Boong… Boong…
Đã ba giờ chiều.
Tầm này hôm qua, Viêm vẫn còn đang phè phỡn ở điện Cây Quế, nói những câu chuyện không đầu không đuôi với Mộc Ma. Xa hơn nữa, nó đang bưng bê mấy tô hủ tiếu cho khách, hay lui về phía sau rửa chén, nhiều lắm. Công việc không bao giờ hết, chỉ một xe con con vậy thôi mà người ta cứ vào ăn nườm nượp. Những ngày đó, tuy cực mà vui, vì ít ra vẫn có người đến nói chuyện. Những người hay tới nhất là bác xe ôm với ông bán thuốc lá đầu ngõ, một cô hay tập Pháp Luân Công gì đó, thêm anh sinh viên mập, ngồi ăn rồi nói mà không e ngại gì chuyện nhà mình. Nó thích lắm, mỗi người lại có những câu chuyện riêng.
Dần dà, Viêm, hay “quá khứ” của Viêm, thích những câu chuyện đó. Nó muốn nghe nhiều hơn, chuyện kể về những nơi khác, những chỗ bên ngoài cái con hẻm mà nếu không có Giao Long, chắc sẽ còn phải chôn chân trong đó lâu lắm. Dần dà, nhỏ muốn ra ngoài, muốn đi nhiều hơn, biết thêm lắm điều mới lạ. Việc vô tình đọc được light novel và sau đó gặp “Thi Hoàng” đã cho nó một cơ hội. Cơ hội thực sự, để thoát khỏi cái cảnh ấy. Con bé mơ về những cuộc phiêu lư, thế giới kiếm và ma pháp, bảng trạng thái, những thứ giúp mình bá đạo, đồng đội,… Nó đã không ngần ngại đi theo cô ta.
Và giờ, Viêm đang ở đây, trên tàu quân sự!
Nó chưa được lập trình cho “sự cố” này!
Ngồi cả buổi trên buồng lái, nếu như tại Trái đất, chuyện này chắc chắn không thể nào xảy ra. Nhưng không hiểu sao, Giao Long quyết giữ nhỏ bên cạnh. Không phải tàu thiếu phòng – trừ Quân đoàn 1 có khu ở riêng, ước tính cái tàu này có thể nhét hơn ba vạn thủy thủ – vậy tại sao nó lại phải chôn giò nơi đây?
– Ngồi đây vui mà, có sao đâu?
– Dạ…
Tới giờ, Viêm không còn hoảng khi nghe giọng Giao Long trong đầu nữa. Khả năng thích ứng cực nhanh ấy cũng có thể xem như ưu điểm, khi chỉ cần trải nghiệm vài lần bản thân sẽ quen ngay.
Tiếp tục theo dõi bên ngoài, Viêm chứng kiến tận mắt một trong những đội hình lớn nhất nó từng biết, thậm chí có khi lớn hơn cả Hạm đội 7 của Mỹ, di chuyển giữa không trung. Đội hình kim cương ngược. với nhóm “hạt nhân” cấu thành từ Hồng Ma với các tàu chỉ huy khác và Đội Khu trục 6 theo cận vệ đi ở gần chính giữa hơi dịch về sau, trong khi sáu nhóm kia bay xung quanh tạo thành hình ngũ giác, hay viên kim cương chĩa mũi nhọn về trước. Mỗi đội năm mươi tàu, khoảng cách vào khoảng hai cây, đảm bảo bán kính xoay vừa đủ cho bầy quái vật kim loại ấy trở hướng.
Chuyến này ra Bắc, ngoài việc tập trận hằng năm ra, còn tham gia vào cuộc diễu binh kỷ niệm mười năm Hoàng đế hiện tại lên ngôi. Mạc… cái gì đó, Viêm không nhớ, nhưng dường như Đế quốc không có tục lấy niên hiệu. Nó chỉ nhớ được tên gọi của vua, kiểu họ rồi cái gì tông, chứ chưa hề nghe người ở đây gọi năm theo thời gian vua trị vì. Lịch sử dụng là loại lịch Tây, chắc giống lịch Công giáo, nhỏ nghĩ. Giao Long, Hồng Ma là tướng lĩnh cấp cao, nếu tham gia nhất định sẽ ngồi ở các vị trí danh dự. Vả lại, họ là “vợ chồng”, chắc đi cùng nhau luôn nhỉ? Nó tự hỏi, không biết khung cảnh sẽ thế nào ha? Trừ thuyền trưởng, con bé chưa từng gặp hay nói chuyện với bất kỳ Tổng lãnh nào khác. Mộc Ma có nói sáu người ấy, tức cả “Thi Hoàng”, đều không phải nhân loại. Nếu vậy… liệu họ có ăn thịt mình không?
– Ha ha, nếu có thì giờ này Đế quốc tàn rồi con gái à!
Xoa đầu Viêm với cái vạt áo choàng, Hồng Ma bật cười trước sự ngô nghê không tả nổi ấy.
– Ra tới ngoải, nhóc sẽ biết thôi! – Bà già mọc sừng bảo – Tốt nhất là chuẩn bị tinh thần trước đi, không lại sốc quá đấy!
– Như… như thế nào ạ? – Viêm tái mặt.
– Chắc chắn không phải con người.
Giao Long nói. Đoạn, bấm ngón tay, cô nhẩm xem mình còn nhớ ai. Lão Dạ Xoa ở Bồn Điện, ông già Long nhân miền Bắc, và… ai nữa nhỉ? “Thi Hoàng” ngày thường lạnh như nước đá bỗng nhăn mặt, lục tung ký ức cũng không moi ra được ba người còn lại là ai. Mờ nhạt quá, ấn tượng về họ chẳng có bao nhiêu. Ngoài “bộ ba biên giới” Linh Giang – Bồn Điện – U Minh với các Không Hạm đội tương ứng 2, 4 và 6, còn lại Giao Long nhớ chẳng được người nào. Thằng em họ mặc hoàng bào chắc chắn không thể nào xóa khỏi trí nhớ, nhưng ngoài nó thì còn ai nhỉ?
– Hầy, chán cậu ghê!
Khẽ lắc đầu, Hồng Ma nói:
– Bạn bè bên ngoài không quên đứa nào, đồng nghiệp trong nước thì mù mờ như dò đường trong sương! Mai mốt có quên ai nữa không đó?
– Quên “Chúa tể của những chiếc sừng”.
– Ờ, hay! Được, được…
Bị vặn lại thế, Hồng Ma chẳng buồn cãi nữa. Cô quay sang bên, tiếp tục việc giám sát. Dĩ nhiên bà già biết Oa Lân khúc khích cười bên kia, liền ném cho cái lườm sắc hơn lưỡi lê, khiến cô nàng im thin thít ngay.
Ngồi yên lại, Viêm không biết làm gì, chỉ im lặng ở đó. Mọi người đều tập trung vào công việc, ngay cả Giao Long. Tuy thân ở đây, hầu hết đều biết cô ta đã “tách” ra, đi xuống khu nhà chứa xe bay với “nhà mồ” của Quân đoàn 1, gia tốc thời gian để họ luyện tập. Khả năng của thuyền trưởng dường như không có, hay chưa tìm được, giới hạn nhất định. Chưa rõ cô có khả năng đẩy nhanh dòng chảy thời gian bên trong kết giới tới bao nhiêu, nhưng hiện tại dưới đó đang luyện tập với cường độ một giờ bên ngoài bằng một tháng bên trong, để đảm bảo các xe không bị hư hại, xuống cấp quá nhiều. Dù gì cũng tác động trực tiếp lên chúng, làm bậy bạ thì hỏng mất.
– Viêm.
– Dạ?
Giọng Giao Long lại ngang vang trong đầu.
– Khi ra ngoài đó, nhóc sẽ đi cùng ta với tư cách “con nuôi”, rõ chưa? Dù chưa ký giấy tờ gì, nhưng cứ nói vậy đi. Gia đình, họ hàng Tổng lãnh mới được vào chỗ ngồi VIP, coi đẹp nhất. Với lại, nếu muốn biết thêm về thế giới này, đi hỏi mấy ông già đó là tốt nhất.
– “Mấy ông già”? Ý cô là mấy Tổng lãnh khác ạ?
– Ừ. Mà còn nhiều lắm.
Dừng đoạn, Giao Long tiếp:
– Còn nhớ Bộ Tổng Tư lệnh Đế quốc không?
– Dạ… Nhớ ạ?
– Ta từng nói đó là cơ quan đứng đầu quân sự đúng chứ?
– Dạ.
– Vậy nhóc có từng thắc mắc vì sao ta, Hồng Ma hay con bé kia chưa từng nói gì về cảnh sát Đế quốc không?
– Dạ… Ớ?
Nghe đến đó, Viêm chợt ngớ người. Đúng là hổm rày nó chưa từng nghe ai đề cập tới cảnh sát cả. Chưa một ai, từ những tai to mặt lớn tới sĩ quan bậc trung, và cả Mộc Ma. Họ chỉ nói về quân đội, mà cũng phải, đều là quân nhân cả mà? Nhưng vẫn có gì đó không đúng ở đây. Một quốc gia không thể nào thiếu lực lượng trị an, mà cảnh sát chính là cái phe ấy. Quân đội bảo vệ bên ngoài, còn cảnh sát ổn định phía trong. Không phải thường là vậy sao?
Tuy thế, tại Đế quốc, chưa bao giờ nó nghe tới hai chữ “công an”.
– Lạ ghê nhỉ? – Giao Long nhếch môi cười.
– Dạ, thì… đúng là lạ thiệt…
Hạ thấp giọng, Viêm lí nhí.
– Cái gì cũng có nguyên nhân của nó.
Nói thế, Giao Long bắt đầu giảng. Lại kiến thức phổ thông, không thể không biết, nên Viêm cũng nghe.
Đế quốc Liên hiệp, cho tới khoảng ba mươi năm trước, không tồn tại khái niệm “công an”. Mọi công việc trị an, bắt bớ tội phạm, điều tra vụ án, phát lệnh truy nã,… đều do một bộ phận riêng thuộc Bộ Tổng Tư lệnh thực hiện, được gọi là “Tổng cục Tư pháp vũ trang”. Lực lượng này, về cơ bản vẫn thuộc quân đội, nhưng có hệ thống quân hàm, đồng phục, thậm chí cả trường đào tạo và hệ thống nghĩa vụ riêng. Không giống dân quân chỉ đơn giản là các anh nghĩa vụ cầm súng đi kiểm tra đường phố, người thuộc cục này, thuở ấy gọi bằng tên “lính trị an”, có quyền khám xét, bắt bớ người ta theo lệnh của các Viện kiểm sát hay Tòa án. Bọn họ hoạt động gần như độc lập với các đơn vị quân sự khác, ngay đến quân cảnh cũng không thể rớ tới. Lính trị an có thể “hốt” bất cứ ai lên phường, trừ sĩ quan và quân nhân, vì thẩm quyền của họ chỉ ở trong phạm vi dân sự.
Cho tới khoảng ngàn tám trăm chín mươi mấy ấy, Thừa tướng, tức Bộ trưởng Bộ Tổng Tư lệnh, mới có quyết định tách riêng Tổng cục Tư pháp vũ trang ra thành Bộ Công an, đặt nó ngang hàng với quân đội, và đặt ra khái niệm công an. Các phần còn lại được tập trung thành một bộ mới, đặt tên là Bộ Quốc phòng. Hai bộ này có Bộ trưởng riêng của nó, nhưng đều trực tiếp nằm dưới quyền Bộ Tổng Tư lệnh.
Điều đó khiến họ tồn tại gần như độc lập với Hội đồng Bộ trưởng, do Bộ Tổng Tư lệnh Đế quốc chỉ trả lời Hoàng đế, không có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu của chính quyền dân sự, miễn không vi hiến. Tuy nhiên, không biết vì sao mà người dân Đế quốc lại cứ quen miệng gọi Bộ Tổng Tư lệnh là Bộ Quốc phòng hay Bộ Chiến tranh, những tên gọi cũ trong thời kỳ ba cái đó là một.
Việc tách ra này dĩ nhiên có thông qua phê chuẩn của Hoàng đế, Hội đồng Đế quốc sửa Hiến pháp tạo tiền đề cho một cơ quan, lực lượng chức năng mới và Hội đồng Bộ trưởng đồng thuận, nếu không Thừa tướng cũng không thể làm gì. Theo đó, Hiến pháp sửa đổi lần cuối vào năm một ngàn chín trăm mười quy định “công an” là ngành dân sự, không còn dính líu tới quân đội, tuy nhiên vẫn thuộc vào “các lực lượng vũ trang” như quân chính quy, lính địa phương và dân quân, nên vẫn đặt dưới Bộ Tổng Tư lệnh.
Vai trò của Bộ Công an là đảm bảo trị an trong nước, ổn định tình hình dân sinh, đảm bảo an ninh xã hội, đồng thời đấu tranh triệt để với các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, gây phương hại cho Đế quốc. Công an hành động độc lập, nhưng nếu cần thì vẫn có thể phối hợp với quân đội, đặc biệt là trong các vụ lớn như biến Phiên An, nơi cảnh sát vũ trang chống bạo động, được trang bị súng trường K98, cùng hỗ trợ dân quân tác chiến đô thị, trong khi quân chính quy đánh từ ngoài vào.
Đồng thời với đó, Bộ Tổng Tư lệnh Đế quốc chính thức trở thành cơ quan quyền lực riêng, tức “phe Hoàng đế” trong cơ cấu chân vạc hiện tại của Đế quốc, sánh ngang với Hội đồng Đế quốc và Hội đồng Bộ trưởng. Không còn là một bộ phận bình thường của hệ thống Nhà nước nữa, giờ đây nó kiểm soát toàn bộ lực lượng vũ trang, tính trên toàn quốc sẽ vào khoảng mười tới mươi ba triệu, tức gồm cả lính và cảnh sát. Nếu huy động toàn bộ quân nhân dự bị sau nghĩa vụ, có thể đội lên đến gần sáu chục triệu, đặc biệt yêu quái có tuổi thọ dài hơn con người thì nhiều vô kể. Trên thực tế, nếu nhắm mắt bốc đại thì cứ mười người Đế quốc lại có ít nhất một nửa trong số đó có khả năng tham chiến ngay tức khắc, nhưng nếu như thế nền kinh tế ăn cám ngay. Bởi vậy số lượng quân “dự bị” được giảm xuống khá nhiều, do Bộ Kinh tế ra đề xuất và được Bộ Tổng Tư lệnh chấp thuận.
Trên hết, theo Hiến pháp, dù Hoàng đế giữ vai trò nghi thức về chính trị, thì quyền lực quân sự không thay đổi. Cái lon “Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang” không phải để làm cảnh, mà trong trường hợp có chiến tranh, Hoàng đế chính là chỉ huy cao nhất của cả hai bộ. Chính vì vậy, không thể để một đứa bất tài ngồi vào, mà phải chọn ra người có năng lực nhất trong đám con, bất kể nam nữ, để kiểm tra và bồi dưỡng. Nếu Thái tử, người sau này sẽ lên ngôi, có thực tài, quân đội sẽ không lo suy yếu. Tuy nhiên, nếu phế vật như cái thế hệ đội Nho giáo lên trên Pháp, coi quan văn quan trọng nhất, thì đừng hỏi sao quốc gia suy yếu. Nhà cai trị phải luôn hiểu được tầm quan trọng của lực lượng vũ trang, và đủ năng lực điều hành nó. Công an và quân đội, chỉ cần giữ hai nhóm này trung thành với mình, thì một ngàn cái mưu đồ đảo chính cũng tan thành mây khói.
Mục đích của chế độ Tuyển đế hầu ngày ấy là vậy, những chỉ huy quân sự giàu kinh nghiệm sẽ huấn luyện những ứng cử viên cho ghế Thái tử theo cách nhà binh, lại để họ sống trong dân, biết rõ tình cảnh của nhân dân, để khi lên ngôi sẽ không chỉ biết xa hoa hưởng lạc. Bây giờ, khi Hoàng đế có quá ít con, việc bầu cử ấy đang được xem xét lại, có thể lại thay Hiến pháp, nhưng vai trò của các Tổng lãnh không đổi. Họ sẽ tiếp tục làm việc dạy dỗ hoàng tử, công chúa, sẵn sàng cho bất cứ ai ngồi lên cái ngai đó.
Giao Long đã xong.
Và…
Một lần nữa, não Viêm sập nguồn.
Cái gì mà Bộ Tổng Tư lệnh với chả quốc phòng, công an chứ? Nghe mà ong ong hết cả óc! Thần linh ơi, tin được hông? Bị bắt nghe hết cái mớ ấy, đầu nó bây giờ như cái ổ C đỏ lè rồi! Dữ liệu, quá nhiều dữ liệu cùng một lúc, cảnh báo nguy hiểm… Quá tải thông tin, Viêm quyết định ngừng suy nghĩ. Để đầu trống rỗng như con ngốc, nó ngồi bơ phờ, mắt méo xệch sang bên, lắc lắc lư lư như vừa bú đá xong. Cần phải mất một lát để nhỏ có thể “tỉnh” lại.
Tuy nhiên, điều đầu tiên nó nghĩ tới không phải chuyện công an, không phải quân đội hay mấy cái chính trị chính em gì ấy. Thay vào đó, con bé chú ý tới một chi tiết mà đối với người Việt Nam có vẻ quá lạ lùng.
Hình như vừa rồi Giao Long nói người đứng đầu Bộ Tổng Tư lệnh là “Thừa tướng”?
– Về mặt hành chính, là Thừa tướng.
Giao Long nói.
– Ế?
Viêm tròn mắt. Không nghe nhầm chứ?
– Không nhầm đâu. Nói thẳng vô đầu mà còn “nghe nhầm” được thì để ta dẫn đi khám thần kinh luôn cho.
– A dạ dạ, thôi ạ…!
-Sợ ghê nhỉ?
Vẫn ngồi yên đó, Giao Long nói, đối với người dân Đế quốc thì chuyện ấy bình thường như cân đường hộp sữa. Tuy nhiên, khi nói chuyện với nước ngoài, mà ngay chính Hoa Đông, “hàng xóm thân thiết” cả ngàn năm nay, họ cũng không khỏi bất ngờ. Bởi Đế quốc tồn tại hai chức vụ thoạt nghe tương đương nhau, chỉ là hiện đại với “cổ trang”, nhưng kỳ thực lại khác biệt rõ rệt. “Thi Hoàng” không đùa, hai cái ghế Thủ tướng với Thừa tướng ấy, người nào không biết sẽ nghĩ là một, kỳ thực đó lại là hai chức vụ tách biệt hoàn toàn. Ý nghĩa của nó cũng khác với danh xưng tương đương trong tiếng Hoa Đông.
Liếc sang Viêm, Giao Long nói nửa đùa nửa thật:
– Chuẩn bị cái não chưa? Không lại lăn đùng ra xỉu giờ?
– Dạ, chờ con tí ạ…
Con bé thở cái đã. Hít sâu, thở chậm, chân khoanh vào, phải mất mấy phút mới ổn định được. Xong, nó gật đầu.
– Mà, trước khi nói về nó, nhóc muốn nghe chút về lịch sử chính trị Đế quốc không? – Giao Long chợt hỏi.
– Con có phảo học thuộc ngày tháng năm, quân ta thiệt hại bao nhiêu, địch chết thế nào không?
– Không. Ta có phải sách giáo khoa sử Việt Nam đâu?
– Cà khịa cực mạnh? – Viêm nghiêng đầu, phồng má.
– Ừ, ta khịa đấy! Thôi, nghe này!
Tiết học về Đế quốc tiếp tục.
Chắcc hắn một điều, không nơi đâu trên cả Thủy Tinh lẫn Trái đất tồn tại một “chế độ” vừa có Thủ tướng, lại thêm Thừa tướng song song hiện hành. Đây thực sực còn hơn cả sốc văn hóa, vì nó chính xác được ghi vào Hiến pháp của Đế quốc Liên hiệp, thậm chí có thể truy ngược về tận cuộc cải cách Tây hóa của Mạc Thành Tông. Theo đó, từ đời Mạc Thánh Tông tới Dụ Tông, Đế quốc không có ngôi Thừa tướng. Đứng đầu toàn bộ quan lại không phải duy nhất một cá nhân, mà là ba vi quan lớn. Trong số này, người chịu trách nhiệm cho các quan lại, đại thần “hành pháp” được gọi là Tướng quốc, vị quan đứng đầu bộ phận “lập pháp” mang danh Thái phó, cùng với một Tổng Tham mưu lãnh đạo phía quân đội.
Cấu trúc triều đình Đế quốc thuở ấy chia làm ba phần: Các quan hành pháp là những người học tập bình thường, đã qua nghĩa vụ quân sự và thi vào những học viện do triều đình đặt ra, được đào tạo cho việc thi hành và quản lý pháp luật. Quan lập pháp là những người thi vào học viện chuyên về luật, được dạy chuyên về việc xây dựng luật pháp, lịch sử luật lệ triều đình, các bộ nội quy,… Quân đội, Giao Long chỉ nói vắn tắt, bao đời nay vẫn vậy. Lính nghĩa vụ với lính tình nguyện. Người muốn làm sĩ quan sẽ phải thi vào trường đào tạo, đảm bảo cả học vấn lẫn thể lực, còn quy chế lính nghĩa vụ thì đó giờ chưa hề thay đổi. Mười tám tuổi, không phân biệt giới tính, đi tuốt. Nếu thành tích tốt, có thể thăng tiến, thậm chí tạo điều kiện học lên cao làm sĩ quan.
Bàn về quan lập pháp, đây là bộ phận đặc biệt quan trọng, không thể thiếu nếu không muốn Đế quốc tan đàn xẻ nghé. Thái phó đứng đầu nhánh này chịu trách nhiệm cao nhất về các điều luật, bộ luật, quy định,… được ban hành, từ luật Nghĩa vụ quân sự tới cả thứ mơ hồ như “thuần phong mỹ tục”, giả sử nó được viết thành văn bản. Những người muốn vào đây, như thuyền trưởng đã nói, phải thi vào học viện chuyên về luật. Khi tốt nghiệp, họ sẽ được phân bổ về làm trong Viện Lập pháp, cơ quan chuyên về soạn các dự luật, dự thảo thời ấy. Điều đặc biệt của Đế quốc là luật không phải do vua muốn sao chế vậy, mà phải được Viện Lập pháp soạn thảo thành văn bản đàng hoàng, đưa lên trước triều đình và sau đó dán cáo thị cho dân chúng cùng đọc. sau đó tiếp nhận ý kiến từ các phía, tiến hành chỉnh sửa sau cùng rồi mới đưa lên cho Hoàng đế đóng cái ấn vào. Tự thân Hoàng đế không có quyền làm luật, chỉ được duyệt và ban hành.
Nhánh hành pháp bao gồm các quan lại xử lý hành chính với quan xử kiện. Tướng quốc lãnh đạo bên đây, chức vụ tương đương với Thủ tướng hiện tại, chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động thi hành, áp dụng luật pháp cũng như tòa án. Chế độ này được xem như Hội đồng Đế quốc thứ nhất, tương ứng Quốc hội. Chưa hình thành “Hội đồng Bộ trưởng” vào giai đoạn này. Đế quốc, khác với đại đa số những nước chịu ảnh hưởng từ Nho giáo Hoa Đông, không cho quan đầu tỉnh kiêm nhiệm xử án, mà “tòa án” được bố trí một nơi, còn dinh quan chỉ huy chỗ khác, không chồng chéo. Quan xử án không có quyền thực hiện nhiệm vụ của quan hành chính và ngược lại, cũng như họ không có quyền huy động quân đội trong địa phương, sĩ quan không được can thiệp vào chính trị. Các nhiệm vụ được phân chia rất rõ ràng, theo đó lính trị an đặt dưới quyền kiểm soát của tòa án địa phương, dân quân trực thuộc cơ quan hành chính, còn lính chính quy thuộc quân đội.
Cuối cùng, thế lực thứ ba ẩn trong bóng tối nhưng đại diện cho quyền lực của Hoàng đế, quân đội, được lãnh đạo “trên giấy tờ” bởi Tổng Tham mưu. Dĩ nhiên, Hoàng đế là chỉ huy cao nhất, nhưng trong các vấn đề bình thường, giấy tờ sẽ được ký nhận và gửi đi dưới con ấn của Tổng Tham mưu. Quân đội Đế quốc nhìn chung không thay đổi mấy về cơ cấu cơ bản, vẫn gồm quân chính quy với quân địa phương, lính nghĩa vụ với lính tình nguyện, tại ngũ và dự bị,… Nếu có gì đó thay đổi, chỉ là thêm vào hai quân chủng mới, cùng một số binh chủng con. Quân đội vẫn được chia làm bảy phần, mỗi Đại Lãnh địa lấy một, còn lính của quý tộc địa phương thời đó thì không bị giới hạn số lượng như giờ, do thời ấy quan niệm quân đông như vậy sẽ đóng góp không nhỏ cho triều đình.
Tất cả những người tham gia vào đó đều không kể xuất thân. Thường dân hay quý tộc, một khi đã tham gia vào bộ máy chính quyền, hoàn toàn không còn sự phân biệt. Không tồn tại khái niệm “quý tộc nắm quyền” ở Đế quốc, nơi một Công tước có thể ngồi ăn cùng bàn với bác nông dân ở quán cơm tấm ven đường, hay người dân ghé vào thưởng thức ly nước mía cùng sĩ quan quân đội, quan tòa. Muốn trở thành quan lại, tướng lĩnh, bắt buộc phải học. Học đủ mười hai năm phổ thông bắt buộc – luật này có từ thời Trùng Hưng Đế, mọi trẻ em đều có quyền và nghĩa vụ đi học, việc học là bắt buộc và hoàn toàn miễn phí cho hệ thống trường công – sau đó lại thi tiếp để học trong các học viện đào tạo chuyên biệt. Khi tốt nghiệp, Đế quốc luôn đảm bảo có những lứa công chức, sĩ quan trẻ, nhiệt huyết, năng động, biết rõ vai trò của mình trong tổ chức và xã hội.
Hành pháp và lập pháp, nghe giống cái vụ “tam quyền phân lập” nhỉ, Viêm tự hỏi. Nhưng nhẩm tính, nó lại chỉ thấy hai trong ba. Phải rồi, tư pháp đâu?
– Thời đó bọn ta không có khái niệm “tư pháp”.
Thật dịu dàng, âm thanh ấy lại cất lên, ấm áp tựa lời người mẹ.
– Đối với bọn ta, “hành pháp” bao gồm cả tòa án và cơ quan Nhà nước, vì đều “thực hành pháp luật” cả. Ít nhất, thời ấy là vậy. Bây giờ thay đổi rồi.
– Dạ. – Viêm khẽ đáp – Nhưng cái này thì liên quan gì ạ?
– Cái gì cũng có nguyên do của nó.
Dừng chút, Giao Long nói:
– Nhóc nghĩ vì sao ta không giải thích ngay, mà lại đi từ lịch sử xa xôi về trước?
– Dạ… Để hiểu tường tận ạ?
– Ừ. Đúng vậy.
Gật đầu, Giao Long kể tiếp. Hệ thống tam quyền ấy tồn tại suốt mấy thế kỷ, nhưng càng về sau, do ảnh hưởng của Nho giáo, dần bị biến chất. Các “nhà Nho” không chủ trương việc đào tạo theo kiểu quân phiệt, mà muốn thực hiện mô hình Hoa Đông, tức làm các kỳ thi toàn quốc, bất kể trình độ. Họ cố ý loại các môn khoa học tự nhiên như Toán ra khỏi chương trình, chủ trương chỉ dạy kinh sách người xưa, ưu tiên lối học vẹt bảo thủ, dạy chữ Hoa – cái bị lên án nhất, và bỏ luôn việc đào tạo chuyên biệt. Lúc đó, Đế quốc gần như trở thành Hoa Đông thứ hai: Chỉ cần thi đậu gì đó sẽ được ra làm quan, được bổ nhiệm mà không cần biết bản thân có đủ năng lực và kiến thức chuyên môn hay không. Tòa án bị dẹp bỏ, quan cai trị kiêm luôn xử kiện.
Việc học tập theo một đường lối đã bộc lộ rõ cái sự hủ bại của nó, nhất là càng về cuối triều đại, khiến các quý tộc và người dân đâm ra lo sợ. Họ sợ không biết thay đổi có ảnh hưởng gì tới đời sống không. Các quan đứng đầu, tức Tướng quốc và Thái phó, bị bãi bỏ, thay vào đó là hai ghế Tể tướng theo mô hình phong kiến phương Bắc. Quyền lực của quân đội tạm thời chưa bị đụng tới, nhưng đã lung lay tận gốc rễ. Chỉ ba thế hệ ăn nho hư, nho độc đã làm Đế quốc run lẩy bẩy như ngộ độc thực phẩm, từ liệt cường gần như hóa thành “Viễn Đông bệnh phu”. Cái quan niệm coi vua lên trên hết, vua tha hồ chế luật đã suýt bức chết nền dân chủ và chế độ phân quyền, những nền tảng của đất nước này. Nạn mua quan bán tước dần tràn lan, những đứa ngu xuẩn chỉ biết học vẹt ngồi lên ghế lãnh đạo ấy thiếu tầm nhìn, kiến thức chuyên môn, không đủ trình độ giải quyết vấn đề, khiến Đế quốc vào ba triều “hủ Nho” ấy chao đảo như người say rượu sắp ngã.
– Học thuyết Nho gia giống như con dao hai lưỡi vậy.
Giao Long bảo.
– Một mặt, nó tập trung quyền lực về tay nhà vua, đề ra chế độ khoa cử, tìm kiếm nhân tài, đề cao sự học. Nghe rất tuyệt, phải không?
– Theo những gì con biết thì không tuyệt vậy…!
Viêm cúi mặt trả lời, mấy ngón tay đan vào nhau. Nhỏ nói:
– Nhiều triều đại phong kiến ở Việt Nam và Trung Quốc đã sụp đổ cũng vì Nho giáo! Nhà Nguyễn mất nước vào tay Pháp do vua chúa, quan lại hèn kém, hủ bại, cứ ôm khu khư cái học thuyết đã chết đó! Coi vua là trên hết, vậy vua ngu thì đi cả triều đại, cả quốc gia à?
– Chà, hiểu chuyện hơn ta nghĩ đấy?
– Dạ?
– Cái gì cũng có nguyên do của nó. Tiếp này.
“Thi Hoàng” lại kể, vào cái thời loạn cào cào ấy, trong quân đội có hai chức tướng, lần lượt gọi là Thừa hành Tướng quân và Thủ hộ Tướng quân. Vô tình, chúng lại được gọi tắt thành… Thừa tướng và Thủ tướng! Khác hẳn với định nghĩa hiện nay hay kể cả ngày xưa, Thừa tướng với Thủ tướng Đế quốc giai đoạn đó là chức vị quân sự, thuộc vào quân đội chứ không phải quan văn, chính trị.
Thừa hành Tướng quân, về nguyên gốc, chính là tổng thanh tra của quân đội, người có nhiệm vụ tiến hành các cuộc thanh sát, kiểm tra, sau đó báo cáo lại cho Hoàng đế. Vị này cũng thường là người mang chiếu chỉ do Hoàng đế ban xuống cho Tổng Tham mưu, nên mới gọi là người “thừa hành”. Trong khi đó, Thủ hộ Tướng quân là vị tướng phụ trách việc phòng ngự trong nước. canh phòng biên cương, sửa sang pháo đài, thành lũy, điều binh hỗ trợ, xử lý các vu loạn,… đều một tay vị này xử lý.
Xét về quyền hạn thời đó, Thừa tướng cao hơn Tổng Tham mưu một bậc, còn Thủ tướng thấp hơn, cũng đúng một bậc. Ngang với Thủ tướng còn có Chinh tướng, gọi đầy đủ là Chinh di Tướng quân. Chức này dễ bị nhầm với “Chinh tướng” người Espánia, ý nghĩa cũng gần như tương tự, là những người mang quân chinh phục bên ngoài. Về sau chức Chinh tướng đế quốc bị bãi bỏ, chỉ còn lại Thủ tướng lo việc phòng ngự, vì Đế quốc từ bỏ chính sách bành trướng vũ trang.
Trong thời thịnh trị, tức trước khi Nho giáo thâm nhập sâu, Đế quốc duy trì chế độ “tam quyền phân lập”. Nhưng đến khi đã có dấu hiệu lụn bại, Hoàng đế chuyên quyền độc đoán, chuyện xấu đã xảy ra. Chức Tổng Tham mưu bị bãi bỏ, thay vào đó Thừa tướng trực tiếp chỉ đạo quân đội, làm cho quyền kiểm soát của nhà vua lên quân sĩ càng lớn hơn. Vua cũng cho bỏ Viện Lập pháp, tổ chức triều đình theo lối Hoa Đông, mở rộng hậu cung, ngày ngày rượu chè hưởng lạc, bắt mỹ nữ phải nhảy múa, hầu rượu, điều trước nay chưa từng có tiền lệ. Không ít người trong hậu cung hoàng gia là con cháu các nhà quý tộc cỡ lớn, tức Công, Hầu, có cả con cháu Tổng lãnh, đều không được nể nang. Hoàng tử, công chúa bị bỏ bê việc học, rất ít khi đưa xuống địa phương huấn luyện quân sự.
Bắt đầu từ Uy Tông, sang Tương Tông và cuối cùng là Dụ Tông, ba triều vua thối nát nhất, người dân đã chán ghét cái “Nho giáo” tới cực điểm. Thái tử Mạc Phạm Đại Nghĩa, người sau này trở thành Mạc Thành Tông, hai công chúa và vài mươi quan văn “tỉnh táo” thoát được khỏi Đông Kinh, nhờ có Thủ hộ Tướng quân Nguyễn Văn Cung cùng khoảng hai ngàn quân cấm vệ nhân đêm đưa khỏi kinh thành, chạy thẳng xuống dưới. Thừa tướng Lê Thái Học giả vờ cho quân đi tập trận, thực chất chạy sang ranh giới Ai Lao, kêu gọi các Tổng lãnh chuẩn bị khởi nghĩa. Dụ Tông khi đó vẫn còn say mèm với rượu và kế hoạch xây “lầu trăm tầng”, nơi sẽ dùng để bắt mỹ nhân trong thiên hạ về mua vui, hoàn toàn không hay biết gì.
Phần còn lại, Giao Long biết Viêm đã nghe Mộc Ma kể. Tại điện Huyền Vũ thành Gia Định, Thái tử hiệu triệu các chư hầu nổi dậy, đưa quân về luận tội chính vua cha. Năm cánh quân với sự tham gia của khoảng hai triệu lính, quy mô lớn hơn cả chiến dịch Bắc phạt năm chín trăm hai mươi, đặt dấu chấm hết cho Mạc Dụ Tông, các tham quan, quyền thần, ngoại thích lũng đoạn triều chính, cũng như chính thức chấm dứt luôn sự thống trị của Nho giáo. Những điều đó cô không cần nói lại.
Tiếp theo sau sự biến ấy là giai đoạn mà các nhà sử học vẫn thường gọi là “cải cách Mạc Thành Tông”. Theo đó, Nhà nước phục hưng lại chế độ giáo dục cũ, gồm các môn tự nhiên với xã hội, đồng thời mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài. Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc, trong thời kỳ đó, được chọn gồm các tiếng Hoa Đông, Yamato, Portugale, Espánia, Nederia và Albion, những quốc gia có quan hệ giao thương khắng khít với Đế quốc.
Hệ thống trường đào tạo sau phổ thông được khôi phục và mở rộng, không chỉ gói gọn trong việc hành chính, luật và quân đội nữa, mà đã thành lập các trường “đại học” dân sự, dạy chuyên ngành cho từng môn. Kinh tế học được đưa vào hàng ngũ các môn nghiêm túc, cùng với ngoại giao, quân sự, chính trị và thủ công. Thương mại đẩy mạnh, việc lạm phát bị xử lý gọn chỉ trong bốn năm. Bỏ các quan tham trước đây, thay bằng người thực học thực tài, Trung ương dưới thời Thành Tông đã phục hưng và phát triển rực rỡ sánh ngang với những đế quốc phương Tây.
Về mặt chính trị – đây là cái Viêm muốn biết – Thành Tông cho tổ chức lại bộ máy Trung ương với hai bộ phận chính là Hội đồng Đế quốc gồm các đại biểu nhân dân, và Hội đồng Bộ trưởng, tức nơi hội nghị của người đứng đầu các “bộ”, khi xưa gọi là quan Thượng thư. Hội đồng Đế quốc đã trở thành thứ giống như Quốc hội, thậm chí nhiều người còn cho rằng đó là “Quốc hội” đầu tiên của Thủy Tinh, và bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử thế giới này, nền văn minh này, là Hiến pháp Trùng Hưng ra đời cách đây đúng một ngàn năm.
Trong khi đó, Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan vừa thành lập dựa trên kinh nghiệm về việc tổ chức bộ máy Nhà nước trước đây, được lãnh đạo “lâm thời” bởi Thủ tướng Nguyễn Văn Cung, do khi đó chưa có chức vị chính thức cho người đứng đầu hội đồng này. Thành viên ban đầu bao gồm Bộ trưởng các bộ Nông nghiệp, Kinh tế, Giáo dục, Ngoại giao, Y tế và ghế đặc biệt của Ủy ban Hoàng gia. Ban đầu Thủ tướng Cung chỉ tạm giữ chức danh lãnh đạo trong giai đoạn ổn định nền chính trị, ra sức dẹp yên các nhóm Nho sĩ phản kháng, nhưng sau này vì làm quá tốt nên được Thành Tông bổ nhiệm làm người đứng đầu luôn.
Cái chức “Thủ tướng” cũng đổi từ khi đó, không còn là tướng phòng thủ nữa mà trở thành quan chức Nhà nước, người đứng đầu các Bộ trưởng. Quyền lực quân sự bị bãi bỏ, đổi lại trở thành người “dưới một người, trên một nước”. Nói thế là bởi, với việc ban hành Hiến pháp Thành Tông, theo đó hoàng gia và các quý tộc từ bỏ phần lớn quyền lực chính trị, Thủ tướng trở thành người lãnh đạo Chính phủ dân sự cao nhất về mặt hành pháp. Thủ tướng được bầu cử trực tiếp trong toàn dân từ các ứng cử viên được Hội đồng Bộ trưởng đề cử, Hội đồng Đế quốc thông qua và có chữ ký của Hoàng đế. Quy trình cực kỳ nghiêm ngặt, phát hiện gian lận thì mọt gông cả lũ.
Đặc biệt, quyền lực của Thủ tướng chỉ thuộc về hành pháp dân sự, vì nếu tính luôn chính quyền quân sự thì Hoàng đế vẫn thừa sức nắn gân.
Ngoài ra, Hội đồng Đế quốc vẫn còn đó. Cùng với việc sáp nhập Viện Lập pháp, nó trở thành cơ quan lập pháp hợp hiến duy nhất, đồng thời có quyền yêu cầu thành viên nội các dân sự ra điều trần nếu có chuyện. Tòa án cũng tách ra, tạo thành nhánh tư pháp riêng để cân bằng lực lượng, giảm bớt quyền lực của Thủ tướng. nếu phạm pháp hay vi hiến, ngay cả Thủ tướng đang tại chức cũng có thể bị luận tội, thông qua các điều quy định trong Hiến pháp.
Những điều này nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ của chế độ, và cũng để Hoàng đế có cái bia đỡ đạn, Giao Long nói.
Bộ Quốc phòng đến tận về sau này mới thành lập, còn trước đó nó chỉ được gọi chung chung là “quân đội”, do Thừa tướng trực tiếp điều hành. Ban nãy Giao Long đã bảo, đời Dụ Tông bỏ chức Tổng Tham mưu, cho Thừa tướng nắm toàn quyền quân đội. Vốn dĩ Dụ Tông làm vậy vì cho rằng Thừa tướng Lê Thái Học là thân tín, theo phe mình, tuyệt đối trung thành nên sẽ có quân đội trong tay, không lo các vùng khác nổi dậy. Tuy nhiên, hắn không ngờ rằng Thái Học kỳ thực là tay trong của Thái tử, đã ngấm ngầm ủng hộ và hỗ trợ Thái tử duy tân, đạp đổ những tên quan lại thối nát.
Sau chiến thắng đó, để ghi công, Mạc Thành Tông cho Thái Học giữ nguyên chức Thừa tướng, còn ban cho tước Công, được đổi sang họ của vua vì công lao lớn trong việc dàn xếp, ổn định tình hình, giúp cuộc binh biến diễn ra mà hầu như không đổ giọt máu nào. Nếu có, chỉ là khi xét xử và thi hành án. Từ đó tới khi thành lập Bộ Tổng Tư lệnh, ngót nghét ba thế kỷ, cái chức Thừa tướng Đế quốc đã đồng nghĩa với người chỉ huy quân sự cấp cao dưới quyền Hoàng đế, nên về sau này vẫn còn nhiều người thuộc thế hệ trước, trước cả Giao Long, quen miệng gọi cái danh ấy.
– Rồi… Cái não còn xài được không đó?
Kết thúc tất cả, Giao Long buông câu bỡn cợt, mà cũng không hẳn thế.
– Dạ, con nghĩ nó… cháy sém mấy góc rồi ạ…
Choáng với lượng kiến thức khổng lồ chạy thẳng vô đầu, Viêm gật gù như đứa buồn ngủ, khó lắm mới đáp đàng hoàng.
Phải mất lát sau, con bé mới đủ tỉnh táo để tiếp tục nói chuyện. Nhưng trái với điều Giao Long nghĩ, Viêm không hỏi về mấy ông quan chức này nữa, mà là một câu “trực diện” hơn:
– Sao mấy cái sử này… mọi người nhớ… hay vậy ạ?
– Con hỏi sao bọn ta thuộc sử thế này à?
Mỉm cười, Giao Long nói:
– Chà, vì nó thú vị thôi.
– Dạ?
Ngơ ngác trước câu trả lời ấy, Viêm trố mắt nhìn thuyền trưởng. Cô ta vẫn ngồi yên, mặt hướng ra trước, không chút biểu cảm. Nhưng giọng nói trong đầu rõ ràng có ngân lên tí, giống như đang vui.
– Nói thế nào nhỉ? Giữa việc bắt mình phải nhớ cả lô lốc mấy con số, như ngày tháng năm nào có chiến dịch gì, quân ta đánh thắng thế nào, địch bị giết bị bắt bao nhiêu, so với học sử theo kiểu thảo luận, kể theo đề tài, nghiên cứu mổ xẻ đa chiều, cái sau thú vị hơn hẳn, đúng chứ?
– Tất nhiên ạ!
Reo lên trong bụng, Viêm gật đầu lia lịa.
Lúc này, Giao Long mới tiếp:
– Hiểu nhanh đó. Bọn ta học sử không phải thuộc lòng, mà học để hiểu sử, hiểu ý nghĩa và ảnh hưởng từ các việc làm của người xưa để rút ra bài học. Sử là nguồn cội, phải biết, nhưng biết thôi chưa đủ. Phải hiểu nó, nhuần nhuyễn nó, đúc kết thành kinh nghiệm, phục vụ tương lai, như vậy mới là học sử đúng nghĩa. Chứ mà dăm ba cái trận đánh, chiến dịch, nguyên nhân kết quả gì đó như trong sách bên nhóc hả? ta thề đám chuyên Sử bên này còn khóc thét!
– Hả? Vậy Sử tụi con học… kinh dị vậy ạ?
– Ta nhìn xong muốn quăng cuốn sách luôn, nói gì đọc! Nói thiệt nha! Xời mợ nó, ta không biết đó là lịch sử hay tuyên truyền luôn đó! Kịch bản chung là quân ta thắng, thắng và thắng! Đọc toàn thấy ghi ngày tháng năm, đánh trận gì, ở đâu, quy mô thế nào, địch thua ra sao,… Nó nhạt nhẽo ngay từ cuốn sách rồi thì đừng nói chuyện dạy cho lý thú! Qua đó đọc báo mạng, đọc bài của cựu chiến binh đi K nó hay đứt cuốn sách giáo khoa, mà vẫn đầy đủ thông tin! Dạy thì cứ nhồi nhét thụ động, phụ huynh không coi trọng, tới học sinh cũng ngán, rồi năm này tháng nọ cứ ca bài “sao điểm Sử kém”! Nói chứ, thảm hại!
– Oa…
Chưa khi nào Viêm thấy Giao Long thế này!
Mặt lạnh hơn tiền, vậy mà lời nói lại dữ dội vô cùng, như thể giông bão sấm chớp ở đâu kéo tới ấy. Nó cảm nhận rõ nỗi bức xúc trong từng câu nói, vì chính bản thân cũng từng như vậy. Nhìn sách thôi là thấy ngán rồi, đọc không vào, mà còn bị bắt học thuộc lòng nữa. Quốc gia cổ đại phương Đông với phương Tây, rồi thành tựu của phương Đông có gì, phương Tây làm ra những nào, đọc mà chán. Toàn chữ là chữ, thêm ba cái năm trước Công nguyên, nhớ được cũng hay lắm ấy. Sách học theo kiểu nhồi kiến thức, cứ nhét hết vào, còn học sinh tới đâu dường như không tác giả nào quan tâm.
Đưa tay xoa xoa đầu Viêm, Giao Long bảo, thế hệ cô học sử khác hoàn toàn. Thuở thiếu thời, vì bại liệt nên không đến trường được, cô tham gia kiểu chương trình học tại gia, vẫn được đào tạo như mọi người. Tới khi vào quân đội, trường sĩ quan, học môn nào là khoái môn đó. Đặc biệt là lịch sử, sử quân sự rất sướng chứ không phải kiểu tuyên truyền kia. Họ dám nêu những trận thua của mình, cho biết cả thiệt hại, nhưng không bắt học viên thuộc lòng.
“Thi Hoàng” kể, cứ mỗi lần tới tiết sử, giáo quan lại đưa cả lũ xuống hội trường lớn, nơi có rất nhiều sa bàn quân sự dùng cho việc dạy học. Học viên chỉ mang theo sách giáo trình với cây bút, gạch chân những phần quan trọng, hay ghi chèn thêm vào sách. Tuyệt đối không có chuyện thầy đọc trò chép, cực kỳ bị động và chán. Giáo quan nói về chiến dịch, trận đánh, chiến thuật các bên, sau đó bắt đầu chia nhóm cho học viên thực hành đánh sa bàn. Dựa theo những gì có trong sách, họ xem xét kỹ lưỡng đường đi nước bước, sau đó nhận ra những lỗi sai lầm và có cách xử lý đúng đắn hơn.
Hay nói cho dễ hiểu thì là nhập vai nhân vật lịch sử và sa bàn đại chiến!
– Oa a a!
Không kìm được, Viêm reo lên trong lòng.
– Cô được vừa học vừa chơi vậy ạ? Sướng…!
– Chưa chắc sướng đâu, chơi xong mỗi nhóm phải tổng hợp lại làm bài báo cáo nộp giáo quan đó! – Giao Long nói – Lôi thôi là điểm liệt, học lại nha con!
– Nhưng vậy vẫn thích hơn là ngồi chép rồi học thuộc lòng mà! Ít ra còn được tự mình cầm quân, biết được hướng đi, cách đánh,…
– Ừ, biết chứ. Mục đích của nó là vậy mà.
Dừng lại chút, thuyền trưởng tiếp:
– “Hôm nay phôi thai từ hôm qua, và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ”, một nhà phê bình văn học Việt Nam đã nói câu đó. Con hiểu vậy là sao chứ?
– Dạ, là… là… cái gì cũng có khởi đầu của nó ạ?
– Có thể hiểu như vậy. Thực chất, câu ấy, theo ta, nghĩa là mọi thứ diễn ra như một sự tiếp nối. Thời gian như dòng sông trôi, đoạn sau hình thành từ đoạn trước. Cũng như vậy, lịch sử của chúng ta không đùng cái mà có. Nó là một quá trình dài dằng dặc, từ quá khứ kéo tới hiện tại, và sẽ còn tới tương lai nữa. Những gì chúng ta có hôm nay đều là thành quả của ngày trước, và cái chúng ta làm bây giờ sẽ thành thứ gì đó ở tương lai. Lịch sử là kế thừa và phát triển, nó vận động không ngừng, chứ không phải cái gì đó “tĩnh lặng” mà có thể học thuộc lòng được. Hiểu chứ?
– Dạ! – Nó gật đầu.
– Ừm, được. Việc học sử, không phải để thuộc lòng, không phải để nhớ khư khư mình đánh trận thắng oanh liệt ra sao, cái đó ta gọi là tào lao! Học sử là để, giống cách bọn ta học xong ngồi đánh sa bàn rồi viết báo cáo, nhìn về quá khứ, coi bài học của người đi trước. Phân tích, đánh giá, không rập khuôn. Xác định tình huống và tự hỏi nếu là mình khi đó, mình sẽ chọn hành động thế nào. Từ những bài học đó mà rút thành kinh nghiệm bản thân, dùng nó giúp ích cho tương lai. Nhìn về quá khứ, học từ quá khứ, để biết hiện tại và sau này phải làm gì. Như vậy học sử mới thực sự có lợi, chứ… ra đường ai thèm quan tâm đánh chết bao nhiêu thằng địch chứ! A ha ha ha ha!
– Đúng thiệt nhỉ?