“Đêm nay sẽ ngắn lắm đây…”
Ngồi bên cửa sổ, Giao Long nhâm nhi chén rượu gạo, tay cầm hờ cái chai chứa thứ chất lỏng trong suốt ấy. Bàn làm việc để ngăn cô với khung cửa, nhìn ra ngoài chỉ thấy trời mây đỏ lừ như mặt người bầm đi vì rượu bữa. Không trăng, không sao, chỉ có mấy cơn gió lạnh thổi tạt vào. Gian phòng chẳng có ánh đèn, tất cả chỉ là bóng tối tịch mịch, cùng bóng người ngồi mơ màng và tiếng ngáy o o như sấm. Men rượu làm Giao tỉnh cả ngủ, nhưng Hồng Ma thì lăn quay ra cả tiếng rồi.
Ban nãy, họ đã “đánh đêm” thật lâu, vắt kiệt tới giọt cuối cùng của đối phương. Hồng Ma như mãnh thú, lao đến mà vồ mà cắn tới tấp, đôi tay hung bạo đè chặt vợ xuống tấm nệm, không cho “Thi Hoàng” cơ hội giãy giụa. Chính Giao Long cũng hoàn toàn bất ngờ trước sự mạnh bạo hiếm thấy này, khiến cô gần như rơi vào thế bị động. Nhưng, bằng kinh nghiệm “tác chiến” gần hai chục năm, lại chỉ với một đối thủ duy nhất, mọi đường đi nước bước của mụ đầu đỏ cô đều thấu hết. Tiến quân giữa khe núi thì bị chặn đứng, cho đột kích hang động lại gặp ngay viện quân, tới lần mò đường khác cũng không thể công kích.
Cuối cùng Hồng Ma hóa liều, toàn lực giáp chiến thì Giao Long cũng không giữ nữa. Cởi bỏ mọi ràng buộc, những kẻ cuồng chiến lao vào trận sinh tử, vật nhau mạnh đến nỗi tấm nệm như muốn rách toạc. Quẳng hết chiến thuật vào sọt rác cùng mớ giấy vệ sinh, mụ đầu đỏ lao lên như ngọn lửa hung tàn, quyết thiêu rụi hết tất thảy. Nhưng “Thi Hoàng” lại khác. Chặn ngay khe núi, con đường độc đạo dẫn tới tổng hành dinh, cô uyển chuyển như dòng nước, tiến lui nhẹ như không. Sau cùng, tựa sóng thủy triều, hay chính là dòng hải lưu cuồng nộ quanh năm gùn ghè toan xé xác những con tàu không may rơi xuống, cô vùng lên, tàn bạo đến không ngờ, rồi đổ ập, nhấn chìm hoàn toàn Hồng Ma trong biển nước.
Toàn thắng trước đối phương, Giao Long lật kèo, tiến hành tổng phản công. Đẩy được Hồng Ma về thế phòng ngự bị động, “Thi Hoàng” phát động tiến công trên mọi mặt trận. Các trọng điểm chiến lược như khe núi sâu, hai đỉnh núi, hang động, vành đai cánh, đến cả bộ tư lệnh đều bị cô đánh thẳng vô như vũ bão. Từ vùng đồng bằng mênh mông nơi có chiếc giếng độc nhất, đạo quân xung kích cực mạnh kéo dọc lên đến trước khe núi, nơi Hồng Ma ra sức thủ, nhưng khó lòng giữ lại được. Phòng tuyến giữa núi đôi bị công kích ác liệt, tuy phòng ngự dũng mãnh nhưng cuối cùng bên ấy vẫn vỡ trận, Chiếm lĩnh hai điểm cao, nơi được xem như “cửa ngõ” đánh thẳng lên trung khu, Giao Long tung chiến dịch quyết định.
Mọi thứ đã sụp đổ. Hồng Ma dù cố giữ chặt miệng boong ke, vẫn không thể chống được loạt pháo kích quá dồn dập. Giao Long sở trường kéo pháo, và một khi cô ta triển khai được trận hình thì kể cả cái siêu pháo đài trong lòng chảo nào đó cũng sấp mặt. Hồng Ma thua vì đã quá chủ quan, cho rằng phủ đầu có thể khiến vợ khuất phục, nhưng không. Một pha phản công quá thàn thánh, đẩy lui quân của mụ ta từ đà sắp thắng về thành kẻ bị động chịu trận. Trên thảo nguyên trải đầy cỏ đỏ, cao ngập đầu người, mùi hương thơm phức vẫn còn, Giao Long hít một hơi tràn phổi mùi thảo nguyên tuyệt vời, trong khi địch yếu ớt chống cự. Kho tàng quân dụng trong hang sâu bị đánh thọc vào, dòng suối tràn nước ướt đẫm không ngăn được đà tiến quá hung tàn. Như thể ác quỷ hiện hình, “Thi Hoàng” hoàn toàn thống trị chiến trường, Hồng Ma đã không còn khả năng phản kích.
Thắng lợi tuyệt đối.
Nằm sõng soài trên tấm nệm ướt đẫm, Hồng Ma nhễ nhại mồ hôi, ánh mắt thất thần nhìn bâng quơ lên trần phòng. Cặp sừng thu vào, quần áo xộc xệch, khuy phanh ra cả, tới tấm áo choàng cũng bị lột mất, nhìn cô bây giờ thê thảm như nữ hoàng thất thủ, vừa trải qua những điều kinh khủng và nhục nhã nhất trước hàng trăm tên lính địch mà bản thân hoàn toàn vô vọng, không thể chống cự được. Mặt cô lộ rõ vẻ bàng hoàng, ngỡ ngàng, như thể vẫn chưa tin nổi bản thân lại bị đánh bại như thế. Dù đối với các thi quỷ khác, bà già luôn giữ thế thượng phong, đè đầu cưỡi cổ, chiến thắng chóng vánh với chiến thuật chớp nhoáng, nhanh chóng đẩy đối phương lên tới đỉnh điểm và kết thúc bằng sự vỡ òa và hoàn toàn buông xuôi, tại sao khi đọ với Giao Long, mình lại không bao giờ chủ động được?
Sau đó, Hồng Ma quyết định ngừng suy nghĩ, và lăn ra ngủ tới giờ.
Bên kia, nhấp rượu trong đêm, Giao Long vẫn hoàn toàn tỉnh bơ. Bò khỏi nệm, trên người chỉ còn độc chiếc áo sơ mi mở phanh, cô mặc tạm gì đó che đi “bên dưới, rồi cứ thế ra ghế ngồi, uống cho tỉnh người. Hơi rượu nồng nồng, cay cay không nghĩa lý gì với một xác sống, nhưng cũng như lúc nhậu ban nãy, cô vẫn cảm nhận được thứ gì đó. Cay nồng nơi chót lưỡi, nóng rát xuống cuống họng, rồi trở nên ấm lạ thường dưới bao tử, cảm giác thật khó tả.
Chẳng đổ lấy giọt mồ hôi, làn da xanh tái lạnh như băng ấy không tồn tại bất cứ dấu hiêu nào của trận đại chiến đã qua, trừ bộ quân phục đã bị lột ra đầy thô bạo. Giao Long khi ấy cũng ngạc nhiên lắm, mắt to tròn nằm bất động trong khi Hồng Ma như thể dại hẳn đi, miệng nhỏ dãi như con thú, lao vào “ăn” hệt như bệ ngạn đói mồi lâu ngày. Một con dã thú thực sự.
Có lẽ sâu trong thâm tâm, Hồng Ma vẫn còn gì đó “khác” với những đồng loại.
Uống vơi nửa bình, Giao Long ngả lưng trên ghế, hướng ánh mắt mơ màng ra ngoài xa. Cô nhớ khi còn bé, từng có lần Hồng Ma nói cặp sừng cô sở hữu là “độc nhất”, ngay đến đồng tộc cũng không có được. Xích Quỷ, chủng loài cổ đại từng thống trị Thủy Tinh hàng vạn năm về trước, vốn có sừng như trâu, tức chỉ có một nhánh, cong vòng và rất to. Tuy nhiên, vị vua cuối cùng của họ, Viêm Đế Hồng Ma, sinh ra với đôi sừng “rồng” chia ngạnh, điều chưa từng xảy ra, báo hiệu một sự dị biệt trong cơ thể cô ta.
Hồng Ma sở hữu nó, ngọn lửa đen của bóng tối vĩnh cửu.
Huyền Viêm, biến dị… nhiệt hạch!
Cũng như các thuộc tính ma pháp vẫn còn là dấu hỏi lớn cho cả những nhà khoa học lẫn thần học, Huyền Viêm, ngọn lửa bên trong Hồng ma, Giao Long và Viêm, vẫn chưa được lý giải. Người ta chỉ biết nó xuất hiện bất thường, theo một xác suất không ai có thể tính trước, như thể “mình thích thì mình vào thôi”, cũng chẳng lý giải nổi nguyên lý. Không phải các thuộc tính khác không có biến dị, ngay tới Mộc Ma cũng là biến dị mang tính “thánh”, có khả năng thực hiện phép lạ – đối với cả yêu ma – hay trước đây thì ông nội Giao mang tính Thổ biến dị “khoáng”, chuyên về thao túng khoáng sản và có cơ thể cứng rắn không ngờ, nhưng như cái thứ lửa đen này thì chưa giải thích nổi.
Và ba người mang nó, đã hai người được xác định là biến dị khác nhau.
Hồng Ma mang “nhiệt hạch”, khả năng tự tạo ra các phản ứng tổng hợp hạt nhân trong cơ thể và khống chế chúng, đang là đối tượng nghiên cứu hàng dầu của những nhà vật lý năng lượng. Họ đang tìm hiểu cách để cơ thể có thể sinh ra nguồn năng lượng ổn định như thế mà không cần phải nạp vô bất cứ thứ chất gì, cũng như khả năng của cô ta có thể dùng để tạo thành nguồn điện vĩnh cửu không. Vì những phần bị tách khỏi cơ thể tiếp tục phát triển độc lập và không cần cơ thể gốc nuôi dưỡng, Jessie và mấy nhà bác học khác đang hi vọng có thể nghiên cứu lửa của Hồng Ma để tạo ra một loại lõi phản ứng mới an toàn, hiệu quả hơn, thay thế các động cơ hợp hạch lạnh hiện tại.
Đồng thời, đối với thiên văn, thì mấy cục đó không khác gì các mảnh của… Mặt trời! Không phải trò đùa, cơ thể Hồng Ma giống như một Mặt trời sống, có đầy đủ các thành phần để tự tỏa sáng và trở thành một ngôi sao có thể soi sáng Thủy Tinh trong vài tỷ năm nữa. Vả lại, vì không tiêu tốn vật chất để tạo phản ứng nhiệt hạch, họ đang tham vọng tới mức cố tạo thành những Mặt trời “bỏ túi”, thay thế đèn điện làm nguồn chiếu sáng mới. Nhiệt độ sinh ra cũng vừa phải, không lên tới mấy ngàn độ bách phân, cũng không cao trăm triệu độ như phản ứng tạo plasma, nên nhìn chung khá thực tiễn. Cái “khó” trước mắt là phải phân tích được chúng – những mảnh cơ thể của một “hồn ma” – và đưa ra kết luận đã!
Trong khi đó, thứ Giao Long sở hữu lại là biến dị “bóng tối”, thoạt nghe qua hoàn toàn không ăn khớp gì với lửa. Nhưng Huyền Viêm là thuộc tính vốn đã biến dị, một ngọn lửa bị phủ trong thứ bùn đen đặc của màn đêm, nện lại có vẻ rất hợp lý. Giao Long không có khả năng thao túng các phản ứng mạnh mẽ như Hồng Ma, nhưng đổi lại, cô sở hữu một thứ mà khi sang Trái đất, mới biết nó được gọi là gì. “Năng lượng tối”, khoa học bên ấy đặt tên thế. Thứ thậm chí đáng sợ hơn cả nhiệt hạch, nguồn sức mạnh vượt xa mọi thứ mà những người ở Thủy Tinh có thể tưởng tượng ra, đến nỗi nó từng bị coi là ma thuật đen và chính yêu ma cũng cấm sử dụng.
Dĩ nhiên, kể cả Giao Long cũng không nhận thức được thứ cô đang sở hữu khủng bố tới thế nào. Người phụ nữ ấy đặt niềm tin rất lớn vào xã hội, tin rằng những thứ như “ma pháp” trong tương lai sẽ được lý giải bởi khoa học, nên cô không buồn đi tắt đón đầu, trừ những trường hợp cần “ích kỷ” chút, như khi đưa tro cốt bà nội về hay đi tìm cách có con. Vả lại, du lịch qua các vũ trụ song song cũng thú vị, tới những nơi mình chưa từng biết chẳng phải vui lắm sao? Tiếc là không có máy chụp hình, cái thứ đồ lỉnh kỉnh ấy mang vác bất tiện lắm, mà cô thì không thích mấy cái điện thoại quẹt quẹt của Trái đất, nên thôi.
“Điện thoại… ấy à?”
Nghĩ đoạn, Giao Long chợt nhớ ra, “thứ đó” vẫn đang ở đây. Kéo hộc bàn, lục tung hết mớ giấy vẽ nhang vẽ cuội mấy lúc buồn chán, cô lôi ra một vật trông như tấm gương soi, vỡ mất phân nửa kính nhưng vẫn nhìn được. Khá dày, so với những tấm kính bỏ túi thông thường. Vả lại, nó không hề được tráng bạc đằng sau, nhìn vô chỉ thấy một màu tối đen thui. Phần viền ngoài làm bằng thứ chất liệu gì đó cô không biết, khá bền và tốt.
Các viền có mấy lỗ nhỏ, theo như bên kia thì là để cắm dây gì đó vô. Họ gọi là “tai nghe” thì phải? Chẳng biết nữa. Đằng sau, Giao Long lật lại, thứ duy nhất còn nguyên vẹn là hình quả táo cắn dở. Mấy dòng chữ khác, theo thời gian, đều đã mờ. “Ai phôn”, cô nhớ bà nội nói thế. Thứ duy nhất giúp bà nhớ mình là người Trái đất, mình phải quay về, dù khi đó chỉ còn là nắm tro tàn trong chiếc hộp đi chăng nữa.
Tự dưng, Giao Long thấy khóe mắt cay cay.
Ba mươi năm hơn rồi.
Ngày bà nội mất, Giao vẫn còn nhỏ, độ chín mười tuổi gì đó. Cô khóc, khóc rất nhiều, tới nỗi đâm sốt, làm Oa Lân cuống hết cả lên. Lệ bình tĩnh hơn, nhưng nắm tay siết chặt đến tứa máu, nhỏ xuống sàn từng giọt đỏ thẫm. Cả nhà lúc đó buồn lắm. Bà nội hiền, chưa từng to tiếng với ai. Trong cái ký ức mơ mơ hồ hồ sau cái lần xuống chơi với Diêm Vương đó, Giao không còn nhớ rõ được nữa. Những gì còn lại chỉ là mái tóc bạc phơ búi củ hành sau đầu, nụ cười móm đôn hậu cùng bộ đồ nâu sần, cái áo khoác không tay của bà.
Những hôm trời đẹp, bà nội, khi đó đã gần trăm, vẫn tay chống gậy, tay đẩy xe lăn cho Giao ngoài vườn. Dù có nói để mình tự lăn bánh, bà vẫn không chịu. Bà nói, Giao sinh ra như thế này là lỗi của bà, vì bà đã tới đây. Hồi đó cô không hiểu, sau này mới biết, người Trái đất có lượng linh lực quá lớn. Nó di truyền qua nhiều đời mới bộc phát, và vô tình cô chính là đối tượng đó. Cùng với ngọn lửa đen, linh lực quá lớn gây ảnh hưởng ngược tới hệ thần kinh, do các tế bào tải không nổi, làm ức chế toàn bộ thần kinh dưới chân. Đến cả da cũng chẳng còn cảm giác, chứ đừng nói là đi lại.
Có những hôm, bà mang điện thoại ra, kể Giao nghe về thế giới mình từng ở. Trong ký ức của bà, đó là một nơi phồn hoa, với những tòa nhà chọc trời đâm cao, đường sá trải nhựa nườm nượp xe gắn máy, xe hơi chạy ngược xuôi, các tuyến buýt đủ màu đi giữa đường, hay chỉ đơn giản là cô gánh hàng rong ven đường, bác bán vé số, mấy đứa con nít tan học tụ tập trước xe đẩy bán đồ chiên ngoài cổng trường,… Bà kể nhiều, nhiều lắm, về một vùng đất không phép thuật. Ở đó người ta nói chuyện bằng điện thoại chứ không dùng điện tín, có thể gọi xuyên đại dương, và “máy tính” thì nhỏ xíu và có thể dễ dàng mang theo, chứ không cồng kềnh tới nỗi choáng cả căn phòng như bên này.
“Sài Gòn!”
Không dưới một lần bà gọi cái tên ấy, cả lúc tỉnh cũng như trong cơn mê, khi dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã trải qua biết bao thăng trầm, nơi các nếp nhăn chính là bằng chứng cho một thời bão táp lịch sử. Bà gọi nơi ấy, thống thiết, bi thương, với vẻ buông xuôi, biết chắc rằng mình không bao giờ có thể trở về. Dù ở đây với ông, nên duyên vợ chồng đã rất lâu, bà vẫn nhớ quê hương, nhớ ánh điện phố phường, con hẻm mình hay đi, khu chợ thường vào, nhớ cả những người bạn không bao giờ có thể gặp lại.
Miền đất xa xôi, nằm tại nơi tận cùng của ký ức. Một thế giới màu xanh tươi đẹp, với đại dương hiền hòa, bầu trời yên ắng, hoàn toàn không có những thứ kinh khủng như Thủy Tinh. Nếu không vì cái sự “gắt” của môi trường bên ấy, Giao đã nghĩ đó là thiên đường. Xã hội đề cao công bằng, bình đẳng, người người nhà nhà cưỡi xe phóng tấp nập, mạng lưới giao thông phát triển, khoa học kỹ thuật tiến bộ,… Vượt hoàn toàn so với thế giới này. Đó là cô từng nghĩ vậy thôi, chứ khi sang rồi mới biết. Không khí ô nhiễm nặng nề, đường sá đầy rác, dễ bị ngập, văn hóa giao thông rất đáng buồn, lại có trò chụp lén rồi “xin in phô” các kiểu nữa. Nhưng không hiểu sao, khi nhìn lên trời cao, nơi trong xanh với mấy gợn mây trắng, cô lại thấy chỗ ấy bình yên quá thế?
Khác với Trái đất, nơi có các siêu cường cùng lô lốc vũ khí hủy diệt hàng loạt, thường chỉ võ mồm chứ hiện tại ít thấy trực tiếp điều quân, Thủy Tinh vẫn đang rối ren lắm. Xung đột sắc tộc, tôn giáo nổ ra tại Liên minh Babylon, vùng thuộc địa Saudinia của Albion, vùng Bắc Afrikae, hay các mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân thuộc địa đang âm ỉ, có hết. Thủy Tinh bây giờ như ngồi trên thùng thuốc súng, chỉ chực phát nổ. Quốc gia nào cũng tồn tại mâu thuẫn của nó. Đế quốc đang mêt với đám phản động Việt Tân và lũ đồng bọn, Novgoroussiya mắc tụi khủng bố “tự do dân chủ”, Albion phải trấn áp các thuộc địa, Remusa chuẩn bị nội chiến giữa phe độc tài và nhóm ủng hộ chính phủ đại nghị,… Hoàn toàn không có vẻ gì bình yên.
Lúc này, cô ngẩng đầu, nhìn vầng trăng sáng đã chịu lộ diện lần nữa, sau những tán mây đỏ như máu. Trông thế, cô nhoẻn cười.
“Hòa bình”, suy cho cùng, cũng chỉ là khoảng lặng giữa những cuộc chiến. Chiến tranh nhất định sẽ nổ ra. Nhưng, cũng như “Thuyết Tương đối” Giao Long học được bên kia, chiến tranh không tự sinh ra hay mất đi, mà chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ quy mô này sang quy mô khác. Cái thời các siêu cường lao vô đập sứt đầu mẻ trán đã qua. Họ không ngu ngốc bán mạng người dân nữa, một cái Đại chiến với hàng chục triệu binh sĩ ngã xuống là quá đủ rồi.
Bây giờ là thời của “chiến tranh ủy nhiệm”, khi còn sống bà nói thế, tức những cuộc chiến, xung đột vũ trang giữa các nhóm nhỏ được nước ngoài hậu thuẫn đánh nhau, coi như “đại diện” cho kẻ chống lưng, còn cường quốc sẽ “ủy nhiệm” cho lực lượng bé ấy trực tiếp gây hấn. Cuộc chiến sẽ leo thang, kéo theo những nước “đồng minh” vào, và sau đó một tên điên nào đó tự cho rằng bản thân là anh hùng cứu thế giới sẽ xuất hiện trước Hội đồng Bảo an, cầm cái lọ trộn nước tiểu với xà bông tắm, bảo đó là “vũ khí hóa học” và yêu cầu quyền được đổ quân trực tiếp vô vùng chiến sự.
Hay chúng tự nuôi khủng bố, ra sức lật đổ chính quyền nước sở tại. Chiến thuật này cả Columbia và “Hợp Chúng quốc Mỹ”, phiên bản thế giới khác của xứ dân chủ, rất ưa dùng. Ban đầu là dùng tiền mua chuộc các nhà chính trị, quân sự, dùng truyền thông khiến người ta tin rằng nguyên thủ nước nào đó là ‘độc tài”, sau đó là diễn biến hòa bình như biểu tình, chống phá,… Như lũ kền kền chầu chực ăn xác chết, chúng đợi thời cơ cần thiết thì lập tức lao vào, cùng với “đồng minh” – mà gọi “chư hầu” chắc đúng hơn – gây chiến, với cái chiêu bài “tự do dân chủ”, đòi mang tới “mùa xuân” gì đó.
Tự do dân chủ hay mùa xuân đâu không thấy, bài học Giao Long chứng kiến ở Trái đất là một mùa đông kéo dài gần hai thập kỷ. Những gia đình ly tán, thành phố tan nát, quốc gia rối loạn, thảm họa nhân đạo không ngừng, và sau đó là các cuộc khủng bố trả thù, tất cả cũng vì sự ngu dốt của một quốc gia cho rằng mình có thể khiến thế giới ngoan ngoãn nghe lời.
Vẫn còn nhiều trò hề lắm. Bà nội từng nói, bà sang khi thế giới bên ấy đang có chiến tranh thương mại. Nước “Mỹ” này liệt hàng loạt tập đoàn nước kia vô danh sách đen, đòi tăng thuế các thứ. Đổi lại, phía đối đầu cũng không vừa, tuyên bố ngưng xuất khẩu đất hiếm sang. Giao Long không biết đất hiếm quan trọng thế nào, cô không phải dân trong nghề, nên cũng không tìm hiểu nhiều. Chỉ biết là bên đó, đụng chuyện là các quốc gia lại gùn ghè nhau đòi cấm vận kinh tế, lệnh trừng phạt, mong muốn bóp chết nền kinh tế để đối phương chịu ngồi vào bàn đàm phán. Thật buồn cười, bà từng bảo, khi “Mỹ” sở hữu cả trăm cả ngàn đầu đạn hạt nhân, có thể hủy diệt bề mặt Trái đất nhưng lại ra sức cấm các nước khác không được chế tạo và sử dụng.
“Bởi thế mới nói, mấy đứa ưa giảng chuyện đạo lý thường sống không ra gì!”
Câu nói đó hằn rõ vào đầu Giao tới tận bây giờ.
Nắm chặt chiếc điện thoại vỡ trong tay, Giao Long ngửa cổ, tu một hơi cạn sạch vò rượu. Cô lại uống, một mình, chỉ có ánh trăng bàng bạc và màn đêm “không được tĩnh mịch cho lắm” làm bầu bạn. Nói thế là vì tuy trăng đẹp thật, nhưng cái cảnh tượng chỗ này thì chẳng yên tĩnh chút nào, không thơ ca nhàn hạ như vị lãnh tụ nào đó ngắm trăng nơi chiến khu, giữa lúc “cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”.
Nơi đây, quân cảng Thiên Cẩm, luôn nhộn nhịp người làm với những cỗ máy không bao giờ nghỉ. Hơi nước giăng kín hơn sương mù, trắng trắng, mờ ảo hệt như chốn bồng lai. Ống dẫn kéo dài từ nhà máy trên cao xuống, đi qua hệ thống cứ điểm xây ngầm trong núi, vào các ụ tàu xây chìm ngoằn ngoèo như bầy rắn. Tiếng hơi nước, dung dịch lỏng chạy đập vô thành ống cứ dội uỳnh uỳnh miết, không khi nào lặng thinh được. Khói quân xưởng cuồn cuộn trong đêm, từ ống cao bay vút lên trời, mang theo tàn hơi xám ngắt của chất làm mát. Các lò phản ứng xây chìm vận hành bất kể thời gian, tạo thành nguồn điện và hơi nước cực lớn cho toàn cảng.
Cần cẩu to lớn như bầy rồng cần mẫn xếp hàng lên tàu, tiếng kêu xình xịch, xình xịch của bộ động cơ và âm thanh kít kít trên bộ tời kéo xích nghe như bản hòa âm của những máy cơ khí. Không phải thứ âm thanh du dương, êm tai, nó là tiếng đập búa, tiếng máy chạy, những cỗ xe lửa mang hàng từ kho bãi tới, đến những chiếc xe tải chở quân tập trung, tất thảy đều đến đây.
Đứng dậy, Giao Long giơ tay. Lập tức, cơ thể cô được bao phủ bởi một ngọn lửa đen ngòm, lập lòe ánh đỏ với vô số các rua ngoe nguẩy xung quanh. Từ từ, chúng biến thành quân phục. Áo sơ mi cài lại đàng hoàng, quần dài mặc lên, cài dây nịt lại. Chân đi vớ và giày da quân đội, trong khi chiếc áo lính mặc trùm lên sơ mi bên trong, hàng cúc dài cài vào ngay ngắn. Huy chương Thập tự đen, biểu tượng của Tổng lãnh, chẳng mấy chốc đã nằm ngay ngắn trên cổ áo, nơi được cài lại kín như bưng. Chiếc áo bành tô trùm nhanh lên tấm thân ấy, Giao Long nhanh chóng xỏ tay, cài cúc đàng hoàng. Đội chiếc mũ sĩ quan lên, cô biến thành bầy quạ đen, đập cánh phành phạch bay thẳng khỏi cửa sổ.
Nhanh như cắt, bầy quạ tụ tập lại trên đỉnh cao nhất của tháp chùa, là chỗ cao thứ hai của Hồng Ma chỉ sau tháp ăng ten phía sau. Giao Long thích nơi này vì nó dễ đứng, cũng như tầm nhìn bao quát thực tế tốt hơn. Một đài quan sát quá lý tưởng, kể cả “Thi Hoàng” cũng phải thừa nhận. Biến về dạng người, từ hàng trăm triệu, hay thậm chí hàng tỷ những con quạ đen sáu mắt, mồm đỏ như mới uống máu xong, cô đứng nghiêm chân, phóng ánh mắt, lúc này long lanh và đầy sức sống đến lạ, xuống toàn bộ quân cảng.
Sáng rực. Đèn rọi cao áp chiếu thẳng lên trời, đường kính thước rưỡi và công suất đủ làm người ta mù tạm thời bắn thẳng lên hàng chùm sáng lớn như đại bác trong phim viễn tưởng, xoay qua xoay lại làm huơ huơ vệt đèn cao, ai tưởng tượng giỏi có khi lại thấy như mấy gã mặc đồ thầy tu cầm gươm ánh sáng choảng nhau không chừng? Các dãy nhà, đèn treo rực rỡ như sao vàng. Đường bộ, đường sắt quy hoạch kiểu bàn cờ, cứ cách năm thước lại có một trụ đèn chiếu sáng, đảm bảo khắp nơi luôn giống như ban ngày. Không nơi nào chìm trong bóng tối, đối lập hoàn toàn với bầu trời trên cao.
Dưới cảng, người ta vẫn miệt mài làm việc. Quân đội Đế quốc có chế độ làm luân phiên theo ca, trong đó ca tối sẽ làm từ mười giờ đêm tới sáu giờ sáng hôm sau. Tại U Minh, họ là các thi quỷ nam, được sinh sản tự nhiên, cùng người Gốp, mấy bác lùn râu râm cùng số lượng lớn người Giao. Mặc đồng phục lao động ca đêm màu xám tro, áo khoác kiểu ghi lê cam với các dải phản quang rõ ràng, đầu đội nón bảo hộ trắng, họ cần mẫn làm việc, như bầy ong thợ không biết mệt mỏi. Tất cả những công nhân tại đây, bất kể chủng loài, giới tính hay tuổi tác, đều cùng nhau làm việc, cùng nói cười, cùng trải qua khó khăn. Một điều mà những kẻ mang tư tưởng “chủng tộc thượng đẳng” nếu không được thông nát não, sẽ không bao giờ hiểu được.
Viu…!
Gió thổi qua, tốc bay vạt áo khoác dài.
Dưới ánh đèn, Giao Long trông như nữ ma vương, với đôi cánh lớn dang rộng sau lưng, cùng mái tóc dài bồng bềnh bay trong hơi gió lạnh, Nước da xanh màu cái chết càng trở nên mịn màng hơn trước cái lạnh đến thấu ruột gan, mặc cho thời tiết ngày một cực đoan. Chiếc nón được cài quai bên dưới nên gù có mạnh thế nào, gió đêm cũng chẳng thổi nó bay được. Thứ đang phần phật như lá cờ đuôi nheo lúc này là vạt áo và tóc Giao Long, bồng bềnh đằng sau như thể chưa từng tồn tại “trọng lực”.
Một xã hội “không tưởng”?
Khi nhìn Đế quốc, đã nhiều lần Giao Long tự hỏi điều đó. Liệu đây có phải một xã hội “không tưởng” không? Ngoài mặt, có vẻ là thế. Một quốc gia quân chủ lập hiến, luật pháp công minh rõ ràng, không có bạo lực xả súng, đâm chém các thứ. Hơn trăm chủng loài cùng chung sống trên mảnh đất này, dù được chia làm bảy miền, vẫn rất hòa thuận và không xích mích gì đáng kể. Người dân không có tư tưởng phân biệt vùng miền, trẻ em được giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và đạo đức công dân từ bé, nền văn hóa đã có từ hơn ngàn năm trước.
Cơ sở hạ tầng phát triển, chính trị vững chắc, không có chuyện đảng này chống đảng kia, quyền lực quân đội tập trung. Kinh tế phát triển thuộc năm nước đi đầu, chất lượng cuộc sống cải thiện rất nhanh. Sản lượng công nghiệp bây giờ đứng thứ ba thế giới, là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất mà vẫn đảm bảo người dân đủ ăn. Năng lượng đi đầu thế giới với các nhà máy điện nhiệt hạch mọc lên khắp nơi, bưu chính viễn thông cũng được lợi chung. Thậm chí trong tương lai, Đế quốc còn muốn xây dựng mạng lưới truyền “không dây”, dùng sóng vô tuyến thay cho hệ thống dây điện thoại rườm rà, và cáp ngầm thay cho dây nhợ lằng nhằng trên đường, vừa xấu vừa nguy hiểm.
Giao Long vẫn nhớ khi còn sống, bà nội thường nói về thứ gọi là “chủ nghĩa xã hội”. Đó là thứ vượt ngoài tầm nhận thức của thế giới này, về một chế độ không vua chúa, chính phủ là đầy tớ của dân. Nơi đó mọi người đều bình đẳng, không có chuyện phân biệt đối xử hay áp bức, bóc lột. Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm khỏi hưởng trừ trẻ con, người già và người không có năng lực lao động. Trường học, bệnh viện sẽ miễn phí, người dân không còn phải làm hàng chục tiếng mỗi ngày. Lương lao động tối thiểu được đảm bảo, đời sống vật chất tăng cao. Mà như thế thì tinh thần cũng tốt lên. Dần dần, mọi người sẽ được thỏa mãn, được sống trong nền dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bộ.
Bà là một “Đảng viên”, điều đó Giao Long từng không hiểu, nhưng khi sang Việt Nam, cô đã biết thế giới bà nói tới là thế nào. Nó vẫn đang phát triển, đang nỗ lực đạt được mục tiêu đó. Thực lòng, “Thi Hoàng” không tin vào cái gọi là “chủ nghĩa xã hội”. Cô là người bảo hoàng, một phần, nhưng chủ yếu là sự thất vọng khi thấy bên đó lần đầu tiên. Không như những gì bà kể, “Sài Gòn” phồn hoa thật, đẹp đẽ thật, nhưng ẩn sau bộ mặt hào nhoáng đó lại là bóng tối mà, đáng buồn thay, tới đứa con nít cũng biết.
Bệnh viện tuyến trên nhồi nhét, quá tải, trong khi tuyến dưới vắng hoe. Trường học chặt chém phụ huynh với các khoản học phí “trên trời” cùng chương trình dạy chỉ nhìn thôi đã làm người ta muốn té xỉu. Vỉa hè nhếch nhác, dơ bẩn và đầy rác, trong khi thái độ ứng xử của một bộ phận dân chúng lại cực kỳ lồi lõm. Xe phóng bạt mạng trên đường bất kể đèn màu gì, người tham gia giao thông không ngại hụ còi chỉ để được đi nhanh một chút. Cô có thử đi xe buýt, giá vé rẻ bèo chỉ hai ngàn đồng, nhưng chất lượng xe thì phải gọi là hàng ve chai độ lại. Các tòa nhà chọc trời không nhiều như bà đã kể, quán ăn cũng không đẹp mắt. Thứ làm cô hài lòng chắc là các cửa hàng bán với cho thuê băng đĩa, coi rất đã. Thậm chí tới giờ, trong ngăn bàn bên dưới, thuyền trưởng vẫn giữ vài đĩa phim cũ mua hồi ấy. Tiếc là… cô không sắm tivi hay đầu DVD, nên về bên này coi như vứt xó!
Bây giờ ngẫm lại, có những gì Đế quốc làm được rồi?
Trường học, bệnh viện miễn phí hoàn toàn. Không có chuyện “bảo hiểm y tế” nữa vì mọi chi phí khám chữa bệnh đều miễn phí. Giáo dục ra hẳn luật quy định các trường được và không được thu các khoản tiền nào của học sinh, sinh viên. Điện và viễn thông được kéo về mọi bản làng, bất kể nơi núi non trùng điệp hay vùng đảo xa bờ, từ nối dây trên cao tới cáp ngầm qua lòng biển đều có. Văn hóa không bị lai căng như bên kia, không có chuyện con gái ra đường mặc quần ngắn tới háng hay áo hai dây ôm sát, cũng chẳng có thanh niên nào phanh ngực trần khoe hình xăm. Nhạc cũng chẳng phải thứ xập xình, hát không ra hát, hò không ra hò, ăn mặc như đồng bóng, mà đảm bảo chuẩn mực và kiểm duyệt rất khắt khe.
Trẻ con ngoan ngoãn, biết nghe lời, còn thanh thiếu niên luôn sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ, không cần phải hô hào tuyên truyền quá nhiều. Cán bộ Nhà nước sẵn sàng ngồi chung bàn cơm trưa ngoài quán với bác lao công, điều mà nhiều vị có bệnh “quan”, bệnh “sĩ diện” sẽ không bao giờ chấp nhận. Quân đội xây dựng chính quy, hùng mạnh. Điều này… Giao Long cảm thấy không khác biệt lắm, vì lần cuối cô sang thì họ cũng quân sự hóa kha khá rồi. Nhưng mấy con hẻm đầy bịch rác và phân chó thì vẫn như cũ. “Khu phố văn hóa”? Quả là trò đùa. Văn hóa thế nào khi mà vẫn nuôi gà trong lồng và lấn chiếm cái hẻm vốn đã nhỏ lắm, hay cho chó qua phóng uế trước cửa nhà người ta?
Nhưng mà thôi. Cười người hôm trước hôm sau người cười. Nghĩ vậy, Giao Long thở dài, dù điều đó khá vô nghĩa.
Đế quốc Liên hiệp, quốc gia được dựng nên từ tàn tích của Hồng Bàng, là khuôn mẫu của một xã hội quân phiệt “ôn hòa”. Tại nơi này, chủ nghĩa quân phiệt không đi cùng với sự hiếu chiến và bành trướng. Ngược lại, nó tồn tại như một thứ vữa, giúp gắn kết các dân tộc anh em với nhau. Quân sự hóa bộ máy Nhà nước, cũng như truyền bá tư tưởng quân đội cho các thế hệ, là một vụ “đầu tư” lâu dài, với tầm nhìn sử dụng kỷ luật với văn hóa lính để tạo thành bản sắc riêng cho xứ sở này, cũng như khiến người dân không quay ra cắn nhau trong thời bình.
Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt.
Quá đề cao quân sự, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, cũng như cái luật ai cũng phải đi lính làm một bộ phận người dân bất mãn. Họ thích nằm hưởng thụ, ở nhà phè phỡn hơn là vác ba lô lên và đi, thành ra nhiều đứa từng cố sống cố chết nhập quốc tịch nước ngoài, thậm chí vượt biên chỉ để trốn nghĩa vụ. Số khác, ngược lại, được đào tạo “quá” tốt trong môi trường này mà thành ra tâm lý bất ổn, luôn coi quân đội là trên hết, đánh giá thấp – hay thậm chí khinh thường – những nước theo dân chủ, thậm chí lập hiến cũng ghét. Trong mắt các thành phần đó, quân phiệt, mà phải là quân phiệt của Đế quốc, là chủ nghĩa “thượng đẳng” nhất, mọi lý luận chính trị khác đều không bằng.
Sự “cực đoan hóa”, đó là cách những nhà phân tích gọi nó. Tâm lý người dân bị đẩy tới cùng cực, trong một số trường hợp, sẽ sinh ra sự cực đoan. Biểu hiện của nó thường là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, trạng thái hiếu chiến, sự ích kỷ đối với những đối tượng khác, thái độ khinh bỉ, coi rẻ và tự cho bản thân cao hơn hẳn. Đây không phải chuyện hiếm, thời Đại chiến đã chứng kiến sự cực đoan của chính quyền Gaullia cùng tộc Alf phía Tây khi cho rằng họ mới là những loài “thông minh”, có quyền thống trị, còn những chủng “thấp kém” khác phải trở thành nô lệ phục dịch cho. Dĩ nhiên, lối suy nghĩ kiểu này đã bị thiêu rụi cùng thủ đô Parisée, nhưng nó không biến mất hoàn toàn.
Hiện tại, Đế quốc đang phải đối diện với mối đe dọa còn lớn hơn cả Việt Tân. Mầm mống của sự diệt vong đến từ chính bên trong những người đáng lý phải cống hiến hết mình vì Tổ quốc. “Chậc!”, Giao Long tặc lưỡi, vẻ ngoài hoành tráng không giấu nổi mấy con sâu nhung nhúc đang từng bước làm rầu nồi canh. Những chính sách tốt đep không cản nổi đám biến chất, cái lũ tự diễn biến tự chuyển hóa. Lại thêm tụi phản động bơm tiền, vài người bản lĩnh không vững đã dao động. Tình hình hiện tại phức tạp hơn cả những gì một người có thể tưởng tượng ra.
Và việc mang Viêm tới đây liệu có chính xác?
Dựa vào kết quả chiêm tinh, Giao Long biết Viêm nếu còn ở Trái đất sẽ không tránh được cái chết. Một cái chết thảm khốc khi bị cả xe máy, ô tô và ba gác chở tôn cùng xử lý. Cô chỉ nhìn được thế, còn chuyện luân hồi qua kiếp sau thì hoàn toàn chịu thua. Nhưng vì muốn cứu nó, nếu đem sang đây thì số phận thay đổi được, “Thi Hoàng”đã bịa ra cái chuyện chuyển sinh, để xem có lừa được không. Nếu nó đủ ngáo và tin, vậy thì cô sẽ mang đi ngay. Còn nếu không, thuyền trưởng sẽ “cắm mắt” bên đó, và tóm lấy linh hồn Viêm ngay khi nó chết. Cô định dùng phần tinh dịch bảo quản cuối cùng như con bài tẩy, thụ thai và đưa hồn Viêm vào trong trường hợp nó chết, nhưng xem ra không cần thiết nữa. Mang nó sang đây thì nhỏ sống, nhưng lại gặp chuyện khác.
Thế giới này ngoài mặt yên ả, chứ bên trong rối như nồi canh hẹ rồi. Không ai biết khi nào chiến tranh sẽ lại nổ ra, họ chỉ đang cầu nguyện cho nó đừng bao giờ tới. Giao Long không cầu nguyện. Cô hành động. Khi cầu nguyện, cô sẽ phải nắm hai tay lại, và thế là chẳng còn gì để làm việc nữa. Bởi thế, cô sẵn sàng đứng trong bóng tối mà quan sát ánh sáng, quan sát niềm vui trên mặt những người dân dưới kia, còn những thứ “ngầm”, cô và các bác già sẽ xử lý. Chỉ mong hai đứa con sau này có thể lớn lên bình yên, không có vướng vô mấy trò hề chết tiệt này nữa.
Cầm chiếc điện thoại hỏng trên tay, Giao Long nhìn chằm chằm vào, rồi ngẩng lên trời hỏi bâng quơ:
– Sẽ ổn thôi, phải không ông, bà?