình thì sẽ phải hoãn tới cuối năm ạ!
– Lâu dữ ha? – Hồng Ma chen vô – Mà thôi, cứ thong thả đi! Không ai hối cả, làm gấp quá lại lỗi sai lè ra bây giờ! Mấy ngàn cái mạng không phải trò đùa, bảo dưới đó coi làm ăn sao cho đừng có gì bậy bạ trong chuyến bay đầu tiên đấy!
– Vâng!