Linz.
Ngày 9 tháng Sáu năm 1944.
Một gia đình năm người xuống tàu nên họ được một mình cả toa tàu. Khi gia đình kia chậm rãi đi xuống, Helena đã chiếm một chỗ gần cửa sổ, cho dù cô không thấy được nhiều trong bóng tối, ngoại trừ hình dáng các tòa nhà kế con tàu. Anh ngồi đối diện cô, ngắm cô với nụ cười nở trên môi.
“Người Áo các em thật giỏi khi quan sát được trong bóng tối thế này!” anh nói. “Anh không thấy một ánh đèn nào hết.”
Cô thở dài. “Người ta chỉ giỏi làm những gì được bảo thôi.”
Cô nhìn đồng hồ đeo tay. Đã gần hai giờ sáng.
“Thành phố tiếp theo là Salzburg!” cô nói. “Gần đến biên giới Đức rồi. Và sau đó…”
“Là Munich, Zurich, Basle, Pháp và Paris. Em đã nói câu đó đến ba lần rồi!”
Anh nhoài tới trước, siết chặt bàn tay cô.
“Sẽ ổn cả thôi, rồi em sẽ thấy. Qua đây ngồi đi.”
Cô chuyển chỗ nhưng vẫn nắm chặt tay anh, nhẹ nhàng gối đầu lên vai anh. Bây giờ khi đang mặc quân phục trông anh rất khác.
“Vậy tên Brockhard này đã nộp một giấy chứng nhận y tế khác, có giá trị trong vòng một tuần à?”
“Vâng, hắn nói hắn sẽ gửi theo đường bưu điện trong chiều qua.”
“Tại sao thời gian gia hạn lại ngắn thế?”
“À thì để hắn kiểm soát tình hình và em tốt hơn. Mỗi lần em phải cho hắn nghe một lý do chính đáng để hắn gia hạn phép nghỉ ốm cho anh. Anh hiểu không?”
“Có, anh hiểu,” anh nói và cô trông thấy quai hàm anh nghiến chặt.
“Thôi lúc này đừng nói thêm gì về Brockhard nữa!” cô nói. “Kể chuyện em nghe đi.”
Cô vuốt má anh, anh thốt ra tiếng thở dài nặng nề. “Em thích nghe chuyện gì?”
“Bất kỳ chuyện gì anh thích.”
Những câu chuyện. Đó là cách anh thu hút sự chú ý của cô tại bệnh viện Rudolf II. Chúng rất khác so với các câu chuyện những người lính khác kể. Chuyện kể của Uriah thường có nội dung về lòng can đảm, tình đồng đội và niềm hy vọng. Như có lần anh vừa rời ca trực thì bỗng phát hiện ra một con chồn hôi trên ngực người bạn thân nhất, nó đang định xé toạc cổ họng cậu ấy khi cậu ấy đang ngủ say. Khoảng cách lúc đó là gần mười mét, và boong ke với những bức tường đất đen gần như chìm trong bóng tối. Nhưng anh không còn lựa chọn nào khác. Anh phải kề súng lên sát má và liên tục nhả đạn cho đến khi ổ đạn hết sạch. Và con chồn hôi ấy đã trở thành bữa ăn tối cho họ vào ngày hôm sau.
Có một vài câu chuyện khác như thế nữa. Helena không thể nhớ hết, nhưng cô nhớ rằng mình đã bắt đầu lắng nghe. Chuyện anh kể rất sống động và vui nhộn; một vài chuyện cô không chắc liệu mình có tin được không. Nhưng cô muốn tin vì chúng chính là liều thuốc giải chất độc của các câu chuyện khác về những số phận không thể cứu vãn, và những cái chết vô nghĩa.”
Khi con tàu tối om rùng mình và rung lắc xuyên qua màn đêm trên những đường ray mới sửa, Uriah kể chuyện lúc anh bắn chết một lính bắn tỉa người Nga trong vùng trung lập. Anh còn liều ra ngoài đó làm lễ chôn cất theo đạo Thiên Chúa cho tên Bôn sê vích vô thần đó nữa, bằng những bài thánh ca và đủ cả.
“Đêm đó anh hát hay đến mức!” Uriah nói, “anh còn nghe thấy cả tiếng vỗ tay từ phía quân Nga.”
“Thật á?” cô cười ồ.
“Còn hay hơn bất kỳ bài hát nào em từng nghe ở Staatsoper đấy.”
“Nói xạo.”
Uriah kéo cô lại sát bên anh hơn, rồi dịu dàng hát vào tai cô.
Hỡi chiến hữu quây quần bên đống lửa, nhìn đuốc vàng sáng rực, giục binh sĩ ngắm bắn cao hơn nữa, nguyện đem thân đứng lên chiến đấu.
Trong ánh lửa bập bùng lấp lánh, thấy Na Uy từ thuở xa xưa, thấy nhân dân từ tro tàn đứng dậy, thấy họ hàng trong thời bình, lúc chiến tranh.
Thấy cha ông chiến đấu vì tự do, chịu mất mát, dù nam hay nữ, thấy hàng nghìn người đứng lên để đánh lại, dâng tất cả cho mảnh đất thân yêu.
Thấy nam nhi ngoài kia tuyết lạnh, kiêu hãnh vui mừng vì chiến đấu gian nguy, tim hừng hực ý chí và sức mạnh, đứng vững vàng trên mảnh đất cha ông.
Thấy tuổi tên những người lính Na Uy, sống mãi trong trường thiên sáng chói, người muôn năm cũ mà vẫn đâu đây, vẫn được nhớ từ đầm lầy tới vịnh hẹp.
Những người giương lá cờ đỏ, vàng của những người vĩ đại, Chúng tôi chào ngài trung úy đầy nhiệt huyết: Quisling, người lãnh đạo ba quân và cả quốc gia.
• • •
Sau đó Uriah im lặng, nhìn chằm chằm vô hồn ra ngoài cửa sổ. Helena biết rằng những suy tư của anh đang trôi đi rất xa nên để mặc anh với những suy nghĩ của mình. Cô quàng tay quanh ngực anh.
Ra ta ta tat - ra ta ta tat - ra ta ta tat.
Nghe như thể ai đó đang chạy phía dưới họ vậy, ai đó đang cố gắng bắt họ.
Cô thấy khiếp sợ. Không phải vì lãnh thổ xa lạ đang trải ra trước mắt họ, mà đúng hơn là vì người đàn ông xa lạ cô đang ngồi nép vào. Lúc này anh thật gần gũi, mọi thứ cô đã thấy và quen thuộc từ khoảng cách xa dường như không còn nữa.
Cô lắng nghe nhịp đập tim anh, nhưng tiếng đoàn tàu xình xịch trên đường ra y quá ầm ĩ, nên cô đành cứ tin rằng trái tim anh vẫn nằm trong lồng ngực. Cô mỉm cười với mình; những ngọn sóng hân hoan vỗ khắp người cô. Ôi mình mới ngớ ngẩn làm sao, ngớ ngẩn quá đi thôi! Cô hoàn toàn chẳng biết gì về anh: anh nói với cô quá ít về bản thân, mà thay vào đó chỉ kể cô nghe những câu chuyện này.
Quân phục của anh có mùi nấm mốc. Trong một giây cô chợt nhận ra đó đó cũng là thứ mùi sẽ vương trên quân phục người lính khi anh nằm chết trên chiến trường được một thời gian. Hoặc khi anh đã được chôn. Nhưng những ý tưởng này từ đâu đến? Cô đã căng thẳng quá lâu đến mức tận bây giờ cô mới nhận ra mình mệt mỏi thế nào.
“Ngủ đi,” anh nói, đáp lại dòng suy nghĩ của cô.
“Vâng,” cô đáp. Cô mơ hồ nhớ là mình đã nghe thấy tiếng còi báo động máy bay ném bom xa xa, khi cả thế giới xung quanh cô dần khép lại.
• • •
“Cái gì thế?”
Helena nghe thấy giọng chính mình, cảm thấy Uriah đang lay người cô, và cô giật mình, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu khi cô trông thấy người đàn ông mặc đồng phục đứng ở ngưỡng cửa là họ đã bị bắt.
“Vui lòng cho xem vé.”
“À,” cô thốt lên, cố gắng lấy lại bình tĩnh và cảm thấy đôi mắt soi mói của người soát vé nhìn mình khi luống cuống lục lọi trong túi xách. Cuối cùng cô tìm thấy hai tấm vé bằng bìa cứng màu vàng cô đã mua ở Vienna, trao cho người soát vé. Ông ta xem xét hai tấm vé trong khi vẫn lắc lư trên hai gót chân theo nhịp điệu đoàn tàu. Ông ta soát vé lâu đến mức khiến Helena bắt đầu thấy khó chịu.
“Hai người sẽ đến Paris,” ông ta hỏi, “Cùng nhau à?”
“Ganz Genau(19),” Uriah đáp.
Người soát vé là một ông lớn tuổi. Ông ta nhìn họ.
“Cậu không phải là người Áo, nghe giọng cậu tôi đoán được”
“Không, tôi là người Na Uy.”
“À, Na Uy. Tôi nghe nói nơi đó rất đẹp.”
“Vâng, cảm ơn ông. Ông có thể nói vậy.”
“Vậy là cậu tình nguyện tòng quân chiến đấu cho Hitler à?”
“Tôi đã làm rồi. Tôi đã chiến đấu tại Mặt trận phía Đông. Ở khu Bắc.”
“Thật sao? Ở đâu khu Bắc?”
“Gần đồi Leningrad.”
“Hừm. Và giờ thì cậu đi Paris. Đi cùng với…”
“Bạn gái.”
“Bạn gái, chính xác rồi. Nghỉ phép à?”
“Vâng.”
Ông soát vé đục lỗ vé cho họ. “Cô từ Vienna à?” ông ta hỏi Helena, trả lại vé. Cô gật đầu. “Tôi có thể thấy cô là người theo đạo Thiên Chúa,” ông ta nói, chỉ tay vào cây thập giá trên sợi dây chuyền cô đeo ngoài áo choàng. “Vợ tôi cũng thế.”
Ông ta ngả người ra sau quan sát hành lang. Rồi quay về phía Uriah, ông ta hỏi. “Bạn gái cậu đã dẫn cậu đi xem Stephansdom(20)ở Vienna chưa?”
“Không, tôi đã phải nằm viện, thế nên thật không may là tôi không có nhiều dịp đi vãn cảnh thành phố.”
“Đúng rồi. Không tình cờ là một bệnh viện Thiên Chúa giáo đấy chứ?”
“Vâng, bệnh viện Rudo…”
“Vâng,” Helena cướp lời. “Một bệnh viện Thiên Chúa giáo.”
“Hừm.”
Sao ông ta còn chưa biến đi nhỉ? Helena nghĩ.
Ông soát vé lại hắng giọng.
“Vâng?” Cuối cùng Uriah hỏi.
“Không phải là việc của tôi, nhưng tôi hy vọng cô cậu nhớ rằng cô cậu có giấy tờ chứng minh được rằng cô cậu đang nghỉ phép.”
Giấy tờ? Helena nghĩ. Trước kia cô đã hai lần đến Pháp cùng với bố, trong đầu cô chưa từng nghĩ họ cần phải có thứ giấy tờ gì khác ngoài hộ chiếu.
“Vâng, đó không phải là vấn đề đối với cô, Fraulein(21), nhưng với anh chàng mặc quân phục này, điều cơ bản là cậu ấy phải mang theo giấy tờ chứng minh chỗ cậu ấy trú quân, và cậu ấy đang đi đâu!”
“Dĩ nhiên chúng tôi có giấy tờ chứ!” cô nói lớn tiếng. “Chắc ông không nghĩ chúng tôi đi du lịch mà lại thiếu giấy tờ chứ?”
“Không, không, dĩ nhiên là không,” ông soát vé hấp tấp trả lời. “Tôi chỉ muốn nhắc nhở hai người thôi. Vài ngày trước…” Ông hướng sự chú ý sang người Na Uy. “… họ đã bắt giữ một thanh niên rõ ràng không có lệnh phải đến nơi anh ta định đến. Do vậy anh ta bị xử như một kẻ đào ngũ. Họ đưa anh ta xuống sân ga và bắn chết anh ta.”
“Ông không nói thật đâu.”
“Tôi e rằng có đấy. Tôi không muốn làm hai người sợ, nhưng chiến tranh là chiến tranh. Và vì hai cô cậu có giấy tờ chính thức, tôi hy vọng cô cậu sẽ không có vấn đề gì khi chúng ta đến biên giới ngay sau khi rời Salzburg.”
Toa tàu tròng trành, ông soát vé phải bám chặt vào khung cửa. Ba người im lặng nhìn nhau.
“Vậy đó là chốt kiểm soát đầu tiên à?” Cuối cùng Uriah hỏi. “Sau Salzburg?” Ông soát vé gật đầu. “Cảm ơn ông,” Uriah đáp.
Ông soát vé hắng giọng: “Tôi có một con trai bằng tuổi cậu. Nó hy sinh ngoài mặt trận, gần Dnerp.”
“Tôi rất tiếc khi nghe điều đó.”
“Thôi, xin lỗi đã đánh thức cô dậy, Fraul ein. MeinHerr(22).”
Ông ta đứng nghiêm chào rồi bỏ đi.
Helena kiểm cho chắc cửa đã đóng hẳn rồi mới vùi mặt vào hai bàn tay.
“Làm sao em lại có thể ngây thơ đến thế chứ?” Cô nức nở.
“Đừng khóc mà,” anh quàng tay qua vai cô. “Lẽ ra anh nên nghĩ đến chuyện giấy tờ. Suy cho cùng thì anh đã biết mình không thể tự do muốn đi đâu thì đi.”
“Thế nếu anh nói với họ anh đang nghỉ ốm, và nói rằng anh thấy muốn đi Paris? Đó là một phần của Đệ tam Đế chế. Đó là…
“Thì họ sẽ gọi cho bệnh viện, và Brockhard sẽ nói rằng anh đã bỏ trốn.”
Cô ngả người vào anh, khóc nức nở trong lòng anh. Anh nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc nâu mượt mà của cô.
“Thêm nữa, lẽ ra anh nên biết rằng điều này tốt đẹp đến mức không thể là thật được,” anh nói. “Ý anh là -… anh và Schwester Helena ở Paris ư?”
Cô còn nghe được nụ cười trong giọng của anh.
“Không, anh sẽ thức dậy trên giường bệnh sớm thôi, nghĩ rằng đây chỉ là một giấc mơ mà. Và trông chờ em mang cho anh bữa sáng. Dù sao thì em cũng có ca trực vào đêm mai. Em chưa quên điều đó mà, đúng không? Thế thì anh có thể kể em nghe chuyện Daniel thó được hai mươi khẩu phần ăn của một đơn vị lính Thụy Điển.”
Cô ngước lên nhìn anh, khuôn mặt đẫm lệ.
“Hôn em đi, Uriah.”