Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 74



Chương Bảy mươi bốn



“Golem chiến đấu đã được đưa vào chế tạo hàng loạt.”



Những lời ấy của chỉ huy Định khi tiễn nhóm Giao Long ra xe đã khiến Tổng lãnh miền U Minh không khỏi băn khoăn. Golem chiến đấu, cái tên nói lên tất cả, là loại golem được chế tạo và lập trình dành riêng cho chiến tranh. Sử dụng một lõi hợp hạch như “lò đốt”, nó đun sôi nước trong người, tạo thành năng lượng hơi nước cao áp để vận hành toàn bộ cỗ máy. Cơ thể những thứ ấy tạo thành chủ yếu từ hợp kim thép và titan, với một số kim loại khác, đảm bảo được sức chịu đựng trước thời tiết, phục vụ lâu, giảm việc kẹt dị vật và đặc biệt, có thể chịu được đạn súng trường.



Một con golem loại ấy thông thường có sức chiến bằng bốn người lính, và đối với mẫu do Novgoroussiya đặc biệt chế tạo – lập trình trí thông minh không kém con người, với khả năng sử dụng gần như ngay tức khắc mọi vũ khí cầm tay, giết không khoan nhượng cũng như tuyệt đối trung thành, thực sự là thứ vũ khí kinh khủng, có thể quét sạch cả một căn cứ. Sử dụng mạch linh lực đồng nghĩa với việc các golem sẽ không bị ảnh hưởng bởi tấn công xung điện từ, có thể sử dụng để xâm chiếm các thế giới quá phụ thuộc vào “điện” như Trái đất, đồng thời công nghệ chế tạo lò hợp hạch sẽ không dễ bị kẻ địch sao chép, bởi phản ứng ấy khó khống chế hơn phân hạch nhiều.



Đế quốc từ lâu đã nghiên cứu chúng, ở phương Đông gọi là “hình nhân”, loại bỏ từ từ các yếu tố ma thuật. Khối linh hồn luyện hóa thay bằng lõi hợp hạch, cơ thể làm từ các nguyên liệu dẫn phép tốt thành kim loại, bánh răng, dây curoa với xi lanh thế chỗ khớp nối kiểu búp bê cũ. Golem chiến đấu có hiệu suất hoạt động cao hơn một á nhân, nhưng thấp hơn các yêu quái loại khủng. Tuy nhiên cái số lượng “loại khủng” đó chiếm chưa đầy mười phần trăm dân số toàn thế giới, còn lại là đám rơm rơm, nên vẫn có thể coi chúng vượt trội hơn. Thiết kế cơ thể giống con người giúp chúng hoạt động tốt, và nhiều biến thể dành cho từng binh chủng riêng biệt giúp tối ưu hóa khả năng chiến đấu. Nhiều nhà phân tích, lý luận quân sự cho rằng trong tương lai, chiến tranh sẽ là sự kết hợp giữa các lực lượng “sống” với đội quân kim loại này. Nhưng hiện tại chỉ có siêu cường vùng cực Bắc kia mới đủ nền tảng công nghiệp lẫn khoa học để chế tạo hàng loạt và thực sự sử dụng chúng làm thành phần chính trong quân ngũ.



Tuy nhiên, việc chế tạo golem chiến đấu không phải chuyện gì quá mới mẻ.



Từ mấy thập niên về trước, khi các lãnh đạo của khối Tam cường, cách các nước khác gọi liên minh ba nước Đế quốc, Valhöll và Novgoroussiya được báo về việc khí hậu Thủy Tinh sẽ trở nên cực đoan trong khoảng trăm năm nữa, một kế hoạch lớn đã được đề ra. Theo nghiên cứu khi ấy, chu kỳ suy yếu của Mặt trời sắp đến, đồng nghĩa với nhiệt độ sẽ rơi xuống khoảng âm năm độ bách phân ở vùng nhiệt đới – quá lạnh để lương thực, hoa màu sống được. Các ruộng lúa sẽ chết, rừng cây chìm trong tuyết trắng, sông hồ đóng băng và sự sống văn minh sẽ bị đẩy tới đường cùng. Đã có đề xuất xây dựng các khu định cư “vòm”, tức nằm dưới một nhà vòm khổng lồ, nhưng đã bị bác bỏ, bởi chuyện còn tiếp.



Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra sự bất thường trong các dòng long mạch, mà dự đoán rằng khoảng một thế kỷ sau sẽ trở thành đại họa, ước tính thời điểm xảy ra là năm hai ngàn mười hai. Long mạch, hay dòng chuyển dịch linh khí dày đặc dưới lòng đất, là nguồn gốc của nguồn năng lượng bên dưới Thủy Tinh, hình thành các mỏ đá linh lực vốn là linh khí khiến nước ngầm với khoáng sản kết tinh. Bản đồ địa chất học chỉ ra rằng long mạch thường chạy cùng với các đường địa nhiệt, tức nằm rất gần lớp manti của vỏ tinh cầu. Các đường này dao động ngày một mạnh hơn, cho thấy tương lai không xa sẽ xảy ra sự dịch chuyển thềm lục địa cực lớn. Trường hợp tệ hơn, trong một thời gian dài, cùng với việc Mặt trời giảm nhiệt và hành tinh này tiến vào kỷ Băng hà mới, núi lửa sẽ đồng loạt phun trào. Có thể nó sẽ tăng nhiệt độ bước đầu, nhưng về lâu dài, lớp tro bụi dày đặc sẽ phủ kín khí quyển, khiến tinh cầu vốn đã lạnh sẽ càng khó sống hơn.



Vì vậy, “Kế hoạch G” mới được tiến hành.



Được thực hiện chỉ từ một câu nói vu vơ của Nguyễn Thùy Chi, vợ thứ cố Tổng lãnh U Minh Phạm Đông Hải, về một hạm đội di cư khổng lồ chở hàng chục triệu người ra vũ trụ tìm nơi sống mới sau khi hành tinh quê hương trở nên quá khó ở, người ta từng chỉ coi đó như lời đùa không hơn cho tới khi các báo cáo và bằng chứng tới ngày một dồn dập. Và chúng đều không phải bình thường, mà là những thảm họa kinh khủng nhất.



Đại phong lộ, cơn bão ngang lớn và sống dai nhất thế giới, trở nên hung hãn bất thường. Các luồng chi lưu giờ lâu lâu lại đánh xuống mặt đất như những sợi roi của Thượng đế, cày nát nhà cửa, ruộng đồng, tới cả núi đá cũng không khỏi dính thẹo. Long mạch xáo trộn, tín hiệu địa nhiệt và từ trường trở nên bất ổn. Hải lưu vốn đã khốn nạn nay còn ác hơn, liên tục chồm lên thành các xoáy nước khổng lồ, đánh ập vào mấy đô thị ven biển.



Lại còn động đất liên miên, tới ngay như vùng Đại Việt vốn nằm sau trong mảng lục địa cũng cảm nhận được. Khu Linh Giang với bồn địa Tứ Xuyên ngay trên một khe nứt hứng chịu còn nặng nề hơn, với hàng trăm vụ chỉ trong một thế kỷ. Động vật thường xuyên nổi loạn: Chim di cư dựa vào tín hiệu từ trường mất phương hướng, sinh vật biển đâm đầu vào đất liền, cùng các âm thanh bất thường dưới đáy đại dương khiến người ta ngày một e ngại, liệu đó có phải dấu hiệu cảnh báo đại họa sắp tới?



Kết quả là, ngay sau khi Đại chiến Gaia kết thúc, Hoàng đế ba nước khi ấy đã ngồi lại, cùng với sự tham dự của Albion, đề ra “Kế hoạch G” để chuẩn bị cho trường hợp tệ nhất, mà theo họ là không thể tránh khỏi. Người đầu tiên nêu ý tưởng, phu nhân Chi, đáng tiếc thay đã qua đời trước đó. Vì thế Tổng lãnh U Minh và Hồng Ma, người đã sống qua một đại họa tương tự, quyết định tự mình trình bày nó.



Công việc này bao gồm bốn bước, trong đó việc đẩy mạnh chế tạo golem, công nghiệp hóa toàn bộ hệ thống sản xuất, nhanh chóng tiến vào thời công nghệ thông tin và chấp nhận rũ bỏ ảnh hưởng của văn minh hơi nước, thay thế nó bằng các dạng máy móc tinh vi hơn là bước đầu tiên, được đề xuất và thông qua. Hiện tại tuy vẫn giữ lại những đặc tính cốt lõi của văn minh hơi nước như dùng lò đốt, xe lửa, tàu bay dạng zeppelin, vũ khí bắn đạn vật lý, các thiết kế máy móc,… nhưng sẽ thay thế dần tới trước thập niên bốn mươi. Sau đó sẽ tập trung vào các bước còn lại, cuối cùng là chuẩn bị rời đi.



Kế hoạch G – “Gigaroad”.



Nghĩ đến cái tên ấy, Giao Long lại thấy rùng mình. Từ nhỏ, cô đã được bà nội kể về những thứ ở Trái đất, cũng như nguồn gốc câu nói đùa rằng nên đóng tàu khổng lồ để bỏ chạy. Tất cả đều từ một bộ hoạt hình có người ngoài hành tinh khổng lồ da xanh lá, các ca sĩ “phép màu” chỉ cần hát thì làm được mọi thứ từ chấm dứt chiến tranh tới chữa đại dịch, các “máy bay” có thể biến hình thành golem bắn tên lửa và đặc biệt, các tàu “đảo” có kích thước bằng một thành phố, chở mấy chục triệu dân chúng thẳng vào vũ trụ bao la để tìm nơi ở mới.



Bắt đầu từ cuộc chiến với chủng khổng lồ da xanh đó, con người – trong bộ hoạt hình – quyết định phải mở rộng không gian sống, không thể co cụm mãi trên một hành tinh, nếu không sẽ có ngày bị tiêu diệt. Các tàu đầu tiên thuộc thế hệ đó được gọi bằng tên Megaroad, một sự chơi chữ do người Nhật, tức Yamato ở Thủy Tinh, phát âm “r” với “l” giống nhau. Megaroad có nghĩa con đường cực dài, còn Megaload là khả năng tải siêu lớn, dù thế nào cũng có nghĩa. Từ cái tên và sự chơi chữ đó, bà mới nói “vui” về Gigaroad. Mang cùng ý nghĩa, cùng trò đùa về phát âm, nhưng sẽ hoành tráng hơn. Chở đi dân số bằng mấy thành phố cộng lại, cùng hạm đội hàng ngàn tàu hộ tống, mỗi chiếc Gigaroad sẽ hướng về một nơi trong vũ trụ, tìm kiếm các hành tinh sống được, thuộc địa hóa và biến nó thành quê hương mới.



– Sao vậy? Lại nhớ hồi xưa à?

– Có lẽ.



Khép hờ mắt, Giao Long bâng quơ đáp lời câu hỏi. Ngồi ngay bên cạnh, Hồng Ma thảnh thơi ngả người ra sau, hướng mắt nhìn những cánh đồng xanh ngắt màu lúa sắp trổ nằm dưới mấy con đê cao phủ đầy cỏ, đong đưa dưới hơi gió mát giữa Xuân. Thi thoảng lại thấy bóng người nông dân lái máy kéo hơi nước, khói trắng bốc cuồn cuộn, thay cho lũ trâu già đã không còn được “trọng dụng”. Những tàu bay cỡ nhỏ được các hợp tác xã quản lý, cho nông dân “thuê” lại để bay rải thuốc trừ sâu sinh học cứ là là trên đỉnh đầu, với mấy bác mấy dì đầu đội nón lá, mặc áo nâu sần, xắn quần đi ụp bắt mấy con cá, con lươn trong khu ruộng lúa ngập nước.



Người ta đi lại bằng xe hơi nước, chỉ cần đổ đầy dung dịch Divaenium lỏng nồng độ thấp và pha lắm cồn vào là chạy được, không như tàu và xe bay yêu cầu loại nồng độ cao để làm mát. Phương tiện chạy tới lui, chủ yếu là của hợp tác xã quản lý đê. Cảng Kẻ Chợ nằm gần sông Cái nối với kênh Lương, đi thẳng một mạch xuống tới tỉnh Thiên Trường, hai bên bờ đều đắp đê đất cao chục thước.



Xem ra tới kỳ trùng tu đê điều rồi, Hồng Ma nghĩ bụng. Ngoài nông dân dưới ruộng, còn lai máy móc cứ theo đường đắp mà chạy lên trên đê. Những cỗ xe lớn chạy xích với một lò hơi lớn đằng trước, bánh đà và tay dẫn chạy xình xịch, khói trắng nhả đầy như sương sớm, kéo cả cỗ máy đi thẳng lên trên. Người ta đứng trên ấy, tay cầm bản vẽ, tay mang bộ đàm, cờ hiệu, chỉ đạo các phương tiện nom như xe ben chạy xích thiết giáp đổ đất, rồi các chiếc khác, chở theo cái búa thủy lực lớn, dộng thẳng xuống. Tiếng đánh huỳnh huỵch, hơi nước phun xì xì qua khớp nối, rồi âm thanh khi bộ dây tời kéo trục lên, nện lại xuống, đều như một bản hòa âm trong nhà hát.



Hiện tại, nhóm Giao Long đang tiến thẳng về khu dinh thự của nhà họ Phạm ở vùng ngoại ô Đông Đô. Tuy nhiên, gọi là “ngoại ô” nhưng kỳ thực khu vực đó chính là vùng đệm của tỉnh Đông Đô, nơi đặt hầu hết các cơ quan hành chính dân sự, với kinh thành Đông Kinh được tường thành bảo vệ, là khu vực đầu não chính trị và quân đội.



Về cơ bản, khu ngoại ô nằm trong tầm ảnh hưởng của kinh thành, vốn chỉ có kích thước về mặt hành chính bằng một huyện của Đông Đô, giấu mình sau tám bức tường lớn nối liền thành hình bát giác. Đó là phần cuối cùng của kinh đô cũ, từ khi quyết định tách Đông Đô thành một tỉnh riêng biệt, còn Cấm Thành trở thành Đông Kinh của bây giờ.



Và vùng ngoại ô chính là nơi cư ngụ của các quý tộc khi có việc tới kinh thành, hay thậm chí là quý tộc và nhà giàu Đại Việt, những người có chân trong chính quyền Trung ương và ủy quyền quản lý lãnh thổ lại cho người trong họ hoặc người làm. Vì chế độ hiện tại vẫn duy trì kiểu quý tộc phong kiến, giữ các thái ấp riêng, nên trong trường hợp người quý tộc lãnh đạo làm việc trong bộ máy Trung ương tại Đông Kinh, lãnh thổ dưới quyền sẽ được ủy nhiệm cho người khác. Thường việc ủy quyền này sẽ không giao độc cho một ai, mà gồm một nhóm thành viên để canh chừng, kiềm hãm nhau.



Đồng thời, từ khi Hiến pháp được sửa vào triều Mạc Minh Tông, mọi lãnh thổ quý tộc đều phải có một Hội đồng Lãnh thổ dân chủ do người dân bầu cử đại biểu, quan chức đồng quản lý. Vì vậy mà việc người được ủy nhiệm tiếm quyền trở nên rất khó. Nhờ thế mà họ có thể an tâm ở kinh đô làm việc hết mình, không phải lo lắm chuyện bị đâm sau lưng.



– Ít nhất thì lý thuyết là vậy! Hiểu chưa nhóc?

– Dạ… Rồi ạ…



Ngồi thu mình một góc, Viêm cụp mắt, nhăn mặt trước bài giảng không ngờ tới của Hồng Ma. Rồi nó chồm người, hướng ánh nhìn ra bên ngoài, tỏ ý không muốn nghe nữa. Chúa sừng biết nên cũng chẳng ép gì.



Bất đắc dĩ phải nghe hết mớ ấy, Mộc Ma bĩu môi thấy rõ. Nhỏ lên tiếng ngay:

– Chả ai mong đợi bài giảng buổi sáng của mẹ đâu! Phiền phức y như tòa án dị giáo ấy! Mà mẹ còn chả phải cha xứ nữa!

– Ơ cái con này… Nay láo nhờ? Và xin lỗi, nhưng mẹ có bằng tiến sĩ ngành vật lý lượng tử đây! Muốn mẹ cho phát tachyon thần chưởng không?



Bị con nói thế, dĩ nhiên Hồng Ma méo xệch mặt mũi rồi. Bà già đớp lại ngay, không ngại khoe học hàm tiến sĩ. Thậm chí câu ấy khiến Giao Long phải nhịn cười vì biết rõ đó chỉ là bằng tiến sĩ… giấy, còn nghiên cứu khoa học thực tế thì chẳng có gì!



Nhưng bé chột chẳng vừa, tự tin đập bàn cái rầm mà tuyên bố hùng hồn:



– Con sợ mẹ quá! Hợp hạch chân kinh đây, chưa biết mèo nào ngán mỉu nào!

– Ngon nhào vô!



Mẹ con nhà đó còn làm ồn một hồi nữa… Tới khi Giao Long bỏ mũ, lên tiếng:



– Im coi. Ta ở đây để chấm dứt cuộc chiến này.

– Cái gì? – Hồng Ma nói lớn – Nghĩ cậu là ai, tóc đỏ cụt tay à?

– Cậu mới là đứa tóc đỏ đó, biết chứ?

– Vậy cậu nghĩ tớ là ai? Một thằng cục súc bắn dung nham à?

– Giống đó chứ! – Mộc Ma xen vô ngay.

– Con trật tự, mẹ lại chưởng cho phát gia tốc hạt vô mồm giờ!

– Nín. Hoặc cậu sẽ được thấy bí pháp của tớ, “Việt Văn Bảo Điển”, đáng sợ thế nào.

– Hử, cái “bí pháp” phải tự thiến và hành xử ẻo lả hơn cả đám bánh bèo hường phấn đó thì có gì đáng sợ? Với lại đang nói vật lý mà, lôi văn ra chi vậy má?

– Vậy thì động năng đại pháp nhé? Vì tớ sẽ bắn vỡ sọ cậu nếu không ngậm lỗ nói lại đấy.



Vừa nói, Giao Long lại lần tay xuống thắt lưng, ngay vào cái bao da đựng súng. Hồng Ma cũng chả vừa, sẵn sàng móc “hàng nóng” ra xử nhau. Mộc Ma lúc này mặt tái mét như tàu lá, biết chuyện sẽ chẳng thể nào kết thúc yên bình được, bèn nhích qua Viêm. Nhưng con bé bơ phờ lắm rồi, bụng đói, đầu mệt mỏi, lại còn bị hai cái loa phường kia bật hết công suất bắn vô nhau hàng tá các định luật vật lý, từ rơi tự do đến lực hấp dẫn, rồi thuyết tương đối – nó khá ngạc nhiên khi biết Thủy Tinh cũng có – rồi lý thuyết du hành nhanh hơn ánh sáng, lỗ giun, vật chất tối, năng lượng tối đủ thứ. “Tha cho con đi…”, nó thầm rên, nhưng ai thấu?



Bốn rưỡi sáng bị dựng đầu dậy, chỉ đánh răng rửa mặt, thay quân phục. Tới ăn sáng cũng chẳng có. Nhanh chóng ra ngoài sân, gồm nhóm buồng lái, cậu Trung, các quý tộc địa phương và vài người khác, họ chào tạm biệt nhân sự trong cảng rồi nhanh chóng lên xe rời đi. Nhanh hơn ăn cướp nữa, thủ tục làm tốc hành đến không ngờ.



Ngay khi xong mấy vụ nghi thức, từ ngoài cửa, cả đoàn mấy mươi chiếc xe hơi kiểu cổ điển, nắp capô cong hình mái vòm, đằng trước tròn quay với hai chiếc đèn pha lớn, bên hông lại gắn bánh dự phòng tiến thẳng vào. Kính lắp trong suốt, sạch không tỳ vết, với đằng trước mặt có thêm đôi thanh gạt nước – lạ thay, bố trí bên trên. Thiết kế nhìn chẳng “khí động học” chút nào, kính thước để thẳng, vuông góc trục thân xe, lại bành rộng nên nhìn ngộ lắm, như cái hộp. Vỏ ngoài bọc thép rèn đặc biệt, nghe nói dùng chống đạn… mà chẳng biết kính chống nổi không. Mỗi xe như thế chở được bảy, tám người, dựa theo số ghế, nhưng thực tế các xe dành cho quý tộc và sĩ quan cấp cao lại khá thưa bóng.



Nội thất bên trong xe phải nói là khá tiện nghi, với hai băng ghế xa lông bố trí đối diện nhau, bên ngoài làm từ lớp da màu đỏ hồng rất đẹp. Chúng rộng choáng hết bề ngang xe, nhưng vì cửa vào ngay đó nên cũng chẳng sao. Cửa xe được làm riêng cho hai nơi, gồm chỗ ghế lái bên trên và khu vực “VIP” đằng này. Cái nào cái nấy đều vô cùng cổ điển, tạo hình tứ giác “cứng” bốn đỉnh, tức không làm khung bo tròn bên ngoài, lại thêm thanh xoay gỗ để nâng, hạ kính nữa. Các tấm kính dày, nằm giữa bộ khung làm từ chất liệu đặc biệt, bọc da thú nhìn vô cùng sang trọng. Có luôn tấm màn để kéo lại, nhưng Viêm không thích nên cứ để cột lên.



Mé trần có máy điều hòa nhiệt độ, từ mát rượi tới lạnh cóng, chẳng khác gì khi ở trên tàu. Ở giữa bố trí một chiếc bàn dài, rộng chừng bốn tấc, vẫn đủ khoảng trống để người ta di chuyển mà không thấy khó chịu. Đèn dây tóc bên trên soi sáng rực, với bốn bóng tròn nằm trong một vòng lớn, đảm bảo không nơi nào quá tối. Nơi này ngăn với ghế lái bằng một bộ khung kim loại. Bình thường khung ấy có tấm lưới ô mắt cáo để người sau yêu cầu tài xế này nọ, nhưng hôm nay Giao Long lại cho kéo lên, khiến khoang sau cách âm hoàn toàn với phía trước.



Thuyền trưởng, mẹ con nhỏ chột và Viêm lên chiếc đi đầu, có tượng con cò bằng bạc đằng mũi và treo cờ đỏ chim hạc đen dang cánh, chạy giữa đội hình. Họ để hai nhóc ngồi vào băng phía sau cùng, trong khi vợ chồng Tổng lãnh ngồi phía đối diện. Cậu Trung và ban tham mưu đi trên xe thứ hai, liền phía trước, trong khi chị Lệ và các thành viên buồng lái đi đầu, làm nhiệm vụ “cảnh giới”. Các quý tộc địa phương mỗi người đi một xe riêng ở phía sau, cùng với những sĩ quan thân cận dưới quyền, cắm cờ riêng từng người. Thêm hai chiếc lớn chở người theo sau, mà trước khi lên, Oa Lân có nói đó là lính Quân đoàn 1 đi theo.



Tháp tùng đoàn này là mười chiếc xe bọc thép bán xích, tức bánh trước vẫn dùng lốp cao su, phía sau là bộ xích lớn như máy cày. Mấy xe này, đúng theo tên gọi, bọc thép kín bưng, chỉ chừa ra hai khe nhỏ đằng trước để quan sát. Bên hông có bố trí các lỗ châu mai, khi cần chắc đưa súng ra bắn được. Lại thêm trên nóc phần lớn được trang bị một bệ hai súng máy cỡ lớn, có khiên thép chắn hai bên, góc nâng khá cao. Phía mũi trang bị tấm xúc như xẻng lớn, xung quanh bọc thép đặc biệt được vát nghiêng góc, đảm bảo rằng đạn bắn vào sẽ bị chệc hay ít nhất cũng sẽ giảm hiệu quả xuyên. Chỉ có bốn xe, chia thành hai cặp trước sau, được vũ trang với pháo lớn. Cũng không thực sự “lớn”, nhìn cỡ nòng cùng lắm bốn mươi ly, dùng khiên thép che mặt trước, nhưng trông vào hộp đạn gắn cùng thì Viêm không khỏi rùng mình. Vớ vẩn nó nã thì tan xác ngay!



Cảnh tượng lúc này thực sự đối lập. Hai bên đường đi là đồng lúa trải dài ngút mắt, xa xa thấy bờ đê cao thật cao, với những người thợ máy, kiến trúc sư đang vận hành phương tiện gia cố lại. Dưới ruộng lại có mấy cô mấy bác nông dân mình khom khom, đặt cái gì đó nom như chiếc lồng xuống, lại thò tay vào tóm lên được ngay con cá. Trời vẫn còn sương, thậm chí đọng lại trên mặt kính xe mờ mờ, mỗi khi muốn nhìn gì Viêm lại phải đưa tay quẹt đi. Chỉ để ngắm khung cảnh thơ mộng như vậy.



Nhưng ngay kế bên, họ lại “được” hộ tống bởi các xe bọc thép quân đội. Trên thân xe đen đúa ấy đầy những lớp giáp dày, chắc đạn bắn cũng chẳng thủng nổi, đằng nóc lại có hỏa lực hạng nặng. Đèn pha cỡ lớn rọi sáng rực, bên trên hụ còi ò e í e rùm beng hết cả quãng trời. Không như xe cảnh sát ở “nhà”, mấy chiếc này chẳng có cái đèn hiệu xanh đỏ, cũng không vẽ ký hiệu hay sơn chữ nghĩa gì. Tuy nhiên, nội nhìn cái đại liên thôi là Viêm thấy vã lắm rồi. Chẳng khác gì xe dùng cho chiến tranh thực sự, coi khói xả từ cặp ống pô chạy ngầm dưới gầm khạc xám hơn sương và tiếng bánh xích lăn ruỳnh ruỳnh trên đường thôi cũng kinh không tả nổi.



Thấy Viêm có vẻ khá chú tâm mấy xe ấy, Mộc Ma, lúc này tỉnh như sáo, ngồi ngay bên cạnh, ghé lại gần rồi nói:



– Lần đầu thấy cảnh sát vũ trang à?

– Cảnh sát… vũ trang? – Viêm tròn mắt.

– Chứ bên đó công an không đeo súng hả?

– Ưm… Không biết nữa? Mấy cái đó tớ không coi nhiều.

– Vậy thì cậu nên biết đi! Biết để… đừng có dây dưa vô mấy người đó…

– Hể?



Nói đến thế, mắt Mộc Ma cụp xuống. Nhỏ quay ra chỗ khác, cố kéo luôn cái bịt mắt sụp xuống ngang bên trái để khỏi phải nhìn. Mặt nó hơi ửng đỏ, khiến Viêm khá tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra.



– Hồi đó con bé này không phân biệt quộc quân cảnh với vũ cảnh nên báo nhầm, vậy thôi.



Nói thế, Hồng Ma, chẳng biết mò qua tự bao giờ, kéo sát con vào lòng. Xem ra cuộc “khẩu chiến” giữa hai vợ chồng son đã kết thúc với phần thắng thuộc về thuyền trưởng, dù Viêm không biết bà già đầu đỏ có nhường không. Một người vui buồn đều không thể hiện ra mặt, người kia lúc nào cũng tươi roi rói như hoa mới nở, khó chịu cực kỳ. Bình thường họ giống như đeo mặt nạ vậy, lúc nào cũng che che giấu giấu. Thực sự chẳng biết thế nào nữa.



Nhưng, hành động kiểu đó – ôm con mình – khác hoàn toàn Hồng Ma mọi ngày.



– Mẹ… Mẹ? Tự nhiên làm gì vậy? Bỏ con ra! Bỏ ra!

– Cho mẹ “cưng” xíu đi mà? Qua đây, ôm nhẹ cái…

– Không…! Ư ư ư!



Và dĩ nhiên, nhỏ chột không hoảng mới lạ. Đỏ tía mặt mày, la oai oái như ai cắt tiết tới nơi, nó chòi đạp, cố tìm cách thoát ra. Nhưng trời không chiều lòng, cái tay mẹ siết thôi đã muốn tắt thở, chưa kể sự chênh lệch hình thể quá lớn nên muốn cũng không vùng được. Hiện tại, dù hai người lớn đó đã tự thu bản thân về kích thước của nhân loại “bình thường”, họ vẫn to hơn tụi nhóc nhiều lắm. Đặc biệt là hai “khối” ấy – Mộc Ma bị mẹ ấn mặt vào bí đỏ, suýt thì đạt tới Thiên đường rồi!



Trong lúc mẹ con nhà kia còn đang “tình thương mến thương” tới mức Viêm cũng phải ghen tỵ vì cặp “mỡ” ấy quá đáng ngưỡng mộ, Giao Long lại ngả dài ra băng ghế, ngoắc tay như muốn gọi con bé sang. Nó chẳng biết phải làm sao, nhưng cũng đứng dậy, nhích người từ từ qua chiếc bàn, rồi cuối cùng cũng tới được cạnh “mẹ nuôi”. Rồi ngay khi đặt mông xuống, Giao Long bất thình lình đưa tay xoa đầu. Nhìn con bé, cô hỏi:



– Còn mệt lắm không? Quen chuyện dậy sớm này chưa?

– Dạ…?



Với gương mặt vẫn còn ngái ngủ, Viêm dụi dụi mắt liền mấy cái, rồi đáp:



– Dạ… Cũng quen chút ạ…

– Vậy à?



Cố ý bơ đi mẹ con Hồng Ma, Giao Long nói, Viêm nên tập thói quen dậy sớm. Cô biết lúc trước nó dậy cũng chẳng muộn – năm rưỡi sáng, để chuẩn bị đồ ăn sáng cho người cha tệ bạc, cũng như lấy sách ra học lại vì sợ nghỉ lâu quên chữ. Cái lý do thứ hai, thực lòng mà nói, chỉ khiến “Thi Hoàng” muốn phì cười. Sống giữa thành phố, xung quanh bao nhiêu người có học thế mà lại nói “sợ quên con chữ”, nghe như từ thời xa lắc xa lơ ở cái vùng hoang vu hẻo lánh nào ấy. Nếu nó đã muốn học tới vậy, tốt thôi, thuyền trưởng cười thầm, trường học thẳng tiến. Sẽ rất không hay nếu con nhà Tổng lãnh là đứa thất học, và không học thì sau này cạp đất ăn trừ cơm, nên cô quyết định trước sau gì cũng phải tống con vào trường.



Thế thì dậy sớm liên quan gì? Viêm thắc mắc, bình thường nó dậy không đủ gọi là “sớm” à? Nhưng Giao Long lắc đầu.



– Bọn ta dậy sớm lắm. – “Thi Hoàng” từ tốn nói.

– Sớm thế nào ạ? – Viêm tò mò.

– Thế nào ấy à?



Suy nghĩ một chút, Giao Long bắt đầu “giảng”. Một ngày của người dân Đế quốc bắt đầu từ bốn giờ rưỡi sáng, khi họ thức giấc, và thường kết thúc lúc chín giờ đêm. Dậy sớm như vậy, họ thường không chuẩn bị đi làm ngay, mà sẽ chạy bộ, tập thể dục, người già thì dưỡng sinh, nói chung là làm ấm cơ thể. Những người bắt đầu công việc sớm nhất là tiểu thương, mối lái và kiểu như vậy, cần đưa hàng hóa tới các nơi bán lẻ, thậm chí siêu thị. Các hàng quán ăn sáng cũng bắt đầu nấu cơm, xôi, mua bún, mỳ, bánh phở các thứ, đun nước lèo chuẩn bị bán.



Đối với lực lượng vũ trang, Giao Long bảo, tính quân đội, công an và mấy cái râu ria khác thì việc dậy lúc bốn rưỡi là bình thường. Bài tập buổi sáng sẽ bắt đầu với chạy vũ trang ba mươi cây: Khởi động làm nóng người xong đeo cái ba lô nhét lỉnh kỉnh các thứ vũ khí, xẻng quân dụng, rìu, lựu đạn, nồi niêu xoong chảo và lương khô đủ cho một người trong năm ngày rồi bắt đầu chạy. Có thể kinh khủng với con người và những chủng loài có thể hình thấp bé như dân Gốp, tuy nhiên khi xét đến mặt bằng thể lực chung của người dân Đế quốc, việc đó chỉ vừa mới làm ướt chiếc áo ba lỗ chút đỉnh.



Sau đó, tiến hành gập bụng, hít đất, thụt xì dầu, hít xà,… đủ trò mà bất cứ người lính nào cũng phải làm qua. Lính nghĩa vụ ở các doanh trại sẽ còn có màn lăn lê bò trườn, chạy bộ vượt chướng ngại vật, leo tường, luyện võ “dưỡng sinh”, trong khi các sĩ quan cấp úy trở lên chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Trước đó thì từ bậc Đại úy trở xuống phải tham gia khởi động buổi sáng chung với lính, nếu ở trong doanh trại, còn như tàu thì từ chỉ huy cao nhất tới lao công đều cùng làm. Sau màn khởi động ấy là tắm sớm, lúc khoảng năm giờ rưỡi, rồi sẽ đi ăn. Từ khi ăn tới bảy giờ, tức vào giờ hành chính, tương đối rảnh nên có thể thư giãn. Một khi đã chính thức vô giờ làm, “Thi Hoàng” bảo, sẽ còn ác chiến hơn nhiều.



– Ác chiến hơn… ấy ạ?



Nghe hết cái đống lý do dậy sớm đó, Viêm không khỏi lạnh toát sống lưng. Mồ hôi tuôn ướt trán, tóc gáy dựng đứng, hai tay ôm chặt lại trước ngực, nó đang cảm thấy sợ hãi cho tương lai “chắc chắn đi lính” của mình. Tương lai nghe cực kỳ mệt mỏi, nặng nhọc và bóng nhẫy mồ hôi mẹ mồ hôi con này liệu có phải thứ dành cho mình không? Nó chẳng chắc nữa, dù sao cũng đáng sợ quá. Con cái nhà quý tộc bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ hay thi vào các trường quân sự. Chọn cái trước thì đi hai năm ra chắc đô như cái anime có mấy ông tướng sáu múi hơn Giôn Xê Na, lúc nào cũng “wryyyy” hay “ora ora ora” cho xem. Nó tự hỏi có nên kiếm cái mặt nạ đá nào đó, tạo dáng thật ngầu rồi phán câu “Con từ bỏ nhân tính của mình”, đeo lên rồi biến thành ma cà rồng cho lẹ không, hay học cách hít thở và đấm ra sấm sét vàng. Dĩ nhiên, nửa đùa thôi, nhưng nửa còn lại là thật. Nghe qua thể dục buổi sáng đã thấy muốn tắt nắng, vậy nguyên ngày bị đì đến đâu?



– Hả? Yên tâm đi, vô học viện nhà lắm chứ chả mệt gì đâu! À, nếu lực học của cậu trên trung bình khá thôi!



Bên kia, đã chịu thua mẹ, Mộc Ma vẫn không bỏ thói hóng hớt. Dẫu sao cả hai người nhà đó đều đã biết hết, nên họ cũng chẳng bận tâm mà nhảy vào.



Là người vừa tốt nghiệp năm ngoái, Mộc Ma bảo, hệ thống giáo dục ở các học viện quân sự trong nước nhìn chung giống nhau. Họ học từ thứ nhất tới thứ năm, thứ sáu tự học, còn thứ bảy nghỉ. Cái lịch ở đây có hơi quái, với ngày “thứ nhất” trong tuần tương ứng với thứ Hai của Việt Nam, vậy nên ngày “thứ sáu” sẽ là thứ Bảy, còn “thứ bảy” là Chúa nhật theo lịch Công giáo.



Một ngày học tổng cộng chín tiết, chia làm năm sáng bốn chiều, có nghỉ trưa. Buổi sáng bắt đầu từ bảy giờ tới đúng mười một giờ trưa, chia thành năm tiết, mỗi tiết bốn mươi lăm phút. Xong hai tiết đầu giải lao năm phút, hai tiết sau lại giải lao tiếp mười phút, tới khi xong thì đánh chuông ăn cơm. Chiều bắt đầu từ một rưỡi tới cỡ năm giờ kém mười lăm, cũng có giải lao. Sau đó các học viên quay về ký túc xá, trong các phòng đã chia, tắm rửa hay làm gì đó tùy ý tới sáu giờ sẽ tập trung cơm tối. Ban đêm là thời gian riêng, nhưng giới nghiêm bắt đầu từ chín giờ tối – không ai ra khỏi phòng sau lúc ấy, trừ khi có chuyện. Sẽ có cảnh vệ đi tuần, cùng với chủ nhiệm ký túc xá và các sĩ quan giám thị đảm bảo trật tự. Mười giờ tắt đèn, đóng cầu dao tổng, tất cả lên giường ngủ.



Trong chương trình thì buổi sáng tập trung giảng dạy các môn lý thuyết, buổi chiều học thể dục hay thực hành tùy thời khóa biểu, và chuyên ngành. Các môn đại cương là thứ trường nào cũng phải học, gồm toán, lý, hóa, lý luận chính trị, đường lối quân đội, “giáo dục công dân” ở một cái mức nâng cao rất nhiều mà chắc chắn Viêm nhìn đề thi xong sẽ khóc thét đòi về nhà.



Về ngoại ngữ, học viên năm nhất với năm hai sẽ bắt buộc phải học tiếng Valhöll và Novgoroussiya, Albion là học phần nâng cao dành cho những người chuyên về ngoại giao hay lý luận, chỉ bắt buộc cho các nhóm đối tượng ấy. Thêm lịch sử quân đội, mà theo Mộc Ma, cứ xách đít đi hỏi mẹ còn nhanh hơn: Vì chính mẹ nó là người đặt nền móng và giám sát cho tiến trình xây dựng, phát triển quân đội Đế quốc tới hiện giờ. Lịch sử quốc gia sẽ được đào sâu vào, chủ yếu là theo hình thức thảo luận, làm thuyết trình và vấn đáp, trong khi lịch sử quân đội là bàn đạp để học tới các môn cần sa bàn… mà hầu như môn nào trong chương trình cũng phải dùng đến sa bàn cả.



Nói đến đây, Mộc Ma chợt dừng lại. Rồi nó hơi cúi mặt, bảo:



– Thời của tớ thì… chương trình đổi rồi, chủ yếu là lý thuyết hàn lâm thôi, thực hành hổng nhiều nên…

– Nên điểm thực hành của con mới thấp lè tè, ngay cả khi đi thực tập bắn đạn thiệt cũng vậy.



Chẳng ngại ngần gì mà không tới, Giao Long nói thẳng luôn điểm yếu nhất của Mộc Ma: Lý thuyết quá nhiều, thực hành không bao nhiêu. Và tới đây, trong lúc bé chột còn đang “tổn thương sâu sắc lòng tự trọng”, quay qua dụi mặt vào người mẹ – mấy hôm trước còn làm nó khóc rưng rức vì cùng vấn đề, thuyền trưởng chiếm luôn sân khấu. Vì dù sao chương trình học thời cô vẫn còn mang nhiều tính thực tế hơn cái kiểu đào tạo hàn lâm, khô khan bây giờ.



Phân tích vì sao trận này thắng, trận kia thua, lối đánh hay dở thế nào, biến hóa ra sao, rồi sau đó sẽ được chia nhóm để tiến hành “tái hiện” lịch sử. Giao Long cố ý tránh chữ “vẽ sử” vì cách học đó kỳ thực là vẽ sử hợp pháp, đi theo những lối đánh khác với người xưa, rồi sau đó thực hành trên sa bàn. Quyết định thắng thua thông qua mức thương vong, tỷ lệ hoàn thành mục tiêu đề ra, khả năng phối hợp giữa các “đơn vị” do từng thành viên làm chỉ huy, đánh giá trình độ chỉ đạo của người được chọn làm Tư lệnh cho “chiến dịch”, nhưng đó chỉ là phụ.



Cái chính của kiểu học trên sa bàn chính là phân tích đường lối, thảo luận chiến thuật, mổ xẻ đường đi nước bước của người xưa và mình khác biệt gì nhau, tại sao lại cho ra kết quả như thế,… Nó đòi hỏi người học phải liên tục tư duy, căng não ra mà suy mà nghĩ, tìm đến những giải pháp thậm chí là điên khùng nhất có thể. Nếu nói đánh cờ là giản lược của chiến tranh, thì sa bàn là phiên bản nâng cấp hại não hơn rất nhiều của nó. Không có chuyện chơi “theo lượt”, ở đây các chỉ huy phải liên tục phán đoán tình huống dựa trên nguồn tin “tình báo” ít ỏi được giảng viên cung cấp, sau đó phải nhanh chóng hạ lệnh phải làm gì. Tiến, lui, đánh, rút, mấy cái đó tưởng dễ mà khó lắm.



Tổng hợp tất cả những gì mình đã làm khi thực hiện đánh giả lại thành một cuốn báo cáo, rồi nộp cho giảng viên chấm điểm. Điểm số đó sẽ quyết định xem mình có được đi thi hết học phần không, hay chịu khó học lại môn. Thi hết học phần cũng thế, nhưng theo lối vấn đáp, tức trình bày trực tiếp luôn. Được quyền dùng sa bàn, bản đồ treo tường có sẵn do bên khảo thí cung cấp để chỉ ra hướng tiếp cận vấn đề, đồng thời lập luận bảo vệ ý kiến của mình trước hội đồng giám khảo. Qua hay tạch môn quyết định nhanh và căng thẳng thế đấy, chẳng khác gì thời điểm then chốt của cả chiến dịch.



Dừng lại tẹo, Giao Long nói:



– Ở đây học chỉ là hình nộm đồ chơi, còn khi ra thật, thì mỗi khối trên sa bàn chính là hàng ngàn hàng vạn quân lính. Đi một khối là quyết định sống chết của cả đơn vị, liệu mình sẽ thành anh hùng hay ra tòa án binh đều chỉ trong gang tấc. Nắm trong tay từng ấy sinh mạng, nếu chỉ biết lý thuyết suông sẽ chẳng thể làm gì. Vì vậy nên mới phải học thực hành, đánh trận giả như vầy nhưng tạo được cảm giác nặng nề gần như thật. Một vị tướng chỉ có thể làm theo sách vở, không biết linh hoạt tư duy là vị tướng tầm thường. Cục diện xoay trở ăn thua phần lớn ở cái đầu viên Tư lệnh nào nhiều chất xám, kinh nghiệm và sự liều lĩnh hơn.

– Vậy nên lo mà học đi, ga ha ha ha ha! – Hồng Ma lên tiếng – Không thì sau này cùng lắm làm chân sai vặt thôi! Hạ sĩ quèn thì đừng có mơ chỉ huy cụm tập đoàn quân! Ga ha ha ha ha ha ha ha!

– Lại cà khịa anh ria bàn chải rồi. Mà… cũng đúng, a ha ha ha ha!



Chỉ câu nói ấy của “Thi Hoàng” thôi cũng đủ để Viêm hiểu người mà các mẹ nói đến là ai. Nhỏ nhịn cười, vai run bần bật. Tội nghiệp có mỗi Mộc Ma theo không kịp câu chuyện, ngồi ngơ ngác nhưng phải ra vẻ thông suốt rồi!

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv