Bên kia, khoảng 11 giờ trưa, Bảo Lâm và Lý Thảo đang ở chỗ đất hoang dưới chân núi Đại Lĩnh Sơn cách thôn Thượng Hà hơn ba mươi dặm[1]. Hai người tìm một cái cây đại thụ, nghỉ tạm dưới gốc cây đó.
Dặm[1]: đơn vị đo chiều dài, bằng ½ km
Hai người đốt một mồi lửa, dùng cái nồi nhỏ nấu một nồi cháo thịt gà rồi chia ra ăn hết, hương vị kia phải gọi là quá thơm quá ngon!
Buổi sáng hôm nay, vào lúc lên đường, hai người bọn cô đã mang mấy quả trứng gà kia ra xử lý rồi. Giờ đây đã vào giữa trưa, ánh mặt trời quá mạnh, không còn thích hợp để lên đường.
Đoạn đường này hai người các cô cứ đi đi rồi lại dừng dừng, giờ đã cách thôn Thượng Hà rất xa. Lúc hai người đi là buổi tối, xem ra bây giờ nên nghỉ ngơi mấy tiếng cho tốt đã, đợi khoảng thời gian mặt trời vào lúc mạnh nhất kia qua đi thì sẽ tiếp tục lên đường tiến về đằng trước.
“Bảo Lâm, chúng ta ở đây rồi ngồi dựa vào chỗ này ngủ một lúc đi.”
“Ừm, được.”
Bởi vì hôm qua quá mệt nên hai người tự ôm bao của mình, rất nhanh sau đó đã ngủ rồi.
Đến lần thứ hai Bảo Lâm tỉnh lại đã là buổi chiều, mặt trời nghiêng về phía tây, ánh mặt trời êm dịu.
Lý Thảo đã đốt lửa ở cạnh đó, đun xong nước luôn rồi, điều này là vì Bảo Lâm không uống nước lã, sợ bên trong có ký sinh trùng.
Ở gần đây có một cái hồ nước nhỏ, có thể nói nó là vũng nước lớn. Đấy cũng chính là nguyên nhân vì sao hai người chọn nơi này làm chỗ nghỉ chân.
Hồ rất nhỏ, cũng không sâu, bên trong có một ít cây cối cỏ dại, chứng minh rằng chỗ này không phải là hồ nước đọng quanh năm, chắc là khoảng thời gian trước do trời mưa nên mới tích được ít nước, có vẻ cũng chưa được bao lâu. Đợi chỗ nước này phơi nắng một thời gian là nó lại biến lại thành đất, nơi cây cối với cỏ dại có thể sinh trưởng được.
Đó cũng là do hai cô gặp may nên mới có thể tìm được một chỗ tốt như vậy ở trong vùng thôn quê hoang vu này. Trước không nói đến những thứ khác, ít nhất là không cần lo lắng về vấn đề nguồn nước.
Lý Thảo nhìn thấy Bảo Lâm đã tỉnh dậy thì nói: “Em mau đến đây trông nồi nước này đi, chị qua bên kia hái ít rau dại, đến lúc đó nấu với thịt gà, chúng ta ăn xong thì lại đi tiếp.”
“Ừm, được, chúng ta tiếp tục đi về phía trước mười mấy dặm nữa thì chắc là mất khoảng ba bốn giờ. Không lầm thì sắp đến thôn Thông Mậu mà bác Chu nói rồi. Đến lúc đó, buổi tối chúng ta có thể ở rìa ngoài của thôn nghỉ ngơi một chút, hôm sau sẽ đi vào hỏi thăm tình hình.”
Nhìn Lý Thảo đi xa, Bảo Lâm lấy con gà mình mang theo từ trong sọt ra. Lông và nội tạng đã được sử lý sạch sẽ, buổi sáng đã cắt hai miếng thịt ức gà ra nấu cháo, bây giờ Bảo Lâm định chặt nó thành miếng rồi chia ra làm hai lần nấu. Thời tiết có hơi nóng nên thịt này còn để lại nữa thì sẽ có mùi.
Bảo Lâm cầm con dao phay, đi đến cạnh cục đá gần đó, đặt gà lên trên mặt rồi chặt thịt gà thành miếng lớn. Sau đó dùng lá cây bọc lại, đi đến cạnh hồ nhỏ, rửa sạch sẽ nó.
Cô cẩn thận đổ nước ấm vừa mới đun xong vào ống trúc, giữ lại để uống trên đường đi.
Ống trúc này là cái hai cô chặt được khi đi ngang qua rừng trúc, bằng không thì cũng không biết phải đựng chỗ nào. Nước trong sông ở mấy vùng ngoài này, Bảo Lâm không dám uống trực tiếp.
Đây cũng là do hai người vẫn luôn ở trong thôn, không có kinh nghiệm xa nhà hay đi đường gì. Vì thế mà đồ đạc mang đi cũng không đồng đều.
Bảo Lâm trực tiếp thả thịt gà vào nồi nhỏ rồi rán trong chốc lát, thấy nó ra chút mỡ thì lập tức thêm nước. Sau khi cho nước xong thì trực tiếp dùng một cái lá cây lớn đặt lên trên nồi, dùng lửa nhỏ từ từ nấu chín.
Lúc này Lý Thảo cũng đã mang thu hoạch của mình quay lại, thuận tiện còn mang theo một bó nhánh cây nhỏ về.
Bảo Lâm vội vàng ra đón thì phát hiện trong chút rau dại kia có ít hành dại, cây tể thái[2], xa tiền thảo[3], hơn nữa còn hái được không ít bồ công anh, trông qua đều tương đối tươi mới. Những loại rau dại đó đều là những loại rau dại quý phổ biến vào thời điểm này, hơn nữa những loại rau này Bảo Lâm đều đã ăn qua, thuộc về loại hương vị cũng không tệ lắm.
Cây tể thái[2]: tên một thức cỏ, hoa trắng, khi còn non ăn được, dùng làm thuốc giải nhiệt, lợi tiểu, cầm máu.
Xa tiền thảo[3]: vị ngọt tính hàn, có tác dụng lợi niệu thẩm thấp; mát gan sáng mắt.
“Chị Thảo, chị trông lửa, em đi rửa sạch đống rau này.” Bảo Lâm nói xong thì không đợi Lý Thảo trả lời đã cầm đống rau đi đến hồ nhỏ kia.
Lý Thảo nhìn dáng vẻ vui vẻ kia của Bảo Lâm thì cười trong im lặng, không nói gì, ngoan ngoãn đi trông lửa.
Ngồi ở trước cái nồi, dưới có lửa đang cháy, ngửi được mùi hương đang phiêu tán trong không khí, yết hầu Lý Thảo giật giật, nuốt nước bọt. Mùi của nồi thịt gà này thật là thơm!
Mùi vị này có thể nói là bá đạo hơn nồi cháo gà chỉ thả chút thịt ức gà lúc sáng kia nhiều, Lý Thảo nhắm mắt lại, đắm chìm trong mùi vị kia. Cô ấy rất muốn thời gian sẽ dừng lại trong giây phút này mãi mãi!
Không kiêng nể gì từ từ ngửi mùi thịt đến phát nghiền này một phen. Qua một hồi lâu sau, Lý Thảo mới mở to mắt, dùng ánh mắt vô cùng khát vọng nhìn nồi thịt trước mắt. Mới ngửi thôi mà đã thơm như vậy rồi, không biết khi ăn vào sẽ ngon thế nào đây!
Đến lúc Bảo Lâm rửa xong rau quay lại thì nhìn thấy một cảnh tượng như thế. Cái cảnh tượng đó đã khiến cho Bảo Lâm có chút dở khóc dở cười. Đúng là sau khi rời khỏi thôn Thượng Hà, cô ấy hoạt bát sinh động hơn nhiều.
Bảo Lâm đi đến, ngồi ở cạnh Lý Thảo. Lấy muối ra rồi rắc một dúm vào, đảo đảo, sau đó lại thả hành dại và rau dại vô. Một nồi canh gà trong trẻo không dầu mỡ với hương thơm ngào ngạt đã được làm xong.
Tuy rằng còn chưa nấu đủ thời gian, mới nấu được đến mức chín và có thể ăn, không phải thời điểm ăn ngon nhất, nhưng giờ đây không thể quan tâm nhiều như vậy được, thịt gà thơm ngon ngào ngạt ở trước mắt, vậy còn nhịn được à.
Lấy đôi đũa trúc tối hôm qua mới vót xong từ trong túi ra, mỗi người một đôi, hai người lập tức vội vàng ăn.
Một nồi canh thịt gà bỏ thêm rau dại, chưa qua một lúc mà đã bị hai người chia ra ăn sạch sẽ, ngay cả chút xương nhỏ có thể nuốt kia cũng không tha, ăn đến thật ngon. Ăn xong mấy thứ này, Bảo Lâm no được bảy phần, Lý Thảo cũng chỉ no được năm phần.
Không sao cả. Hai người vừa mới ăn xong, vẫn còn chưa đã thèm mà nhìn nhau, sau đó lại ăn ý nấu nốt nửa con gà còn lại. Ăn xong mới ôm bụng, cũng không nói lời nào mà chỉ yên lặng ngồi đó, hưởng thụ khoảng thời gian an nhàn khó mà có được.
Đợi mặt trời xuống núi, hai người mới cõng đồ, yên lặng đi về phía trước.
Vì sao lúc này mới khởi hành? Đầu tiên là vì ban ngày có mặt trời, nhiệt độ cao đến phát sợ, đi đường lại còn phải cõng đồ, Bảo Lâm không chịu được. Mặt khác đó là khởi hành vào ban ngày dễ bị người khác thấy, hai cô gái xách theo bao đồ lớn bao đồ nhỏ đi ở trên đường, người ta trông thấy sẽ không nhịn được mà đưa ra câu hỏi. Chuyện này thật khó trả lời. Hơn nữa nếu mà gặp được người quen thì lại càng không xong. Cho nên vì tránh phiền phức mà hai người quyết định chạng vạng mới đi tiếp.
Dù sao chỉ cần đi hơn mười dặm nữa là hai cô sẽ tới nơi đầu tiên có thể nghỉ chân.
Mười giờ tối, cuối cùng cũng đã đến thôn Thông Mậu, nơi mà hai người muốn đến với dáng vẻ đầy mệt mỏi vất vả.
Thôn Thông Mậu, đây là thôn lớn cách thôn Thanh Bình, nhà mẹ đẻ của bác Chu vài thôn. Cả thôn có hơn hai trăm hộ gia đình, hai ba nghìn dân cư và tám đội sản xuất lớn.
Thôn này lớn như vậy, là một nơi có vị trí tốt, đằng sau có núi Đại Thanh Lĩnh, đằng trước lại là một mảng đồng bằng, tất cả đều được mở rộng làm ruộng nước. Cuộc sống tốt hơn địa phương khác không biết bao nhiêu lần, công điểm cũng đáng giá hơn địa phương khác.
Còn một cái nữa chính là có một con sông lớn. Nước chảy thong thả, chạy qua thôn Thông Mậu rồi hòa nhập vào biển lớn. Cho nên ngày mười lăm hàng tháng ở thôn này sẽ có thuyền làng chài chạy đến để trao đổi hàng hóa, buôn bán hải sản.
Ngày này mỗi tháng, người ở các thôn gần đó đều sẽ đến thôn Thông Mậu, trao đổi vật tư và mua bán hàng hóa. Dần dà đã tạo thành phiên chợ ngay nơi này, ngày này cũng biến thành giao hẹn, thành tục họp chợ. Vừa đến thời gian ấy, thôn dân ở lân cận đều tự động đến đây họp chợ.
Bình thường, bác Chu ở thôn Thượng Hà thường nói rằng đó là nơi mình thích nhất. Cái gì mà núi tốt nước tốt chỗ tốt, trong giọng nói đó còn có sự thèm muốn. Lúc ấy Lý Thảo đã nghĩ đến nơi này, ngày mai chính là ngày họp chợ của thôn Thông Mậu, giờ đã có cơ hội thì đương nhiên cô ấy phải đích thân đi xem.