Năm giờ chiều.
Mặt trời xuống núi tựa hòn lửa. Vòm trời nhuốm đầy ánh đỏ cam rạng ngời, rực rỡ đầy kiêu sa, hừng hực như thần linh thiêu đốt cả thiên không. Xanh đỏ giao hòa, vào khoảnh khắc chạng vạng, khung cảnh như bị nhấn chìm vạo sự xung đột vừa gay gắt vừa nhẹ nhàng của hai gam màu hoàn toàn đối lập nhau. Mây bay pha màu cam cam, sáng ửng lên một bên, trong khi phía kia lại tối đi, mang trên mình màu xanh thẫm của trời chiều. Những tia nắng cuối ngày cố tỏa hết sức, xuyên qua mây, hắt xuống rừng, luồn lách qua từng kẽ lá, nhuộm lên cả những chòi gác cao nhất nơi đỉnh núi Thiên Cẩm.
Nơi rừng thiêng nước độc, cảnh vật đã chìm hầu như hoàn toàn vào màn đêm. Từ khi cái đĩa đỏ kia hạ xuống trên vùng đất Nam Vang, nơi tít tận phía Tây của U Minh, thì khu rừng bên này đã không còn thấy nắng nữa. Những gì còn sót lại lúc này họa chăng chỉ là mấy tia sáng leo lét lúc cuối ngày, chút hơi tàn của vị thần thái dương sắp phải từ bỏ thế giới, giao lại nó cho màn đêm sâu thẳm. Gió thổi viu viu, xào xạc qua khe lá, trong cánh rừng nguyên sinh mà người dân vùng đây đã tôn thờ tự bao đời.
Giữa vùng núi non trùng điệp, rừng quế khổng lồ âm u, chốc chốc lại vang lên tiếng gầm văng vẳng, uy nghi của bệ ngạn, tiếng rít và những cú lướt xé gió, rào rào tựa gió lốc trên ngọn cây của bầy hổ mây quăng mình tìm mồi, và đâu đó tiếng kêu quàng quạc của lũ chim về tổ. Dưới từng mây, cò bay hàng đàn, thẳng tắp cánh, với chiếc bóng đen hơi hắt lại đằng sau. Từ dưới trông lên, dưới nền trời nửa xanh nửa đỏ, cánh cò dang ngang chìm trong sắc đen tuyền giống hệt như hiệu kỳ xứ U Minh. Cả mặt đất, cả trời cao đều đắm mình trong sắc màu giao thoa, với bóng đen trải dài, điểm thêm những nét vừa đẹp đẽ vừa ma mị vào bức tranh chiều tà, thêm một màu nữa để điểm tô cho khung cảnh kỳ ảo này.
Trong phòng thuyền trưởng, nơi chiếc đại phong cầm cũ phủ vải che kín, Giao Long thư thái ngồi trên ghế, lướt ngón tay khẳng khiu, xanh xao trên mấy phím đàn trắng ngà. Vẫn để cu Thiên trong lòng – thằng bé ngủ từ trưa giờ, vị lãnh đạo mới ngoài bốn mươi thả hồn mình cùng tiếng đàn. Tựa như vị nghệ nhân điêu luyện, Giao Long chơi chiếc đàn khổng lồ, vốn thường chỉ dùng trong các thánh đường lớn, dễ dàng như thể đó là điều mình đã làm từ rất lâu. Dẫu cho một hay sáu tầng phím, với “Thi Hoàng” điều đó không phải vấn đề.
Cô chơi hay, tuyệt hay, với những nốt trầm bổng đặc trưng của gió lùa ống thổi mà không thứ nhạc cụ nào có thể mô phỏng được. Cùng mái tóc vừa phụ đánh vừa liên tục kéo thanh điều khiển và đôi chân giậm bàn đạm mà chẳng phải nhìn, Giao Long đàn bằng một giàn giao hưởng. Tiếng nhạc lúc trầm xuống đến tận cùng, khi lại vút cao tít cung thang, với giai điệu buồn bã, u tối không thể diễn tả bằng lời. Bài nhạc đầy mâu thuẫn, với sự cắn xé nhau của âm vực, khi những ống ở cụm giữa thổi lên mấy tiếng rít cao vút, ngưỡng nghe gần như vượt quá, thì các cụm phía ngoài lại tạo nên khúc hòa âm bi tráng, tiếng nhạc phát lên hùng hồn và đầy bi thương.
Như bản cầu siêu gửi đến vong linh người đã khuất, Giao Long tấu lên với vẻ mặt vô cảm, nhưng hàm răng lại cắn nát bờ môi. Mắt cô nhắm nghiềm, với đôi dòng huyết lệ lăn dài trên gò má xanh tái không chút sức sống. Với niềm ngất ngây của quỷ dữ, Giao Long đánh mà không cần nhìn đến phím. Cô đã thuộc làu chúng, chiếc đàn được người bạn thân phương Tây tặng cho như món quà cưới hồi lấy Hồng Ma, và cũng là món quà biệt ly. Người ta nói, tình đầu khó quên. Còn gì gợi nhắc hơn món quà tuyệt vời của người mình từng yêu, để rồi phút chót cô chọn giết chết chính phần thiếu nữ còn sót lại, để không làm người ấy tổn thương?
– Ư… Mư…
Nằm trong lòng mẹ, Thiên thi thoảng lại kêu ư ử như chú mèo con bé xinh. Cái mặt tròn ủm, đáng yêu, đôi bờ má lúm đồng tiền chốc chốc lại cọ vào bụng mẹ. Bé con xoay người, nó nhỏ con hơn hẳn đám con nít bằng tuổi nên xoay trở cũng chẳng khó. Mẹ lại to như quả núi, thành ra có lăn thế nào cũng không rớt đất được. Nó nằm, quay, lăn qua lăn lại rồi chòi đạp lung tung, nhưng vẫn chẳng ảnh hưởng gì đến mẹ. Giao Long đã biết cả, cô dùng tóc mình giữ nhóc tỳ nằm yên. Mái tóc trông cứ như đang sống, tết thành từng lọn to, dài ngoằn như bầy rắn, vừa phụ chơi đàn, lại vừa trông con.
Chút chút, Giao Long lại đưa tay xoa đầu con.
Đã lâu lắm rồi, cô mới lại thấy lồng ngực mình hừng hực như vậy. Những cảm xúc chôn sâu bấy lâu nay dần sống lại, như mầm cây đâm chồi nhảy lộc trên miền đất tâm hồn, mặc cho nó đã quá ư cằn cỗi, giá băng. Ký ức bỗng ùa về. Nhắm nghiềm đôi mắt đã chẳng còn thấy được sắc màu, “Thi Hoàng” miên man trong miền hồi tưởng, với những ký ức cuối cùng khi cô vẫn còn “sống”, vẫn còn là một á nhân bình thường. Nước mắt khô cạn, thứ đang tuôn ra là máu, hệt như lúc đó. Lần cuối cùng Giao Long khóc là cái đêm định mệnh ấy, khi nằm sõng soài trên nền nhà lạnh ngắt, xung quanh máu tươi đỏ thẫm loang rộng ra khắp ma pháp trận.
Người con gái ấy khóc vì đau, khi lồng ngực bị mổ banh ra, máu chảy ướt người, nóng mà cũng thật lạnh. Lại khóc nữa, vì gã làm điều đó chính là người “cha” tàn nhẫn đã bỏ Giao Long lại để trốn biến đi với nhân tình, và quay về chỉ để bắt cóc con gái, biến nó thành vật tế để triệu hồi và kiểm soát Hồng Ma. Trong mắt lão già ấy, Giao Long chưa từng là “con” hắn, mà chỉ luôn là thứ vật dẫn với linh lực nhiều tựa đại dương. Chưa bao giờ Giao – khi ấy vẫn là Giao – được biết tới tình thương của cha mẹ. Không ai biết mẹ cô là ai, nhưng nhà vẫn chấp nhận. Bên cô khi ấy chỉ có ông nội, gia đình anh Trung và đám loi nhoi của bà đầu đỏ.
Đêm ấy, đêm hè tháng Sáu, giữa lúc ve kêu, dòng nước mắt đã cạn. Người ta còn khóc thì họ vẫn sống. Chỉ khi lệ cạn, trái tim sạn chai, và ném đi tất cả cảm xúc vào lặng im vô tận, kẻ đó mới thực sự trở thành quái vật. Đêm đó, Giao đã “chết”. Hấp hối trên sàn đất, trong căn nhà kho cũ, cô đã triệu tập Hồng Ma bằng chính dấu ấn trên tay. Lão già dùng dao rạch mu bàn tay con gái, mặc cho con mình gào thét, van xin. Sau cùng, hắn không hề nghĩ rằng thứ tưởng như là dấu ấn “xúc tác” để điều khiển thứ những kẻ ngu muội coi là hóa thân của vị Hoàng đế cổ đại lại trở thành vũ khí giết chết tất cả.
Làm chủ vua đã khó, đằng này lão lại muốn bắt Hoàng đế làm nô bộc sao?
Phừng.
Ngọn lửa đã cháy.
Giữa màn đêm dày đặc, khi cố Tổng lãnh dẫn quân tới vây bắt, họ chỉ thấy hàng chục cái xác cháy đen của đám dị giáo, những kẻ tin vào “Hội thánh Hỏa thần”. Chỉ còn lại Giao Long, với hơi thở tắt ngấm từ lâu, cùng đôi mắt đen tuyền nhìn chòng chọc lên trần nhà, nơi đã bị phá thủng một lỗ to. Cô nhớ, đêm ấy trăng non. Vầng trăng đỏ tựa máu, rực rỡ giữa thiên thượng tối mù, cùng muôn vàn các vì sao lấp lánh. Cơ thể nặng trĩu, lạnh như sương giăng, nhưng không còn thấy ướt hay đau nữa. Máu chảy ngược vào thân, và vết thương khép miệng. Người cô cứng đờ, miệng khô khốc, và mi mắt nặng trĩu chỉ chực sụp xuống.
Cô gái yếu ớt Phạm Huyền Giao đã không còn. Người nằm đó là Giao Long, cái tên Hồng Ma đặt cho, với chữ “Long” biểu thị uy quyền hoàng thất. Giao Long trở thành “Thi Hoàng”, sự tồn tại tối cao của mọi chủng hồn ma, xác sống và cả quỷ hút máu bất tử, chỉ xếp sau thần linh cổ đại. Dù đã sống lại, mà cô chưa bao giờ thực sự “chết”, thiếu nữ với mái tóc đen tuyền quỷ dị, cặp mắt như thể chứa đựng cả màn đêm bên trong hoàn toàn không cử động.
Cú sốc ấy quá lớn, bởi lẽ cô không tin được rằng mình lại bị đem tế bởi chính cha ruột. Từng mảng da, thớ thịt, tới những mạch máu li ti đều cứng đờ ra, muốn quay đầu cũng khó, mà co duỗi ngón tay cũng không xong. Giao Long không khóc, không thể khóc nữa. Thứ trào khỏi khóe mắt từ ấy về sau chỉ còn là những dòng máu đỏ thẫm, đỏ như máu mình đổ xuống khi ấy. Lâu lắm rồi, cảm giác nhói lòng ấy. Trái tim không còn nhịp đập, ánh mắt chẳng phản chiếu điều gì, khuôn mặt cứng đờ vô cảm đã trở thành cái “vỏ bọc ma”, là thứ bề ngoài không hơn gì cái xác sống của “Thi Hoàng”.
Mở mắt ra, đôi mắt nhòe đi vì dòng lệ đỏ thẫm, Giao Long nhẹ nhàng đưa tay quẹt máu. Giống như Hồng Ma, cô chỉ làm cho có lệ, vì chúng tự khắc chảy ngược trở vào khóe rồi. Cu Thiên vẫn ngủ thật bình yên, mặc cho tiếng nhạt sầu bi nãy giờ vang lên ngay bên tai. Khẽ nựng mặt con, người phụ nữ đã vứt bỏ trái tim chợt mỉm cười. Lần cuối cùng lòng mình bình yên vậy là khi nào? Thật lạ, với kẻ đã đang tâm chém bay đầu chị gái với chiếc lưỡi lê, đã từng cắn đến nát môi khi phải tự tay thi hành án tử, đã tưởng rằng cảm xúc trong mình phải chết từ lâu, nay lại thấy buồn vui lẫn lộn.
Như lũ ma thú bất kham đang lộng hành, tim Giao Long quặn thắt bởi bóng ma quá khứ, ký ức về cái chết, lẫn sự đối đầu giữa cơn cuồng sát và lòng vị tha. Bản năng luôn kêu gào tắm máu, thảm sát, nhưng bản ngã lại đè nó xuống, không cho cơn điên ấy hoàn toàn làm chủ. Hàng chục năm nay, cô đã chiến đấu, trong đêm đen, với thứ ác quỷ bên trong. Cổ họng khô khốc, ánh mắt lờ đờ, Giao Long từng muốn máu, muốn tàn sát tất cả, giết hết những ai cô yêu thương nhất, nhưng không thể. Nhưng giờ, đã không cần nữa. Để sự điên dại vùng lên và rồi đè nó xuống, khuất phục thứ dã thú kia, Giao Long đã làm chủ được bản năng “Thi Hoàng”… một phần. Không cách gì kiềm hãm nó được hoàn toàn, vả lại lời nguyền mang trên mình khiến bên trong cô càng nặng trĩu hơn.
Tiếng đàn lại vang lên. Giao Long chơi bản khác, với giai điệu vồn vã, vui tươi hơn hẳn. Từ các khe hở trên ống, gió thổi lùa ra tạo nên những thanh âm thật kỳ diệu. Lần này, bản đàn giống như tình khúc, với âm điệu nhẹ nhàng, da diết, cùng sự đau đớn khi phải chia ly hiện lên rõ ràng trong từng nốt nhạc. Đại phong cầm, khác với dương cầm bình thường, sử dụng sức gió thổi qua các ống lớn bé khác nhau mà tạo thành tiếng. Nó giống một chiếc kèn khổng lồ hơn, khi “người thổi” là hòm gió, ống đồng là phần kèn, còn nghệ sĩ chơi nhạc điều khiển bàn phím chính là việc điều hướng dòng khí. Vì vậy, bản nhạc đánh lên không giống tiếng đàn bình thường, không giống như giọt nước nhỏ xuống mặt hồ thanh lặng, mà như tiếng rít, tiếng cả dàn kèn đồng giao hưởng cùng nhau hòa nhịp.
Và cứ thế, trong niềm ngất ngây tột cùng của quỷ dữ, với hòn lửa nóng rực cháy trong trái tim giá băng, Giao Long tấu lên cuồng tưởng khúc bất hòa âm. Cô chơi, vừa chơi vừa khóc. Nhạc điệu vọng lên xé lòng, nói đau, rồi từ từ, lẫn vào đó là giọng ca sầu não, bi ai của cô thiếu nữ năm nào.
“Lạnh lùng, tàn ác như gió nơi trời cao
Hỏi người hiểu thấu trái tim này được bao?
Nắm đôi tay, khiêu vũ dưới ánh trăng
Ngọn lửa này rực cháy đến vĩnh hằng.
Qua phong lộ, vượt lên những đám mây
Ta say đắm trong lửa tình, ngất ngây
Bốn mươi năm, tận khi trong quan tài
Tình đôi ta, không bao giờ tàn phai…”
Cạch.
Hát đến đó, Giao Long dừng lại. Tóc cô kéo những thanh điều khiển nằm hai bên đàn, chuyển hướng dòng khí nóng bên trong. Sắp xếp lại một loạt những khối gỗ như vậy, Giao Long thay đổi gần như hoàn toàn hệ thống phối âm của chiếc đàn ống. Chỉnh xong rồi, cô mới tiếp tục chơi. Rướn cao đôi bờ vai gầy còm, người phụ nữ ấy giơ cao tay, đánh thật mạnh xuống bàn phím thấp nhất, cùng mái tóc đen dày gõ xuống phím ngà và hỗ trợ hai bàn chân đạp những bàn đạp dưới kia. Uỳnh…! Tiếng nhạc mới hùng tráng làm sao! Khác hẳn với âm thái nhỏ nhẹ, từ tốn và có phần bi lụy ban nãy, giờ tiếng đàn vang lên đã mạnh mẽ hơn hẳn, với các nốt trầm làm chủ đạo, trở thành khúc nhạc tuyệt vời, sâu lắng và đầy mạnh mẽ.
Hất tóc mái ra sau, thậm chí để luôn chiếc mũ thuyền trưởng xuống bụng, Giao Long ngửa mặt ra sau, ưỡn cao bộ ngực đồ sộ đến nỗi muốn bung cúc lên. Cô hoàn toàn nhập tâm vào bài nhạc, không còn để ý gì tới xung quanh nữa. Nhưng điều ấy không có nghĩa thuyền trưởng đã quên mất con mình. Để giữ thằng nhỏ không rơi, Giao Long cuộn nó trong tóc mình. Nhẹ nhàng lắm, người ấy thậm chí không hề làm đứa nhỏ đau. Tựa như chiếc nôi kết bằng chính mái tóc thơm mùi bồ kết, “Thi Hoàng” điên cuồng với khúc ca vỗ về con nhỏ, đung đưa nó trong cái nôi tóc ấy. Và dù nhạc rất hoành tráng, mạnh mẽ, cô lại không hát lớn, không muốn ảnh hưởng quá tới con mình.
Rồi một hồi, Giao Long không hát nữa. Chỉ còn tiếng đàn vọng lên đều đều sau tấm rèm cửa. Thật lâu, thật lâu, cô mới dừng lại. Bước ra ngoài, với đứa con nhỏ hẵng còn ngủ say như chết trên tay, “Thi Hoàng” giá băng bước tới bên vách, ngay trên chiếc quan tài lớn. Ngồi hẳn lên áo quan, Giao Long bồng con trong tay, nhìn chằm chằm vào mặt nó, hệt như người mẹ đã lâu không thấy con. Mà lâu thật.
Ba năm trước, vì tình hình chuyển biến căng thẳng, nhất là vấn đề lãnh thổ phía Nam, Tổng lãnh xứ U Minh đã phải đích thân điều động quân đội chủ lực tới dẹp loạn. Tàn dư của bọn vong nô, phản động Việt Tân bám rễ lại không nhiều, nhưng với thói xuyên tạc và cái lưỡi không xương di truyền nhờ bú thuốc diệt cỏ Columbia mà chúng nó khua môi múa mép thôi cũng xách động được một số phần tử bất mãn chế độ khác theo. Dù vẫn biết vùng Nam Đảo khi xưa là các tiểu quốc chư hầu, chỉ khi quân Gaullia qua xâm chiếm, triều đình mới gọi ông nội mình, tức cố Tổng lãnh, đi đánh, mới chính thức sáp nhập vào Đế quốc.
Dĩ nhiên, từ nước riêng giờ bị nhập vào, sẽ có thành phần nổi dậy chống đối, nhưng không ngờ là tới vài ngàn hộ cùng hô hào “khởi nghĩa giành độc lập”. Kỳ thực, họ đều là dân thường, chỉ bị đám Việt Tân xỏ mũi dắt đi. Quy mô cũng không lớn bằng cuộc bạo động xứ Phiên An, nhưng tính chất lại nghiêm trọng hơn vì tuy sự kiện Phiên An có hơn ba mươi vạn dân lẫn quý tộc tham gia đảo chính, đó lại chỉ là cuộc biểu tình quá khích, mới manh nha thành bạo động diện rộng và bị dập tắt ngay từ trứng nước. Lần này lại khác, do người Nam Đảo quen đi rừng, đã tổ chức chiến tranh du kích và ám sát nhiều quý tộc, sĩ quan U Minh, thậm chí từng đem quân đánh sang tận vùng Burneo.
Cũng không như trận bạo động cách đó một năm, lần này Columbia đã kịp lên tiếng “quan ngại sâu sắc” về cách Đế quốc xử lý những người mà đám chóp bu dân chủ điên khùng ấy cho là “quân ly khai” và đang “chiến đấu vì lẽ phải”. Mặc, quân Đế quốc vẫn tấn công. Cảnh sát chống bạo động với vòi rồng, súng hơi cay đi trước, sau đó tới quân đổ bộ mang hàng nóng nhào vào. Dù mấy cây K98 khá vướng víu trong rừng, loại tiểu liên đặc biệt mua từ Columbia lại tỏ ra vô cùng hiệu quả trong việc quét hào và xả đạn tầm gần. Cô nhớ khi ấy quân lính còn cười, đùa rằng quân “dân chủ” bị giết bởi súng “dân chủ” nữa cơ!
Toàn bộ thành viên Việt Tân còn sót lại ở Nam Đảo bị quân và dân lùng diệt cho kỳ hết. Hai tháng trời, họ lùng sục hàng trăm hòn đảo, lật từng phiến đất, hòn đá lên mà kiếm. Những tên phản động cầm đầu bị tóm cổ đều lên máy chém. Hồi đó, có hôm cao điểm phải dùng tới mười máy một lúc, chém thành sáu đợt mới hết. Nhiều kẻ cố bỏ chạy ra nước ngoài, hay tới nhà người thân, nhưng đều bị chính phủ vận động giao nộp. Ngoài ra, ý thức dân đa số cao, và vốn đã phẫn nộ trước sự biến Phiên An, bây giờ họ sẵn sàng đem cả người thân giao nộp cho cơ quan chính quyền.
Họ bằng lòng, mà đau đớn lắm.
Không ai muốn thấy người nhà mình chết cả. Giao Long biết, cô nhớ lại hôm đó, khi một cặp vợ chồng già đưa đứa cháu trai mới tầm mười tám, đôi mươi tới đồn giao nộp. Vừa khi ấy, cô cũng đang ở đó bàn việc chuyển các phạm nhân về nhà giam chính tại thủ phủ Java của Nam Đảo Tây. Cả hai vợ chồng đều từng là lính, đầu tóc bạc trắng như cước, mặc bộ quân phục xanh lá kiểu cũ của Lục quân với đầy huân, huy chương trên ngực.
Với cái miệng móm mém, cụ ông nói rằng con trai mình đã hi sinh ở Siegfried, đứa dâu bỏ đi lấy chồng khác, chỉ còn độc người cháu này. Ông bà thương nó lắm, cho ăn học đàng hoàng, vậy mà từ khi nào lại sinh tâm lý lười biếng, ỷ lại và muốn trốn nghĩa vụ luôn. Thằng cháu, mặt non choẹt búng ra sữa, vẫn còn đầy các vết bầm tím do bị người trong xóm đánh. Cả làng cụ đều là cựu chiến binh, có người từ thời cố Tổng lãnh dẫn quân đánh Tây, có người xuất ngũ sau Siegfried, cơ thể không còn nguyên vẹn. Họ giận nó đi phản động một thì thương hai cụ già tới mười. Không cần nói, cô cũng biết, nhất là khi nhìn vào đôi mắt chàng trai đáng ra còn cả tương lai phía trước ấy.
Theo Hiến pháp và Luật Hình sự Đế quốc Liên hiệp, người từ mười tám tuổi trở lên đã phạm tội phản động, phản quốc, nếu bị bắt tại trận hay bị tố cáo với đầy đủ bằng chứng sẽ bị xử với khung hình phạt cao nhất là tử hình công khai bằng máy chém. Nhìn vào mắt đứa trẻ đó, nó chỉ đáng tuổi con mình, thực sự chính Giao Long cũng thấy tội nghiệp. Nhưng cô tội cho ông bà nó cơ, vì đứa cháu trai duy nhất lại phải chết với danh nghĩa “phản quốc”. Họ rất buồn, thậm chí bà lão đã chực khóc. Nhưng cũng may mấy chú cảnh sát đã kịp an ủi, nếu không chắc cô cũng chịu không được mất.
Một tháng ở Nam Đảo như một tháng thử lửa với tinh thần, liên tục nghe tiếng gào khóc, chửi mắng, liên tục nhìn những gương mặt đầy đau khổ của các vị lão thành khi họ phải đau đớn tiễn đưa đám con cháu ngu muội đến chỗ chết. Liên tục như vậy, dù có là “Thi Hoàng”, có để cơn cuồng sát trỗi dậy để tự kìm lòng, Giao Long cũng gần như ngã quỵ.
Đó thực sự là quãng thời gian cực kỳ khó khăn, nhất là khi ông nội, chỗ dựa duy nhất mỗi khi mình suy sụp, đã không còn. Ngày qua ngày, phải chứng kiến lũ con nít trẻ người non dạ gào khóc, hối hận, lại phải cùng Karl canh chừng tuyến vận chuyển từ Java và Burneo về Đông Kinh xử tội, Giao Long đã tưởng mình tan nát rồi. Kể cả khi ra lệnh thảm sát bên Tây, lòng cũng không thấy nặng vậy. Quả nhiên, áp lực khi phải thi hành án tử lên chính đồng bào còn lớn hơn cả khi ra lệnh thảm sát đám Alf.
Hừm, nếu Hồng Ma ở đây, ngay lúc này, hẳn nó sẽ nói tiêu chuẩn đạo đức của mình nát quá rồi nhỉ?
– Chuẩn bài đấy!
– Vậy à?
Không thèm nhìn sang, Giao Long thừa biết Hồng Ma vừa trở về sau chuyến đi quẩy tít tận phòng máy. Quân luật cấm các hành vi làm xấu hình ảnh người lính như ăn nhậu, cờ bạc, vào những nơi dành cho các đôi trên mười tám tuổi mà vẫn mặc quân phục. Nếu bị phát hiện, những binh lính, sĩ quan sẽ bị quân cảnh báo cáo về đơn vị, rồi sau đó ăn kỷ luật treo lương, rớt lon là cái chắc.
Nhưng cái gì cũng có “ngoại lệ”, và Giao Long đã vô tình tạo ra nó mà không hề biết. Tới khi cô nhận ra, mọi chuyện đã quá muộn…
Hồng Ma, cái động lách luật công khai nhất Đế quốc Liên hiệp!
Dù hiện tại được dùng làm Bộ Tư lệnh U Minh “lâm thời”, cũng bản doanh Quân đoàn 1, thì về bản chất Hồng Ma vẫn là tài sản riêng, là tư dinh của Tổng lãnh. Giấy trắng mực đen rõ rành rành, hợp đồng và giấy xác nhận quyền sở hữu, thậm chí sổ… hộ khẩu cũng ghi con tàu là “siêu du thuyền vũ trang” do Tổng lãnh Phạm Huyền Giao đứng tên! Vì vậy, Hồng Ma không thực sự là tàu của quân đội, dù vẫn có định danh LBB như các thiết giáp hạm khác.
Luật trên này vì thế cũng nới lỏng hơn, nên mới có chuyện bà đầu đỏ lúc nào cũng trùm áo choàng đi tới đi lui, hay Masami thậm chí không mặc quân phục vẫn làm việc như thường. Sự chồng chéo quyền lực rối rắm này tạo thành vô số kẽ hở cho bọn láu cá, và cuối cùng thì từ nhà riêng của vợ, Hồng Ma đã biến chính mình thành cái tụ điểm ăn chơi đủ kiểu của hơn bảy mươi ngàn con thi quỷ và một số các thành phần lầy lội không kém. Cũng nhờ đó, bà già ma mới vớt con gái mình vào đây được, bởi lẽ cô ta không an tâm khi cho con bé đi chung tàu với cái đám thanh niên hăm mấy kia. Mắc công vài hôm nữa quân cảnh lại phải tới gô đầu dăm ba thanh niên vì tội “ấu dâm” thì khổ lắm!
Mà, cũng có sao đâu.
Dù sao, hai người họ thích cách sống tự do tự tại này hơn. Giao Long trở thành Tổng lãnh năm ấy vì ông nội muốn, nhưng với việc anh mình làm quyền Tổng lãnh và Hồng Ma vẫn giữ ghế cố vấn cao cấp, rõ ràng cô sống thoải mái hơn nhiều rồi. Hồng Ma cũng chẳng phải làm gì nhiều, vì bà già đã có siêu sai vặt Oa Lân cáng đáng hết những thứ linh tinh. Chỉ cái gì cực kỳ quan trọng thì đích thân bà mắt đỏ mới duyệt, còn chuyện nhỏ nhặt bên dưới thì không đáng lo. Ngoài ra, còn có Bộ Tham mưu và Hội đồng Lãnh địa, hai cơ quan cấp cao xử lý các vấn đề quân và dân sự nữa.
Gần như không bị ràng buộc bởi quân luật, cuộc sống trên Hồng ma diễn ra theo cái cách mà hầu như không người lính nào có thể tưởng tượng được. Nó thực sự sẽ thành một mớ hỗn loạn với các quốc gia “dân chủ”, nơi đã bỏ đi hệ thống quý tộc. Tuy nhiên, tại Đế quốc Liên hiệp, điều này tuy chồng chéo nhưng lại khá tiện. Bằng địa vị quý tộc, lại là một trong các khai quốc công thần, Hồng Ma có quyền lực chính trị chỉ xếp sau Hội đồng Đế quốc, tức Quốc hội.
Với từng ấy quyền hành, thêm quân thi quỷ và vốn là người từng cai trị U Minh, người ta nói cô nắm trong tay một phần sáu Đế quốc cũng không sai. Với tất cả sức mạnh trong tay, việc chuyển Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân đổ bộ 1, cũng chính là Ban Chỉ huy Quân đoàn 1 lên tàu với Hồng Ma không phải vấn đề lớn. Thêm vào đó, đám thủy thủ trên này cũng là thành viên quân đổ bộ, và thực tế thì con tàu thuộc lực lượng ấy chứ chẳng còn là của Không quân nữa.
Không, Hồng Ma chưa bao giờ thuộc Không quân. Cô chỉ trở thành kỳ hạm của Không Hạm đội 6 vì Giao Long cắm cờ trên đây, và thế là triển thôi. Chỉ cần nương vào việc Tổng lãnh vốn xuất thân là lính đổ bộ trực thuộc Không lực Hải quân năm xưa là ngon lành. Tuy quân hàm là “Thủy sư Đô đốc”, chức danh chính xác của Giao Long phải là “Nguyên soái”, thống lĩnh toàn bộ các lực lượng vũ trang trong vùng đất này.
Danh tiếng và cống hiến của người đã vạch ra cả một học thuyết mới để phát triển không lực theo hướng phù hợp với điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng khiến lời cô nói ra cực kỳ có trọng lượng, và ngay cả các Tổng lãnh khác cũng phải nể đến ba, bốn phần. Vì vậy, vừa là Tổng lãnh, vừa là tổng chỉ huy quân đội U Minh, Giao Long muốn chọn tàu nào làm kỳ hạm cũng được, miễn là nó có vũ khí và giáp đủ để chiến đấu.
– Vậy cơ à? Tâng bốc tớ hết năm phút đồng hồ rồi đó.
Đang miên man với mấy suy nghĩ nâng vợ, Hồng Ma bị câu nói đập thẳng vào đầu ấy dội cho nguyên thùng nước đá. Hơi cười ngượng, bà già vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh, bước tới gần vợ mình. Người Hồng Ma nồng nặc mùi rượu với mắm tôm, chắc hẳn lại mới nhậu thịt luộc nữa đây mà. Mặt cô ta không có vẻ gì như say, nhưng nghe hơi thở rõ cái mùi nồng nồng của đế thì không sai đi đâu được. Trên tàu này, nhậu được với Hồng Ma chỉ có đám cơ khí, cái hội ấy đã uống thì không còn thấy ngày mai luôn. Vậy mà khi cần thì mấy đồng chí lùn tịt ấy lại tỉnh hơn sáo mới kinh chứ!
Ngồi xuống nắp quan tài, bên phải Giao Long, Hồng Ma chưa kịp làm gì đã ăn ngay một đấm của vợ vào lưng, thành ra ngã sấp mặt xuống sàn nhà. Lồm cồm bò dậy, lão yêu bà vừa đưa tay xoa xoa mũi, vừa làm ra vẻ đau lắm, mà kỳ thực có đau gì đâu. Không sưng gì cả, vì cô là hồn của chiếc tàu. Trừ khi bị Giao Long đích thân bẻ gãy tay chân, hay chơi hẳn cú vật đập trực diện, thì còn lâu người đàn bà mọc sừng này mới rên lên vì đau đớn. Cũng vậy, chỉ ngã thôi, ảnh hưởng gì đâu? Phủi phủi áo choàng mấy cái, nhất là phần trước cặp ngực to hơn cả bí đỏ, Hồng Ma lại ngồi lên, cạnh thuyền trưởng.
– Mồm hôi như cống. – Giao Long lấy tay che mũi cu Thiên lại, nhăn mặt bảo – Lượn đi súc miệng ngay hoặc tối nay ra hành lang ngủ!
– Gớm! – Hồng Ma trề môi – Thằng bé cũng có hít thở gì đâu, che ghê vậy?
– Mùi rượu với mắm tôm sẽ làm nó gặp ác mộng.
Ơ…
Đùa à?
Sống sáu vạn năm ngàn năm rồi, lần đầu tiên Hồng Ma mới biết mùi mắm tôm với rượu gây ác mộng được đấy! Giao Long, cái khiếu hài hước của con này mục nát y như mấy xác chết bỏ không trên chiến trường rồi! Thậm chí còn chẳng buồn cười nổi nữa, nhạt quá đi mất! Nếu có chém mắm tôm ngay đây, cô sẽ mời vợ mình húp ngay. Kiểu gì thì Tổng lãnh cũng không chủ động làm đâu, nhưng các cụ dạy rồi, “đừng thách nhà giàu húp mắm tôm”, thách thì nó làm thôi. Còn giả như vẫn không được thì với độ nhạt vô đối ấy, cách chữa duy nhất là đè ngửa xuống, bóp họng rồi đổ vào.
Hừm, dù là kiểu gì thì bà già cũng sẽ tạch, hoặc ra hành lang ngủ. Thế quái nào cũng bị vợ giận mà! Hừ, cưới nhau cũng gần hai chục năm rồi, vậy mà tới cách xưng hô cũng chỉ dừng ở mức “bạn bè”! Thiệt khổ mà, hay Giao Long vẫn còn tình cảm với thằng ngốc ấy? Hồng Ma không dám chắc, quanh ý thức mình “Thi Hoàng” đã giăng vô số kết giới bảo vệ rồi. Muốn phá hết chúng, trừ khi phải gọi dân chuyên như con dệ cũ lên… À quên, nó chết rồi! Chết tiệt! Sao hồi đó không biến nó thành thi quỷ xài ngay luôn đi, lại để thứ ấy nhập Niết bàn! Hồng Ma tự chửi, rõ ngu mà!
– Ừ, ừ, ừ hử, tự kỷ xong chưa?
– Rồi thím!
Ngồi kế bên Hồng Ma, GIao Long gần như cụp mi mắt xuống. Nhìn chồng mình với dáng vẻ hờ hững, ngái ngủ và khuôn mặt hiễn rõ dòng chữ “Nó còn định tấu hài tới chừng nào đây?”, cô đang cố kiềm chế để không lăn ra ngủ vì sự nhạt và nhảm của người bạn đời của mình. Nhưng cuối cùng, thuyền trưởng cũng ráng thức mà nghe Hồng Ma càm ràm. Cô ta bảo, mình vừa mới đi thăm thú tàu ba người kia về, và nhận ra là ngoài cái hệ thống động lực có vẻ mạnh ra, bản thân lại thua kém hoàn toàn họ!
Do bị dồn vào một núi nhiệm vụ, Hồng Ma “tàu” cuối cùng phải ngồi một chỗ như con vịt cạn, trong khi với tính chuyên hóa cao, mấy chiến hạm kia có thể cơ động tác chiến giữa trận tiền. Ngoài ra, với hệ thống đẩy kiểu mới, các chiến hạm vùng Nam Đảo có thể đạt tốc độ thực tế còn cao hơn trong giấy tờ tới cả chục hải lý mỗi giờ. Nếu so sánh tương quan động cơ và thân tàu, thì công suất đầu ra của Hồng Ma cao hơn, nhưng do chỉ bố trí hai trục quạt đẩy nên cả vận tốc lẫn tính cơ động đều thua kém hai con thiết giáp hạm của lão Osman và anh già Karl.
Ngoài ra, tuy thiết kế như một tàu tấn công nhanh, sử dụng tốc độ và hỏa lực đánh vỗ mặt hay tạt sườn địch, thậm chí tiêu diệt tàu buôn, vậy mà kích cỡ trời ơi đất hỡi này đã phá hỏng tất cả! Còn đâu tính bí mật, sự ẩn thân khí cái người mình nó lù lù ra đó, còn tiếng động cơ thì chẳng khác gì Lôi Công bị bỏ đói?
Không, không đời nào một con tàu với pháo chính bắn một phát nạp hai chục phút và độ chính xác giống như súng hoa cải bắn bồ hóng lại có thể làm được mấy chuyện như thế cả. Pháo phụ thì bắn nhanh đấy, nhưng hỏa lực cũng chỉ ngang với thiết giáp hạm đời cũ, không có cửa bắn lại đám mới toanh bây giờ. Hồng Ma hoàn toàn suy sụp, cô buông thõng tay, dựa đầu vào tường, ngước mặt lên trên, mắt mở to đờ đẫn như vừa đốt sạch tiền, cắm sổ đỏ vào cá độ bóng đá và sắp sửa ra đê.
Vẫn như đứa thất tình sắp chết vì tan nát con tim mong manh, Hồng Ma còn ráng lấy chai thuốc nhỏ mắt ra, giả như mình khóc, mà kỳ thực cô cũng khóc ra máu thôi. Nhìn bạn thế, Giao Long thấy ngứa gan. Nãy giờ nghe nó nói, cô thấy lan man và nhảm như ruồi chứ có gì đâu? Mục đích chính của chiếc tàu này vẫn là làm nhà di động cho Giao Long, mọi điều khác đều chỉ là phụ. Năm ấy cô đòi vác pháo lên chẳng qua là vì thỏa thuận với đứa đóng, rằng nó sẽ giảm một nửa tiền nếu Giao Long chịu cho nó dùng linh lực của Hồng Ma làm nguồn cho đống pháo bản mẫu đó.
Thành ra ngay từ đầu, Hồng Ma đã chẳng phải chiến hạm đàng hoàng, mà chỉ là cái bãi thử nghiệm hàng nóng của bác học điên thôi! Vũ khí “nghiêm túc” của tàu là pháo phụ, phòng không với các nhà chứa xe bay dưới cánh, để Giao Long thử nghiệm khả năng tác chiến của mấy món đồ chơi ấy, cũng như nghiên cứu phương thức phòng không kiểu mới. Việc trở thành Bộ Tư lệnh chẳng qua là do thuyền trưởng… lười đi lại thôi, chứ cũng chẳng có gì lớn lao. Còn cái đứa ngu học mọc sừng nào hứng lên vác cả đám tử thi lên tàu, còn lập luôn ban chỉ uy thì nó tự bóp thôi, như các cụ dạy rồi đấy…
“Ngu thì chết, tội vạ gì!”
Chuyện chẳng có gỉ to tát, vậy mà con bựa này cứ thích xé cho to hẳn ra mới chịu cơ. Cứ làm bộ mặt như vừa lấy hết dũng khí tỏ tình xong bị ăn ngay quả phũ thần thánh “Mình chỉ xem cậu là bạn” hay bất cứ thể loại gì không phải người yêu, Hồng Ma thều thào nói:
– Đời làm tàu của tớ toàn là dối trá…
– Cậu phiền quá đó. – Giao Long vén tóc, quay qua nhìn thẳng mặt bạn – Đánh đấm hay cái gì đó thì người ta lo. Ai mướn cậu phải chuyên này chuyên nọ, phải có hiệu quả tác chiến cao hả? Việc của cậu là làm kỳ hạm của tớ, do tớ và vì riêng tớ thôi, hiểu chưa đồ dở hơi!
– Gì chứ?
– Cậu! Là! Của! Tớ!
Hít một hơi thật sâu, dù chuyện đó rõ vô nghĩa, Giao Long trừng mắt, nói gằn từng chữ một, như thể muốn cầm dao mà khía sâu vào tim Hồng Ma.
– Ha… Hả?
Đang sầu đời, Hồng Ma không ngờ lại ăn ngay quả công kích mạnh vậy từ chính bạn đời. Quả tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi nồng nặc mùi dao, bật lửa và dầu hỏa! Không thể chịu nổi trước pha tấn công mạnh mẽ như quân đội xứ nào đó đỏ rực ùa vào sào huyệt của phe gì xài chữ thập ngoặc, mặt Hồng Ma ửng hết cả lên, màu đỏ còn đậm hơn cả tóc và mắt nữa.
Khói bốc ra từ lỗ tai cô, là khói thật luôn, trong khi đôi mắt quay cuồng và người gần như ngã quỵ xuống. Nhất định là say, uống quá say rồi! Thu ngay cặp sừng vào, Hồng Ma quyết định nằm xuống luôn. Lăn ngay lên trên nắp hòm, gối đầu xuống đùi Giao Long, Hồng Ma mỉm cười đầy mãn nguyện, rộng tới tận mang tai. Và cô lại chơi ngu.
Bịch!
Một cú hất không thương tiếc, và Hồng Ma hôn sàn lần hai! Tuy lại bò dậy, nhưng lần này cô không vừa lòng chút nào. Quay qua Giao Long, bà già nhăn mặt ngay:
– Mắc gì xô hoài vậy?
– Chỗ con tớ ngủ. – Giao Long hững hờ đáp.
– Vậy tớ nằm đâu?
– Dưới sàn.
– Hả… Sao tự nhiên ác vậy?
Tuy hỏi với ý chọc vui thôi, nhưng Hồng Ma không ngờ mình lại khiến Giao Long rụt đầu vào cổ áo, việc cô ta chỉ làm khi cảm thấy xấu hổ, bối rối. Nấp sau chiếc cổ áo bành tô dựng đứng, thuyền trưởng gần như không nói gì. Tay cô vẫn giữ nhóc Thiên, đung đưa qua lại, nhưng tuyệt nhiên không làm bé con tỉnh ngủ. Mãi một hồi, cô mới nói, vọng thẳng vào trong đầu chồng:
– Đừng có quan tâm tới đám tàu kia, chỉ cần quan tâm tớ thôi, hiểu chưa? Tớ không cần cậu phải thế này thế nọ, chỉ cần cậu ở đây…
Dừng một chút, Giao Long ngập ngừng. Hạ thấp giọng, lí nhí tới mức căng hết não ra Hồng Ma mới nghe được, cô bảo:
– Tớ chỉ muốn cậu thôi, dở hơi…
– Hả?