Trong khi quan viên các gia tộc lớn đang dưỡng thương, các quan viên khác đang chờ đợi diễn biến tiếp theo thì gia tộc họ Cố ở Nam Bình đã gửi tấu chương lên Vĩnh Chiêu Đế.
Tấu chương viết rằng: Nhà họ Cố luôn cảm kích và ghi nhớ long ân của hoàng thượng, lại khâm phục đốc chủ đề xưởng biết nhìn xa trông rộng, cho nên rất tán thành với tấu chương của Uông đốc chủ, đồng ý di tông dời tộc, chuyển những trưởng lão thuộc chi chính trong tộc đến Kinh Triệu, xin hoàng thượng ân chuẩn, vân vân.
Lúc bản tấu được truyền ra từ điện Tử Thần đã khiến cả triều đình kinh ngạc, kể cả Uông Ấn.
Uông Ấn không ngờ, nhà họ Cố là danh gia vọng tộc, vậy mà lại đồng ý di tông dời tộc, bằng lòng chủ động làm suy giảm thế lực.
Một hồi lâu sau, Uông Ấn mới thở dài, cảm thán: “Đúng là không phải tự nhiên nhà họ Cố xưng bá ở Nam Bình. Cố Sùng có tầm nhìn xa rộng, làm việc dứt khoát... Khí thế nhà họ Cố còn chưa cạn nhanh thế đâu.”
Nhà họ Cố rời khỏi Kinh Triệu, không tham gia vào sự kiện thỉnh cầu ở cửa nguyệt hoa, chắc hẳn là vì dự đoán trước được tình hình.
Với tiền đề là các gia tộc lớn phải chịu tổn thất, việc nhà họ Cố thuận theo tình thế, chấp nhận hành động làm suy yếu thế lực của mình nhất định sẽ chiếm được thiện cảm của hoàng thượng, để lại ấn tượng sâu sắc “tôn kính hoàng thượng và thức thời” trong lòng bậc đế vương.
Lí do hoàng thượng muốn đàn áp các gia tộc lớn chẳng phải bởi bọn họ nắm thế lực quá lớn và không thức thời sao?
Quan trọng hơn là nhà họ Cố là danh gia vọng tộc, bản tấu này của bọn họ chẳng khác nào phản bội lại phe gia tộc lớn. Nhưng với địa vị của nhà họ Cố, thế lực bần hàn cũng sẽ không tiếp nhận bọn họ. Cho nên bọn họ chắc chắn sẽ bị cô lập.
Nếu muốn tiếp tục phát triển, ngoài dựa vào hoàng thượng ra thì chẳng còn cách nào khác. Vậy là chỉ cần một bản tấu chương, bọn họ vừa tỏ lòng trung thành với hoàng thượng mà vừa vô hình trung buộc chặt mình với đế vương.
Uông Ấn thật sự khâm phục mưu kế này.
Diệp Tuy nghe xong thì trầm lặng, sắc mặt vô cùng lạnh lùng, một lúc lâu sau mới nhếch miệng cười nhạt, nói: “Đúng vậy, sau khi đại nhân bỏ mạng, thế lực nhà họ Cố vùng dậy, mạnh mẽ vô cùng...”
Nếu không phải về sau nhà họ Cố có dã tâm quá lớn, gần như bức bách cả Vĩnh Chiêu Đế thì cũng sẽ chẳng có chuyện chi chính bị tiêu diệt toàn bộ.
Mặc dù vậy, đấy vẫn là chuyện xảy ra sau khi Cố Sùng chết. Hiện tại Cố Sùng còn sống nên Diệp Tuy cũng không cảm thấy kỳ lạ khi nhà họ Cố thoát ra được khỏi vũng bùn mà các gia tộc lớn khác rơi vào.
Nếu nhà họ Cố dễ dàng bị đánh bại như thế thì đã không phải nhà họ Cố ở Nam Bình.
“Sao? Sau khi bổn tọa bỏ mạng, nhà họ Cố mới vùng dậy?” Uông Ấn hơi dãn mày và hỏi.
Từ khi Diệp Tuy thẳng thắn về việc mình biết trước tương lai, thỉnh thoảng hai người lại nhắc đến vấn đề này.
Uông Ấn tin rằng vận mệnh là do mình nắm giữ, nhưng lại không kiêng kị, phản đối những gì Diệp Tuy biết, thậm chí còn rất vui khi nghe nàng nói về những điều đó.
Chỉ có điều, biết rõ việc có liên quan mật thiết đến bản thân nhưng lại không có cảm giác mình là người trong cuộc, mà giống như đứng ngoài xem một vở kịch.
Chuyện đã xảy ra không nhất thiết sẽ là những gì hắn gặp trong tương lai.
Lúc này, nghe Diệp Tuy nói vậy, hắn lại hơi tò mò. Sau khi hắn chết, nhà họ Cố mới vùng dậy... Câu này nghe ra, sao lại thấy có chỗ nào đó không đúng?
Xem ra, hắn phải để ý kĩ tình hình nhà họ Cố mới được.
Bấy giờ, trong cung Khôn Ninh, Vi hoàng hậu đưa lá thư lại gần ngọn nến, nhìn nó dần dần hóa thành tro, khóe môi không kìm được khẽ nhếch lên.
Lục Cầm cô cô đang xoa bóp chân cho Vi hoàng hậu, thấy vậy bèn hỏi: “Nương nương, quốc cửu gia đã nói chuyện gì vui phải không ạ?”
Vi hoàng hậu mỉm cười, hờ hững đáp: “Ừ.”
Đúng là chuyện vui. Tuy bức thư này được gửi từ phủ Thừa Ân Công nhưng người viết nó lại không phải cha của bà ta. Mà là... nhà họ Cố.
Trong thư, tộc trưởng Cố Sùng của nhà họ Cố viết: Nhà họ Cố nguyện dốc hết sức lực vì Hoàng hậu nương nương, mong Thập Bát điện hạ mạnh khỏe, thuận lợi.
Thành thật mà nói, lúc đọc lá thư này, người có lòng dạ thâm sâu như Vi hoàng hậu cũng phải giật mình.
Danh gia vọng tộc như nhà họ Cố hiển nhiên đã định trước là hậu thuẫn thái tử, hiện giờ bọn họ lại đến nương nhờ bà ta?
Trong thư, nhà họ Cố còn nhắc đến chuyện đính hôn của công tử Chu Sa - Cố Nhiễm của dòng chính và cháu gái ngoại của Thiệu Thế Thiện.
Vi hoàng hậu đã sớm biết chuyện này, nhưng lại giả vờ không biết.
Tất nhiên, Thiệu Thế Thiện là thế lực của bà ta, song bà ta giữ thái độ bàng quan với việc nhà họ Cố và nhà họ Thiệu kết thông gia.
Theo như nhà họ Cố nói, bọn họ đã muốn nương nhờ bà ta từ trước, chỉ là chưa lập được công lao gì nên không dám tùy tiện quy phục, mãi đến gần đây xảy ra biến cố, nhà họ Cố bị cả hai phe gia tộc lớn và phe bần hàn cô lập, rơi vào tình thế nguy cấp, mới khẩn cầu Hoàng hậu nương nương nói đỡ đôi câu với hoàng thượng. Sau này, dù thịt nát xương tan, nhà họ Cố cũng nhất định sẽ báo đáp ân đức của Hoàng hậu nương nương.
Vi hoàng hậu không khỏi nghĩ đến bản tấu trước đó của nhà họ Cố.
Hầu hết các quan viên gia tộc lớn đều phải chịu trừng phạt, thậm chí thế lực của hai nhà họ Thôi và họ Lư ở trong triều còn bị nhổ sạch, nhưng riêng nhà họ Cố lại bình yên vô sự.
Với hiểu biết của Vi hoàng hậu về Vĩnh Chiêu Đế, sau khi nhà họ Cố dâng tấu như này, Vĩnh Chiêu Đế chắc chắn sẽ nhìn nhà họ Cố với cặp mắt khác.
Qua cách hành xử của nhà họ Cố, có thể thấy được Cố Sùng là một người thông minh.
Rất tốt, bà ta không sợ người thông minh, mà chỉ sợ kẻ ngu xuẩn, bị gài bẫy chết thế nào cũng không hay.
Nghĩ một lát, Vi hoàng hậu cất tiếng sai bảo: “Chuẩn bị kiệu cho bổn cung, bổn cung muốn đến điện Tử Thần gặp hoàng thượng.”
Lúc Vĩnh Chiêu Đế đang lật xem tấu chương của nhà họ Cố thì nghe báo Vi hoàng hậu xin gặp, bấy giờ nghĩ mình đã lâu chưa đến cung Khôn Ninh, liền lập tức đồng ý.
Nhưng ông ta không ngờ, bà ta lại đến vì thái tử.
Vi hoàng hậu nói: “Hoàng thượng, thần thiếp nghe nói vì chuyện rối ren của các gia tộc lớn mà Đông Cung đang thấp thỏm lo âu. Thân là mẫu hậu của thái tử, thần thiếp không khỏi lấy làm nóng lòng. Xin hoàng thượng cân nhắc kĩ lưỡng, để thái tử đỡ ưu tư.”
Vĩnh Chiêu Đế lấy làm lạ, không kìm được nhìn chằm chằm Vi hoàng hậu và hỏi: “Ý của Tử Đồng là đang cầu xin cho thái tử sao?”
Vi hoàng hậu giải quyết công việc công bằng đúng mực, nhưng rất hiếm khi hỏi về chuyện triều chính, đối với thái tử cũng vậy.
Bà ta biết bổn phận của mình, chỉ làm hết trách nhiệm của một vị mẫu hậu, nhưng sẽ không vượt quá giới hạn, tỏ ra thân thiết với ai, sao đột nhiên lại cầu xin cho thái tử?
Vi hoàng hậu liếc nhìn Vĩnh Chiêu Đế một cái với vẻ hờn dỗi như đang trách ông ta không tin tưởng mình, rồi gật đầu đáp: “Đúng vậy, thần thiếp đang cầu xin cho thái tử. Thái tử phi xuất thân danh gia vọng tộc, thế lực hậu thuẫn thái tử là các gia tộc lớn. Nếu hoàng thượng xử phạt bọn họ, e rằng tạo ảnh hưởng không tốt đến thái tử.”
Vĩnh Chiêu Đế nghe xong, vẻ mặt vẫn bình tĩnh, chỉ thản nhiên hỏi lại: “Ảnh hưởng không tốt đến thái tử?”
Thế thì ý của hoàng hậu là ông ta nên nhượng bộ với thái tử?
Vi hoàng hậu thở dài, đáp: “Hoàng thượng, chuyện liên quan đến thái tử cũng là chuyện của hoàng thượng. Tóm lại, không thể để thái tử lo sợ bất an. Hoàng thượng cũng sẽ bớt được buồn lo, như vậy hậu cung cũng có thể yên vui. Hoàng thượng xem có phải không?”
Dừng lại một lát, bà ta nói tiếp: “Hoàng thượng anh minh, bản thân hoàng thượng đã có sự cân nhắc. Chỉ là thần thiếp ngu muội cả gan khẩn cầu hoàng thượng. Xin hoàng thượng để lại cho thái tử đôi ba phần thế lực, tránh để thái tử sợ hãi, tránh để các quan viên trong triều bàn ra tán vào. Xin hoàng thượng chấp thuận!”
Dứt lời, bà ta liền quỳ xuống, cúi đầu không dám nhìn Vĩnh Chiêu Đế nữa.
Vi hoàng hậu gả cho Vĩnh Chiêu Đế đã bao nhiêu năm nay, biết rất rõ nên nói gì, nói thế nào để đạt được mục đích của mình.
Lần này bà ta tới điện Tử Thần, tất nhiên là muốn cầu xin cho nhà họ Cố, nhưng hơn cả là làm suy yếu thế lực của thái tử.
Có thể giữ lại nhà họ Cố, nhưng tuyệt đối không thể giữ lại các danh gia vọng tộc khác, nhất định phải tiến hành việc di tông dời tộc.