Mặt trái tờ giấy cũng có nét mực, chỉ thấy được lờ mờ.
Văn Thời lật tờ giấy lại, thấy một vết mực to, hẳn là tiểu thiếu gia Thẩm Mạn Thăng đã viết một đoạn văn giải thích để đáp trả lời phê của Lý tiên sinh, nhưng không biết vì sao lại bị mực đổ trúng.
Vết mực này dính chỗ kia nhiều chỗ này ít, phải để dưới ánh sáng mới có thể miễn cưỡng đọc nổi đoạn mở gốc ——
“Con không…” Hạ Tiều lật tờ giấy qua lại dưới ngọn đèn, nhẩm vài lần rồi nói: “Em đã cố hết sức những vẫn không thấy rõ khúc sau viết gì, chỉ có thể nhìn ra hai chữ này thôi.”
Nhưng mà… con không gì chứ?
Con không có làm thế? Con không đổi đâu? Hay là con không nên làm thế?
Bỏ qua mấy từ bị dính mực đó, Thẩm Mạn Thăng lại viết một câu bên cạnh như lời đáp cuối cùng dành cho Lý tiên sinh.
Nó viết: Con biết rồi, thưa tiên sinh.
Hạ Tiều nhìn chằm chằm vào tờ giấy nọ, biểu cảm như rất có trách nhiệm, lơ lửng giữa vẻ suy tư và hoang mang: “Giờ em ngốc quá, cảm thấy hình như mình bắt được chút trọng điểm nào đó, nhưng lại khá mơ hồ.”
Cậu nhăn mặt lẩm bẩm: “Em phải ráng hiểu đôi điều mới được… vậy ra tiểu thiếu gia nhà họ Thẩm này cố ý bắt chước cách viết của anh Tuấn đúng không?”
Cách vui đùa của đám con nít thường làm người ta không nghĩ ra nổi, dù là vô tình hay ác ý cũng khó thể phân biệt. Hạ Tiều nhớ tới lúc mình còn bé, phố đối diện có một thằng nhóc hay nói lắp, vì thế mấy đứa nhỏ khác kết bè kéo phái bắt chước nó. Sau đó lại biến thành bảy, tám đứa nói lắp, cả đám bị phụ huynh đập một trận, lâu lắm mới dần sửa lại được.
Ta khó mà định nghĩa được dự tính ban đầu của mấy đứa nhỏ đó khi bắt chước cách nói lắp này, đôi phần là thấy vui, còn lại thì làm thế nhằm chế giễu.
“Nếu nó làm thế để giễu cợt thì đúng là hơi tồi. Nhưng nó lại rất thành thật nói rằng mình biết rồi.” Hạ Tiều luôn cảm thấy hình tượng của vị Thẩm tiểu thiếu gia này đầy ắp sự mâu thuẫn, khiến người ta rối rắm, “Cũng không biết sau đó có sửa lại không nữa ——”
“Rõ ràng là chưa hề sửa, hoặc là đã không sửa được nữa.” Tạ Vấn nói.
Hắn nói như đinh đóng cột, Hạ Tiều không phản ứng, cực kỳ ngờ vực: “Sao anh biết?”
Tạ Vấn chỉ vào rương đựng sách kia và nói: “Chữ viết nằm đầy trong đó, bộ cậu đọc ngược hả?”
Hạ Tiều khá sửng sốt, mặt tự dưng đỏ lên. Cậu nhận ra mình đã phạm vào lỗi sai cấp thấp nhất ——
Giấy tờ trong rương để chồng lên nhau, tờ nằm cuối nhất được viết sớm nhất. Nói cách khác, sau khi Lý tiên sinh phê là ‘đừng bắt chước chữ viết của A Tuấn nữa’, chữ của Thẩm Mạn Thăng vẫn không có bất cứ thay đổi lớn nào. Ngày này qua tháng nọ, chữ viết ‘bắt chước A Tuấn’ vun đầy chiếc rương.
Mà Lý tiên sinh cũng không nói gì thêm, khung phê bình chỉ có một dấu gạch chéo, có lẽ là đã bó tay với thiếu gia này, cũng có khi chỉ đơn giản là lười dạy bảo nó thôi.
