Điện Càn Thành – tẩm cung của hoàng đế.
Lê Hạo đang trầm tư suy nghĩ biểu hiện khác lạ của mẫu hậu hắn lúc ở Quỳnh Lâm yến. Kể từ thời điểm Trần Phong bước ra đối đáp với Nguyễn Sư Hồi, bà tựa như kinh ngạc, lại vui sướng, rồi như lo lắng, trong lo lắng lại mang chút quang mang hi vọng. Hắn càng nghĩ càng cảm thấy nghi hoặc không thôi.
Mọi nghi vấn cứ thi nhau hiện lên. Tại sao mẫu hậu lại có thái độ khác thường khi gặp tam đệ? Lẽ nào người đã từng gặp đệ ấy nơi nào sao?
Cũng không phải! Ánh mắt của mẫu hậu không giống như đang nhìn người quen mà… mà càng giống như xuyên qua tam đệ nhìn người khác. Mà người này… có quan hệ gì với mẫu hậu? Tại sao người lại thất thố như vậy? Đang miên man suy nghĩ thì Tiểu Phúc Tử vào báo:
“Tâu hoàng thượng, cung nữ trưởng sự điện Thừa Hoa – Xuân Mai xin yết kiến ạ.”
Nghe báo Lê Hạo ngẩn người? Xuân Mai đến đây làm gì? Nghĩ thì nghĩ vậy Lê Hạo cũng không chậm trễ:
“Truyền.”
Lát sau, một cung nữ gương mặt khá thanh tú, ổn trọng tiến vào. Cô là đại cung nữ bên cạnh thái hậu.
Xuân Mai đến trước mặt Lê Hạo nhún người thi lễ:
“Tham kiến bệ hạ.”
“Miễn lễ. Xuân Mai, ngươi không ở cạnh thái hậu hầu hạ mà đến đây là có chuyện gì?”
“Tâu bệ hạ, thái hậu mời ngài di giá đến Thừa Hoa điện một chuyến.”
Nghe là mẫu hậu truyền gọi. Lê Hạo lập tức cho người chuẩn bị xa giá. Tuy không biết là chuyện gì nhưng Lê Hạo ẩn ẩn đoán, chuyện này có lẽ liên quan đến tam đệ của hắn.
Điện Thừa Hoa.
Tẩm điện của Thánh mẫu hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – mẹ ruột của đương kim thánh thượng. Phụ thân là khai quốc công thần Chương Khánh công Ngô Từ, sau được gia tặng là Ý Quốc công, qua đời vào năm Thái Hòa thứ mười một dưới sự trị vì của Tuyên Hoàng đế. Mẫu thân là Ý Quốc Thái phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế, qua đời lúc bà còn nhỏ, vì vậy bà sống với bà ngoại cho đến lúc thành nhân. Tương truyền bà ngoại bà Trần Ngọc Huy là hậu duệ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.
Lúc này, thái hậu đang ngồi dựa cẩm đôn đôi mắt xa xăm, u buồn cũng không làm mất vẻ ung dung quý khí. Tuy đã bước vào độ tuổi tứ tuần, nhưng nhìn dáng vẻ của bà không khó nhận ra lúc trẻ, bà cũng là một mỹ nhân sắc nước hương trời.
Thiệu Bình năm thứ ba, khi mười bốn tuổi, theo lệ bà được tuyển vào cung hầu vua. Đại Bảo năm thứ nhất, bà được sắc phong Tiệp dư, ngự ở cung Khánh Phương.
Đại Bảo năm thứ hai, lập xuân bà hạ sinh ngũ công chúa Lê Ngọc Phương. Đại Bảo năm thứ ba, sinh hạ tứ hoàng tử Lê Hạo, tức đương kim thánh thượng.
Từ ngày con trai đăng cơ, thái hậu đã vào ở điện Thừa Hoa, ăn chay niệm phật không quan tâm đến chính sự triều đình.
Trải qua bao thăng trầm đau khổ, bà đã ngộ ra: Quyền thế, vinh hoa phú quý chỉ là áng phù vân, nước chảy mây trôi, chết cũng không thể mang theo. Bà chỉ mong học phật, tu tâm cho lòng bình yên, thanh thản không vướng bận sự đời.
Hôm nay, nhi tử đến thỉnh an ngõ lời muốn bà cùng tham gia Quỳnh Lâm yến. Với lý do là để cho các sĩ tử thấy được sự coi trọng của hoàng gia và triều đình mà càng ra sức phò tá giúp dân giúp nước.
Thật ra, đó chỉ là một trong số các lý do mà thôi. Bà biết hảo ý của con trai, nó không muốn bà cứ mãi ở trong cung không ra ngoài, nên đưa ra lý do như vậy để nhờ vả.
Dù biết là vậy, nhưng bà cũng không nỡ từ chối. Có lẽ lúc quyết định, bà cũng không ngờ rằng, hôm nay bà sẽ được gặp lại bóng hình cố nhân…
Chuyện xưa ngày nào, hiện về trước mắt như thể mới hôm qua. Bà những tưởng mình đã quên, đã đưa nó vào dĩ vãng… Nào ngờ… Không phải bà đã quên mà chỉ là bà không dám nhớ nên đã đem nó chôn sâu tận đáy lòng, không dám đối diện cùng nó. Nay bỗng nhiên dáng vẻ phong thái cố nhân tái hiện, làm lòng bà dậy sóng. Một hy vọng lóe lên, kèm theo là một nỗi sợ hãi vô hình.
Bà sợ hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng tăng…
“Tâu thái hậu, bệ hạ đã đến.”
Vội lao giọt lệ nơi khóe mắt, bà lập tức ngồi ngay ngắn lại.
“Hoàng thượng giá lâm.”
Lê Hạo bước nhanh vào thì thấy mẫu hậu đang ngồi trên cẩm đôn. Vội bước đến thi lễ và hỏi:
“Mẫu thân, người cho gọi con đến có chuyện gì ạ?”
Lúc bình thường Lê Hạo thích gọi mẫu hậu bằng mẫu thân hơn. Nghe nó ấm áp thân thương.
Bỗng nhiên, Lê Hạo nhíu mày, giọng ẩn hàm tức giận:
“Người khóc? Ai?”
“Không có gì, con không cần lo lắng. Không có ai chọc giận ta cả. Được rồi, con đừng nhíu mày nữa…”
Bà vừa nói vừa đưa tay xoa nhẹ ấn đường đã nhăn thành chữ xuyên của con.
“Ta muốn hỏi con chuyện của Trần trạng nguyên.”
“Trần trạng nguyên?” Mẫu hậu quả nhiên muốn hỏi chuyện của tam đệ.
“Tại sao người lại muốn biết?”
Bà đứng dậy đi tới vài bước, thở dài xa xăm:
“Con không thấy Trần Phong rất giống một người sao?”
Giống sao? Đúng vậy! Lúc mới gặp tam đệ hắn cũng có cảm giác thân quen như là đã gặp ở đâu rồi. Nhưng mà nghĩ mãi vẫn không ra là đã gặp ở đâu. Thế nên cũng chỉ nghĩ là hai người nhất kiến như cố, tới hôm nay hắn đã quên phắt cái cảm giác ngày đó. Nay mẫu hậu hỏi như vậy, lẽ nào… người mẫu hậu nhắc đến ta cũng có quen sao? Nhưng mà… nếu quen thì tại sao ta lại không nhớ chứ?
“Con không nhớ cũng đúng. Ta chỉ cho con xem chân dung của người lúc con còn nhỏ chứ chưa gặp chân nhân mà.” Bà vừa nói vừa tiến lại bàn trang điểm mở họp trang sức sau đó lấy ra một bức hoạ đã dần phai màu theo năm tháng. Vừa thấy bức tranh Lê Hạo sửng sốt. Đầu óc cũng càng ngày càng rõ ràng hơn, dáng vẻ Trần Phong và người trong bức tranh ngày càng hòa hợp. Chỉ khác người trong tranh già hơn Trần Phong hiện tại mà thôi.
“Là Ức Trai tiên sinh…”
“Trần Phong… rất giống… Ức Trai tiên sinh! Hèn chi ngay vào lần đầu gặp con cứ cảm thấy đệ ấy rất quen thuộc và thân thiết…”
“Đúng vậy. Thế nên ta nghi ngờ… Trần Phong chính là hậu duệ còn sống sót của Ức Trai tiên sinh! Vì vậy ta muốn hỏi con về lai lịch của cậu ta.”
