CHƯƠNG 36: LỄ HỘI GIÁNG SINH Ở FUJIWARA (4)
Giáng Sinh.
Sau phần lễ là đến phần hội. Du khách tản ra các nơi, tham gia các tiết mục của lễ hội ở khắp nơi trong thành phố. Các khu ẩm thực đặc trưng của các dân tộc đặc biệt đông khách, trong đó có khu ẩm thực “The Specialties of Long An” (Đặc sản Long An) khá nổi bật với nhà tranh, lũy tre, ao sen, cầu khỉ, ... thu hút rất đông khách tham quan. Không ít người còn thử đi cầu khỉ, tình cảnh rất vui nhộn.
Narumi lại dẫn chị em Victoria và Philip đi về Cung điện Etou. Tối nay, hai chị em sẽ nghỉ lại đó. Mitchell Bard sẽ thu xếp cho các vệ sĩ của bọn họ. Khi nhìn thấy cả bộ trứng Giáng Sinh, Philip kinh ngạc sửng sốt :
- Sao nhiều thế ạ ?
Toàn bộ có đến 432 quả trứng, chứa trong 36 cái hộp, mỗi hộp 12 quả trứng. Narumi mỉm cười bảo :
- Có đến 36 nghệ sĩ, mỗi hộp một người.
Philip hoan hô một tiếng, rồi chạy lại lấy ngay chiếc hộp có hình Mr. Shore, mở ra xem. Nghệ nhân chế tác mô hình thật khéo tay. Các bức tượng đều được thiết kế theo phong cách manga, cực kỳ dễ thương. Trên mỗi bức tượng còn được đánh số ‘00’, tức là mô hình mẫu. Philip ôm lấy chiếc hộp, hớn hở nói :
- Đây sẽ là báu vật của em. Em sẽ ôm nó mà ngủ.
...
Dư âm của ‘Lễ hội Giáng sinh Fujiwara’ không chỉ lắng đọng trong lòng hơn triệu du khách trực tiếp tham gia lễ hội mà còn lan truyền nhanh chóng ra toàn thế giới. Tập đoàn Truyền thông La Paz là một trong năm tập đoàn truyền thông hàng đầu nước Mỹ, các kênh truyền hình có lượng thuê bao không nhỏ. Ngoài ra, hệ thống Trung tâm Giải trí Mars có mặt ở khắp năm châu cũng góp phần truyền bá ảnh hưởng của lễ hội qua các màn ảnh rộng đặt khắp nơi trong trung tâm.
Ở Hàn Quốc, các vị khách của Trung tâm Giải trí Mars hào hứng theo dõi trận chiến của ‘Fantasy Team’ và đặc biệt hâm mộ Tae Jin, một người không những đẹp trai mà còn tài giỏi, và quan trọng hơn, cậu ta còn là người Hàn Quốc và chiến thắng cả đội trưởng là một người Mỹ. Danh tiếng của cậu ta nhanh chóng lan truyền trong giới thanh thiếu niên Hàn Quốc, trở thành ‘thần tượng cấp quốc gia’. Rất nhiều người đã kéo đến các Trung tâm Giải trí Mars chỉ để xem trận chiến đó. Đương nhiên, cũng có rất nhiều người chuẩn bị xắn tay áo tham gia các trận chiến trong game.
Ngay hôm sau, chương trình lễ hội đã được đài truyền hình mới nổi Seoul Broadcasting Systems mua lại quyền phát sóng tại Hàn Quốc. Toàn bộ chương trình kéo dài 6 giờ được chia làm 8 tập (mỗi tập 45 phút), liên tục phát sóng và thu hút sự chú ý của đông đảo dân chúng Seoul, thậm chí có rất nhiều người gọi điện thẳng đến nhà đài yêu cầu phát lại chương trình, nhờ đó mà đài truyền hình mới nổi này tạo được tiếng vang không nhỏ, số thuê bao đăng ký mới tăng đáng kể.
Đài Seoul Broadcasting Systems được thành lập vào ngày 9/12/1991, là một đài nghèo, trong suốt những tháng đầu tiên chỉ phát sóng những sự kiện trực tiếp bởi chi phí sản xuất những sự kiện như vậy là thấp hơn so với những chương trình không trực tiếp và việc kiểm duyệt khá ngặt nghèo. Đến ngày 9/10/1992, đài này mới được phép phát sóng tự do. Khi nghe thông tin nóng hổi lan truyền trong giới thanh thiếu niên, lãnh đạo đài này đã nhanh chóng liên hệ với Tập đoàn Truyền thông La Paz, giành được quyền phát sóng chương trình ‘Lễ hội Giáng sinh Fujiwara’, gây tiếng vang trong các cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho nhà đài lắp đặt thêm các trạm thu phát sóng ở ngoài Seoul như Busan, Daegu, ...
Ở Nhật Bản, chương trình được phát sóng trên đài NHK, với ảnh hưởng càng vang dội hơn. Ban nhạc Wagakki nhanh chóng trở thành thần tượng của mọi lứa tuổi người Nhật từ già đến trẻ, và phong cách âm nhạc truyền thống Nhật Bản lên ngôi. Rất nhiều người Nhật mới chợt phát hiện các loại nhạc cụ truyền thống lại có sức hấp dẫn như thế. Liền đó, các chuyên gia văn hóa, đại sư âm nhạc liên tiếp xuất hiện trên báo đài ca công tụng đức ‘Ngài Fujiwara – niềm tự hào của người Nhật Bản’. Bọn họ cũng như những người nước ngoài, đều bỏ qua lời tuyên bố về ‘người Doanh Châu’ của cậu, hoặc xem Doanh Châu cũng là Nhật Bản.
Ở những nơi khác trên thế giới, ở khắp cả năm châu, chương trình cũng tạo được tiếng vang không nhỏ. Đặc biệt là Mr. Shore, minh tinh mới nổi nhưng nhanh chóng trở thành ‘thần tượng cấp thế giới’ với lượng fans khổng lồ. Nhờ đó, các doanh nghiệp của Narumi cũng được quảng cáo rộng rãi đến cộng đồng thế giới, trong đó được lợi nhiều hơn cả là Tập đoàn Công nghệ Mars, Trường Trung học Fujiwara và cuộc thi American Idol.
Trọng Lê là một người Việt định cư tại Mỹ, sống xa quê đã gần hai mươi năm. Là một người hưu trí, ông có nhiều thời gian rảnh rỗi. Đôi lúc ông ngồi trầm ngâm, ánh mắt thẫn thờ như đang dõi về cõi xa xăm, giống như những người già khác, ông nhớ về quê cha đất Tổ. Hôm nay, ông cùng những ông bạn già của mình lái xe đến lĩnh địa Fujiwara chơi. Không giống đám thanh niên, bọn họ không thần tượng Mr. Shore, không mê phim ảnh, cũng không chơi game. Chỉ vì một ông bạn già vô tình nhìn thấy trên truyền hình có chiếu hình ảnh khu vực “The Specialties of Long An” với những mái nhà tranh, lũy tre, ao sen và cầu khỉ, rồi kể cho cả bọn nghe. Những hình ảnh đó càng làm bọn họ nhớ đến quê hương, đặc biệt là cây cầu khỉ, một hình ảnh khá quen thuộc ở vùng quê miệt vườn nghèo khó.
Vào đến quảng trường Fujiwara, cả bọn bất giác sững người khi nhìn thấy những gian hàng hội chợ ở giữa quảng trường. Anh Hai Vân nói :
- Bọn họ mang cả gánh hội chợ ở Việt Nam sang đó nha !
Anh Năm Ve thì xăm xăm đi đến gian hàng đuổi bọ, nhìn con bọ trắng ở giữa quầy đến thất thần. Anh Hai Vân cười bảo :
- Ngày xưa chú Năm từng có thời gian đi theo gánh hội chợ đó nha.
Anh Năm Ve gật đầu nói :
- Ngày xưa em phụ trách quầy đuổi bọ đó.
Ông bác phụ trách gian hàng đuổi bọ nghe bọn họ nói chuyện, liền đến gần hỏi :
- Các chú là người ở đâu ?
Ông bác đã khá già, râu tóc bạc phơ, thân hình hơi gầy, nhưng dáng vóc rất khỏe mạnh. Ông vuốt râu cười bảo :
- Tui là nông dân ở Cần Giuộc, không biết tiếng ngoại quốc, nay gặp đồng hương nên rất vui.
Anh Năm Ve hớn hở nói :
- Tui ở Cần Đước. Xem ra tui với anh là hàng xóm rồi đó.
Cần Giuộc và Cần Đước là hai huyện nằm ở bờ bắc sông Vàm Cỏ, gần vịnh Đồng Tranh, phía bên kia vịnh là Cần Giờ, đối với những người xa xứ cũng có thể xem là hàng xóm. Những người khác cũng xúm lại :
- Tui ở Rạch Giá.
- Tui ở Sa Đéc.
- Còn tui ở Châu Đốc, chỗ có Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam đó.
...
Dịp năm mới 1993 có hai sự kiện lớn khuấy động cả thế giới là sự ra mắt của thần tượng Mr. Shore và game ‘Age of Heroes’.
Mr. Shore với hình tượng nhân vật ‘đặc sắc’ và con đường đến với nghệ thuật đầy trắc trở đã làm xao động con tim của vô số người từ già đến trẻ. Sự nổi tiếng nhanh như hỏa tiễn của cậu ta cũng đã khiến vô số chuyên gia tranh nhau nghiên cứu bàn luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, đa số đều là những lời ngợi khen, nếu có phê bình cũng chỉ dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, bởi vì Mr. Shore đã nhận được sự cảm thông sâu sắc của toàn thể khán giả, thính giả, độc giả, ... trên khắp thế giới. Con đường thành công của cậu ta cứ như một câu chuyện cổ tích, ai nghe thấy cũng mủi lòng. Kẻ nào dám phê phán cậu ta sẽ trở thành kẻ thù của công chúng, đó là kinh nghiệm xương máu của một nhà phê bình âm nhạc ở Los Angeles.
Sự ra mắt của game ‘Age of Heroes’ tuy không oanh động bằng, nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc hơn nhiều. Sau một thời gian chơi thử làm quen, vô số người chơi đã bị thu hút bởi các trận chiến nảy lửa trong game, không chỉ người chơi đặc biệt hưng phấn mà cả người xem cũng bị hấp dẫn. Và vấn đề này đã bị nâng lên đến mức tự tôn dân tộc vào ngày 27/12, khi một người chơi ở Hongkong đột nhiên phát hiện đối thủ đánh bại cậu ta là một người Hàn Quốc. Thông tin lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng người Hoa ở cả ‘Tam địa’(1) và những trận khẩu chiến nảy lửa đã diễn ra liên tục trên các diễn đàn mạng, một môi trường giao lưu mới của giới trẻ.
Đến lúc này, mọi người mới chợt nhận ra hệ thống mạng ở các nước Đông Bắc Á đã được liên kết với nhau. Những người ở Hoa Lục (Quảng Châu, Thâm Quyến), Đài Loan, Hongkong, Macao, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng nhau hoạt động trong một hệ thống mạng khổng lồ. Một người ở Hàn Quốc và một người ở Hongkong có thể cùng trò chuyện, giao lưu, thậm chí là thi đấu với nhau bằng những cái click chuột, rất dễ dàng đơn giản. Báo chí ở Hongkong và Hàn Quốc tranh nhau đưa tin về sự kiện này, rồi sau đó báo chí ở các nơi khác cũng tham gia.
Dư luận thế giới chấn động.
Ngày hôm sau, tâm điểm của báo chí lại chuyển về châu Âu, khi một người chơi ở Pháp đã thua trận trước một người chơi ở Ai Cập, trận chiến trong game là quân đội Arabi đã đánh bại quân đội Roma. Sự kiện này đã làm bùng phát một trận khẩu chiến quy mô lớn hơn so với ở khu vực Đông Bắc Á trước đó (vì số lượng người lướt mạng đông hơn). Theo sau đó là những trận chiến thảm liệt bùng nổ trong game, đến nỗi nhà vận hành game đã phải sửa đổi quy tắc để mỗi trận đấu có người ở cả hai bờ Địa Trung Hải tham gia thì tỷ lệ phải cân bằng 2 : 2 (những trận đấu trong nội bộ châu Âu hoặc châu Phi thì không bị ảnh hưởng).
Ba ngày sau, đến phiên người Mỹ cũng tham gia vào cuộc hỗn chiến này, và do ở Mỹ có số máy tính nối mạng chiếm đến một nửa trong toàn hệ thống mạng nên bất kỳ nơi nào trên mạng cũng thấy có sự hiện diện của người Mỹ.
Thế giới chấn động.
Các chuyên gia bắt đầu bàn luận đến một hệ thống mạng quốc tế - mạng internet. Tập đoàn Công nghệ Mars vẫn giữ yên lặng, không thừa nhận hay phản bác.
Các Trung tâm Giải trí Mars càng đông khách hơn. Cả những người trước nay không quan tâm đến game cũng bắt đầu chú ý đến ‘Age of Heroes’. Một số tờ báo còn dành chuyên trang để tường thuật những trận chiến đặc sắc, không ngờ lại thu hút đông đảo độc giả.
Một ký giả ghé vào một Trung tâm Giải trí Mars ở giữa thành phố Quảng Châu để tìm tư liệu, đột nhiên phát hiện có một cụ già đang ngồi trước một màn hình máy tính với vẻ rất chăm chú, mặc dù động tác có hơi chậm chạp. Anh ta rất ngạc nhiên, vội chạy đến xem. Thật không ngờ ! Ông cụ đang chơi game ‘Age of Heroes’, bên cạnh còn có người cháu trai hướng dẫn. Anh ký giả liền hỏi người cháu :
- Cụ ấy cũng thích chơi game nữa ư ?
Người cháu nhăn nhó bảo :
- Không. Ông nội chỉ chơi game ‘Age of Heroes’ mà thôi.
- Tại sao ?
Ông cụ đột nhiên quay lại, lớn tiếng nói :
- Ta là một lão Hồng quân, tuy già nhưng vẫn còn gân, vẫn còn sức đánh quỷ tử tơi bời hoa lá.
Thái độ ông cụ cực kỳ hăng hái, người cháu chỉ biết cười khổ, chỉ vào màn hình nói :
- Ông nội. Quỷ tử tiến thôn kìa !
Ông cụ giật mình, quay lại với game, phản ứng cũng rất nhanh nhạy, miệng còn lẩm bẩm :
- Quỷ tử đáng chết. Quỷ tử đáng chết.
Anh ký giả đứng xem ông cụ chơi một lúc, rồi quay sang hỏi nhỏ người cháu :
- Ông nội anh chơi chậm như thế, có sao không ? Đừng để ông cụ đánh thua rồi buồn lòng.
- Không sao đâu. Ông nội chơi với máy, chọn chế độ dễ nhất, tốc độ chậm nhất. Dù không được toàn thắng thì cũng có thắng có thua.
Bài báo của anh ký giả đã gây chú ý lớn trong dư luận, thu hút càng nhiều người đến với game, trong đó có không ít các ‘lão Hồng quân’. Một số đại gia, thiếu gia còn bỏ tiền tổ chức các đội tuyển, rồi thách đấu với nhau để tranh thể diện hay giải quyết ân oán. Tình hình khá hỗn loạn.
(1) Tam địa : chỉ ba xứ người Hoa có thể chế khác nhau là Đại Lục, Đài Loan và Hongkong – Macao.