“Thái hậu nương nương quanh năm lễ Phật, mà tuổi tác đã cao, lực bất tòng tâm, từ lâu đã không để ý chuyện của Hữu Tàng. Những năm gần đây, Hữu Tàng vẫn luôn ở trong tay điện hạ. Ngoài hoàng thượng ra thì không có nhiều người biết việc này. Bổn tọa cũng tưởng đây vẫn là chuyện cơ mật, nhưng hiện giờ xem ra lại không phải như vậy.” Uông Ấn nói, ánh mắt nghiêm nghị.
Chắc hẳn việc Trưởng công chúa điện hạ chấp chưởng Hữu Tàng đã bị người khác biết được. Hơn thế, còn có người muốn chiếm đoạt Hữu Tàng nên mới có vụ đầu độc này.
“Nhưng mà Hữu Tàng trong cung chỉ quản lý vàng ngọc, da thú… những thứ này quý giá nhưng không có công dụng to lớn là bao. Vì Hữu Tàng trong cung chẳng có mấy giá trị mà phải đi hạ độc Trưởng công chúa điện hạ, một việc mạo hiểm như vậy có đáng không?” Diệp Tuy nghe Uông Ấn nói xong thì cảm thấy rất khó hiểu.
Tất nhiên nàng đã từng nghe nói về Hữu Tàng trong cung, và cũng biết nó từng thuộc về Thái Phủ Tự. Đồ vật mà Thái Phủ Tự nắm giữ còn chia ra nhiều như thế, một Hữu Tàng trong cung thật ra chỉ là kho riêng của hoàng thượng mà thôi. Những thứ cất bên trong Hữu Tàng phần lớn là cống phẩm từ các nơi. Đúng là những thứ này cực kì quý giá nhưng không thể quy đổi thành tiền bạc thật sự nên không có công dụng lớn.
Uông Ấn ngẫm nghĩ một lát, cuối cùng vẫn quyết định nói thật với Diệp Tuy: “Cô gái nhỏ, ban đầu Hữu Tàng trực thuộc Thái Phủ Tự, trong đó cất giữ không nhiều đồ vật. Nhưng sau khi hoàng thượng tách Hữu Tàng ra khỏi Thái Phủ Tự đã cất tất cả sản nghiệp của hoàng gia vào đó. Vì vậy đây mới là nơi có giá trị thật sự. Nàng nói xem, sẽ có người không nảy lòng tham với Hữu Tàng có tài sản khổng lồ như thế sao?”
Mọi thứ trong thiên hạ đều là của hoàng gia, nói vậy không sai. Bề ngoài hoàng gia sẽ không làm những việc tranh giành lợi ích với người dân. Tuy nhiên hoàng gia lại bí mật có sản nghiệp, mà những sản nghiệp này dùng để cung cấp và nuôi dưỡng con em trong hoàng tộc, còn có thể làm nền tảng của cải cho hoàng tộc.
Do đó, sao Hữu Tàng trong cung lại không quan trọng cho được?
Sản nghiệp hoàng gia, không kể đến cái khác, chỉ nói riêng tiền trang Nam Bắc thôi đã đủ để khinh thường rất nhiều những thương nhân lớn rồi.
Tiền trang Nam Bắc gần như chiếm một phần ba tiền bạc ở Kinh Triệu. Mỗi thương nhân hầu như đều không tách rời khỏi tiền trang Nam Bắc.
Ai nấy đều biết đằng sau tiền trang Nam Bắc có những mối quan hệ không tầm thường. Rất nhiều người đang suy đoán liệu chủ nhân đích thực của tiền trang Nam Bắc có phải một vị trọng thần nào đó trong triều hay không? Thậm chí có người từng suy đoán liệu đó có phải là Uông đốc chủ của Đề Xưởng không?
Bọn họ đã đoán sai hết cả, chủ nhân của tiền trang Nam Bắc không phải vị trong thần nào, cũng không phải Uông đốc chủ mà là người trong hoàng tộc - Trưởng công chúa điện hạ có địa vị vô cùng tôn quý.
Hiện tại, Trưởng công chúa nói rằng việc bà bị trúng độc là bởi vì Hữu Tàng, như vậy chỉ cần điều tra theo manh mối này thì sự việc sẽ dần dần sáng tỏ.
“Đại nhân, nói chung người quản lý Hữu Tàng đều sẽ là người trong hoàng tộc phải không? Vậy thì những người được lợi chắc chắn là xuất phát từ bọn họ?”
Uông Ấn gật đầu: “Đúng thế, các vị hoàng tử, công chúa, điện hạ, hoàng tử phi và các phi tần trong cung, chỉ cần là người trong hoàng tộc đều sẽ có cơ hội chấp chưởng Hữu Tàng.”
Việc này liên quan đến rất nhiều người. Mặc dù các anh chị em của hoàng thượng chỉ còn lại một mình Trưởng công chúa nhưng hoàng thượng đương độ sung sức, còn Trưởng công chúa thì đã già. Người nào cũng có khả năng làm việc này, rốt cuộc người đó là ai?
Chẳng mấy chốc, Đề Xưởng đã tổng hợp thành một bản danh sách, ghi chép tỉ mỉ về tình hình của các hoàng tử công chúa, hoàng tử phi cùng các phi tần trong cung, đưa tới trước mặt Uông Ấn và Diệp Tuy.
Diệp Tuy nhìn thấy một cái tên mà nàng có ấn tượng sâu sắc trong bản danh sách: Công chúa Đồng Nhạc.
Vĩnh Chiêu Đế có rất nhiều con cái và họ đều không phải người ngu ngốc hồ đồ.
Cũng phải, sinh ra trong lò luyện quyền lực như gia đình hoàng thất, để thuận lợi sống sót, để được sống tốt hơn thì mỗi người trong hoàng tộc trời sinh đã có bản tính và bản lĩnh tranh đấu.
Vị công chúa Đồng Nhạc này là công chúa thứ chín của Vĩnh Chiêu Đế, mẹ của nàng ta là chỉ là một vị tần mà thôi và đã sớm qua đời.
Ai nấy đều biết, trước đây công chúa Hi Bình là người được Vĩnh Chiêu Đế thương yêu nhất. Nhưng sau khi công chúa Hi Bình xảy ra chuyện thì công chúa được hoàng thượng thương yêu nhất là Đồng Nhạc.
Bởi vì mẹ nàng ta mất sớm, Vĩnh Chiêu Đế thương xót cho nàng ta nên đã chọn cho nàng ta một vị phò mã rất được.
Cửu phò mã Hàn Châu Tiết là giám thừa Hồng Lư Tự, gia thế không phải diện bình thường, lại say mê học hành. Tuy chỉ là một con mọt sách nhưng tình tình đơn giản và lương thiện, đối xử rất tốt với công chúa Đồng Nhạc.
Công chúa Đồng Nhạc được Vĩnh Chiêu Đế hết mực yêu thương, hơn nữa lại rất tôn trọng Vi hoàng hậu nên cũng chiếm được sự yêu thích của bà ta. Bởi vậy, người chấp chưởng Hữu Tàng trong cung sau này chính là nàng ta.
Diệp Tuy còn nhớ rõ, vào năm Vĩnh Chiêu thứ hai mươi ba trong kiếp trước là lần đầu tiên nàng gặp công chúa Đồng Nhạc ở trong cung. Khi đó đã có người nói nàng ta đang quản lý Hữu Tàng.
Công chúa Đồng Nhạc lúc đó đúng là ăn mặc lộng lẫy hơn các công chúa khác, lời nói cũng rất có trọng lượng, cả người toát lên vẻ tự tin, phong thái còn hào phóng và ung dung hơn cả công chúa Nguyên Khang, hiển nhiên là có chỗ dựa.
Người chấp chưởng Hữu Tàng trong cung là một bí mật. Diệp Tuy cũng không biết tại sao chuyện công chúa Đồng Nhạc chấp chưởng Hữu Tàng lại bị truyền ra ngoài. Khi đó nàng không biết việc này là thật hay giả. Sau khi Thái Ninh Đế đăng cơ, chuyện công chúa Đồng Nhạc quản lý Hữu Tàng đã được chứng thực.
Sản nghiệp hoàng gia là khối của cải khổng lồ nhường nào. Đương nhiên là không cần phải nói nhiều về tầm ảnh hưởng của nó đối với người trong hoàng tộc.
Nếu là người trong hoàng tộc, nhất là hoàng tử mà có được sản nghiệp của hoàng gia thì sức mạnh và tiền bạc mà nó mang tới chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả tranh đoạt vị trí thừa kế của các hoàng tử. . Truyện Gia Đấu
Tuy nhiên trong kiếp trước nàng chưa từng nghe nói Hữu Tàng cất giữ cả sản nghiệp của hoàng gia. Thái Ninh Đế cũng không có được nhiều lợi ích từ trong những Hữu Tàng này.
Nàng vẫn còn nhớ rõ, hồi đó, sau khi Thái Ninh Đế lên ngôi thì luôn giật gấu vá vai. Nhưng may mà Nam Bình Vương Cố Chương rất biết vơ vét của cải. Sau khi chi chính của nhà họ Cố bị tịch biên tài sản, tài sản tịch biên được từ trong kho của bọn họ đã đủ để quốc khố dùng trong một khoảng thời gian.