“Lai lịch của tam đệ?”
“Tam đệ?” Thái hậu nghiêng đầu, mắt nghi hoặc nhìn con trai.
“Dạ, trước khi đăng cơ hai năm con đã cải trang vi hành xuống phía nam… nên…” Hoàng đế mắt mơ hồ nhớ lại chuyện xưa, hồn nhiên buột miệng nói hết.
“Cải trang vi hành?”
Chết! Quên mất!
Lê Hạo vội vàng cười làm lành:
“Mẫu hậu… nhi thần chỉ… chỉ là đi một chút… đúng vậy chỉ một chút thôi.”
Lê Hạo có một tật xấu là chỉ cần hắn muốn che lấp chuyện gì thì tức khắc sẽ đổi xưng hô gọi mẫu hậu và tự xưng nhi thần.
Có lẽ hắn cũng không biết hoặc là không để ý. Nhưng làm mẹ sao bà không biết được.
Thở dài. Thôi! Từ lúc bà giao gánh nặng đó cho con, bà cũng đã không thể xen vào quyết định của con rồi.
Thấy mẫu hậu có vẻ không truy cứu chuyện này nữa hắn mới vội lao mồ hôi trên trán rồi kể tiếp trong bụng còn thầm than nguy hiểm thật:
“Trong lúc đó, con đã gặp và kết bạn với ba người bằng hữu, sau đó cùng họ kết nghĩa kim lang. Tính theo tuổi con lớn nhất nên là đại ca.” Cũng chỉ lớn hơn có mấy tháng…
“Trần Phong là tam đệ, nhị đệ chính là đứa con trai thứ chín của tướng quốc Nguyễn Xí tên là Nguyễn Bách hiện đệ ấy đang giữ chức trong quân đội, tứ đệ… ừm… nhà tứ đệ chính là hoàng thương chuyên cung cấp đồ cho hoàng thất. Về thân phận của tam đệ thì… Thật ra… Con cũng không biết rõ… Đệ ấy chỉ nói cha mẹ đều qua đời, bản thân thì sống nhờ nhà ông ngoại.”
Cành nghe nói bà càng bất ngờ, bởi biết con chi bằng mẹ. Con bà xưa nay tuy bề ngoài bình dị gần gũi nhưng thật ra tâm phòng người rất nặng, chưa một ai có thể tiếp cận nó mà nó chưa rõ thân thế gốc gác của người đó. Nay con trai bà không những đã kết nghĩa huynh đệ, hơn nữa đến bây giờ còn chưa cho người tra gốc rễ người ta…
⁂
Diên Ninh năm thứ năm.
Bình Nguyên Vương phủ thư phòng. Một thiếu niên thân vận hoàng y, thiên tư rạng rỡ, dáng vẻ uy nghi, đang ngồi sau án thư yên lặng đọc sách.
Hắn chính là chủ nhân của vương phủ này. Bình Nguyên Vương Lê Hạo.
Thiếu niên chợt thở dài, buông sách xuống, đứng dậy mở cửa, bước ra vườn. Hắn đứng lại trước một chậu cây cành lá xum xuê. Sau đó, như cảm thấy có gì thú vị, hắn vươn tay chạm vào giọt sương trong suốt còn đọng lại trên lá.
Chút mát lạnh ở đầu ngón tay làm đầu óc Lê Hạo trở nên tỉnh táo thanh minh hơn.
Đã sáu năm qua, kể từ khi hắn tiếp nhận Bí doanh. Đến nay, nó đã đi vào hoạt động ổn định, mật thám được trải dài từ bắc chí nam từ triều đình đến dân dã, chỉ cần có chút gió thổi cây lay Lê Hạo đều có thể trước tiên biết đến.
Lúc này, hắn mới chân chính cảm nhận sự đáng sợ của Bí doanh. Lưỡi kiếm tử thần không phải chỉ là hư danh.
Bây giờ hắn mới khởi động trở lại đã lợi hại như vậy. Huống chi vào thời kỳ nó phồn thịnh nhất, thì tuyệt đối sẽ là một mạng lưới vô khổng bất nhập – không chỗ nào là không có.
Nó là một thanh kiếm tử thần vô hình lúc nào cũng trực chờ xé sát tất cả mọi người bị nó nhắm trúng. Lê Hạo đang nghĩ thì một thiếu niên ăn mặc bình thường mới nhìn qua không để lại ấn tượng nào hết.
“Chủ tử, có tin tức phía Nam truyền về.”
“Đưa đây!” Lê Hạo xem xong liền trầm tư. Gương mặt niên thiếu toát lên nét kiên nghị. Hắn quay qua:
“Lê Nhất. Gọi Lê Nhị đến đây bổn vương có chuyện muốn hắn làm.”
Lê Nhất theo lệnh rời khỏi lát sau hắn mang một thiếu niên cùng tuổi đến:
“Chủ tử người truyền thuộc hạ đến có chuyện gì phân phó?”
“Lê Nhị phía Nam có chút chuyện ta cần rời vương phủ một thời gian. Bản lĩnh dịch dung và khẩu kỹ của ngươi càng ngày càng tốt nên bổn vương muốn ngươi dịch dung thành ta ở lại vương phủ cho đến ngày bổn vương trở về. Trong thời gian ta đi vắng ngươi cứ giả bệnh đóng cửa vương phủ không tiếp khách nếu không cần thiết thì không cần ra ngoài.”
“Nhưng chủ tử ngươi đi như vậy… Ai bảo vệ người? Lỡ gặp nguy hiểm thì phải làm sao?”
“Không sao! Lê Nhất võ công khá cao hắn sẽ đi theo cùng với ta. Với lại ngươi đừng quên cứ điểm Bí doanh có mặt khắp nơi nếu thật sự có nguy hiểm gì ta nhất định sẽ phóng tín hiệu cầu cứu.”
“Vậy… Chủ tử người đi sớm về sớm… Thuộc hạ nhất định sẽ thủ vương phủ thật cẩn thận… Đại ca huynh nhất định phải bảo vệ tốt cho chủ tử không được để người gặp nguy hiểm, có chuyện gì cũng phải nói với chủ tử một tiếng. Đúng rồi, quyển sách này huynh cầm lấy…” Hả? Sách gì đây?
“Đây là sách đệ tổng kết kinh nghiệm đi xa nhà mặc dù không đầy đủ hết nhưng cũng có những phần cơ bản huynh xem kỹ rồi nhớ, đầu óc huynh không tốt dùng bằng chủ tử cho nên có chuyện gì không hiểu cứ hỏi người.”
Nhị đệ ta chỉ phản ứng chậm chút thôi đệ có cần xài xể ta như vậy không? Dầu gì ta cũng là đại ca của đệ.
⁂
Hải Tây Đạo – Lộ Thuận Hóa (Theo Đại Việt sử ký toàn thư Nhà nước Lê Sơ cho đến trước năm 1469 thời vua Lê Thánh Tông chính quyền địa phương chia làm năm đạo gồm: Đông đạo, Bắc đạo, Tây đạo, Nam đạo và Hải Tây đạo. Hải Tây đạo có các lộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa.)
Lúc này trên quan đạo một thiếu niên đang bước đi vội vả dưới trời trưa nắng gắt. Gương mặt lắm bụi phong trần pha lẫn mồ hồi cũng không giấu được phong thái rạng ngời của hắn. Hắn chính là Trần Phong. Ba tháng trước Trần Phong bị người tập kích, Lý Hàn vì cứu hắn mà bị thương rơi xuống sông mất tích. Chờ mãi không có tin tức Trần Phong sốt ruột nên đã gạt ông ngoại rời nhà đi tìm người, nhất định phải sống thấy người, chết thấy xác. Đang đi, bỗng Trần Phong đứng lại, ngồi xuống ven đường nhặt các cục đá nhỏ rồi sắp xếp chúng theo một thứ tự nhất định xong đâu đấy liền đứng dậy bỏ đi. Lát sau, chỗ đá đó xuất hiện hai bóng người, một mắc áo đỏ một mặc áo tím, người áo đỏ vừa xem đóng đá vừa quay sang:
“Tử Ảnh ngươi nói xem chủ tử vừa làm gì với mấy cục đá này vậy?”
Vừa nói xong người áo đỏ bỗng thảng thốt:
“Chết! Trúng kế! Tránh nhanh!”
Tử Ảnh nghe nói cũng vội đề khí nhảy xa ra mấy mét, vừa thở vừa hỏi:
“Sao vậy Xích đại ca? Huynh? Không lẽ…”
Xích Ảnh cười khổ:
“Đúng vậy! Chúng ta chỉ mãi nghĩ xem chủ tử để lại ký hiệu gì mà không ngờ đến chủ tử lại để rắc thuốc mê xung quanh đó để thuốc tán vào trong gió may mà phát hiện sớm nếu không giờ này chúng ta…”
“Lần nào cũng vậy… Chúng ta đều bị chủ tử cắt đuôi…”
Sau khi cắt xong hai cái đuôi phiền phức Trần Phong vì bảo hiểm không đi quan đạo nữa mà dựa vào bản đồ chọn đường tắt đi.
Đi được khá lâu Trần Phong bỗng thấy phía trước có bóng người nằm sóng soải trên đường.
Trần Phong vội chạy đến thì thấy một thiếu niên nằm bất tỉnh tại đó không biết còn sống hay không hắn quỳ một chân xuống bên cạnh lấy tay dò thử mũi thấy còn hơi thở nhưng hơi yếu ớt.
Trần Phong quay xuống thì thấy trên mu bàn tay có hai vết dấu răng đang chảy máu, xung quanh trở nên sưng nề lên. Là dấu rắn cắn.
Vội lấy khăn buộc lại cổ tay thiếu niên. Sau đó lấy dao găm đang giắt bên hông ra ngâm vào rượu, rồi lấy nó rạch lên miệng vết cắn, rạch hoàn chỉnh liền cúi đầu xuống dùng miệng hút máu độc ra.
Cuối cùng, lấy bầu rượu hớp một ngụm rồi phun vào miệng vết thương.
Xong đâu đó hắn lấy ra một viên thuốc cho thiếu niên uống, lòng thầm nghĩ không biết thuốc này có hiệu quả không. Thấy thiếu niên vẫn chưa tỉnh sợ độc còn chưa thanh hết, không còn cách nào khác Trần Phong đành phải đỡ thiếu niên dậy rồi cõng đi tìm đại phu.
Vừa cõng Trần Phong vừa thầm thở dài, không biết đến lúc nào mới tìm được quan đạo. Lúc nãy vì cắt đuôi đám thuộc hạ mà chọn đường tắt giờ muốn ra quan đạo tìm người… Thật là một vòng lẩn quẩn.
Đi hơn một canh giờ rốt cuộc cũng ra đường lớn đến thành trấn Trần Phong thở phào nhẹ nhỏm, may mà ra được…
Sao mà vẫn chưa tỉnh nhỉ không lẽ độc thật sự còn trong cơ thể cậu ta sao? Không được, giúp người giúp đến cùng, tiễn phật tiễn tới tây thiên.
Đi tìm đại phu trước.
Trần Phong đến hỏi một lão ông đang đi trên đường:
“Lão bá cho cháu hỏi, ở đây có vị đại phu nào không ạ? Huynh đệ cháu bị rắn độc cắn không biết…”
“À cháu đi đến cuối đoạn đường rẽ phải đi thêm năm trượng thì đến nhà vị đại phu chuyên chữa về loại này, ở đó chỉ có nhà của ông ấy thôi rất dễ tìm.”
“Cám ơn lão bá. Cháu xin cáo từ.”
Trần Phong quay lưng đi nên không thấy mắt ông lão bỗng lóe lên tia sắc bén rồi biến mất nhanh chóng. Theo lời chỉ dẫn, Trần Phong cõng thiếu niên đi đến căn nhà người đại phu đó. Đến trước cổng nhà đưa tay gõ cửa lát sau một cậu bé ra mở cửa:
“Mời vào.”
Thấy cậu bé chưa hỏi gì đã mời vào Trần Phong lấy làm lạ nhưng chợt nghĩ có lẽ hằng ngày có nhiều người đến tìm đại phu chữa bệnh nên cậu bé mới theo thói quen mà mời vào. Đi theo cậu bé đến một căn phòng. Vừa vào thì một giọng nói vang lên:
“Tiểu huynh đệ đã đến rồi?”
“Là ông???”
Thì ra là ông lão chỉ đường lúc nãy. Trần Phong vừa hỏi vừa lui một bước về phía sau, đề phòng nhìn ông ta.
Ông lão vuốt râu mỉm cười:
“Chàng trai sao vậy? Ngươi không muốn cứu huynh đệ của mình sao? Nếu ngươi đáp ứng ta một chuyện thì ta cứu hắn ta ngay?”
“Độc trong người vị tiểu huynh đệ này dù đã được sơ cứu kịp thời, nhưng vẫn còn dư độc chưa thanh. Nếu trong vòng ba ngày mà không giải hết độc thì hắn ta chết chắc rồi.”
“Hừ…” Trần Phong hừ lạnh, tỏ vẻ hồ nghi.
“Không tin… Ngươi thử nhìn xem có phải môi hắn ta càng ngày càng tím tái, tay chân ngày càng lạnh, hơi thở cũng ngày càng nhẹ, làn da cũng đỏ hơn không?”
Trần Phong vội để thiếu niên xuống xem thử. Quả nhiên là có đủ triệu trứng ông ta kể.
Sao lại thế này. Lẽ nào thuốc giải không hiệu nghiệm?
Nếu vậy thì…
Ta đúng là không còn cách nào. A không… Cách thì vẫn còn chỉ có điều là không có đủ thời gian. Ánh mắt Trần Phong trở nên sắc bén, hắn đứng lên quay lại:
“Ông nói đi! Muốn thế nào mới chịu cứu người?”
“Chỉ cần cậu chịu thử thuốc cho ta là được.”
“Thử thuốc? Ý ông là…”
“Không sai! Chỉ cần cậu chịu uống ba loại thuốc độc mà ta mới chế này ta sẽ cứu hắn ta.”
Vừa nói ông ta vừa lấy ra ba viên thuốc với ba màu khác nhau:
“Cậu uống màu đỏ trước nửa canh giờ sau uống viên màu đen nữa canh giờ sau uống viên màu trắng.”
“Ta vẫn còn chưa đồng ý mà.”
“Thì lão phu để ba viên thuốc tại đó. Khi nào ngươi uống ta sẽ chữa cho vị huynh đệ đó. Lão phu khuyên ngươi, tốt nhất không nên vọng động. Trên đời này ngoại trừ ta ra không ai có thể giải được loại độc này đâu.”
Nói rồi lão phớt qua người Trần Phong ra khỏi phòng.
Trần Phong cắn môi:
“Khoan đã! Nếu ta uống ông sẽ giữ lời hứa chứ.”
“Đương nhiên!”
“Hừ… Lấy gì làm bằng là ông sẽ nói lời giữ lời.”
“Ha ha… lúc này ngoại trừ tin ta thì cậu có thể làm được gì chứ?”
Nghe vậy Trần Phong mỉm cười hỏi chậm rãi:
“Thật vậy sao? Ông hãy nhấn thử đan điền của ông xem có phải rất đau không?”
Lão vội giơ tay nhấn thử rồi hoảng hốt:
“Ngươi? Là lúc nào?”
“Ông còn nhớ lúc nãy, theo lời ông ta ngồi xuống xem tình trạng của đại ca ta sao? Thế nào? Mùi vị dễ chịu chứ hả? Ta biết ông giỏi về độc dược, nhưng thuốc mà ta hạ dù không phải kỳ độc trong thiên hạ. Nhưng muốn trong thời gian ngắn tìm đủ các dược liệu để chế tạo thuốc giải là rất khó. Mà ông hiện tại thiếu nhất chính là thời gian. Giờ chỉ cần ông giữ lời hứa giải độc cho huynh ấy, ta sẽ giao thuốc giải!”
“Đừng hồng… Hừ ta có quy cũ muốn ta cứu người thì phải có người uống ba viên độc dược ta mới chế, còn không… thì không bao giờ. Dù chết ta cũng không phá bỏ quy cũ này.”
“Ta uống là được chứ gì? Mà ông cũng đừng giở trò, thuốc giải ta không mang theo trong người sau khi ông chữa khỏi cho huynh đệ ta, ta sẽ chỉ ông nơi để lấy thuốc, chỉ cần ta uống ba viên thuốc của ông mà vẫn còn sống đến lúc huynh đệ ta tỉnh lại bình an. Còn cách để bảo vệ tánh mạng của ta tới lúc đó, ta nghĩ ông chắc không thiếu gì cách đâu nhỉ?”
Lão đầu oán hận cắn răng:
“Thành giao.”
Trần Phong thở dài có chút sầu lo nhìn theo bóng lão đầu đi khuất. Lòng tự nhủ hi vọng đám thuộc hạ lúc này sẽ cấp lực một chút theo dấu đến kịp thời, phòng tình huống chuyển biến xấu hơn.
⁂
Lúc Trần Phong tỉnh dậy thì thấy bên ngoài trời đã tối không biết lúc này đã là lúc nào rồi từ lúc uống viên thứ nhất cả người đều đau đớn khó nhịn. Toàn thân như chẳng còn tí cảm giác nào. Hắn nhìn chằm chằm nóc nhà tự hỏi một lát. Chống tay cố gắng ngồi dậy thì thấy thiếu niên đang ngồi cạnh đầu giường mình nhắm mắt ngủ gật, thấy cậu ngồi dậy thiếu niên giật mình mở mắt, vui vẻ:
“Ngươi đã tỉnh rồi. Ngươi đã ngủ bảy ngày bảy đêm rồi đó. Không sao chứ? Có cảm giác gì khác lạ không?”
“Bảy ngày bảy đêm? Sao lâu vậy? Ngươi… đã khỏe chưa.”
“Ừm, tại hạ không sao! Cám ơn huynh đã cứu mạng. Tại hạ tên Ngô Thành nhà ở kinh thành tôi rời nhà đi du học. Còn huynh?”
“Tôi tên Trần Phong. Nhà ở lộ Thuận Hóa. Sao huynh lại bị rắn cắn ở chỗ hoang vu như vậy? Tùy tùng của huynh đâu hết rồi?”
“Ừm tôi có một thuộc hạ đi cùng, nhưng giữa đường có chút việc nên tôi đã sai hắn đi giải quyết rồi. Sau đó tôi một mình lên đường, lúc mệt tôi ngồi xuống ven đường nghỉ ngơi không ngờ trong lúc bất cẩn đã bị rắn cắn.”
“A… sao tôi?”
“Huynh muốn hỏi tại sao huynh còn sống hả?”
“Hừ… ngươi tưởng lão phu y thuật là để trưng bày cho chơi thôi sao? Nếu không phải ta y thuật cao minh chút nữa là bị ngươi lừa rồi. Nể tình ngươi lúc lâm nguy vẫn không hạ độc gì đó với ta mà chỉ làm bộ làm dáng nên ta mới cho thuốc giải cứu ngươi… Nếu không giờ này ngươi đã đến diêm vương điện để báo danh rồi.”
“Phong xin đa tạ ân cứu mạng của lão bá.”
“Hừ… không cần đâu… Ta cứu người chỉ thuận mắt thôi. Nếu không thuận mắt ta chả thèm cứu các ngươi làm gì đâu. Ở đó dưỡng bệnh đi, nào khỏi lập tức cút hết cho ta. Ở đây chỉ tổ chướng mắt.”
Nói xong ông quay phắt lưng đi thẳng. Trần Phong mỉm cười. Mình đúng là có máu cờ bạc. Lần này lại thắng cược. Ông lão này, ngoài miệng mặt dù hung ác, nhưng tâm địa không xấu. Thật chả bù… một số người miệng ngọt lời hay, nhưng lòng dạ lại thâm độc hiểm sâu.
Hết chương 8.
Mời các bạn đón xem tiếp chương 9.
Thủy Ngọc Linh.
Ghi chú:
Tuyên Hoàng đế: Thụy hiệu viết tắt của hoàng đế Lê Nhân Tông. Thụy hiệu đầy đủ là Khâm Văn Nhân Hiếu Tuyên Minh Thông Duệ Tuyên Hoàng đế.
Thụy hiệu: Còn gọi là hiệu bụt hoặc tên hèm theo ngôn ngữ Việt Nam, là một dạng tên hiệu đặt ra cho người đã qua đời và mang tính lễ nghi cúng bái.