Chị ba Chu tò mò lật ra xem thì càng khiếp sợ: “Mấy chữ này đều là em viết?”
Chữ viết ngay hàng thẳng lối, nét bút mềm mại thanh thoát.
“Ừ, em tuỳ tiện viết vài chữ ấy mà.” Lâm Thanh Hoà cười nói, đọc sách xong cô có thói quen tự mình ghi chép lại.
Ngoài ra cô còn hay ngâm nga mấy bài thơ rồi chép ra coi như luyện viết chính tả.
Chị ba Chu càng ngày càng bội phục cô em dâu này: “Chị không biết thím viết chữ đẹp tới vậy, lợi hại, quá lợi hại!”
Chị ba Chu mới chỉ được tham gia một khoá xoá nạn mù chữ ngắn hạn, chỉ dừng lại ở việc nhận biết một vài mặt chữ, tập đọc có khi còn không nổi nói gì tới viết văn.
Lâm Thanh Hoà: “Trước kia thành tích của em cũng khá lắm, nhưng cha mẹ bắt phải nhường cơ hội đi học cho ông anh hai bạch nhãn lang.”
Trọng nam khinh nữ là hiện tượng phổ biến trên nhiều địa phương đặc biệt là khu vực nông thôn.
Chị ba Chu nghĩ gì nói nấy: “Nhưng mà đọc sách cũng chẳng có tác dụng gì.”
Lâm Thanh Hoà: “Em biết là vô dụng nhưng đọc sách rất có lợi, người chịu khó đọc sách sẽ được mở mang đầu óc, thông minh hơn.”
Chị ba Chu gật gù, quả nhiên thím tư thông minh như vậy là có nguyên nhân, đã là mẹ ba con rồi nhưng vẫn nâng cao tinh thần hiếu học.
Lâm Thanh Hoà: “Việc này chị ba đừng nói với ai nha. Em ở nhà rảnh rỗi nên tự học tự luyện thôi, nói ra sợ người ngoài chê cười.”
Chị ba Chu: “Yên tâm chị không nói đâu. Nhưng mà ham học hỏi là chuyện tốt, đáng tự hào, ai dám chê cười thím?”
Lâm Thanh Hoà cười cười: “Mấy người lòng dạ hẹp hòi không thiếu a.”
Không cần nói thẳng chị ba Chu cũng liền nhớ ngay tới chị dâu hai nhà mình, đúng thật không còn gì để nói.
Lâm Thanh Hoà nhìn Chu Đông Đông, cười nói: “Tiểu Đông Đông thật mau lớn nha, năm ngoái mới bé xíu xìu xiu, năm nay đã biết ngồi rồi.”
Chị ba Chu cười vui vẻ: “Trẻ con đứa nào cũng vậy. Đại Oa cũng thế, tới tuổi phát triển chiều cao rồi, cả cái thôn này mấy thằng nhóc cùng độ tuổi thua xa Đại Oa nhà mình.”
Lâm Thanh Hoà cũng cười cười: “Càng lớn càng lười học. Bài tập mới viết được một nửa, thấy cha đi mò lươn là quăng bút đứng dậy dắt theo hai thằng em chạy mất dạng.”
Lâm Thanh Hoà ra hậu viện hái mấy trái cà chua, cắt thành từng miếng, rắc một lớp mỏng đường trắng lên trên, lại còn cắm vài cây tăm xỉa răng để ăn cho đỡ bẩn tay.
Hai chị em vừa ăn vừa tâm sự từ chuyện nuôi dạy con sang tới vài chuyện lặt vặt khác, một hồi chán chê chị ba Chu mới đứng dậy ẵm Chu Đông Đông về Chu gia.
Chạng vạng tối, bốn cha con mới dắt nhau về.
Từ đầu đến chân toàn bùn là bùn. Lâm Thanh Hoà liếc sơ một cái rồi quay đi, cô không nổi điên là vì quần áo do Chu Thanh Bách phụ trách giặt sạch.
Chứ nếu mà là cô giặt ấy hả, ba thẳng nhãi ranh này chắc chắn bị túm lại ăn một trận no đòn.
Thành quả hôm nay không tồi, ba con lươn to cộng với rất nhiều cá chạch.
Mùa này kể cả lươn hay cá chạch đều rất béo, ăn rất thơm và ngọt thịt.
Thả cá chạch vào chậu nước, tạm thời nuôi đợi mai mới xử lý. Lươn thì tối nay hầm ăn luôn.
Khổ một nỗi ăn lươn vượng hoả, đêm nay Lâm Thanh Hoà được hưởng thụ…hơi quá đà…khụ!
Một hiệp kéo dài mãi không xong, cả người cô ướt sũng lại thêm thời tiết nóng nực, mồ hôi dính dính rất khó chịu.
Bị vợ kháng nghị, Chu Thanh Bách trưng ra vẻ mặt rất chi là vô tội, thời gian dài ngắn cũng không phải do anh quyết định nha, với cả anh cứ thích kéo dài như vậy đấy, em làm gì được anh?!
Lâm Thanh Hoà chịu không nổi ông tướng này, nhấc tay vần vò hai má anh trả thù, người đàn ông này càng ngày càng để lộ ra vẻ phúc hắc, quá phúc hắc !
Chu Thanh Bách ôm chặt lấy thân hình xinh đẹp, cảm thụ cuộc sống gia đình mĩ mãn.
Lúc nhận quyết định xuất ngũ anh rất thất vọng. Là một người quân nhân mang trong mình lý tưởng cống hiến cho tổ quốc, ấy vậy mà không thể tiếp tục đi trên con đường ấy đến cùng, trong lòng anh rất mất mát, rất đau khổ.
Thế nhưng giờ đây, anh cảm thấy rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Hỏi có hối hận không? Không bao giờ, một chút cũng không!
Siết chặt cánh tay hơn nữa như muốn khảm cô vào cơ thể mình, cô đã cho anh một gia đình nhỏ bé ấm áp, còn mong cầu gì hơn nữa, thậm chí anh còn tự trách trước đây mình lơ là không quan tâm vợ con.
Vợ anh rất tốt, rất rất tốt. Trước đây anh không biết quý trọng, nhưng từ giờ về sau anh sẽ quý trọng cô gấp bội.
“Vợ à, một lần nữa nhé.” Anh không biết cách nào để bày tỏ cảm xúc của mình, chỉ có thể dùng cách chân thực nhất và trực tiếp nhất này.
Lâm Thanh Hoà ngớ người chưa kịp phản đối đã bị lôi vào một trận sóng to gió lớn…
Ngày hôm sau, tất nhiên nàng lại dậy trễ!
Mùa hè nóng bức nhưng lại có rất nhiều trái cây.
Mưa tạnh, mọi người quay lại với công việc, ai làm việc nấy.
Lâm Thanh Hoà chở Nhị Oa và Tam Oa lên huyện thành. Phải bán thịt heo thôi, trận này cô tích được tương đối nhiều thịt rồi.
Cô để hai anh em đứng ở cửa thương trường, phát cho hai đứa một que kem, dặn dò Nhị Oa phải trông em cẩn thận.
Nhị Oa gật đầu rất mạnh, nhận trọng trách mẹ giao, nhất định không lơ là em trai.
Lâm Thanh Hoà tin tưởng thằng nhóc này thông minh lanh lợi, nhưng suy cho cùng vẫn chỉ là đứa trẻ bốn tuổi, cô đành lấy sợ dây thừng quấn quanh eo hai thằng rồi cột lại với nhau.
Dặn đi dặn lại Nhị Oa phải trông em trai và để mắt tới cái xe đạp.
Cô vội vã đi tới nơi vắng vẻ lấy thịt heo ra rồi mang đi bán.
Rất nhanh nửa giờ sau cô đã hối hả quay lại, cả người đầy mô hôi.
Thấy hai anh em vẫn đang ngoan ngoãn ngồi yên ở chỗ cũ, cô mới nhẹ nhàng thở ra một hơi, đồng thời không nén được sự chua xót.
Lâm Thanh Hoà: “Đi thôi, đi cung tiêu xã đi, mẹ mua cho hai đứa lon sữa mạch nha về tẩm bổ nha.”
Nhị Oa, Tam Oa thấy mẹ trở lại thì rất mừng, hai nhóc con lon ton đi theo mẹ vào cung tiêu xã.
Hai đứa bé vừa xinh trai vừa đáng yêu, người lớn thì tướng tạo xinh đẹp, khí chất ngời ngời. Một lớn hai nhỏ vừa tiến vào lập tức thu hút ánh mắt của những người bán hàng.
Lâm Thanh Hoà ra tay rất hào phóng, sữa mạch nha, kẹo sữa thỏ trắng, táo đỏ, long nhãn, đặc biết nhất là quả dưa hấu to bự chảng sáu cân!
Nhị Oa, Tam Oa bốn con mắt dán chặt vào đống đồ, nước miếng chảy ướt cổ áo.
Những cái khác chúng được ăn qua rồi nhưng dưa hấu thì chúng chưa được ăn bao giờ, nhìn có vẻ ngon lắm đây!
Mua xong các thứ cần thiết, Lâm Thanh Hoà không vội về ngay mà dắt hai con đi dạo thương trường một vòng, mua thêm một ít đồ dùng học tập.
Xong xuôi, cô đặt hai thằng nhóc ngồi ở cái ghế nhỏ phía trước, cái ghế gỗ này là hàng đặc chế do mẹ thiết kế cha đi tìm thợ mộc đóng riêng cho trẻ nhỏ, sau đó chằng chằng buộc buộc hết đống đồ ở đằng sau. Lên xe, về nhà thôi!
Nhị Oa: “Lần sau mẹ lại cho tụi con đi với nhé!”
Lâm Thanh Hoà nhướng mày: “Để xem hai anh em có ngoan không đã.”
Chu Nhị Oa lập tức nói: “Chúng con đều nghe lời mẹ mà.”
“Nghe lời, ăn dưa hấu.” Từa lúc bước ra khỏi cung tiêu xã tới giờ, trong đầu thằng nhóc Tam Oa chỉ độc có một thứ đó chính là dưa hấu.
Ba mẹ con rất mau đã về tới nhà. Tuy nhiên cô không cho ăn ngay vì cha chưa tan tầm, anh cả chưa đi học về, phải đợi cả nhà đông đủ mới được ăn.
Đáng lẽ ngâm dưới nước giếng thì lát ăn sẽ càng mát hơn nhưng ở nhà chỉ có mình cô trông hai thằng nhóc hiếu động này cho nên cô không dám thả quả dưa xuống giếng.
Nhị Oa vẫn dán chặt mắt vào quả dưa hấu, nó thèm sắp nhỏ cả dãi: “Mẹ, phải chờ cha với anh cả về mới được ăn hả?”
Lâm Thanh Hoà nhướng mày: “Thế ví dụ hôm nào con không có nhà, trong nhà có đồ ăn ngon, mọi người không đợi con về mà ăn trước, con có chịu không?”
Nhị Oa lập tức lắc đầu, ngoan ngoãn ngồi ngóng ra cửa đợi cha với anh cả.
Tam Oa đang ngồi dưới chiếu ôm trái dưa hấu.
Dưa hấu thì nhất định không được ăn trước nhưng Lâm Thanh Hoà vẫn đưa cho hai anh em mỗi người một trái cà chua ăn chơi.