Trần Bất Đáo thuở nhỏ không có nơi nương tựa, chủ lồng ở thôn Liễu ấy là kiếp sau của mẹ ruột hắn.
Vì thế…
“Trương Uyển cũng vậy ư?” Văn Thời ngơ ngác cầm miếng vải.
(*) Ý Văn Thời là bà ấy cũng là kiếp sau của mẹ ruột hắn sao.
Có thể mơ hồ trông thấy chữ viết trên đó, để lộ đôi chút khí thế hiên ngang và xinh đẹp. Đối với anh, chúng vẫn rất xa lạ, song lại vì vài điều dính dáng nên chúng mới trở nên đặc biệt.
“Cũng vậy là sao?” Bốc Ninh nghe không rõ đầu đuôi, thắc mắc hỏi một câu.
Hạ Tiều và chị em Trương gia cũng nhìn sang với vẻ mù tịt, đợi anh nói tiếp.
Văn Thời nhìn bộ dáng mơ màng của họ, đột nhiên nhận ra Trần Bất Đáo từng nói với anh rất nhiều thứ, nhiều hơn anh nghĩ nữa. Đó là mấy chuyện cũ đã qua mà bất cứ ai cũng không hiểu được, ngay cả lời đồn cũng chưa đề cập đến bao giờ…
Chẳng qua là về sau, anh lại quên béng hết mọi thứ.
“Không có gì đâu huynh.” Văn Thời nói với Bốc Ninh. Chỉ mình Tạ Vấn mới có thể quyết định sẽ nhắc đến những việc này hay không, anh không thể làm thay hắn.
“À.” Bốc Ninh rất có chừng mực, vả lại có hai người ngoài đến từ nhà họ Trương đang ở đây, hắn lập tức giấu đi tay áo, đưa mắt về và không hỏi han gì nữa.
Nhưng nếu nói về thôn Liễu…
Lúc trước, sư phụ chỉ dẫn một mình Văn Thời xuống núi.
Hắn nhớ rõ nơi này cũng vì sau khi trở về từ chuyến đó, Văn Thời đã đi thẳng vào khe núi chỗ hắn đang thiền và hỏi kỹ cuối cùng thì ‘tai họa khủng khiếp sẽ ập xuống vào sáu ngày sau’ là tai họa gì, bởi trước đó hắn nói quá qua loa.
Khi ấy hắn chỉ cảm thấy hoang mang, thế là hỏi lại: “Đệ gặp phải chuyện gì sao?”
Văn Thời kể lại tình hình của thôn Liễu cho hắn nghe.
“Cũng là ngọn núi sụp lở, thôn làng gặp tai ương, điều này có liên quan gì đến trận mà chúng ta bày ra trên núi không?” Văn Thời hỏi.
“Không đâu. Điều chúng ta làm chỉ giống như đang cầm theo cây dù bên người để phòng trời đổ mưa thôi, không đến nỗi nghịch thiên cải mệnh như thế. Huynh có chừng mực mà…”
Ngoài miệng thì nói là “ta có chừng mực”, nhưng hắn cũng không thể vững lòng, vì vậy đành gieo mấy quẻ ngay tại chỗ.
Song dẫu tính ra làm sao, tai họa ập xuống thôn Liễu cũng không dính dáng gì tới những việc họ làm ở núi Tùng Vân.
Hắn còn phát hiện ra rằng ở vùng thôn Liễu đó, phương hướng của rừng núi cũng như sự phân bố của thôn xóm rất giống với vùng núi Tùng Vân, nên thường dễ dẫn đến sự lẫn lộn trong quá trình gieo quẻ, gieo mấy lượt mà toàn gặp phải tình huống râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Theo như điều này, không phải trận mà họ bày ra có vấn đề, mà bởi từ đầu hắn đã thấy trước sai nơi.
Tai họa ập xuống vào sáu ngày sau không phải ở núi Tùng Vân mà lại là thôn Liễu.
Xét cho cùng, đây cũng là một sai lầm, nhưng nó không thể được coi như họ đã sợ chuyện không đâu, dù sao thì quả thực đã có hơn trăm người thiệt mạng trong một thiên tai ở một nơi khác trên thế gian.
Từ đó về sau, trong lòng Bốc Ninh có thêm nhiều kiêng kỵ hơn. Mặc dù đoán trước được mấy việc, hắn cũng không còn tùy tiện kéo người khác theo nữa, đa phần toàn lặng lẽ tự bố trí chút cảnh giới hoặc chừa lại vài đường lui thôi.
Nói gì thì nói, hắn cũng không dám bảo đảm sẽ lại có bất cứ sai lầm nào hoặc bất cẩn đi quá giới hạn nữa không. Sửa bậy thời gian là điều đại kỵ trong mọi điều đại kỵ, hậu quả không thể tưởng tượng nổi đâu. Báo ứng lên người mình thì không nói, nếu liên lụy đến kẻ vô tội, thế thì thực sự có chết trăm lần cũng khó lòng rửa sạch tội lỗi.
Sau này khi hắn tới tuổi xuống núi và đi dạo khắp nơi, có một năm nọ, hắn nhớ tới nơi gần thôn Liễu mà Văn Thời đề cập đến và men theo phương hướng của núi rừng để đi tìm.
Khi đó, cây cỏ đã mọc um tùm, mộ hoang đầy đất tại thôn Liễu. Vì từng chịu thiên tai, người địa phương ai cũng cảm thấy nơi đó quá xui rủi, không may mắn, nhà cửa của người sống đều chuyển đi xa, chỉ để lại vài mẫu đất chứa mộ mã ở nửa bên vách núi.
Không ai gọi nó là thôn Liễu nữa, mỗi lần nhắc đến, nhà nhà đều gọi là thôn quỷ. Về sau vì cấm kỵ mà đổi thành thôn Quế.
(*) quỷ (鬼-guǐ) và quế (桂-guì).
Sau đó thì chẳng còn ai biết được điều này nữa.
…
“Các con tìm được mấy thứ này ở đâu?” Giọng nói của Tạ Vấn vang lên.
Bốc Ninh bỗng dưng hoàn hồn, phát hiện Tạ Vấn và Văn Thời đang nhìn về phía chị em Trương gia.
Cái tên ‘Trương Uyển’ này xuất hiện một cách quá đột ngột, nó lại có dây mơ rễ má với Trương gia. Trương Lam đang cúi đầu suy nghĩ, có biết bao lời đồn lóe lên trong đầu cô. Bị Tiểu Hắc thúc cùi chỏ một cái mới nhận ra Tạ Vấn lại đang nói chuyện với họ.
Cô xoay đầu nhìn Trương Nhã Lâm một cái, phát hiện thằng em xui xẻo không biết đang ngẫm gì, phản ứng còn chậm hơn cả cô, thế nên cô vội vàng trả lời: “Dưới chân núi.”
Đám tổ tông kia lẳng lặng nhìn cô, trên mặt ghi bự hai chữ ‘vớ vẩn’.
“…” Lúc này bà cô đã vượt qua tình trạng khi mới gặp kẻ bề trên, không còn đến nỗi chân cẳng mềm nhũn nữa. Cô suy nghĩ, chỉ vào cửa và bảo: “Ngài muốn đi một chuyến hả? Không thôi con dẫn đường nhé.”
“Được.” Tạ Vấn đáp một câu.
Ai dè Bốc Ninh và Văn Thời cùng ngoảnh đầu nhìn chằm chằm vào hắn.
Bốc Ninh còn hơi cung kính, vẻ mặt không quá rõ rệt.
Văn Thời thì khác. Anh đứng bên giường, nhíu mày nhìn qua nhìn lại trên người Tạ Vấn, từ cổ xuống tới bàn tay, hỏi với vẻ lo lắng và ngờ vực: “Ông đứng lên được không đó?”
Lời này quá thẳng thắn, Bốc Ninh lặng lẽ lùi một bước về sau, để sư đệ tự do phát huy.
Văn Thời tất nhiên sẽ không rút lui. Anh đang tự hỏi rất nghiêm túc không biết cõng hay bồng thì tiện hơn.
Vừa mới nghĩ vậy, anh đã hơi khom xuống.
Đang định giơ tay ra, anh đã cảm thấy trán mình bị hai ngón tay của người ta búng nhẹ một phát.
“Hành lễ bừa bãi.” Lúc giọng nói trầm thấp của Tạ Vấn dừng bên lỗ tai anh, một làn gió thổi qua từ bên cạnh, vải áo cọ nhẹ qua gò má của Văn Thời.
Giải thích nhẹ
Anh hơi nheo mắt lại, mới đứng thẳng người dậy thì đã thấy người trên giường đứng bên cửa mất đất.
Áo đỏ to rộng khoác trên người hắn, để lộ nửa phần cổ tiều tụy, có thể thấy rõ đầy ngón tay giấu dưới tay áo, nửa bên người gần ngực hắn trông cũng không ổn lắm.
Hắn để bàn tay khô queo ra sau rồi đẩy mở cửa phòng.
Trương Lam ngây người một lát, túm lấy Trương Nhã Lâm, dẫn theo vài con rối hấp tấp bước khỏi cửa và dẫn đường xuống dưới chân núi.
Hạ Tiều chần chờ rồi đi theo sau lưng Bốc Ninh.
“Sư phụ, ngài…” Lúc ra cửa, Bốc Ninh vẫn cảm thấy đôi phần bất an.
“Không đến nỗi nào.” Tạ Vấn trả lời.
“Vâng.”
Hắn vừa đáp, Văn Thời đã bước tới.
Ngón tay của Tạ Vấn còn gắp lấy miếng vải giơ lên che mất đôi mắt của Văn Thời rồi nói: “Đừng lườm người ta nữa. Lần trước ta để con cõng có một chút thôi, con còn tỏ vẻ không tình nguyện rồi mời ta bò nữa mà ——”
Bốc Ninh đi trước bị vướng bậc cửa lảo đảo một cái, vịn ‘rầm’ lên khung cửa, nghiêng đầu nhìn lại với một vẻ mặt một lời khó nói hết.
Hạ Tiều đứng phía sau im ru gật đầu, ý bảo ổng nói thật đó. Kể ra thì dài lắm, hắn đừng hỏi gì hết.
Chị em Trương gia đã bước lên đường núi, rồi lại bị tiếng động này hù hú hồn, nhìn lại với vẻ khó hiểu.
Bốc Ninh đã trở về với dáng vẻ đoan chính, đi về phía họ một cách lịch sự: “Không có gì hết, phiền hai con dẫn đường.”
Văn Thời đưa mắt về từ bóng dáng của sư huynh, vô cảm liếc Tạ Vấn một cái rồi nói: “Vậy ông đi trước đi, tôi trông chừng ông.”
Giọng điệu của anh nghe mới lạnh lùng, trên cổ lại ửng chút sắc đỏ, có lẽ là bực dọc không rõ nguyên do, tay buông bên người bóp lấy các đốt kêu răng rắc.
***
Thôn làng dưới chân núi Tùng Vân vẫn vô cùng hoang tàn, đổ nát và vắng vẻ.
Chỗ này không có ánh trăng, mây đen mịt trời suốt mấy hôm liền, tiếng sấm gầm vang không ngớt, gió mạnh càng không biết ngừng nghỉ.
Lúc tới nơi, họ không hề cảm thấy cảnh tượng này lạ lùng. Hiện giờ, Văn Thời và Bốc Ninh lại không hẹn mà cùng nhớ lại mấy đêm từ rất nhiều năm trước kia.
Lúc Bốc Ninh thấy trước sẽ có tai họa khủng khiếp, dưới chân núi cũng có dáng vẻ này, mưa gió lưu chuyển, sấm sét đan xen. Khi đêm xuống, cửa sổ của mỗi nhà trong thôn đều khép chặt, không thấy một ngọn đèn dầu, nhìn như không có ai cư trú…
“Vâng, ở đây ạ.” Trương Lam chỉ tới nơi mà ngọn gió vọt tới phía xa. Khi họ đi đến, lối đi đen thui kia vẫn giống hệt vòng xoáy đang quay vòng bên cạnh cô.
Tiểu Hắc gần như ngồi xổm xuống kế bên vòng xoáy, gạt đi bớt vài cái trên mặt đất: “Ở ngay chỗ này, bên dưới nơi này có một thứ gì đó, nhưng nó sâu quá, đến gần thì có thể cảm nhận được, nhưng lại không thể đào ra.”
Trương Lam gật đầu, chỉ vào em trai và bổ sung: “Nó đã thả ra cả sáu con rối, nhưng vẫn không thể xê dịch thứ đó, nó vẫn ghim chặt dưới kia thôi.”
Trương Nhã Lâm lau mặt một cái, không biết phải cảm ơn cô hay hy vọng cô đừng nói nữa.
Hắn nghẹn nửa ngày rồi lẩm bẩm: “Dù sao thì người bày trận cũng là Trương Uyển mà.”
Một người phụ nữ suýt có thể trở thành chủ gia tộc cũng không đến nỗi sẽ thua họ một cách rõ ràng vậy đâu.
“Để ta tới thử xem.” Bốc Ninh đi tới, khụy gối bên vòng xoáy, cúi người lắng nghe âm thanh trong lòng đất.
Đó là âm trận. Người tinh thông trận pháp tới một mức độ nhất định sẽ có thể nghe ra toàn bộ bố cục của trận chỉ bằng âm trận mà thôi. Làm vậy thì sẽ dễ phá lên nhiều hơn, cũng như có thể biết thẳng điểm mấu chốt nằm đâu.
Bốc Ninh lắng nghe thật lâu mới nói: “Hèn gì…”
“Hèn gì cái gì?” Văn Thời hỏi.
“Hèn gì rối thuật không mở nổi.” Bốc Ninh chống tay ngồi dậy và bảo: “Trên thực tế, trận này không khó giải, nhưng mà thứ bên dưới thì khá khó để lấy được. Thực ra nó không có quan hệ gì với trận này cả. Nó chỉ là thư từ mà chủ trận để lại.”
Văn Thời: “Loại thư từ gì?”
Bốc Ninh chỉ vào mình: “Không khác huynh cho mấy, rút ra một chút từ linh tướng.”
Chẳng qua là hắn thì chia ra một nửa linh tướng để nuôi dưỡng cả đại trận che núi, người thường thì chỉ cần một phần nhỏ, song cũng chỉ có một vài người nhất định mới có thể mở được thư từ mà họ để lại thôi.
Hiển nhiên, Trương Nhã Lâm và Trương Lam cũng hiểu được, họ tránh ra: “Nếu là thư từ thì thực sự hơi phiền rồi. Ai biết người ta để lại cho ai? Chẳng phải chúng ta là…”
Mấy chữ ‘kẻ mù sờ tượng’ còn chưa được thốt ra, họ đã thấy Tạ Vấn bẻ gãy ba cành khô khỏi cái cây ở một bên.
Hắn vỗ nhẹ lên vai Văn Thời, kéo anh ra sau lưng mình rồi phất tay áo cắm lần lượt ba cành khô kia xuống đất nơi Văn Thời vừa đứng.
Sau đó, bàn tay khô khốc và gầy dài của hắn đập mạnh một cái lên mặt đất ——
Trong phút chốc, mưa gió đổi thay.
Hàng trăm hàng nghìn vết nứt tóe ra trên đất đai từ dưới bàn tay của hắn. Chỉ trong tích tắc, trông như có chục nghìn đóa hoa sen đang nở rộ, giữa các cánh hoa là vực thẳm khiến người ta sợ hãi.
Biết bao sương đen trỗi dậy từ dưới sâu vực thẳm và xông thẳng lên trời.
Kế tiếp là tiếng leo dây lít nhít, như thể muôn vàn sâu bọ đang bò khỏi hang động.
Sương đen hòa mạnh vào nhau. Mọi người vừa né tránh chỗ nứt nẻ khác nhau vừa tìm nơi phát ra tiếng leo trèo trong sự cảnh giác.
Ngay sau đó, cuối cùng thì họ cũng thấy rõ.
Đó là huệ cô với tay chân như nhện và cổ gáy vặn vẹo nhiều không đếm xuể đang bò lên từ dưới lòng đất.
Chỉ vỏn vẹn trong chớp nháy, chúng đã lẻn lên tới chỗ đất bị sạt lở.
Đệt mẹ!
Trương Lam loáng thoáng nghe thấy em mình chửi thề. Hai người em kéo dây rối chị cầm bùa chú quăng về phía đám quái vật dơ bẩn vừa bò lên.
“Không phải là thư từ à?” Văn Thời đanh mặt, dứt khoát xoay người lưng chạm lưng với Tạ Vấn, mười ngón túm lấy dây dài, trầm giọng hỏi một câu.
“Đừng khẩn trương, đúng là thư từ.” Lúc nói, giọng của Tạ Vấn vọng sang từ nơi hai lưng chạm vào nhau, trầm ấm vang dội trong ngực anh.
Văn Thời giật mình xoay đầu và trông thấy hình dáng lờ mờ của một người phụ nữ.
Bà ấy tựa như trận linh của Bốc Ninh, mặc dù đứng trên mặt đất nhưng lòng bàn chân lại trống không.
Mặc dù chưa gặp bao giờ, Văn Thời chỉ cần nhìn một cái đã biết…
Đây là Trương Uyển.
Người trần dùng linh tướng để bước vào luân hồi, đời nào cũng sẽ thay đổi bộ dáng. Ngoại trừ linh vật có khứu giác cực nhạy, người thường hoàn toàn không thể cảm nhận được mối liên kết giữa người với người.
Chỉ trong những khoảnh khắc hết sức ngẫu nhiên thì mới có cảm giác như thể mình từng gặp ở đâu đó rồi.
Trương Uyển và chủ lồng của thôn Liễu kia cách nhau vài vòng luân hồi, dáng dấp một trời một vực, song không biết sẽ khác xa mẹ đẻ của Trần Bất Đáo đến đâu.
Nhưng ánh mắt của bà có vẻ đong đầy cảm xúc phức tạp và khó tả, như thể bà nhớ rõ mỗi đường mà mình từng trải qua.
Bà nói với Tạ Vấn: “Cuối cùng mẹ cũng… nhìn thấy con rồi.”
Trong thư của Trương Bích Linh có nói là Trương Uyển vừa tới Thiên Tân hai năm đã có con. Khi đối phương trưởng thành, bà lại vô tình đâm thẳng vào chỗ chết của một cái lồng, từ đó không bao giờ thoát ra nữa.
Nhưng bà lại nói với Tạ Vấn rằng: Cuối cùng mẹ cũng nhìn thấy con rồi…
Tựa như thực ra bà biết rằng thực ra người mà bà đã nuôi nấng suốt mười tám năm trời là một thể xác lưu luyến đời sau.
Sương đen bủa vây xung quanh như một tấm ngăn hão huyền, như thể ngoại trừ Tạ Vấn và Văn Thời đang đứng bên cạnh hắn, không ai có thể xuyên qua đống sương mù dày đặc để nhìn thấy bà.
Tạ Vấn lặng thinh thật lâu rồi nói: “Người nhớ ra con?”
Hắn không sử dụng chữ ‘biết’, mà lại bảo là ‘nhớ’.
Trương Uyển mỉm cười, “Đúng ra mẹ không nên nhớ rõ, về sau lại nhớ ra vì một vài… cơ duyên không biết là tốt hay xấu.”
Nhớ ra trước đây lâu lắm có một nhà họ Tạ ở Tiền Đường, lầu son nhà giàu, suốt mấy thế hệ đều làm quan lại.
Trước nhà là dòng sông uốn khúc, phía sau là nhà cao cửa rộng, trong sân có hồ nuôi cá chép, cây cối sum suê, hành lang gỗ lim vòng quanh hòn non bộ già cỗi, thịnh vượng và tao nhã.
Nhớ ra tiểu công tử Tạ gia ưu tú, lỗi lạc và thông suốt, ai thấy cũng không nỡ rời mắt, mở miệng toàn những lời khen ngợi, nói hắn là quân tử độ lượng rộng rãi, có lồng bao dung, chưa bao nhiêu tuổi đã xuất sắc hơn người, mai sau thế nào cũng có thể trở thành người tài, làm rạng rỡ gia đình, sống cả đời suôn sẻ.
Tiểu công tử đó là con trai bà.
Tạ lấy từ họ cha, tên chỉ một chữ Vấn.
Vấn trong một món quà được biếu cho. Món quà mà trời cao đã ban tặng.
(*) nguyên văn 问, 遗也. Vấn (问) ngoài hỏi han ra thì cũng có nghĩa là làm quà (theo từ điển Thiều Chửu). Dị (遗) ngoài nghĩa đánh rơi hoặc để lại ra cũng mang ý nghĩa cho, tặng hoặc biếu quà (theo từ điển trích dẫn văn xưa).
Bà cứ tưởng món quà này sẽ có thể bầu bạn với mình suốt mấy chục năm, đến lúc bà già đi và qua đời.
Ai ngờ, một thằng mù coi bói đi khắp hang cùng ngõ hẻm lại nói rằng tiểu công tử chỗ nào cũng tốt, chỉ có số phận là không. Gần ai nấy chết, thân duyên đứt tuyệt.
Thằng mù này nói mà chẳng biết cấm kỵ, buông lời ngay trước mặt tiểu công tử.
Đối phương không hề để tâm, chỉ cười cho qua chuyện, khách khí cho thằng mù chút tiền.
Sau này không còn tung tích gì của thằng mù đó nữa, Tạ gia lại thực sự ngày một lụn bại.
Bà là người đầu tiên phải từ trần.
Bệnh tình khó chữa, chỉ có nước chờ chết. Năm bà mất, Tạ Vấn còn trẻ măng.
Cũng may vẫn còn một lão bộc trông hắn lớn lên ở bên cạnh và có thể chăm sóc đôi chút. Nhưng bà vẫn không yên lòng mà không muốn rời xa hắn. Trong khoảng thời gian đó, bà luôn luẩn quẩn với Tạ gia trong ngoài, riết rồi bà dần quên mất rằng mình đã không còn nữa, như thể ngày tháng vẫn hệt như trước đây, chẳng qua là người trong nhà không phản ứng đến bà thôi.
Bà trơ mắt nhìn Tạ gia ngày càng suy tàn, cuối cùng một tờ lệnh đưa tới, hơn cả trăm người từ trên xuống dưới đều bị giết hết. Thế mà trời xui đất khiến làm Tạ Vấn lại tìm được đường sống trong chỗ chết, rất đúng với câu gần ai nấy chết, thân duyên đứt tuyệt kia.
Sau đó, chàng công tử từng ưu tú lại mắc bệnh nặng, bị kẹt giữa sống và chết trong sự khổ sở, lâu lắm vẫn không tỉnh lại.
Một hôm nọ, lúc đang quanh quẩn bên giường bệnh, bà bất cẩn bị kéo vào một nơi.
Ở đó, Tạ gia vẫn là lầu son nhà giàu, con cháu thịnh vượng. Cá lội nghịch nước trong hồ, mưa đổ xuống cây sơn trà bên sân. Bà thấy Tạ Vấn vốn bị bệnh nên nằm suốt trên giường phủ áo khoác ngồi tựa lên hành lang, cười nói với lão bộc bên cạnh mình, ngón tay vê thức ăn cho cá rồi ném xuống hồ.
Khi đó bà vẫn chưa hiểu.
Nếu là bây giờ thì bà vừa thấy đã biết.
Đó là một cái lồng.
Chủ lồng tên là Tạ Vấn.
Đời sau chẳng ai biết rằng cái lồng đầu tiên mà Tổ sư gia của các Phán Quan giải được lại là lồng của chính hắn.
▓▒░(°◡°)░▒▓
Lời tác giả:
Bệnh nặng và thiên tai cũng có lồng nữa nhé.
HẾT CHƯƠNG 84 („• ֊ •„)