Hèn gì Tạ Vấn lại nói như vậy.
Sau khi viết thế suốt một thời gian dài, dù Thẩm Mạn Thăng muốn sửa, thì có lẽ cũng không thể sửa được nữa. Bất kể xuất phát từ lý do gì, cách viết mà nó bắt chước đã dần biến thành chữ viết của bản thân nó.
Hạ Tiều nói chậm rãi: “Vậy rất có thể là chữ của Thẩm Mạn Thăng và anh Tuấn giống nhau nhỉ?”
Văn Thời: “Khác biệt không lớn.”
Hạ Tiều mở to hai mắt nhìn: “Nếu nói thế thì…”
Chữ trong quyển nhật ký bỗng chứa đựng hai hàm ý: Đó là chữ của Thẩm Mạn Thăng và cũng là chữ của anh Tuấn.
Nếu Thẩm Mạn Thăng là người thật sự viết nhật ký thì không nói gì. Nếu trong đó có vài phần được A Tuấn viết thì thế nào? Thậm chí… cả quyển đều là chữ viết của A Tuấn không thì sao?
Trước lúc bấy giờ, Văn Thời chưa từng đưa ra bất cứ kết luận xấu nào về tiểu thiếu gia Thẩm Mạn Thăng, vì chiếc giường trong phòng ngủ kia, và cũng bởi vì quyển nhật ký ấy.
Anh luôn cảm thấy một điều, một đứa nhỏ không muốn để người khác ngủ trên giường người hầu đơn sơ, mà lại chia đôi giường của mình trông kiểu nào cũng không đến mức phải đè chị mình vô trong sô pha chỉ vì chị ta thích cười và hơi ồn thôi đâu.
Mà quyển nhật ký đó lại luôn nhắc đến anh Tuấn —— Thẩm Mạn Di thường kéo anh Tuấn chơi cùng mình vào những thời điểm không đúng lúc, bởi thế nên rất phiền. Lý tiên sinh thường soi mói anh Tuấn về chữ viết của anh ấy, vì vậy nên rất ư là khắt khe.
Văn Thời cảm thấy những đoạn bị rời ra của nhật ký quỷ dị lắm, ngay điểm này đây —— mỗi cá nhân và nhân quả của từng sự việc trong quyển nhật ký đều không dính líu gì tới bản thân tiểu thiếu gia cả.
Hơn nữa, nội dung cũng thường có mâu thuẫn, lúc thì nói “chị ta lôi con gái tới giả trang thì thôi đi, còn thường kéo cả anh Tuấn vào nữa”, khi lại bảo rằng “Thẩm Mạn Di còn thích bắt tôi đoán ‘cô dâu thật giả’ lắm”.
Trước đó, Văn Thời cứ tưởng người viết nhật ký đang trong một trạng thái bất ổn, bất cẩn bại lộ thái độ điên dại bị đè nén, bởi thế mà nội dung mới khá lộn xộn.
Nhưng giờ khi mọi điểm đều đã tụ lại với nhau, sợi dây đó bỗng trở nên rõ rệt.
Nếu chữ trong quyển nhật ký là của A Tuấn; nếu chuyện trong quyển nhật ký đều là A Tuấn đang mượn lời tiểu thiếu gia để kể khổ; nếu có khi ‘anh Tuấn’ và ‘tôi’ giữa những câu chữ là chỉ cùng một người, thế thì mọi thứ có vẻ hợp lý lắm.
Nhưng vẫn còn một vấn đề…
Dáng người của A Tuấn và Thẩm Mạn Thăng không khác gì nhau, còn nhỏ hơn Thẩm Mạn Di chút xíu nữa. Vậy thì vì sao nó lại có thể làm được chuyện mà Thẩm Mạn Thăng không thể làm đây?
…
Văn Thời trầm ngâm một lát.
Khoảnh khắc ấy, anh cảm thấy mình nghĩ ra điều gì đó, nhưng còn chưa kịp túm lấy, suy nghĩ kia đã bị tiếng vẽ da của Lý tiên sinh ngắt ngang.
Lý tiên sinh chấm nguyên ngòi bút vào máu, muốn cố chấp lặp lại chữ ‘Thẩm’, nhưng lại bị Văn Thời chặn tay.
