Phố Karl Johans.
Ngày 5 tháng Mười năm 1999.
Ông sắp chết rồi, ông già ạ.
Mấy lời đó vẫn còn văng vẳng bên tai khi lão già bước xuống mấy bậc thềm để ra về rồi đứng khựng lại, chói mắt vì ánh mặt trời mùa thu gay gắt. Khi đồng tử của lão từ từ co lại, lão bám chặt lan can và hít vào, chậm và sâu. Lão lắng nghe tạp âm của ô tô, xe điện, tiếng bíp còi cho khách bộ hành biết có thể qua đường. Và giọng nói - những giọng phấn khởi, vui vẻ vội vã lướt qua cùng tiếng đế giày lách cách. Và tiếng nhạc. Lão đã bao giờ được nghe nhiều tiếng nhạc như vậy chưa? Thế nhưng chẳng có gì át được tiếng những lời ấy vang lên: Ông sắp chết rồi, ông già ạ.
Đã bao lần rồi lão đứng đây trên những bậc thềm bên ngoài phòng khám của bác sĩ Buer? Mỗi năm hai lần trong vòng bốn mươi năm, vị chi là tám mươi lần. Tám mươi ngày bình thường như ngày hôm nay, nhưng trước hôm nay, lão chưa bao giờ để ý thấy phố xá đông đúc biết chừng nào, vui tươi hồ hởi biết bao, và niềm khao khát sống mạnh mẽ ra sao. Giờ là tháng Mười, nhưng có cảm giác như đang là một ngày tháng Năm. Cái ngày sự yên bình bị phá vỡ. Có phải lão đang nói quá không? Lão còn nghe được giọng nói của nàng, thấy bóng hình nàng đang bước ra từ ánh mặt trời, đường nét khuôn mặt tan trong quầng ánh sáng trắng.
Ông sắp chết rồi, ông già ạ.
Sắc trắng nhuốm màu và biến thành phố Karl Johans. Lão xuống tới bậc cuối cùng, dừng bước, nhìn sang phải rồi lại nhìn sang trái như thể không quyết định được nên đi hướng nào, và chìm trong mơ màng. Lão giật nảy mình như thể bị ai đó đánh thức và cất bước về phía Hoàng cung. Dáng đi của lão ngập ngừng, mắt nhìn cắm xuống đất và dáng người gầy còm hom hem của lão còng xuống trong chiếc áo khoác len hơi quá khổ.
“Tế bào ung thư di căn rồi!” bác sĩ Buer nói.
Phải, lão đáp, nhìn bác sĩ và tự hỏi có phải họ đã học điều này ở trường y. Bỏ kính ra khi phải nói về những vấn đề nghiêm trọng hoặc giả đó là điều mấy bác sĩ cận thị hay làm để tránh nhìn thẳng vào mắt bệnh nhân. Bác sĩ Konrad Buer đã bắt đầu trông giống bố khi đường chân tóc chạy lên dần, và những bọng mắt làm anh có được chút vẻ quan tâm của bố anh.
“Nói tóm lại?” lão hỏi bằng giọng của một người mà lão đã không còn nghe thấy tiếng suốt hơn năm mươi năm. Đó là những âm thanh khô, khàn, khùng khục của người đang sợ chết run run trong thanh quản.
“Vâng, thực ra vẫn còn một nghi vấn về…
“Bác sĩ, làm ơn đi. Tôi đã từng tận mắt thấy cái chết rồi.”
Lão cao giọng lựa chọn những từ ngữ buộc giọng phải điềm tĩnh, theo cách lão muốn bác sĩ Buer nghe thấy. Theo cách mà chính lão muốn nghe.
Ánh mắt bác sĩ lia sang mặt bàn, qua mặt sàn gỗ đã mòn rồi ra ngoài ô cửa sổ bẩn thỉu. Ánh mắt ấy trốn tránh ở ngoài đó một lúc rồi mới quay về và bắt gặp ánh mắt lão. Đôi tay bác sĩ tìm thấy một miếng vải và lau đi lau lại cặp kính.
“Tôi biết là ông cảm thấy…”
“Anh chẳng biết gì hết, bác sĩ ạ.” Lão già nghe thấy mình bật một tiếng cười khẩy khô khốc. “Xin đừng phật ý, bác sĩ Buer, nhưng tôi có thể đoan chắc với anh một điều: anh chẳng biết gì sất.”
Lão quan sát vẻ khó chịu của tay bác sĩ và cùng lúc đó nghe thấy tiếng vòi nước nhỏ tí tách xuống bồn rửa ở tít góc phòng. Đó là một âm thanh mới mẻ, thế rồi bất chợt và không thể hiểu nổi, dường như lão có lại thính lực thời đôi mươi.
Rồi bác sĩ Buer lại đeo kính vào, cầm lên một mảnh giấy như thể những gì anh ta sắp nói đã được viết trên đó, hắng giọng và cất tiếng: “Ông sắp chết rồi, ông già ạ.”
Lão sẽ thích hơn nếu cái lối thân tình thái quá ấy bớt đi một chút.
Lão dừng lại bên một đám người tụ tập, nghe thấy tiếng guitar bập bùng và một giọng đang ca một bài chắc ai cũng nghe qua trừ lão. Trước kia lão đã từng nghe bài đó, có thể là từ một phần tư thế kỷ trước, nhưng với lão có lẽ chỉ mới ngày hôm qua. Giờ thì mọi thứ đều giống như vậy - dường như càng ở xa về phía quá khứ, chúng trông càng gần hơn và rõ hơn. Lão có thể nhớ những thứ đã nhiều năm rồi không nghĩ đến. Giờ đây lão có thể nhắm mắt lại rồi thấy ngay trên võng mạc những thứ mà lão đã đọc trong các nhật ký chiến tranh của mình.
“Dù sao đi nữa, ông cũng còn được một năm!”
Một mùa xuân và một mùa hè. Lão sẽ được thấy từng chiếc lá ngả vàng trên những cây rụng lá ở Studenterlunden như thể lão đang đeo cặp kính mới. Cũng những cây ấy đã đứng đó hồi năm 1945, đúng không nhỉ? Ngày hôm đó trông chúng không rõ ràng lắm, chẳng có gì rõ ràng cả. Những khuôn mặt tươi cười, những bộ mặt tức tối, những tiếng reo hò lão hầu như không nghe thấy, tiếng cửa xe đóng sầm lại còn lão có lẽ đã ứa nước mắt vì khi lão nhớ lại những ngọn cờ người ta vừa vẫy vừa chạy dọc vỉa hè, chúng có màu đỏ và nhòa đi. Họ hô vang: thái tử đã trở về!
Lão đi lên đồi đến Hoàng cung nơi vài người đang xúm lại xem đổi phiên gác. Tiếng vọng của những khẩu lệnh, tiếng lách cách, rầm rập của báng súng trường và gót giày dội lên mặt tiền bằng gạch vàng nhạt. Có tiếng ro ro của máy quay phim và lão nghe được vài từ tiếng Đức. Một cặp vợ chồng trẻ người Nhật đứng đó khoác tay nhau, vui vẻ xem màn diễn. Lão nhắm mắt lại, cố gắng phát hiện mùi quân phục và dầu lau súng. Thật vớ vẩn, dĩ nhiên; ở đây chẳng có gì tỏa ra mùi cuộc chiến của lão.
Lão lại mở mắt ra. Chúng biết cái gì chứ, đám lính trẻ ranh mặc đồ đen, những hình nhân trên sân duyệt binh của chế độ quân chủ xã hội này, thực hiện những hành vi mang tính biểu tượng mà chúng còn quá ngây thơ để hiểu và còn quá trẻ để cảm nhận được gì. Lão lại nghĩ về ngày hôm đó, những thanh niên Na Uy ăn vận như quân nhân, hay “lính Thụy Điển” như họ tự gọi. Trong mắt lão, họ là những chú lính chì; họ không biết cách mặc quân phục, còn ít biết cách đối xử với tù nhân chiến tranh hơn. Họ đã khiếp sợ và tàn bạo: điếu thuốc trên môi và mũ quân phục đội lệch ngang tàng; họ đã bám vào vũ khí mới có và cố vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách nện báng súng trường vào lưng tù binh.
“Đồ lợn phát xít,” họ vừa quát vừa đánh, để nhận được tức thì sự tha thứ cho tội lỗi của mình.
Lão hít vào và nhấm nháp ngày thu ấm áp, nhưng đúng lúc ấy cơn đau ập đến. Lão lảo đảo lùi lại. Nước trong phổi của lão. Mười hai tháng nữa, có thể ít hơn, viêm tấy và mủ sẽ sinh ra nước,ứlại trong phổi lão. Người ta nói đó là điều tồi tệ nhất.
Lão sắp chết rồi, lão già ạ.
Tiếp theo là cơn ho. Nó dữ dội đến mức những người đứng gần lão nhất bất giác tránh xa.