Cái gọi là kiếp nạn, manh mối ban đầu hiện ra vào lúc thời tiết thay đổi.
Vào thời điểm giao thoa giữa mùa hạ và mùa thu, vốn ở trên núi cao nên khí hậu tổng thể cũng rất dễ chịu, chỉ có lúc mặt trời mọc mặt trời lặn thì nhiệt độ trong ngày biến đổi, có sự chênh lệch lớn. Vì vậy khi trông thấy người bên gối biết mặc thêm đồ khi đêm xuống, tôi không hề cảm thấy có gì lạ.
Lúc đó đã quên mất, nếu đối với người có thể chất như mình thì là chuyện bình thường, nhưng có vài người sẽ không dễ sợ lạnh như vậy mới đúng.
Hai ngày nay Luyện nhi có vẻ hơi mệt mỏi, dường như làm gì cũng không có hứng thú, thậm chí ăn món ăn nào đó cũng chỉ ăn lấy lệ. Ban đầu tôi nghĩ nhà bếp bỗng nhiên làm cơm nước không hợp khẩu vị của nàng, thế là đích thân tôi xuống bếp làm mấy món đồ ăn thuở nhỏ thường hay làm cho nàng. Từ lần đó nàng bằng lòng ăn nhiều thêm vài miếng, nhưng chỉ là ăn nhiều thêm vài miếng mà thôi, điệu bộ nhai thức ăn vẫn biếng nhác.
Nếu chỉ có thế, vậy cũng không sao cả, trạng thái lên xuống, ai cũng có lúc lười nhác một chút. Huống chi Luyện nhi tính tình tự nhiên tùy tính, cho dù có lười cũng sẽ không cố ép bản thân phải vực dậy tinh thần. Sơn trại mấy ngày qua cũng phát triển mưa thuận gió hòa, không có việc gì phiền lòng, cứ mặc nàng sống nhàn nhã lười nhác một đoạn thời gian cũng không sao.
Thế nhưng qua một đoạn nữa, tôi phát hiện vẫn không bình thường. Nếu nói lười biếng, không thể nào đến cả ngày thường nói cười đùa giỡn cũng giảm bớt chứ, thậm chí càng về sau càng có vẻ miễn cưỡng đối với lệ cũ mà nàng vốn thích làm trước khi đi ngủ, ban đêm ngủ cũng không an ổn.
Hôm nay cảm thấy nàng buổi tối ngủ không ngon, tôi quả quyết gọi thuộc hạ trong trại biết chút y thuật để chẩn bệnh cho nàng.
Y sư này là một người phụ nữ, tổ tiên học y, chồng cũng là thầy lang. Tiếc rằng lúc hành y cứu thế đã đắc tội quý nhân quan to, cuối cùng ầm ĩ đến nhà tan cửa nát, trong quá trình chạy trốn đã xin gia nhập sơn trại Định Quân Sơn, chớp mắt đã hai năm. Lúc đầu không khác gì nữ binh lâu la, có điều biết y thuật, dần dần ai có bệnh có đau đều sẽ tìm bác ấy, ngược lại đã trở thành nhân tài không thể thiếu trong sơn trại.
Thật ra do lúc nhỏ đọc qua một vài sách y học, bản thân cũng hiểu sơ về Kỳ Hoàng Chi Thuật*, nhưng chung quy không được tự tin nên nhờ vả người khác. Người phụ nữ này lần đầu tiên chẩn bệnh cho trại chủ nhà mình, có chút thấp thỏm. Chẩn hồi lâu, nhíu mày đứng dậy, nói rằng trại chủ lão nhân gia nàng trời sinh dị bẩm, thể chất không giống người thường, hơi khó phán định, nếu chỉ là tinh thần không tốt, ăn không ngon miệng, có chút sợ lạnh, có lẽ cùng lắm chỉ nhiễm chút phong hàn, trước hết kê hai thang thuốc ôn hòa dưỡng thần để uống, sau đó quan sát thêm cũng không muộn.
(*) Kỳ Hoàng chi Thuật: Hoàng là chỉ hoàng đế Hiên Viên, Kỳ là thuộc hạ Kỳ Bá của ông ấy. Tương truyền, hoàng đế thường cùng Kỳ Bá, Lôi Công bàn luận về vấn đề y thuật, chẩn đoán và trị liệu cho bệnh nhân. Sau đó chép vào một quyển gọi là Hoàng Đế Nội Kinh, tức là Kỳ Hoàng Chi Thuật, là kinh điển lý luận trong Trung Y.
Luyện nhi vốn không kiên nhẫn với việc chẩn bệnh, không hề phối hợp với những câu hỏi trước đó. Bây giờ nghe xong kết quả chẩn đoán, cười ha ha, lập tức chế nhạo tôi lại suy nghĩ lung tung tự tìm phiền não. Tôi cũng không tiện tranh luận với nàng, vừa phân phó người bên cạnh đi hốt thuốc sắc thuốc, vừa đích thân xem mạch cho nàng, nhưng cũng không phát hiện ra nguyên nhân, chỉ đành thôi.
Hai ngày sau đó đều đốc thúc nàng uống thuốc đúng giờ, cũng chú ý thêm đồ giữ ấm, tình hình không tốt không xấu, dường như cứ thế trôi qua.
Buổi chiều ngày hôm ấy, trời cao mây nhạt, ánh nắng vừa vặn, không độc như giữa hè, chiếu lên người vô cùng ấm áp. Tôi thấy phong cảnh như vậy, lập tức rủ Luyện nhi ra ngoài đi dạo phơi nắng một chút. Tuy nàng vẫn uể oải, nhưng không từ chối, nói đi là đi. Hai tôi liền sóng vai tản bộ một vòng đến bãi đất bồi của sơn trại mà đã mấy ngày chưa đi tới.
Bãi đất này thật ra chính là một khoảng đất bằng trong khe núi, tác dụng na ná như một quảng trường nhỏ, là nơi mọi người tụ tập sinh hoạt. Bình thường tập luyện giáo huấn binh lính, nhàn rỗi phơi đồ đạc, may vá trò chuyện, đều thích tới chỗ này. Dù sao cũng là đội quân tóc dài, vốn rất thích tụ tập một chỗ tán gẫu việc thường ngày. Đến nỗi lúc đầu dựng trại đã cho xây dựng rất nhiều kiến trúc vây quanh bãi đất này, hiện tại mới hình thành quy mô, càng thêm có trật tự.
Tôi thì miễn rồi, Luyện nhi rất ít khi tới nơi đây. Lúc này nàng xuất hiện đã rước lấy rất nhiều cái nhìn chăm chú, đi đến đâu đều có người hành lễ tới đó. Có điều Luyện đại trại chủ vẫn rất có uy nghi trong lòng thuộc hạ, không có việc thì người khác không dám tùy ý qua đây bắt chuyện, chỉ xa xa nhìn tới, hành lễ, đến cả những ai vốn đang lớn tiếng cười đùa đều thu liễm bớt, e ngại quấy rầy thanh tĩnh của trại chủ lão nhân gia nàng.
Cứ chậm rãi tản bộ như vậy, mãi cho đến khi vòng tới mặt bên chân núi phía Nam thì tình huống mới khác thường.
Mặt bên chân núi phía Nam vẫn còn một kiến trúc đang trong quá trình lục đục tiến hành. Lúc tôi và Luyện nhi đi tới, vừa lúc có một gian phòng đang thượng lương*, đây là một đại sự, đồng thời cũng là việc cần rất nhiều sức lực. Dẫu sao con gái sức yếu, chỉ có thể dùng số người để bù đắp, cho nên ngay lúc này có một đám đông người đang tụ tập, vô cùng náo nhiệt, cách thật xa vẫn có thể nghe được tiếng người huyên náo không ngớt.
(*) có thể hiểu là dựng nóc nhà, giải thích cụ thể ở cuối chương
Hai người Thiết Mục cũng lẫn trong đám người. Thiết San Hô tinh mắt, là người đầu tiên thấy chúng tôi đi tới. Những ngày qua cô bé đã xóa bỏ hiềm khích lúc trước, sớm đã khôi phục thái độ thân thiện với Luyện nhi. Lúc này nhìn thấy chúng tôi, bỗng nhiên vui vẻ chỉ vào, hô lớn:
- Các tỷ muội, các tỷ muội, đừng cãi nhau nữa! Biện pháp tốt nhất đã có rồi, mọi người nhìn xem đó là ai!
Một tiếng gọi, đám người nhao nhao quay đầu, nhìn thấy trại chủ nhà mình, từng người vội vàng hành lễ, ngay cả Mục Cửu Nương cũng ôm quyền, chỉ có Thiết San Hô mặc kệ những thứ đó, cười "hì hì" chạy tới, đầu tiên kéo tôi trước, rồi nói với Luyện nhi:
- Hai người nha, mấy ngày nay không cách nào gặp được hai người, hôm nay lại xuất hiện thật đúng lúc. Đến đến, Luyện nữ hiệp, đến lúc hành hiệp trượng nghĩa rồi, chỉ xem ngươi có làm được hay không...
Cô bé chưa nói hết câu, Mục Cửu Nương đã qua tới, cười áy náy với chúng tôi, kéo Thiết San Hô nói:
- Đừng hồ nháo.
Thiết San Hô bị kéo ra, còn Luyện nhi như nổi lên lòng hiếu kỳ, cao giọng hỏi một câu:
- Có chuyện gì?
Ngay lập tức có người chen vào, cung kính đáp:
- Khởi bẩm trại chủ, hôm nay là ngày tốt, thích hợp động thổ, dựng nhà, cho nên mọi người dự tính dựng thượng lương cho ba gian phòng mới. Nhưng đến phòng cuối cùng thì dây thừng bỗng nhiên bị đứt, chắc là dạo này xây phòng nhiều quá nên bị mòn rồi. Việc này cũng không sao, có điều con gái sức yếu, không có dây kéo thì rất khó kéo cái đòn dông khoảng hơn trăm cân đến chỗ cao một cách an toàn được. Mắt thấy sắp qua ngày tốt nên lúc này tất cả mọi người đang tranh nhau bàn luận nghĩ cách đây.
Về vấn đề xây nhà, tôi không hiểu biết lắm, có điều từ sau khi dời đến Minh Nguyệt Hạp thì mưa dầm thấm đất, cũng biết chút ít quy tắc. Trong đó quan trọng nhất chính là thượng lương. Thượng lương cũng giống như lễ đội mũ, chọn ngày chọn giờ chọn gỗ, không được phép qua loa, nếu không sẽ là điềm xấu. Người nghèo xây nhà tuy đã giản hóa rất nhiều lễ nghi phiền phức, nhưng cái cần thiết vẫn phải giữ lại. Nói đến giờ lành, cũng khó trách các nàng ai nấy đều cuống cuồng không thôi.
Tôi hiểu, đương nhiên Luyện nhi cũng hiểu. Đẩy đám người ra nhìn, một cây gỗ đào thô to được cột dây lụa đỏ, đang đặt ngay chính giữa sân, trông có vẻ cực kỳ nặng. Lúc này Thiết San Hô ở bên cạnh tiếp lời:
- Ta và Cửu Nương định dựa vào thân thủ đẩy nó lên, đáng tiếc học nghệ không tinh, thử không thành công. Luyện tỷ tỷ, chi bằng ngươi tới thử xem? Ngươi khinh công tuyệt đỉnh, nội lực cũng mạnh mẽ, có lẽ sẽ làm được!
Cô bé vừa nói xong, người ở trong sân đa số đều dùng ánh mắt mong mỏi ném về phía bên này. Từ khi xuất sư tới nay, Luyện nhi chưa từng thua bất kỳ trận quyết đấu cao thấp nào, ở trong mắt đám người kia, nàng tồn tại như một vị thần, lúc này được kỳ vọng chờ mong như vậy cũng là bình thường. Nhưng tôi hơi không yên tâm, mới vừa định mở lời từ chối thay nàng, chợt nghe người bên cạnh cười một tiếng, nói:
- Nếu nói như vậy thì thử một chút cũng không sao, vừa lúc lười biếng mấy ngày nay, xem như thả lỏng gân cốt cũng tốt.
Luyện nhi vừa nói vừa nhấc chân đi tới, bản thân không kịp cản nàng, chỉ đành bước hai ba bước đuổi theo. Thấy nàng đặt tay trên cây xà, tôi cũng làm theo, nhẹ giọng nói:
- Vậy ta cũng giúp một tay.
Thế nhưng lại chọc cho Luyện nhi cười một hồi, sau đó đáp:
- Đừng, không nói tới công lực của ngươi chưa lành, cho dù đã bình phục, cũng không đáng chịu phần vất vả này, tự ta là được.
- Luyện nhi. - Tôi càng hạ thấp giọng, sốt ruột nói:
- Đừng quên ngươi hiện tại đang điều dưỡng!
Thế nhưng nàng chỉ cười không nói, giống như không để việc này ở trong lòng, nhẹ nhàng đẩy bàn tay của tôi đang đặt trên cây gỗ ra. Hiện tại nhiều người như vậy, Luyện nhi lại là người rất trọng sĩ diện, tôi không thể cưỡng cầu quá đáng, chỉ đành theo cái đẩy của nàng mà lui sang một bên, trong lòng bắt đầu lo lắng.
Sau khi đẩy tôi ra, thiếu nữ kia đứng cố định trước cây xà gỗ, một tay nhẹ nâng đầu gỗ lên, điều chỉnh hơi thở ổn định tư thế. Những ngày qua nàng lười nhác, lúc này trong mắt lại hiện lên vẻ quyết thắng. Cả hiện trường yên tĩnh. Tiếp đến, Luyện nhi bỗng dưng hít một hơi phát lực, cây gỗ tròn thô to bị nâng ngang lên, nàng không ngừng lại ở đó, nhún người nhảy một cái, đạp lên ghế dài lúc trước dùng nâng cây gỗ kia để mượn lực, sau đó quát một tiếng, đột ngột bay lên cao, không phải bay thoải mái ung dung tay áo phiêu bồng như mọi khi, mà là như một tia chớp phóng thẳng lên chỗ cao nhất của nóc nhà, hai tay nâng lên, đầu xà nhắm hướng đông đuôi xà nhắm hướng tây, đặt một phát vào đúng vị trí không lệch chút nào.
Toàn bộ xảy ra cực nhanh, nhưng đã đủ cho người ngoài thấy rõ. Âm thanh hoan hô bùng nổ cả hiện trường. Giữa tiếng reo hò ấy, bóng trắng kia xoay người đáp xuống, lúc tiếp đất, bụi bặm bay đầy trời.
Luyện nhi đứng vững vàng, gương mặt mang theo nụ cười, tựa như đang hưởng thụ sự tung hô của đám người. Có điều nhìn kỹ vẻ mặt ấy, càng cảm thấy giống như là... gượng cười.
Trong lòng tôi bỗng giật mình, tiến lên mấy bước, thử thăm dò gọi nhẹ một tiếng:
- Luyện nhi?
Đưa tay vỗ lưng nàng. Thế nhưng cái vỗ nhẹ này lại khiến tôi kinh hoảng!
Lưng của nàng rất căng, căng cứng vô cùng, căng đến mức có thể cảm nhận được nó hơi co giật run rẩy. Không chỉ lưng, có vẻ như cả người đều căng cứng run run như thế. Mà sắc mặt nàng tuy vẫn bình thường, nhưng hàm răng lại cắn chặt đến nỗi nghe được âm thanh "ken két", giống như đang gắng gượng kiềm chế. Tôi không thể giữ bình tĩnh được nữa, gọi lớn một tiếng:
- Luyện nhi! - Mạnh mẽ ôm nàng vào lòng.
Bởi vì om sòm, nhiều người xung quanh không biết chuyện gì xảy ra, thấy người ta ôm trại chủ nhà mình, có lẽ còn tưởng là do thân thiết thôi. Chỉ có một số ít người ở đối diện chứng kiến vẻ mặt biến hóa của tôi mới phát hiện điều khác thường. Thiết San Hô và Mục Cửu Nương đi qua hỏi:
- Sao vậy?
Tôi không biết trả lời như thế nào, còn Luyện nhi làm như không nghe thấy, gắng gượng cười nói bên tai tôi:
- ... Đã, nói rồi... Ngươi, tại sao trước mặt thủ hạ của ta... còn gọi, ta Luyện nhi? Kỳ cục...
Nghe nàng khó chịu đến nỗi hàm răng run rẩy mà vẫn còn để ý chuyện kia, thật khiến người ta không biết nên tức giận hay nên lo lắng. Tôi không thèm quan tâm đến lời kháng nghị của nàng, nhanh chóng dặn dò hai người Thiết Mục đôi câu, kêu các nàng đi tìm thuộc hạ hiểu y thuật, còn mình thì khom người bế Luyện nhi lên, hướng về chỗ ở mà đi.
Từ khi trưởng thành tới nay chưa từng bế nàng như vậy, cần bế cũng là nàng bế tôi. Hôm nay lâu rồi mới bế trên tay, mới phát hiện nàng nhẹ hơn so với tưởng tượng. Tuy chỉ còn ba phần công lực, nhưng dù sao cũng là người tập võ, bế một người sống sờ sờ vẫn không thành vấn đề. Đi một mạch trở về chỗ ở của hai chúng tôi, thận trọng thả nàng lên giường, đắp kín chăn, lúc này mới cảm giác cánh tay dường như hơi mỏi nhừ.
Thế nhưng chút mỏi ấy so với tình hình hiện tại của thiếu nữ trên giường kia, chẳng đáng là gì.
Luyện nhi run rẩy dữ dội nhất là lúc ở trên đường đi, khi đó cả người nàng căng cứng như cây cung. Bây giờ đã ổn hơn một chút, nhưng cơ thịt vẫn hơi giật giật. Ai cũng từng trải qua thời điểm một bộ phận nào đó của cơ thể đột nhiên rút gân ví dụ như bắp chân chẳng hạn. Tuy nhiên co rút toàn thân như vầy cũng là hiếm thấy, huống chi là Luyện nhi xưa nay khỏe mạnh đến nỗi bệnh tật hoàn toàn cách xa.
Vì để phòng ngừa vạn nhất, tôi xem mạch của nàng trước, chủ yếu là kiểm tra nội tức. Kết quả qua một lần thử, chân khí trong cơ thể Luyện nhi bình ổn, mạch thông, cho nên tình trạng này không liên quan tới vừa rồi nàng cậy mạnh vận công, thậm chí không hề liên quan tới tập võ, chỉ đơn thuần là do thân thể mà thôi.
Biết được điều này cũng không thể làm người ta thở phào nhẹ nhõm, chẳng qua chỉ bớt lo lắng hơn tẩu hỏa nhập ma mà thôi.
Lại chờ thêm một lúc nữa, khi hai người Thiết Mục dẫn y sư chạy tới, Luyện nhi đã ngủ mất.
Không đành lòng đánh thức nàng, cho nên chỉ miêu tả lại tình hình cụ thể dựa theo chính bản thân mình, dù sao để Luyện nhi nói cũng sẽ không tỉ mỉ. Sau khi nói xong, tôi dặn y sư cứ để yên như vậy mà chẩn bệnh cho nàng.
Lần này người phụ nữ kia kiểm tra càng thận trọng hơn, có lẽ là vì Luyện nhi đang ngủ nên không còn cảm giác bị áp bách, nhờ đó mà càng thêm thoải mái hành động. Sau một lúc loay hoay lặp đi lặp lại, chân mày càng nhíu chặt, từ trong hòm thuốc lấy ra một miếng đồng nhẵn bóng, nhẹ nhàng đưa vào trong khe miệng đang hé của nàng. Lúc đưa đến khoảng giữa chiếc lưỡi, chậm rãi ép xuống, vậy mà lại thấy thiếu nữ đang say ngủ lập tức đóng chặt khớp hàm, cắn chặt miếng đồng nhỏ kia. Thật vất vả mới lấy ra được.
Đối với hành động này của bác ấy, hai người Thiết Mục ở bên cạnh vẻ mặt ngơ ngác khó hiểu, riêng tôi, bỗng dưng nhớ ra điều gì đó, trong lòng liền trầm xuống.
Người y sư này chẩn bệnh xong cũng liên tục lắc đầu, miệng nói kỳ quái, muốn nói chút gì đó nhưng sợ làm ồn trại chủ đang ngủ nên đã đứng dậy chắp tay mời chúng tôi ra ngoài nói chuyện. Đến khi ở bên ngoài phòng rồi, mới nói:
- Thứ lỗi cho thuộc hạ nói thẳng. Xin hỏi Trúc cô nương, người và trại chủ thân nhất, luôn bên cạnh như hình với bóng, có biết mấy tháng gần đây ngài ấy có bị thương gì không? Dù là vết thương nhỏ ngoài ý muốn cũng được.
Cẩn thận hồi tưởng, cuối cùng vẫn chậm rãi lắc đầu. Luyện nhi một không may vá, hai không xuống bếp, nào có cơ hội gì sẽ gây ra vết thương ngoài ý muốn. Lúc luyện kiếm càng không có khả năng bị ngộ thương*, tôi sẽ không phạm phải sai lầm đơn giản như vậy. Còn nói về việc giao thủ (đánh nhau), từ khi đặt chân lên Minh Nguyệt Hạp đến nay, cũng chỉ có một lần động thủ duy nhất, vả lại lần đó có sự chênh lệch khá xa, rõ ràng là nàng toàn thắng.
(*) ngộ thương: lỡ tay làm bị thương
- Việc kia...
Lúc tôi vừa nghĩ như vậy, bên tai lại vang lên giọng nói của Mục Cửu Nương. Quay đầu lại, dì ấy trông có vẻ chần chừ, nhưng vẫn nói:
- Nhắc mới nhớ... Trúc cô nương... Chỗ khuỷu tay của Luyện trại chủ thật sự ổn à?
- Khuỷu tay?
Tôi mờ mịt hỏi ngược lại, thấy Mục Cửu Nương gật đầu, giải thích:
- Thật ra ta cũng không chắc lắm. Trận kia... ngươi biết đó, đến hiệp cuối thì A Hô đánh ngươi, vì vậy trại chủ người bỏ qua tỷ thí mà nhắm về phía A Hô. Ta không đuổi kịp người, lại sợ xảy ra chuyện, dưới tình thế cấp bách đã dùng hồ điệp tiêu* trên người phóng qua. Tất nhiên Luyện trại chủ kiếm pháp như thần, yên ổn đánh bay phi tiêu, nhưng mà... lúc đó ta loáng thoáng thấy chỗ khuỷu tay của người có một chút màu đỏ... có điều lại cảm thấy có lẽ mình nhìn nhầm...
(*) hồ điệp tiêu: phi tiêu con bướm
Không đợi dì nói hết, tôi nhanh chóng trở lại trong phòng, đến bên giường lập tức kéo ống tay áo của nàng lên. Lần đầu tiên Luyện nhi ngủ trầm đến vậy, loay hoay như thế cũng vẫn bất tỉnh. Thấy bên tay phải trơn bóng vô sự, tôi tiếp tục khom người kiểm tra tay trái của nàng. Lần này, đến chỗ trên cẳng tay gần khuỷu tay, rốt cuộc đã phát hiện một dấu vết.
Dấu vết rất nhỏ, không dễ thấy, hơn nữa đã khỏi hẳn, chỉ còn lại một vết sẹo nhàn nhạt, có lẽ không bao lâu nữa vết sẹo này cũng sẽ biến mất.
Thế nhưng người phụ nữ học y vừa nhìn thấy dấu vết này liền gật đầu liên tục, bộ dạng quả nhiên không ngoài dự đoán. Mục Cửu Nương thấy sự việc như có liên quan tới mình, càng thêm lo lắng, bắt đầu hỏi thăm. Người phụ nữ kia không chê phiền phức mà bắt đầu giải thích, nói gì mà đây là vết thương do kim loại gây nên gặp phải gió, tức là sau khi bị kim loại tổn thương mà không được điều dưỡng, gió độc thừa cơ hội thâm nhập vào bên trong, dần dần biến chứng. Lúc đầu không sao cả, nhưng lại âm thầm theo kinh mạch từ từ làm suy yếu chân khí, đến lúc phát tác sẽ có triệu chứng khớp hàm co giật khẩn cấp, tương đối hung hiểm vân vân...
Hai người ở bên cạnh nhỏ giọng thì thầm, bản thân mình thì một chữ cũng nghe không lọt. Không phải bởi vì không quan tâm, mà là bắt đầu từ lúc nhìn thấy vết thương, chính xác mà nói là bắt đầu từ lúc nhìn thấy thủ pháp chẩn bệnh bằng cách dùng miếng đồng đè lưỡi, tôi tức thì đã có phán đoán của riêng mình.
Chăm chú nhìn thiếu nữ đang say ngủ, trong đầu chỉ có ba chữ quay vòng như đèn kéo quân. Người phụ nữ kia nói chuyện cả buổi, ở chỗ tôi cũng chỉ có ba chữ này. Đây là vấn đề mà mấy tháng trước tôi đã từng lo sợ mình sẽ mắc phải, tuy nhiên có nằm mơ cũng không hề nghĩ tới, mấy tháng sau sẽ phát sinh trên người Luyện nhi.
Ba chữ ấy, bất kỳ một ai được giáo dục hiện đại đều đã nghe qua, đó là... bệnh uốn ván (còn gọi là phong đòn gánh).
Huyết chứng tương tự, ởthời điểm chúng tôi còn nhỏ, đã từng cướp đoạt tính mệnh của một con sói con.
- -------------
(*) thượng lương:
Khi xây nhà hay làm nhà gỗ hoặc thi công nhà thờ họ, thì thông thường cần thiết phải làm lễ thượng lương nhằm mục đích cầu mong ơn trên ban cho gia đình và họ tộc sự may mắn và trôi chảy trong việc xây dựng tiếp theo cùng công việc làm ăn thuận lợi cho những người sau này sinh sống trong ngôi nhà.
Lễ thượng lương còn có những cái tên khác như lễ cất nóc, gác đòn dông là một trong 12 nghi thức được cử hành trong quá trình xây dựng ngôi nhà hoặc 1 công trình.
Lễ thượng lương được cử hành vào một ngày đẹp cùng một mâm lễ cúng với đầy đủ các vật cúng như:
Một con gà, một đĩa xôi/ bánh chưng, mỗi đĩa muối.
Một bát gạo, một bát nước.
Nửa lít rượu trắng, bao thuốc, lạng chè.
Một bộ quần áo Quan Thần Linh, mũ, hia tất cả màu đỏ, kiếm trắng.
Một bộ đinh vàng hoa, năm lễ vàng tiền.
Năm cái oản đỏ, năm lá trầu, năm quả cau.
Năm quả tròn, chín bông hoa hồng đỏ.
Kèm với đó là một bài diễn văn thượng lương để gửi lên thổ công cũng nhưtổ tiên.
Ở đây nhóm người Luyện nhi là người giang hồ, lại ở trên núi thiếu thốn đồ vật nên không làm lễ đồ sộ, chỉ coi ngày và cột sợi dây đỏ tượng trưng.