“Đợi đã.” Văn Thời nhìn hốc mắt trống trơn của gã và hỏi, “Có phải anh đã nói điều gì hoặc làm chuyện gì khác thường không?”
Nếu không thì tại sao ‘tiểu thiếu gia’ lại viết là ‘Lý tiên sinh đã phát hiện’ trong quyển nhật ký, song còn vội vã giết chết gã nữa.
Lý tiên sinh chợt ngừng tay, máu trên ngòi bút nhỏ giọt lên mặt giấy, hóa thành một vết màu đỏ rỉ sắt. Gã nắm chặt cổ tay của mình, thật lâu sau mới dùng sức viết ba chữ trên đó:
Tìm tôi đi.q
“Không phải anh đang ở đây hả?” Hạ Tiều nói trong vẻ mờ mịt.
Nói xong cậu bỗng nhận ra, kẻ đang ở đây chỉ là ‘Lý tiên sinh’ đang trở lại giữa đêm khuya thôi, Lý tiên sinh chân chính còn đang bị kẹt ở một góc nào đó, không nhìn thấy mặt trời như Thẩm Mạn Di trong sô pha.
“Vậy anh đang ở đâu?” Hạ Tiều vội vàng hỏi.
“Không hỏi được đâu.” Tạ Vấn đóng chiếc rương lại, đứng thẳng người dậy. Hắn cầm tờ giấy luyện chữ trên bàn lên, gấp đôi nó lại, chỉ về phía cửa và nói với Văn Thời: “Đi thôi, đi tìm gã.”
Họ quá hiểu về kiểu tồn tại này của Lý tiên sinh. Bạn có thể hỏi gã rất nhiều chuyện, gã sẽ cố trả lời bạn dưới tình huống chịu phối hợp, nhưng chỉ duy nhất chỗ chết lại là một điều cấm kỵ.
Không muốn nhìn thấy và cũng không thể nhắc tới tựa như Thẩm Mạn Di trước đó.
Quả nhiên, Hạ Tiều thấy Lý tiên sinh nắm chặt cây bút đang đặt trên mặt giấy, không nói lời nào. Một giây sau, đầu bút ‘bặt’ một tiếng đứt gãy, máu đột ngột chảy ra liên tục, chớp mắt đã lan hết cả mặt bàn.
Hạ Tiều vừa ngoảnh đầu đã thấy anh mình và ông chủ Tạ một trước một sau bước ra khỏi cửa từ kiếp nào. Trong phòng chỉ còn lại mình cậu đang trừng mắt với hai ‘con quỷ’, thế là cậu còn chẳng thèm thét chói tai mà đã nhanh chân chạy biến.
Ai dè Thẩm Mạn Di và Lý tiên sinh lại còn nhanh chân hơn cả cậu.
Văn Thời đứng trong hành lang túm dây rối một cái, kéo xong mới nhớ mình kéo dư một cọng ——
Hai con rối là Thẩm Mạn Di và Lý tiên sinh vốn chỉ lướt nhẹ, chưa gì đã xuất hiện trước mặt anh. Về phần cọng thứ ba…
Cọng thứ ba từ sau đâm tới, vịn nhẹ lên vai anh mới có thể đứng lại đàng hoàng, dở khóc dở cười hỏi một câu: “Có phải cậu túm dứt khoát đến thế vì quên mất có một người nào đó cũng đang bị nối với sợi dây không?”
Chuẩn rồi…
Nhưng Văn Thời sẽ thừa nhận à?
Không đời nào.
Anh lên tiếng bác bỏ, trầm giọng nói: “Có chuyện.”
Tạ Vấn gật đầu, bỏ tay xuống, coi bộ như đang lắng nghe chăm chú: “Có chuyện gì lại không nói được lúc hai tụi mình cách nhau bốn, năm bước, kể tôi nghe chút xem.”
“…”
Văn Thời không bịa ra nổi nên dứt khoát từ bỏ. Anh quay đầu nói với Lý tiên sinh: “Tìm lung tung khắp nơi thì lãng phí thời gian lắm, bởi vậy…”
Anh khều dây rối nối với Lý tiên sinh một cái, rủ mắt nói: “Đắc tội rồi.”
Dứt lời, Văn Thời dùng một tay quấn dây rối, tay còn lại túm lấy bả vai của Lý tiên sinh, lần lượt đẩy gã đi một bước về bốn hướng Đông Tây Nam Bắc.
Mặt mày của Lý tiên sinh trông ngỡ ngàng, Văn Thời cho gã đi đâu gã đi đó, chỉ có lúc nhắm về phía Đông là hơi chần chờ, như là có phần kháng cự hướng đó.
Gã muốn lùi về sau, nhưng đường lui lại bị Văn Thời chặn mất.
Đối phương làm ngược lại tình huống vừa thấy, đẩy gã đi thêm một bước về hướng mà gã sợ nhất, khẽ nói: “Đi tiếp, đừng dừng.”
Lúc Hạ Tiều đuổi tới, cậu thấy anh mình vừa đi vừa điều chỉnh phương hướng dựa theo phản ứng của Lý tiên sinh, giống hệt như mũi tên chỉ đường trong app bản đồ của cậu.
“Làm thế cũng được há???”
Hạ Tiều phục hết cỡ, ngoan ngoãn đi theo sau lưng Văn Thời và Tạ Vấn, vừa đi vừa nhìn khắp nơi, từ trần nhà cho đến kẽ thảm, ngay cả tường gương cũng không hề buông tha.
“Khỏi cần nhìn mọi nơi.” Tạ Vấn nhợt nhạt nhắc nhở.
Hạ Tiều nhỏ giọng hỏi: “Vậy phải nhìn như thế nào?”
“Những nơi có xà ngang, có thể thắt dây thừng, có nước.” Văn Thời chỉ đáp một câu chứ không quay đầu lại. Anh có mục tiêu rõ ràng, tầm mắt chưa từng lơ là, thế nên lia nhìn cũng rất nhanh.
“Phòng tắm, mái hiên, thanh xà gần cửa sổ, hoặc——” anh nói được phân nửa, bỗng dừng bước tắt tiếng.
“Sao vậy anh?” Hạ Tiều hỏi.
Nhưng một giây sau, cậu đã nhận ra lý do anh mình dừng chân, vì lúc Lý tiên sinh tới gần cửa hậu viện, thì tự dưng co rúm lại, điên cuồng muốn lui về sau.
Vẫn là Văn Thời nhanh tay lẹ mắt quấn về một khúc dây nên mới kịp thời làm gã ổn định lại.
Hậu viện?
Văn Thời nhíu mày.
Anh quả quyết mở cửa và bật đèn hành lang của hậu viện lên.
Vừa bước ra, anh đã ngửi thấy một mùi khô héo dữ dội. Cả sân toàn là hoa giống như lời Thẩm Mạn Di từng nói, khóm hoa lớn màu vàng nhạt vây quanh cái đu, những đóa hoa ấy trông tựa tai thỏ dựng thẳng, mà cũng hệt như cái nơ dài.
Không vì bất cứ lý do nào, Văn Thời bỗng nhớ lại dưới chân núi Tùng Vân cũng từng có một khóm hoa lớn như thế này, hoa màu trắng, trong sạch như đỉnh núi tuyết, nhưng lại hoạt bát và đầy sức sống hơn tuyết đôi chút.
Anh nhớ rõ loài hoa này tên là hoa tiên khách lai.
“Tai thỏ kìa!” Thẩm Mạn Di kêu lên một tiếng, muốn nhào sang. Lâu lắm rồi bé chưa thấy vườn hoa sau nhà, nhưng bé vừa bước một chân vào, thì lại đột ngột lùi về, như là bị bỏng trúng.
Sau đó bé ngồi xổm bên cửa, không nói gì nữa.
Vườn hoa này sặc sỡ, tươi đẹp, mà không hiểu sao lại phả ra một hơi thở chết chóc.
Rõ ràng là có gió phất qua nơi này, cái đu đong đưa nhẹ nhàng, nhưng những cánh hoa vàng nhạt và dây leo cây cỏ lại không hề nhúc nhích, ngay cả run lắc cũng không.
Văn Thời nhìn xung quanh một vòng, ngoài cái đu và giàn nho ra, cả sân không có chỗ nào cao hơn người. Nếu muốn treo Lý tiên sinh lên cái đu thì cũng không thể tìm ra điểm giữ.
Nhưng Lý tiên sinh đã sợ hết chịu nổi rồi.
Chân tay của gã luống cuống, không biết nên che cổ hay mắt trước, chạy bán sống bán chết tới một góc trong hậu viện.
Văn Thời chỉ đi một bước về trước, gã đã càng hoảng sợ hơn.
Âm thanh kẽo cà kẽo kẹt này lại vang lên giữa sự nôn nóng và bất an, quanh quẩn trong màn đêm tĩnh lặng, tựa như cây gỗ mà dây thừng quấn lên không chắc lắm, vật nặng trĩu xuống, lắc qua lắc lại.
Lý tiên sinh co rúc ở bên tường, lại ngửa mặt nhìn lên đỉnh đầu, như thể đang nhìn một sợi dây thừng dùng để treo người không tồn tại.
Tạ Vấn đứng ngay bên cạnh, rủ mắt nhìn Lý tiên sinh một lát rồi cũng ngẩng đầu lên. Văn Thời tưởng hắn đã tìm ra điều gì, liếc về hướng hắn đang nhìn, chỉ phát hiện hắn đang ngắm ánh trăng.
Có một vầng trăng tròn hiện lên tại đường chân trời, đường viền không rõ mấy, áng sương mù che đi chút ánh trăng. Nó cũng tràn ngập hơi chết tựa khóm hoa không động đậy trong hậu viện, song lại giống như một cái lỗ rỗng tuếch bị ông thợ vụng về nào đó vẽ thêm vào chơi thôi.
Văn Thời nhìn chằm chằm ‘cái lỗ’ kia vài giây, sắc mặt chợt thay đổi.
Anh nghĩ tới một chỗ.
Có cây gỗ, dây thừng có thể quấn lên, không cần quá cao mà cũng không cần quá nhiều lực, rất dễ để treo cổ người khác ——
“Là giếng nước.”
Nói rồi anh nhanh chân băng qua hậu viện, tìm thấy một miệng giếng cách cái đu không xa.
Giếng này có vẻ đã bị bỏ hoang từ rất lâu, gậy ngang vốn gác trên giếng đã bị gãy, từng khúc ngã xuống mỗi bên. Ngoài ra, miệng giếng còn bị đè xuống bởi một cục đá, nó bị cỏ dại rậm rạp mọc trên gậy ngang che mất, không chú ý thì không thể nhìn ra.
Văn Thời nửa quỳ xuống đất, giơ tay cầm cục đá lên, một mùi thúi nồng nặc ập vô mặt.
Hạ Tiều đi sau Tạ Vấn nửa bước, vội vã chạy tới, bị cái mùi này phà vào mặt một phát rồi té ngã ngay tại chỗ, đặt mông ngồi kế bên giếng. Cậu ngừng thở thò đầu ra để nhìn, mặt mày hoàn toàn không còn màu máu ——
Cái giếng này lại không hề khô cạn, còn sót lại một vũng nước, vị tiên sinh dạy học gầy nhom kia đang chìm trong vũng nước ấy.
Gã ngồi dưới đáy giếng, trên cổ là sợi dây thừng đã thối rữa. Khuôn mặt bị ngâm nước đến nỗi sưng phù và trắng bệch đã không còn nguyên dạng, mặt ngửa lên trên. Tóc bồng bềnh trong nước như bọt bèo kiếp phù du, nối thành một đường với rêu xanh trên vách giếng.
Gã nhìn lên đỉnh đầu như thế thì tất nhiên là không thể nào an giấc ngàn thu. Cũng không biết gã đã ngồi như vậy bao lâu, nhưng cuối cùng cũng đã đợi được người tới tìm mình.
Văn Thời chống tay lên mép giếng, ngừng lâu không thốt ra lời nào.
Mi tâm của anh nhíu lại, mắt đang rủ xuống trở nên thâm trầm và nặng trịch, nhìn thẳng xuống đáy giếng.
Ít lâu sau, có người dùng ngón tay khẽ chạm lên gáy anh. Văn Thời quay đầu, nhìn thấy có người đứng sau lưng mình. Tạ Vấn cúi đầu chồm tới bảo: “Có ta che rồi, gã không nhìn thấy được đâu. Đón người ta lên đi.”
Chữ ‘đón’ mà hắn vừa sử dụng là một chữ rất đơn giản, nhưng lại khác xa so với quá nhiều người.
Văn Thời nhìn Tạ Vấn, ánh mắt hơi chuyển động. Trong nháy mắt ấy, dường như anh muốn nói điều gì đó, nhưng cuối cùng chỉ ‘ừ’ một tiếng rồi đưa mắt về, nhìn xuống đáy giếng lần nữa.
Anh thả dây rối ra, móc lấy người nhẹ hều như bông gòn dưới đó.
“Che kín chút.” Anh không ngoảnh đầu nói một câu.
“Được.” Tạ Vấn lên tiếng.
Cơ thể bao phủ bởi cỏ dại và hoa lá mọc um tùm ấy được khẽ đặt lên mặt đất, đứng xa tí nữa thì sẽ chẳng thấy được gì. Nhưng dưới sự liên kết của sợi dây rối, Văn Thời vẫn có thể cảm nhận được Lý tiên sinh đang co rúc bên cửa hậu viện đang run rẩy.
Oán khí của bất cứ ai đang luống cuống cũng có thể thổi bay cả hậu viện này. Nhưng những hơi khói đen đó chỉ không ngừng tuôn khỏi cơ thể của Lý tiên sinh, mãnh liệt mà lại lặng lẽ giống hệt như nước chảy ra từ trong hốc mắt của gã.
“Anh ơi, hình như còn gì dưới giếng nữa hay sao ấy.” Hạ Tiều bỗng nhỏ giọng nói một câu.
Văn Thời lại nhìn xuống, quả nhiên thấy được một thứ gì đó giữa đống bùn lắng đang lóe lên màu đỏ xanh dưới sự chiếu rọi của ánh trăng, như là vết rỉ sét.
Đó là một chiếc rương đồng nhỏ, bề mặt rất mỏng, bị che đậy kín mít, có lẽ do rỉ sắt dính đầy, có lẽ vì bị bao bọc bởi bùn lắng. Văn Thời vớt nó lên, mạnh tay cạy mở và phát hiện đồ vật bên trong không bị hư hại mấy.
Đó là một chồng thư.
Văn Thời cầm lên xem thử, trên bức thư có ghi thông tin người nhận và người gửi đàng hoàng, được dán tem và có cả dấu in ấn. Đa số đều là thư Lý tiên sinh nhận được, mấy bức thư ấy được gửi bởi cùng một người tên là Từ Nhã Dung.
Bức thư trên cùng thì trái ngược, người gửi là Lý tiên sinh, người nhận là Từ Nhã Dung, cũng có dán tem, nhưng không biết vì sao lại bị trả ngược về.
Rõ ràng thì đây là hộp thư gia đình của Lý tiên sinh, nhưng không biết tại sao lại bị chìm xuống dưới đáy giếng cùng với gã.
Có lẽ là Lý tiên sinh đã phát hiện ra chân tướng về vụ mất tích của Thẩm Mạn Di, nên đã làm hoặc chuẩn bị làm chuyện gì đó, làm xong thì định cầm hộp thư rời khỏi Thẩm gia?
Trực giác của Văn Thời báo rằng trong thư chắc chắn phải có những thông tin quan trọng, nếu không Lý tiên sinh đã không làm trái bản năng và viết với anh rằng: Tìm tôi đi.
Anh cầm lấy bức thư mà Lý tiên sinh không thể gửi đi và mở nó ra trước.
Chữ viết văn nhã và chính thống của tiên sinh dạy học chiếm đầy cả tờ giấy, khác hoàn toàn với chữ ‘Thẩm’ nghiêng ngã, vừa nhìn đã biết luyện từ nhỏ mà ra, rất có phong độ của người có trí thức.
***
Nhã Dung vợ anh, nhìn chữ mà cứ như đang gặp được em.
Bức thư em gửi lần trước có nói em bị cảm lạnh, đã hơn nửa tháng trôi qua mà vẫn không khỏe lên, điều đó làm anh sốt ruột tới mức lưỡi cũng tách làm đôi. Không biết lần này em đã khỏe hơn chút nào khi nhận được thư chưa. Nếu chuyển biến tốt không hiện rõ, em phải tới Nam Phong tìm Tăng đại phu, để ổng khám thử và lên toa thuốc cho em. Chớ để bọn lang băm lừa lọc.
Tháng này anh vẫn không thể về nhà. Tiên sinh và phu nhân nhà họ Thẩm lại không về lần nữa, điện báo được gửi đi cũng không nhận được hồi âm, thực sự là đi mất tăm luôn rồi. Mùng 19 là ngày giỗ của chị Thái, từ giờ tới đó không còn xa lắm, cũng không thể bỏ mặc bé gái ở nhà. Em cũng biết đó, anh từng kể em nghe rồi mà, hôm chị Thái qua đời, Mạn Di bị dọa đến nỗi bệnh luôn. Trạng thái của nó mấy năm vừa qua cũng không tốt lên chút nào, e rằng nó sẽ lại lên cơn quậy phá nguyên bữa mùng 19 cho coi.
Lần trước em kêu anh gửi thư nhớ kèm một tấm ảnh cho em. Hôm trước anh mới đi cắt tóc, còn đi tới tiệm chụp hình để chụp một tấm hẳn hoi rồi dán vô thư, không biết trông anh có già hơn năm trước không nữa.
Anh không đính kèm hình chụp cùng mấy người khác. Lần cuối anh chụp ảnh chung ở Thẩm gia là hồi chị Thái còn sống. Đúng ra anh định rửa một tấm gửi về cho em coi, nhưng tấm ảnh đó không có đủ người. Tiên sinh và phu nhân nhà họ Thẩm thì chưa về. Bà vú họ Đậu chuyên nấu cơm lại cứ cảm thấy chụp hình sẽ khiến người ta thất lạc hồn rồi giảm tuổi thọ gì đó, nên không chịu đi vào chụp cùng.
Nhắc tới cụ Đậu, lúc trước thấy bọn anh khăng khăng đòi chụp hình, bà ấy còn tốt bụng cúng một ngọn đèn chong cóc phúc thọ cho mỗi người bọn anh, thường niệm vài bài kinh, thêm chút dầu lửa, nói là phải giữ linh hồn và tuổi thọ gì đó. Ai ngờ không bao lâu sau, chị Thái đã treo cổ, ngọn đèn chong cóc của chị ấy còn được cúng vái như trước.
Cụ Đậu vẫn chưa thể vượt qua chuyện này. Hôm trước khi đi ngang qua căn phòng nhỏ kia, bà còn khóc thút thít chút xíu nữa.
Lúc vừa dán bìa tấm ảnh, thằng con A Tuấn của chị Thái đã tới nộp bài tập của mình, anh đành gác bút một lát, mực hơi khô, em xem tạm đi nhé.
Nói đến A Tuấn… nghe nói chị Thái từng là một người từng có một cuộc sống tiểu thư đài các, song gia cảnh trở nên khốn đốn, người chết mất người rời đi, ăn cơm để sống cũng trở thành một vấn đề, bởi vậy mới phải tới Thẩm gia. Cũng không thể trách chị ấy cứ buồn bực không vui như thế mãi.
Thằng A Tuấn này vốn phải có mệnh thiếu gia, nhưng mãi đến mấy năm nay mới học được vài chữ từ anh, miễn cưỡng có thể đọc hiểu văn chương. Đôi khi nghĩ đến, hoàn cảnh của nó cũng khiến người ta thổn thức mãi.
Nhưng mà anh không thích cái tính của nó cho lắm, quá hẹp hòi.
…
Sau đó, Lý tiên sinh lại viết về những điều xảy ra mấy ngày vừa qua, toàn là mấy điều vặt vãnh, cũng không dính líu nhiều tới Thẩm gia. Văn Thời đọc lướt tới cuối nhanh như gió, ánh mắt dán chặt lên chỗ ký tên.
Chỗ đó có ngày tháng Lý tiên sinh viết bức thư này —— ngày 5 tháng 5 năm 1918.
HẾT CHƯƠNG 46 („• ֊ •„)