Lưu thị vì lần bị ta dọa trước đó mà sốt cao, thần trí mơ hồ, bị người ta lôi vào nha môn.
Kiều Lê, mặt mày đen kịt, ánh mắt hằn học như muốn xé xác ta ra.
Ta bình thản nhìn lại ông ta, ánh mắt không hề có chút sợ hãi.
Ta không làm điều gì mà không có sự chuẩn bị.
Nhân chứng, vật chứng đều đầy đủ.
Dân làng làm chứng rằng Kiều Lê đã cưới mẫu thân ta trước khi vào kinh và sinh ra ta.
Người hầu trong phủ làm chứng rằng sau khi vào Kiều phủ, ta chỉ là một đứa cháu họ thường xuyên bị chủ mẫu Lưu thị và Kiều Diên hành hạ.
Kiều Lê vẫn giữ thái độ lạnh nhạt, thậm chí cười nhạt, đáp:
"Chỉ là lời của đám người hèn mọn, sao có thể coi là bằng chứng?"
Bên ngoài đột nhiên vang lên một giọng nói:
"Vậy lời ta thì sao?"
Vệ Tuân mệt mỏi bước vào.
"Lần đầu ta gặp Kiều Chi, nàng bị con gái của Lưu thị dẫm lên trong cơn mưa, đến mức phải tranh thức ăn với chó. Ta hỏi Kiều đại nhân, ông ấy nói— 'Con gái vô dụng, không bằng nuôi một con ch.ó hữu ích.'"
Ta ngạc nhiên khi thấy Vệ Tuân xuất hiện, cả đại đường xôn xao.
Ta quỳ xuống, dâng lên bằng chứng đã chuẩn bị từ lâu ở Kiều phủ.
Đó là một bức thư Kiều Lê viết cho Trung Dũng Hầu năm mươi tuổi:
[Kiều Chi cũng là con gái của ta. Nếu Hầu gia thích, ta sẽ cho nó đi kiệu nhỏ vào phủ. Chỉ mong Hầu gia nâng đỡ nhiều hơn.]
Bức thư này, cũng nhờ có Vệ Chiếu Dạ mà ta có được.
Trán Kiều Lê đầy mồ hôi, ngồi phịch xuống đất, phun ra một ngụm máu.
Ông ta run rẩy chỉ vào ta, khóe miệng rỉ máu, thốt lên đầy căm hận:
"Đứa con bất hiếu, biết vậy ngày xưa ta đã không để mẹ con ngươi sống đến hôm nay."
Dân chúng vây quanh lớn tiếng mắng ông ta lòng lang dạ sói.
Trưởng Công chúa Chiêu Dương ngồi trên cao, từ đầu đến giờ vẫn im lặng.
Đến lúc này, bà nổi giận đứng lên, quát lớn:
"Người tồi tệ như vậy, không xứng làm cha, càng không xứng làm quan! Lại còn dám buông lời xúc phạm tại công đường. Người đâu! Lập tức cách chức, tra xét, đánh 50 trượng, tống vào ngục!"
Ta vội quỳ xuống thưa:
"Thần nữ còn một việc muốn cầu xin Công chúa điện hạ ân chuẩn."
Ta cầm lấy một con d.a.o sắc, rạch vào lòng bàn tay.
Máu tươi nhỏ xuống, thấm ướt vạt áo ta.
"Hôm nay thần nữ xin lấy m.á.u đoạn tuyệt phụ tử, mong điện hạ ân chuẩn để thần nữ từ bỏ quan hệ với Kiều phủ."
Vệ Chiếu Dạ từ trong đám đông bước ra.
Lưng hắn đầy vết thương do roi quất, nhưng vẫn quỳ xuống cạnh ta.
"Thần và A Chi cùng chung một lòng. Nàng phải trả máu, thần nguyện cùng nàng trả."
Trưởng Công chúa bật cười lớn:
"Chuẩn!"
Ta mỉm cười, cúi lạy thật sâu, lớn tiếng nói:
"Tạ ơn điện hạ ân chuẩn. Từ nay về sau, thần xin phép theo họ Thẩm của mẫu thân, trở thành A Chi của nhà họ Thẩm."
Kiều phủ bị tịch biên, Lưu thị vẫn đang bệnh nặng.
Nhà mẹ đẻ của Lưu thị vì sợ liên lụy mà lạnh lùng khoanh tay đứng nhìn.
Kiều Diên bị gia đình Lưu thị đưa đến một trang trại xa xôi.
Những gì ta từng phải chịu khi nương nhờ cửa người, nay sẽ từng chút, từng chút một trả lại lên người nàng.
Bệnh tình của Lưu thị quá nặng, cuối cùng chỉ được bọc trong tấm chiếu rách, trút hơi thở cuối cùng tại một ngôi miếu hoang.
Ngày Kiều Lê bị lưu đày, dân chúng hai bên đường đồng loạt ném đồ dơ bẩn vào ông ta.
Để ông ta c.h.ế.t một cách nhẹ nhàng, thật sự là quá dễ dàng.
Với con đường lưu đày ba ngàn dặm ấy, dù có may mắn giữ được mạng sống mà đi đến nơi, thứ chờ đợi ông ta vẫn là những chuỗi ngày bị hành hạ không hồi kết.
Ta muốn cười lớn, nhưng nước mắt lại trào ra trước.
Ngày ấy, ta ghét cay ghét đắng việc học y thuật.
Cùng độ tuổi, những cô gái khác vẫn đang nũng nịu trong vòng tay mẫu thân, còn ta phải tập trung vào từng con chữ khô khan.
Có lần, ta viết sai phương thuốc, mẫu thân đánh vào lòng bàn tay ta đến mức chảy máu.
Ta tức giận bỏ nhà lên kinh, tình cờ thấy Kiều Lê ôm Lưu thị, cúi người cài lên tóc bà ta một chiếc trâm tinh xảo.
Ta trốn trong đám đông, nghe ông ta khoe rằng đã bỏ ra mười lượng bạc để mua chiếc trâm, chỉ để đổi lấy một nụ cười của giai nhân.
Thế còn mẫu thân ta thì sao?
Bà chỉ có một chiếc trâm cũ kỹ, đến mức sợ làm rơi gãy nên thường ngày chỉ dùng cành mây buộc tóc.
Cảnh tượng ấy đ.â.m thẳng vào tim ta.
Ta ghét cay ghét đắng, ghét việc ta và mẫu thân phải nhai bánh bao nguội ngắt, uống canh cải trắng nhạt nhẽo.
Từ đó trở đi, ta không còn ghét học y nữa.