Đáp án này khép lại suy đoán của Văn Thời. Dù sao chăng nữa, hồi đầu anh cũng đuổi theo tung tích của Trương Uyển để tới Thiên Tân mà.
Chủ ý ban đầu của anh là tìm hiểu về chuyện của Tạ Vấn thông qua dòng họ của Trương Uyển, không ngờ vòng đi vòng lại cuối cùng lại trông thấy dấu vết mà đối phương để lại ở đây.
Phản ứng đầu tiên của anh là khéo thế, nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra cũng chả phải trùng hợp gì. Anh và cả Tạ Vấn đều chỉ men theo đường dây khác nhau và tình cờ tụ lại một chỗ thôi.
Văn Thời chưa gặp Trương Uyển bao giờ, chỉ nghe được vài điều vụn vặt từ trong miệng của Chu Húc. Anh chỉ biết rằng bà có tư chất xuất sắc, chuyên tu quẻ thuật và trận pháp. Về sau, bà chấm dứt quan hệ với Trương gia vì một vài vấn đề và sửa cả tên, trăn trở suốt một quãng đường mới dừng chân ở Thiên Tân này.
Trương Uyển từng viết thư từ qua lại với Trương Bích Linh, Chu Húc đề cập đến vài câu trong thư, Văn Thời có ấn tượng rất sâu sắc với hai câu trong đó.
Bà bảo “chỗ này là đất lành của chị,” rằng “trần duyên mấy đời nối tiếp nhau phải đi đến hồi kết rồi.”
Nhưng vì sao bà lại nói nơi này là đất lành?
Còn trần duyên mấy đời nối tiếp nhau là sao nữa?
Trương Nhã Lâm phủi đi bụi bặm trên ống quần rồi đứng dậy, mặt mày như thể mới nuốt phân.
Trước mặt nhiều người như vậy, hắn cũng không thể nói gì với chị, chỉ liếc Trương Lam một cái, nuốt ngược sự xem thường vào bụng.
Ai dè hắn phát hiện Trương Lam đang nhìn chằm chằm vào mấy thứ mà Trương Uyển để lại kia, vẻ mặt như đang suy tư, không biết cô đang nghĩ gì.
Theo hiểu biết của Trương Nhã Lâm về cô, bà cô này chắc đã để ý thấy chút manh mối hoặc nhớ ra tin đồn tương ứng gì rồi.
Hắn rất tò mò về cả hai vế.
Nếu là trước đây, hai chị em họ có hàng chục nghìn cách để thảo luận với nhau mà không bị ai chú ý. Nhưng lúc này, cách nào cũng vô dụng thôi.
Dù sao trước mặt toàn là tổ tiên, hàng chục nghìn cách kia rất có thể được chính đám người này để lại. Nếu họ mà dùng, hiệu quả chẳng khác gì đang cầm loa bự chạy khắp phố.
Thà là khiêm tốn đàng hoàng và lặng lẽ theo dõi sự thay đổi.
So với họ, các vị tổ tiên thẳng thắn hơn nhiều.
Văn Thời đi tới mép giường, giơ ngón tay vén rìa vải lên để ngắm nghía, sau đó anh hỏi Tạ Vấn: “Ông có dính líu với bà ấy?”
Tạ Vấn nhìn miếng vải, ít lâu sau ngước mắt lên nói: “Thực ra con cũng từng gặp bà ấy rồi.”
Hắn vừa nói thế, vẻ kinh ngạc hiện lên trên mặt Văn Thời: “Tôi?”
Tạ Vấn gật đầu một cái.
Văn Thời nhíu mày nghĩ lại, song vẫn chẳng nhớ ra điều gì: “Hồi nào?”
Tạ Vấn: “Con còn nhớ một nơi tên là thôn Liễu không?”
“Thôn Liễu…” Văn Thời thầm lặp lại, cảm thấy hình như đúng là hơi quen. Dù sao anh cũng đã trôi nổi trên thế gian này suốt quá nhiều năm, gặp phải quá nhiều chuyện, ký ức ngổn ngang tùm lum, nhất thời chưa hiểu nổi.
Cuối cùng, Bốc Ninh vẫn “à” khẽ một tiếng và thốt lên: “Thôn Liễu.”
Văn Thời nhìn về phía hắn.
Ký ức của Bốc Ninh dừng lại ở một nghìn năm trước, bởi thế không khó lắm khi phải tìm lại những chuyện cũ năm xưa. Hắn nhắc cho anh nhớ: “Đệ còn nhớ cái năm trước khi chúng ta xuống núi ấy, có một lần ở bệ luyện công trên sườn núi, không biết sao huynh và Chung Tư lại cãi cọ, sau đó huynh bảo là sẽ có một tai họa khủng khiếp ập xuống vào sáu ngày sau không…”
Văn Thời khá sửng sốt và cuối cùng cũng ngộ ra.
Đương nhiên là anh nhớ rõ hôm đó.
Lúc đó anh mười chín tuổi, đánh dấu lần đầu tiên mơ thấy bản thân đong đầy dục vọng thế tục như thế này như thế nọ với Trần Bất Đáo.
Giấc mơ nọ quá đáng sợ, chiếm lấy toàn bộ tâm trí của anh. Thế nên anh suýt chút nữa quên béng rằng thực ra có rất nhiều điều vặt vãnh xảy ra vào hôm đó, có lớn có bé, một trong số đó là ‘tai họa khủng khiếp ập xuống vào sáu ngày sau’ mà Bốc Ninh thuận mồm nói kia.
Bốc Ninh chẳng nói mấy lời tương tự như thế nhiều lắm, nhưng cũng tuyệt đối không ít, phần lớn chỉ theo bản năng, ngay cả hắn cũng không phản ứng kịp.
Sau khi nói xong, hắn thường ngớ ra rồi xua tay bổ sung: “Miệng nói đại vậy thôi chứ đệ cũng không rõ nữa. Các huynh khỏi nhọc lòng quá cỡ về nó, mấy ngày tới cứ để ý thêm một chút là được.”
Sự thật chứng minh, đa số điều Bốc Ninh nói luôn chính xác. Chẳng qua là có vài chuyện, mặc dù có chú ý thì cũng khó lòng đề phòng, như thể một cái hố mà bản thân không thể thoát khỏi.
Thoạt đầu, bọn Văn Thời còn bóp cổ tay đầy chán nản. Sau đó, họ dần phát hiện, dù không thể leo ra những cái hố đó, đợi đến lúc thực sự đã vượt qua, nó sẽ không được tính là một chuyện to tát gì.
Riết rồi sau khi gặp phải nhiều cảnh hơn, mấy lời Bốc Ninh nói này không còn dọa họ sợ nữa.
Như hôm đó hắn bảo: “Sẽ có một tai họa khủng khiếp ập xuống vào sáu ngày sau.”
Chung Tư trả lời: “Không sợ, cùng lắm thì huynh không xuống núi thôi.”
Nhưng nói thì nói thế, họ cũng không hoàn toàn không để chúng trong lòng. ——
Ngày ấy, Bốc Ninh thường giật mình tỉnh giấc vào nửa đêm, tâm trạng không yên. Ngay cả lúc hắn bày tiền đồng ra để tính một quẻ, kết quả cũng không tốt lắm, vì thế hắn gọi mấy sư huynh đệ dậy và nói: “Đệ thấy ngọn núi bất ổn rồi, e rằng thôn làng dưới chân núi sắp gặp tai ương.”
Trong khoảng thời gian đó, vùng núi Tùng Vân mưa xối xả suốt mấy ngày liền, cảnh hắn nói cũng không phải chẳng có dấu hiệu nào.
Bọn Văn Thời nghĩ tới nghĩ lui, thực sự không thể tuân theo mệnh trời mà khoanh tay đứng nhìn, vì vậy cả đám củng cố sức mạnh cho núi suốt đêm, còn bày cả một trận chắn bên phía gần với thôn xóm nữa.
Mấy hôm ấy, họ luôn thất thần trong giờ tụng niệm hằng ngày, thay phiên nhau trông coi mấy đá trận và lá bùa nọ. Chung Tư và Trang Dã thường thích xuống núi nhất cũng an phận hơn nhiều, nán lại trong núi một cách đàng hoàng và không đi tới bên đó.
Cứ thế, cả đám chờ tới đêm của ngày thứ sáu…
Gió êm sóng lặng, không có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Nếu phải nhắc đến một chuyện có thể được coi là ‘tai họa’, đó sẽ là khi trời nhá nhem tối vào hôm thứ sáu, có một tảng đá lỏng tách ra khỏi vách núi ở phía Đông của thôn, lăn dọc xuống theo lưng núi và nhằm vào một ngôi nhà nào đó.
Nghe đâu trong nhà không có nhiều người lắm, chạy trốn cũng mau, người già đều tránh đi rất kịp thời.
Huống chi cuối cùng tảng đá kia cũng không đụng vào nhà cửa, mà lại ngừng lăn ở chỗ cách chuồng gà vài thước…
Ngay cả gà cũng chẳng thiếu một cọng lông.
Đối với bọn Văn Thời, hôm đó là một bữa sợ bóng sợ gió. Nhưng họ không hề cảm thấy phí sức, mà tâm trạng còn cực tốt nữa.
Chung Tư lảm nhảm chọc Bốc Ninh cả đêm, cuối cùng lại bị chấm dứt bằng hình thức ‘bị ném vào mê cung trận’ quen thuộc này.
Nhờ có chuyện này quấy rầy, mấy hôm đó Văn Thời còn chẳng có thời gian nghĩ về những cảnh trong mơ nọ.
Mãi đến sáng sớm của hai hôm sau, khi trời mới tờ mờ sáng, hắn thức dậy rất sớm theo thường lệ, cột tóc gọn gàng, một tay cầm giá chim cho Kim sí Đại bàng, tay còn lại cầm dây rối bay lên cành tùng cao nhất.
Anh đang quấn dây rối lên ngón tay thì bỗng nghe thấy một tiếng cửa mở kẽo kẹt vang lên trên đỉnh núi. Trần Bất Đáo bước ra, khi tròng áo choàng đỏ lên người, tà áo lướt qua mớ dây leo đang rũ xuống.
Văn Thời nheo mắt lại đôi chút và nới lỏng dây rối khỏi răng giữa cơn gió kia.
Vì một lý do nào đó, anh không gọi đối phương mà chỉ đứng sau các nhánh tùng đang lung lay nhẹ nhàng và ngắm nhìn người nọ từ các khe hở giữa lá cây mỏng nhỏ.
Nhưng lúc bước qua, Trần Bất Đáo lại dừng bước và chợt ngẩng đầu nhìn sang.
Hai người chẳng nói gì trong chốc lát.
Cuối cùng Trần Bất Đáo vẫn mở miệng trước. Hắn nghiêng đầu hất cầm về phía nhà bên kia và nói: “Chim muông trong rừng còn chưa mở mắt, con lại thức dậy sớm đến vậy. Ngủ thêm chút nữa không?”
Khi đó, Văn Thời vừa xẻo tẩy linh tướng, cơ thể hơi căng chặt, có vẻ lạnh nhạt hơn so với lúc thường.
Nghe đối phương hỏi, anh chỉ chớp mắt rồi nói: “Không buồn ngủ.”
Trần Bất Đáo gật đầu.
Có lẽ hắn muốn nói gì thêm nên cứ đứng đó ngắm nhìn một lúc. Nhưng cuối cùng, hắn vẫn chẳng nói gì mà xoay người định xuống núi.
Thấy hắn dời mắt sang hướng khác, Văn Thời đột ngột hỏi một câu: “Ngươi đi đâu thế?”
Đây là câu đầu tiên mà anh sẽ hỏi trước đây, hôm đó nghẹn tới cuối mới nhả ra.
Người bước đi trên đường núi rốt cuộc cũng cười một cái, ngoảnh đầu nói với anh từ đằng xa: “Xuống núi làm việc.”
Văn Thời lại hỏi: “Đi trong bao lâu?” w●ebtruy●enonlin●e●com
Trần Bất Đáo: “Lần này sẽ khá lâu. Lúc ta trở về có lẽ đã cuối hè đầu thu mất rồi.”
Lần đó, hắn đi suốt vài tháng.
Văn Thời nhảy xuống khỏi cành tùng. Lúc hạ cánh, ngón tay anh chấm lên mặt đất, nhẹ như một bông tuyết rung rinh rơi khỏi cành cây, song vẫn có một khí thế rơi rất ư là hiên ngang.
Lúc ngồi dậy, anh thấy dáng mình phản chiếu trong mắt Trần Bất Đáo, nhưng lại không biết nên nói gì.
Trước đây khi anh rơi xuống trước mặt Trần Bất Đáo như vậy, đối phương sẽ luôn nói một câu sau khi tiết lộ hành tung của mình: “Người tuyết, muốn ra ngoài không?”
Nhưng lần này, Trần Bất Đáo lại đổi lời. Hắn vẫn cười rồi nói như một lời trêu đùa thuận mồm: “Đừng trừng mắt giám sát nữa, nhớ lười thêm mấy ngày trong lúc ta không ở trong núi nhé.”
Văn Thời vốn không định xuống núi cùng hắn, nhưng nghe thấy những lời này, một cảm giác ảo diệu lại trỗi dậy trong lòng anh, như thể không chỉ một anh đang tránh Trần Bất Đáo, mà ngay cả hắn cũng đang tránh anh nữa.
Anh cảm thấy một tí tẹo… mất mát không nói nên lời, tựa như mũi chỉ rậm rạp đang cào lên trái tim.
Anh không biết biểu cảm lúc đó của mình là gì, phải chăng những cảm xúc nhỏ nhặt nọ đã lén lộ ra. Văn Thời chỉ nhớ rõ lúc nghe thấy lời kia, bản thân đã ngẩng người rồi mới cúi đầu giấu mắt gật đầu.
Đối phương đi một lần mà đã kéo dài suốt mấy tháng. Lúc hắn trở về cũng đã cách ngày họ xuống núi chẳng mấy xa. Sau này, núi Tùng Vân sẽ trở thành nơi đặt chân nào đó trên thế gian, họ không biết bao lâu mới có thể về lại một chuyến nữa…
Vừa khéo, anh có thể đặt dấu chấm hết cho những suy nghĩ xằng bậy kia.
Văn Thời khuyên bảo mình trong lòng như thế, tuy nhiên lại nghe tiếng bước chân trên thềm đá của Trần Bất Đáo dừng hẳn.
Anh vừa ngẩng đầu nhìn đã phát hiện không biết từ khi nào mà dây rối trên ngón tay mình đã vọt ra và chụp lấy cổ tay của Trần Bất Đáo với lực nắm không lỏng không chặt.
Giống như một hành động giữ lại trong vô thức.
Trần Bất Đáo nhìn dây quấn trên cổ tay mình, mặt mày không ngạc nhiên lắm, chỉ lặng thinh một lát.
Thực ra đây chỉ là một hành động của bản năng, một điều nhỏ nhặt mà thôi.
Bỗng dưng Văn Thời lại cảm thấy xấu hổ và bối rối.
Anh không biểu lộ gì trên mặt, chẳng qua là lập tức nới lỏng dây rối, vứt ra một câu “ta đi tới khe núi đây” rồi xoay người bước sâu vào trong rừng tùng.
Chưa đi được hai bước, anh đã cảm thấy ngón tay của mình bị sợi dây kéo lại.
Anh cúi đầu ngó ngón tay, sau đó xoay người theo đường dây rối bị kéo thẳng, trông thấy Trần Bất Đáo đang quấn lấy đầu còn lại của dây rối, nghiêng đầu về phía đường núi và bảo: “Xuống núi với ta đi.”
…
Nơi đầu tiên mà họ đến lần đó được gọi là thôn Liễu.
Đó là một cái thôn không lớn mà cũng không nhỏ, khoảng trăm hộ gia đình, dựa núi gần sông, vốn là một nơi cực kỳ an nhàn. Khổ nỗi ông trời không chiều ý người, cơn mưa to suốt mấy ngày liền đã làm một nửa ngọn núi bị sạt lở.
Xui thay, núi sụp xuống ngay đúng đêm khuya, lúc mà mọi người đều đang ngủ say. Nhà cửa gần đó trực tiếp bị ngọn núi chôn sâu trong bùn đất, không ai trong nhà may mắn thoát khỏi.
Văn Thời và Trần Bất Đáo chạy tới, vừa nhấc chân vào vùng bìa thôn đã bước thẳng vô lồng.
Văn Thời năm mười chín tuổi đã vào rất nhiều lồng, kiến thức khá rộng.
Thôn Liễu kia tuyệt đối không phải cái lồng đáng sợ nhất, nhưng nó lại là cái lồng khiến người ta mệt mỏi nhất.
Vì người trong lồng vẫn luôn dời núi.
Giống như Ngu Công, lưng gánh một giỏ tre thô sơ nhất, ngày qua ngày dời đống đất đá đang chồng chất. Bên dưới giỏ tre kia có một cái lỗ lớn, dù chứa đầy đất đá thì cũng vừa đi vừa rớt, vì thế dẫu có ráng thế nào cũng không thể dời hết ngọn núi kia.
Chủ lồng là một người phụ nữ rất trẻ trung.
Khuôn mặt của cô cũng hơi mờ nhạt tựa như rất nhiều chủ lồng khác, chỉ có mặt mũi là rõ rệt nhất. Cô có một đôi mắt hết sức xinh đẹp. Lúc cô rũ mắt trông mới dịu dàng và đáng thương, khi ngước mắt lên thì lại có thêm chút khí thế anh hùng.
Tiếc là ánh nhìn trong lồng của cô trông trống rỗng và mỏi mệt, che lấp vẻ linh hoạt vốn có, trông phai nhạt nhiều lắm.
Người tiếp cận cô trước là Văn Thời.
Khi đó, cô đang quỳ gối kế bên giỏ tre, bưng đất đá vừa rơi xuống bỏ vào trong giỏ một lần nữa, cố chấp mà lại luống cuống.
Cô nói khẽ nhưng lại rất nghiêm túc với Văn Thời rằng người nhà cô đều ở dưới chân núi, hôm nào họ cũng báo mộng với cô là: Trên lưng họ nặng quá, không đứng thẳng dậy nổi, hãy phá đổ cái nơi gây đau thương này đi.
Cụ lão đã quá già, bọn trẻ lại quá nhỏ, bị đè dưới chân núi đúng thật là đau khổ quá chừng.
“Ta phải giúp họ, ta phải giúp họ mà…” Người phụ nữ kia liên tục lặp lại.
Khi đó, Trần Bất Đáo vừa giải quyết xong mối phiền cuối cùng và đang buông tay áo bước tới. Khi trông thấy mặt mũi của người phụ nữ này, hắn lại dừng bước và ngơ ngác một hồi lâu.
Đó là lần đầu tiên Văn Thời thấy hắn để lộ vẻ mặt như thế trước người xa lạ. Nhưng điều này không hề mang lại quá nhiều ảnh hưởng đối với hắn. Về sau, hắn vẫn sống đúng theo ý mình, vững chãi như bàn đá và không dính một hạt bụi trần nào như thế.
Nhưng khi bị Văn Thời hỏi, hắn trả lời một câu: “Không có gì, ta chỉ vừa nhớ đến một vị cố nhân thôi.”
Nghĩa của từ ‘cố nhân’ này quá bao la, tùy người nói ra mà nó sẽ mang ý nghĩa thân sơ gần xa khác nhau.
Đó là lần đầu tiên Văn Thời nghe được từ ‘cố nhân’ này từ trong miệng của Trần Bất Đáo. Anh luôn cảm thấy ý nghĩa của nó khác xa so với điều mà những người khác hướng tới, vì vậy, câu nói kia và người nọ luôn để lại một ấn tượng rất sâu sắc trong anh.
Mãi đến một ngày nào đó rất lâu về sau, anh mới biết ‘cố nhân’ mà Trần Bất Đáo thốt ra hôm ấy chính là người nhà thuở nhỏ của hắn, là mẹ của hắn.
HẾT CHƯƠNG 83 („• ֊ •„)