Ngay sau hôm Vi hoàng hậu đến điện Tử Thần, Vĩnh Chiêu Đế liền hạ chỉ, lệnh cho: Danh gia vọng tộc phải thực hiện việc di tông dời tộc, ba thế hệ thuộc chi chính và các trưởng lão phải chuyển đến Kinh Triệu, sẽ được ban tặng chức quan từ lục phẩm trở lên, lệnh cho Lại Bộ và Hộ Bộ cùng giải quyết việc này, trong kỳ hạn ba năm, không được để xảy ra sai sót!
Đồng thời, Vĩnh Chiêu Đế còn hạ lệnh: Nhà họ Cố ở Nam Bình làm việc thỏa đáng, tuy cũng phải di tông dời tộc nhưng được miễn tra hộ tịch và tài sản ngầm, đặc biệt ban cho Cố Chương của chi chính nhà họ Cố chức xá nhân Trung Thư! Khâm thử!
(*) Xá nhân Trung Thư là chức quan chịu trách nhiệm soạn thảo chiếu lệnh.
Ý chỉ của Vĩnh Chiêu Đế khiến cho quần thần đều lặng im.
Đến lúc này, tình hình bất ổn trong triều đã có kết quả hết sức rõ ràng, kết thúc bằng thất bại của phe danh gia vọng tộc với việc bọn họ phải chấp hành cả hai tấu chương Uông Ấn dâng lên.
Nhưng điều lạ lùng là nhà họ Cố lại không đứng trong hàng ngũ thất bại, chẳng những được miễn tra xét hộ tịch và tài sản ngầm, giữ lại được nền móng phát triển của mình, mà còn được một chức quan xá nhân Trung Thư, có khả năng tiến thêm một bước lớn mạnh.
Hoàng thượng không khoan nhượng với thế lực của danh gia vọng tộc nhưng lại giữ lại nhà họ Cố ở Nam Bình.
Qua việc này, các quan viên trong triều dần dần ngẫm nghĩ lại, sau đó nhận thức rõ ràng được một điều: Bão tố mưa giông thế nào, cũng đều thuận theo ý đế vương.
Đám người Tạ Giới và Triệu Phác nhất thời không vui, buồn rầu ra mặt, lòng đầy hoang mang.
Họ chợt nhớ đến Trung Thư Lệnh - Khúc Công Độ khi trước. Thật ra, chuyện lần này không khác gì chuyện của Khúc Công Độ, đều là làm trái ý hoàng thượng mà chịu phạt.
Thân làm bề tôi của triều Đại An như đám người Tạ Giới đều hiểu được đạo lý “Dưới gầm trời này, đâu chẳng là đất của đế vương; người sống trên đất này, ai chẳng là thần dân của đế vương”.
Tuy nhiên, người xưa cũng có câu: “Vua chỉ có một, mà bề tôi thì vô số”.
Chính bởi đế vương chỉ có thể xuất thân từ một nhà nên mới cần quần thần từ mọi nơi đến. Bởi lẽ nếu đế vương hồ đồ ngu muội thì vẫn còn các triều thần giúp đỡ và dẫn dắt đi đúng hướng, như vậy nước nhà mới có thể ổn định dài lâu.
Thế nhưng, cách làm của hoàng thượng hiện giờ là: Thuận theo thì sống, chống lại thì chết. Đây tuyệt đối không phải là dấu hiệu của bậc đế vương anh minh!
Thế này thì thử hỏi sao đám người Tạ Giới có thể vui vẻ cho được? Sao mà không buồn rầu cho được?
Có lẽ những quan viên tứ phẩm, ngũ phẩm trong triều không thể suy nghĩ sâu xa như các trọng thần giống như Tạ Giới, nhưng thấy phản ứng các quan chủ quản như vậy thì họ cũng đoán ra được đây không phải chuyện tốt lành gì. Bọn họ cũng không khỏi bùi ngùi, thầm cảm thán nhà họ Cố may mắn.
Xá nhân Trung Thư là chức quan mà rất nhiều danh gia vọng tộc tìm mọi cách mà không giành được, chứ đừng nói đến đám con em trẻ tuổi. Đây là chức quan trên ngũ phẩm, tuy phẩm cấp không cao nhưng giữ quyền phác thảo chiếu thư, hơn nữa còn được làm việc trong Trung Thư Tỉnh, thường xuyên gặp mặt hoàng thượng, quả thực là bề tôi thân cận của đế vương.
Nay, Cố Chương của nhà họ Cố mới hơn hai mươi tuổi đầu đã nhậm chức này, hoàng thượng thật coi trọng nhà họ Cố.
Luận về ân sủng, Cố Chương bây giờ có lẽ chỉ kém Uông đốc chủ năm đó chút ít.
Bất luận thế nào, ý chỉ của hoàng thượng cũng đã tạm thời chấm dứt tình hình chấn động trong triều thời gian qua.
Việc thi hành cụ thể hai chính sách tra hộ tịch cùng tài sản ngầm và di tông dời tộc còn cần rất nhiều thời gian, sẽ không kết thúc chỉ trong vòng hai, ba năm.
Tiếp theo, đương nhiên là các quan viên của Lại Bộ, Hộ Bộ sẽ vô cùng bận rộn, các địa phương trên mười đạo lớn cũng hỗn loạn theo, nhưng đối với các quần thần mà nói thì đây là đại cục đã định.
Triều đình ở Kinh Triệu sau này sẽ dần dần yên ổn.
Tuy nhiên, những gia tộc lớn như nhà họ Lư, họ Thôi lại không thể chấp nhận được kết quả thất bại thảm hại này. Lư Hi Nghiêm và Thôi Minh Thạch khóc ròng, hận không thể lấy cái chết để tạ tội.
“Chúng ta sai rồi, nên tin tưởng vào phán đoán của Cố Kính Chỉ, nên sớm rút ra khỏi chuyện này! Chúng ta đã sai rồi, sai rồi!” Lư Hi Nghiêm đỏ hoe cả mắt, nói với giọng đầy hối hận.
Ông ta là tộc trưởng của nhà họ Lư, là người quyết định hướng đi cho nhà họ Lư, nhưng bởi quyết sách của ông ta mà nhà họ Lư bị tổn thất nặng nề, không biết khi nào mới có thể phục hồi được.
Ông ta hận, rất hận! Hận bản thân tại sao lại thiển cận như vậy, hận bản thân đã thúc đẩy sự kiện ở cửa nguyệt hoa, cũng hận con trai và con dâu mình ban đầu đã chọc vào Uông Ấn.
Nhưng hận nhất lại là nhà họ Cố.
Nếu không phải nhà họ Cố khởi xướng việc các gia tộc lớn liên kết lại thì sao con dâu Thôi thị của ông ta dám vô lễ với Đốc chủ phu nhân? . Truyện Đoản Văn
Nếu không có chuyện xảy ra ở ngõ Chi Vân, có lẽ các gia tộc lớn đã chẳng gặp phải nhiều tai họa đến vậy.
Điều châm chọc nhất là bọn họ thì thảm hại, mà nhà họ Cố lại chẳng tổn thất gì, một bước lên mây trở thành bề tôi được hoàng thượng sủng ái.
Lư Hi Nghiêm chỉ hận không thể đập đầu vào cột, để thời gian quay trở lại thời điểm ban đầu, trở lại trước khi chuyện ở ngõ Chi Vân xảy ra. Không, quay trở lại lúc con trai Lư Hoàng của ông ta chưa nuôi vợ bé ở bên ngoài.
Thôi Minh Thạch trợn mắt nghiến răng, căm hận đáp: “Đúng vậy, chúng ta đã sai! Nhưng sai ở chỗ đã đánh giá thấp Uông Ấn, sai ở chỗ không giết hắn sớm hơn. Nếu Uông Ấn chết thì sao cục diện xoay chuyển theo tình thế này được?”
Các thế gia đều đã âm thầm cử ám vệ, chỉ đợi sau sự kiện cửa nguyệt hoa là sẽ ra tay ám sát Uông Ấn, ai ngờ sự tình lại thay đổi bất ngờ.
Gia nhân của nhà họ Thôi được Đề Xưởng cứu, chuyện đuổi giết ở ngõ Lạc Vân cũng bị Đề Xưởng ém nhẹm. Đợi đến khi bọn họ biết thì đã không có cách nào vào cung ngăn cản nữa, chỉ có thể trơ mắt nhìn gia tộc mình chịu trận.
Thôi Minh Thạch một lần nữa khẳng định dự cảm của mình: Chỉ cần liên quan đến nhà họ Cố đều sẽ chẳng đi đến đâu!
Ông ta hoàn toàn không thể chấp nhận kết quả này. Cho dù hoàng thượng đã hạ chỉ, ông ta cũng phải khiến kẻ nào đó phải trả giá!
Nghe Thôi Minh Thạch nói vậy, Lư Hi Nghiêm thay đổi sắc mặt, không tin nổi mà rằng: “Thôi huynh, đến giờ mà huynh vẫn còn muốn đối phó với Uông Ấn sao? Huynh đừng kích động nữa!”
Vụ xung đột đổ máu ở Quốc Tử Giám, sự kiện thỉnh cầu ở cửa nguyệt hoa, những việc mà các gia tộc lớn muốn làm, có việc nào được thành công? Không thể tiếp tục ngu ngốc nữa!
Thôi Minh Thạch nhắm mắt lại rồi mở ra, hai mắt đỏ vằn, dữ tợn trả lời: “Ta không chỉ muốn đối phó với Uông Ấn mà còn muốn đối phó với cả nhà họ Cố!”
Tuyệt đối không thế bỏ qua cho đồ tiểu nhân đâm sau lưng như nhà họ Cố.
Nghe Thôi Minh Thạch đáp, hai mắt Lư Hi Nghiêm lóe lên, cũng không có cách nào kìm nén được nỗi căm hận ngút trời trong lòng nữa.
So với đòn đánh của kẻ địch, nhát dao đâm sau lưng của đồng minh còn khó tha thứ hơn cả.
Lư Hi Nghiêm vô cùng căm hận nhà họ Cố!
Cuối cùng, ông ta nói: “Thôi huynh, rốt cuộc làm sao để đối phó với hai kẻ này?”
Danh gia vọng tộc đã mất đi thế lực, nhất định không thể mất đi tôn nghiêm và danh vọng, dốc hết hơi tàn điên cuồng một phen cũng không luyến tiếc.