“Nhật ký của người chiến sĩ vô danh?”
Mở quyển sổ nhỏ, dính đầy những vết máu li ti đã nâu xỉn bên ngoài lớp bìa da gần mốc meo, giáo sư Max Robinson lật giở từng trang đã ố vàng, với nhiều chỗ rách nát vì mối mọt, thấm nước và cả những năm tháng chiến tranh. Một quyển nhật ký, bằng cách nào đó đến được tay vị giáo sư đã ngoài sáu mươi, Nó bằng tuổi ông, có thể hơn, đã có từ thời Đại chiến Gaia. Chỉ còn vài chục trang đọc được, số khác hoàn toàn hư hại do thời gian, côn trùng và các nguyên do khác.
Gian phòng nhỏ chỉ vài chục thước vuông, thắp sáng bởi chiếc đèn huỳnh quang treo ngay trên tường phía sau bàn làm việc, và cái đèn bàn trắng lớn, người đàn ông tóc điểm hoa râm, da dẻ đầy những nếp dày đặc đưa bàn tay nhăn nhúm lật giở quyển nhật ký, đôi mắt già nua nheo nheo qua cặp kính gọng tròn. Chiếc áo sơ mi hơi lạnh, dù áo len nâu khoác ngoài đã giúp giữ ấm phần nào. Đôi môi khô khốc mấp máy đọc những dòng chữ viết tay nguệch ngoạc, từ được từ mất, viết bằng tiếng Albion với thứ mực xanh đã ngừng sản xuất từ lâu.
Theo chuyên ngành lịch sử hiện đại đã lâu, giáo sư Robinson chỉ có duy nhất một mong muốn, chính là tìm lại ngừi anh trai đi lính đã thất lạc từ lâu của bố mình. Ông cụ qua đời cũng chục năm rồi, trước lúc mất vẫn muốn biết được anh trai cụ đã đi về đâu, còn sống hay đã chết. Tờ giấy báo “mất tích khi làm nhiệm vụ” không đủ để gia đình nguôi ngoai. Điều cuối cùng họ biết là người anh trai đã cùng đơn vị tham chiến tại mặt trận phía Đông, nơi có tên gọi “tuyến Siegfried”, trong trận chiến “cối xay thịt” ấy. Địa ngục.
Và tuy không mong cuốn sổ tay cũ này có thể giúp được gì, giáo sư vẫn mở ra xem, phần cũng vì tò mò. Không có tên chủ sở hữu. Trang bìa đầu tiên, lồng vào giữa lớp giấy cứng là bức ảnh chụp trắng đen một người lính có vẻ khá bảnh trai, mặc quân phục Lục quân Albion tiêu chuẩn với áo dài tay một hàng khuy, quần dài, ủng cao cổ, đội mũ sắt có viền và đeo ba lô to tướng, tay cầm khẩu súng trường đã lắp lê đang đứng chống nạnh. Không có ghi chú gì hơn dòng chữ “Tháng Ba ngày 21, 1900” viết vội, mờ mờ. Ảnh mất một phần nên không thể thấy hết mặt người lính ấy, nhưng anh ta có bộ ria mép nhỏ. Giáo sư Robinson thường như vậy, nhìn lướt qua hết các trang rồi mới quay lại phía trên, bắt đầu đọc nghiêm túc.
Những trang còn đọc được…
~oOo~
Tháng Mười một, ngày 12, 1901.
Vẫn một ngày xám xịt, không nắng, trong khi mùi thuốc súng, bùn lầy, tử thi phân hủy và tùm lum thứ khác hòa trộn nhau rồi xộc vô mũi, muốn ói mà phải nhịn. Ít ra xong trận rồi. Hai ngày trước. Cuối cùng cũng kết thúc. Tôi thở phào, dựa lưng vào thành hào. Dùng gỗ sồi cưa ngay trên đất lũ Gaullia ấy mà lát, cái hào này vững lắm, nhưng không phải bên dưới. Ngược hoàn toàn với phần vách, chắc đến nỗi chúng tôi thử lấy súng bắn cũng không xi nhê, cái nền lại tởm không tả được. Ba tháng liền ngập ngụa trong bùn sình, nước tiểu, phân và cả xác chết, sống chung với lũ chuột cống, rắn rết mà thấy hãi. Dù tôi biết chiến tranh là thế, bản thân cũng trải qua nhiều trận, nhưng không ngờ lại có nơi kinh khủng thế này.
Tôi sẽ nhớ mãi cái tên ấy, Passchëndaelle, 1901. Súng máy nổ đì đùng suốt ngày đêm, trong khi đạn pháo rít như huýt sáo trên đầu. Không thể biết khi nào thần pháo binh sẽ tới thăm, chẳng đứa nào dám ngóc đầu lên, à dĩ nhiên là trừ bọn súng máy với bắn tỉa. Mùa này gió thổi lạnh cắt da thịt, lại trên điểm cao nên rét cực kỳ. Hào đào zíc zắc, sâu hai mét cũng không tránh được. Đầu gối ngập ngụa trong bùn, kẹt giữa cái hào và không thể thoát ra, trong khi chúng tôi cận chiến với lê và xẻng như lũ man rợ thời Trung cổ. Tới tận giờ, tôi vẫn không thể quên được âm thanh lạnh toát khi cái lê đâm xuyên qua da thịt đối phương. “Phập!”, chỉ thế thôi, nhưng khi ấy mới kinh khủng nhất.
Khi cầm súng và bắn, người ta sẽ đỡ được mặc cảm tội lỗi. Họ sẽ không phải trực tiếp chứng kiến khuôn mặt đối phương, và sẽ coi việc “giết” nhẹ hơn hẳn. Bóp cò thôi mà, có gì khó? “Thứ giết anh ta là viên đạn, không phải mình!”, cứ nghĩ như thế và sẽ qua thôi. Nhưng lê thì khác. Phải dùng hết sức, tự tay đâm vào người kia, dù có đang lắp trên súng hay không. Lúc đó, anh chính là người giết, người chủ động giết. Anh sẽ đối mặt với kẻ địch, cách nhau chỉ vài phân, hai đôi mắt chằm chằm hướng vào nhau.
Và thứ gì chứ? Hoảng loạn, tuyệt vọng, thất thần, căm hận, buồn bã, hối hận,… tất cả những gì thầm kín nhất bên trong đối phương sẽ lộ ra. Từng đường nét trên gương mặt ấy, gương mặt của người mình đang đối đầu, nói lên hết mọi cảm xúc anh ta cố sức che giấu. Rồi ánh mắt, nó phản ánh tất cả. Súng đạn có thể dối lừa, nhưng mắt thì không. Tôi đã thấy chúng khi đâm phập cây súng trường với lê vào bụng một tên Alf, lũ tai dài tóc vàng hoe ấy, chỉ để chứng kiến cái gương mặt thất thần, mồm phun máu đỏ tươi rồi đổ gục xuống.
Anh ta cũng như tôi, cũng là một á nhân, một người dân bị lôi vào cuộc chiến. Trước khi chết, y khóc, khóc và gọi tên ai đó. Tôi không quan tâm, vẫn tiếp tục đánh, vì lúc đó hào chúng tôi bị tấn công. Khi kết thúc, thật mừng xác y vẫn còn đó, tôi đến và lấy được một chiếc mề đay trong túi áo. Sao lại để ở đó chứ? Bên trong là ảnh anh ta cùng hai người phụ nữ, vợ và con gái chăng? Còn có mẩu giấy, viết bằng tiếng Albion, ghi vỏn vẹn dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật anh yêu!”. Và “anh yêu” nằm đây, nửa thân ngập trong sình lầy thối hoắc, mắt trợn ngược, da dẻ xám ngoét, không còn chút sinh khí.
Ba tháng chiến sự liên miên là khoảng thời gian tôi không có nổi một bữa ăn tử tế, chứ đừng nói đến viết nhật ký. Nguồn cung thực phẩm từ hậu phương lên bị gián đoạn nhiều nơi, zeppelin địch bay trên ấy nã pháo xuống liên tục, lại còn dùng cả khí mù tạc, nên chúng tôi thực sự sống không bằng chết. Súng máy quét bất cứ khi nào có bên xung phong, làm xác chết nằm la liệt. vướng mắc lên cả thành hào, những khối đá lớn, kẽm gai hay tệ hơn là rơi ngược lại vào hào của mình. Một trận lớn chúng tôi có thể chết hàng ngàn, hàng vạn quân, và các tướng lĩnh ư? “Tiếp tục đi!”, họ nói thế đấy!
Cánh đồng này, theo mấy người lính bản địa kể lại, từng là vùng đồng cổ xanh rì tuyệt đẹp, với những đóa hoa tím dại nở trải dài đến tận chân trời. Điểm tô vài ba ngôi nhà cổ kính, bé bé mà ấm cúng, với tường quét vôi trắng và mái ngói đỏ đã ngả màu, một thời Passchëndaelle là nơi tuyệt đẹp, nhưng chiến tranh tàn phá tất cả. Bây giờ, thứ còn sót lại chỉ còn là vùng không ngườ, trơ trọi, cằn cỗi, với những con hào dài hàng cây số, mấy gốc cây chết khô đứng trơ trọi, hàng đống dây kẽm gai giăng mắc đầy ra đó, tất cả dưới nền trời xám xịt, chẳng có nổi lấy tia nắng nào.
Ba tháng, một tuần và ba ngày, chính xác thời gian cái địa ngục này kéo dài. Thực sự, chúng tôi đã quá mệt mỏi. Ngày qua ngày, căng mắt canh chừng lũ khốn áo xanh, tay lăm lăm súng, lại chờ tên chỉ huy hô “Lắp lê!”. Chúng tôi biết, hắn cũng chẳng ưa gì, nhưng buộc phải làm. Gắn lê vào, anh sẽ chiến đấu tới chết. Đùng mong địch “nhân từ” một khi chúng thấy cái lưỡi dao dài dài gắn dưới nòng súng. Quyết tử. Chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Hình như bên chúng cũng thế, “baïonnettes au canon” thì phải? Khó phát âm thật. Ngày qua ngày, sống trong vũng bùn lầy lội với lũ chuột cống to bằng bắp tay và mấy cái thây chưa kịp dọn đã trương phềnh lên, thối rữa, gọi thêm bè lũ ruồi nhặng tới, sẵn sàng để chiến đấu và chết bất cứ lúc nào.
~oOo~
“Lan man thật. Giống tự truyện hơn. Mà thôi kệ.”, giáo sư Robinson nghĩ ngợi. Tạm đặt kính xuống, ông lấy tay bóp bóp nhẹ trước trán, cho tỉnh táo. Người giúp việc vừa mang vào cốc cà phê đen vẫn còn ấm bốc khói với mấy viên đường, đặt trên mặt bàn, giữa đống sách vở, tư liệu về cuộc chiến. Cầm cốc lên, giáo sư bỏ đường vào, khuấy đều cho tan rồi nhấp một ngụp thật nhiều. Ừm, vị đắng pha lẫn ngọt của nó thực sự dễ chịu, dễ tỉnh táo hơn hẳn. Hơi ấm cũng làm cơ thể già nua này thấy khỏe khoắn trở lại. Từ vòm miệng xuống cuống họng, chạy thẳng đến bao tử, cái cảm giác dễ chịu nhẹ nhàng ấy lan tỏa khắp cơ thể, giúp ông tập trung hơn.
Passchëndaelle, nơi đó không ai nghiên cứu lịch sử lại không biết. Còn được gọi là “trận chiến địa ngục”, “cối xay thịt miền Bắc”, nơi ấy vùi thây hàng triệu binh sĩ hai bên, khi quân Liên minh do tướng Erich von Himmelsdorf làm Tư lệnh cố sức tấn công, phá hủy phòng tuyến Gilles de Rais của Gaullia. Hơn một trăm ngày trong địa ngục trần gian, chiến tuyến xê dịch chính xác… chín cây sáu, trong khi khoảng một triệu quân Gaullia và hơn hai triệu lính Liên minh thiệt mạng. Thiệt hại quá lớn do sự bất ổn trong hệ thống chỉ huy cấp giữa, tức các Trung đoàn trở xuống, làm hai Cụm Tập đoàn quân của von Himmelsdorf rơi vào thế bị động. Chỉ khi chỗ lồi Argönne bị phá, thế phản công mới hình thành.
Các đơn vị bộ binh, gồm cả lính bộ cơ bản, quân xung kích lẫn các nhóm đổ bộ từ tàu chiến đấu ở Passchëndaelle đa số đều hứng chịu thiệt hại khổng lồ. Từng có chuyện một tiểu đoàn bị bao vây trong Argönne trong một tuần, mọi nguồn cứu viện đều bị quân địch cắt đứt. Hoàn toàn cô lập, họ phải chiến đấu với số đạn dược hạn chế, quân số giảm đi từng phút, trong khi không thể biết chính xác hào của Gaullia ở đâu. Từ hơn năm trăm binh lính, sĩ quan tiến vào khu rừng, chỉ có chưa đầy một trăm chín mươi người sống sót trở ra. Không ai lành lặn, nhẹ nhất cũng mất ngón tay hay con mắt. Và đó chỉ mới là một trong các trọng điểm chiến lược, còn toàn bộ khu vực ấy thương vong thậm chí khủng khiếp hơn nhiều.
Quyển nhật ký, ở phần có thể đọc được, đã không trực tiếp kể lại sự khủng khiếp của chiến tranh. Robinson đoán, có lẽ anh chàng này phải cực kỳ lạc quan, hoặc đã bị chiến tranh làm tan nát tinh thần nên mới có thể “bình tĩnh” mà viết được những dòng này. Nó chủ yếu miêu tả qua loa về trận chiến, chiến dịch cùng vũ khí, quang cảnh giao tranh nhưng không đi vào chi tiết. Cũng không thấy quá nhiều cảm xúc cá nhân. Tới mức viết gần như “không cảm xúc” như thế, rốt cuộc chủ cuốn nhật ký đã phải trải qua những gì?
Đeo kính lên, giáo sư tiếp tục đọc.
~oOo~
Tính đến nay, đã tròn hai năm từ khi cuộc chiến nổ ra. Cúng ta vẫn phải tiếp tục nó, vẩn phải chiến đấu. các chỉ huy vẫn cứ khoanh tay trong phòng họp, rít xì gà và chỉ trỏ vào sa bàn, trong khi lính bộ chúng ta lại phải ra sức bắn git61 nhau. Sau đó, ai sẽ nhận vinh quang? Dĩ nhiên là các vị Tư lệnh bề trên rồi, chứ có bao giờ vinh quang đến với đám chúng ta đâu!
Viết thế thôi, thực ra tôi đang rất ức chế khi thấy mấy tên tướng béo ú, ục ịch được cài đủ thứ huân, huy chương lên ngực áo, trong khi lũ bọn tôi lại hoàn toàn chẳng có gì. Ai chiến đấu tốt nhất mới thực sự được nhận phần thưởng, còn không thì anh sẽ được truy phong hai hàm sau khi đã thành một mớ thịt bầy hầy trộn với bùn lầy.
Buồn cười thật. Passchëndaelle là chiến dịch thứ tư của tôi rồi, trước đó tôi đã đi từ cuộc đổ bộ ở Calais tới phòng tuyến Ardennes của Valhöll, lại đi sang phía Nam tuyến Siegfried, cuối cùng thì dừng ở đây. Tham gia nhiều thế này mà mới bay có một mắt và hai ngón cuối bên tay trái, quả thực đúng may mắn mà! Chà, sẽ không may lắm nếu so với mấy gã lành lặn béo tròn kia đâu, nhưng nếu nhìn đám bạn tôi, đứa bay tay, đứa mất cẳng, có khi mù lòa vì hóa chất, tệ hơn là chết thẳng cẳng vì quả đạn pháo trời ơi nào đó tự nhiên rớt xuống, thì số tôi đỏ phết! Bốn chiến dịch đẫm máu, thiệt hại không bao giờ dưới một trăm ngàn, vậy mà tôi vẫn cười được.
Ở đây, tại cánh đồng không người sinh sống này, bọn tôi đã khổ chiến với lũ khốn áo xanh đó liên tục. Chỉ huy hai bên cứ ra lệnh xua quân, lấy lợi thế quân số áp đảo để đánh, thì bảo sao không chết cho nhiều? Thật, tôi mà biết thằng ngu nào nghĩ ra cái trò dàn hàng đi bộ tới ngay trước cụm hỏa lực địch như thế, tôi đấm cho vỡ mồm! hết trò rồi hay sao mà bắt người ta đi thẳng vào chỗ chết vậy chứ? Súng máy chúng nó lia một loạt là vài chục thằng phun máu chết ngay, số khác có thể dặt dẹo, rồi sao? Ý các ông là dùng lũ hàng đầu làm khiên chắn để bảo toàn nhóm quân sau à?
Chưa bao giờ tôi thấy chạy bộ hai trăm mét lại khó đến thế. Khi ở trường, chuyện này với đám con trai bọn tôi chỉ là trò muỗi. Nhưng lên đây mới biết chiến tranh và đời thường khác nhau lắm. Khắp nơi nhũn nhão sau mưa, đi ba bước lại lún bùn, đôi ủng dính mãi kéo không ra có khi lại hại chết mình. Nền đất mềm như ổ bánh mỳ nguội, chạy cực khó, trong khi chướng ngại vật giăng đầy còn mình thì không nhảy qua được. Mìn chôn sẵn dưới đất luôn sẵn sàng xin của mình cái mạng, tôi thì không thừa mạng cho chúng xin đâu, nên thôi cho tôi xin nhé! Chưa kể súng máy, súng trường, lựu đạn, lũ bên kia rất biết cách tăng độ khó khi bắn như điên vào tụi này. Hừm, tôi đoán, tự dưng có mấy cái bia màu kaki đứng trước mặt để tập bắn sướng lắm nhỉ đám áo xanh chết tiệt?
Ngay cả trốn trong hào cũng chưa chắc toàn mạng. Khi địch xung phong, việc cần làm trước nhất chính là bắn, bắn và bắn. Bắn xong hụp đầu xuống, kéo thoi nạp rồi ló lên bằn tiếp, lại hịp, nạp rồi ló, cứ thế tới khi nào hết đạn, chết hoặc bên kia dừng đánh thì thôi. Nhiều khi tập trung bắn, nhắm thật kỹ mà thằng bạn kế bên cứ nã như chưa từng rớ vô cây súng, cứ bắn, kéo thoi nạp rồi bắn, cái mặt nửa khóc nửa cười, mồm ngoác to rồi la làng “A ha ha ha! Mấy con chó, lại đây tao giết hết! Giết hết!” nó cũng rùng rợn lắm. Bắn tuyệt vọng chứ cũng chẳng quan tâm có trúng không. La mà át luôn tiếng súng mới ghê. Thường mấy đứa to còi ậy chết sớm, và tôi cũng chẳng lạ gì nữa. Có kia mới cười xong, nó ăn ngay viên đạn vô trán, mắt, cổ hay bất cứ chỗ nào dễ nhắm trên mặt. Lực đạn làm thằng cu mất đà, ngã nhào ra sau, đập đầu vô lớp gỗ óp nghe cái cốp mà rợn sống lưng.
Một trong số mấy người bạn bọn tôi luôn mừng như được thần thánh phù hộ khi ở phe mình, nhưng sợ như quỷ dữ hiện hình lúc bên địch là pháo binh, Pháo, lựu pháo, sơn pháo, pháo hạm, cối, mọi thứ quái đản bắn đạn cỡ trên hai chục ly đều thật đáng sợ! Có những lúc đang xung phong, tự dưng đạn pháo rơi cấp tập lên đầu, thế là chạy.
Đạn nổ trên đất mềm mệt cực kỳ, không chỉ đất cứng mà cả bùn lầy và tất thảy mọi thứ nó nuốt bên trong đều tung lên. Tôi nhấn mạnh, tất thảy mọi thứ! Dĩ nhiên là xác chết, những thi thể để lâu đang phân hủy bị ném vương vãi tứ tung, rơi vãi khắp nơi. Trong hào, đang ngồi nạp đạn thì đạn rớt cái bùm kế bên, nhìn qua thấy một đống bấy nhầy dính lung tung là biết có đứa mới tạch. Chết cũng không toàn thây, có lần tôi bị nguyên bàn tay văng vào đầu rồi. Cũng may chủ nó không mò qua xin lại, không thì hãi thực sự đấy!
À, viết đến đây, tôi nghe nói bên Sư đoàn 82 Không lực Hải quân có con bé bất tử như thế nhỉ? Nó tới từ cái xứ gì quên tên rồi, mà nghe nói nhìn cũng dễ thương, eo thon chân dài, quan trọng nhất là ngực to. Tính tình nghe bảo cũng dễ thương, nói chuyện hiền lành, và con ông cháu cha hàng hiệu thì phải? Cơ mà nó là chỉ huy của đám “tiểu đoàn mất tích” nên tốt nhất không nên dây vào, lại khổ.
Chiến tranh là thế. Chẳng biết đến bao giờ mới xong nữa. Có khi đứa mới ngồi nói chuyện rôm rả với mình hôm nay, chia nó điếu thuốc, cốc trà hay cây kẹo, mai đã nghe tin chết trận. Chẳng đoán trước được gì, nên chỉ còn biết cầu nguyện, cầu cho đạn bỏ qua mình. Tôi thực sự muông muốn mình giống tên Jack trong đội, tuần trước đánh trận gã ấy bị đạn pháo nổ sao mà bay cả bản tay trái. Nhìn nó vừa cầm cái tay bê bết máu vừa gào rú như con thú rừng bị dại, thực chả còn lòng dạ nào mà cầm súng. Quân y tới hốt ngay, giờ còn chưa cho ra nữa. Thực sự, ba tháng trời mới cầm bút nên viết dài dài, vui vui vậy thôi chứ tôi sợ. Tôi rất sợ, sợ tới không nhắm mắt nổi. Sợ khi ngủ, tự dưng địch câu pháo, và tôi sẽ không bao giờ ngắm Mặt trời được nữa. Có khi nào tôi sẽ chết ngày mai? Hay ngày kia? Một chiến dịch nào đó nữa? Một đợt xung phong?
Thôi, hôm nay dừng đây vậy. Không ngờ cũng gần chục trang rồi. Mai lại phải theo tên đội trưởng đi thị sát, nghỉ sớm cho lành.
~oOo~
Nhật ký chỉ có tới đó. Các trang sau vẫn còn trống, chứng tỏ người này đã không viết gì thêm. Cũng không có tên người viết, khác với bình thường chủ nhân sẽ ghi tên dưới mỗi trang, hay mỗi lần ghi chú. Cuốn sổ tay này quá cũ và nhàu nát, đến nỗi vài trang phía sau còn rơi ra ngay khi lật tới. Chúng bị quăn, có dấu hiệu nhúng nước vào đến tận bên trong. Mấy trang ấy đều quá mỏng và dơ để có thể viết thêm, nhưng giáo sư Robinson cũng không đinh xem xét thêm lúc này.
Toàn bộ phần ghi chép ông đọc được đều nói về chiến dịch Passchëndaelle, nơi đã giết chết hàng triệu binh sĩ cả hai phe. Những trang trước nó bị nhòe đến không đọc được, phía sau lại trống, tuy nhiên phần này lại đọc tốt, chứng tỏ trước khi viết đến đây, nhật ký của người lính ấy đã ướt sũng, sau đó hong khô rồi dùng tiếp. Nhưng anh ta cũng chỉ có thể dùng đến đó, không còn gì hơn nữa. Bị thất lạc, hay chủ sở hữu hi sinh, đều có thể. Ông không biết, quá nhiều khả năng.
Xếp nó lại, giáo sư cho vào lại chiếc hộp giấy đã đựng nó, rồi lấy bút lông, viết lên trên đó mấy chữ.
“Nhật ký của người chiến sĩ vô danh, tháng Năm ngày 19, 1962. Giáo sư Maximilian Robert Robinson sở hữu.”