Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 11



Đứng trong gian phòng lớn, tràn ngập ánh sáng từ những bóng đèn điện cam đỏ, gắn trên chiếc đèn chùm lớn hình bánh lái treo trên trần, Viêm cảm thấy mình không thể nói lấy một lời nào cả. Khác với suy nghĩ của nó về một công trình đậm chất kiến trúc phương Đông, tòa chánh điện chỉ có bên ngoài là trông khá “Việt Nam”, còn toàn bộ phía trong, từ cửa đi, hành lang cho tới cả nội thất bày trí bên trong các phòng đều mang đậm nét “cơ khí hơi nước” của trời Tây. Những đường ống dài, ngoằn ngoèo bám trên tường nối với đèn trần, đèn bàn, thậm chí có cả van vặn, thay vì công tắc, để điều chỉnh độ sáng. Phòng có quạt, cũng được nối với ống dẫn, và dùng các van nhỏ để điều chỉnh lực quay nữa. Nhìn hết một loạt, con bé tự hỏi, biết nói gì giờ?



Ngồi trên chiếc ghế mây, đằng sau cái bàn gỗ lớn đối diện nhỏ, Tham mưu trưởng Không Hạm đội 6, Phó Đô đốc Phạm Quốc Trung đan chặt mấy ngón tay vào nhau, đôi mắt màu nâu đen già dặn kinh nghiệm nhìn thẳng vào đứa trẻ em mình đưa về. Thật sự tới giờ ông, người đã luôn coi sóc Đại lãnh địa U Minh thay cho con em ngốc xít khoái du hí vẫn chưa dám tin chắc rằng con ngốc đó lại có thể sang tận thế giới khác mà lôi đứa trẻ này về. Không, ông nghĩ thầm, ai chứ con Giao Long thì chắc chắn sẽ làm rồi. Có Hồng Ma mới biết em mình định làm trò quỷ gì với đứa bé này. Ông chỉ hi vọng nó không phải con rơi của Giao Long, lỡ đẻ trong lần nào xuyên không và tới giờ mới dắt về. Mà, chuyện đó không thể nào đâu.



Khẽ cựa quậy hai chân, Viêm đưa ánh mắt đầy lo lắng nhìn vị sĩ quan đáng tuổi cha mình đang ngồi đó. Ban nãy, vừa ăn tối xong Viêm đã bị Hồng Ma đưa ngay lên đây, sau đó cô ta lại bỏ nó ở chỗ này một mình mới chết chứ! Hình như mẹ con tóc đỏ đã tính trước cả rồi, tới nỗi Viêm chưa kịp hiểu gì thì đã bị họ xoay như dế.



Nhưng giờ chuyện đó không quan trọng.



Tám giờ tối, ngồi trong căn phòng quét sơn vàng rộng lớn, cửa sổ mở toang cùng người có quyền lực thứ ba ở U Minh, Hồng Ma bảo thế, thì nó phải làm gì đây? Nếu hành xử bậy bạ, có thể ông ta sẽ đánh giá nó là đứa không ra gì, mất điểm trong mắt họ. Mà kể cả không phải người có chức quyền, Viêm cũng biết mình phải cư xử cho phải phép, dù sao cũng là người lớn tuổi mà. Nhưng phải làm gì lúc này thì nó hoàn toàn mù tịt, làm sao một đứa tới đây chưa tới một ngày lại biết phải làm gì chứ? Hồi trước ngồi chém gió với “Thi Hoàng” đáng ra nó phải hỏi luôn cả cách ăn nói, cư xử của bên này chứ! Ngu ơi là ngu mà!



Trong lúc nhỏ còn bối rối, Phó Đô đốc Trung đã đứng lên, bước lại gần nó. Nhìn kỹ, nó thấy bộ quân phục ấy cũng không khác mấy so với Hồng Ma, nếu có chăng chỉ là kiểu áo dành cho nam giới thôi. Ông ta vóc dáng cao lớn, nhìn liếc qua thôi Viêm đã thấy cơ bắp chắc nịch, khác hẳn với mấy ông chú trên nhà toàn dân bụng phệ hút thuốc lá. Mái đầu hớt gọn gàng, không quá ngắn nhưng cũng không phải dài, chỉ vừa đủ, điểm hoa râm làm nhỏ nghĩ ngay tới mấy bác công an, quân đội hay lên tivi nói chuyện. Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, lại mang cả cầu vai vàng nữa, Viêm chắc mẩm người này hoàn toàn không đùa được.



Đứng lại cách Viêm vài bước chân, Phó Đô đốc Trung cúi xuống nhìn nó. Đã thấy con bé từ chiều, nhưng giờ ông mới chính thức đối diện đứa trẻ được Giao Long đem về. Với phong thái đầy ung dung nhưng cũng cực kỳ oai vệ, vị chỉ huy trung niên đưa tay chào. Cất giọng ồm ồm như sấm nổ, ông nói:



– Mừng con tới nơi này, Huyền Viêm. Ta là Phó Đô đốc Phạm Quốc Trung, Tham mưu trưởng Không Hạm đội 6 kiêm quyền Tổng lãnh Đại Lãnh địa U Minh, và cũng là anh họ của con thi quỷ ngốc giai đoạn cuối đem con qua đây.

– Dạ… – Viêm lí nhí, rồi chợt giật mình – Ơ sao ngài biết tên con?

– Giao Long nói hết rồi. – Ông gật gù – Xin lỗi vì lúc nãy không thể ăn tối cùng con. Thức ăn ở đây vừa miệng con chứ?

– Dạ…



“Vừa miệng” á? Viêm thậm chí còn không nghĩ chữ “ngon” có thể lột tả hết được sự tuyệt vời ấy chứ đừng bảo là chỉ “vừa miệng”! Chưa bao giờ, chưa bao giờ nó được ăn canh chua cá lóc mà tuyệt tới vậy! Nước canh ngọt một cách cực kỳ tự nhiên, cà chua, giá với hành đều được nấu vừa chín tới, ăn cùng cá lóc đen ngon không thể cưỡng lại! Thịt cá rất ngọt và chắc, ăn không có bở bở như cá mua ngoài chợ Hòa Hưng, mà nó hiểu, thịt cá chất thế chỉ có thể là hàng đi câu chứ hoàn toàn không thể là đồ nuôi trong lồng bè được.



Ngay đến cơm cũng ngon tuyệt vời, cơm trắng chan thêm nước mắm lên, măm một muỗng thôi là hơi nóng bốc lên tận óc, tới nỗi giờ mà cả người nó vẫn còn thấy ấm hết cả đây. Bữa tối ấy hoàn toàn bình dị, khác hẳn suy nghĩ của nó về gia đình quý tộc này kia, nhưng lại ngon đến lạ thường luôn! Mà có lẽ, ngon vậy là vì cũng cả năm trời rồi nó mới được ăn cơm cùng người khác. Mà lạ, lúc nhìn cu Thiên ăn, thấy cơm dính trên cái miệng phình phình của nhóc đó, sao Viêm lại thấy… “kỳ kỳ” nhỉ?



Không thể nhịn nữa, Viêm buột miệng reo lên:



– Ngon lắm ạ!

– Ừm, con thích ta cũng vui!



Người chỉ huy đứng tuổi khẽ mỉm cười, đôi mắt ấm áp nhìn đứa trẻ đáng ra đã phải có một cuộc sống yên ấm, vui vẻ ở bên kia, nơi phát triển hơn cả một thế kỷ. Nhưng những gì ông nghe Giao Long kể lại trái hoàn toàn với suy nghĩ của mình. Ông không muốn nói, mà vậy cũng được, điều Giao Long gây ra cứ để Giao Long giải quyết. Con ngốc đó, dù chết từ đời nào rồi nó cũng chưa bao giờ làm thằng anh già nua này thôi lo cả…



– Con có thể gọi ta là “cậu” nếu muốn. – Ông chợt bảo – Con em gái trời diệt không chết của ta nói cả rồi. Gia cảnh con, việc sang bên đây và cả cái tên. Ta không ngạc nhiên khi nó làm vậy.

– Dạ?



Viêm tròn xoe mắt không hiểu. Người đàn ông này có ý gì khi bảo Giao Long “làm vậy” nhỉ?



– Đáng tiếc, ta không phải Hồng Ma để biết Giao nghĩ gì. – Ông nói – Những việc con ngốc đó làm, ta chưa bao giờ đoán được. Nói cho cùng thì không ai biết nó có ngốc thật không, hay chỉ đang đóng kịch nữa.



“Giao?”, Viêm giật mình, “Mình nghe cái tên này ở đâu rồi ấy nhỉ?”. Có nhiều thứ bí ẩn xung quanh chuyện này, nó nhẩm. Có khi nào… mà không thể nào… chắc vậy?



– Con… không nghĩ cô ấy ngốc đâu ạ! – Viêm lên tiếng – Nếu ngốc thì… thì… cô ấy đã đâu thể chỉ huy hạm đội đâu, phải không ạ?

– Ừ, đúng vậy. Chờ chút để ta lấy cái này.



Nói đoạn, Phó Đô đốc quay trở lại bàn. Kéo ngăn tủ, ông lôi ra một tập hồ sơ cũ, giấy in đã úa màu từ lâu. Đặt nó lên bàn, ông ngoắc tay bảo Viêm tới coi. Lon ton đi sang, nhỏ giật mình khi thấy đó là một bộ đề án dày cộm viết bằng thứ chữ trông na ná chữ Quốc ngữ, cũng có năm thứ dấu, các chữ “ă”, “ơ” nhưng cách viết lại khá kỳ lạ. Trông chúng giống chữ Hi Lạp hơn, có lần nhỏ coi được bảng chữ cái Hi Lạp trên tivi nên thấy loại chữ viết này rất giống thế. Nó cố đọc, hình như chữ viết là “Đề xuất xây dựng “nghệ thuật chiến dịch” và lực lượng cơ động trên không…” hay gì đó thì phải. Chữ viết tay xấu tệ hại, nhiều đoạn còn bị lem mực khiến nó đọc chữ được chữ mất, chứ không thể nào coi hết được. Giấy ố vàng, đến nỗi Viêm không dám lật mạnh. Mà dị, cái thứ sách này còn được giữ gáy bằng… chỉ may đồ nữa chứ! Ai điên tới mức làm trò này vậy?



– Tác phẩm của bà “Thi Hoàng” nhà con đấy!

– Dạ?



Viêm có nghe nhầm không? Cái này là thuyền trưởng viết sao? Nhưng… chữ nghĩa sao lại xấu thậm tệ tới vậy chứ?



Không để tâm con bé đang nghĩ gì, ông Trung gõ gõ vào đống giấy, nói tiếp. Bộ hồ sơ này vốn dĩ là đề án “mẫu” cho việc phát triển học thuyết không quân của Đế quốc Liên hiệp, vốn được Giao Long viết từ khi cô ta còn là sĩ quan tình nguyện phục vụ ở chiến trường Siegfried tận bên kia tinh cầu. Theo tài liệu này thì cách dùng quân của Cộng hòa Gaullia, đối thủ lúc bấy giờ, cực kỳ linh hoạt và phù hợp với cả “vận động chiến” và nền kinh tế lúc bấy giờ chỉ có thể duy trì việc hoạt động các hạm đội khu trục chứ không thể xây dựng các đại hạm đội chiến hạm quy mô lớn.



Cốt lõi của đề án này là học thuyết Jeune École vốn chuộng tàu nhỏ, cơ động cao nhưng có hỏa lực mạnh, vừa tiến hành tấn công thọc sườn theo hình thức thê đội vận động chiến vừa có thể trực tiếp “xung phong” vào hàng ngũ địch, sau đó lợi dụng sự cơ động vốn có để tấn công quấy rối, gây vỡ đội hình đối phương. Đề án này được đưa ra dựa trên việc Đế quốc Liên hiệp khi đó đang phát triển các mẫu zeppelin nhỏ, nhẹ, cơ động cao nhưng vẫn đảm bảo hỏa lực cần thiết để đánh đắm địch. Nó cũng giải quyết nhiều bất cập, đặc biệt phủ nhận lý thuyết “Chiến liệt”, tức “tác chiến dàn hàng” cổ điển nơi hai hạm đội chạy song song ở cự ly thích hợp và nã pháo vào nhau.



– Tuy nhiên, trọng tâm của vấn đề nằm ở phần đầu cái tên: “Nghệ thuật chiến dịch”.



Vừa nói, Phó Đô đốc Trung vừa nhìn thẳng vào mắt Viêm. Nhận thấy sự nghiêm túc tột cùng trong ánh nhìn của người chỉ huy, cô nhỏ điếng người, tập trung cao độ, tuyệt đối không để lọt mất bất cứ một lời nào khi ông ta giải thích.



“Nghệ thuật chiến dịch” và khái niệm đi cùng nó, “vận động chiến”, là những điều mà thậm chí ở thời điểm này đến cả những nhà lý luận quân sự bậc nhất thế giới vẫn còn đang thử nghiệm trên sa bàn, thì hai mươi hai năm trước Giao Long đã đề xuất ra rồi. Về cơ bản thì cái gọi là “nghệ thuật chiến dịch” đó, theo cách diễn giải của chính Giao Long trong đề xuất năm xưa, là việc thực hiện không phải một chiến dịch lớn duy nhất mà thay vào đó là từng chiến dịch nhỏ, quy mô thoạt nhìn cục bộ nhưng lại đồng đều nhau, hiệp đồng tác chiến, đặt dưới sự chỉ đạo của một Bộ Tham mưu chung để phục vụ cho mục đích lớn sau cùng. Không còn sự phân biệt giữa Hải, Lục và Không quân nữa mà tùy theo tình hình cụ thể, các quân chủng sẽ phối hợp với nhau, tất cả vì thắng lợi sau cùng.



Các chiến dịch sẽ không dừng lại sau khi đạt đến chiến thắng chiến thuật nhất thời, mà dùng nó làm bàn đạp cho các chiến dịch mới, tấn công liên tục, ồ ạt, phối hợp chặt chẽ để phá tan lớp phòng ngự của địch. Điều tối kỵ của tư tưởng “nghệ thuật chiến dịch” là quá trông chờ vào “trận chiến quyết định”, trong khi bản thân các chiến dịch đã là những thành tựu chiến thuật, tất cả cùng nhắm đến mục tiêu chung là hoàn tất mục tiêu chiến lược. Đây là tư tưởng, thực sự, phải nói là cực kỳ đột phá vào thời điểm người ta vẫn tin rằng chiến thắng phải được ấn định bằng một trận đại chiến mang tính then chốt, một cú đấm nốc ao hoàn toàn đối phương.



– Học thuyết của Giao Long lúc đó, tuy điên rồ và khá trước thời đại nhưng lại đúng mới hay! Còn hay thế nào thì nếu con muốn, lát ta sẽ kể cho.

– Thiệt… Thiệt không ạ? – Hai mắt Viêm như sáng rỡ hẳn lên.

– Nếu con muốn. Mà giờ để ta hỏi cái đã.



Nhìn thẳng vào mắt Viêm, ông Trung hỏi, nửa thật nửa đùa:



– Nghe nãy giờ rồi, con hiểu gì không?

– Dạ… chút đỉnh ạ…



Viêm nói nhỏ, đầu hơi cúi xuống ngực. Nó thực sự không hiểu lắm, nhưng với những thứ Mộc Ma nhồi vào sọ nó chiều giờ thì cũng đủ để nắm được cơ bản. Hồi còn đi học, cô vẫn hay nói nó học thuộc nhanh mà! Nhưng, như chú vẹt bé bỏng lặp lại một cách đầy máy móc điều chú ấy nghe, Viêm chỉ đơn giản là học thuộc lòng rồi lặp như cái máy chứ thực sự chữ nghĩa thấm vào đầu không nhiều. Viêm “thuộc”, nhưng không “hiểu” và càng không biết cách “ứng biến” với mấy thứ đó.



Nhìn biểu hiện trên mặt Viêm, nhất là ánh mắt cứ chốc chốc lại liếc ra chỗ khác, môi hay mím lại, thậm chí nhìn cả cách nó thở, Phó Đô đốc đã nắm được tình hình. Con bé trước mặt ông là điển hình của thể loại sĩ quan bàn giấy, hành sự sách vở chứ không có được sự linh hoạt cần thiết của một chỉ huy đích thực. Mà dù vậy, ông vẫn thấy được một tia hi vọng. Chỉ một thôi, nhưng thế là đủ. Đủ để ông tin Viêm có thể làm được, trước nhất là bỏ cái sự e dè này đi, tiếp nữa là học cách “hiểu”. Mà cũng không trách được, nếu chỉ nghe lý thuyết suông thì có cả đời cũng không thể hiểu được bản chất vấn đề. Chỉ người từng có kinh nghiệm thực mới có thể thấm hoàn toàn điều mình được học. “Nó vẫn còn hi vọng!”, ông nghĩ thầm.



– Như ta đã nói, Giao Long đã đưa ra một khái niệm mới hoàn toàn!



Nói tới đây, Phó Đô đốc Trung ngoắc Viêm lại. Ông bảo nếu nó muốn trở thành chỉ huy hạm đội cỡ Giao Long thì bắt buộc phải hiểu những gì con “Thi Hoàng” đó viết trong này. Lật trang đầu tiên, ông chỉ tay vào dòng chữ viết nắn nót, quả là thứ kỳ lạ khi cái tựa đề chữ như gà bới ấy lại ẩn giấu những dòng chữ đẹp tuyệt vời thế này! Đưa cho Viêm đọc, nó thấy cái này đỡ hại mắt hơn, tuy vẫn mang nhiều vẻ Hi Lạp hơn chữ Quốc ngữ thông thường. Nhưng cái đó không quan trọng. Nó đọc, đọc ngấu nghiến. Cái đó thậm chí còn thu hút nó hơn cả hồi đọc light novel! Thứ gì? Là thứ gì vậy chứ?



“Gửi ông anh họ trời đánh không toi của em.



Tụi em đang bị kẹt ở Argönne, chiến hào thành bồn tắm bùn và tàu bay oanh tạc suốt thôi. Tình hình hiện tại rất tệ, khoảng một nửa binh lính đã hi sinh và một phần ba số còn lại bệnh cả rồi. Đạn dược thì sắp hết, trong khi lũ quần đỏ chết tiệt vẫn cứ xả đạn ầm ầm bất kể ngày đêm. Nè, em nghe nói người ta gọi tụi em là “Tiểu đoàn mất tích” hử? Không sao đâu, chỉ cần mấy người làm ơn đem dùm chi viện với đồ ăn, thuốc men tới là được! Tọa độ… thằng chỉ huy về với đất mẹ cũng hơn hai tuần rồi, nó đem theo cả bản đồ với bộ đàm nên em bó tay! Tan nát hết cả, pháo kích mà! Hai tay em cũng nát bươm, nên giờ em phải nhờ chú Nghĩa viết giùm. Anh nhớ hạ sĩ Nghĩa chứ? Ừ, cái cậu chữ đẹp ấy! Tệ thật, chết tiệt! Cậu ta mất một chân, giờ đang viết thư giùm em. Em đọc, cậu ta chép… Chết tiệt! Thành thi quỷ rồi mà chưa khống chế được sức mạnh, nói coi em có nhục không?



Em gửi ra ngoài cũng hơn chục con bồ câu rồi, mà chả có con nào về. Tụi nó chết cả rồi nhỉ? Đây là con cuối cùng tụi em có, hi vọng nó đem cái thư này tới được chỗ anh. Nhớ cho ông Frizt coi luôn nha! Địch vây kinh lắm, mà hình như giờ chỗ tụi em thành cái mấu lồi trên tuyến của tụi nó rồi. Lũ khốn quần đỏ mạnh lắm, xung phong bậy bạ là chết nữa. Em không biết cụ thể, nhưng trinh sát báo về thì tầm hai trăm ngàn quân, tầm hai ngàn cây sơn pháo cỡ lớn và khoảng ba trăm zeppelin. Vậy mà Albion nói họ lo giùm cơ! Chết tiệt, nó đau… Đừng có xung phong! Đừng rời hào lúc này! Argönne giờ là cái bãi chiến địa tụi khốn đó mai phục sẵn rồi! Em có mấy dòng lảm nhảm, hi vọng anh với Frizt hiểu.



Nếu chỉ biết cái thắng chiến thuật mà quên chiến lược đại cục, thất bại là điều không thể tránh khỏi.



Nếu chỉ nhắm đến chiến lược lâu dài mà bỏ qua chiến thuật cục bộ, thương vong sẽ rất khủng khiếp.



Nếu có cả chiến thuật với chiến lược nhưng bỏ qua nghệ thuật chiến dịch, dù có đánh cả đời cũng không tìm ra cách chiến đấu tối ưu.



Chỉ có kết hợp nhuần nhuyễn chiến thuật với chiến lược, dùng nghệ thuật chiến dịch làm phương tiện thực hiện, tiến hành đồng loạt các chiến dịch cục bộ ở chiến thuật và toàn diện về chiến lược, “vận động chiến” phối hợp đồng đều, ăn ý, tất cả cùng vì mục tiêu chung trên toàn chiến trường mới nắm được chiến thắng sau cùng.



Tái bút: Thằng anh quý hóa làm ơn kêu con dở hơi Hồng Ma đem cái trung đoàn thi quỷ tới giùm em! Chịu hết nổi rồi!



Tháng Hai, ngày 14, 1901. Argönne, Tiểu đoàn Bộ binh xung kích số 77, trung úy P. H. Giao “kính gửi” thượng úy P. Q. Trung.”



Đọc xong bức thư, Viêm thoáng ngẩn người. Thư đề địa chỉ ở dưới cùng tên “đơn vị” của người tên P. H. Giao. Đọc nửa đầu, nó thấy đây hoàn toàn là phần “kể khổ” của người lính tiền tuyến gửi về hậu phương, mà thậm chí còn thảm hơn vậy nữa. Bị vây khốn bởi kẻ thù, xung quanh là địch trong khi nơi mình đóng quân lại đầy sình lầy, bệnh dịch hoành hành khiến tình hình binh lực suy giảm đáng quan ngại. Chỉ huy tử trận, trong khi những người còn lại vừa phải chống chọi với thiên nhiên vừa đánh địch nữa. Người viết lá thư này không phải trung úy Giao, cô ta “nát bươm” hai tay luôn rồi mà! Chữ cũng đẹp hơn chữ ngoài bìa, mà cậu Trung, giờ Viêm gọi vậy luôn, nên không thể do cùng một người viết.



Mà khoan, “P. H. Giao”?



Viêm thấy ngờ ngợ sáng giờ rồi. Tên nó là Phạm Huyền Viêm, Mộc Ma bảo cái họ lấy từ họ của thuyền trưởng còn đám chị Masami lại nói “Phạm Huyền” nghe giống tên thuyền trưởng lúc trước. Mà cũng lâu lâu nó nghe họ kêu cô ta là “Giao” thật, thậm chí mới nãy cậu Trung còn gọi thế cơ mà!



Từ từ, nếu xâu chuỗi mọi thứ lại, Viêm nghĩ cái này có khả năng chứ!



Hồi còn ở nhà, có lần nó mượn được điện thoại của tụi bạn rồi nghịch bậy. Đúng lúc đó nhỏ bạn lại đang coi tin về “giao long”, loài thủy quái lớn trong truyền thuyết người Việt. Nó nhớ chữ “giao long” đó cũng được viết gọn là “giao”, bỏ phần “long” đi mà vẫn giữ nguyên nghĩa. Tên “Giao” cũng không phải quá kỳ để đặt cho con gái, lại thêm việc người U Minh chủ yếu là người “Giao”, nhà Mạc Phạm lại sống cùng họ tới mức gần như mất hẳn huyết thống nhân loại,… Mộc Ma cũng bảo linh lực Viêm sở hữu rất giống Giao Long, đều là “Huyền Viêm” cực hiếm. Nếu loại hết mấy yếu tố tào lao bí đao ra, thứ còn lại sẽ là tên của thuyền trưởng, vậy là…



– Phạm Huyền… Giao?



Không kìm được lời, Viêm bất giác nói lên. Nhìn đứa trẻ xem chừng đã hiểu chuyện, ông Trung khẽ mỉm cười. Ông đưa nó coi cái này thực chất là muốn thử xem con bé có “ngốc” như giang hồ đồn đại không, mà xem ra kết quả đã rõ. “Vậy ra Hồng Ma nói nó giống em lúc nhỏ là vậy sao, Giao?”, người chỉ huy trung niên nhủ thầm. Bình thường như đứa ngáo ngơ, chỉ tới khi cần thiết thì cái sự khôn của nó mới thể hiện ra ngoài, đây là điều ông đúc kết được sau hơn hai chục năm sống trong cái nhà này cùng bà em họ suốt ngày “Chết tiệt!” kia.



Dẫu sao, chỉ khôn như vậy thì chưa đủ. Hồng Ma có bảo con nhóc này tương lai muốn trở thành đô đốc chỉ huy hạm đội, thì dù đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua, họ cũng phải giúp vẽ đường cho nó chạy. Lúc đó, Hồng Ma đã nói: “… Dù có thế nào thì tôi cũng không để con mình làm đô đốc!”. Thực sự ông đã rất kinh ngạc khi Hồng Ma thay vì ủng hộ con đẻ thì lại quay sang đứa nhỏ lượm ngoài đường.



Nhưng là người giám hộ cho Mộc Ma suốt bốn năm ở đây, ông thừa hiểu ý Hồng Ma thế nào. Mộc Ma có tài, có hoài bão nhưng thực tế nó chỉ chuyên về bên phòng không, là kiểu quân nhân chuyên nghiệp chứ không phải sĩ quan chỉ huy. Vì vậy, để cạnh tranh cho chức Tổng lãnh và cả Tư lệnh Không Hạm đội 6 sau này, cần phải có người đủ trình độ. Chỉ huy phòng không có thể đưa ra chiến thuật phòng không cho hạm đội, nhưng tuyệt đối không thể lãnh đạo hàng mấy trăm tàu mọi lúc được.



Giờ, ông chỉ muốn xem thử phản ứng của Viêm sẽ là thế nào với mấy dòng cuối. Thực sự ông thấy hơi sai khi đi vào giải thích “nghệ thuật chiến dịch” sớm quá, nhưng cũng may là chưa đả động gì “vận động chiến”. “Nghệ thuật chiến dịch” là kiến thức phổ thông bắt buộc phải học, và “vận động chiến” cũng vậy, nhưng nó không phải khái niệm mà một người có thể nói lung tung. Thực tế, “vận động chiến” đã được sử dụng từ thời cổ đại, khi người ta đánh nhau bằng vũ khí lạnh và ma pháp. Đại quân thường được chia thành các thê đội khác nhau theo dạng bậc thang, cơ động ứng chiến ở mỗi thê đội riêng nhưng vẫn thống nhất hoạt động, đảm bảo tính liên kết trong tổ chức công – phòng, vừa thành gọng kìm mặt cánh vừa tấn công chính diện, bao vây và tiêu diệt địch.



Lý luận “vận động chiến” xưa như cái tinh cầu, nhưng bị xem như đã “chết” vào thời kỳ chiến tranh hầm hào. Người đã đào mộ nó đầu tiên là Giao Long, khi chỉ hai tháng sau cô ta dẫn theo cả một trung đoàn thi quỷ đánh trở lại Argönne, lợi dụng sức sống vượt trội của binh lính để bao vây triệt phá các cứ điểm của phòng tuyến địch, lại kết hợp cả “vận động chiến trên không” với các tàu zeppelin hỗ trợ, họ bắn nát các lực lượng chi viện đường không của địch còn quân ta chia cắt, bao vây và thủ tiêu những căn cứ phòng không. Khi ấy, ông đã nhận ra, “vận động chiến” của Giao Long đã không còn là “vận động chiến” ngày xưa nữa, dù vẫn theo hình thức phân chia đội hình, cơ động đánh phá triệt tiêu nhưng đã kết hợp hai quân chủng lớn, tạo tiền đề cho “tác chiến liên hợp” sau này.



Dừng nghĩ quẩn lại một lát, ông Trung nhìn Viêm. Nó vẫn chăm chú đọc, mà trong lúc ông không chú ý, đã lật sang tới mấy trang sau rồi! Cũng không sao, ông nghĩ, dù gì đây cũng chỉ là đề xuất nháp của Giao Long khi xưa, còn thực tế thì cả cái Bộ Tư lệnh Đế quốc cãi nhau chí chóe gần chục năm rồi vẫn còn chưa quyết định cơ mà. Chiến tranh là thứ liên tục vận động, liên tục thay đổi. Từ khi các loài biết tới hai chữ “chính trị” tới giờ, có lẽ chưa từng có gì vận động quyết liệt và dữ dội hơn chiến tranh. Mà cũng không có gì ổn định hơn nó cả.



Chiến tranh có cả “động” lẫn “tĩnh”: “Động” ở sự thay đổi không ngừng về hình thức. Khi xửa khi xưa người ta xài kiếm, giáo, cung, gập phép, cưỡi rồng thì bây giờ họ cầm súng, chơi lê, súng máy, pháo kích, hỗ trợ thì đã có chiến hạm cả. Chiến thuật cũng phong phú hơn, sinh ra nhiều lý thuyết và các nhà lý luận chính trị xuất sắc. Nhưng bản chất của nó vẫn “tĩnh”, chưa bao giờ thay đổi cả.



Chiến tranh, từ buổi ban mai, đã là hiện tượng chính trị – xã hội có tính chất lịch sử, sự tiếp tục của chính trị bằng bạo lực giữa các tập đoàn trong một nước hay giữa các nước hay liên minh các nước với nhau. Đặc trưng của nó vẫn là đấu tranh vũ trang có tổ chức, theo những quy tắc nhất định và thường kết hợp với các hình thức đấu tranh khác. Cuối cùng, không biết người ta thu được gì nhưng thứ phải đánh đổi vẫn luôn là máu. Máu của binh lính, của thường dân, của tất cả mọi sinh linh bị cuốn vào nó. Chiến tranh như cơn lốc xoáy, quét qua mọi thứ theo cách tàn nhẫn nhất có thể, hút mọi thứ vào trong và để lại không gì khác ngoài sự hủy diệt.



– Passchëndaelle…

– Dạ?



Nghe thấy cái từ lạ hoắc bật ra từ miệng vị Tham mưu trưởng, Viêm ngớ người ra giây lát. “Pát-sân-đeo” là gì? Nó không hiểu, nhưng lại muốn biết. Từ sáng tới giờ nó đã gặp bao nhiêu là từ trên trời dưới đất rồi. Có những cái là thuật ngữ, cũng có những cái là tên riêng. Nhưng lần này thì thật sự không hiểu được!



– Chuyện cũ thôi mà!



Nhận ra vẻ hiếu kỳ của cô bé, ông Trung thủng thẳng nói. Ông kể, vốn dĩ chuyện này cũng chẳng có gì đáng để giấu. Khoảng tháng Tám năm một ngàn chín trăm lẻ hai, Cụm Tập đoàn quân Norden mà lực lượng của ông nằm ở tuyến đầu, lao vào trận đại chiến ở ngoại ô Passchëndalle, đối đầu quân đội Cộng hòa Gaullia và những chủng tộc “thượng đẳng” khác trong quân đó. Lúc này họ phải trở lại tác chiến hầm hào bởi chiến trường đã bị cày nát, còn các tàu bay không thể cất cánh vì bão lớn bất chợt.



– Ta vẫn nhớ nơi đó, Passchëndaelle… – Để tay lên trán, ông nói – Súng máy gào rú suốt đêm, pháo kích đì đùng, trong khi những cơn gió lạnh cắt da liên tục thổi xuống hào. Không nơi nào an toàn cả! Không ai biết khi nào địch mới lại dùng phốt pho độc để tấn công, ai cũng đeo mặt nạ kín mít. Kẽm gai chăng nghẽn lối, hai bên lâu lâu nghe “Xung phong!” một tiếng rồi sau đó là tạch, tạch, tạch và tạch! Súng máy nổ và hàng ngàn người gục xuống, xác họ không vùi trong bùn lầy thì cũng vướng cả vào mấy bó dây kẽm và cọc chặn.



Dừng chút lấy hơi, ông lại nói:



– Con hiểu không Viêm? Cục diện giằng co liên tục, mỗi lần xung phong là một lần thảm sát! Cũng may ta ở bên Không quân nên không phải xuất trận, nhưng… Cứ mỗi lần nhớ về nó, ta lại không thể nào chợp mắt được. Tiếng súng máy nổ, tiếng kêu la, tiếng chỉ huy quát nạt, tất cả ta vẫn nhớ như in, như thể mới hôm qua thôi! Để giành chỉ hơn có chín cây sáu chiều dài đất lấn sâu vào Gaullia, bọn ta đã mất nửa triệu người!



Nói đến đó, đột nhiên ông lại nhìn Viêm. Con bé liệu có hiểu những gì mình nói không? Không như cái lứa của anh em ông, Viêm, Mộc Ma, thằng con ông và đám trẻ sau này đều là thế hệ sinh ra trong hòa bình. Chúng nó chưa từng biết tới chiến tranh là gì. Ngày nay, thứ “xung đột vũ trang” bọn nó nghe tới họa hoằn lắm mới có nhắc lại cuộc đại chiến năm xưa, còn lại thì đều là các nhóm vũ trang, tôn giáo li khai bắn giết nhau ở đâu xa tít tắp, hoàn toàn không ảnh hưởng trực tiếp tới bọn nó.



Cách nhìn nhận của hai thế hệ, ông hiểu, khác nhau rất nhiều: Đối với những người từng trực tiếp cầm súng ấy, họ chiến đấu vì bản thân, vì gia đình, con cái, cao cả hơn là dân tộc, là Tổ quốc. Còn lứa trẻ bây giờ, chúng nó có gì? Đắm mình vào những thứ văn hóa phẩm trôi nổi trên thị trường, a dua theo trò “giải phóng cá tính” mà chống lại các giá trị cổ truyền, hay thậm chí là xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, bôi nhọ những người đã từng chiến đấu chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những con người đáng tuổi cha mẹ chúng! Bây giờ bọn nó thậm chí không biết đến sự cân bằng quyền lực, sức mạnh hủy diệt của các đại yêu quái, cứ mở mồm ra là đòi cầm súng gây chiến. Ông tự hỏi, trong số đó có bao nhiêu đứa đã thực sự rớ tay vô cây súng trường đầy đạn, cảm nhận cái áp lực dồn lên vai mỗi khi bóp cò?



Vậy, khi nghe ông kể về chiến tranh thế này, liệu con bé, một đứa thậm chí còn không tới từ thế giới này, có hiểu sự tang thương nó đem tới không?



Thật ra…



Viêm chỉ hiểu một phần.



Nghe những gì ông Trung kể, nó phần nào mường tượng ra cuộc chiến khi xưa khốc liệt tới thế nào. Hồi trước coi phim tài liệu về Thế chiến thứ Nhất, nó cũng đã thấy cảnh binh lính xông lên khỏi chiến hào và bị bắn hạ nhiều đến như thế nào. Mà cái tên “tiểu đoàn mất tích” với “Argönne” cũng làm nó ngờ ngợ, hình như có phim gì của Mỹ cũng tên thế thì phải? Những phim đó, nó đều thấy người ta thể hiện chiến tranh kinh khủng vô cùng! Cả mấy ngàn người đồng loạt xông lên khỏi hào, ngay lập tức phía bên kia bắn súng chặn lại. Người chết vô kể, nằm la liệt trên đất. Hồi đó cha mẹ còn sống chung với nhau, cha nó bảo cái đó là kiểu “biển người” gì đó, hồi năm bảy chín Trung Quốc qua đánh cũng làm như vậy. Nó không nhớ rõ có đúng vậy thật không, với lại hồi đó mới lớp hai, lớp ba gì đấy, coi phim chỉ thấy chết nhiều rồi nhạc buồn nên khóc thôi, có quan tâm chiến thuật gì đâu!



Nhưng sau khi nghe hết, nó dần hiểu…



Chiến tranh hoàn toàn không phải cái gì tốt đẹp cả. Chỉ là một cuộc thảm sát thôi!



Viêm muốn nói, nhưng lại thôi. Có cái gì đó trong lòng khiến nó không dám nói lên suy nghĩ của mình. Là gì thì chính Viêm cũng không biết, nó chỉ thấy khó chịu và không thể nói ra thôi. Chắc nó sợ, sợ việc bày tỏ ý kiến sai lầm và bị người khác mắng? Chính nó cũng không biết nữa, hình như chưa bị mắng như vậy bao giờ nhỉ? Người ta chỉ ngó lơ nó, đến nỗi muốn nói cũng không có cơ hội. Trong cái con hẻm chật hẹp, tù túng đó, nó chỉ biết bản thân, bà chủ xe hủ tiếu và vài người khách quen. Thường cả anh sinh viên đại học đầu đinh hay đi xe ôm về, lâu lâu lại ra mua ba bốn bịch xách về, cũng nói chuyện với nó rất vui. Nhưng chỉ có thế thôi, còn lại nó không được quyền lên tiếng. Bây giờ cũng vậy, liệu khi nó nói, cậu Trung có nghe không?



– Nếu muốn, con cứ nói đi!

– Hơ… Dạ?



Giật mình trước lời của người cậu vừa gặp, Viêm như đứng hình khi nghe ông ta bảo nó nói. Nó không biết có nên không, nhưng cuối cùng vẫn lên tiếng. Nhưng trái với mong đợi của Tham mưu trưởng, con bé không nói nhiều về suy nghĩ của bản thân, cũng không nói sâu về bản thân. Nó chỉ vòng vòng những chủ đề “an toàn”, như được đưa sang đây làm sao, trên tàu mọi người ở đài chỉ huy như thế nào, và cả việc Mộc Ma bảo nó tới điện Cây Quế để được làm thẻ căn cước. Thật sự, xét cả về đề tài lẫn cung cách nói chuyện thì Viêm hạn hẹp hơn người đàn ông tóc điểm hoa râm kia rất nhiều.



Đồng hồ chỉ chín giờ tối. Hai người đã nói chuyện cả tiếng rồi. Trong lúc nói, Viêm cũng tranh thủ nhìn quanh phòng, quan sát cho thật kỹ. Mà cũng chẳng có gì để coi, ngoài những đường ống, chiếc bàn làm việc, vài ba cái ghế tiếp khách và đống hải đồ, sa bàn bày khắp phòng. Nơi đây là phòng làm việc của Tham mưu trưởng, cũng là chỗ những chiến lược gia hàng đầu U Minh tập trung thảo luận và thử nghiệm chiến thuật mới trên sa bàn. Tất cả đều được làm đơn giản và thủ công, tới sa bàn thậm chí chỉ là bản đồ cỡ lớn vẽ chi tiết các công trình phòng thủ đặt thêm mấy khối gỗ tượng trưng cho đơn vị lính vào. Phòng không có tủ sách, có vẻ mọi tài liệu quan trọng đều được cậu nó ních cả vào mấy hộc bàn cả rồi. Cửa sổ phòng mở toang, nhưng trời lặng gió nên cũng không lo bản đồ bị thổi tung lên. Trên giá treo phía sau, chiếc mũ kêpi và áo bành tô xanh đen vẫn còn móc đó.



Nhìn kỹ, Viêm nhận ra chiếc áo đó không có vòng vàng trên cổ tay như của Giao Long.



– À, áo khoác bên Không quân không có vòng đâu. – Ông Trung ôn tồn giải thích – Loại áo này mới được đổi năm nay để tránh việc các sĩ quan chỉ huy bị phát hiện và ám sát. Còn áo của Giao Long thực ra là áo Hải quân của Đế quốc Valhöll, kiểu cũ của loại áo này, nên cơ bản chúng là hai loại khác nhau.

– Sao cô ấy chưa thay vậy? – Viêm tròn mắt – Con tưởng quân đội…

– Nếu nói đó là áo khoác riêng của con, ai dám đụng tới? Chưa kể cái địa vị của con đó cũng chỉ dưới một người thôi, còn lại nó đạp đầu cả.

– Địa vị?



Nghe tới đó, tai Viêm lập tức quải lên, ráng mà hóng cho kỳ được. Nhưng thay vì một bài giảng đạo dài dòng, mà hình như ai nó gặp cũng là dân ưa giảng đạo, lần này cậu Trung chỉ nói đúng một từ:



– Tổng lãnh.

– Dạ… Dạ?



Lần này không gì có thể giữ nó lại nữa! Viêm hét toáng lên khi nghe tới hai chữ “Tổng lãnh”. Thật á? Giao Long là Tổng lãnh sao? Khoan, nếu cô ta là Tổng lãnh, mang họ Phạm và là người cực kỳ có quyền lực ở U Minh, như cái cách mà Hồng Ma nói khi bế nhóc Thiên thì… chẳng lẽ “Tổng lãnh” ấy là Tổng lãnh xứ U Minh sao? Vậy là… Tổng lãnh U Minh, một trong bảy Tuyển đế hầu có quyền bầu chọn Hoàng đế tương lai, người chỉ huy Không Hạm đội 6, “Thi Hoàng”, giờ thêm nhà lý luận quân sự, chiến lược gia,… tất cả đều là cô ta? Cái con người gì mà bá đạo quá vậy? Có quá hư cấu không? Làm thế nào mà một mình cô ấy làm hết từng đó chuyện chứ? Ức quá! Ức quá mà!



Nhưng cái thứ Viêm ức nhất là tại sao mình không nhận ra sớm hơn, dù mấy lần chém gió người ta tung cả đống chỉ dẫn? Sao nó không động não trước một chút để giờ đỡ có bỡ ngỡ? Mà khoan, lúc đầu cậu nó giới thiệu ông ta là “quyền Tổng lãnh”, có khác gì là Tổng lãnh tạm thời thay cho Giao Long đâu? Vậy là một người nắm quyền thực tế, người kia chịu trách nhiệm tạm thời á? Thật không ngờ…



~oOo~



Lạc trôi trong miền tư tưởng gần mười phút, cuối cùng Viêm cũng về với thực tại. Chuyện làm thẻ căn cước phải dời tới sáng mai vì hiện cái máy chụp hình duy nhất ông Trung để nó trong kho rồi, buổi tối không tiện tìm đồ. Vả lại bộ phận quản lý dân cư bảy giờ sáng mới làm việc, tới tám giờ họ đóng cửa ngủ rồi. Thành ra dù có muốn Viêm cũng không thể làm ngay được, vì dù là Tham mưu trưởng, quyền Tổng lãnh thì ông cậu nó cũng không thể vì lợi ích một người mà gây ảnh hưởng tới tập thể.



Đã tối lắm rồi. Viêm buồn ngủ, đã ngáp dài mấy cái. Cuộc nói chuyện tuy chỉ hơn một tiếng nhưng lại hại não nó cực kỳ. Nhỏ nhủ thầm, sống riết ở đây có khi mai mốt mình thuộc binh pháp còn hơn bài học trong sách ấy chứ! Có thể lắm, nhỉ?



Bước ra ngoài, Viêm sững người khi thấy Mộc Ma ẵm cu Thiên đã đứng chờ sẵn Thiên ngủ rồi, đu cứng ngắc trên vai Mộc Ma, nước dãi nhễu xuống ướt hết cả cầu vai. Nhưng cô bé không bận tâm, vẫn bình thản giữ nhóc tỳ, vừa đưa tay lên ngực rồi giơ thẳng cánh chào cấp trên. Ông ta cũng chào lại nó, làm Viêm nhận ra là dù có thân tới đâu thì quân đội vẫn là quân đội, phải có tôn ti trật tự của nó.



Tiễn con bé ra khỏi phòng, Tham mưu trưởng không quên dặn nó:



– Vậy mai tầm bảy rưỡi con kêu Mộc Ma dẫn xuống khu số bảy, phòng mười tám nghen. Chỗ đó sẽ làm nhanh cho.

– Dạ! – Viêm gật đầu – Cảm ơn cậu!

– “Cậu”? – Mộc Ma hơi chợn – Nhận người thân rồi à?

– Thì… ngài ấy kêu tớ gọi thế mà?

– Thôi bỏ đi, giờ đễ tớ dẫn về phòng! Ngủ sớm, mai dậy sớm!

– Ừ… oái!



Vẫn như mọi lần, Viêm chưa nói xong gì cả thì đã bị lôi đi rồi. Ẵm Thiên trên tay trái, cô bạn đầu sừng chỉ có thể dẫn Viêm bằng tay phải, mà vậy cũng tiện. Mắt phải Mộc Ma vẫn nhìn được, thành ra lâu lâu nhỏ lại liếc sang con ngáo ngơ đi cạnh mình. Chúng nó đi nhanh, không để ý tới xung quanh, mặt cứ cúi gầm xuống đất. Suốt cả chiều dài hành lang, bọn nó cũng không nói với nhau câu nào, mà nắm tay đi như thể đã quen từ lâu lắm rồi.



Dõi theo bọn nhỏ từ cái nơi không ai ngờ nhất, Giao Long mỉm cười. Thu hồi quạ sáu mắt về, cô ngả người trên ghế thuyền trưởng. Đứng bên cạnh, Oa Lân hỏi:



– Giờ chị tính làm gì đây, thuyền trưởng?

– Có lịch cả rồi. – Giao Long khẽ cười – Ba ngày nữa, chúng ta sẽ ra Đông Kinh. Chuẩn bị cho cuộc tập trận thường niên mệt thật đấy.

– Đúng là mệt… Nên tối nay hai người có “đánh đêm” thì cũng yên lặng giùm chút nha, cho tụi này thư giãn nữa!

– Hay lắm.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv