Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 27



Ngồi trên chiếc quan tài, Viêm vẫn còn choáng váng trước chuyện hồi nãy. Nhận nuôi? Giao Long muốn nhận nuôi nó sao? Đưa tay vô túi quần, con bé chạm vào tấm thẻ căn cước. Bây giờ nó đã là người Đế quốc, nhập quốc tịch… có vẻ dễ, nhỉ? Chuyện này với light novel có vẻ không khác nhau mấy, khi người ta không cố tìm hiểu cặn kẽ nguồn cội của nhân vật chính. Nhưng, Viêm nghĩ, chắc hẳn thuyền trưởng đã thông báo trước chuyện này nên mới nhanh vậy. Với quyền lực và địa vị, cô ta hô phát là xong chứ gì.



Phía đối diện, Giao Long vẫn ngồi trên ghế, tay bồng cu Thiên, giữ chặt bé con trong lòng. Gương mặt ấy vẫn chẳng hề thay đổi, ánh mắt đen sâu hun hút hoàn toàn không có chút cảm xúc nào. Nơi khóe miệng, bình thường vẫn hay cười khẩy đầy khinh bỉ, giờ lại nghiêm tới lạ. Giao Long không cười, cũng chẳng có vẻ gì vồn vã âu yếm con. Cô vẫn là cô, “Thi Hoàng” lạnh lẽo chết người, khiến cả linh hồn cũng phải đóng băng. Và là người lính, đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường không kém gì châu Âu thời Đệ nhất Thế chiến, con bé nghĩ, ắt hẳn thuyền trưởng đã chai lỳ cảm xúc, hoặc không muốn biểu lộ nó quá nhiều.



Đang vuốt tóc con, Giao Long đột ngột ngẩng lên. Mắt chạm mắt, Viêm thấy lưng mình giật bắn như có dòng điện chạy qua. Thực sự, dù đã quen với mấy cặp mắt “độc” này, nó vẫn khó mà chịu nổi cái nhìn vô hồn, vô cảm, tựa như con đường dẫn xuống Địa ngục ấy.



Nở nụ cười “thân thiện” như ác quỷ trong Kinh thánh sắp dụ ngọt người ta, Giao Long cất giọng như dội nước đá lên đầu:



– Nhóc sang đây thì cũng chuẩn bị tinh thần đi nghĩa vụ quân sự rồi nhỉ?

– Dạ… Dạ?



Đang ngồi nghe, Viêm bỗng chưng hửng khi cái cụm “đi nghĩa vụ quân sự” thốt lên từ miệng thuyền trưởng. Chờ đã, gì cơ? “Nghĩa vụ quân sự” á? Lục lại ký ức, Viêm nhớ hồi chưa qua đây, Giao Long, khi ấy vẫn chỉ xưng “Thi Hoàng”, có nói về chế độ nghĩa vụ của Đế quốc Liên hiệp. Nhưng cô chỉ bảo nó giống Việt Nam hồi trước, từ mười tám tới hai mươi lăm tuổi phải đi trong khoảng một năm rưỡi hai năm tùy quân chủng. Lính nghĩa vụ đi xong sẽ xếp vào quân nhân dự bị, mỗi hai năm sẽ gọi tập huấn một lần, còn ai có nguyện vọng thì sẽ được tạo điều kiện cho học liên thông lên các học viện hay trường sĩ quan. Nhưng… Con bé tìm nát cái não cũng có vụ gì là nó phải đi lính đâu?



– Ôi trời, lại chọc con nít rồi à?



Thình lình xuất hiện sau lưng Viêm, Hồng Ma ngồi xuống cạnh con bé, quàng tay trái qua vai, trùm áo choàng kín mít nhỏ. Cô nhìn Giao Long, cặp mắt đỏ ngầu màu máu tươi cứ nheo nheo lại, còn miệng thì cười đầy bệnh hoạn, đến nỗi lộ cả hàm răng trắng, nhọn hoắt như dã thú bên trong. Cánh tay ấm áp kéo Viêm xích lại gần, rồi mới bắt đầu chọc vợ tiếp. Thuyền trưởng không để tâm: Cô còn phải ẵm con mình, lại đang coi những tài liệu mới được ba vị quý tộc đưa cho lúc họp. Thật sự, nhìn cô cực kỳ nghiêm túc, với ánh mắt lạnh hơn băng, vẻ mặt vô cảm và những cái chau mày có thể khiến cả thuộc cấp thân tín nhất cũng phải ướt đẫm lưng áo.



Để xấp giấy xuống bàn, Giao Long bắt đầu nói Viêm nghe về luật nghĩa vụ của Đế quốc Liên hiệp. Sửa đổi lần cuối vào tháng Mười năm một ngàn chín trăm mười ba, luật quy định mọi công dân của Đế quốc, bất kể nam nữ, chủng tộc, nếu ở độ tuổi từ mưới tám tới hai mươi bảy đều phải tham gia thực hiện nghĩa vụ trong hai năm. Các trường hợp được miễn là người khuyết tật, có vấn đề tâm thần, bệnh nặng theo danh sách của Bộ Y tế, lao động chính trong gia đình, có dấu hiệu sử dụng chất kích thích,… Đối với việc hoãn, chủ yếu dành cho lứa học sinh, sinh viên học tại các trường công lập thuộc hệ đào tạo chính quy của Nhà nước. Trường tư thục không được tính. Ngoài ra, đi du học cũng được hoãn, nhưng phải có giấy tờ xác nhận của cả nhà trường, lãnh sự quán nước sở tại và xác nhận từ phía Hải quân lẫn kiểm soát dân cư.



Đi nghĩa vụ, trừ khi xảy ra chiến tranh, thì cũng không quá nặng nề. Chi có sáu tháng đầu là thực tập thao trường, rèn luyện thể lực, tập huấn chiến đấu liên miên đến nỗi “sống khác loài người”, thời gian còn lại chủ yếu là học tập những điều cơ bản, học ôn thi đại học, làm kinh tế, học nghề, học chiến thuật, làm ruộng, học việc, học, học và học. Quân đội giống như cái trường dạy nghề khổng lồ, đảm bảo lính nghĩa vụ xuất ngũ sẽ có bằng tương đương trung cấp, có giấy xác nhận và được hỗ trợ giới thiệu việc làm. Đối với nhưng ai có nguyện vọng phục vụ lâu dài, họ sẽ được tạo điều kiện học liên thông vào các trường sĩ quan, các học viện trên toàn quốc theo đúng nguyện vọng. Việc thi cử dành cho nhóm này được tiến hành riêng, dưới sự quản lý trực tiếp từ Bộ Quốc phòng.



Dừng một chút lấy hơi, Giao Long nói tiếp:



– Đi lính hai năm, học hệ liên thông hai năm, tốt nghiệp với lon Thiếu úy ngang với đám bốn năm ngồi mòn đít trên ghế, ngon. Mà cái liên thông hai năm là cho nhánh quân nhân chuyên nghiệp, cùng lắm tới Thượng tá là kịch, không thăng nữa. Còn nhóc muốn làm chỉ huy cỡ lớn như ta thì hoặc thi trực tiếp, hoặc đi lính rồi học hệ liên thông ba năm, lâu và nặng hơn quân nhân chuyên nghiệp nhưng đảm bảo mình vào ngạch sĩ quan chính thức. Học cái đó xong là ra làm Trung úy luôn.

– Thiệt ạ? – Viêm hơi thích – Vậy con nên đi lính hay học trực tiếp luôn?

– Cái này tùy nhóc! – Hồng Ma lên tiếng, đoạn kéo con bé sát vào – Giao là dân nghĩa vụ lên đó! Đường nào thì ra cũng làm sĩ quan thôi, leo lên cao nổi không là tùy năng lực!

– Năng lực?

– Là thực lực.



Nghiêm giọng, Giao Long bắt đầu nói về hệ thống quân hàm của Đế quốc Liên hiệp và cả cơ chế phong “lon”. Có hai nhóm chính, sĩ quan và hạ sĩ quan, tương tự Việt Nam vậy. Nhóm hạ sĩ quan gồm các học viên quân sự, học viên dân sự chuyên ngành Giáo dục Quốc phòng và binh lính. Trừ học viên, còn lại sẽ chia theo bậc binh nhì, binh nhất, thiếu, trung và thượng sĩ. Cấp cao nhất của ngạch hạ sỹ quan, Chuẩn úy, là hàm tiếp giáp giữa hai nhóm, nên đôi khi nó cũng được coi là cấp đầu tiên của sĩ quan. Nhóm hạ sĩ quan này là những người trực tiếp điều động các tổ tác chiến, chỉ huy bốn thành viên khác, tạo thành nòng cốt cho quân đội Đế quốc.



Lên cao hơn, bậc sĩ quan chia làm ba cấp úy, tá, tướng với bốn bậc tương ứng là thiếu, trung, thượng và đại. Khác với hạ sĩ quan mang cầu vai vải, ngạch này được mang cầu vai kim loại có dập nổi ngôi sao, với cấp úy là màu đồng thau, tá mang màu bạc, còn cấp tướng là màu vàng kim, Số sao cũng tăng từ một đến bốn, riêng hàm Nguyên soái của Lục quân và Thủy sư Đô đốc của Hải và Không quân thì dùng màu vàng có ngôi sao sáu cánh. Đồng phục cũng khác, với huy hiệu binh chủng đính vào cổ áo, thứ Không quân chưa có, và các vòng vàng trên ống tay áo. Các học viên quân sự tốt nghiệp thường sẽ mang hàm Thiếu úy, chỉ riêng những người đặc biệt xuất sắc mới được phong Trung úy lập tức.



Nói đến đó, Giao Long bỗng đưa tay phải lên, tháo lấy cầu vai trái xuống, đưa ra trước mặt Viêm. Nhìn vào đó, con nhỏ không khỏi sửng sốt: Vàng thật hay mạ vàng, nó không quan tâm, bởi đẹp quá! Khác hẳn cầu vai của quân đội Việt Nam, đây đích thị là một miếng kim loại, với ngôi sao sáu cánh to, dập nổi hiện rõ lên trên. Nó sáng bóng, lấp lánh, đến nỗi Viêm tưởng mình có thể dùng cầu vai làm tấm gương soi cũng chẳng sao. Hồng Ma cũng đưa tay vào trong áo choàng, gỡ lấy cầu vai, đưa cho Viêm coi. Ba sao năm cánh nằm trên cùng một đường thẳng, vàng rực. Là Trung tướng… hay Phó Đô đốc nhỉ? Nhỏ vẫn còn hơi mập mờ mấy vụ danh xưng này.



Biết được mọi điều Viêm lo, Hồng Ma chỉ mỉm cười. Người phụ nữ cao to, với làn da trắng hơn tuyết đầu mùa ấy cài lại cầu vai vào chiếc áo lính dưới áo choàng da, rồi ôn tồn bảo nó, nhưng giọng giống như nói cả Giao Long:



– Vụ danh xưng vẫn còn nhập nhằng quá nhỉ?

– Ráng đi, hai năm nữa thông qua luật là đổi rồi. – Giao Long nhún vai, cúi người gần đè luôn cu Thiên – Tới chừng đó thì tớ là “Nguyên soái Không quân”, còn cậu là “Trung tướng Quân đổ bộ” nhỉ? Quân phục nghe nói giữ nguyên, nhưng sắp nhận huy hiệu rồi. Ôi cuộc đời…

– Nói chuyện như bà già á! – Hồng Ma lè lưỡi trêu vợ.

– Một con già khú đế nói cái đứa chưa tới năm chục là “già”… Thế giới này sai nặng rồi nhỉ?



Nhếch môi đầy khiêu khích, Giao Long nheo mắt chọc Hồng Ma. Bà cô tóc đỏ không nói gì hơn, có lẽ vì nể, mà cũng có lẽ thuyền trưởng nói đúng. Tuy chưa biết đích xác, hay lỡ quên, Hồng ma bao nhiêu tuổi, Viêm chắc mẩm cô ta phải rất già rồi, sống dễ có khi hàng mấy thế kỷ cũng nên? Dù thế nào, hỏi tuổi người khác cũng rất bất lịch sự, nhất là với phụ nữ. Nhỏ cũng không thực lòng muốn biết, nên chỉ ngồi im, thu mình lại nghe giảng. Qua nay chịu trận khá nhiều nên nó cũng quen rồi, cái vụ nghe tụng kinh liền tù tì mọi lúc mọi nơi ấy. Cái này nhất định là do môi trường sống, ảnh hưởng này kia nên mới sinh ra lứa người nói còn hơn cô giáo dạy Văn nữa.



Bài học lại tiếp tục. Nhưng lần này, Hồng Ma mới là người dạy, còn Giao Long chỉ im lặng quan sát. Khác với “Thi Hoàng”, chất giọng này hoàn toàn không vô cảm, đều đều buồn ngủ, mà nó giống như một nhà diễn thuyết thực sự đang nói. Hồng Ma hẳn có tài hùng biện, Viêm nghĩ thế, vì mỗi câu từ cô cất lên đều khiến ngọn lửa trong lòng nhỏ bùng cháy. Lên xuống rất nhịp nhàng, giọng điệu khi trầm khi bổng, tuyệt vời như giọng ca, mà cũng mạnh mẽ, đanh thép như người tổng chỉ huy nói trước toàn quân. Nghe rất đã, uy lực, mạnh mẽ, nhưng cũng ấm lòng và gần gũi biết bao.



Trong quân đội Đế quốc, Hồng Ma nói, quân đội được chia làm hai thành phần chính, gồm quân chính quy và quân địa phương. Quân chính quy gồm tổng cộng ba triệu sáu trăm ngàn lính Lục quân đặt dưới sự chỉ huy chung của Bộ Tổng Tư lệnh Đế quốc, tức tên chính thức của Bộ Quốc phòng, tại Đông Kinh. Ngoài ra còn có Hải quân, Không quân và lực lượng Đổ bộ đường không, tính sơ sơ tổng quân số cũng khoảng xấp xỉ mười triệu. Tuy nhiên, do quy mô lớn nên đã chia thành bảy “quân khu”, chính là bảy Đại Lãnh địa, do Hoàng đế và sáu Tổng lãnh nắm quyền trên thực tế. Quân lực ở các quân khu sẽ được điều động bởi Bộ Tư lệnh tại đó, riêng Đại Việt nằm trực tiếp dưới quyền Bộ Quốc phòng.



– À, ta là trụ sở Bộ Tư lệnh U Minh nhé!



Vừa nói, Hồng Ma vừa cười tươi rói, dù cái vụ này thì Viêm biết lâu rồi. Hiểu điều đó, cô lại tiếp tục bài học.



Trong khi Lục quân được chia rõ bảy vùng, sáu Không Hạm đội sẽ bảo vệ các vùng tương ứng, riêng Không Hạm đội 1 bảo vệ cả Đại Việt và Tây Việt, tương ứng với Việt Nam tới Bình Thuận, Lưỡng Quảng, Lào và nửa bắc Thái Lan. Ngoài Đại Việt có sáu trăm ngàn quân, các vùng kia chỉ có năm trăm ngàn, nhưng họ lại có thể bổ sung bằng quân địa phương của các lãnh chúa dưới quyền. Về mặt quyền lực, Tổng lãnh không khác gì các đại quân phiệt cát cứ riêng, dưới trướng là những thế lực quân phiệt khác, chính là quân địa phương.



Nếu không tính Hoàng đế, thì các Tổng lãnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chính là những người nắm quyền cao nhất trong quân đội, khi cả bảy đều ở hàm Nguyên soái. Tuy nhiên, không có sự chồng chéo quyền lực, vì thực tế trừ những chuyện liên quan tới cả quốc gia thì Bộ trưởng chỉ có quyền hành tuyệt đối trong lãnh thổ Đại Việt. Các khu vực khác sẽ do Tổng lãnh xử lý.



Giới quý tộc, cũng như thường dân, miễn là sĩ quan cấp cao đều được tham gia nêu ý kiến. Mỗi Đại Lãnh địa lại có một Bộ Tư lệnh lãnh địa riêng để thuận tiện điều khiển quân đội. Bên dưới Bộ Tư lệnh nói chung là các Cục, chia theo binh chủng và chức năng, rồi đến Ban Chỉ huy quân sự cấp bang, thành phố, tỉnh, quận, huyện. Thấp nhất là Ban chỉ huy quân sự cấp quận, sẽ điều động khoảng một tới ba đại đội khi có chuyện xảy ra. Ngoài ra, lực lượng dân quân tự vệ được mang súng trường G96 và K98, hợp nhất với các “hiệp sĩ đường phố” trở thành lực lượng tuần tra chính quy hỗ trợ phía công an. Tất cả đều thuộc quân chính quy.



– Nhiều quá vậy… Vậy quân địa phương? – Viêm tròn mắt hỏi.

– Cái hội đó à? – Giao Long bỗng lên tiếng – Viêm, nhóc đọc nhiều light novel, vậy ta hỏi cái.

– Dạ?

– Trong lịch sử và cả mấy bộ truyện lấy bối cảnh dị giới phương Tây, hay có đám quý tộc não tàn nuôi quân phải không?

– Dạ… A?



Viêm khẽ kêu. Nghiêng nghiêng đầu, dường như nhỏ đã hiểu ra điều Giao Long muốn nói. Con bé nhướng mày, mồm há to, nói:



– Ý cô là… giống như…

– Ừ, đúng vậy.



Hồng Ma gật đầu. Hai người phụ nữ đầy kinh nghiệm trận mạc ấy biết đứa nhỏ kia nghĩ gì. Cũng như Trái đất thời xưa, Đế quốc Liên hiệp và nhiều quốc gia khác duy trì chế độ quý tộc, phong kiến phân quyền. Điều đó nghĩa là Hoàng đế phong tước hiệu và ban đất cho gia đình quý tộc, họ sẽ được ân sủng của bề trên nhưng đổi lại phải giúp đỡ Hoàng đế khi cần. Trong lãnh địa của mình, họ được phép nuôi quân, và số quân đó sẽ không tính vào quân chính quy. Có nghĩa là mọi chi phí phát sinh, lãnh chúa sẽ phải tự mình chi trả, Trung ương không giúp xu nào cả… trừ vay nhà băng.



Vì gánh nặng kinh tế, các lãnh chúa sẽ không thể phát động chiến tranh nếu không muốn thua tan nát. Chưa kể, các lãnh địa quý tộc thường nằm ngay trong Đại Lãnh địa, vây quanh là đất Tổng lãnh hay các bang dân chủ cũng trực thuộc người lãnh đạo ấy. Vả lại, do đất quý tộc bị giới hạn bởi bản đồ hành chính của Trung ương, nên mọi hành vi mở rộng về mặt hành chính đều không được phép nếu chưa thông qua bề trên.



Tuy nhiên, các giao dịch bất động sản cỡ nhỏ, từ dinh thự trở xuống, đều được phép. Ngoài ra, họ chỉ được nuôi số quân tối đa theo quy định của Hiến pháp, và chỉ được dùng những người đã hoàn thành nghĩa vụ. Về cơ bản, quân địa phương giống như lính đánh thuê bán chính quy hơn là quân đội thực sự, làm vì tiền cũng có, mà vì lòng yêu nước thực sự cũng có. Quân địa phương được đào tạo không khác quân chính quy, nhưng thay vì có các chỉ huy ở giữa, nhà quý tộc thường sẽ trực tiếp lãnh đạo, cũng như đặt ra những sĩ quan thân cận để hỗ trợ mình.



Nói đến đây, Hồng Ma mỉm cười, bảo:



– Quân của ba người đó là dạng này đấy.

– Ý cô là họ?



Viêm hơi bất ngờ, dù nó biết ý Hồng Ma ám chỉ ba quý tộc đã tới đây. Họ đều cho quân mặc quân phục tiêu chuẩn, nhưng trang bị rõ ràng chán hơn quân chính quy… hoặc có thể chỉ là Hồng Ma quá giàu, lại có thêm Giao Long hỗ trợ nên mới khủng tới vậy. Dù gì thì Tổng lãnh vẫn là quý tộc cực lớn mà, vung tiền chi cho quân đội riêng chắc cũng không sao nhỉ?



Dù đã biết, Hồng Ma không mảy may quan tâm tới những suy tư cỏn con trong đầu Viêm. Tiếp tục chủ đề, cô nói dứt điểm về quân địa phương. Theo Hiến pháp của Đế quốc Liên hiệp, ban hành lần đầu năm một ngàn năm trăm bốn mươi tám, đời Mạc Thành Tông, Hoàng đế thứ mười chín của triều Mạc Phạm, thì quân số tối đa mà các quý tộc địa phương được sở hữu là hai vạn binh tổng cộng. Không ai được sở hữu hỏa khí có cỡ nòng lớn hơn hai phân, và mọi loại đại bác, pháo cối, pháo bệ xoay đều bị cấm, chỉ quân chính quy mới có.



Tuy nhiên, Hiến pháp năm một ngàn chín trăm mười lại tăng mức giới hạn cao nhất lên năm vạn, cùng với đó là hai ngàn khẩu pháo và hai mươi chiến hạm bay. Ngoài ra, bản Hiến pháp mới còn quy định rõ ràng bậc tước hiệu và số quân được nuôi, không kể quân hàm. Bình thường, lực lượng này thuộc về lãnh chúa địa phương, nhưng khi cần thì Tổng lãnh có quyền tạm thời trưng dụng với mức giá bằng ba phần tư giá trị quân đội mà lãnh chúa kia sở hữu, đồng thời phải cho lãnh chúa đó làm chỉ huy đơn vị vừa được triệu tập kia.



Ngoài ra, tuy luật không quy định số quân theo quân hàm, nhưng bắt buộc phải từ cấp Thượng tá trở lên mới được phép sở hữu quân riêng. Vì thế, nếu một lãnh chúa lên cai trị mà chưa đạt tới quân hàm đó, thì sẽ có ba tình huống xảy ra. Thứ nhất, quân địa phương bị giải thể, lính trở về làm quân dự bị còn khí tài thì chuyển cho Tổng lãnh. Thứ hai, trong trường hợp người tiền nhiệm vẫn còn khả năng chỉ huy thì vị ấy sẽ tiếp tục nắm quyền trên thực tế. Và cuối cùng, nếu không muốn giải tán quân đội mà người trước đã mất hoặc không còn khả năng lãnh đạo, thì sẽ phải thành lập một Ban Tham mưu tạm thời, gồm người đã đạt tới Thượng tá trong dòng họ, ít nhất hai sĩ quan thuộc quân địa phương và ba Thượng tá do Tổng lãnh cử xuống để đảm bảo quản lý tốt tình hình. Nếu không đáp ứng được điều này, bắt buộc giải thể.



– Khó quá vậy? – Viêm mệt mỏi thở dài – Luật ở đây phức tạp vậy ạ?

– Không làm vậy thì cái xứ này tan nát rồi.



Gật gù đầu, Giao Long mở lời. Đế quốc Liên hiệp về cơ bản không thực sự là một nước thống nhất tuyệt đối, mà là một liên hiệp bảy đại lãnh địa và rất nhiều bang tự do, lãnh thổ quý tộc bên trong. Chế độ hỗn tạp này bắt nguồn từ rất lâu về trướng, thời mà Đế quốc vẫn còn là vương quốc liên hiệp Hồng Bàng giữa cả trăm chủng tộc.



Chế độ quý tộc lập ra chủ yếu dành cho yêu quái, vì họ sống quần cư và mang tính trật tự trên dưới rất nặng, với quý tộc là những yêu ma mạnh mẽ, cai trị vùng đất dưới trướng cùng các tộc quy thuận. Trong khi đó, hệ thống bang lại thuộc về con người và những tộc á nhân, yêu quái nhỏ yếu, không mang tính trật tự quá cao, mà sống theo hướng dân chủ hơn. Cả hai đều được quyền nuôi quân, nhưng phải chịu sự chi phối của Tổng lãnh, người nắm quyền trên lãnh thổ lớn hơn. Tổng lãnh lại có quyền bầu Hoàng đế, chính xác hơn là bầu người kế nhiệm Hoàng đế, và nắm quyền lực quân sự.



Đế quốc Liên hiệp từ đầu đã là liên minh các tộc quần, dùng quân sự và luật pháp nghiêm khắc để thống nhất, thiết lập trật tự giai tầng trên dưới theo một thể thống nhất để đảm bảo sức mạnh và sự đoàn kết toàn dân. Vậy nên quân đội đã thấm cả vào cuộc sống của người dân rồi. Và vì cả quý tộc lẫn bang đều được nuôi quân tự vệ, Hội đồng Đế quốc, cơ quan giống như Quốc hội, đã ra luật giới hạn sức mạnh quân sự của quý tộc lại, còn các bang chịu sự quản lý trực tiếp từ quân chính quy.



Bởi lẽ, quý tộc là các yêu quái hùng mạnh, đủ tài lực cũng như uy vũ để thống trị lâu dài, còn chế độ bầu cử của các bang lại mang tính tạm thời và không bền, nên sẽ ảnh hưởng quân lực. Từ khi tái lập quốc năm chín trăm hai mươi lịch Tây tới đời Mạc Thành Tông, luật đã luôn được sửa để dân chủ hơn, giới hạn dần quyền lực chính trị của quân đội, nhưng cũng siết chặt quy chế và tính kiểm soát. Các Tổng lãnh chấp nhận từ bỏ phần lớn quyền lực chính trị ở Trung ương để được toàn quyền trong Đại Lãnh địa, củng cố quân chính quy để đề phòng những mối đe dọa khác, cả từ bên trong lẫn bên ngoài.



– Xong.



Hồng Ma mỉm cười. Bài giảng về hai thành phần quân đội đã kết thúc. Viêm cảm thấy cái đầu mình quá ư mông lung, khi phải tiếp nhận lượng kiến thức chắc chắn đủ để thi vào trường sĩ quan chỉ trong nửa tiếng đồng hồ. Đúng vậy, mới gần một giờ chiều, vậy mà nhỏ cứ ngỡ đã hàng mấy tiếng trôi qua. Kiến thức quân sự rất nhiều, nhưng cũng không quá khó hiểu, nếu không phải vì chúng chồng lấn nhau quá nhiều. Việc quân chính quy và quân địa phương, nó nhẩm thầm, chắc cũng như chính quốc và chư hầu thời phong kiến nhỉ?



Chế độ “liên hiệp” thế này, Viêm nhớ mình từng đọc về nó trước đây. À phải rồi, nó ồ lên trong bụng. Các Tuyển Đế hầu có quyền bầu chọn Hoàng đế, cùng các lãnh địa và bang tự do nằm rải rác giống như Đế quốc La mã Thần thánh, còn việc đưa ra Hiến pháp có lẽ tương đương với Thịnh vượng chung Ba Lan – Litva. Nhà vua được bầu chọn, và quyền lực nằm trong hội đồng gì đó, có Hiến pháp luôn.



Chưa bao giờ nhóc Viêm thấy hối hận vì đọc mấy tin lịch sử này cả, ngược lại nó còn thích hơn. Những nhân vật chính trong light novel, nếu có “não”, cũng thường sẽ dùng kiến thức tại thế giới cũ để phát triển dị giới Trung cổ lên. Chỉ tiếc là nơi Viêm tới lại hóa ra đã vào đầu thế kỷ hai mươi, còn chế độ chính trị lại khá hoàn chỉnh, trong khi kiến thức của nó chỉ như muối bỏ biển. Dẫu sao, biết chút ít vẫn hơn không biết gì, nhất là khi Đế quốc Liên hiệp không phải kiểu thế giới game, có bảng trạng thái và hàng đống những thứ ăn gian, hỗ trợ từ thần thánh các kiểu.



Thấy hết mọi tâm tư bên trong đứa nhỏ, Hồng Ma nhếch môi. Ngồi một chút cho não nó đừng chảy khỏi tai, cô hướng ánh mắt về Giao Long, lúc này đang âu yếm vuốt tóc con. Hiểu ý, thuyền trưởng ngẩng lên, nhìn đối phương. Không cần nói, họ hiểu nhau ngay lập tức. Thậm chí không cần đọc suy nghĩ hay bất cứ điều gì, mối liên kết giữa cặp đôi ấy đã lên tới mức chỉ cần nhìn sắc mặt, dù Giao Long gần như “vô cảm”, cũng đoán được người kia đang chứa gì trong đầu. Hồng Ma càng dễ đoán hơn, vì cô thường nheo mắt khi mưu tính những chuyện bậy bạ, đen tối.



Nhưng không phải lúc này.



Với đôi cửa sổ tâm hồn trông hơi đờ dẫn, mí mắt gần sụp xuống, phủ đôi hàng mi cong vút như lá liễu lên hai dồng tử đỏ thẫm màu máu, Hồng Ma ngồi im không nói gì. Giao Long cũng vậy. Lim dim, cô cúi thấp xuống, ôm chặt bé Thiên. Thằng cu vẫn ngủ ngon lành, không hay biết gì về chuyện nãy giờ mẹ nó nói. Nhóc tỳ ngủ mới đã làm sao! Cái bản mặt bánh bao tròn ủm với gò mà lúm đồng tiền quay sang bên, áp sát vào bụng mẹ, trong khi bàn tay trái bé xíu như búp bê nhắm chặt lấy vạt áo lính. Đôi lúc, khuôn miệng bé xinh lại chóp chép gì đó, có khi há to rồi ngậm lại, chắc đang mơ gì rồi. Nó say giấc như chú chim non trong lòng mẹ, mà đúng là vậy thật, vì Giao Long dù gì cũng là “quạ” mà, Viêm nghĩ thế. Mẹ là quạ, vậy con cũng thế nhỉ?



Khẽ nhoẻn miệng, Giao Long bảo, giọng đầy uy nghi:



– Có lẽ. Có lẽ không.

– Dạ?



Đang ngồi mơ mộng, Viêm bị giọng nói đầy quyền lực ấy kéo về thực tại, như đang đi trên đường vui vẻ mà sụp hố tử thần. Choáng váng, nhỏ nhìn lên thì gặp ngay cái ánh mắt đầy chết chóc của Giao Long. Không chút sinh khí, đen tối mịt mờ, chẳng thể biết được đằng sau màu đen tuyệt đối ấy là thứ gì. Bỗng, nó đâm sợ. Có phải mình mới nghĩ gì thất thố? Bậy bạ trong đầu, hai người này biết hết cả. Vậy có khi nào, vì nghĩ cu Thiên là chim non nên cô ta giận? Hay tại mình bảo cổ là quạ? Không biết, nhưng nó run. Run lắm. Nhìn vào mắt “Thi Hoàng”, chưa bao giờ, trừ lúc nãy, Viêm nghĩ đó là “mắt”. Chúng giống như hai cái hố dẫn xuống Địa ngục hơn, Địa ngục nằm sâu thăm thẳm trong tâm hồn mỗi người, thứ mà nếu muốn, Tổng lãnh xứ U Minh có thể lôi nó vào bất cứ lúc nào.



– Vậy cơ à?



Bất ngờ, Hồng Ma ghì tay sát vào, ôm chặt Viêm, làm nó giật mình không chống cự được. Nhưng người phụ nữ đó không đánh nó, thay vào đó, cô ta chỉ cười khì khì, giống như người cha tâm lý bá cổ con mình. Trong khi đó, Giao Long chỉ im lặng quan sát. Sau đó, cô mới nói. Viêm sẽ phải đi quân đội, đó là điều không thể thay đổi chừng nào nó còn sống ở đây.



Luật Đế quốc quy định rất rõ về việc thi hành nghĩa vụ quân sự, theo đó trừ các trường hợp miễn, hãn, còn lại sẽ phải đi cả. Việc khám sức khỏe sẽ trải qua bốn khâu tổng cộng, nên gian lận bệnh hoạn rất khó lọt lưới. Vả lại, tất cả bác sĩ đều là người chọn ngẫu nhiên từ các bệnh viện trên toàn khu vực, nên sẽ không ai biết trước người nào khám cả. Vả lại, khám quân ngũ thực hiện theo hình thức ba – một, tức ba bác sĩ khám một người. Thậm chí họ sẽ tiến hành giám định mức linh lực để xem người được gọi có tố chất làm pháp sư không, hay chỉ dùng được các phép cơ bản thôi.



Nghe đến hai chữ “pháp sư”, Viêm bỗng giật nảy mình. Giơ tay, nó thèn thẹn hỏi:



– Pháp sư… trong quân đội làm gì ạ?

– Pháp sư à?



Hơi nhướng mày, Giao Long dừng lại. Trong lúc đó, Hồng Ma lập tức thay vợ giải thích. Cô bảo, pháp sư trong quân đội Đế quốc sẽ được phân vào rất nhiều quân chủng tùy theo khả năng mỗi người. Chủ yếu họ nằm ở nhóm hậu cần, công binh, với ma pháp lập thể cho phép giả lập các cấu trúc phức tạp theo kiểu mô hình chiếu ba chiều, gần giống kiểu ảnh lập thể trong mấy phim khoa học viễn tưởng. Thực tế, phap sư không tạo ra ảnh mới mà chỉ tái tạo dựa trên hình ảnh sẵn có, để tiện cho các mục đích khác, như phẫu thuật hay sửa chữa vậy.



Ngoài ra, còn có nhóm pháp sư chiến đấu và pháp sư trinh sát. Các nhóm này gồm yêu ma, con người với á nhân sở hữu linh lực cao, sẽ di chuyển theo tổ năm người để trinh thám tình hình, thâm nhập, đột kích hay thậm chí là thủ tiêu đầu não địch. Những đơn vị này có linh lực mạnh hơn bộ binh thường, vì vậy họ được mang vũ khí hạng nặng như đại liên mười hail y bảy, bởi linh lực chuyển thành ma thuật có thể cường hóa thể chất và triệt tiêu phần lớn lực giật, điều mà đại đa số binh lính không làm được. Ngoài ra, trước khi phương tiện bay ca nhân được chế tạo, các pháp sư còn đóng vai trò trinh thám pháo binh lẫn không chiến, chi viện hỏa lực kết hợp với tàu bay. Thậm chí bây giờ, dù đã có phương tiện chiến đấu dành riêng cho không chiến, họ vẫn được xem là lực lượng phòng thủ cơ động của Không quân.



– Đã quá vậy?



Mắt Viêm sáng quắc lên. Nhỏ hứng chí rồi.



Thấy vậy, Hồng Ma tiếp:



– Mà đó chỉ là nhóm pháp sư thôi, chứ chưa ra toàn quân đâu!



Bẻ cổ vài cái cho đỡ mỏi, cô nói tiếp. Giống như hôm qua khi kể Viêm nghe về hỏa khí, HỒng Ma một lần nữa khẳng định lại rằng ở đây, ai cũng có linh lực và biết dùng đôi chút ma pháp, nhưng để chiến đấu được thì chúng cực kém. Vì vậy, ma pháp thời xưa chủ yếu dùng cường hóa vũ khí, giáp và tăng cường thể lực nhất thời. Các nhà quân sự thời ấy không đánh giá cao sức mạnh của ma thuật nhật dụng, tức những phép dùng hằng ngày, mà chỉ xem ma pháp của dân thường là thứ kích thích nhất thời. Quân sĩ sau khi xông lên sẽ thi triển phép, tăng khả năng chiến đấu tạm thời, trong khi đó các pháp sư, cung thủ và máy chiến đấu phía sau tấn công tầm xa. Kỵ binh sẽ đánh tạt sườn, kết hợp với hỏa lực từ sau đánh vào. Ít nhất, học thuyết thời Trung cổ là vậy.



Vào thời đó, ma pháp của đại bộ phận dân chúng không được coi trọng, còn các pháp sư thì quyền lực cao như quý tộc. Những chủng loài linh lực mạnh như Alf hay ma cà rồng dĩ nhiên nắm giữ quyền lực to lớn, nhưng lại bị hạn chế về số lượng. Chiến tranh càng lúc càng bế tắc, khi mỗi trận lại phải huy động hàng vạn quân đầy tốn kém, cùng chi phí cho các pháp sư có khi khiến ngay cả kẻ thắng cũng phá sản chỉ bởi tiền công. Nhiều nhà lãnh đạo, cũng như thợ rèn và chiến binh nhận ra họ cần một loại vũ khí mới có thể tận dụng triệt để ưu thế số đông, đội hình mà vẫn giúp đảm bảo uy lực như niệm phép lên giáo rồi đâm nhau như đám rồ.



– Đó cũng là lúc súng ra đời,



Khẽ gật đầu, Giao Long nói. Tuy nhiên, cô lại không đi quá sâu vào chi tiêt, chỉ nói qua loa. Bởi lẽ, cô biết Hồng Ma đã nói chuyện này rồi. Tâm ý hai người tương thông, và chừng nào dấu khắc trên tay phải vẫn còn, thì chừng đó Hồng Ma vẫn chưa thoát được. Giao Long trở lại chủ đề chính, là vấn đề gọi nhập ngũ. Đã nói, với mọi công dân từ mười tám tới hăm bảy, trừ các trường hợp đặc biệt, đều phải thi hành nghĩa vụ quân sự trong hai năm. Nếu bị phát hiện trốn, người đó sẽ bị xử phạt ành chính bốn trăm quan tiền giấy, tương đương khoảng bốn triệu đồng tiền Việt cho lần đầu tiên, còn lần thứ hai là đi tù ba năm và nộp phạt một ngàn quan tiền.



Ngoài ra, không có ưu đãi gì cho giới nghệ sĩ, vận động viên hay chính trị gia. Tất cả đều phải trải qua hai năm nhập ngũ, và chỉ những ai có giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ mới được phép làm việc trong cơ quan Chính phủ. Các nhà máy, kho xưởng, xí nghiệp, cơ quan,… thuộc quân đội cũng yêu cầu giấy xác nhận để được nhận vào làm, dù là chuyên viên hay công nhân, là lao công, đầu bếp hay bảo vệ cũng vậy.



Con cái mang dòng dõi quý tộc thì càng phải đi, nếu phát hiện trốn sẽ bị tước thân phận quý tộc, giáng làm dân thường và chịu phạt gấp mười lần người dân. Bắt đầu từ Nam tước, cứ mỗi lần tăng một tước hiệu thì hình phạt nhân đôi, và tới Hoàng tộc thì bắt buộc tham gia, nếu không sẽ ngay lập tức tước địa vị, phế bỏ quyền tham gia tranh ngôi Hoàng Thái tử, cũng như không được phép kế thừa ngôi vị trog bất cứ trường hợp nào tới khi đi chấp nhận đi lính và được xác nhận là đã hoàn thành. Bên cạnh đó, việc thi đậu và tốt nghiệp các học viện quân đội, hệ quân sự cũng được tính là đã hoàn thành nghĩa vụ, còn hệ dân sự, kể cả chuyên ngành Giáo dục Quốc phòng, vẫn sẽ phải đi lính.



Nói tới đây, Giao Long nhắm mắt lại. Nghỉ chừng vài giây, cô tiếp tục, nhưng mắt vẫn nhắm:



– Trong quân ngũ, không có sự phân biệt giới tính, địa vị, giai cấp, chủng tộc gì cả. Tất cả đều bình đẳng trong màu áo lính, dưới lá cờ chung của Tổ quốc. Kể cả hoàng tử, công chúa mà lôi thôi thì cũng chịu phạt như bao người. Sự phân biệt duy nhất là quân chủng, còn trong quân đội, chỉ có duy nhất trật tự thứ bậc. Tất cả đều được duy trì nghiêm chỉnh và hoàn hảo. Vậy nhóc thấy sao?

– Dạ… Quân phiệt ạ?



Nghiêng nghiêng đầu, Viêm trả lời. Nó không nghĩ mình sai, nhưng nếu nói trước mặt người khác, chắc chết luôn rồi! Cũng may hai người này hiền khô!



Nghe Viêm nói, Giao Long chỉ nhếch mép. Cô không nói, thay vào đó, Hồng Ma tiếp lời:



– Đúng, quân phiệt, rất quân phiệt là đằng khác! Bọn dâ chủ phương Tây nói chúng ta là quân đội có quốc gia, kệ! Không có đám “quân phiệt” này thì Gaullia nó làm cỏ hết đám dân chủ ngu học rồi! Thế mà vẫn ẳng được! Chó lợn liệt não! Lũ đó, ta thề, da số chúng nó tâm thần, đám cò lại cùng lắm khôn tối đa bằng lợn!

– Khôn bằng lợn… e he he…



Ngồi nghe Hồng Ma “bức xúc”, Viêm chỉ biết câm nín trước những câu chửi quá đỗi sáng tạo của cô ta. Thậm chí bà cô tóc đỏ còn giải thích, chó lai lợn sẽ đẻ ra chó lợn. Theo sinh học, vì là con lai giữa hai loài động vật khác nhau nên bộ gen của chúng sẽ có vấn đề. Thường thường con lai khác loài bị vô sinh, nhưng do lai giữa hai cái giống thường bị ví là “ngu” nên cái ngu nó bình phương lên, cuối cùng ra thứ “liệt não”! Đến chịu với cái giải thích, Viêm bó tay hoàn toàn!



Vỗ vai Viêm mấy phát đau điếng, làm nhỏ suýt lộn cổ xuống sàn, Hồng Ma cười ha hả, sảng khoái nói:



– Thấy chưa nhóc? Chửi cũng phải chửi có khoa học nhá! Cái này khoa học nó chứng minh cho nhá, không phải ta phịa ra đâu! Phải không Giao?

– Ừ ừ, là “khoa học”.



Vừa nói, Giao Long vừa liếc nhìn Hồng Ma, rồi quay sang Viêm. Tuy không nói, con bé biết ánh mắt đó rõ ràng là khinh bỉ! Vậy mà Hồng Ma, có lẽ không biết thật, hay làm bộ ngu thì nó cũng chẳng rõ, vẫn cứ oang oang cái mồm:



– Khoa học đấy, ha ha! Chửi là phải chửi tắt bếp, chửi sâu, chửi thâm, chửi cho nó không bao giờ dám chửi lại nữa! Ga ha ha ha ha ha!


TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv