Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 49



Tám giờ tối.



Ngồi trong phòng Mộc Ma ở tòa chánh điện, Viêm không khỏi ớn lạnh bởi những âm thanh vọng lại từ núi rừng. Tiếng hổ gầm uồm oàm rõ mồn một trong đêm, tiếng cây lá va rạt rạt như gió bão cuốn qua, đôi lúc lại có tiếng cây đỏ, rồi hai ba con lợn lêu la eng éc, hay âm thanh xì xì kinh khủng như mãng xà trong phim Mỹ làm tim nó như muốn nhảy khỏi lòng ngực. Hôm đầu tiên ngủ ở đây, nhỏ căng thẳng tới mức không buồn quan tâm, nhưng giờ thì khác. Quen phòng quen ốc rồi, nó lại thấy lạnh gáy bởi thú hoang. Điện Cây Quế xây cheo leo trên sườn núi Thiên Cẩm, tựa lưng vào rừng cây, ngay cả cảng hàng không cũng xây âm luôn vô núi, nên có khi nào, lỡ dại, nhỏ nghĩ, thú hoang nó nhào vô không nhỉ?



– Hổng có đâu, khỏi lo!



Nằm dài trên bộ ván với chiếc áo bà ba phanh ngực, để lộ cái yếm xanh bên trong, cùng chiếc váy lụa phủ tới đầu gối, Mộc Ma xua tay nói đầy chắc ăn. Nhỏ bảo, nhìn vậy chứ điện Cây Quế canh phòng cứng lắm cơ. Trên núi có tường thành, hệ thống đồn bốt, còn có mấy ống dẫn lớn lên trên đỉnh nữa. Ngay bên kia sườn là bản doanh của Quân đoàn 2, ngày đêm đi trực, nên có gặp thú hoang thì cũng mang đạn gây mê sẵn rồi. Hệ thống địa đạo, chòi gác cũng giúp lính người Gốp, chủng tộc quen sống trong rừng, kiểm soát được tình hình. Tới mức lính địch đang đi mà nghe bụi cây nói tiếng Việt là chuẩn bị tinh thần hít nhang thay cần rồi! Vừa du kích, vừa canh phòng, lại hỗ trợ kiểm lâm bảo vệ mấy loài quý hiếm, họ là lựa chọn số một.



Nói về chuyện này, để đảm bảo bạn mình “đỡ sợ”, Mộc Ma còn bồi thêm nữa. Rừng U Minh, nguồn gốc cái tên xứ này, được chia làm hai miền U Minh Thượng và U Minh Hạ. Núi Thiên Cẩm ở đây nằm giữa hai vùng ấy, động vật, ma quái gì hội tụ đủ, nhưng không dám làm loạn vì núi này thiêng, có “thần rừng” bảo hộ. “Thần rừng?”, Viêm tròn mắt hỏi. Nhỏ chột gật đầu. “Thần rừng”, theo cách gọi của người U Minh bản xứ, chính là loài rắn hổ mây khổng lồ, thân to từ ngang cái phích tới cái lu nước ngày ngày hiên ngang ngẩng cao đầu mà phóng vù vù trên ngọn cây. Màu vảy từ đen óng tới vàng mốc, tùy vào nơi sống, nhưng chắc chắn một điều là trên thân lúc nào cũng có mấy sọc trắng, hay vàng, mờ mờ, chạy dài từ cổ tới gần chóp đuôi.



Mộc Ma nói, rắn hổ bay đi mây về gió, sức lực bá đạo, nọc độc muôn loài không địch nổi, trong tâm thức người U Minh chính là thần bảo hộ vùng đất này. Tuy gọi là thần rừng, không hiếm trường hợp người ta bắt gặp rắn hổ mây to thù lù bơi dưới sông, vật nhau với cá sấu, hay những câu chuyện nhuốm màu liêu trai mà lại hoàn toàn có thực. Như chuyện rắn hổ mây thích ăn cá, đặc biệt là lóc đồng, rô đồng, chúng nó sẽ đi theo bầy đông năm sáu con mà bắt. Nhưng không phải thọc đầu xuống sông bắt, làm kiểu đó cả ngày cũng chưa no!



– Cậu nghĩ tụi nó làm gì?



Mộc Ma hào hứng hỏi.



– Để tớ đoán! – Viêm lấy đại cái gối, ôm vô lòng – Nhà tớ cũng có chuyện về mấy con như vậy! Nếu thiệt sự giống thì… hai con sẽ chặn dòng, rồi ít nhất một con nữa hõm bụng vào, vắt thân vô hai thân cây rồi đung đưa như cái gàu tát nước, đúng hông? Tát khi nào cạn thì cả bọn chúc mồm vô ăn!

– Trúng hết luôn! Ghê!

– A hi hi!



Cười tít cả mắt, Viêm hì hì gãi đầu, trong khi Mộc Ma lăn qua sát người bạn. Nhỏ thu sừng vô từ lâu, giờ trông không khác gì người thường, trừ ánh nhìn kia. Nó bảo rắn hổ mây thực sự có cái thói ấy, nhất là vào những mùa nước lớn, cá từ thượng nguồn đổ về. Do kích thước lớn bất thường, loài này ăn rất nhiều, lẽ dĩ nhiên là thức ăn chính của chúng, các loài trăn rắn khác, hoàn toàn không đủ. Còn có nhiều chuyện kể rắn hổ mây săn mồi, nghe tưởng tiếu lâm mà hóa ra có thiệt.



Rắn hổ mây ngóc đầu tới mây xanh đớp bầy dơi dang bay, há miệng làm chim tưởng cây mà đậu vào, sau đó bị nuốt, hay cả chuyện rắn phóng mình ào ào trên cây đuổi khỉ cũng hoàn toàn có thật. Nó đủ to để một táp chết tươi chó săn, nuốt được con lửng, nhưng để vật nhau với heo rừng thì không mấy dễ chịu. Có điều kích thước và màu vảy loài rắn này, sau nhiều lần truyền miệng, đã có sai lệch đáng kể.



Loại ở vùng U Minh Thượng thường được cho là to cỡ cây thốt nốt già, thân màu trắng xám mốc vàng, các vằn nổi không rõ do trùng màu với thân. Nhóm đấy chủ yếu sống rúc trong mấy chỗ rừng vắng, do U Minh Thượng sáng sủa hơn nên có màu sáng. Giống hổ mây núi Thiên Cẩm, còn gọi là “thần núi Cấm”, có màu vàng vọt hơn, ngả dần sang đen vì ưa náu mình trên núi cao, hay trốn trong hốc sâu. Thứ này gần với cái loại “xà tinh” người ta hay nói nhất, nhưng là do sống lâu, thân to và khôn hơn nên mới làm nhiều người hoảng sợ mà phao tin dị đoan.



Còn nhóm rắn U Minh Hạ, vảy đen mốc, ưa đi lang thang trong rừng mới thực là nguồn gốc mấy “truyền thuyết” kia. U Minh Hạ là cái xứ tới con lươn dưới rạch cũng thành tinh được, nên rắn hổ mây thân to như lu nước không phải quá lạ. Ngóc đầu cao hơn ngọn tràm, ngọn đước, lao vun vút như cuồng phong, chúng là bá chủ của mấy tỉnh phía tận cùng ấy. Lớn tới mức thiên hạ gọi là thuồng luồng, cá sấu trông thấy tái mét mặt, bệ ngạn cũng phải liều mạng mới thoát, đi rừng mà đụng trúng “ông Mây” thì chỉ còn biết khấn vái xin ông bà tổ tiêng, thần linh mười phương tám hướng phù hộ cho “ông” no rồi, không là chết chắc.



Tuy nhiên, ở vùng U Minh, rắn hổ mây không phải bá vương duy nhất.



Kéo Viêm cúi xuống, Mộc Ma ra vẻ thần thần bí bí, thì thầm:



– Cậu biết con nưa không?

– Nưa?



Viêm trố mắt.



– Là con gì?

– Thì là con nưa chứ con gì!



Lè lưỡi, Mộc Ma kể.



Theo truyền thuyết từ rất lâu, và cả nhiều vụ dạo này nữa, thì nưa là một giống thuộc họ trăn, nhưng cực kỳ độc, có thể sánh với rắn. Họa tiết trên vảy nưa rất giống trăn đá hay trăn gấm, mấy loài thường thấy nhiều ở nông thôn với miền núi. Thân to cục mình, người ngợm một khúc, nhưng nưa lại rất nhanh nhẹn. Đặc điểm nổi bật của loài “quỷ quái” này so với trăn chính là tự thân nó đã là một cục độc biết đi. Thịt trăn không độc, tính hàn, mật với tiết ăn được, trong khi xơi thịt nưa thì chỉ có từ nhà thương tới nhà xác. Máu, mật nưa độc không thua nọc rắn, nếu ăn vào thế nào cũng nhanh chóng bủn rủn chân tay, nôn mửa, chóng mặt, giống như ngộ độc thực phẩm kết hợp rắn cắn. Không đưa đi viện kịp thời mà ở nhà cúng kiến là chỉ có lên đường theo ông bà tổ tiên.



Nưa, hay như nhiều vùng vẫn gọi là “trăn chín lỗ mũi”, là một loài săn mồi kinh khủng, và cũng là kẻ không ai muốn rớ tới. Trên đầu chúng, ngoài hai lỗ mũi thường, còn có thêm bảy cái hốc khác, nên người ta mới gọi là “chín lỗ mũi”. Bộ hàm có răng như rắn, cắn để lại dấu dễ dàng, nhưng đáng sợ hơn cả là hai cọng râu. Hai sợi ấy chứa đầy chất độc, con nưa có thể phun độc từ râu này ra, hay truyền nọc như rắn. Nọc nó có màu trắng đục, như mủ cóc, rất độc. Cả cái thây xác ấy lúc nào ũng hôi kinh mùi chuột chết, không ai ưa nổi, giống như một cách tự vệ.



Rắn hổ mây bây giờ bị mấy người trẻ tuổi ngoài Bắc với khu Nam Đảo coi là chuyện tào lao, chứ nhắc con nưa là mặt mày tái mét ngay. Không như giống rắn khổng lồ kia, thường được coi là “đối trọng”, nưa không quá kén chỗ ở. Có khi đi lang thang ngoài ruộng là tóm được hai ba con, hay lên rừng làm rẫy, lùa trâu đi ăn cỏ,… cũng thấy. Nưa có mặt từ Nam chí Bắc, trên lãnh thổ Đế quốc chỗ nào có rừng cây um tùm, gần núi non và mát mẻ là chỗ đó có nưa. Cái giống ấy nhìn tưởng trăn, người nào không biết đem về mần thịt là chỉ có nước chết chùm cả nhà.



– Đọc lắm hả? – Viêm xuýt xoa hỏi.

– Không độc lắm, đủ cho cậu chỉ muốn chết thôi!



Lém lỉnh đáp lời, Mộc Ma không quên trêu bạn. Nưa thực sự nguy hiểm, nhỏ bảo, và tốt nhất là đừng bao giờ rớ vô, dù trong bất cứ tình huống nào đi chăng nữa. To khỏe như trăn, độc như rắn, nhiều người nghĩ nó chính là rắn hổ mây nhưng không phải. Nưa là loài riêng, với những truyền thuyết, chuyện kể, giai thoại và cả tai nạn riêng…



Quay lại với rắn hổ mây, Mộc Ma bảo hồi mấy năm trước, từng có con rắn lớn lao thẳng vào điện làm loạn. Lúc đó mấy học viên Không quân người Nam Đảo sợ phát khóc luôn, còn nhóm học viên gốc U Minh “đất liền” thì bình thản trấn an đồng chí, đồng thời quan sát cảnh vệ, giảng viên xử lý. Lúc đó Mộc Ma học năm hai, tức là ngàn chín trăm hăm mốt. “Rắn to lắm!”, con bé nói, không quên dang tay phụ họa, “Một vòng bụng nó phải hai, ba người ôm mới hết! Đầu to như cái tủ, hai con mắt chà bá lửa màu vàng tròng đen cứ đảo tới đảo lui, còn quả lưỡi xanh đen nhớp nháp cứ thè ra thụt vô nữa chứ! Chả hiểu sao lúc đó tớ không xỉu, mà còn đứng coi chung được!”.



– Rắn bự vậy chui vô điện? Thiệt luôn?



Không dám tin vào tai mình, Viêm hét toáng cả lên.



– Thiệt! Xạo cậu tớ đi bằng đầu á!



Quả quyết đáp, cô nhóc khẳng định chắc như đinh đóng cột. Theo lời Mộc Ma, con rắn to, vảy đen trũi, đóng rêu từng mảng lớn có lẽ đã “đi lạc” khỏi khu vực rừng và xông vào chỗ tường thành đang nâng cấp. Nó khỏe tới nỗi bờ tường, dù được che chắn bởi hàng lớp khung thép, bị tông nát, trong khi cơ thể gần như không ảnh hưởng gì. Con rắn khi ấy có vẻ buồn ngủ, và theo nghiên cứu về tập quán của rắn hổ mây, chúng có thói quen quăng mình trên cây mỗi khi muốn đi đâu nhanh. Không loại trừ khả năng mãng xà này vừa “bay” vừa ngủ gật, nên đã vô tình phi thân vào trong điện. Cảnh vệ người Gốp với người lùn không nổ súng, trong khi lính thi quỷ, âm binh ngăn không cho người khác tới gần. Đội quân y, được hộ tống bởi một đại đội lính đặc nhiệm, tới và kiểm tra con rắn.



– Và cậu biết gì không?



Cắt ngang, Mộc Ma hỏi.



– Biết gì?

– Lúc đó con rắn lăn ra ngủ rồi!

– Hả?



Mắt to tròn, mồm ngoác rộng, Viêm suýt ngã ngửa với câu chuyện này. Còn hơn cả bác Ba Phi nữa!



– Không có xạo nha! – Mộc Ma phồng tròn má – Vụ này cậu hỏi ai trong điện cũng biết hết đó! Rắn bự lắm chứ giỡn chắc, dài mấy chục thước nằm vật vờ trên sân! Đội quân y kiểm tra nhịp tim, thần kinh rồi cho nó thêm mấy mũi thuốc mê nữa mới dám kêu zeppelin tới cẩu về rừng! Nè, từ sau vụ đó là ngài Tham mưu trưởng cho xây cả mớ đồn bốt gác trong rừng luôn, để đảm bảo không còn vụ như vậy nữa!

– Nghe còn hơn trên phim…

– Phim? – Nhỏ nghiêng đầu.

– Không, không có gì…



Tiếp tục chuyện, Mộc Ma nói sau đó khoảng ba tháng, núi Thiên Cẩm bị cháy! Không phải do con người, mà trời mùa nắng nóng, lại run rủi thế nào mà hôm đó sét tím đánh ngay xuống, làm cả vạt rừng mặt Tây Bắc cháy hừng hực như người ta đốt lửa trại. Cháy rừng trên quả núi cao gần hai ngàn thước dĩ nhiên không phải chuyện đùa, nhất là khi bà con người dân tộc thiểu số sống gần đó nữa. Bộ đội tham gia chung với kiểm lâm sơ tán người dân, ngăn lửa lan rộng, trong khi hạm đội liên tục mang nước tới tưới, cố gắng dập nửa. Thậm chí họ đã đốn hạ sẵn một vạt rừng lớn, tạo thành vành đai ngăn lửa, còn các xe cứu hỏa túc trực và phun nước vào liên tục.



Lửa cháy một hồi lâu thì lên tới hang Mây. Cái hang ấy giờ vẫn còn, nằm gần trên đỉnh núi, kỳ thực là một hệ thống các hang động phức hợp lớn hình thành do bào mòn đá núi. Bà Hỏa kéo lên đó thì tức thì, hai trung đoàn đang hoạt động bên dưới, cũng phải mấy ngàn người, với hơn ba mươi tàu bay trông thấy cảnh tượng có lẽ cả đời cũng quên không nổi: Một con rắn hổ mây to kinh khủng, vảy đen mốc cất đầu khỏi hang. Nó ngóc lên mấy chục thước mà thân còn nằm sâu trong cửa động, rít lên từng tiếng như ác thú gầm gừ. Nghe nó kêu, lập tức đám thú rừng, từ heo, bệ ngạn tới đám khỉ, vượn, tinh tinh mấy nơi chưa bị cháy lập tức chạy tán loạn. Trước đó, đã có hàng đám động vật từ chỗ cháy rừng chạy ra, nhưng cái này khác hẳn. “Thú triều”, phải gọi như thế, vì dã thú lên như thủy triều.



Còn rắn hổ mây kia, Mộc Ma bảo, tuy không được tận mắt thấy nhưng sau này nghe Oa Lân kể lại thì mắt nó màu đỏ thẫm như máu, vảy trên đầu lại đùn lên như cái mào. Rắn mọc mào là rắn thành tinh, có linh tính, tốt nhất không dây dưa vào. Khoa học đã giải thích được nhiều thứ, nhưng bên cạnh đó vẫn có đủ chuyện chưa lý giải nổi, và động vật “thành tinh” là một trong số đó. Tiếng gầm lúc đầu nghe như chó, sau đó là bệ ngạn, cuối cùng là rền rĩ và kinh khủng như trộn giữa rắn với rồng, khiến cho cả ngôi làng ba ngàn người cùng gần mười ngàn bộ đội tái mét hết mặt mày, mồ hôi túa ra ướt đẫm. Họ sợ nó còn hơn đám lửa, nhưng chỉ huy phía trên nhanh chóng xốc lại tinh thần quân sĩ, mới giúp việc dập lửa tiến hành tiếp được.



Trong lúc dập lửa, họ đã chứng kiến nhiều cảnh tượng còn dữ dằn hơn: Hàng đám rắn hổ mây lao khỏi lò hỏa thiêu kia, phi thân xuống dòng sông nằm chỉ cách khu vực chừng trăm thước. Có lẽ vì lửa nóng, khói bụi, lại phải bỏ chạy quá nhanh nên bọn nó thấm mệt, có muốn ngóc cao đầu cũng không nổi. Số khác không xuống sông, chúng bò ngược lên hang Mây, nương theo hệ thống hang trong đó mà chuồn ra mấy chỗ khác. Mấy loài trăn gấm, trăn đất, nưa, hổ hèo, hổ đất,… cũng đè nhau mà bỏ trốn, phóng khỏi nơi chúng nó từng ở mà nhắm vô sông, mặc cho các “ông Mây” đã quần thảo trước. Không con nào nghĩ chuyện cắn giết nhau. Bọn nó quá mệt với trận này rồi, làm mất mình mát mẩy xong là đưa nhau đi trốn hết.



– Thiệt luôn?



Viêm hỏi nhỏ. Con bé hết hơi mà ngạc nhiên với chả ngờ vực rồi.



– Ừm… Ơ mà khoan…



Nói đoạn, Mộc Ma chợt dẫn Viêm ra ngoài hành lang. Đêm tối trời, nhưng điện Cây Quế vẫn sáng bừng lên. Dĩ nhiên, từ dãy nhà này không thể trông vượt ra khỏi mấy bức tường, nhưng lũ nhỏ vẫn thấy được đèn rọi chiếu lên từ phía quân cảng. Bên sườn núi, nơi chỉ có thể nhìn được chút đỉnh, chốc chốc lại vang tiếng xào xạc, xào xạc, to lắm, cơ hồ như con gì rất lớn đang phóng qua. Trên dốc, từ đây thì chỉ thấy được thế, trạm gác bật đèn sáng trưng. Đèn pha công suất lớn chiếu khắp nơi, cứ như phòng không, trong khi tàu bay zeppelin quần thảo bầu trời, cũng bật đèn pha soi xuống. Họ đang truy quét gì đó, nhỏ chột đoán thế, vi hai hôm trước hoàn toàn bình thường.



Không phải bệ ngạn, con bé nhủ thầm, dăm ba con mèo to xác ấy tuổi gì cơ chứ? Cũng chẳng thể là lũ heo rừng, bọn nó không đủ sức đe dọa.



– Gì vậy?



Tò mò, Viêm chợt hỏi.



– Chắc vài con hổ mây làm loạn…



Mộc Ma chép môi.



– Mà thôi kệ!



Kéo Viêm lại vào phòng, Mộc Ma không quên nhìn ra ngoài. Tuy nói là bị tường thành che, thị lực quái đản của nhỏ vẫn trông được chuyện gì đang xảy ra, dù chỉ chốc lát. Hai con rắn lớn vồn nhau, làm đổ rạp mấy gốc thốt nốt to. Mùa này chưa phải kỳ giao phối, vậy có lẽ là đánh nhau giành địa bàn rồi. Không phải lo, nhỏ nghĩ bụng, vì giống rắn này đánh với đồng loại rất “quân tử”, không dùng nọc bao giờ… trừ khi đã có ý muốn ăn luôn.



Ngồi lại lên ván, Mộc Ma mới nói tiếp chuyện. Ở xứ U Minh, mấy con khủng như rắn hổ mây, bệ ngạn hay heo quỷ nhiều như sao trên trời. Tới lươn, đỉa còn thành tinh được, hay con muỗi chích riết to như con gà cũng đầy cả. Trên rừng có hổ mây, xuống sông gặp cá sấu, ra ruộng thì hổ hèo, hổ mang, hổ đất, cạp nong cạp nia, rồi cả hội trăn hoa trăn gấm,… bò nhung nhúc, nên chạy đằng nào cũng chết. Sống trong cái xứ khỉ ho cò gáy này, người U Minh phải luyện rất nhiều kỹ năng để sinh tồn. Và đặc biệt, nói về kỹ thuật chiến đấu thì họ không thua kém bất cứ “mạo hiểm gia” nào!



– Thiệt… Thiệt không?



Mắt sáng rực như đèn rọi, Viêm dí mặt tới ngay sát Mộc Ma, sát tới nỗi mũi hai đứa chạm nhau. Ngay lập tức, nhỏ bị đạp vô lưng. Thiên nằm ngủ kế bên, người cuộn tròn ôm chiếc gối bông dài. Miệng kêu ư ử, bé khẽ lăn, mày hơi cau lại, chắc khó chịu hai chị nói lớn quá. Bỏ giày ra rồi, chân nó nhỏ xíu, lạnh như nước đá, suýt nữa làm Viêm đứng tim mà ngã nhào xuống đất. Cũng may cu em chỉ làm vậy rồi lăn ra chỗ khác, tay chân ôm cứng chiếc gối, co người còng queo như con tép riu.



Chờ Thiên lăn ra, Mộc Ma mới kéo Viêm lại chỗ gần sát tường, nhìn ra tòa tháp cao. Trời tối mát mẻ, gió lùa vào từng hơi sảng khoái, không quá nóng mà cũng chẳng quá lạnh. Mội buổi tối êm đềm, với rắn khổng lồ vật lộn ngoài kia, tàu bay hụ còi và đèn pha chiếu sáng rỡ… Thế mới yên bình chứ! Sống miết ở đây, người ta quen với mấy cái vãi đạn ấy rồi. Khoa học không ngừng phát triển, nhưng còn nhiều cái chưa giải thích được lắm. Như nghiên cứu đầy đủ về con nưa, hồn ma vì sao mà có, hay do đâu mà ma thuật, cơ bản chỉ là sự cụ thể hóa linh lực, lại có thể dùng ở vô số kiểu? Không biết, không quan tâm. Đời nhàn nhã, chẳng việc gì phải bận lòng thế cả.



– Mà nè…



Viêm chợt nói.



– Tớ mới nhớ… Bữa hổm cậu có nói vụ hạm đội chia tàu làm hạng gì đó… phải không nhỉ? Mấy vụ chia hạng đó là sao vậy?

– Giờ tự nhiên lại hỏi nó à?



Tựa lưng sát tường, Mộc Ma nhăn mặt, trề môi nhìn Viêm.



– Tuyệt mật nữa à? – Viêm hỏi.

– Không hẳn, chỉ là… Tớ thấy cậu đánh trống lảng cũng nghệ lắm đó! Đang nói chuyện rắn lại lượn qua tàu ngay.

– Không nói hả? – Nhỏ sụ mặt.

– Nói, nói chứ! Tin tức phổ thông ai cũng được biết mà!



Luýnh quýnh đáp, Mộc Ma rõ ràng không muốn làm Viêm buồn. Hồi sáng đã thấy cu Thiên giận thế nào nếu chị nó buồn rồi, giờ nhỏ chột không muốn thành xác ướp đóng băng chỉ vì cái lý do tào lao bí đao như “làm bạn thất vọng” đâu. Nó sẽ kể, mà trước sau gì cũng kể. Nhỏ kia không biết, chứ vụ cơ cấu hạm đội thế này là bài học phổ thông từ trên ghế nhà trường, ghi đầy trên báo mỗi ngày, và cũng không có gì để che dấu. Công bố cả đặc tính kỹ thuật của tàu cơ mà, thì mấy cái vụ rơm rơm thế này sao phải bí mật? Cái cần giấu biến đi như mèo giấu “vàng dẻo” là thành phấn từng lớp tàu trong hạm đội cơ!



Sự phân chia các hạng chiến hạm thành bốn mức một – hai – ba – bốn được thực hiện nhằm đơn giản hóa bộ máy điều hành Không Hạm đội của các chỉ huy, đồng thời tạo thành hệ thống lệnh thống nhất từ trên xuống dưới. Nó khác với việc chỉ chia đội quân lớn thành các đơn vị nhỏ đơn thuần, mà dạng như chuyên biệt hóa từng bộ phận. Mộc Ma nói thế, do ở trường học sao biết vậy thôi.



Tương ứng với hệ thống này, tàu loại một, hay hạng nhất, gồm các chủ lực hạm. Thiết giáp hạm, hay các chiến hạm “lai” được cải tạo thuộc nhóm này. Là hạt nhân của hạm đội, cơ bản thì chúng đóng vai trò đầu não, trung khu chỉ huy kiêm hỏa lực hạng nặng cho toàn đội. Thường số lượng tàu hạng nhất sẽ khá ít, chỉ từ năm tới bảy mươi chiếc mỗi Không Hạm đội, cá biệt Không hạm đội 1 có đến hai trăm tàu, do họ là lực lượng chính bảo vệ Hoàng gia nên cần rất nhiều vũ trang cực nặng. Nhìn chung, Mộc Ma bảo, tàu hạng nhất sẽ được bảo vệ bởi hai hạng thấp hơn, mà theo học thuyết Đế quốc thì loại này cũng chỉ để thủ nhà là chính. Đi đánh xa, thường sẽ dùng các tàu hạng hai, ba và tư, chứ ít khi nào tàu hạng nhất phải đi.



– Chủ yếu là tiền ăn thôi…



Mộc Ma than.



– Tớ… hiểu. – Viêm vỗ vai bạn – Cho một chiếc hai ngàn miệng ăn đi, thì cũng…

– Hai ngàn? – Nhỏ chột quay qua nhìn Viêm như thú lạ – Một con thiết giáp hạm chuẩn như Định Quốc bèo lắm cũng gấp ba lần số đó! Cậu nói hai ngàn thì chỉ xêm xêm một tuần dương hạng nặng thôi!

– Hả? Mắc gì đông quá vậy?

– Tàu to mà, máy móc lại toàn vận hành bằng cơm nên là…

– Rồi, rồi, hiểu rồi…



Gật gù, Viêm hiểu cái cảm giác đó ra sao. Sáu ngàn cái miệng ăn, chưa tính chi phí vận hành. Nghĩ thôi đã nghe mùi bóp tiền khét lẹt, thấy polyme bay theo gió, và tài khoản ngân hàng tuột dốc không phanh. Vậy Không Hạm đội 6 có sáu trăm ba mươi bảy chiến hạm, Hồng Ma còn một đám zeppelin, vậy thì chuyện tiền nong phải làm sao cơ chứ?



– Vụ tiền thì bí mật nên không nói nha! – Mộc Ma nháy mắt – Tiếp nè!



Tiếp tục câu chuyện còn dang dở, Mộc Ma nói sang tàu hạng hai. Thực sự, nhỏ bảo, vai trò hai loại này khá tương đồng, cả trong vài trường hợp về loại tàu nữa, nên người ta dễ nhầm. Tàu hạng hai của Đế quốc gồm các thiết giáp hạm “bỏ túi”, tuần dương hạng nặng, tuần dương chiến hạm và, con bé thì thào, trong tương lai sẽ là một loại tàu mới có khả năng chở các phương tiện bay cá nhân, cơ động cao để tham gia đánh phá tầm xa. Với cơ cấu thường dao động từ một tới hai trăm tàu, lực lượng này tạo thành các cánh tay nối dài, là nhóm cơ động có thể hình thành các đội tác chiến riêng để thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Điều đó tương tự cho tàu loại ba, và hai hạng tàu này hay đi chung nhau. Vừa có hỏa lực, vừa có cơ động, nó phản ánh rất đúng sự thay đổi trong tư duy của bề trên.



Trong tàu loại hai, thiết giáp hạm bỏ túi với tuần dương chiến hạm là hai loại hay bị nhầm với nhau. Mộc Ma không biết ở thế giới của Viêm định nghĩa thế nào, nhưng tại đây, hai loại tàu này được coi là “loại riêng” trong nhánh cua chúng. Thiết giáp hạm “bỏ túi”, thuật ngữ Albion là “pocket battleship”, về cơ bản là các thiết giáp hạm bị “teo nhỏ”. Không phải dùng ma pháp, mà là thiết kế nhỏ gọn lại, tuy nhiên vẫn mang được dàn hỏa lực cùng giáp bọc đủ để sống sót. Tốc độ của thứ này nhanh hơn tàu chiến tiêu chuẩn, do kích thước bé tin hin nên tính cơ động vượt trội. Cũng vì nhỏ xíu mà bị gọi là “bỏ túi”, hàm ý nó nhỏ hơn loại thường. Mục đích của kiểu tàu này là đánh “du kích” trên trời, theo kiểu bắn xong chạy: Pháo chính đủ mạnh, giáp đủ khỏe để đập chìm bất cứ con tuần dương, khu trục hay cái giống gì nhỏ hơn cản đường, trong khi động cơ khỏe, tốc độ cao cho phép nó nhấn ga vọt thẳng khỏi sự truy đuổi của đám chiến hạm lớn xác mà chậm chạp kia.



Đối trọng với thiết giáp hạm bỏ túi, tuần dương chiến hạm là loại tàu chiến có kích thước ngang với thiết giáp hạm tiêu chuẩn, nhưng lại mang vỏ thép mỏng đáng kể để tăng cường tốc độ di chuyển. Ra đời gần hai thập kỷ trước, cùng thời với thiết giáp hạm Dreadnought, thứ đã tạo nên cuộc cách mạng tư tưởng đóng tàu và tư duy chiến tranh, các tuần dương chiến hạm được mong đợi sẽ trám vào lỗ hổng hỏa lực của các nhóm viễn chinh đường dài, do thiết giáp hạm tiêu chuẩn quá chậm chạp để có thể theo được mấy loại tàu nhỏ hơn. Hỏa lực mạnh, cơ động cao nhưng bọc giáp mỏng nên loại tàu này hay bị gọi vui là “đại bác thủy tinh”, tức bắn ghê lắm, phòng thủ không ra gì cả. Chúng chủ yếu dùng tốc độ để tự vệ, hay nói cách khác là bắn rồi chạy, như tàu chiến bỏ túi kia, tuy nhiên nếu đánh tay đôi thì con bé xíu có lợi hơn, do độ bảo vệ tỷ lệ thuận với dàn pháo chính lẫn sự nhanh chân, trong khi tuần dương chiến hạm không khác gì giáp giấy.



Nhưng, dù nói nhiều về hai kiểu kia thế, Mộc Ma nói cjhu3 lực của hạng hai thực ra là các tuần dương hạng nặng.



– Tuần dương hạng nặng? – Viêm hỏi.

– Ừ, tuần dương hạng nặng!



Nói đoạn, Mộc Ma đi vào chi tiết. Tuần dương hạng nặng, nhóm chiến đấu chính của tàu hạng hai, cũng như lực lượng xung kích chủ đạo của Không Hạm đội, là loại tàu được xem như cân bằng cả hỏa lực, tốc độ, bảo vệ và khả năng hành trình. Sở dĩ thứ ấy gọi “hạng nặng” là để phân biệt chúng với các tuần dương “hạng nhẹ”, có kích cỡ nhỏ hơn. Thường mang pháo hạm có cỡ từ hai trăm lẻ tám tới hai trăm tám mươi ly, chúng là nỗi khiếp sợ của tàu buôn địch, với khả năng chiến đấu ưu việt, uy lực phòng không tuyệt vời cũng như sức chống chịu đủ để tác chiến độc lập dài ngày. Một tàu tuần dương hạng nặng có thể đánh tan nát một hạm đội tàu buôn không được hộ tống, trong khi với khoảng mười chiếc loại này, không đoằn tàu hàng nào thoát nổi.



Tuần dương hạng nặng, trong tác chiến hạm đội, là lực lượng được coi là “đa nhiệm”. Từ hộ tống kỳ hạm, phòng không chống tàu nhỏ, phóng bom bay,… tới tham gia giáp chiến theo từng hải đội đều được. Chúng là hiện thân của sự cân bằng vai trò, cái nào cũng làm được, ở mức chấp nhận. Mộc Ma bảo, sau này nếu triển khai loại tàu đặc biệt kia, thì tuần dương hạng nặng sẽ thêm vai trò đi hộ tống nữa. Nhưng cũng không sao, từ bây giờ chúng nó đã theo sau bảo vệ mấy tàu lớn rồi. Pháo lớn vừa đủ để bắn khu trục xịt khói, tốc độ đủ nhanh để “tàu lượn” khỏi cả đám tuần dương chiến hạm, trữ lượng hành trình đủ cho nhiều tháng liền độc hành giữa trời cao, xét theo học thuyết hiện tại của Đế quốc thì phù hợp vô cùng.



– Học thuyết hiện tại?



Viêm nhướng mày.



– Dùng tổ đội tác chiến đường dài trong không phận, chú trọng cơ động cao thay cho các đơn vị nặng nề truyền thống! Thủ nhà thôi, nhưng một, hai chục chiếc tuần dương vẫn thốn hơn một chiến hạm nhiều!

– Tớ tưởng thủ nhà thì dùng tàu lớn giáp dày tốt hơn chứ?

– Tùy trường hợp!



Mộc Ma nháy mắt.



– Nếu cậu tổ chức phòng ngự chiều sâu theo nhiều lớp thì các tàu tuần dương sẽ là tuyến giữa, vô trong cùng sẽ là tàu hạng nhất đứng chờ sẵn! Mục đích của nó là bào mòn sinh lực địch từ từ, tới khi địch đủ yếu rồi thì tung ra lực lượng mạnh nhất để tiêu diệt trobng một trận mang tính chiến lược! Học thuyết “Hạm đội quyết chiến” là vậy đó! Nói nó lỗi thời nhưng dùng phòng ngự thì vẫn tốt chán, còn nếu làm chiếc dịch cụ thể đánh địch từ các vòng ngoài thì thuyết Jeune École dùng các đội tàu cao tốc, mang vũ khí đặc biệt vẫn hơn! Với lại, cậu tất tay ngay từ đầu, lỡ thua thì mệt lắm! Một cái tàu đâu có rẻ, còn nhân lực trên đó nữa! Đầu tư cho một lính Không quân là bao nhiêu công sức rồi, giả sử mất một người bậc sao vàng đi, không cách gì thay thế nổi lượng kiến thức và kinh nghiệm đó luôn á! Hiểu chưa?

– Rồi, rồi, tớ hiểu rồi mà!



Gật đầu lia lịa, Viêm cố gắng khiến Mộc Ma tin là mình hiểu. kỳ thực, nhỏ nghe có thông não quái gì đâu! Mà chắc gì mỗi mình, mấy người khác mà nghe đống này nếu không có kiến thức nền tảng trước đều sẽ kiểu như “Mình mới nghe cái quái gì vậy?” ngay thôi. Nhỏ không ưa mấy cái này! Hạm đội đâu, tàu chiến đâu, pháo hạm đâu! Mấy tin kiểu vày chán chết à!



– Bình tĩnh nào.



Phồng má, mím môi như đứa con nít, Mộc Ma tinh nghịch đưa ngón tay chọc đầu mũi Viêm, làm con bé gần bật ngửa ra sau. Kỳ thực, bạn nghĩ gì nhỏ chột biết hết, không rớt một chữ, nhưng nó vẫn cứ thích giả vờ là không biết. Vì tôn trọng có, mà vì muốn quấy dài dài cũng có. Làm quá thì Viêm ghét, không chơi chung nữa, thế là mất bạn. À không, là mất đứa chịu trận chung “tiềm năng”! Nhìn cách Thiên đu Viêm, con bé tóc đỏ này biết mình sắp thoát được thằng cu, và sau này lỡ có gì thì lôi nhỏ ngáo ngơ này ra cho bé con “hành sự” cũng được, còn mình không sao. Nên bây giờ cứ chiều nó trước đã, sau này hẵng tính cách trị.



“Mình đúng là thiên tài mà, phư phư phư!”



Cười thầm, Mộc Ma quyết định chuyển qua tàu hạng ba, trong “niềm vui sướng vô hạn” của con bạn. Nhỏ nói, tàu hạng ba bao gồm khu trục, tuần dương hạng nhẹ với mấy chiếc thuyền phóng bom bay. Đây là thành phần đông nhất Không hạm đội, thường chiếm ít nhất năm mươi phần trăm tổng số tàu, mà đa số là khu trục với tuần dương hạng nhẹ. Thuyền phóng bom bay quá nhỏ để thực sự được xem là vũ khí hiệu quả, và thường được tàu tuần dương các loại mang theo trong khoang. Đặc diểm chung của tàu hạng ba là tốc độ vượt trội, phóng như ngựa đua cùng vũ trang với giáp bọc… không khác cái thuyền giấy là mấy!



Tuần dương hạng nhẹ với khu trục, theo đúng đặc tính, là loại tàu nhỏ con, vũ trang không mấy hoành tráng. Chủ yếu là pháo một trăm năm mươi hai ly đổ lại, nhưng cá biệt lớp Xích Quỷ hiện tại có các tháp nòng đơn cỡ… hai trăm tám mươi ly bên mạn! Vũ khí chính của tàu hạng tư không phải pháo nữa, mà là bom bay, loại vũ khí có tầm hoạt động ngắn nhưng sức công phá vô cùng khủng khiếp, có thể thổi tung mạn một thiết giáp hạm tiêu chuẩn chỉ với vài phát bắn trúng. Chúng đắt hơn pháo hạm, tuy nhiên đường bay có thể được điều khiển bằng các cột ăng ten phát sóng radio. Đó là phiên bản hiện tại, Mộc Ma nói, vì còn có loại “phóng ngu” không điều khiển, và một phiên bản khác đang được nghiên cứu, có hệ thống điều hướng tốt hơn và tầm hoạt động tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên chi tiết là tuyệt mật, chính nhỏ cũng không được tiếp cận nên đành làm Viêm xìu mặt thất vọng.



Các tàu hạng ba, trừ thuyền phóng bom bay, đều khai hỏa vũ khí chính của chúng trong các tháp phóng xoay được, đặt trên boong hay các cụm ống phóng cố định trước mũi và mé đuôi. Một tàu có thể mang tới khoảng một trăm sáu mươi quả, nạp lại giữa trận dễ dàng, trong khi pháo trên tàu chỉ yếu là pháo nhỏ bắn nhanh, dùng phòng thủ là chính. Hoặc giả tiếp cận được tầm gần thì chúng sẽ bắn vô thượng tầng, cột buồm, tháp chỉ huy,… nhưng thường rất khó để thực hiện được.



Riêng lớp Xích Quỷ, do thiết kế “lầy lội” vốn có mà chúng đôi khi bị gọi vui là thiết giáp hạm “siêu bỏ túi”, tức quá nhỏ con mà mang hỏa lực mạnh vượt trội. Xương sống của Không quân Đế quốc Liên hiệp, lớp Xích Quỷ, là loại khu trục “ngựa thồ” nhất thế giới khi chúng hầu như phải làm mọi nhiệm vụ, từ săn địch tới hộ tống các đoàn tàu lớn. Đế quốc có nhiều lớp khu trục, nhưng loại này chiếm đa số, hầu như tuyệt đối, không như tuần dương có rất nhiều lớp mới cũ dùng đan xen nhau.



Cuối cùng, tàu hạng tư của hạm đội. Đây là loại chiếm số lượng ít nhưng cực kỳ quan trọng, không có chúng thì cực kỳ mệt. Thường chỉ vài mươi chiếc, nhưng lại là các tàu bệnh viện, ụ bay, tàu nhà máy, tàu hậu cần các loại. Họ là lực lượng “không chiến đấu” của đội quân, đứng ở phía sau và thực hiện các nhiệm vụ như sửa chữa khẩn cấp, điều trị thương binh, tiếp tế dự trữ hành trình hay thậm chí là thay thế các bộ phận trên tàu.



Không Hạm đội 6 có hai tàu nhà máy lớn, Thuận Thiên với Kim Quy, với tổng công suất làm việc của hai tổ hợp công nghiệp quốc phòng! Chúng có thể sửa nhanh khoảng mười tới mười sáu khu trục một ngày, đảm bảo tiến độ chiến đấu cho hạm đội. Các tàu hậu cần mang đủ trữ lượng lương thực, nhiên liệu,… cho toàn quân, trong khi mấy tàu bệnh viện cỡ lớn, ngoài phục vụ quân đội, còn tham gia cứu trợ nhân đạo nếu cần. Tất cả đều được vũ trang với pháo phòng không để tự vệ, và do vốn là zeppelin cũ cải tạo lại, mấy tàu ấy có sức chịu đựng rất khỏe, thậm chí khỏe hơn tuần dương hạng nhẹ.



– Mấy tàu hạng tư giờ đa số là zeppelin cải biến lại, chứ ít đóng mới lắm!



Nhắm tịt mắt, Mộc Ma nói, đôi tay không quên phụ họa.



– Nhiều chiến hạm cũ được hoán cải để tận dụng bộ khung có sẵn, trong khi số khác tháo dỡ lấy vật liệu đóng khu trục! Đế quốc không có chủ trương đóng nhiều chiến hạm lớn, mà dùng tàu nhỏ đa nhiệm, nên các tàu hạng ba rất nhiều! Nhiều… cũng cỡ sao trời ấy!

– Gió lớn quá rồi. – Viêm lè lưỡi – Nhiều vậy nuôi kiểu gì!

– Ừ thì… hơi lố chút, cơ mà cũng không phải không thể!



Mộc Ma bảo, khác với nhiều nước thường sẽ đóng các lớp tàu riêng biệt, Đế quốc chủ trương chế tạo những “lớp phụ”, hay lớp tàu cải tiến, dựa trên lớp tàu đã có trước đó, và sẽ đánh ký hiệu A, B, C,… cho từng phiên bản. hiện tại lớp xích Quỷ, loại tàu sản xuất nhiều nhất với hơn hai ngàn chiếc xuất xưởng và đang phục vụ, đã có tới tám biến thể, từ bản A nguyên mẫu tới kiểu H là loại đặc biệt của đội khu trục 6, nhóm hộ tống Hồng Ma, được chế tạo làm chỗ thử nghiệm bom bay thế hệ mới.



– Hiểu chưa? – Mộc Ma hỏi.



Và Viêm khẽ gật đầu.



Hạm đội chia bốn loại tàu như thế, còn chi tiết từng lớp Mộc Ma không nói. Tin tuyệt mật cả. Tuy nhiên, nhỏ lại tiết lộ một điều, khiến Viêm vô cùng quan tâm:



– Tới giờ này người ta vẫn cãi nhau không biết nên coi mẹ tớ là loại tàu gì đó!

– Hả? – Viêm trố mắt – Thế quái nào…

– Do lúc đóng thì giấy tờ ghi là du thuyền, mà chơi cái ký hiệu lườn của thiết giáp hạm, nên ngu người luôn! Nhìn dàn vũ trang với toàn thân thì thấy chênh lệch quá, nhiều chỗ không có súng ống trong khi đó đều là các khu vực quan trọng! Dưới cánh thì… à mà thôi, chỗ đó tớ không được nói! Nói chung là… mẹ tớ hổ lốn lắm!

– Ừm, công nhận…



Không thể biện hộ, mà cũng chẳng có lý do gì để biện hộ, Viêm công nhận điều bạn mình nói. Chưa bao giờ nhỏ thấy cái tàu nào giống trong anime tới vậy. Thuyền trưởng tàu kiêm nhiệm chỉ huy hạm đội, là chiến hạm riêng của chỉ huy, lại to bất thường và… phế vật, không biết làm ăn được gì không. Với kích thước đó, dễ cô ta nhét được cả khu phố trong bụng ấy chứ! Giống như… giống như… giống như cái anime nào đó có người khổng lồ, chiến hạm với máy bay biến thành robot còn các thành phố nằm trong bụng tàu ấy.



Nhưng, Viêm chột dạ, nếu Hồng Ma không phải chiến hạm, mà giả sử, cô ta có một vai trò khác thì sao nhỉ?



“Nghĩ tới thế cơ à?”



Mộc Ma nhủ thầm.



“Nhỏ này nguy hiểm gớm! Cơ mà vậy mới vui chứ!”

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv