Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình

Chương 28: Đừng bao giờ kiêu căng



Trong luận văn Ph.D (tiến sĩ) của tôi về xây dựng mạng lưới, tôi cố gắng đưa vào một số bài học rút ra từ một bậc thầy về nối kết con người. Nhưng tôi sẽ rất thiếu sót nếu không kể một câu chuyện đáng xấu hổ, tuy ngắn nhưng đã dạy tôi bài học quan trọng nhất ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Đây là một câu chuyện lưu ý bạn những gì không nên làm và những hành động không nên có.

Theo đuổi một mạng lưới mạnh với những người bạn thân không phải là một việc xấu. Nhưng khi bạn càng tiệm cận với những người có quyền lực, bạn có khuynh hướng cũng cảm thấy mình có uy. Đến một lúc nào đó việc làm quen với người khác diễn ra một cách rất tự nhiên; một nối kết quyền lực sẽ dẫn bạn đến với một người quyền lực khác, và cứ thế tiếp tục. Đây có thể là một hành trình thú vị, tích cực, và rất quan trọng.

Đừng để sự phù hoa len lỏi vào trong những hành động của bạn, hay kỳ vọng quá cao, hay tạo cảm giác ban ơn. Đừng cố gắng đạt bằng cấp tiến sĩ về xây dựng mạng lưới, rồi sau đó lại quên mất hết những bài giảng và những giá trị nền tảng của bạn.

Mọi người ai cũng có lần thất bại. Bạn sẽ làm gì khi những cuộc điện thoại trước kia được chào đón giờ không ai thèm nhấc lên nghe nữa?

Khi tham gia tranh cử vào hội đồng thành phố New Haven khi còn là sinh viên năm hai, đối đầu với một người bạn cùng lớp, thì ý nghĩ của một thằng bé tranh cử vào chính quyền địa phương là một cái tin câu khách hết cỡ. Tôi không phải đợi lâu thì được một phóng viên của tờ New York Times đến viết một bài báo. Lúc đó tôi nào biết đâu rằng chỉ cần một bài báo của Times thôi đã mang lại cho tôi những bài học đau thương những hữu ích nhất trong cuộc đời. Vì qua bài báo này tôi đã làm nổi giận William F.Buckley Jr., cựu sinh viên nổi tiếng của Yale, người đã sáng lập tạp chí bảo thủ National Review và là tác giả của hàng chục quyển sách khác.

Tôi tranh cử với tư cách ứng viên của đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa cần có một ứng viên, và tại Yale, họ chỉ chiếm thiểu số so với những người Tự do đi xe limousine mà dưới con mắt của một thằng bé xuất thân từ gia đình công nhân thép tại Pittsburgh là thuộc dạng người không thành thật và thiếu xét đóan. Thật ra tôi vẫn còn trẻ, và tôi vẫn đang tìm hiểu những khía cạnh nhạy cảm của chính trị. Tôi cảm thấy đồng cảm với tính truyền thống của nhóm Tories tương đối bảo thủ trong trường và đặc biệt thích những bữa tiệc của họ cũng như sự gắn kết về mặt lãnh đạo và sự ủng hộ của những sinh viên đã tốt nghiệp.

Nhưng câu chuyện tôi đang kể đây không liên quan đến chính trị. Đây là một câu chuyện về sự kiêu hãnh và cái tôi.

Vào thời đó, tôi chưa nhận thức được rằng tuổi thơ của tôi thật sự là một điểm mạnh chứ không phải điểm yếu. Sự bất ổn khiến tôi phải hành động theo những cách khác với mong muốn. Phong cách lãnh đạo của tôi chẳng hạn, không mang tính thu hút. Trong khi tôi đi từ thành công này đến thành công khác, thì tham vọng và quyết đoán của tôi làm nhiều người xa lánh. Tôi chiến thắng các giải thưởng nhưng không nhìn nhận sự đóng góp của rất nhiều người đã giúp tôi đi đến thành công này. Kiêu căng quá mức và thiếu khiêm tốn, đó là nhận xét của cha tôi, mặc dù ông không dùng nhiều từ như thế.

Tôi phô trương cho những anh chàng ngày xưa tôi phải xách gậy chạy theo thấy rằng tôi cũng không thua kém gì họ.

Tôi thua cuộc tranh cử, như bạn biết rồi đấy, nhưng bài báo trên tờ New York Times được nhiều người đọc, và trong số đó bao gồm cả những người cho rằng làm một người ủng hộ đảng Cộng hòa tại Yale là một điều hành. Trong hộp thư của tôi chừng vài tuần sau cuộc tranh cử, tôi nhận được một lời nhắn.

“Tôi rất vui thấy ít nhất cũng có một người theo đảng Cộng hòa tại Yale. Đến gặp tôi lúc nào anh rảnh. WFB.”

William F.Buckley Jr. đã bỏ thời gian viết thư cho tôi. Tôi thật như bay lên mây. Tôi đã trở thành một người nổi tiếng trong cộng đồng bé nhỏ của mình.

Dĩ nhiên, ông Buckley đích thực đã gửi thư mời, và tôi chắc chắn sẽ nhận lời. Tôi ngay lập tức liên lạc với ông để hẹn ngày giờ. Ông vui vẻ mời tôi đến nhà và còn để nghị tôi rủ theo vài người bạn.

Vài tháng sau, cùng với ba người bạn khác, chúng tôi xuống ga xe lửa Connecticut và được chính ông Buckley đích thân đón trong một bộ đồ bình dân gồm quần kaki bạc màu và áo sơ mi đã sờn. Ông chở chúng tôi về nhà, và gặp mặt vợ ông lúc đó đang làm vườn. Đó là một ngày huy hoàng. Chúng tôi uống với nhau vài ly rượu, nói chuyện chính trị, ông Buckley chơi vài bản nhạc trên chiếc đàn clavico, và chúng tôi sau đó ăn trưa và trò chuyện thật lâu. Sau cùng, ông mời chúng tôi cùng đi bơi trong chiếc hồ tuyệt đẹp của nhà Buckley với những viên gạch lót nền gợi nhớ bồn tắm La Mã.

Tôi không để cho cơ hội trôi qua uổng phí. Ông Buckley không phải là cựu sinh viên Yale duy nhất thất vọng về môi trường chính trị trong trường cũ. Nhiều cựu sinh viên khác cũng đã lên tiếng phàn nàn. Có người còn ngưng hẳn việc đóng góp cho Yale. Tôi nghĩ mình có một giải pháp có thể làm hài lòng cả ngôi trường lẫn những cựu sinh viên này.

Tôi đề nghị tại sao chúng tôi không tạo ra một quỹ khác cho phép những cựu sinh viên bảo thủ không hài lòng này cơ hội đóng góp tiền trực tiếp cho những tổ chức của sinh viên đại học đại diện những giá trị truyền thống mà họ ủng hộ? Yale cũng hài lòng vì họ nhận được tiền tài trợ. Những cựu sinh viên bảo thủ cũng hài lòng vì họ cảm thấy tự hào vì ngôi trường của mình và được đóng góp xây dựng nó. Các sinh viên cũng hài lòng vì sẽ có thêm nhiều tổ chức đa dạng và thêm tiền cho các câu lạc bộ trong trường. Còn gì tốt hơn thế nữa?

Thế là tôi trình bày ý tưởng này và tôi nghĩ ông Buckley cũng ủng hộ nó. Ông cho biết ông đã thành lập quỹ để hỗ trợ một ấn phẩm của sinh viên cách đây vài năm nhưng cuối cùng nó không được thực hiện. Ông nói, vì vậy tiền vẫn còn nằm trong quỹ, và ông sẽ rất vui được giới thiệu ý tưởng của tôi với ban điều hành. Vì quá hào hứng, tôi đã không hỏi thêm cho thật rõ, sợ rằng những điều tốt không kéo dài. “Đừng tiếp tục huênh hoang sau khi bạn chắc đã bán được hàng,” ngạn ngữ đã nói thế, và tôi nghĩ mình đã bán được hàng.

Họ có bao giờ nhắc nhở bạn là phải đảm bảo cả hai bên biết chính xác món hàng là gì và cả hai vẫn giữ lời hứa sau đó không?

Khi tôi quay lại trường, tôi đã không giấu được vui mừng. Tôi khoác lác với tất cả mọi người rằng tôi sẽ là vị chủ tịch của một tổ chức hoành tráng sắp được thành lập. Trời ạ, tôi thật tuyệt vời! Tôi bắt đầu tìm hiểu những cựu sinh viên có thể cảm thấy hứng thú đóng góp cho ý tưởng này. Tôi bắt đầu gọi điện khắp nơi, và đến cuối tuần, tôi đi New York để trình bày với những cựu sinh viên về một quỹ mới mà William F.Buckley và tôi sắp thành lập.

“Bill Buckley đã đóng góp một ít. Ông có muốn giúp chúng tôi thêm không?” tôi hỏi họ. Và thế là họ giúp. Sau mỗi chuyến đi đến New York, đầu tôi càng to thêm khi tôi nhớ lại những người quyền lực và quan trọng đã đóng góp tiền cho tôi như thế nào (lưu ý chữ tôi, chứ không phải chúng tôi) .

Những người bạn học của tôi phải chịu đựng liên tục những câu chuyện khoe khoang về thành công của những chuyến đi này. Nhưng, cũng nhanh chóng như lúc diều gặp gió, cơ hội nổi tiếng của tôi đột nhiên bị chặn lại.

Một ngày may mắn nọ ông Buckley cũng đi thang máy với một cựu sinh viên nổi tiếng khác đã đóng góp tiền. “Bill,” vị này nói, “tôi đã đóng góp một số tiền tương đương với ông cho cái quỹ mới tại Yale.” Nghe thế, Bill hỏi: “Quỹ nào?”

Sự việc sáng tỏ là ông Buckley không hề nhớ đến cuộc trò chuyện của chúng tôi. Hoặc có thể ông nói một đằng nhưng tôi nghe một nẻo. Hoặc có thể ông nghĩ tôi muốn làm sống lại tờ tạp chí ẻo mệnh đó. Nhưng lúc này, mọi thứ không còn quan trọng nữa. Ông Buckley chỉ còn nhớ đến tờ tạp chí bị ngâm và lờ mờ nhớ là có nhắc đến khởi động lại tại Yale. Ông nói với những nhà hảo tâm khác là ông không hề đồng sáng lập một quỹ bảo thủ nào tại Yale, và tôi chắc ông nói đúng thực tế. Mọi thứ thế là đi tong.

Những lời hứa mà tôi đã xin được giờ không còn cơ hội thực hiện, vì tôi không có nơi nhận. Ông Buckley không nói chuyện với tôi nữa. Và quan trọng hơn, tôi rất ngạc nhiên khi những người bạn cùng dự bữa ăn trưa hôm đó, cũng hào hứng với tôi tại nhà ông Buckley hôm đó, giờ không chịu đứng ra nói giúp tôi mặc dù tôi đã hết lời năn nỉ họ giải thích những gì họ nghe hôm đó. Danh tiếng của tôi thế là tiêu tan trong mắt một số nhân vật quan trọng. Tôi rất xấu hổ với bạn bè vì đã khoe khoang. Rồi như xát muối vào vết thương, ai đó trong tòa soạn tờ báo nội bộ của Yale nắm được tin này và vẽ một bức tranh biếm họa cho thấy tôi bị thương nặng bởi những cái tên nặng ký rớt từ trên trời xuống. Đau thế, nhưng thật ra cũng đáng cho tôi lắm.

Bây giờ nhìn lại, tôi cám ơn cơ hội này đã cho tôi một bài học. Tôi đã học được nhiều bài học quý giá. Thứ nhất, tôi đã bắt đầu thay đổi phong cách lãnh đạo của mình. Làm được việc không thôi chưa đủ. Bạn phải làm được việc và kêu gọi sự ủng hộ của những người xung quanh, không phải chỉ tham gia một phần trong quá trình làm việc mà tham gia cả vào quá trình lãnh đạo. Tôi học được rằng sự hứa hẹn không chắc chắn trừ khi tất cả các bên liên quan hiểu rõ vấn đề một cách tường tận. Tôi học được rằng thế giới quả là nhỏ bé, nhất là thế giới của những người giàu có và quyền lực.

Quan trọng hơn, tôi học được rằng sự kiêu hãnh là một căn bệnh có thể phản bội lại bạn, làm cho bạn quên đâu là những người bạn thật sự và tại sao họ lại quan trọng đối với bạn đến thế. Ngay cả khi bạn có ý định tốt, nếu bạn quá kêu căng thì người ta cũng bực mình và muốn đưa bạn về đúng chỗ của mình. Vì vậy nên nhớ trong quá trình trèo lên đỉnh núi, phải biết khiêm tốn. Giúp đỡ người khác cùng leo lên núi với bạn và trước bạn. Đừng bao giờ để triển vọng được làm quen với một người nổi tiếng hơn, quyền lực hơn làm bạn quên đi sự thật rằng những mối liên kết giá trị nhất là những mối liên kết bạn đã tạo được ở các cấp độ. Tôi thường xuyên ôn lại những kỷ niệm cũ với những người đã giúp tôi rất nhiều khi tôi còn là một thằng bé. Tôi làm mọi cách để nói với những người đỡ đầu thuở trước rằng họ rất có ý nghĩa đối với tôi và rằng thành công hôm nay đều bắt nguồn từ họ.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv