Phú Sát Lang Hoa cũng biết cách nói này không chỉ gượng ép, mà còn có khả năng để lại hậu hoạn.
Các tông thân mệnh phụ cũng không phải đồ ngốc, làm sao họ có thể tin chuyện Tiên đế báo mộng mà nàng nói?
Hơn nữa, nếu sau này có người lại mở yến hội trong tang kỳ, rồi lôi chuyện hôm nay ra nói, Hoàng thượng nên phạt hay không phạt?
Nhưng nàng không nghĩ ra được cách nào khác, cũng không thể chỉ đứng nhìn, chỉ có thể cầu mong những người có mặt tại đây sẽ giữ kín miệng, ngày sau cũng không có ai nhắc tới chuyện này.
Như Ý ngơ ngác đứng ở một bên, nghe Hoàng hậu nói xong lại cảm thấy nàng ta giả vờ giả vịt.
Như Ý phản ứng lại, mới nhớ còn trong hiếu kỳ, nhưng vẫn cảm thấy Hoàng hậu thừa cơ kiếm công trạng cho con trai mình, khiến người khác cho rằng Vĩnh Liễn là cháu trai mà Tiên đế thích nhất, cho dù là báo mộng cũng phải tìm Vĩnh Liễn.
Như Ý bĩu môi không vui. Sao Hoàng hậu không âm thầm tìm người nói cho nàng và Hoằng Lịch ca ca, cần gì phải đích thân đến đây làm ra vẻ.
Nếu như Chân Hoàn biết được bây giờ Như Ý đang nghĩ gì, nhất định sẽ cười lạnh mà hỏi nàng: Nhắc nhở ngươi thì ngươi tính làm sao? Nói ngươi và Hoàng đế không cố ý bất hiếu sao?
Hoằng Lịch thì lại hài lòng nhìn Phú Sát Lang Hoa. Hắn nhất thời quên mất mình đang để tang cha, may mắn thay, Hoàng hậu đã tìm cho hắn lí một do chính đáng.
Tuy rằng các tông thân bọn họ có thể không tin chuyện tiên đế báo mộng, nhưng ngoài mặt họ khó có thể hỏi thẳng chuyện tiên đế có báo mộng hay không.
Hắn bước tới, nắm lấy tay Phú Sát Lang Hoa:
"Hoàng a mã hài lòng là được. Vĩnh Liễn cũng là một đứa bé ngoan."
Nói xong, hắn vội vàng bảo mọi người giải tán, còn mình rời đi cùng Phú Sát Lang Hoa.
Như Ý nhìn bóng lưng hai người cùng rời đi trước mắt, môi càng chu tợn hơn.
Nhìn xem, không phải Hoàng hậu đã cướp Hoàng đế khỏi tay nàng sao? Nàng nhìn A Nhược đang đứng bên cạnh, hy vọng nàng ta có thể nói vài câu hợp ý mình.
Quả nhiên A Nhược không phụ mong đợi của Như Ý, thấp giọng oán giận nói:
"Hoàng hậu nương nương cũng thật là! Mấy ngày trước Hoàng thượng đi tìm mấy người Quý phi, Gia Quý nhân cũng không thấy Hoàng hậu không vui, sao hôm nay lại nửa đường mang Hoàng thượng đi chứ? Dù có muốn Hoàng thượng rời đi thì cũng phải để cho Hoàng thượng và chủ nhân đi cùng nhau mới phải!"
Còn chuyện Như Ý và Hoàng thượng làm náo loạn hôm nay, A Nhược đương nhiên không xem đó là chuyện gì to tát. Không phải Hoàng thượng, Hoàng hậu và các vị tông thân mệnh phụ cũng không có ý kiến gì sao?
Như Ý vui vẻ nhếch khoé miệng, môi chu lên nói:
"Hoàng hậu không phải người như vậy, người muốn tìm Hoàng thượng chắc là do có chuyện gì quan trọng."
A Nhược vẫn còn nhỏ giọng lầm bầm:
"Cố tình lúc chủ nhân ở bên Hoàng thượng lại có việc."
Như Ý làm bộ làm tịch kêu một tiếng “A Nhược” để ngăn không cho nàng ta nói tiếp, nhưng trong lòng lại thấy A Nhược nói không hề sai.
____________
Bên kia, Phú Sát Lang Hoa và Hoằng Lịch đang bàn bạc giải quyết hậu quả của chuyện hôm nay. Bên cạnh đó, Phú Sát Lang Hoa còn cho Hoằng Lịch biết rằng là nhờ Thái hậu nhắc nhở nàng, theo lí nàng nên tìm Thái hậu để cảm tạ và thỉnh tội.
Hoằng Lịch nghe xong thì cảm thấy yên lòng, tỏ ra muốn đi cùng Phú Sát Lang Hoa, nên hai vợ chồng cùng nhau đi tới Từ Ninh cung.
Hoằng Lịch nhìn Chân Hoàn, không khỏi cảm thấy chột dạ, lần trước cũng là nhờ Thái hậu kịp thời phát hiện ra vấn đề.
Sau khi nghe xong cách xử lý của Hoàng hậu, Chân Hoàn gật đầu nhẹ:
"Ai gia cũng không nghĩ ra được biện pháp nào tốt hơn."
Nói rồi, nàng lại ngoảnh mặt nhìn Hoằng Lịch, hỏi:
"Chỉ là Hoàng đế à, con và Nhàn Tần cùng xem kịch thì cứ xem, gọi tông thân mệnh phụ tới để làm gì? Tình chàng ý thiếp riêng tư với nhau đã không thể thoả mãn hai người, một hai phải cho người khác nhìn thấy các ngươi ân ân ái ái sao?"
Chuyện này có khác gì những cặp tình nhân trẻ tuổi ở hiện đại tuỳ tiện ôm ấp hôn hít thân mật nơi công cộng đâu? Đạt tới trình độ chính mình nhìn thấy phải hô to "My eyes".
Hoằng Lịch cúi đầu nghe Thái hậu dạy bảo:
"Ngạch nương, là con hành xử không đúng."
Chân Hoàn “hừ” lạnh một tiếng:
"Nếu đã truyền ra ngoài rằng con và Nhàn Tần vì Tiên đế nên mới làm như thế, thì trong khoảng thời gian này hai người hãy thường xuyên đến Phụng Tiên điện hiếu thuận với Tiên đế đi, đã diễn thì diễn cho trót. Mấy ngày tiếp theo con không cần triệu kiến phi tần, ít nhất mỗi ngày cũng phải ở Phụng Tiên điện một canh giờ. Như vậy cũng có thể khiến người ta tin con thật sự hiếu thuận. Còn Nhàn Tần, để Phúc Già kêu người đưa mấy bộ kinh Phật qua đó, mỗi ngày để nàng ta tự tay chép kinh Phật cầu phúc cho Tiên đế."
Nếu không phải không nên làm to chuyện này, Chân Hoàn thật sự muốn để chuyện này lan ra ngoài, để hai người này bị mọi người khinh bỉ..
Đã không thể làm như vậy, thì để Hoằng Lịch thanh tịnh một thời gian, hy vọng lần sau trước khi làm việc gì hắn biết dùng đầu óc để suy nghĩ. Còn Như Ý, để nàng ta chép kinh Phật đi.
Chân Hoàn phát hiện ra, chỉ cần để Hoằng Lịch và Như Ý ở cạnh nhau thì sẽ nhân đôi lực sát thương. Nàng thật muốn để một người ở Nam Cực, một người ở Bắc Cực cho rồi.
Hoằng Lịch cũng cảm thấy áy náy nên tất nhiên sẽ không phản bác lời của Chân Hoàn.
Chân Hoàn nhắm mắt, nói bản thân thấy mệt rồi, nên Hoằng Lịch và Phú Sát Lang Hoa chủ động xin cáo lui.
Phúc Già thấy hai người họ rời đi rồi mới nói:
"Nô tì sẽ tìm người nào lanh lợi một chút theo dõi Nhàn Tần, trông coi nàng ta mỗi ngày, trừ ăn uống ngủ nghỉ ra phải chép kinh từ sáng đến tối, không để nàng ấy có thời gian nổi hứng gây chuyện."
_____________
Trong Diên Hi cung, A Nhược khó tin mà nhìn cung nữ được Thái hậu phái đến trước mắt mình:
"Thái hậu nương nương thật sự nói vậy sao?"
"Vâng, Thái hậu nương nương nói: Nhàn Tần nương nương đã vì thành tâm hiếu thuận với Tiên đế như vậy, nguyện bất chấp thanh danh của bản thân mà cùng với Hoàng thượng tổ chức buổi xem kịch hôm nay, nên Tiên đế nhất định sẽ ghi nhận tấm lòng hiếu thảo của nương nương, cũng sẽ rất thích nương nương, nhất định sẽ rất vui khi thấy kinh thư do chính tay nương nương chép cho ngài."
A Nhược không dám phản bác lời của Thái hậu, chỉ liếc nhìn Như Ý đang thờ ơ ngồi cạnh đó, cẩn thận hỏi:
"Vậy Thái hậu có nói chủ nhân của ta phải chép bao nhiêu kinh thư mỗi ngày không?"
"Chép kinh cho Tiên đế quan trọng nhất tất nhiên là lòng thành. Thái hậu cũng không phải làm khó Nhàn Tần nương nương, nương nương muốn chép bao nhiêu thì chép bấy nhiêu, hết thảy phụ thuộc vào tấm lòng hiếu thảo của Nhàn Tần nương nương đối với tiên đế."
Như Ý mở to mắt, vẻ mặt bướng bỉnh, lạnh nhạt lên tiếng:
"Thần thiếp hiểu ý của Thái hậu nương nương, thần thiếp sẽ chép kinh từ sáng đến tối."
"Thái hậu biết Nhàn Tần nương nương có lòng hiếu thảo như vậy thì rất vui mừng. Trong những ngày này, nô tì sẽ hầu cạnh Nhàn Tần nương nương, đảm bảo mỗi cuốn kinh thư nương nương chép sẽ được chuyển đến điện Phụng Tiên càng sớm càng tốt, để Tiên đế có thể biết được sự hiếu thảo của ngài."
Cung nữ đó nhấn thật mạnh hai chữ “hiếu thảo” nhằm nhắc nhở Nhàn Tần lí do tại sao nàng ta phải chép kinh thư, sau này không được tái phạm.
Nhưng hiển nhiên là Như Ý không để ý đến những lời nói đầy tính ám chỉ này. Nàng chỉ nghĩ Thái hậu vì cô mẫu của nàng mà không thích nàng, cho nên hôm nay mặc dù không xảy ra chuyện lớn gì cũng nhân cơ hội này làm khó dễ nàng.
Những ngày kế tiếp, mỗi ngày Hoằng Lịch đều đến Phụng Tiên điện, sau đó lại xử lí công vụ bên ngoài. Còn Như Ý, mỗi ngày nàng đều buồn chán chép kinh. Hai người bọn họ đã không gặp nhau được một thời gian.
Vì thể diện, mỗi ngày Như Ý đều đeo hộ giáp dài thật dài mà chép kinh, vểnh cao mấy ngón tay, chỉ dư những ngón dùng để cầm bút, nên khi chép kinh cũng mỏi mệt hơn những người khác.
Mới được mấy ngày, mỗi cánh tay đều đau nhức, mấy ngón tay cũng sưng tấy, nhưng Như ý tuyệt không dám nói với cung nữ do Thái hậu phái đến rằng mình sẽ nghỉ một ngày, mà chỉ có thể để mỗi tối, sau khi tắt đèn, lên giường rồi, để A Nhược và Nhị Tâm giúp nàng ta xoa bóp.
Trong khoảng thời gian này, Hoằng Lịch và Như Ý đều bận rộn với công việc của riêng mình, hậu cung cũng gió yên biển lặng. Chân Hoàn cảm thán, thế giới thật yên bình, thật tươi đẹp khi không có ông điên bà điên.
Nhưng nàng không nghĩ tới, Hoàng hậu cũng đột ngột nổi điên.