Bộ Ngoại giao, Viktoria Terrasse.
Ngày 5 tháng Mười năm 1999.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bernt Brandhaug, sải bước dọc hành lang. Ông vừa rời văn phòng ba mươi giây trước; trong vòng bốn mươi nhăm giây nữa ông sẽ có mặt tại phòng họp. Ông vươn vai trong lớp áo khoác, cảm thấy hơi chật, cảm thấy mấy cơ lưng căng ép sát vào lớp vải. Latissimus dorsi - các cơ lưng trên. Ông đã sáu mươi tuổi, nhưng trông không quá năm mươi lấy một ngày. Không phải là ông luôn bận rộn chăm sóc vẻ ngoài. Ông biết thừa mình là người đàn ông nhìn hấp dẫn, dù sao cũng không cần phải làm gì nhiều hơn việc tập luyện ông vốn yêu thích, và thêm vài buổi tới phòng tắm nắng vào mùa đông và thường xuyên nhổ sợi bạc nơi cặp lông mày đã trở nên rậm rì.
“Chào Lise!” ông gọi lớn khi đi qua máy photocopy, cô nhân viên tập sự tại văn phòng Bộ Ngoại giao giật thót, chỉ kịp nở nụ cười yếu ớt trước khi Brandhaug rẽ vào góc tiếp theo. Lise là một luật sư còn chập chững và là con gái của người bạn từ thời đại học. Cô chỉ mới bắt đầu công việc ba tuần trước. Và từ lúc đó cô đã nhận thức được rằng ông thứ trưởng, viên chức cấp cao nhất trong tòa nhà này, biết cô là ai. Liệu ông có đủ sức có được cô không? Có thể. Không phải vì đó là điều sẽ xảy ra. Mà đó là điều tất yếu.
Ông nghe thấy giọng nói rì rầm từ trước khi mở cửa. Ông nhìn đồng hồ đeo tay. Bảy mươi nhăm giây. Rồi ông bước vào trong, ném nhanh cái nhìn quanh phòng để chắc chắn tất cả các quan chức được triệu tập đều đã có mặt.
“À, à, chắc anh là Bjarne Moller?” Ông nói lớn với một nụ cười rộng ngoác, chìa tay qua bên kia bàn cho người đàn ông cao, mảnh khảnh ngồi cạnh Anne Storksen, cảnh sát trưởng.
“Anh là PAS, đúng không? Tôi nghe nói anh đang ở chặng nhiều đoạn lên xuống dốc thuộc Giải chạy tiếp sức Holmenkollen?”
Đây là một trong số các tiểu xảo của Brandhaug. Kiếm được tí thông tin về những người ông mới gặp lần đầu. Thứ gì đó không nằm trong CV của họ. Điều đó khiến họ cảm thấy bất an. Sử dụng những chữ cái đầu PAS - lối viết tắt trong nội bộ để chỉ Politiavdelingssjef, sếp của Đội Hình sự - đặc biệt khiến ông hài lòng. Brandhaug ngồi xuống, nháy mắt với người bạn già Kurt Meirik, sếp của Politiets overv akningstjeneste, hoặc là POT, Cục An ninh, và dò xét những người khác đang ngồi quanh bàn.
Thế nhưng không ai biết ai sẽ là người chủ trì cuộc họp này, vì các đại diện đều có cấp bậc cao ngang nhau, ít nhất là về lý thuyết, từ Văn phòng Thủ tướng, cảnh sát Oslo, Cục An ninh Na Uy, Đội Hình sự và Bộ Ngoại giao của chính Brandhaug. Văn phòng Thủ tướng đã triệu tập cuộc họp này, nhưng không nghi ngờ gì nữa, cảnh sát Oslo, dưới cái lốt Anne Storksen, và POT, trong hình hài Kurt Meirik, muốn đảm nhận trách nhiệm điều hành khi mà các quy trình đã tiến xa đến vậy. Ông Thứ trưởng Ngoại giao từ Văn phòng Thủ tướng trông như thể đang trù tính việc chủ trì cuộc họp.
Brandhaug nhắm mắt lại, lắng nghe.
Mấy cuộc chuyện trò kiểu chào hỏi dừng, những giọng nói rì rầm từ từ lắng xuống và tiếng một chân bàn kéo dưới sàn. Chưa đâu. Có tiếng giấy tờ loạt soạt, tiếng bút lạch tạch - tại những cuộc họp quan trọng như thế này hầu hết những người đứng đầu phòng ban đều dẫn theo nhân viên ghi chép riêng, đề phòng trường hợp một lúc nào sau này họ quay ra đổ lỗi cho nhau về những chuyện đã xảy ra. Có người cất tiếng ho, nhưng nó xuất phát từ đầu kia phòng, ngoài ra thì đấy không phải kiểu ho húng hắng trước khi phát biểu. Có tiếng hít vào mạnh. Ai đó nói.
“Vậy thì ta bắt đầu thôi!” Bernt Brandhaug nói, mở mắt ra.
Những mái đầu hướng về phía ông. Lúc nào cũng thế cả. Một cái miệng mở hé, ông Thứ trưởng Ngoại giao, một nụ cười gượng từ Anne Storksen cho thấy cô ta hiểu chuyện gì đã diễn ra - nhưng trái lại, những bộ mặt lạnh tanh nhìn ông không cho thấy dấu hiệu nhận thức rằng cuộc chiến đã kết thúc rồi.
“Chào mừng đến cuộc họp phối hợp đầu tiên. Nhiệm vụ của chúng ta là đưa bốn trong những nhân vật quan trọng nhất thế giới đến và rời Na Uy mà ít nhiều được nguyên vẹn.”
Tiếng cười lịch sự vang lên quanh bàn.
“Hôm thứ Hai, ngày 1 tháng Mười một, ta sẽ đón tiếp nhà lãnh đạo PLO Yasser Arafat, thủ tướng Israel Ehud Barak, thủ tướng Nga Vladimir Putin đến thăm, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, trái anh đào trên chiếc bánh ngọt; lúc 6 giờ 15 phút sáng, đúng hai mươi bảy ngày nữa, chuyên cơ Không Lực Một, chở tổng thống Mỹ, sẽ đáp xuống sân bay Gardermoen, Oslo.”
Ánh mắt của Brandhaug đưa từ khuôn mặt này sang khuôn mặt kia dọc theo bàn. Nó dừng lại ở khuôn mặt mới, Bjame Moller.
“Tức là nếu trời không quá nhiều sương mù!” ông nói, giành được một tiếng cười và hài lòng nhận thấy Moller đã quên đi được sự căng thẳng trong chốc lát mà cười theo mấy người kia. Brandhaug đáp lại bằng một nụ cười phô ra hàm răng chắc khỏe còn trắng hơn nữa từ sau lần thẩm mỹ vừa rồi ở nha sĩ.
“Chúng ta vẫn chưa biết chính xác bao nhiêu người sẽ đến!” Brandhaug nói. “Tổng thống Mỹ từng có đoàn tùy từng 2.000 người ở Australia và 1.700 người ở Copenhagen.”
Những tiếng rì rầm quanh bàn.
“Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, một ước đoán vào khoảng 700 người thì có lẽ là thực tế hơn.”
Brandhaug hoàn toàn tự tin “ước đoán” của ông sẽ sớm được xác nhận vì một tiếng trước ông vừa nhận được bản fax danh sách 712 người sẽ đến.
“Vài người trong các vị có lẽ đang tự hỏi tại sao tổng thống Mỹ cần nhiều người đến thế cho một cuộc họp thượng đỉnh hai ngày. Câu trả lời đơn giản thôi. Điều chúng ta đang nói ở đây là sự phô trương quyền lực theo kiểu cũ rích. Bảy trăm người, nếu tôi suy đoán đúng, là bằng đúng số tùy tùng mà vua Kaiser Friedrich III mang theo khi đến Rome năm 1468 để cho giáo hoàng thấy ai là người hùng mạnh nhất thế giới.”
Thêm nhiều tiếng cười nữa quanh bàn. Brandhaug nháy mắt với Anne Storksen. Ông đã thấy chuyện này được nhắc đến trên tờ Aftenposten. Ông áp hai lòng bàn tay vào nhau.
“Tôi không cần phải nói với mọi người rằng thời gian hai tháng ngắn ngủi thế nào, nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải cần những cuộc họp phối hợp hằng ngày lúc mười giờ tại phòng này. Mọi người sẽ phải bỏ hết những việc khác cho đến khi nào bốn nhân vật này nằm ngoài tầm tay chúng ta. Có lệnh cấm nghỉ lễ và nghỉ phép. Cả nghỉ ốm nữa. Có câu hỏi nào không trước khi chúng ta tiếp tục?”
“Vâng, chúng tôi nghĩ…” Thứ trưởng Ngoại giao mở lời.
“Kể cả nghỉ vì trầm cảm cũng không,” Brandhaug cắt ngang, Bjame Moller không nhịn được mà bật cười.
“Chúng tôi, chúng tôi…” Thứ trưởng Ngoại giao lại mở miệng.
“Đến anh đấy, Meirik,” Brandhaug gọi.
“Gì cơ?”
Sếp Cục An ninh - POT - ngẩng mái đầu sáng bóng lên nhìn Brandhaug.
“Anh có muốn nói gì về bản đánh giá mối đe dọa của POT không?” Brandhaug hỏi.
“À, việc đó,” Meirik đáp. “Chúng tôi có mang theo bản sao đây!”
Meirik lớn lên ở Tromso nên hay nói pha lẫn đến kỳ lạ phương ngữ vùng Tromso với tiếng Na Uy chuẩn. Ông hất đầu về phía người phụ nữ ngồi bên cạnh. Đôi mắt của Brandhaug nấn ná ở cô ta. Được rồi, cô ta không trang điểm, mái tóc nâu cắt kiểu bob cặp gọn lại bằng một chiếc kẹp không hợp. Còn bộ com lê, thứ đồ len may bằng vải màu xanh lam, thì hết sức tẻ nhạt. Nhưng mặc dù cô ta tự làm mình trông trang nghiêm thái quá, như kiểu những người phụ nữ có chuyên môn lo không được xem trọng thường làm, ông vẫn thích những gì mình nhìn thấy. Cặp mắt nâu dịu dàng và đôi gò má cao tạo cho cô ta một vẻ ngoài quý tộc, gần như không phải Na Uy. Ông từng gặp cô ta rồi, nhưng kiểu tóc này thì mới. Nhớ lại xem tên cô ta là gì ấy nhỉ - cái gì đó theo kiểu Kinh Thánh - Rakel à? Có lẽ cô ta mới vừa ly dị. Điều ấy có thể giải thích cho kiểu đầu mới. Cô ta cúi xuống chiếc cặp tùy viên giữa mình và Meirik, đôi mắt Brandhaug tự động tìm đường viền cổ áo trên áo khoác của cô, nhưng áo cài nút lên quá cao không cho thấy gì đáng chú ý. Cô ta có con ở tuổi đi học không nhỉ? Liệu cô ta có phản đối gì chuyện thuê một phòng khách sạn tại trung tâm thành phố trong ngày không? Quyền lực có làm cô ta thấy hứng thú?
Brandhaug: “Cứ cho chúng tôi bản tóm tắt ngắn gọn, Meirik.”
“Tốt thôi.”
“Trước tiên tôi muốn nói một chuyện…” Thứ trưởng Ngoại giao nói.
“Chúng ta sẽ để Meirik nói xong đã được không? Rồi sau đó anh cứ việc nói bao lâu tùy thích, Bjorn.”
Lần đầu tiên Brandhaug gọi tên thánh của ông Thứ trưởng Ngoại giao.
“POT cho rằng sẽ có nguy cơ tấn công hoặc gây ra thiệt hại khác,” Meirik nói.
Brandhaug mỉm cười. Từ khóe mắt, ông thấy cảnh sát trưởng cũng làm tương tự. Cô bé thông minh, có bằng luật và trong hồ sơ hành chính không một tì vết. Có lẽ một tối nào đó ông nên mời vợ chồng cô ta đến ăn bữa tối với cá hồi. Vợ chồng Brandhaug sống trong một căn nhà gỗ khang trang ở vành đai xanh tại Nordberg. Vào mùa đông ta chỉ việc bỏ ván trượt tuyết ra ngoài nhà và vậy là lên đường. Brandhaug yêu quý ngôi nhà. Vợ ông thì nghĩ nó quá tối tăm. Bà ấy bảo rằng cái thứ gỗ đen sì ấy khiến bà sợ, bà cũng không thích cánh rừng bao quanh nhà họ. Phải rồi, một lời mời đến ăn tối. Gỗ cứng, và cá hồi tươi ông sẽ tự bắt. Chúng là những tín hiệu đúng để phát đi.
“Tôi có thể nhắc các vị rằng bốn tổng thống Mỹ đã chết do bị ám sát. Abraham Lincoln vào năm 1865, James Garfield vào năm 1881, John F. Kennedy vào năm 1963 và…”
Ông quay sang người phụ nữ có đôi gò má cao, cô ta mấp máy một cái tên. “À phải rồi, William McKinley. Vào năm…”
“1901,” Brandhaug nói kèm một nụ cười ấm áp và cái liếc mắt nhìn đồng hồ đeo tay.
“Chính xác. Nhưng cũng có rất nhiều vụ mưu sát nữa. Harry Truman, Gerald Ford và Ronald Reagan đều là mục tiêu của những cuộc tấn công nghiêm trọng khi họ còn tại vị.”
Brandhaug hắng giọng. “Anh quên rằng vài năm trước người đương nhiệm cũng bị bắn. Hoặc ít nhất thì cũng là nhà ông ta bị bắn.”
“Điều đó đúng. Nhưng chúng ta không bao gồm kiểu tình huống như thế vì nếu vậy sẽ có quá nhiều. Tôi không tin là trong vòng hai muơi năm qua có tổng thống Mỹ nào kết thúc nhiệm kỳ mà không có ít nhất mười cuộc mưu sát được phát hiện và thủ phạm bị bắt. Giới truyền thông thì không biết gì hơn!”
“Tại sao không?”
Sếp Đội Hình sự Bjame Moller hình dung ông chỉ vừa nghĩ đến câu hỏi nên cũng ngạc nhiên như những người khác khi nghe thấy giọng chính mình. Ông nuốt khan khi nhận thấy những mái đầu quay lại nhìn rồi cố gắng chú mục vào Meirik, nhưng không nhịn được đưa mắt về hướng của Brandhaug. Thứ trưởng Ngoại giao nháy mắt trấn an.
“Vâng, như các anh biết đấy, giữ kín về những kẻ mưu sát là điều bình thường,” Meirik đáp, bỏ kính xuống. Trông nó như loại kính tối hơn khi ta ra ngoài nắng, được Horst Tappert đeo khi đóng vai chánh thanh tra Derrick, rất nổi tiếng với catalog được đặt hàng qua thư của Đức.
“Những âm mưu ám sát đã tỏ ra ít nhất cũng có tính lây lan như tự sát. Thêm nữa, chúng tôi trong ngành không muốn tiết lộ quy trình tác nghiệp của mình.”
“Về giám sát thì đã có những kế hoạch nào rồi?” Thứ trưởng Ngoại giao hỏi.
Người phụ nữ có đôi gò má cao đưa qua cho Meirik một tờ giấy. Ông đeo kính lên lại rồi bắt đầu đọc.
“Tám người của Mật vụ sẽ đến vào thứ Năm. Sau đó chúng tôi sẽ bắt đầu kiểm tra khắp các khách sạn và lộ trình, rà soát chặt chẽ tất cả những ai sẽ tiếp xúc với tổng thống và huấn luyện cho các cảnh sát Na Uy mà chúng tôi sẽ triển khai. Chúng tôi sẽ cần kêu gọi các đơn vị từ Romerike, Asker và Baerum.”
“Sẽ sử dụng họ vào việc gì?” Brandhaug hỏi.
“Chủ yếu là các nhiệm vụ quan sát. Xung quanh đại sứ quán Mỹ, khách sạn nơi đoàn tùy tùng sẽ nghỉ trọ, điểm đỗ xe…”
“Nói ngắn gọn, tất cả những nơi không có tổng thống.”
“POT sẽ đảm nhận việc đó. Cùng với Cơ quan Mật Vụ Mỹ.”
“Tôi nghĩ anh không thích công tác theo dõi, đúng không Kurt?” Brandhaug nói với nụ cười tự mãn.
Hồi ức khiến Kurt Meirik nhăn mặt. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Khai thác khoáng sản tại Oslo năm 1998, POT đã từ chối cung cấp nhiệm vụ theo dõi trên cơ sở đánh giá mối đe dọa của riêng họ. Họ kết luận rằng đó là rủi ro an ninh từ trung bình đến thấp. Đến ngày thứ hai của hội nghị, Ban giám đốc Cục Xuất nhập cảnh Na Uy khiến cả hội nghị chú ý đến sự việc là một trong số tài xế Na Uy mà POT đã kiểm tra cho phái đoàn Croatia thực ra là tín đồ Hồi giáo người Bosnia. Hắn ta đến Na Uy vào những năm 1970 và có quốc tịch Na Uy đã nhiều năm. Nhưng năm 1993 cả cha mẹ và bốn người nhà hắn bị binh lính Croatia tàn sát tại Mostar, Bosnia Herzegovina. Khi khám xét căn hộ của hắn, người ta tìm thấy hai quả thủ pháo và một bức thư tuyệt mệnh. Dĩ nhiên, báo chí chẳng đánh hơi thấy gì, nhưng hậu quả của nó đã lan đến cấp chính phủ, và sự nghiệp của Kurt Meirik như chỉ mành treo chuông cho đến khi đích thân Bernt Brandhaug can thiệp. Sự vụ được ỉm đi sau khi tay thanh tra cảnh sát phụ trách vấn đề hồ sơ an ninh từ chức. Brandhaug không thể nhớ tên anh ta, nhưng kể từ đó các quan hệ công tác với Meirik thật tuyệt vời.
“Bjorn!” Brandhaug thốt lên, vỗ đét hai tay vào nhau. “Giờ thì tất cả chúng tôi háo hức nghe xem anh muốn nói với chúng tôi chuyện gì. Nói đi nào!”
Brandhaug đưa mắt nhìn khắp phòng, lướt nhanh qua người trợ lý của Meirik, nhưng không nhanh đến mức không nhận thấy cô ta đang nhìn ông. Tức là cô ta đang nhìn về phía ông, nhưng đôi mắt cô ta vô cảm, lạnh tanh. Ông cân nhắc có nên đáp lại cái nhìn của cô ta không, để xem vẻ mặt nào sẽ xuất hiện khi cô ta nhận ra điều ông sắp làm, nhưng rồi bỏ ý đó đi. Tên cô ta là gì? Rakel à, đúng không nhỉ?