Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 0-12: Ngoại truyện 10



– Nơi này yên bình thật…



Ngồi bên hiên nhà, Giao Long thư thái nâng chén trà lên, hớp lấy ngụm nhỏ. Vị trà xanh thanh mát đi thẳng vào vòm miệng, xuống cuống họng, rồi lại bốc cao đến tận não, khoan khoái vô cùng. Không xộc mạnh như rượu, chẳng có cái vị ngọt ngọt đắng đắng như bia, nước trà rất vừa. Lại đun nóng, vừa rót từ ấm ra, vẫn còn cái hơi hâm hấp và hương thơm dịu nhẹ của lá trà tươi. Uống trà nóng nhưng lại không nóng, ngược lại thấy mình còn mát mẻ, dễ chịu hơn, đối với một xác sống mà nói, quả thực có chút “kỳ cục”.



– Vậy, cô đã trả hũ cốt lại rồi à?

– Ừm, trả rồi.



Bên cạnh Giao Long, cũng trên phần hiên chìa ra ngoài của ngôi nhà sàn mái cong vút như con thuyền ấy là một người phụ nữ tuyệt đẹp, với suối tóc màu xanh đen để đuôi ngựa đổ dài sau lưng, cùng ba cặp sừng trên đầu. Da trắng hơn cả tuyết, lấp lánh tựa sương mai, dưới ánh Mặt trời còn ngỡ toàn thân châu ngọc, thực chỉ nhìn vào đã khiến người khác không tài nào tin nổi lại có sự tồn tại đẹp tới vậy.



Đôi mắt to tròn long lanh màu hổ phách, sâu thẳm vào bên trong đến nỗi không thể biết được đang che giấu điều gì, thậm chí có thể khiến kẻ khác rùng mình chỉ bởi cái liếc nhìn vô ý. Lông my cong vút tựa lá liễu, khi chớp chớp lại có vẻ động đậy lung lay. Dung nhan khiến ngay cả người cùng giới cũng phải rung động. Nhất là khi trông vào phần cổ trắng nõn nà, thanh mảnh ấy, lần dò xuống bờ vai, thì dù có được bộ giáp che đi, vẫn thừa sức đánh thức bản năng khát máu vốn đã ngủ yên bên trong “Thi Hoàng”.



Đến cả trang phục cũng không như người ta. Ngồi trong nhà nhưng y vẫn vận nguyên bộ giáp tấm phiến, với tổng cộng ba lần giáp và một bộ đồ lụa bên trong. Đầu tiên là một tấm vải choàng lớn màu đen trũi, quàng chéo qua vai trái với phần cổ nhọn dựng đứng, phủ tà xuống quá khuỷu tay, được quấn vào trong lớp vải bọc quanh eo. Phần eo ấy, tuy có giáp, vẫn được bảo vệ bởi lớp vải vóc khá dày, quấn ngoài một chiếc đai lụa đỏ au, bên hông giắt thêm thanh gươm lưỡi cong. Trên đầu lại đội chiếc nón giáp kỳ dị, che không hết, nhưng lại được thiết kế khá cao. Đằng đỉnh còn có hình rắn hổ chúa màu mốc vàng ngóc cao đầu, bành mang trợn mắt nhìn cực kỳ hầm hố.



Trong khi giáp trụ bên trong có vạt dài bảo vệ phần chân, lớp ngoài tạo hình vảy rồng chỉ vừa đủ che ngực và lưng, đến tầm quá eo một chút, buộc lại bằng đai da và thêm vào mấy lớp vải quấn quanh cho chắc. Còn có thêm hai miếng “kéo dài”, hình như đeo vào mép dưới, nhằm bảo vệ “vùng kín”, vốn không được bộ giáp trong che phủ. Sau hết, cô ta còn thêm giáp nhẹ màu xanh đen, nhìn như áo khoác bông chần từng ô chữ nhật. Kỳ thực độn bên dưới nó là những phiến thép được rèn và xâu lại, nằm sau lớp vải, da và bông dày, coi như hàng bảo vệ cuối cùng.



Vật liệu làm giáp cũng khác: Lớp ngoài cùng bảo vệ ngực, lưng và phần vai sử dụng đồng thau, rèn thành những miếng mỏng rìa dày giữa, cong vòng như cái gối, xâu vào nhau bằng các đoạn dây nhỏ bện từ tóc đặc biệt chắc chắn. Tương tự với giáp trụ bảo vệ cẳng tay, gồm nhiều phiến đồng dài chừng ba tấc xâu lại, bên dưới có lỗ xỏ dây để cột gút vào, cố định không cho nó tuột, cũng như phần vải độn để mang dễ hơn.



Bộ bên dưới, với phần “vạt” dài quá nửa ống đồng, xẻ cao trước sau, được làm từ những tấm thép mạ đồng, kích cỡ mỗi cái tầm ba ngón tay chập lại. Không như hai tấm bảo vệ ngực với lưng ngoài cùng, bộ này cài “khuy” như áo bình thường, còn có cả cổ tròn cao viền thép, duy chỉ không có tay áo mà thay vào đó là những mảnh đồng lớn xâu với nhau thành giáp che vai. Cặp mảnh bảo vệ “vùng dưới” được làm từ cùng kiểu ấy, nhưng đeo thế nào thì Giao Long không rõ, chỉ biết nó gắn cùng với lớp bảo vệ ngoài cùng. Có lẽ giống giáp hông của mấy bộ đồ hiệp sĩ phương Tây, đoán thế?



Chỉ cao tầm thước bảy, mặt mũi hiền lành, nhưng khí lực toát lên lại cuồn cuộn đến không tưởng. Đến nỗi ngay cả Giao Long, người đã trải qua những trận chiến thuộc vào hàng đẫm máu, khốc liệt bậc nhất lịch sử cũng phải cảm thấy nể sợ năm sáu phần.



Gia chủ Minh Huyền nhà họ Cao, tự Thanh Cơ, một yêu quái đã đạt tới ngưỡng sức mạnh của “thần”.



Thế giới này, nơi Giao Long đang đi du lịch, không có tên cụ thể mà chỉ được gọi là “thiên hạ”. Chia làm nhiều vùng đất khác nhau, trong đó Đại Hoang, chỗ cô đang tạm trú, là cánh rừng khổng lồ, nơi yêu ma chiếm đa số trong thành phần dân cư, nó gần như không khác gì Đế quốc Liên hiệp vào mấy ngàn năm trước, thời vẫn mang tên Hồng Bàng. Rừng cây phủ xanh phần lớn diện tích, với chủ yếu là các vạt rừng trải dài, đến dãy núi Đại Lĩnh phương Bắc, núi Sương Mù đơn độc mặt Tây Nam, biển Động Đình đằng Đông và tiểu lục địa Miên Lạp Á hướng Nam. Khí hậu quanh năm mát mẻ, không quá nóng cũng chẳng lạnh co giò, dường như là kiểu nhiệt đới gió mùa hơi lai với nhiệt đới ẩm mưa nhiều. Và dĩ nhiên, động vật ở đây cũng “tào lao” cực kỳ.



Lần trước đến đây, Giao Long chỉ đang thử năng lực “xuyên không” của mình. Về lý thuyết, cả Hồng Ma và bác sĩ Kiyo đều nói nếu nguồn năng lượng sinh ra đủ mạnh và duy trì trong thời gian tối thiểu, việc tạo một “cánh cổng” đi qua các vũ trụ song song sẽ không phải cái gì đó quá khó khăn. Ngày xưa khi Đế quốc Xích Quỷ còn tồn tại, cái thời người người nhà nhà tu tập công pháp “tiên hiệp” ấy, họ đã thành công trong việc làm ra những đường hầm nối liền những thế giới tưởng chừng tách biệt lại với nhau. Bây giờ, năng lực thao túng không gian của “Thi Hoàng” vừa hay đủ làm chuyện đó, nên xuyên không chủ động không phải cái gì quá khó nữa. Chỉ tiếc rằng vì mới luyện tập, chưa đảm bảo được có thành công hay không nên cô chỉ có thể đi một mình, mang theo tro cốt của bà nội để mang về quê bà.



Bởi lẽ, bà nội Giao Long là người từ “dị giới”.



Xuyên không sang từ hơn trăm năm trước, khi chỉ mới đôi mươi, bà đã thành thân với ông nội Giao Long, lão già vẫn còn sống khỏe ở nhà. Từ đó tới tận khi nhắm mắt, bà luôn cố tìm cách quay về. Ma pháp không gian được cho là giải pháp khả dĩ nhất, nhưng không tìm đâu ra được nguồn vào đủ lớn để tạo thành một lỗ hổng xuyên qua đại dương siêu không gian, thứ ngăn cách các vũ trụ với nhau. Vả lại, do việc xuyên qua này hoàn toàn là ngẫu nhiên, không có cách nào xác định thế giới gốc của bà là nơi đâu. Khi sang cũng chỉ có cái thẻ “căn cước công dân” ghi một nước có tên “Việt Nam”, một cái “gương” biết phát nhạc và ánh sáng – dù giờ thì nó đen thui, còn nứt kính nữa, và bộ đồ rất kỳ cục.



Và trên hành trình đó, thì Đại Hoang là chỗ đầu tiên Giao Long “nhảy” tới, sau đó còn qua vài chục cái nơi khác, cho tới khi tìm được đường tới “Việt Nam”. Ấy thế mà còn nhảy lệch thời gian nữa cơ, chênh tới mười bốn, mười lăm năm! Khi ở đó, cô nàng vô tình gặp được một trong các thi quỷ nguyên bản của Hồng Ma, đã sắp tới giới hạn. Nơi ấy, Trái đất, bài trừ những thứ dị biệt và ma pháp. Giao Long giúp người đó làm “vài việc”, canh chỉnh thời gian và nhảy tới thời điểm bà nội mình “mất tích”, là khoảng tháng Sáu năm hai ngàn hai mươi.



Xong xuôi, đã trả cốt về ngôi nhà ấy, phải làm thật cẩn thận để không ai biết, Giao Long lập tức quay về. Do đã biết đường, “Thi Hoàng” có thể phi một mạch từ đó về Đại Hoang mà không phải qua các thế giới trung gian. Đồng thời, nắm được cách xác định “tọa độ” muốn tới, cô không còn lo chuyện sai lệch thời giờ nữa. “Lỡ bậy bạ nhảy về thời xưa lắc hay tương lai thì chết dở!”, bản thân đã nghĩ vậy. Không phải mất cả thập kỷ dò đường, cũng chẳng phải thằng anh hùng mặt nạ nào dành chục năm đi phá thế giới song song, chỉ mong có thể về nhanh hết sức.



Hớp tiếp ngụm trà, Thanh Cơ tủm tỉm cười, bảo:



– Nhớ lần đầu cô tới đây, bị voi vây đánh mà ta cười muốn bể bụng á! Cả đời chưa thấy voi à!

– Thấy rồi, nhưng voi bự và tám ngà thì lần đầu thấy.

– Vậy à? Thế giới của cô… “Thủy Tinh” ấy, cũng có mà nhỉ?

– Có, và có luôn cái đám rắn hổ mây phiền phức thích phi thân nữa.



Cười khổ, rất ít khi phải nhếch môi như thế, Giao Long nhớ lại cái kỷ niệm chẳng mấy vui vẻ gì lúc thử nghiệm xuyên không. Khi ấy, cô vô ý mở cổng ra ngay giữa trời, rơi thế bất nào mà tung liền cú thiết đầu công vào lưng con voi đang “giải quyết nỗi buồn”! Nó kêu đinh tai nhức óc, rõ ràng không muốn để mình giải thích. Thế là rắc rối kéo tới ngay tắp lự.



Mà không như voi ở Thủy Tinh, loài “voi” nơi đây cao gần ba chục thước, với tổng cộng tám chiếc ngà trên bốn cặp và quả sừng nhọn to tướng nhô ra từ trán, chẳng biết để làm gì nhưng hầm hố vô cùng. Đôi ngà lớn đã có một cặp to dài gần chạm đất, cong vòng cực kỳ đáng xợ, cái kia lại chĩa về trước mặt như hai ngọn giáo. Đôi nhỏ hơn nằm bành sang bên, như nanh heo rừng, cùng chiếc vòi lớn đung đưa đầy đe dọa. Chân voi to hơn cột đình, da dày bất thường, với nhiều chiếc “vảy” sần sùi mọc phủ khắp thân, xen kẽ với bộ lông ngắn thô ráp. Chúng khá giống loài voi rồng của Đế quốc, nhưng voi rồng chỉ cao phân nửa con này và cũng sở hữu có hai cặp ngà, còn thứ quái vật ấy lại có đến những bốn. Mỗi bước đi lại thấy cái bụng mỡ rung rinh, từng lớp vảy động đậy theo “sóng mỡ” lắc lư đến sợ.



Rống lên một tiếng vang hết vạt rừng, nó gọi cả bầy tới, và chỉ trong chốc lát Giao Long đã bị lũ đấy bao vây. Phải vất vả lắm mới thoát được. Lũ voi “chín” ngà này thực sự thông minh, chúng nó không cục súc lao vào dùng ngà hay vòi để tấn công, mà biết cách dàn đội hình – dù thô sơ – để bao vây bốn mặt, không cho “Thi Hoàng” di chuyển. Ước chừng ba chục thớt, đứa nào cũng to như cái nhà tập thể biết đi.



Phải dốc toàn lực… chạy, biến thành bầy hàng triệu con quạ mỗi con bay một nơi mới trốn được. Bầy voi cũng lồng lộn lên, vì thấy tự dưng đâu ra cả đám quạ đen trũi, đâm ra hoảng mà náo động cả vạt rừng. Chúng nó mồm rống, vòi vươn, ngà quất, cố đẩy lui bầy chim lạ, nhưng Giao Long không đánh trả. Chỉ toàn tâm đào tẩu. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” chuẩn nghĩa đen, vì dù gì đây cũng là chỗ sân khách, miền đất lạ, nếu gây rối chẳng may lại bị ai đó cao tay hơn trị thì mệt.



Không ngờ chính vì hành động ấy mà đánh động tới lũ rắn khổng lồ sống sâu trong Đại Hoang, to ngang ngửa đám rắn hổ mây đằng sau núi Thiên Cẩm. Bọn nó vươn mình lên, đường kính thân e bốn người trưởng thành ôm không xuể, bộ vảy đủ màu từ đen óng tới mốc vàng lấp lánh dưới nắng, há cái miệng đỏ lòm mà cố gắng táp. Lại còn mấy con tăng động phóng theo, quăng mình phi rào rào trên đọt cây, ù ù như thể bão tới, thật không khác gì tụi phiền phức đó ở nhà! Sống trên núi cũng quen cảnh hổ mây phóng mình săn mồi rồi, nhưng lần đầu trở thành mục tiêu, phải lượn bán sống bán chết thế này thì đúng là trải nghiệm nhớ đời.



Khi đó cũng may gặp được Huyền đang dẫn mấy đứa con đi luyện tập, không thì ăn đủ rồi. Chỉ bằng cái trừng mắt, người phụ nữ ấy đã khiến lũ rắn phải câm họng, lủi thủi bỏ về rừng. Lúc ấy “Thi Hoàng” đã thực sự bất ngờ, không hề nghĩ rằng ở đây có kẻ mạnh tới vậy. Chà, dù sao thì hồi trước cô cũng chỉ vừa làm chủ được cơ bản sức mạnh mới, ở cái mức còn bị đám thi quỷ của Hồng Ma chê “quá yếu”. Mà yếu thật, tới biến đổi và hồi phục mấy phần cơ thể bị cắt rời còn tốn đến những… bảy, tám giây cơ mà! Thế thì đánh đấm gì! Oa Lân nói, thi quỷ muốn chiến đấu tốt thì phải hồi phục vết thương chỉ trong tối đa ba giây, gãy xương thì nối trong chớp mắt, còn giả như bay tay mất giò thì mọc lại trong năm giây, không thì không thể nào kịp ứng phó. Tập sấp mặt mà vẫn chưa đâu vào đâu, biến hình với phân tách cơ thể còn kém cực, vậy mà đã phải thực hành ngay. Quả nhiên đời cóc như mơ…



Đời nhàn nhạ không phải nói. Chỉ việc ngồi đó hớp trà, chuyện xung quanh không cần lo. Nhà Thanh Cơ, một ngôi “đền” nhỏ vô danh nằm biệt lập giữa tòa thành đầy những yêu tinh da xanh lá, giống như một thế giới khác. Vách tường ngăn cách nơi này với ngoài kia chẳng qua chỉ là bức rào tre tạo hình ô quả trám, trồng trên đó dàn mồng tơi xanh mướt, mọc lan trên khắp hàng rào đến tận ngoài cổng.



Đằng xa xa, qua những ô to đủ đưa cả bàn tay vượt khỏi, lô xô những mái nhà sàn cao lớn, cong vút lên tựa mũi thuyền. Người dân nơi đây xây nhà kiểu đó: Nhà sàn cách mặt đất tầm hai thước, đỡ bằng ít nhất bốn chiếc trụ lớn, với phần mái cực to cong vút hai bên lên, chính giữa lõm xuống, làm từ những đọt tre, lá tranh và đủ mọi thứ vật liệu khác họ có thể tìm được. Vốn dĩ là thành trì lớn, dấu tích những khu phố được quy hoạch rõ ràng và quy củ vẫn còn, nhưng từ khi bị Thanh Cơ đánh chiếm, san phẳng, biến thành cứ địa yêu ma thì mấy cái nhà lầu hào nhoáng ấy bị dẹp sạch cả. Những tòa nhà còn sót lại chủ yếu là các nhà mặt phố, lầu xanh, được cải tạo thành khu tập thể hay kho chứa quân trang. Đền đài, cung điện nguy nga hất nhào hết thảy. Duy chỉ có tường thành vẫn được giữ lại, thậm chí sửa chữa và đắp mới, đảm bảo khả năng phòng thủ.



Toàn bộ thành phố được xây trên ngọn đồi khổng lồ, đủ để xem như quả núi thấp, với phần sườn nhìn chung tương đối thoải cùng bốn dòng sông chảy ra từ cùng một nguồn, mà Thanh Cơ bảo rằng đó là hang ngầm bên dưới nơi này. Hôm nay tới chơi, cách đợt trước cũng gần chục năm, Giao Long được chủ nhà dẫn đi xem mấy nơi ấy. Chín bức thành cao tạo nên thành lũy vĩ đại, mỗi tường đều dựa vào địa thế sẵn có để tạo thành nền móng và ăn gian chiều cao, nên dù trên giấy tờ tất cả đều cao ngang nhau – tính từ đất tới đường đi trên đỉnh, thực tế lại chênh lệch tương đối đáng kể.



Kỹ thuật xây dựng ở đây không phải dạng vừa: Yêu tinh, tương tự người Gốp tại Đế quốc, là những thợ xây tài ba. Họ đào móng, làm nền cho từng tường, sau đó mỗi bức vách đều được xây theo kiểu nén đất, tức đổ đất lên rồi dùng công cụ như chày, cối để đóng xuống, nén thật chặt, đảm bảo được sự bền và dày cộm của tường. Các giàn giáo được dựng thành từ tre chặt ngay trong thành, khi đang thi công thì xây quanh đoạn tường đó, xong rồi dỡ ra mang đi nơi khác. Bề mặt bên ngoài được lát gạch ống không nung, từng khối từng khối đặt lên thật vững. Khít đến độ đút cái lá cũng chẳng vừa.



Họ dùng thứ vữa gì Giao Long không biết, nhưng cực kỳ bền, gạch có thể chịu nắng mưa và cả những tảng đá nặng hàng chục cân được ném từ cự ly mấy trăm thước từ xa. Đường đi trên đỉnh rộng từ mười tới mười lăm thước, phần đáy dày tầm hai chục, đặc ruột, và mặt ngoài được xây hơi dốc vào chứ không thẳng đứng nên xem ra khả năng chịu lực vượt trội hơn hẳn mấy bức tường đá “mỏng tanh” ở Gaia mà cô từng có dịp tham quan. Cứ cách tầm năm mươi thước lại có một tháp canh lớn xây dôi hẳn ra ngoài, bên dưới loe rộng, bên trên đặt các bộ nỏ máy giúp hỗ trợ phòng thủ. Đường đi trên tường chỉ có vách che chắn phía mặt ngoài, được xây cao lên tới ngang cơ hoành người trưởng thành, với những phiến “răng cưa” dựng xen kẽ, cao cỡ hai thước rưỡi, rộng hai thước, vừa hay che chắn tốt cho mấy yêu tinh vốn dĩ chẳng lấy gì làm cao.



Dĩ nhiên, chẳng vô duyên vô cớ gì Huyền lại dẫn một người lạ hoắc tới xem các công trình quân sự. Không hề. Bởi y biết, những bức tường đó là lớp bảo vệ quan trọng bậc nhất của thành phố. Nếu để bí mật về chúng lọt ra ngoài, sẽ chẳng khác nào tự sát. Giao Long biết điều đó, và trong khi chủ nhà còn đang thong thả uống trà, cô nói:



– Cô cần góp ý gì về tường thành à?

– Nhận ra rồi à?



Đặt tách trà bằng sứ xuống khay, Huyền nói:



– Đúng vậy. Ta cần ý kiến của chuyên gia về mấy chuyện này.

– Vậy sao không tìm kiến trúc sư hay cu lớn nhà cô? Tôi nhớ nó chuyên xây dựng công trình quân sự mà?

– Thuận… nó còn việc của nó. Cô Sơn không phải tòa thành nhỏ, cô biết đấy, và thằng cu phải quản lý chỗ đó. Thằng Lâm đang đóng cửa luyện công rồi, cũng chả hỏi được.

– Vậy chả lẽ cái xứ này chả còn ai biết xây thành?

– Biết xây thì nhiều, nhưng ta muốn nghe lời từ một người chuyên công thành cơ.



Chuyện này đã trở nên phức tạp rồi đây. Không phải Giao Long không hiểu ý. Quả thực, khi xây dựng thành quách, sẽ có ít nhất hai cách nhìn nhận: Kiến trúc sư thiết kế và vị tướng phải đánh hạ nó. Người kiến trúc sư sẽ luôn tìm cách để sửa chữa, xóa bỏ các điểm yếu của thành, trong khi đó thì bên tấn công sẽ bằng mọi cách phân tích mạnh yếu, tìm ra nơi huyệt chết để đập vào.



Và với Giao Long, người luôn thực hiện các chiến dịch phá pháo đài, táng công sự, thậm chí thiêu sống thủ đô địch và cả đám phản động trong nước, thì còn ai bằng?



– Này, tôi không thật sự giỏi trong mấy chuyện này đâu.



Uống hết trà, Giao Long nói.



– Những gì tôi làm chỉ là vào đó, đặt thuốc nổ rồi chạy ra. Về sau mới ngồi tàu bắn xuống, nên nếu cô hỏi người có thể nhìn ra điểm yếu của tường thành mà không phải kiến trúc sư phòng ngự thì sai người rồi.

– Cái trò đó mới kinh dị đấy, nếu không phải biết được điểm yếu thì có thể dễ dàng vậy không? Đừng quá khiêm tốn vậy chứ. – Huyền mỉm cười, giọng bình bình – Cô đã thành quý tộc rồi, phải biết cao ngạo một chút. Tỏ ra tự hào bản thân có thể đập nát công sự địch chẳng chết ai đâu.

– Sự tự cao là chất độc giết chết khả năng tư duy thực sự. Giỏi không kiêu, kiêu không giỏi.

– Nhưng có người giỏi mà vẫn kiêu… như ta, thì sao?

– Cô? Thành thần rồi nên không nói nữa.

– Ha ha, đuối lý rồi chớ giề!

– Xem ra vậy.

– Ha ha ha, ta sống từng này năm rồi mà chưa thấy con cương thi nào như cô đấy!



Bật cười như thế, Huyền kéo thanh đao đen bên hông lên, tuốt ra. Lưỡi đao cong hình bán nguyệt, sáng lóa dưới ánh Mặt trời, nổi rõ từng đường vân tựa nước chảy. Vung vung nó trước mặt, cô nói:



– Thần thánh cái mả cha nhà chúng nó, ta chỉ là con rắn sống lâu thôi!

– Cô có thể gọi mưa và khiến đất đai màu mỡ. – Giao Long nói – Chưa đủ à?

– Dăm ba trò mèo! Vớ vẩn cả!



Nói đoạn, Huyền ngả người ra sau. Ngẩng lên nhìn trời, cô bảo:



– Họ gọi ta là thần chiến tranh, chẳng qua vì ta luôn biến về dạng rồng và cán nát cái chiến trường thôi! Nói về bày binh bố trận, thực hành binh pháp, ta còn kém nhiều người lắm! Một võ tướng chỉ có thể cục súc dùng sức trâu lao lên, không biết cách ứng phó tình huống, linh hoạt xử lý những chuyện bất ngờ như ta không thể gọi là “thần chiến tranh” thực sự được! Cùng lắm thì là quân cờ trong tay tham mưu, chứ buông ra thì nói thật, ta không biết làm sao để lãnh đạo quân đội cả!

– Cô không có tham mưu nào à?

– Không, vì thế lực của ta, nói thiệt chớ, nhỏ lắm! Ngoài cái thành này thì ta chả còn gì khác, quân số chả nổi một vạn, kinh tế… Ờm, kinh tế chấp nhận được đi, nhưng chuyện xuất quân viễn chinh thì bó tay!

– Vậy thì khó thiệt nhỉ. Nhất là Đại Hoang vẫn còn đang cát cứ phân tranh thế này.

– Hầy…



Lại rót trà vào cốc, Thanh Cơ đưa lên miệng uống tiếp. Vị trà thanh dịu tràn ngập khoang miệng, lên đến cánh mũi, vào tận ý thức, trong khi dòng nước ấm ấy đi thẳng xuống dưới. Kỳ lạ, uống trà ấm mà lại thấy người mát lạnh, dễ chịu lạ thường. Cảm giác rất khoan khoái, thư thả, như thể dẹp bỏ hết mọi sự phiền nhiễu. Chính là vậy, Huyền nghĩ, ngồi bên hiên nhà xơi trà cùng người có thể hiểu mình, kể cả cách biệt tuổi tác tới mấy mươi thiên niên kỷ, cũng được. Đại Hoang không mấy người ngang hàng, có thể suy nghĩ và trò chuyện hợp nhau lại ít nữa. đến ngay như học trò và con cái còn thấy khó gần, thấy suy nghĩ hai thế hệ khác nhau xa quá, cô lại buồn.



Chẳng biết tìm ai bầu bạn, ngay lúc đó lại gặp được “bà cụ non” Giao Long này. Tính về tuổi, “Thi Hoàng” còn không bằng cọng lông mi, nhưng về tư duy, tâm lý, lại già đến lạ. Đã nhiều lần cô nhìn vào đôi mắt ấy, màu đen tuyền với sáu vòng đỏ đồng tâm. Chẳng trông được gì, kể cả ánh sáng hay hình ảnh phản chiếu của bản thân. Nhưng… đã có lúc, Huyền tự hỏi, người đó, đi xuyên qua mấy mươi thế giới, đã chứng kiến những gì? Liệu có lỡ tay phá hủy chỗ nào không?



– Lạy hồn, tôi không có dành cả thập kỷ chỉ để làm trò tào lao đó, biết chứ? Tôi không phải Đế Cày hay cái gì tương tự thế.



Giao Long chợt nói. Chính khi ấy Huyền nhận ra suy nghĩ của mình bị trông thấu.



Hớp tiếp ngụm trà, Huyền lắc đầu, ý nói gạt chuyện đó qua bên. Về lại vấn đề, cô bảo:



– Đời là bể khổ mà, nên ta mới bỏ nghề đánh trận, về làm nông thôi! Giờ ta là thổ địa bình thường thôi, không cà khịa ai, cũng chả mong đứa nào đụng chạm. Thần vị cao siêu, nhất phẩm nhị phẩm gì đó kệ cái mả cha nhà chúng nó, sống nhàn nhã vầy là được rồi!

– Hô, tụi tu luyện công pháp mà nghe câu này chắc uất ói máu nhỉ? Chúng nó lúc nào cũng coi tu luyện, tấn thăng gì đó làm đầu mà?

– Đám nhãi ranh mới sống dăm ba chục năm đó đủ trình à?

– Hê, đừng gộp tôi chung với tụi đó được chứ? Tôi không muốn chung chạ với đám bại não.

– Miệng lưỡi cũng ít có ác lắm, ha ha!



Vừa nói, Thanh Cơ bật cười ha hả. Kỳ thực, với một sự tồn tại như mình, cuộc đời kéo dài đến chục vạn năm, thì tuổi thọ của loài người giống như trò đùa vậy. Sống thật dài, thật lâu, trải qua không biết bao nhiêu chuyện, đã kinh qua muôn vàn trận chiến, cơ thể này tưởng như đã chai sạn từ lâu. Nhưng Huyền không thật sự bất tử. Về cơ bản, cô vẫn là yêu quái, chỉ được hưởng thần vị rất nhỏ của thổ địa, không thể coi là mạnh được.



Cái lợi, và cũng là bất lợi nhất, của thần với kiểu “tiên” mà con người cố tu thành chính là ở khái niệm chết. Chẳng hiểu sao, tự dưng Huyền lại quay ra nói chuyện này. Ngồi thẳng lưng, điệu bộ như bà thím ngoài chợ, cô bắt đầu.



Tu thành tiên chẳng qua chỉ là sang một kiếp mới, một cõi mới, vẫn có thể bị giết như thường. Đài Tru Tiên, nơi chuyên xử tử các vị tiên phạm tội, có thể lấy mạng họ dễ dàng. Tu luyện gặp khi độ kiếp, nếu thất bại sẽ bị thiên lôi đánh chết ngay tức khắc. Chưa kể tâm dễ rơi vào ma, nhẹ thì ngây ngây dại dại, nặng thì điên cuồng khát máu, mất khả năng nhận thức đạo lý. Và tu thành tiên rồi đâu có sướng? “Tiên” ấy chỉ mạnh với người phàm, gặp đám thần trên thiên đình vả cho thì lại chạy về khóc lóc với má.



Ngược lại với việc tu tiên, hóa thần không yêu cầu tu vi cao siêu, đổi vào đó là thành tựu thực tế và những việc được cho là có ích, anh dũng, đáng được lưu truyền và thờ cúng. Thần uy linh bảo quốc hộ dân, còn tiên thì chẳng thấy quan tâm mấy chuyện thế này bao giờ. Sức mạnh của thần không tới từ tu vi mà là tín ngưỡng, sự tôn thờ của tín đồ, những người cầu nguyện và gửi lòng vào. Một vị thần sẽ trở nên cực mạnh nếu có nhiều công đức, được thờ phượng rộng khắp, ngược lại sẽ yếu đi nếu mất đi tín đồ, niềm tin của người dân. Thậm chí họ sẽ “bất tử” chừng nào còn được thờ, nhưng sẽ đánh mất thần vị, thần tính nếu người ta quên đi sự tồn tại của mình, không ai quan tâm nữa. Khi đó, “thần” sẽ trở lại bản chất của mình, và hoàn toàn có thể bị giết như bao sinh vật khác.



– Không hiếm trường hợp tiên có thành tựu, được thờ cúng và có thần vị!



Huyền chợt nói.



– Và cũng có nhiều vị thần vẫn tiếp tục tu luyện, đề cao tu vi, nhưng đó là để họ có thể chủ động hơn nếu lỡ một ngày người ta quay lưng với mình! Cô biết đó, con người thường chỉ tìm tới cầu khấn thần linh khi cần kíp, hay thấy vị thần đó “hợp” với nhu cầu của mình. Ta đã từng không thấy loài người có thể tin tưởng được, trừ khi đã nuôi nấng nó từ hồi đỏ hỏn. Thần linh biết điều đó, biết được cái sự gian xảo, giả dối, tham lam, đê tiện của con người, nhưng vẫn không thể ngoảnh đi. Cô nghĩ là vì sao?

– Vì sao? – Giao Long hờ hững hỏi.

– Vì cái gì cũng có hai mặt cả! Ha ha ha ha!



Cười sặc sụa, Thanh Cơ lại nói, những điều này không phải vì con gái mình hiện tại vốn là loài người mà thiên vị. Kỳ thực, rất nhiều yêu quái hóa thần khác cũng đã để ý. Đó là, tuy loài người nhỏ nhen, ích kỷ và xấu xí, những thành tựu họ làm nên lại đặc biệt đẹp đẽ vô cùng. Yêu ma vốn mang tính âm, dễ bị thu hút bởi cái không thiện, nên nhìn người chỉ thấy xấu. Nhưng “thành tựu” thì khác. Tự thân nó không mang tà ý, không có tâm ma, lộng lẫy vô cùng. Những điều loài người đạt được, từ thành công cải tạo một khu ruộng ngập mặn, đỡ đẻ cho gia súc, xây dựng các khu định cư, tới sau này là lập nên thành bang, quốc gia, cho thi công các cung điện đền đài nguy nga tráng lệ, đều đẹp đến lặng mình. Không chỉ ở kết quả, đó chỉ là thứ yếu, là kết thúc, mà cái đẹp nhất nằm ở chính cuộc “hành trình” tạo nên thành tựu.



Đổ mồ hôi, sôi nước mắt, máu đỏ tuôn trào, những nỗ lực của loài người chưa bao giờ khiến yêu ma và chư thần mặt đất ngưng trầm trồ kinh ngạc. Họ, giống loài nhỏ bé, yếu đuối, không có cánh bay như chim, chẳng có bộ vuốt như sư tử, cũng chớ hề mang độc của rắn, tưởng chừng yếu ớt nhưng hóa ra lại mạnh mẽ vô cùng. Sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thách thức, bất kể đó là thiên tai, dịch bệnh, thú dữ hay thậm chí nội chiến cũng không thể quật ngã. Con người vẫn luôn đứng lên, kiên cường như ngọn cỏ vậy.



Huyền bảo, cô gọi họ là “cỏ”, vì nhân loại thực sự giống vậy. Cỏ rất phiền phức, dĩ nhiên, chúng lấn đất của các loài hoa màu, cây cối khác, tranh lấy phước lành của đất cho mình. Cỏ mọc lan, không kiểm soát, hệt như cách loài người lấn dần đất sống của yêu quái. Nhưng nói vậy không phải không có điểm tốt. Vẻ ngoài lúc nào cũng mềm oặt, yếu đuối, đứng dưới chót để các mối đe dọa chà đạp qua, nhưng khi mọi thứ chấm dứt, chính cỏ lại vươn mình dậy thật kiêu hãnh, dù có thế nào vẫn luôn đứng thẳng lên.



Thần thánh, yêu ma như cây to, tưởng vững mà yếu, gió lớn có thể xô bật gốc, thú dữ có thể húc đổ, không thể trở dậy được nữa. Cỏ thì khác, chấp hết, thế quái nào vẫn cứ sống. Rễ cỏ mọc liền với nhau, như con người sống cùng có tình có nghĩa, quan hệ khắng khít, dù cho có mấy khi xấu bụng thì vẫn luôn lấy đoàn kết làm đầu, gắn bó bền chặt. Và dù môi trường có khắc nghiệt đến đâu đi chăng nữa, vẫn luôn thấy có bóng dáng cỏ. Nơi nào có cỏ thì có người sinh sống, bởi thế mà nó như biểu tượng của người luôn vậy.



– Nên dù có khó chịu, ta vẫn không tài nào ghét được loài người.



Rồi Huyền mỉm cười, nụ cười dịu dàng, ấm áp như người mẹ nói về chính những đứa con đáng yêu của mình.



Ngồi bên cạnh, Giao Long đã uống hết trà. Đặt cốc xuống, cô nói:



– Rốt cuộc thì đâu có gì xấu hoàn toàn. Là thiện hay ác, lành hay dữ, không thể lúc nào cũng tuyệt đối được. Con người có bóng tối, có xấu xí, nhưng cũng có ánh sáng, đẹp đẽ. Họ nhận thức được điều đó nên mới thực hành tu tập, cố gắng để tâm trong sạch, gột rửa cái dơ dáy bẩn thỉu. Trong mắt họ, thần tiên các người là hiện thân của chân chính, lương thiện và hoàn mỹ, là hình mẫu lý tưởng để theo đuổi. Chà, học tập cái tốt cũng đâu sai, phải chứ?

– Đứa nào mới hồi nãy còn chê bai tu tiên, giờ đổi giọng khen hết lời vậy?

– Vậy bà cô nào cũng vừa bảo không tin tưởng loài người, xong chơi nguyên bài sớ ví họ như cỏ, còn khen con người kiên cường, đẹp đẽ thế? Tự chặt giò vui nhỉ?

– Còn dám nhếch mép cơ à? Mà thôi, coi như ta thua, ha ha! Mấy vụ phải xài não cãi lộn ta kém lắm!

– Chán thế? Mà tôi cũng không có ý khen tu tiên đâu.

– Tùy cô thôi, cũng chả phải chuyện của ta. Đám đó không xâm phạm thì ta cũng chả rảnh hơi cà khịa, mệt lắm. Thằng mập cầm búa trên kia xuống gõ nữa thì nhức đầu!

– Ý cô là Thiên Lôi à?

– Chứ còn thằng nào nữa? Hay ở thế giới khác cũng có?

– Ờm, có. Búa với liềm, làm phát là từ ấy trong cô bừng nắng hạ, Mặt trời chân lý chói qua tim luôn.

– Thần khí quái gì vậy?

– Chuyện xứ người ta. Mà thôi, cô hỏi tôi về tường, thì cũng nói chút vậy.

– Giờ mới chịu!

– Trễ còn hơn không.



Sau hồi nói nhảm không đầu không đuôi, Giao Long cuối cùng cũng chịu góp ý chút đỉnh về việc xây tường của thành phố. Cô được Thanh Cơ, thần bảo hộ và cũng là thành chủ, đích thân dẫn đi, còn bay trên cao để coi được toàn cảnh nữa. Chín bức thành đồng tâm, xây lên nương theo địa hình ngọn đồi nên có thể nói, nó khá “xấu xí”, lồi lõm bất thường và không có hình dạng đẹp đẽ như những thành quách ở Đế quốc hay kiểu tường chữ nhật của người Cửu Châu miền Bắc Đại Hoang, tương đương với Hoa Đông ở Thủy Tinh. Các vách đều được đắp rất dày, và không như tường “cứng” xây từ đá tảng vốn có độ dày chỉ cỡ hai tới ba thước, thứ này có thể chống lại cả động đất chứ chẳng chơi.



Về việc thiết kế, Giao Long đã nhận thấy nó có một lỗi lớn. Các cổng thành được bố trí quá “thẳng hàng”, tức từ ngoài vào trong có thể đi theo một đường duy nhất là qua được cả chín lần cổng, vào thẳng khu trung tâm. Đường cái lại được thi công quá rộng rãi, rất tốt cho việc dàn quân đánh. Nếu là thành tiên về kinh tế, cách làm này sẽ giúp việc di chuyển của người dân dễ hơn. Nhưng với tận chín vòng tường, rõ ràng đây là kiểu xây dựng phòng ngự, thì các cổng nên bố trí lệch nhau, không nên đồng trục, nếu không sẽ bất lợi.



Cách xây cổng cũng không được hay: Thay vì làm một “pháo đài cổng”, tức toàn bộ phần cổng ra vào được xây thành một pháo đài phòng ngự hoàn chỉnh, có các chái hai bên vươn dài ra để lính phòng thủ bắn tên xuống, và đường hầm từ xổng ngoài vào đến bên trong dài ngoằng, nó lại chỉ có hai cổng gỗ bọc kim loại đi qua hầm chui mái cong, không mấy khó khăn khi công phá. Giao Long góp ý, nên xây dựng lại các cổng, Làm mỗi cái một pháo đài, hai bên lối vào có lầu cao xây chìa ra để cung thủ có thể tập trung mưa tên vào chỗ giữa, giết địch hiệu quả hơn. Bên trong hầm chui nên có thêm nhiều cửa sập hạ từ trên xuống, loại có đầu gỗ vót nhọn bịt sắt để nếu cần thì hạ xuống xiên chết vài tên luôn thể.



Thành cũng chẳng có cầu kéo, dù bên ngoài đã tận dụng được các con sông, lại đào thêm hào nước nhân tạo để duy trì khả năng phòng thủ lẫn giao thông đường thủy. Nhưng việc các cổng đều có cầu đá cố định bắc thẳng vào, thay vì cầu kéo, gây ra hai thiệt hại lớn. Thứ nhất, quân địch công thành nếu chiếm được cầu sẽ có thể cơ động phương tiện phá cổng lên, đánh thẳng vào. Thứ hai, gầm cầu ở đây tương đối thấp, không tiện cho các tàu hàng cột buồm cao. Như vậy dùng cầu kéo vừa đảm bảo được địch sẽ không thể tiếp cận, lại còn giúp cho tàu bè bên dưới lưu thông tốt hơn. Cầu kéo nếu bịt kim loại mặt dưới sẽ đồng thời tạo thành lớp khiên chắn cho đổng, tránh trường hợp địch dùng tên lửa, bắn đá hay thậm chí là trụ công thành.



Sau cùng, điểm yếu chí tử của thành là có quá ít lính đồn trú. Không đến một vạn quân phải chia ra canh gác chín vòng thành trì, trong khi cái nhỏ nhất cũng có đường kính hơn tám cây số, hoàn toàn không phải việc khả thi. Tuy bảo giữa các tường có tù và, cờ và lửa hiệu để liên lạc, thì vẫn rất khó để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới và bảo vệ. Trang bị của họ thuộc vào loại “chấp nhận được”, với bộ nỏ lên dây phát một, một mũi giáo, kiếm cong giắt hông và tấm khiên lớn hình chữ nhật cong ra trước, che vừa hay tới ngang ngực. Áo giáp tấm phiến làm bằng các miếng da thú bọc đồng, đầu đội nón da đỉnh bằng bốn phía, có vạt che các bên trừ mặt.



Tháp canh có nỏ máy, loại bắn liên tục các mũi tên. Huyền đã cho bắn thử một phát, và thật bất ngờ, cơ chế của nó tương tự cái “nỏ thần” bắn hàng ngàn mũi tên một lúc của Hồng Ma! Dùng hai bộ cánh cung, trục tời xoay và “hộp tiếp tên” nằm bên trên, nếu thao tác tốt có thể xả ba mươi lần một phút, do hộp có hai ngăn, mỗi bên chứa mười lăm tên. Vũ khí đầy ra, nhưng lại thiếu người vận hành. Bởi thế chỉ có khoảng phân nửa số tháp canh biên chế đầy đủ một tổ nỏ máy, còn lại…



– Thê thảm vậy đấy. – Giao Long lắc đầu – Cái này cô phải tự xử, chứ tôi cũng thua rồi.

– Lại chuyện hậu cần…



Cắn móng tay, Huyền nhăn mặt. Rồi quay sang người bạn lâu năm mới gặp, Thanh Cơ hỏi:



– Xem ra phải quân sự hóa cái thành này rồi. Theo cô thì khả thi không?

– Còn tùy tình hình. Tôi sẽ ở đây giúp cô mấy hôm, đằng nào cũng đang nghỉ Tết bên kia.

– Tưởng Tư lệnh phải luôn có mặt chứ?

– Tôi ở mọi nơi, và không đâu cả. Giờ, bắt tay vào việc ngay thôi. Trước tiên thì tôi xem qua nhân khẩu thành được chứ?


TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv