"Cốc.. cốc.. cốc.." Tiếng gõ cửa đều đều vang lên.
Tư Phàm đang dọn nhà thì phải ngừng lại, nhanh rửa tay rồi cất tiếng: "Đến liền!"
Cánh cửa kim loại có phần cũ kỹ nặng nề được mở ra, bóng người bên ngoài dần hé lộ, ánh vào đôi mắt cô. Sau khi thấy người tới, cô hơi giật mình, ánh sáng nơi đáy mắt khẽ lay động rồi rất nhanh bình ổn, không một gợn sóng như mặt nước hồ thu. Chân không hề dịch chuyển, tay vẫn duy trì tư thế mở cửa, miệng vẫn không hề nhúc nhích nhìn người mới tới.
"Không mời tôi vào sao?" Giọng đàn ông trầm khàn vang lên. Anh ta hời hợt nhìn cô, hơi cau mày đứng sau lớp cửa lá bằng sắt.
"Tôi thấy không cần thiết! Nhà nghèo ngõ hẹp không tiếp đãi nổi vị thần lớn như anh. Có gì thì cứ nói thẳng đi." Tư Phàm lạnh nhạt đáp trả.
"Mẹ tôi muốn tôi quay về, cùng cô nuôi con, làm tròn trách nhiệm của một người cha." Một câu nói nói rõ mục đích đến.
Tư Phàm nhìn bóng hình gầy yếu, đen nhẻm khi xưa giờ đã trở nên mập mạp, trắng trẻo, nói một câu không liên quan: "Dạo này anh được nuôi béo tốt nhỉ, chẳng bù với lúc ở đây."
Người đàn ông khẽ nhăn mày, ra vẻ mất kiên nhẫn: "Cô.."
"Không cần đâu! Hơn bốn năm nay không có anh, tôi vẫn rất ổn, không cần vài đồng tiền của anh. Con tôi rất khoẻ mạnh, được ăn học đầy đủ, không thiếu thốn gì." Giọng cô đều đều, vô cảm, cắt ngang lời anh ta.
Anh ta không nói thêm gì, lấy bật lửa ra, châm vào điếu thuốc trên miệng, dáng vẻ bất cần.
"Nếu anh đã đến đây thì ký đơn ly hôn cho tôi là được." Tư Phàm trầm tĩnh nhìn thẳng anh ta, nói ra quyết định trong lòng từ lâu.
"Được! Vậy cô đưa đơn đây, tôi sẽ ký." Anh ta rít một hơi dài, phả ra một làn khói mờ đục, "Thằng bé đâu?"
"Thanh Khang và mẹ tôi đi qua nhà bà con chơi rồi. Đơn ly hôn tôi chưa soạn kịp, chủ nhật này anh ghé qua quán nước dưới lầu, tôi sẽ đưa cho anh ký." Tư Phàm nói.
"Được!" Anh ta rít thêm một hơi, đôi mắt lạnh bạc nhìn cô, "Vậy chủ nhật này tôi sẽ ghé qua, cô dẫn thằng bé ra cho tôi gặp."
"Được." Cô lạnh nhạt đóng cửa lại, chẳng thèm nhìn bóng lưng bạc tình đang khuất dần nơi cầu thang kia một lần nào.
* * *
"Bộp." Tờ đơn ly hôn được đặt lên bàn, trước mặt người đàn ông.
Anh ta như không để ý, vẫn nhàn nhã uống nước, chiếc xe tay ga màu đỏ đắt tiền đậu bên cạnh, tạo cho người này thêm một phần hào hoa giả tạo. Uống thêm ngụm nước, anh ta mới nâng mặt lên, nhìn người trước mặt: "Cô uống nước chứ?"
"Không cần khách sáo." Cô kéo ghế ngồi xuống, ngón tay thon dài đẩy tờ đơn về phía đối diện "Đơn đây! Anh kí đi."
"Ồ!" Anh ta nhận bút từ cô rồi lưu loát ký lên, "Thằng bé đâu?"
Vừa dứt lời, một bà lão trên dưới sáu mươi, mái tóc pha sương dẫn theo một đứa trẻ mập mạp trắng trẻo, môi hồng răng trắng bước đến.
Anh ta lạnh nhạt liếc mắt, nhìn sơ đánh giá, không chút biểu cảm.
Tư Phàm quay đầu lại, đôi tay nhẹ nhàng nắm lấy tay con trai, nhẹ nhàng trìu mến: "Chào cha đi con!"
Thằng bé khẽ mím môi, đôi mắt đang giao nhau với người đàn ông, nội tâm có chút mong chờ khi nhìn thấy sự lương bạc trong mắt anh ta thì bỗng chốc tan biến, tràn đầy một mảnh lãnh đạm: "Chào cha.". Truyện Đô Thị
Anh ta không trả lời, chỉ khẽ liếc nhìn, đôi mắt hẹp dài nheo lại. Cầm lên điếu thuốc, rít thêm một hơi dài, anh ta quăng xuống đất, dùng chân dập lửa rồi thò tay vào túi, lấy ra chiếc điện thoại cảm ứng đắt tiền, giơ lên, ngón tay khẽ lướt trên đó.
"Anh muốn làm gì?" Tư Phàm không vui.
"Mẹ tôi muốn xem cháu bà bao lớn." Anh ta trả lời. Cũng chẳng cần biết cô phản ứng ra sao, chỉ nghe "tách" một tiếng, ánh đèn flash loé lên rồi vụt tắt. Anh ta tắt điện thoại, cho vào trong túi, cầm lấy chìa khóa xe rồi nói: "Gặp nhau trên tòa."
Từ đầu đến cuối không hỏi thăm con trai một câu, cả chút quà giả tạo cũng chẳng có, như người dưng nước lã với nhau.
Tư Phàm thở dài, vuốt ve đầu con, ôm đứa trẻ vào lòng mà an ủi. Lát sau, Thanh Khang thốt ra một câu khiến cô đau lòng, tâm trạng trở nên phức tạp, khó nói thành lời: "Mẹ, con chỉ muốn ở với mẹ, không ở với cha."
* * *
Đêm dần khuya, từng cơn gió rít gào làm cho cánh cửa sổ của căn hộ va vào nhau "cạch, cạch" khiến Tư Phàm bừng tỉnh. Đầu cô hơi choáng váng, cổ họng cũng khô rát khó chịu. Cô loạng choạng đứng dậy, mở cửa phòng ngủ, ra bên ngoài rót ly nước uống.
Một dòng nước mát lạnh trôi tuột xuống cổ họng khiến cô có chút dễ chịu. Tay cầm ly nước, cô thoáng ngẩn người, không biết sao bản thân lại mơ về chút chuyện cũ. Những điều đó chân thực đến mức như vừa mới xảy ra hôm qua. Nhớ đến ngày anh ta gõ cửa, nói câu nói kia mà cô cảm thấy nực cười. Anh ta nói như ban ơn, không hề có chút hối lỗi. Mẹ anh ta kêu anh ta quay về? Bà ta có quan tâm sao? Lúc xảy ra chuyện sao không thấy bà ta có nửa câu nói hay nửa điểm hành động? Giờ khi con cô lớn lên chút ít, không cần phải chăm lo từng li từng tí như hồi mới sinh, bà ta lại làm ra vẻ! Làm tròn trách nhiệm người cha? Sau những gì đã làm, anh ta không thấy ngượng miệng à? Mà giọng điệu anh ta mới miễn cưỡng làm sao! Mẹ anh ta kêu nên mới đến? Vậy nghĩa là, nếu không phải nể mặt mẹ mình, anh ta sẽ không muốn bước nửa bước lại nơi này? Ngẫm lại mà Tư Phàm cảm thấy trong lòng ngũ vị tạp trần, không biết nên cười nhạo hay chua xót đây!
Nhìn căn nhà đã không còn trống rỗng như ngày anh ta rời đi, cô mới thở phào nhẹ nhõm. Ngày đó là một ngày cuối tháng tư hơn bốn năm trước, khi con cô vừa tròn tám tháng, mới biết lật. Anh ta vác ba lô lên vai, nói rằng đi làm nhưng rồi bặt vô âm tín. Lúc cô vào phòng, thấy quần áo anh ta đã thu dọn sạch sẽ, tâm trạng trở nên hoang mang tột độ. Cô vội gọi điện thoại cho anh ta thì đổi lại chỉ là giọng nói cứng nhắc của tổng đài: "Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau." Cô gọi cho anh trai và chị dâu anh ta thì chỉ nghe được đáp án không biết. Họ khuyên cô không nên lo, có lẽ anh ta bỏ đi vài ngày rồi lại trở về thôi. Tuy không phải lần đầu anh ta bỏ nhà đi, nhưng linh cảm lại mách bảo cô lần này sẽ khác.
Đúng lúc này, trên màn hình điện thoại cũ nứt của cô có một tin nhắn đến: "Tôi đi làm xa. Chừng nào có tiền sẽ gửi cho cô và con."
Cô gần như điên cuồng liên tục gọi cho anh ta nhưng trả lời cô vẫn chỉ là hộp thư thoại của tổng đài. Nhìn căn nhà trơ trọi, tài sản không còn gì, nhớ lại những hành động giấu đầu hở đuôi của anh ta trước kia, nước mắt cô nặng nề rơi xuống, biết rằng không thể tự lừa mình dối người được nữa. Anh ta đã hoàn toàn bỏ rơi mẹ con cô! Trời Sài Gòn tháng tư ấm áp mà lòng cô lại một mảnh lạnh lẽo..
Khi trong nhà đến một cái xe đạp cũng không còn, không thể đi đâu xa, cô chỉ có thể năn nỉ ông chủ cũ cho mình đi làm lại. Mặc dù vào thời điểm đó, cô biết ông ta không cần người, nếu mình vào làm thì chỉ có thể làm công nhân với mức lương rẻ bèo. Nhưng, cô không có lựa chọn. Với một ý chí kiên cường, Tư Phàm cắn răng gồng mình vượt qua những ngày tháng đen tối nhất cuộc đời, dù ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, bệnh tật ốm đau cũng không dám buông bỏ. Vì cô biết, gánh nặng này không ai có thể gánh thay mình! Một khi cô ngã xuống, mẹ và con cô sẽ khó mà qua nổi. Cho đến cách đây hơn hai năm, vì biết cô đã tốt nghiệp cao đẳng, một người bạn học chung thời cấp ba đã giới thiệu cho cô vào làm trong một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, cuộc sống của cô đã có nhiều biến chuyển. Tuy mức lương hiện tại không thể nói là dư dả nhưng cũng đủ để bươn chải chi phí, đời sống vật chất của gia đình cô khá hơn trước rất nhiều.
Nhấp thêm một ngụm nước lạnh, cô cười tự giễu. Chắc anh ta ngạc nhiên lắm khi thấy cô vẫn ổn. Nếu đổi lại là một người phụ nữ khác chịu đựng những gì anh ta gây ra từ khi mang thai đến khi hậu sản thì có lẽ đã..
"Mẹ ơi?" Giọng nói nghẹn ngào pha thêm chút buồn ngủ của con trai làm cô giật mình.
Đặt ly nước xuống, Tư Phàm đáp lời, nhanh chân rảo bước về phòng: "Mẹ đây!"
Gió đêm vẫn rin rít khiến lá cây ngoài cửa sổ chung cư xào xạc từng đợt, cánh cửa sổ khẽ giật mình "lạch, cạch" từng tiếng..