Thành đi học rồi, chị Hà ngồi trò chuyện với tôi một lát rồi cũng có việc ra ngoài. Tôi không ở chơi với bác lâu hơn mà xin phép ra về. Tôi muốn gửi bác chút tiền thêm nhờ lo cho Thành nhưng hiện tại chưa phải lúc, đợt trước tôi gửi về nhờ bác nuôi Thành là năm triệu, bác có bảo hết bác sẽ nói tôi đưa tiếp, tôi hiểu bác sẽ còn lâu mới nói để tôi đưa thêm nhưng quả thực lúc này tôi không thể lo hơn cho Thành được, tôi đành nhờ cả ở bác.
Tôi về đến nhà quét sân một lượt, gom lá rụng về một góc, vào bếp đun thêm nước để trưa về có nước uống rồi mở tủ lấy giấy tờ, sau đó đạp xe đạp ra công an xã làm thủ tục xin cấp lại chứng minh thư. Thủ tục xin cấp lại cũng không phức tạp như tôi hình dung, chỉ phải chờ hơi lâu mà thôi. Chú công an hẹn tôi sau mười lăm ngày đến lấy, tôi dự định đưa giấy hẹn nhờ cu Thành lấy giúp tôi chứ cũng khó về ngay được.
Tôi rẽ qua chợ mua ít đồ ăn trưa rồi về nhà xách hai quả mít để lên giỏ xe phóng về hướng nhà cô Doan. Nhà chú Hưng cách nhà cô Doan không xa, tôi tạt qua nhà chú trước biếu chú quả mít rồi mới đến nhà cô Doan. Cô thấy tôi thì có chút ngạc nhiên. Mở cổng để tôi dắt xe vào sân, cô hỏi:
– Không đi làm mà lại về chơi với cô thế này hả cháu?
– Cháu có chút việc nên về thôi cô, chiều cháu lại về thành phố. Chú Hạnh với hai em có nhà không cô?
– Chú Hạnh đi làm rồi, cô cũng vừa từ đồng về. Hai đứa thì đi học, nhà có mình cô thôi.
– Vâng… lâu ngày không gặp chú với hai em cháu cũng muốn gặp mà tiếc quá. Cháu có quả mít vườn nhà mới chín, cháu biếu cô chú ạ.
Tôi nhấc quả mít nặng hai cân đưa cho cô. Cô Doan cười hiền nói:
– Cứ phải khách sáo thế, để mà hai đứa ăn chứ, nhà cô chú cũng đầy hoa quả có ăn hết được đâu.
– Hì hì… mít tố nữ này quý lắm chứ cô, chính tay bố cháu mua giống ở đại học Nông nghiệp đấy ạ.
– Được rồi… thế cho cô xin, vào nhà cho mát cháu.
Tôi theo cô vào bàn nước, ngồi nói chuyện một lát thì cái Phượng con gái lớn của cô về nhà. Nó dừng xe đạp ở sân, giọng choe chóe cất lên:
– Ai đến chơi nhà mình thế hả mẹ?
Tôi nghe vậy liền nói với ra:
– Phượng à, chị Thảo đây, vừa đi học về à em?
– A chị Thảo… em chào chị. Ui quả mít ngon thế, mít nhà chị đúng không?
– Cái con bé này… chỉ ăn là nhanh thôi!
Cô Doan quát yêu con gái. Tôi cười gật đầu với con bé:
– Đúng rồi đấy em, năm ngoái cũng ăn ở nhà chị rồi nhỉ?
– Vâng… ngon cực kỳ luôn ấy… mà chị về chơi hay có việc gì không ạ?
Phượng hỏi rồi ngồi xuống cạnh tôi, nhanh tay rót nước thêm vào cốc cho tôi. Con bé này nhanh mồm nhanh miệng, xinh gái khéo léo ai cũng quý. Tôi mỉm cười trả lời con bé:
– Chị về có chút việc, chiều chị lại lên thành phố rồi không ở lâu hơn được.
Phượng tự rót một cốc nước uống ực một hơi rồi nói tiếp:
– Eo em thích lên thành phố cực, ở quê buồn chết luôn. Em học dốt lắm không học cao được như chị đâu, em định tháng sáu này thi xong là em khăn gói lên đó tìm chỗ học trang điểm làm tóc đấy.
– Chị cũng học không đến nơi nên giờ khó tìm việc lắm, nếu có thể thì em nên học lên sẽ ổn định hơn…
Tôi chân thành khuyên, con bé bĩu môi nói tiếp:
– Thôi học đau đầu lắm, mà giờ chị ở với ai hay ở một mình trên thành phố thế, tháng sáu này em lên đó chị em mình ở cùng nhau được không?
Tôi chợt phân vân. Quả thực tôi đang cần người ở ghép nếu muốn tách ra riêng, ở cùng Thịnh mãi làm sao được nhưng… sâu trong lòng lại không muốn như vậy. Tôi đang muốn ở cùng Thịnh là sự thật! Tôi áy náy, mặt bỗng đỏ lựng lên mà ậm ừ trả lời:
– Ừ… chị đang ở với bạn, bao giờ em lên chị em mình tính tiếp nhé!
– Ê… bạn trai hay bạn gái mà mặt chị đỏ ửng lên thế, khai mau!
– Con bé này… bạn gái, được chưa?
Tôi hốt hoảng đành nói dối, Phượng vẫn không tha mà quay sang mẹ nó tìm đồng minh:
– Ai mà biết mẹ nhờ? Chị Thảo xinh thế này thiếu gì người yêu!
– Con này, chị mày có phải đứa vớ vẩn đâu, nghĩ linh tinh!
Phượng cười cười thôi không nói tiếp chủ đề này nữa, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Đúng là việc ở cùng một người đàn ông trong mắt người khác là “vớ vẩn”, là “dễ dãi”, nhưng mà… tôi đang lựa chọn điều này, cũng đang không thể khác. Phượng gọt quả dưa lê trên bàn đỡ mẹ nó tiếp tôi rồi nói thêm vài chuyện. Con bé nói nó đã liên hệ được nơi học nghề trên thành phố rồi, nó đang háo hức lắm. Tôi nhìn thái độ vui vẻ của nó mà cũng vui lây. Tôi tin Phượng hợp với công việc mà nó lựa chọn, được vậy tôi cũng mừng cho nó.
Món nợ cô Doan tôi chưa dám nhắc đến vì hiện tại tôi vẫn đang nợ nần, chưa thể trả ngay cho cô được, nhất định khi kiếm được một ít tôi sẽ sớm hoàn trả lại cho cô. Mấy ngày cô ở viện chăm sóc cu Thành, tôi đã đưa cho cô ít tiền vừa nhờ cô mua đồ ăn cho thằng bé vừa để biếu cô một chút, cuối cùng cô cũng đưa hết cho cu Thành nhưng mãi sau cu Thành nhắn tôi mới biết.
Tôi ngồi chơi thêm một lúc với hai mẹ con cô Doan rồi một mình trở về ngôi nhà quạnh vắng, sắp đồ sắp bếp nấu bữa trưa chờ cu Thành đi học về. Cơm canh đơn giản cũng làm căn bếp ấm cúng lên hẳn.
Nghĩ đến trưa mai “khởi nghiệp” mà lòng tôi nửa hồi hộp phấn khích nửa lo lắng không yên. Tôi dự tính ngày đầu chỉ làm độ hai mươi suất cơm để tránh không bán hết. Tôi đã ghi trên tờ rơi, ngày đầu mở hàng tôi khuyến mại chỉ hai mươi nghìn một suất trong khi suất ăn thông thường là ba mươi nghìn, hi vọng sẽ sớm hết hàng. Tôi không có nhiều vật dụng làm bếp nên chỉ có thể làm suất cơm theo món cố định chứ không thoải mái cho khách chọn món được. Dự tính lâu dài của tôi sẽ là kiểu buffet ăn trưa nếu được khách hàng ủng hộ, như vậy bản thân người bán cũng rảnh tay hơn khi khách hàng tự gắp đồ ăn. Tôi cũng sẽ tìm hiểu quán cơm “đối thủ” trực tiếp của tôi ở cách không xa nơi tôi làm việc, nơi lúc trước nhóm thợ buộc phải ăn và rồi chịu “Tào Tháo rượt” nhiều lần…
Mải nghĩ ngợi tôi bỗng nghe có tiếng xe đạp, vui vẻ ra đón cu Thành đi học về, tay đỡ lấy chiếc ba lô trên đôi vai gầy guộc đem vào nhà. Lâu lắm rồi thằng bé mới được ở bên tôi như thế này, nó cứ tíu ta tíu tít kể chuyện, tôi chỉ biết mỉm cười, thi thoảng lại gắp miếng cánh gà chiên mắm nó thích vào bát cho nó, dặn dò nó ở nhà phải ngoan, phải nghe lời bác Tuấn, nghe lời chị Hà, còn anh Kiên thì đừng học theo tính xấu cờ bạc của anh ấy mà khốn khổ. Thằng bé ngoan ngoãn vâng dạ, nó hứa với tôi sẽ học hành nghiêm chỉnh, năm sau cuối cấp nó còn muốn ra thành phố thi vào trường chuyên nữa. Tôi mừng vì em tôi có chí học hành, tôi cũng hiểu mình cần phải cố gắng nhiều hơn để mang lại một tương lai tốt nhất có thể cho em, dù có phải vất vả thế nào đi chăng nữa tôi cũng cam lòng.