Khang Thọ Viện có một phòng bếp, Diệp lão thái gia ngày thường lấy thanh đạm làm chủ, chỉ khi hai cháu nhỏ sang dùng bữa cùng mới nấu thêm vài món mặn, Diệp Trọng Cẩm mò tới trù phòng đúng lúc ngửi được mùi chân giò hầm tương vừa ra khỏi nồi, hương thơm lan tới tận sân ngoài.
Y nhón chân nhìn món ăn bốc khói trên bàn, tuy không nói câu nào nhưng những người trong bếp đều thấy rõ khát vọng rực lên trong đôi mắt trong veo ấy.
Đầu bếp quẹt mồ hôi trên trán, bất đắc dĩ đầu hàng: “Hay là… tiểu thiếu gia nếm thử một chút nhé?”
Vừa dứt lời, hai mắt Diệp Trọng Cẩm sáng rực, suýt chút chọc mù mắt đám người chung quanh.
Trù nương lấy chén bạc nhỏ xíu mà y quen dùng xới đầy một bát cơm tẻ, lại dùng dĩa gốm in hình hoa lan thanh nhã đựng non nửa dĩa chân giò. Diệp Trọng Cẩm vui vẻ ngồi trên ghế nhỏ, nhận chén nhỏ của mình, bắt đầu sự nghiệp lấp đầy bụng nhỏ.
So với những đứa bé cùng tuổi thì tiểu thiếu gia nhà họ an tĩnh hơn nhiều, khi ăn vô cùng chú tâm, môi dính đầy dầu mỡ cũng không hay biết, chỉ một mực cúi đầu ăn cơm, hết thảy kết hợp với gương mặt bụ bẫm đáng yêu không sao tả hết, các cô dì chú bác trong phòng nhìn mà tim muốn tan chảy mất rồi, chỉ hận không thể ôm luôn về nhà.
Lượng cơm của Diệp Trọng Cẩm rất lớn, ăn hết nửa dĩa tương giò vẫn chưa thấy no, vừa nhận khăn gấm lau khóe miệng bóng nhẫy của mình, vừa ngọt ngào hỏi: “Sư phụ, người có biết làm món băng oản không?”
Đầu bếp có chút khó xử, ngập ngừng đáp: “Biết chứ tiểu thiếu gia, nhưng mà tiểu thiếu gia này, Lưu quản gia đã dặn rồi, bệnh của tiểu thiếu gia chưa khỏi hẳn, phải nghiêm cẩn điều trị, không thể ăn mấy thứ có tính hàn được, nếu để lão gia và phu nhân biết, tiểu nhân sẽ bị phạt mất.”
Diệp Trọng Cẩm nhíu mày, dùng giọng chất giọng cực kỳ ngây thơ nói: “Không phải cho A Cẩm ăn đâu, ca ca đang học lễ ở tiền viện, trời hôm nay nóng lắm, áo của ca ca ướt sũng mồ hôi, A Cẩm muốn mang một phần đến cho ca ca giải nhiệt.”
Nếu Diệp Trọng Huy mà nghe được mấy câu này chỉ sợ sẽ cảm động phát khóc, ngay cả đại hán tử thô kệch như đầu bếp nghe thấy cũng cảm động không thôi, thầm nghĩ nhóc này mà là người thường sao? Là tiên đồng mới đúng, vừa ngoan vừa hiểu chuyện, quan trọng hơn hết là đáng yêu thế này thì ai mà chống đỡ được.
Không ai hoài nghi lời nói của một đứa bé ba tuổi, đầu bếp lập tức đáp: “Tiểu thiếu gia chờ một chốc, tiểu nhân làm xong ngay.”
Diệp Trọng Cẩm âm thầm đắc ý, cái tên Diệp Trọng Huy kia xem ra cũng có chút tác dụng ấy nhỉ.
Một phần băng oản chỉ mất chút ít công phu là hoàn thành, tướng phủ mỗi năm vào hạ đều có trữ băng, nhưng Diệp Trọng Cẩm chưa bao giờ được nếm thử, cho dù vào thời điểm nóng nhất cũng không có lấy nửa miếng, không phải Diệp Nham Bách tiếc mấy khối băng với con mình, đều do tiểu tổ tông này hơi tý là đau đầu, không lúc nào khiến người ta bớt lo.
Diệp Trọng Cẩm ôm băng oản lừa được quay về tiền viện, đương nhiên không dại gì đi tìm Diệp Trọng Huy mà đi thẳng đến phòng ngủ của lão gia tử, giờ này đoán chừng phòng ngủ không có người, y trốn vào ăn vụng cho đã rồi mới xoa cái bụng no căng về lại tiền thính tìm ca ca.
Diệp Trọng Huy nhìn thấy môi đệ đệ có vẻ đỏ hơn mọi khi, nhướng mày hỏi: “A Cẩm vừa đi đâu vậy? Lại lén ăn vụng cái gì nữa rồi?”
Diệp Trọng Cẩm liếc hắn, song không có nửa lời phản bác.
Lục Lẫm bên kia sau khi bái biệt lão thái gia, ra tới cửa vừa khéo đụng phải Diệp Nham Bách trở về, hai người đứng lại hàn huyên vài câu, nói chuyện nuôi con dưỡng cái nói đến hăng hái quên trời quên đất. Về chính kiến thì hai người có vô số bất đồng, vậy mà nói về nuôi dạy con trẻ thì như chỉ hận không thể xưng huynh gọi đệ sớm hơn, bao nhiêu cũng không thấy đủ.
Giọng Diệp Nham Bách đầy tiếc nuối: “Hôm nào ta sẽ dẫn A Cẩm đến hầu phủ bái phỏng.”
“Vậy tại hạ ở phủ cung kính chờ đợi, hôm nay cáo từ trước, Diệp tướng xin dừng bước.”
Đám người Lục Lẫm đi rồi Diệp Nham Bách mới thở dài vào phủ, thằng bé Lục Lẫm này cùng lắm cũng chỉ là một thiếu niên chưa đến tuổi cập quan, vậy mà kinh nghiệm giáo dục con trẻ so với ông còn dầy dặn hơn là sao vậy kìa…
Đến ngọ thiện, Diệp Trọng Cẩm ngồi trước một bàn đầy đồ ăn nhưng không dậy nổi một chút sức sống nào, lão thái gia vô cùng kinh ngạc, thằng bé này mọi khi ăn cơm không cần ai dỗ, còn ngại An ma ma tay chân chậm chạp, đòi tự mình ăn cho chắc, vậy mà hôm nay muỗng cũng không thèm động, chuyện này là sao đây.
Diệp Trọng Huy hồ nghi hỏi: “Có phải đã ăn vụng thứ gì trước rồi không?”
Diệp Trọng Cẩm nằm nhoài trên bàn, uể oải đáp: “Đau đầu…”
Lão thái gia đặt tay lên trán cháu trai, lập tức cả kinh: “Không ổn rồi, phát sốt. Lão Lưu, mau, đến Diệu Xuân Đường thỉnh Lý đại phu mau.”
Lưu quản gia không dám chậm trễ, vội vàng sai người đi thỉnh đại phu, còn mình thì chạy đến nhà chính thỉnh lão gia và phu nhân.
Vợ chồng Diệp Nham Bách hiếm khi được dịp dùng bữa một mình, chưa nói được mấy câu tâm tình đã bị tin con trai nhỏ phát sốt dọa cho hoảng hồn, cuống cuồng chạy đến Khang Thọ Viện.
Trưởng bối trong nhà vây quanh trước giường chờ đại phu đến, An Thị ôm con trai nhỏ, cố kiềm lại nước mắt, hai hốc mắt đã đỏ bừng: “Bảo bối của mẹ, nửa năm qua vẫn tốt, sao giờ lại đổ bệnh thế này.”
Diệp Nham Bách muốn an ủi nàng vài câu nhưng không biết nên nói gì, cuối cùng chỉ thở dài nhìn con trai nhỏ trên giường.
Diệp Trọng Cẩm ho khan hai tiếng, giọng khàn khàn: “Tại con không ngoan, ăn vụng băng oản ở trù phòng, vốn đầu bếp thúc thúc làm cho ca ca, do con không nhịn được…” Lời chưa dứt đã thấy cổ họng nhờn nhợn, y nhổm dậy muốn gập người nôn ra thì Diệp Trọng Huy đã đưa ống nhổ [2] lại gần, còn cẩn thận vỗ lưng y.
Khi còn bé hắn từng vì cha mẹ thiên vị đệ đệ mà không cam lòng, đến một ngày, phụ thân cho hắn uống thử một muỗng thuốc của A Cẩm, vị đắng ấy đến nay vẫn vẹn nguyên trong ký ức, vậy mà đệ đệ vừa sinh ra đã ngày ngày làm bạn với những chén thuốc đắng như thế, nghĩ đến đó, tất cả ghen tỵ và không cam lòng bỗng chốc hóa thành tiếc thương và khâm phục.
Gương mặt non nớt của Diệp Trọng Huy đanh lại, tay nắm lại thành quyền: “Nếu ca ca có thể chịu khổ thay A Cẩm thì tốt rồi.”
Diệp Trọng Cẩm phun nước súc miệng ra, ngẩng đầu nói: “Đừng nói mấy câu nghe ngốc như vậy.”
Diệp Trọng Huy bị đệ đệ răn dạy cũng không để ý, lấy ra khăn gấm từ ống tay áo lau vệt nước còn dính trên khóe môi y.
Lý đại cuối cùng cũng đến, ông cũng đã một bó tuổi rồi, bị gia đinh nhà thừa tướng khiêng đi, suýt chút đi luôn nửa cái mạng.
Ông ôm ngực thở dốc rồi không kịp chào hỏi ai, bước qua bắt mạch cho người bệnh trước, một lúc sau mới chậm chạp cất lời: “Do ăn mấy thứ có tính hàn thôi, tàn độc trong cơ thể tiểu công tử tuy đã tiêu nhưng trước đó đã phá hủy căn cơ, để lại di chứng, đồ ăn thức uống sau này phải cẩn thận, tuyệt đối không được tùy ý.”
Lời còn chưa hết, không khí trong phòng bỗng lặng phắc, Diệp lão gia tử đập bàn, trầm giọng hỏi: “Lý đại phu, ông vừa nói tàn độc đã tiêu là ý gì? Tôn nhi của lão phu khi nào thì trúng độc?”
Lý đại phu vừa định mở miệng giải thích thì Diệp Nham Bách đã lên tiếng trước, sắc mặt vô cùng khó coi: “Phụ thân, bệnh của A Cẩm quan trọng hơn, huống chi bọn nhỏ còn ở đây, mấy chuyện này không thể tùy tiện.”
Lý đại phu nghe vậy mới biết mình đã lỡ mồm chọt phải chuyện xấu nhà người ta, đành nhanh chóng viết đơn thuốc, căn dặn một số việc rồi vội vã cáo từ.
Tiết trời vào cuối hạ, Diệp Trọng Cẩm mơ mơ màng màng vùi trong ổ chăn, loáng thoáng nghe được tiếng gầm, còn có cả tiếng khóc của An Thị. Lão thái gia cả đời đọc sách thánh hiền, rất chú trọng hàm dưỡng, luôn kiềm chế cảm xúc, lần này xem ra thật sự rất tức giận.
Thật ra Diệp Trọng Cẩm trúng độc từ khi còn trong bụng mẹ, người hạ độc không phải ai xa lạ, mà là chính phụ thân y – Diệp Nham Bách…