Leningrad.
Ngày 31 tháng Mười hai năm 1942.
Tại chốt súng máy trời lạnh cắt da cắt thịt. Gudbrand mặc hết số quần áo gã có lên người. Tuy thế, hàm răng gã vẫn đánh vào nhau lập cập, toàn bộ mấy đầu ngón tay và ngón chân gã đã mất cảm giác. Tồi tệ nhất là đôi chân. Gã phải quấn thêm giẻ rách quanh hai bàn chân, nhưng cũng chẳng ăn thua.
Gã nhìn chằm chằm vào bóng tối bên ngoài. Họ đã không nghe thấy gì nhiều từ các chàng Ivan tối hôm ấy. Có thể chúng đang đón đêm Giao thừa. Có thể chúng đang ăn uống no say. Thịt cừu hầm. Hoặc sườn cừu. Dĩ nhiên, Gudbrand biết rằng quân Nga chẳng có tí thịt nào, nhưng gã không thể ngăn mình nghĩ đến những món ăn. Về phần mình, họ cũng chẳng có gì hơn món xúp đậu láng và bánh mì. Bánh mì có mốc xanh, nhưng họ đã quen. Và nếu nó mốc đến mức nát vụn, họ chỉ cần đun sôi xúp cùng với bánh mì ấy là xong.
“Ít nhất bọn mình cũng còn xúc xích cho đêm Giáng sinh,” Gudbrand nói.
“Im nào!” Daniel nói.
“Tối nay chẳng có ma nào ngoài kia đâu, Daniel. Chúng đang bận ăn thịt nai. Với nước xốt thịt thú đặc màu nâu nhạt và quả việt quất. Cùng khoai tây hạnh nhân.”
“Đừng lại bắt đầu nói về đồ ăn nữa đi. Im lặng xem cậu có phát hiện ra gì không.”
“Tớ chẳng nhìn thấy gì cả, Daniel. Chẳng thấy gì cả.”
Họ ngồi chụm vào nhau, cứ cúi đầu xuống. Daniel đang đội chiếc mũ Nga. Mũ sắt có phù hiệu Lực lượng Vũ trang SS nằm bên cạnh. Gudbrand hiểu tại sao. Có điều gì đó ở hình dạng chiếc mũ khiến tuyết lạnh luôn đi qua dưới vành mũ và tạo nên tiếng vi vu liên tục bên trong mũ, tra tấn thần kinh.
Điều này đặc biệt khốn khổ nếu ta đang canh gác tại điểm do thám.
“Mắt cậu có bị làm sao không đấy?” Daniel hỏi.
“Không sao. Chỉ là tầm nhìn ban đêm hơi kém.”
“Thế thôi à?”
“Tớ cũng hơi bị mù màu.”
“Hơi bị mù màu à?”
“Màu đỏ và xanh lá. Tớ không thể nhìn ra sự khác biệt. Thấy hai màu như nhau. Chẳng hạn tớ chưa bao giờ thấy được những trái việt quất, khi nhà tớ vào rừng hái nam việt quất để ăn thịt nướng vào ngày Chủ nhật…”
“Không nói về đồ ăn nữa, bảo rồi mà lại!”
Họ bèn giữ im lặng. Xa xa, một tiếng súng máy vang lên lạch tạch. Nhiệt kế chỉ hai mươi nhăm độ âm. Mùa đông năm ngoái họ gặp bốn mươi nhăm độ âm vài đêm liền. Gudbrand tự an ủi mình với ý nghĩ rằng lũ rận sẽ ít hoạt động trong tiết trời lạnh giá này. Gã sẽ không cảm thấy ngứa cho đến khi canh gác xong và chui vào dưới tấm chăn bông len trong chỗ ngủ của mình. Nhưng lũ rận chịu rét giỏi hơn gã. Có lần gã làm một thí nghiệm: gã để áo lạnh ra ngoài tuyết trong cái lạnh thấu xương suốt ba ngày liền. Khi gã mang áo lạnh vào lại boong ke, nó thành một tấm băng. Nhưng khi gã hơ áo trước lò sưởi, lũ rận lại lúc nhúc, bò lổm ngổm sống lại nên gã ném luôn cái áo vào lửa chỉ vì ghê tởm.
Daniel hắng giọng.
“Thế rồi nhà cậu bắt đầu xơi thịt nướng ngày Chủ nhật thế nào?”
Gudbrand không cần được mời đến lần thứ hai.
“Trước hết, bố tớ cắt súc thịt ra, một cách trang trọng, như mục sư ấy, trong khi lũ con trai bọn tớ ngồi im phăng phắc và nhìn. Sau đó mẹ tớ bỏ lên mỗi đĩa hai lát thịt, rồi tưới nước thịt lên, xốt đặc đến mức bà phải để ý khuấy vừa đủ để nó không đông lại. Và có rất nhiều cải Brussel tươi và giòn. Cậu nên đội mũ sắt lên đi, Daniel. Ngộ nhỡ dính một mảnh đạn pháo lên mũ mềm thì sao hả?”
“Thử tưởng tượng một mảnh đạn bắn vào mũ tớ xem. Tiếp đi’
Gudbrand nhắm mắt lại, một nụ cười nở trên môi gã.
“Món tráng miệng thì có mận khô ninh. Hoặc bánh sô cô la hạnh nhân. Đó không phải bữa ăn thường xuyên đâu. Mẹ tớ học được truyền thống ấy ở Brooklyn đấy.”
Daniel nhổ toẹt xuống tuyết. Theo lệ, vào mùa đông, ca gác là một giờ. Nhưng cả Sindre Fauke lẫn Hailgrim Dale đều đang sốt ngủ li bì, nên Edvard Mosken đã quyết định tăng giờ canh gác lên hai tiếng, cho đến khi cả đơn vị phục sức hoàn toàn.
Daniel đặt tay lên vai Gudbrand.
“Cậu nhớ bà ấy, đúng không? Mẹ cậu ấy.”
Gudbrand phá lên cười, cũng nhổ toẹt xuống đúng chỗ Daniel đã nhổ, nhìn chằm chằm lên những ngôi sao băng giá trên bầu trời. Có tiếng lạo xạo trên tuyết nên Daniel ngẩng đầu lên.
“Cáo,” cậu ta nói.
Không thể tin nổi, nhưng ngay ở đây, nơi mà từng mét vuông đều bị đánh bom còn mìn thì dày đặc hơn cả cuội ở phố Karl Johans, vẫn có đời sống động vật. Không nhiều nhưng cả hai đều từng thấy thỏ rừng và cáo. Và con chồn hôi lạc lõng. Hiển nhiên là họ cố gắng bắn vào bất kỳ thứ gì nhìn thấy. Cái gì cũng đem nấu được sất. Nhưng sau khi một lính Đức bị bắn chết lúc ra ngoài bắt thỏ, viên chỉ huy phải tạc vào đầu họ rằng bọn Nga đang thả thỏ ra trước các chiến hào nhằm dụ họ tiến vào vùng trung lập. Như thể quân Nga tự nguyện tặng thỏ vậy!
Gudbrand đưa ngón tay lên đôi môi khô nẻ, nhìn đồng hồ đeo tay. Còn một tiếng nữa mới đến phiên gác tiếp theo. Gã đồ rằng Sindre đã nhét thuốc lá lên trực tràng để cho sốt; hắn là kiểu người sẽ làm thế.
“Tại sao cậu lại bỏ nước Mỹ mà về?” Daniel hỏi.
“Phố Wall sụp đổ. Bố tớ bị mất việc ở nhà máy đóng tàu.”
“Thấy chưa,” Daniel nói. “Đó là cái chủ nghĩa tư bản cho cậu đấy. Những thằng thấp cổ bé họng thì cặm cụi làm việc, trong khi những thằng giàu thì luôn béo lên, bất kể là vào giai đoạn thịnh vượng hay đình trệ.”
“Ừ, thì vẫn thế mà.”
“Cho đến giờ thì vẫn thế, nhưng rồi sẽ có thay đổi thôi. Khi chúng ta thắng trận, Hitler đã thủ sẵn chút ngạc nhiên cho người dân. Và bố cậu sẽ không phải lo đến chuyện thất nghiệp nữa. Cậu nên gia nhập Dân tộc Thống nhất đi.”
“Cậu có thực sự tin tất cả những chuyện đó không
Gudbrand không thích tranh cãi với Daniel nên chỉ trả lời bằng cái nhún vai, nhưng Daniel vẫn hỏi lại.
“Dĩ nhiên tớ tin vào điều đó” Gudbrand đáp. “Nhưng trên hết tớ nghĩ đến Na Uy. Nghĩ đến chuyện không còn bóng dáng tên Bôn sê vích nào ở đất nước này. Nếu chúng đến, gia đình tớ nhất định sẽ quay về Mỹ.”
“Đến một nước tư bản à?” Bây giờ giọng Daniel đã trở nên khắc nghiệt hơn một chút. “Một nền dân chủ nằm trong tay những kẻ giàu có, phó mặc cho may rủi và những kẻ cầm quyền tham nhũng à?”
“Thà như thế còn hơn chủ nghĩa cộng sản.”
“Các quốc gia dân chủ đã hết hữu dụng rồi, Gudbrand. Thử nhìn châu Âu xem. Anh và Pháp đều đã lâm vào cảnh khốn khổ rất lâu trước khi chiến tranh bắt đầu: nào là thất nghiệp, bóc lột. Giờ đây chỉ có hai người đủ sức ngăn chặn châu Âu không rơi chúi mũi vào cảnh hỗn loạn: Hitler và Stalin. Đó là sự lựa chọn chúng ta có.”
Gudbrand gật đầu. Không chỉ là về những gì Daniel nói, mà với cách cậu ta nói. Rất là thuyết phục.
Bất chợt cả địa ngục xổng ra và bầu trời trước mặt họ trắng lòa pháo sáng, mặt đất rung chuyển, ánh lóe vàng tiếp theo là đất nâu và tuyết dường như bắn tung lên không nơi đạn pháo rơi xuống.
Gudbrand đã nằm ngay dưới đáy chiến hào, hai tay đưa lên che đầu, nhưng mọi thứ kết thúc rất nhanh như khi bắt đầu.
Gã nhìn lên thì kia rồi, đằng sau chiến hào, phía sau khẩu súng máy, Daniel đang ồ lên cười.
“Cậu đang làm cái gì thế?” Gudbrand hét lên. “Nổi còi báo động đi chứ! Gọi mọi người dậy!”
Nhưng Daniel chẳng buồn để ý.
“Anh bạn thân mến của tôi ơi!” cậu ta thét lên, nước mắt giàn giụa vì cười. “Chúc mừng năm mới nhá!”
Daniel chỉ vào đồng hồ đeo tay rồi Gudbrand mới hiểu ra mọi chuyện. Rõ ràng Daniel đã chờ đợi loạt đạn chào mừng năm mới của quân Nga, vì giờ đây cậu ta vùi tay vào tuyết đã chất đống cạnh chốt gác giấu súng máy.
“Brandy,” cậu ta hét lên, đắc thắng giơ lên cái chai đựng thứ chất lỏng màu nâu. “Tớ cất cái này hơn ba tháng rồi đấy. Mời.”
Gudbrand đã bò dậy quỳ gối và mỉm cười với Daniel.
“Cậu trước!” Gudbrand hô.
“Chắc không?”
“Chắc như bắp, anh bạn. Cậu đã cất nó mà. Nhưng đừng uống hết đấy!” Daniel gõ mạnh vào một bên nút bần cho đến khi nó bật ra, rồi giơ cao chai lên.
“Đến Leningrad. Vào mùa xuân chúng ta sẽ cùng cạn ly tại Cung điện Mùa Đông,” cậu ta tuyên bố, bỏ cái mũ Nga xuống. “Rồi đến hè chúng ta sẽ trở về nhà, được chào đón như những anh hùng ở Na Uy yêu dấu.”
Cậu ta đưa chai lên môi, ngửa đầu ra sau. Thứ chất lỏng màu nâu ồng ộc, sóng sánh trong cổ chai. Nó lấp lánh khi thủy tinh phản chiếu ánh sáng từ những quả pháo sáng đang rơi xuống, và nhiều năm sau nữa Gudbrand sẽ phải tự hỏi liệu đó có phải là cái tên bắn tỉa người Nga nhìn thấy: ánh lấp lánh từ chai ấy. Tiếp đó Gudbrand nghe tiếng nổ bốp inh tai và thấy cái chai nổ tung trong tay Daniel. Một chùm mảnh thủy tinh cùng rượu brandy trút xuống và Gudbrand nhắm mắt. Gã cảm thấy mặt mình ướt: nó chảy xuống má gã, theo bản năng gã thè lưỡi ra liếm được vài giọt. Hầu như nó chẳng có mùi vị gì, chỉ là cồn và một thứ khác nữa - thứ gì đó ngòn ngọt và như kim loại. Nố đặc sệt, có lẽ là vì lạnh, Gudbrand nghĩ, rồi gã lại mở mắt ra. Từ trong hào gã không thể nhìn thấy Daniel. Gudbrand đoán hẳn cậu ta đã thụp xuống đằng sau khẩu súng máy khi biết rằng mình bị phát hiện, nhưng gã cảm thấy được tim mình đang đập dồn.
“Daniel?”
Không có tiếng đáp lại.
“Daniel?”
Gudbrand đứng dậy bò ra khỏi chiến hào. Daniel đang nằm ngửa với thắt lưng đạn dưới đầu và chiếc mũ Nga úp trên mặt. Rượu brandy lẫn máu loang lổ trên tuyết. Gudbrand cầm mũ lên. Daniel đang nhìn trừng trừng bằng đôi mắt mở to hướng lên bầu trời đầy sao. Giữa trán cậu ta có một lổ thủng to, đen ngòm và toang hoác. Trong miệng Gudbrand vẫn còn nguyên vị kim loại ngòn ngọt và gã cảm thấy buồn nôn.
“Daniel.”
Nó gần như một lời thì thầm giữa đôi môi khô nẻ của gã. Gudbrand nghĩ trông Daniel như một thằng bé muốn vẽ những thiên thần trên tuyết nhưng rồi lại ngủ thiếp đi. Gã nức nở lảo đảo bước về phía còi báo động và kéo cần quay tay. Khi những quả pháo sáng chìm xuống những nơi ẩn náu của họ, tiếng còi rền rĩ lanh lảnh vọng thấu trời xanh.
“Chuyện này không thể diễn ra như thế,” Gudbrand chỉ nói được đến thế.
Edvard và những người khác bước ra ngoài, đứng sau lưng gã. Ai đó hét gọi tên Gudbrand nhưng gã không nghe thấy. Gã cứ tiếp tục quay vòng vòng cái cần quay tay. Cuối cùng Edvard bước đến, nắm lấy cái cần. Gudbrand buông tay, nhưng không quay lại; gã vẫn đứng yên tại chỗ, nhìn trừng trừng con hào, bầu trời, còn nước mắt đã đóng băng trên đôi má. Lời than van của cái còi đã tắt.
“Chuyện này không thể diễn ra như thế,” gã thì thầm.