Cảng Friedrichshaven, tháng Mười hai năm một ngàn chín trăm lẻ ba.
Mùa đông đã về thật rồi. Trên những con đường lát đá thẳng tắp của thành phố cổ, tuyết rơi trắng xóa, dày đến hàng tấc. Trời âm u, phong lộ nằm ngay phía trên, với những luồng mây vần vũ lúc nào cũng như muốn nổi bão. Nhưng người dân vẫn không quan tâm. Từ bao đời nay, họ đã quen với nó. Thiên nhiên nơi Tây Bắc Valhöll rất khó chịu, dẫu vậy vẫn không quá khắc nghiệt. Con đường gió lơ lửng trên ấy không ảnh hưởng mấy tới thành phố, mà còn giúp tàu di chuyển dễ dàng hơn. Tàu bay ấy.
Bước đi dưới bầu trời hẵng còn xám xịt, Fritz khẽ thở từng hơi lạnh buốt, đoạn đưa tay vào túi áo bành tô. Người sĩ quan mới trở về từ cuộc đại chiến Siegfried ấy đang cố điều chỉnh lại thói quen sống, khi mới chỉ vài tháng trước, anh vẫn đang ăn khoai luộc ở nơi đạn pháo bay sát rạt đầu, thì giờ đã về với cuộc sống hòa bình rồi. Nhìn mấy dãy nhà cổ kính, hàng trăm năm lịch sử chìm mình trong làn tuyết trắng xóa, với mấy nhũ băng lấp lánh nơi hàng hiên khiến người thanh niên mới hăm lăm, hăm sáu ấy thấy nhẹ nhõm làm sao. Chiến tranh đã lùi xa ra sau, giờ đây mình đang tận hưởng bình yên tuyệt vời…
Bước một mình, Fritz bình thản quan sát cuộc sống nơi đây. Gần hai mươi năm ở kinh đô Branden, chàng thiếu tá sống với cái không khí tấp nập, khẩn trương của đại đô thị hơn ba triệu dân, với những tòa cao ốc hàng chục tầng ngày ngày mọc thêm cùng những cung đường trên không chạy ngoằn ngoèo vùng ngoại thành, dẫn vô trái tim của Đế quốc Valhöll. Trong cái thế giới ấy, người con trai này lớn lên giữa bốn bề phồn hoa, giữa những nhung lụa ngọc ngà mà mấy người đồng trang lứa ít ai tưởng tượng nổi, đã quen với cuộc sống xô bồ, thị phi của thủ đô rồi. Vậy nên giờ đây, dù Friedrichshaven là cảng hàng không lớn nhất phía Tây quốc gia, thì cái sự bình dị của khu phố cổ, nằm ngay cạnh vùng công nghiệp và các sân bay, làm lòng anh nhẹ nhàng đến lạ.
Dù đường phố đã ngập sâu trong tuyết, người dân vẫn đi làm, đi học vô cùng bình thường. Nhìn nụ cười niềm nở trên mặt mấy cụ già, cái ôm nhau chào tạm biệt của các cặp mới cuối, hay chỉ là cái thơm chào con của mấy bà mẹ, và cả sự hớn hở, vui tươi của đám trẻ con, Fritz đã thấy thật tuyệt rồi. Branden, nơi anh sống, là thành phố của vạn ống khói. Nhà máy, xí nghiệp khắp nơi, và người ta đi làm luôn rất vội vàng. Ai cũng sống vội, và có vẻ rất vô cảm, chứ không như nơi này.
Friedrichshaven không có mấy băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền, cũng không có loa phát thanh lúc nào cũng bật mấy thông tin nhà nước. Nó chỉ có hàng thông dài trắng xóa màu tuyết, xen kẽ sắc nâu gỗ và màu xanh của lá. Nhà của không cao, mà cũng bởi thế, nơi này không ngột ngạt chút nào. Mọi người đều mặc áo ấm, đội mũ lông hay vải dàu giữ nhiệt, quấn khăn quàng, nhất định lạnh lắm. Nhưng… Fritz nghĩ, trời lạnh đấy, nhưng nơi này ấm tình người làm sao! Nhìn niềm vui trên mặt họ, anh nghĩ, nó còn đáng giá hơn cái “sản lượng công nghiệp” mà đám tài phiệt lúc nào cũng ra rả vạn lần.
Hôm nay, Fritz đi một mình. Thực sự rất khó để đám hầu cận, lính canh và các thể loại bám đuôi, nịnh bợ khác chịu ngồi nhà. Mặc chiếc áo bành tô da đen sẫm, dày cộm, anh đội chiếc mũ lông gấu lớn, che đi mái tóc vàng hoe bên trên, chỉ lộ ra vài lọn lòa xòa trước vầng trán cao. Phía dưới cái áo khoác lớn cổ lông bám vài ba bông tuyết ấy, bộ quân phục Lục quân đen cài hàng khuy dài ẩn hiện sau chiếc khăn quàng dày cộm. Chiếc huy hiệu thập tự sắt lấp lánh ngay trước ngực, với lớp viền bạc đã bám đầy hơi lạnh. Đôi ủng lớn, cổ cao tới đầu gối dưới chân chỉ vừa đủ giữ ấm, nhưng dẫu sao nó vẫn đỡ hơn cảm giác lội bùn mùa đông khi còn đánh nhau.
Hòa bình rồi.
Đã gần nửa năm từ khi Gaullia chính thức ký văn bản đầu hàng không điều kiện. Năm sau, các siêu cường mới sẽ họp tại cung Hampton Court để bàn về việc chia lại khu vực ảnh hưởng, thuộc địa và cả vùng chiếm đóng trên lãnh thổ Gaullia. Nhưng đó là chuyện của mấy nguyên thủ, còn Fritz, anh chỉ quan tâm tới cuộc sống bình yên lúc này.
Đứng từ khu phố cổ mà phóng tầm mắt ra phía xa, vào sâu trong đất liền, khu công nghiệp hiện lên sừng sững như cả tòa lâu đài cơ khí. Khác hẳn với vùng ngoại thành này, khu công nghiệp Friedrichshaven tập trung tất cả những gì tinh hoa nhất của nền công nghiệp vùng duyên hải Tây Bắc, với hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp san sát nhau. Tuy chỉ cách mỗi một con sông, mùa này đã đóng băng, mà cứ như hai thế giới khác vậy.
Vừa đi đường, Fritz vừa tiến lại gần khu công nghiệp hơn, vì cảng hàng không nằm trên đường từ đây sang đó. Đường đi vẫn ngập trong tuyết, nhưng tại đây, khi đi qua ngã tư thứ sáu của trục đường chính, qua vòi phun nước phủ đầy băng tuyết lạnh ngắt, cảnh tượng dần thay đổi. Không còn là các dãy nhà ba bốn tầng xinh đẹp, cổ kính san sát nhau với màu sơn cũ kỹ và các nhũ băng nữa, thay vào đó, khung cảnh ấy giống hệt khi anh còn ở Branden.
Kinh đô công nghiệp.
Tuy quy mô hoàn toàn không thể sánh ngang với kinh thành cơ khí Branden, “Trái tim máy của Gaia”, Friedrichshaven vẫn sở hữu khu công nghiệp được coi là số một ở vùng lãnh thổ này. Đã nghe danh nhiều, nhưng giờ nhìn tận mắt Fritz mới dám tin vào điều đó. Trước đôi mắt xanh lơ ảm đạm đó, hình ảnh một Branden thu nhỏ hiện ra, với đầy những cung đường xây cao, các cầu vượt, cầu dẫn, đường ống và ống khói đâm thẳng lên trời hiện ra mới thật rõ ràng làm sao.
Tuy chỉ cách nhau một chiếc cầu và dòng sông đóng băng, thậm chí nhiều người còn thoải mái chơi trượt băng trên đó, Fritz thấy hai thế giới sao mà khác biệt quá! Sau lưng chàng trai ấy là thành phố cổ với gam màu tươi sáng, dù thời gian trôi đi đã rất lâu nhưng cái vẻ sinh động, tươi vui và ấm cúng của nó vẫn còn nguyên đó. Người ta sống rất vui vẻ, với bầu không khí trong lành, thoáng mát. Tuy đến đây khi tuyết đã phủ kín và mấy góc thông chỉ mới được chuyển về từ rẻo cao, anh vẫn có thể mường tượng ra thành phố cảng vào những mùa khác, ki hàng cây phong phủ lá xanh um sáu tháng đầu năm, rồi sau đó nhuộm đỏ hết mọi con đường với sắc đỏ cam mỗi dịp thu về. Còn bên kia…
Sừng sững bên bờ dòng sông Rurh đã đóng băng, vùng công nghiệp khổng lồ Friedrichshaven của bang Nordensachsen. Trái ngược hoàn toàn với thành phố cổ kính nhiều màu sắc bên này, phía bờ kia chỉ độc một màu xám tro ảm đạm, có lẽ do ám muội khói lâu ngày. Khu vực ngoài cùng, hàng trăm khu nhà tập thể của công nhân mọc lên san sát, trong khi đường phố trơ trọi không có nổi một gốc gây. Mấy trụ đèn cũ kỹ, đen xì đứng chỏng chơ bên lề đường làm ai trông thấy cũng không nén được tiếng thở dài. Trên nóc mấy căn nhà dài bằng cả dãy phố ấy, khói xám bốc lên nghi ngút, cùng với khói đen từ nhà máy xả cuồn cuộn, hòa quyện với cái màu xám ngắt của bầu trời mùa này khiến không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu đến lạ.
Trông về đằng xa, chàng sĩ quan trẻ tuổi thấy rõ những cung đường trên cao, hệt như mô hình “Cao tốc liên bang” mà người cha “đáng kính” lúc nào cũng bàn với Thủ tướng và các Bộ trưởng mỗi khi có dịp đề cập đến. “Cao tốc liên bang”, hệ thống đường nhiều làn xe chạy dài khắp đế quốc, hạn chế tối đa các ngã tư, thay vào đó là việc sử dụng hợp lý cầu vượt, đường trên cao, vòng xoay và các xa lộ nối liền nhau thành mạng lưới giao thông liền mạch nối giữa các thành phố, trung tâm công nghiệp và những chỗ thiết yếu với nhau. “Hừm, hiểu rồi…”, Fritz nghĩ bụng. Friedrichshaven được xem là nơi phát triển công nghiệp nhất phía này, nên cũng không khó hiểu nếu cái hệ thống ấy vươn tới tận đây. Chẳng có gì lạ cả.
– Chẳng có cái gì lạ cơ?
– Hử?
Giật mình vì tiếng nói bỗng vang lên từ đâu, Fritz quay ngang quay dọc nhìn thì bắt gặp ngay Giao Long đang đi. Nhìn túi bánh mỳ vẫn còn nóng hâm hấp trên tay, anh Thiếu tá đoán ngay cô mới mua nó ở cửa tiệm nào về. Giao Long vẫn như cái hồi đầu gặp nhau, luôn mặc quân phục Đế quốc Liên hiệp, chỉ khác là hôm nay cô ta không mang súng theo. Còn trước đó, ấn tượng đầu tiên khi giáp mặt chính là cô gái cao lớn đáng sợ, với cặp mắt đen đặc như bóng tối và “hai cái túi chứa đầy ước mơ và hi vọng của đàn ông” nảy tung tưng theo mỗi bước đi, khiến ngay cả mấy ông già cấp cao cũng phải lén liếc nhìn.
Nhưng quan trọng hơn, Giao Long thuộc quân Đồng minh, cái tên chung để chỉ lực lượng của mười bốn quốc gia hỗ trợ Valhöll trong trận chiến này. Fritz nhớ, khi đó tổng quân lực ở phía Đông chiến tuyến là khoảng sáu triệu bảy trăm ngàn quân, còn bên kia là tầm bốn triệu. Nhưng điều đó bây giờ không quan trọng. Bởi lẽ… vì sao cô ta còn ở đây?
Quân Đồng minh vốn đồn trú trên lãnh thổ phía Tây Valhöll đã rục rịch về nước từ tháng Bảy, nhưng với tình hình hẵng còn rối ren, họ đều để lại một phần nhỏ quân lược. Bốn năm chiến tranh, miền Tây đã bị tàn phá nặng nề. Trừ nơi này vốn nằm sâu trong lãnh thổ Valhöll, còn lại các trung tâm kinh tế, công nghiệp trải dài trên một trăm cây số tính từ biên giới lùi vào đều đã bị quân lực Gaullia tàn phá cả.
Sáu tháng đầu, chúng tiến quá nhanh, lại thêm ưu thế tàu bay pháo kích rải thảm lên các thành phố khiến bên đây không kịp trở tay. Giờ mọi chuyện đã kết thúc, quân đội liên minh ở lại dù nói là để giám sát tình hình, kỳ thực còn giúp Valhöll tái thiết nữa. Nhưng Giao Long thuộc Không lực Hải quân của Đế quốc Liên hiệp. Họ chỉ để Lục quân ở lại, còn bên Hải quân rút về cả mà? Vậy sao con mắm thích nói chuyện trong đầu người khác lại còn ung dung đi mua bánh mỳ ở chỗ này chứ?
– Gọi người ta bằng cái tên khó chịu thế sao? Hèn gì anh vẫn chưa có người yêu đấy, Thiếu tá.
Mỉm cười đầy châm chọc, Giao Long bước tới ngay cạnh Fritz. Cô cúi người, để cặp ngực đầy đạn tỳ sát tay anh ta, tới nỗi nếu bị ai bắt gặp, họ sẽ ngay lập tức nghĩ đó là hành vi không đúng đắn. Mà vậy đã đỡ! Kể cả có “không đúng đắn” đi nữa, chàng trai ấy vẫn không thấy bị sỉ nhục bằng việc con mắm cao hơn cả tấc suốt ngày kiếm chuyện chọc ghẹo mình. Chưa bao giờ Fritz thấy mặc cảm như khi ở cạnh Giao Long: Ở đây anh cao cũng tương đối, vậy mà lại có con mắm kém mình ba tuổi, lại hơn những một tấc á? Nó uống sữa cá voi hay gì vậy?
Hồi còn trong quân ngũ, người ta thấy Giao Long rất nghiêm túc, khó gần, ít nói cười, nhưng khi ở riêng mới biết cô ta nhây thế nào. Dù quân phục Đế quốc rất kín, lại thêm chiếc áo khoác dày cài cúc kín bưng như ma sơ, vậy mà chính cái vẻ kín đáo đó lại khiến mấy đường cong ấy lộ rõ ra nữa. Ở chung một doanh trại với Giao Long cứ như tu khổ hạnh diệt dục, không dám làm bậy bạ, nếu không nó thành tai tiếng trong quân ngũ thì chết chắc với bố già ở nhà!
Cũng may mà không ai để ý, với lại Giao Long cũng nhanh chóng đứng thẳng lên. Đoạn, cô bảo anh tới ngồi xuống ghế đá ven sông chơi. Cũng tiện thật, chính quyền thành phố chắc hẳn đã đầu tư rất nhiều để cải thiện cảnh quan môi trường bên khu phố cổ, thậm chí biến bờ sông bên này thành nơi vui chơi giải trí cho người dân. Thật tiện, tuy phải lấy tay phủi tuyết và dù đã mang găng dày, Fritz vẫn không thôi phát cóng lên. Thấy vậy, Giao Long chỉ mỉm cười. Cô đưa tay, tay trần hoàn toàn, phủi sạch tuyết rồi kéo vạt áo sang lót ghế. Đoạn, với ánh mắt lộ rõ vẻ trêu ngươi, khuôn mặt siêu nghiêm túc không cảm xúc và cái miệng nhếch lên đầy châm biếm, cô khẽ bảo:
– Ngồi xuống đi, thưa “Thiếu tá”!
– Cô… Cô…
Ngượng chín đỏ mặt, nhưng Fritz vẫn phải ngồi xuống. Chân anh, dẫu không muốn thừa nhận, đã mỏi rồi. Các cụ phán quả cấm có sai, trời lạnh mau mất sức… và đói nữa! Dù đã ăn sáng ở nhà, nhưng giờ bụng chàng trai lại bắt đầu réo. Mới hơn tám rưỡi sáng, vậy mà anh cứ tưởng như thể sắp ăn trưa rồi vậy. Nhưng vì sĩ diện, anh không mở lời. Còn gì xấu hổ hơn đi xin đồ ăn của phụ nữ, nhất là sau khi nó mới quay mình như dế chứ? Hừm, không sao, Fritz đinh ninh. Nếu dùng linh lực, anh sẽ thấy đỡ hơn, chút đỉnh thôi cũng được. Hừm, đành thế.
Ngồi xuống ghế, và cố tình tránh xa chỗ vạy áo Giao Long phủ sẵn, Fritz nhìn cô nàng phương Đông đầy vẻ nghi ngờ, dò xét. Anh không thực sự coi Giao Long là kẻ thù, mà giống như kẻ gây rối hơn. Rất khó để biết đằng sau vẻ ngoài lạnh giá, vô cảm ấy là gì. Cả những tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm hay các chuyên gia tâm lý học bên quân y cũng không cách nào lần ra được suy tính trong đầu Giao Long. Người ta nói, đao kiếm, miệng lưỡi có thể dối lừa, nhưng mắt thì không. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là tấm gương phản chiếu thế giới và cũng là thấu kính để nhìn vào bên trong một người. Vậy mà khi đối diện cô, Fritz chỉ thấy bóng đêm vĩnh cửu, với sáu vòng tròn đỏ thẫm đồng tâm, nhìn lâu lại ngỡ chúng trở thành đường trôn ốc rồi xoáy sâu vào ấy!
Và rồi, ngay khi chỉ mới yên vị, Fritz bất ngờ nhận ngay ổ bánh mỳ ngọt từ tay Giao Long. “Nhân kem sữa.”, cô nói, “Không phải anh đang đói sao? Ăn đi.”. Nghe thế, Fritz phát hoảng. Không lẽ mình lại bị nhìn thấu rồi? Gần đánh rơi cả chiếc bánh xuống đường, anh quay sang, trố mắt hỏi ngay:
– Cái… Sao cô…
– Biết anh đói? – Giao Long nhún vai đáp – Ờ thì cái bụng anh thành thật hơn bản mặt đấy, hì!
– Hả…?
– Ăn đi, ngại ngùng cái gì!
Vẫn còn bối rối trước việc được mời ăn, Fritz càng sốc hơn khi thấy nụ cười trên môi cô gái ấy. Đẹp… Đẹp quá! Khác hẳn với kiểu cười lả lớt, mời mọc của đám đàn bà Gaullia sẵn sàng lên giường với mình chỉ để đổi lấy việc không bị quân lính báo thù này nọ, hay các bà các thím quý tộc lẳng lơ chỉ muốn làm quen kết hôn để dựa hơi gia thế, Giao Long cười rất hồn nhiên, giống như nàng thiếu nữ ngây thơ trong sáng mới bước chân vào đời. Suốt bốn năm qua, dù ở cùng đơn vị nhưng chưa bao giờ anh thấy cô ấy cười cả. Lúc nào cũng vậy, cái mặt mâm ấy không phải ủ dột đưa đám thì cũng không cảm xúc, đáng sợ và khó gần, nư thể tuyên bố sẽ cắt cổ ai dám tới gạ gẫm vậy.
Mà bỗng dưng…
Fritz lại thấy ấm lòng?
Cầm cái bánh vẫn còn nguyên trong chiếc túi giấy, Fritz lấy ra, tần ngần một hồi rồi cũng cắn luôn. Ừm, vị ngọt, ngon và béo ngậy của kem sữa, lại thêm lớp vỏ mềm mới lấy từ lò ra vẫn còn ấm nóng khiến người anh phừng phừng lên như lửa đốt. Không hề nóng nực, ngược lại hơi ấm rất dễ chịu. Từ miệng xuống, vị ngon tuyệt vời của miếng bánh chạy dọc theo cuống họng, mang theo hơi ấm xuống bụng, rồi lan đi khắp người. Chất kem mềm mềm ẩn sau lớp vỏ bột làm nó ăn rất đã, không ngán như mấy loại dùng nhân phô mai hay bơ, đường, mật ong thông thường.
Nhưng dẫu rất đói, Fritz cũng không thể ngấu nghiến cái bánh trước mặt một cô gái được. Huống hồ, dưới lòng sông vẫn còn rất nhiều người đang chơi, và con Giao Long chuyên đâm ngang thọc xéo ngồi ngay kế bên nữa. Không biết sau vũ này, nó có lấy ra làm trò mèo gì không. Fritz phải đề phòng, cô ả vốn khó đoán lắm. Từ khi thấy cách mắm cầm quân đột kích, đánh phá cứ điểm và đi rừng diệt giặc, anh đã biết suy nghĩ của nó không phải bình thường.
Ừm, không, hình như ai bên đó cũng thế cả. Tư duy chiến thuật của họ quá khác với phương Tây, đặc biệt là việc sẵn sàng vứt bỏ tự trọng, danh dự, làm tất cả để chiến thắng. Dù vẫn biết trên chiến trường không có chơi đẹp, nhưng anh, người được dạy các phép tắc hiệp sĩ, danh dự, lễ nghĩa và cả tư tưởng quý tộc từ nhỏ, khi đối diện với người cũng mang thân phận con ông cháu cha như mình, lại sốc toàn tập trước cách hành xử phải gọi là lỗ mãng của cô ấy. Cả những sĩ quan, binh lính khác cũng thế. Không quan tâm danh dự, không cần biết tinh thần hiệp sĩ, sẵn sàng đánh lén, dùng vũ khí hóa học để thắng, tất cả đều phục vụ cho mục đích cuối cùng.
Cuối cùng, sau vài phút suy tư lung tung, Fritz cũng nuốt hết chiếc bánh vào bụng. Ài… Hơi ấm từ bao tử lan ra khắp người mới dễ chịu làm sao! Hờ hững “cảm ơn” Giao Long về bữa ăn bất ngờ, anh chàng chợt hỏi:
– Cô còn làm gì ở đây vậy? Không phải Hải quân rút về rồi sao?
– Tôi có nhiệm vụ khác.
– Nhiệm vụ khác?
– Chà, nói sao nhỉ?
Nghiêng nghiêng đầu, Giao Long hơi suy tư. Đoạn, cô trả lời:
– Ông nội nói tôi nên đi vòng quanh thế giới, để thấy người ta sống thế nào, xã hội phát triển và còn bất cập ra sao, sau đó hẵng về. Ngoài ra, còn phải thi lấy bằng lái zeppelin nữa!
– Ừ nhỉ, cô chưa có bằng lái mà. – Fritz gật gù – Nhưng du lịch khắp thế giới à? Chi vậy?
– Ai biết? Lệnh là lệnh thôi. Kệ đi.
Trả lời đầy lãnh đạm, Giao Long bâng khuân hướng ánh nhìn về khu công nghiệp Friedrichshaven. Hiện lên ngay trước mắt người con gái nơi đồng lúa vàng tươi ấy là hàng chục cac dãy nhà tập thể cho công nhân cùng gia đình họ sinh sống, trong một thế giới chỉ độc màu xám tro. Cửa sổ lạnh lẽo phủ đầy tuyết nơi bục gạch hoàn toàn không có ai phủi đi, các nhũ băng treo đầy trên mái và máng xối, lại thêm những ánh đèn giao thông đỏ, vàng, xanh lá lập lòe sau màn sương lẫn khói khiến bên ấy cứ như thế giới nào khác vậy, tách biệt hoàn toàn với phố cổ.
Dẫu ở cùng thành phố, hạ tầng hai bên quá khác biệt. Đường đi, cầu vượt xây cao giúp giao thông vận tải bên ấy tốt hơn hẳn, bên này ngồi trông sang mà còn nghe rõ tiếng động cơ, tiếng còi xe inh ỏi, cả mấy đám khói hôi mùi máy móc xả ra từ ống pô đằng sau. Xe chạy bên trên rất nhanh, còn ở đường sá dưới mặt đất, đèn giao thông nháy gần như liên tục, điều khiển các luồng phương tiện ngược xuôi trong khu vực mà theo cô biết, được quy hoạch như một bàn cờ vua. Ngã tư nối tiếp ngã tư, chia các dãy nhà vùng ngoài thành từng ô tách nhau bởi con lộ rộng tầm chục thước, và cái dải sơn trắng người ta vẽ lên ở mỗi đoạn đường giao nhau. Trong khi đó, bên này, đường vẫn còn nhỏ xíu, lát đá bình thường và không hề có xe cộ gì cả. Khác biệt thật.
Sâu vào bên trong, ẩn sau màn sương trắng đục như cháo loãng ấy, Giao Long thấy cả những nhà máy, xí nghiệp, các công trường đang xây dựng, và cả những ống khói khổng lồ – biểu tượng của ngành công nghiệp Valhöll. Sừng sững, hiên ngang giữa đất trời, ngay trên vùng đất cửa sông, vùng công nghiệp phức hợp Nordensachsen – Friedrichshaven, tên chính thức trên các bản đồ của nó, thực sự là kỳ quan đáng kinh ngạc của thời kỳ hậu Cách mạng Hơi nước. Nghe nói, cùng với kinh đô Branden, các thành phố Frankfurt, Zuydette và Danburg, chúng tạo thành năm trung tâm cơ khí của vùng Trung Gaia, tất cả đều nằm trên quốc gia rộng lớn này. Thực sự, cô nghĩ, tiềm lực mới thật đáng sợ làm sao!
Lấy trong túi ra ổ bánh mỳ còn lại, Giao Long đưa lên miệng ăn đầy bình thản. Cùng loại với chiếc Fritz ăn ban nãy, nhưng với một “Thi Hoàng”, nó không có vị gì ngon lành cả. Giao Long chỉ đơn giản… nhai cho vui mồm thôi. Cô không mấy bất ngờ với các trung tâm công nghiệp thế này: Ở nhà cũng có rồi. Tuy nhiên, điều Giao Long hứng thú nhất lại nằm ở cách họ sử dụng nguồn tài nguyên để phát triển quốc gia. Vùng lãnh thổ gốc của Valhöll, dải đất nằm phía Bắc Đế quốc Romulusea Thần thánh khi xưa, không phải nơi giàu tài nguyên.
Nói vậy còn nhẹ, bởi nếu thực sự thì “cằn cỗi” vẫn chưa đủ để diễn tả hết cái sự nghèo nàn khoáng sản của nó. Đất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở phía Nam, vùng Hohenburg, nơi đã sáp nhập vào Valhöll vào đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, cái thời vẫn còn gọi là “Liên minh các vương quốc Valhöll” chứ chưa thành Đế quốc như giờ. Thực sự rất đáng khâm phục, khi ngoài cái quặng tím tím để chạy tàu bay ra, mấy thứ khoáng vật khác họ thiếu đủ đường, ấy vậy mà vẫn công nghiệp hoa với tốc độ chóng mặt!
Ngồi nghĩ vẩn vơ một hồi, chợt Giao Long giật mình. Quay sang Fritz, cô hỏi ngay:
– Này, làm thế quái nào mà bên này tuyết lên gần đầu gối mà bên đó người ta phóng xế hộp như đúng rồi vậy?
– Đơn giản thôi. – Fritz bảo – Đêm qua tuyết rơi nặng hạt, nhưng cỡ bốn giờ sáng là ngưng rồi. Giờ chỉ lác đác thôi. Tầm lúc đó người ta đã đem golem dọn tuyết ra xúc sạch, nên giờ giao thông mới đỡ vậy đó.
– Ờ ờ ồ! – Giao Long trố mắt, miệng tròn vo đầy kinh ngạc – Có cả loại golem vậy à? Mấy người vận hành thế nào mà hay vậy?
– Cái này cô hỏi dân trong ngành ấy, chứ ngoại đạo như tôi sao biết?
Nhún vai, giơ tay kiểu đầu hàng, Fritz lại tiếp tục nói. Theo anh, các golem dọn tuyết đã được dùng ở bên Tây từ trước thời Cách mạng Hơi nước, chủ yếu để đảm bảo các tuyến giao thương huyết mạch không bị đình trệ do bão tuyết buổi đêm. Dĩ nhiên, nếu kéo dài nhiều ngày thì vẫn bó tay chịu chết, vì năng suất khi đó chưa cao lại thêm chi phí vận hành đắt đỏ. Vào thời đầu Cách mạng Hơi nước, nhiều người đã cải tiến chúng, và kết quả cuối cùng là đám golem to oành như cái xe tải cứ tuyết rơi là lại chạy xình xịch trên đường xúc tuyết hộ dân.
– Kể ra cũng khổ! – Fritz tựa lưng vào băng ghế, thở dài – Lại sắp vào tiểu Băng hà rồi! Kiểu này thì dám chừng chục năm nữa thôi, cái lục địa này sẽ lạnh teo ngay thôi! Tôi chả ưa nóng, nhưng cũng không thích cảm giác năm nào cũng bị tướng quân mùa đông tới kiếm chuyện! Mấy tên Ivan đó lo mà giữ lão già ở nhà đi!
Vừa nói, Fritz vừa vung nắm đấm lên trời, nhưng cũng chỉ đánh vào không khí. Đoạn, anh tằng hắng cổ, ra vẻ nghiêm túc lắm rồi lại huyên thuyên. Giao Long vẫn nghe, không chỉ vì cô muốn biết thêm, mà còn vì lịch sự. Cô không muốn cắt ngang mạch cảm hứng của người ta, nên thường sẽ ngồi nghe tới cùng mới thôi. Đan mấy ngón tay vào nhau, cô gái ấy hơi gập lưng xuống, để cùi chỏ tỳ lên bắp đùi rồi nhìn sang vị cựu chỉ huy của mình.
Tiếp tục cuộc nói chuyện dang dở, Fritz bảo đã lâu rồi Valhöll mới lại chịu mùa đông lạnh thế này. Lần gần nhất là khoảng bốn trăm năm trước, khi một cụ tổ nhà Hohenzollern dùng sức mạnh tinh linh băng kết hợp với ma pháp cổ đại để duy trì một trận siêu bão, nhân lúc tiểu Băng hà vẫn còn đang mạnh. Người đó có ý định dùng thiên tai để ngăn các quốc gia gây chiến với Romulusea, nhưng cuối cùng lại bị một quỷ lửa đầu mọc sừng và một thánh thụ từ phương Đông đánh bại. Lâu đài Zollern vùng Baden – Hohenburg, nơi ở gốc của gia tộc, cũng bị thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến đó.
Tuy kết quả khá thảm khốc, với sự biến đổi khí hậu dị tượng cùng nhiều cơn dư chấn sau đó, thời tiết cơ bản đã trở lại bình thường. Sau đó thì chưa bao giờ thấy có đợt lạnh cắt da cắt thịt nào như vậy xuất hiện lại, cho tới khoảng đầu thế kỷ này. Vì để chuẩn bị cho công tác ứng phó thiên tai mà chính phủ đã ra quyết định chế tạo thêm nhiều golem, đồng thời xây dựng hầm trú ẩn để đảm bảo an toàn cho người dân phòng khi có chuyện xảy ra. Các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng đều được quy hoạch để chống chịu được siêu bão cũng như các kiểu khí hậu cực đoan kéo dài khác, nhưng cũng chỉ có thể vậy thôi.
– Đời mà, ai đoán được chữ ngờ!
Lại tỏ vẻ đầu hàng, Fritz cười cho qua chuyện. Thiên nhiên vốn dĩ là thứ không ai có thể thâu tóm hoàn toàn, bất kể đó là con người, á nhân hay yêu ma đi nữa. Quyền năng của thế giới vượt xa mọi thứ họ từng biết, khiến mọi kiến thức các chủng loài học được tới giờ trông như muối bỏ biển. Bây giờ, dẫu cho người ta có phát triển công nghiệp tới đâu, có ra sức cải tạo thế giới, biến những nơi môi trường không thân thiện trở thành chỗ nuôi dưỡng sự sống, thì nó kéo dài được bao lâu? Ngay chính tại Valhöll, Fritz đã thấy sợ. Bao giờ tài nguyên cạn kiệt? Bao giờ nước khác sẽ ngưng xuất khẩu quặng cho mình? Bao giờ nền công nghiệp vốn phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài này sẽ chết? Anh không biết, nhưng bằng mọi giá, phải tránh cái tương lai tai ương đó càng xa càng tốt.
Nhưng trong lúc Fritz lo về cái chuyện ở tương lai xa xôi nào đó, Giao Long lại có những ý định cụ thể hơn. Chờ khi anh bạn vừa dừng, cô nói ngay:
– Anh có tầm nhìn đó, nhưng còn mờ mịt lắm. Mấy chuyện đó từ từ tính, còn giờ… tôi lo nước mình hơn.
– Là sao? – Fritz ngạc nhiên.
– Đế quốc Liên hiệp ai cũng nói là bá chủ Viễn Đông, nhưng nếu so về toàn thế giới thì chúng tôi chỉ là kẻ dưới đáy của các siêu cường. Không phải sức mạnh quân sự đơn thuần, mà ý tôi là, sức mạnh nội tại của quốc gia không đủ.
– Cô có thể nói chi tiết hơn không?
– Ừm…
Như vậy, Giao Long bắt đầu kể. Sau gần bốn thế kỷ “đổi mới”, mở cửa với bên ngoài, từ nửa sau thế kỷ mười sáu tới bây giờ, Đế quốc Liên hiệp vẫn chưa thực sự phát triển đồng đều. Nhìn sang các quốc gia phương Tây mà cụ thể là Albion, nơi duy tân từ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến chậm hơn cả thế kỷ, cô thấy họ đạt được nhiều thành tựu hơn mình. Tư duy của người Albion tuy bị xem là bảo thủ, nhưng họ lại có nhiều phát minh, cống hiến lớn cho sự phát triển của lịch sử hiện tại. Không nhờ họ, giờ làm gì có máy hơi nước mà chạy tàu?
Các siêu cường tại Gaia, mà nổi rõ nhất là nhóm “Tứ hoàng” Albion, Valhöll, Novgoroussiya và Gaullia trước khi chọc giận cả thế giới, đều đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của mình rất mạnh. Hệ thống cầu cống, nhà máy, các cơ sở khai thác, sản xuất mọc lên nhiều như nấm rừng sau mưa. Sự tái quy hoạch các thành phố, xây dựng khu đô thị mới để bắt kịp xu thế thời đại song hành với sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục giúp các quốc gia ấy có được nền móng vững chắc để tiến hành giai đoạn cuối của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn quốc. Sự phát triển từ vật chất xã hội kéo theo những mặt lợi khác, như sản lượng của cải làm ra tăng cao, cơ sở dạy học tốt hơn, phát triển kinh tế và các hệ thống khác.
Trong khi đó, Đế quốc Liên hiệp dù mang tiếng là nước quân chủ lập hiến đã canh tân trước phương Tây cả thế kỷ, nhưng những gì họ đổi mới lại nằm ở quyền lực chính trị, ý thức hệ, văn hóa và giáo dục. Nhà nước vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức về vấn đề thương mại, dịch vụ, dù các Tổng lãnh đã bắt tay vào phát triển chúng từ lâu. Trên lãnh thổ Đại Việt, nơi nằm trực tiếp dưới quyền Hoàng đế, ngay đến ba cảng lớn nhất là Hương Cảng, Cát Tường và Trường Yên có quy mô buôn bán lớn nhưng cũng chỉ cục bộ, không tạo được mạng lưới giao thông tỏa rộng đi toàn quốc. Các Đại Lãnh địa, lãn thổ quý tộc thì lại theo lối địa phương, tức là mạnh ai nấy lo, xây dựng đường sá không theo sát quy hoạch, quy chuẩn của Trung ương mà lại tự ý căn chỉnh chút đỉnh theo mình.
Nhìn về vùng công nghiệp, nơi những công xưởng vĩ đại ẩn mình trong sương, Giao Long mê mẩn nhìn cấu trúc đã dựng nên chúng. Các nhà máy lớn được gắn vô số ống dẫn, ngoằn ngoèo bên ngoài như bầy rắn đan xen nhau, dẫn vào động cơ máy móc bên trong vách tường. Tuy các xưởng không quá lớn, chúng những ống kim loại to oành kia đã giúp tăng độ hoành tráng của chúng lên bội phần, khiến người ta từ xa nhìn vào cứ ngỡ mình đang chứng kiến cả một cung điện cơ khí. Bánh răng xoay lạch cạch bên ngoài, va vào nhau chát chúa, trong khi tiếng pít tông chạy vẫn nghe rõ được từ hàng cây số. Trên cao, ống khói sừng sững tựa như tháp canh lâu đài nhả khói đen ngòm, theo gió bay đi vào đất liền.
Dù tuyết vẫn đang rơi nhẹ, công việc không hề dừng lại, cũng như người đứng dưới lòng con sông băng vô tư chơi ném tuyết, không hề lo chuyện mặt sông vỡ ra. Fritz nói, mùa này sông thường đông cứng đến cả thước, dư sức tải họ bên trên. Dĩ nhiên không thể nào có chuyện đoàn tàu lửa mấy chục toa phanh không ray trên đó được, nó sẽ lật ngay lập tức vì quán tính lớn và ma sát cực thấp.
– Mà cô tin không? – Fritz vừa cười vừa nói – Hồi trước có đợt nước dâng ngập đường ray, nhưng xe lửa vẫn cứ băng băng phóng qua! Sâu tới bốn tấc chứ chẳng đùa, vậy mà nó đi như chẳng sao cả, xé nước lao tới trong khi đầu máy nhả khói liên tục còn mấy tay đòn dẫn động kêu xình xịch không ngừng!
– Gắt! – Quá ngạc nhiên, Giao Long đứng bật dậy luôn, rồi lại ngồi xuống – Xe lửa gì vi diệu vậy? Anh có chắc nó không phải tàu tốc hành lên Bắc Cực chứ?
– Ừ thì… đời mà, ai đoán được chữ ngờ?
– Chống là giỏi.
Vừa dứt lời, bỗng hai người nghe tiếng còi tàu vang lên trong sương mờ. Từ từ, từ từ, tiếng còi tàu “tu… tu…” càng rõ ràng hơn, đánh tan đi cả tấm màn che ảm đạm của vùng công nghiệp đầy máy móc. Cố nhìn thật kỹ, Giao Long trố mắt ngạc nhiên khi thấy đoàn tàu lớn, với kiểu bánh 4 – 8 – 4 đặc trưng của máy tàu loại lớn, lăn bánh trên đường ray xây cao, vào thẳng khu trung tâm đô thị. Phía sau, chiếc đầu máy đen trũi, ống khói thấp tè ấy còn kéo theo dễ cũng mấy mươi toa nữa, chủ yếu là các khoang hàng cùng những kiện lớn được đặt riêng trên phần đặc biệt. Nó bọc thép kín bưng, có cả mấy ụ pháo phòng không trên nửa đầu đoàn xe. Nhìn cách cỗ hỏa xa lao băng băng, xúc tung lớp tuyết phủ đường ray như thế, Giao Long bần thần hỏi:
– Ở đây… đã phát triển mô hình tàu cao tốc rồi sao?
– Ừ! – Fritz mỉm cười đắc thắng – Còn bên cô?
– Có lâu rồi. – Giao Long đáp, dội thẳng một gáo nước giá băng lên đầu Fritz – Mạng lưới tàu lửa của Đế quốc đã trải rộng trên khắp mọi nơi, cũng như các anh có cao tốc thôi. Chúng tôi dùng xe lửa để di chuyển, vì như vậy sẽ dễ vận chuyển số lượng lớn và ít ùn tắc giao thông hơn. Nói thế này cho dễ hiểu, nếu Đông Kinh là trái tim của Đế quốc, thì mạng lưới xe lửa của chúng tôi là hệ thống mạch máu, còn viễn thông toàn quốc là hệ thần kinh.
Tuy nói vậy, nhưng Giao Long bảo, cô không thực sự hài lòng với mạng lưới đó. Các dây điện quá rối rắm, còn xa lộ thì chưa hoàn toàn liên kết toàn quốc được. Đường sắt dù đã đi tới mọi ngóc ngách, nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn các phương tiện cá nhân. Vả lại, do chủ trương khi đổi mới ngày trước là dồn toàn lực phát triển quân phiệt hóa, nên ứng dụng quân sự được đưa lên trên mục tiêu dân sinh. Tuy nhiên, cô không tin đó là lựa chọn đúng đắn.
– Ham hố danh “siêu cường” mà dân không được sống ấm no, hạnh phúc thì nghĩa lý gì?
Lắc đầu, Giao Long thở dài. Cái tâm tư ấy, Fritz hiểu lắm. Anh hiểu rõ nỗi niềm của cô gái này, cô gái đang ngồi cạnh anh. Rõ ràng họ giống nhau, đều sinh ra và lớn lên trong một xã hội quân phiệt. Nhưng có vẻ Giao Long vẫn may mắn hơn, vì Đế quốc Liên hiệp vẫn chưa tới mức “quân đội có quốc gia” như Valhöll. Ít ra, người dân bên ấy, theo những gì anh biết, vẫn còn được tự do phần nào, dù về khoản định hướng tư tưởng và đào tạo quân lính từ bé thì đến cả các thành bang Ionia cổ đại cũng phải chào thua.
Trở thành siêu cường bằng cách tước đi hạnh phúc của nhân dân, chăm chăm vào túi tiền và quân sự, vậy thì siêu cái quái gì?
Bỗng dưng, Giao Long đưa tay sang, để gần sát bàn tay đeo găng kín bưng của Fritz. Anh giật mình, không biết cô ta định làm trò gì thì lại thấy cô ả ấy lù lù trước mặt mình rồi. Với gương mặt xanh xao, tái nhợt như người bệnh lâu năm, Giao Long nhìn thẳng vào Fritz. Ở gần vầy, anh mới thấy đôi môi căng mọng nhưng tím tái ấy đang mấp máy gì đó. Thậm chí, chiếc nanh trái còn lộ rõ ra ngoài kia. Nhưng chưa kịp để chàng trai ấy kịp phản ứng gì, thậm chí là đỏ mặt hay luống cuống chống đỡ, cô đã tấn công ngay:
– Anh có ước mơ gì không?
– Ước… mơ? – Fritz ngập ngừng trả lời – Sao tự nhiên…
– Chắc có mà nhỉ?
Nói đến đó, Giao Long mỉm cười, híp hết cả mắt lại. Đoạn cô ngồi ngay ngắn lên. Và bằng chất giọng thánh thoát, ngọt lịm tuyệt vời như rót mật vào tai, người phụ nữ thâm sâu, bí hiểm như chính màn đêm vô cùng vô tận bảo:
– Tôi… có hai ước mơ. Một ước mơ lớn và một ước mơ ích kỷ.
– Ước mơ lớn và… ích kỷ?
– Đúng vậy.
Lại nụ cười ma quái đó. Fritz thực sự không hiểu ý Giao Long là gì, nhưng nhìn cô ta không có vẻ như sẽ chọc xoáy anh như hồi trong doanh trại. Cô ngồi im một lúc, lặng mình ngắm nhìn vùng công nghiệp, nhìn những nhà máy đang làm việc, các đoạn đường xây cao, và toàn bộ cấu trúc giao thông của nó. Ánh nhìn ấy như tể muốn chiếm đoạt tất cả, muốn ăn tươi nuốt sống hết thảy, rồi giành lấy riêng cho mình.
Ngày hôm đó, Giao Long đã nói ra giấc mộng lớn, hay đúng hơn là tham vọng, của mình. Cô muốn Đế quốc Liên hiệp cũng sở hữu cao tốc như Valhöll, sự phát triển đồng bộ của Albion và thức tỉnh khỏi cơn ảo tưởng “sĩ nông công thương” mà những thế hệ trước vẫn cò bám chặt lấy. Đã có nền tảng công nghiệp vững chắc, cả nhẹ lẫn nặng, thậm chí ứng dụng máy hơi nước vào cho khai thác nông nghiệp, nhưng kinh tế vẫn lẹt đẹt thứ năm thế giới.
Ngoại thương cần được quan tâm đúng, kêu gọi đầu tư và đồng thời đầu tư ra ngoài. Đồng thời, Giao Long cũng muốn cải tổ phương thức giáo dục, không theo lối rập khuôn, học vẹt nhàm chán nữa mà sẽ để học sinh được sáng tạo trong khuôn khổ. Văn hóa sẽ được đầu tư định hướng đúng mức, xây dựng xã hội đậm chất “lính” nhưng vẫn tôn trọng tính cá thể. Không quá cào bằng để nhân tài phát triển, không quá tự do để quốc gia hỗn loạn. “Tự do trong khuôn phép”, cô luôn tin như vậy mới tốt.
Đặc biệt, Giao Long đã chuẩn bị một thứ. Lấy trong áo ra xấp giấy dày cộm, cô huơ huơ mấy cái rồi nói:
– Bảo vật của tôi đó!
– Cái gì vậy? – Fritz tò mò. Đống giấy cũ mèm có gì quý chứ?
– Mấy người Lục quân chui hào biết gì! – Cô nàng lè lưỡi chọc – Tác chiến chiều sâu! Binh chủng hợp thành! Đổ bộ đường không! Vận động chiến! Chiến tranh trong thế kỷ này, và tương lai nữa, sẽ không còn là chuyện dàn hàng bắn nhau hay lội hào đâu! Nó sẽ là chiến tranh vận động, chiến tranh phi đối xứng, và chiến tranh toàn diện! Thời đại này, không có ai là không chiến đấu cả! Chiến tranh hiện đại là chiến tranh toàn diện, mỗi người dân là một binh sĩ, mỗi làng xóm, thành thị là một mục tiêu chiến lược! Nghệ thuật chiến dịch, lấy nhiều mũi tấn công làm chủ đạo, hiệp đồng tác chiến với các mục tiêu chiến thuật, tạo thành chuỗi các chiến thắng để giành lấy thắng lợi sau cùng! Thời đại mới rồi, tư duy cũng phải mới theo!
– Cô nói… cái gì?
Nghe những điều Giao Long nói, Fritz tái mét hết cả mặt mày. Tuy là dân học trường sĩ quan ra hẳn hoi, bây giờ cả tư tưởng lẫn tầm nhìn của mình lại lép vế trước đứa con gái đi lính nghĩa vụ á? Không thể nào! Làm sao cô ta lại nhìn xa tới vậy… Nhưng không, Fritz nghĩ, Giao Long có thể đã tiếp xúc với họ. Trong các cuộc họp, lúc nào chỉ huy quân đội Đế quốc Liên hiệp cũng dẫn cô ta theo.
Anh nhớ rồi, nhỏ này là học trò cưng của cả Thiếu tướng Strasser bên ta và Nguyên soái Fisher của Albion, hai vị tướng nổi tiếng với tư duy cách tân cùng những chiến thuật, chiến lược táo bạo. Nam tước Strasser chủ trương tấn công tất cả mọi nguồn lực của địch, phối hợp ba quân chủng lớn cùng quân đổ bộ để tạo những cuộc tấn công, trong khi Huân tước Fisher lại thiên về hạm đội cơ động. Được hai bộ óc vĩ đại của hai lực lượng không lực đứng đầu thế giới chỉ dạy, thì dù chỉ có chút ít kiến tức đánh bộ, và thực tế Giao Long xuất thân là lính đổ bộ của Không lực Hải quân, thì cô ta vẫn sẽ thấm nhuần tư tưởng của họ thôi. Và ai dám chắc trong mớ giấy đó không có các đề xuất về việc dùng khu trục nhỏ, nhanh đánh tập kích hay chuyện dùng không lực để dọn đường và hỗ trợ bộ binh cơ chứ?
Là vậy à? Fritz hiểu rồi, hiểu phần nào rồi. Nhưng…
– Còn ước mơ ích kỷ?
– Nó à? – Giao Long lè lưỡi, nhoẻn miệng – Tiếc thật, nhưng bí mật nhé.