Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình

Chương 27: Xây dựng hôm nay, gặt hái ngày mai



Nó là cộng đồng, nó là mạng lưới

Nó là bộ lạc, nó là gia đình:

Cho dù nó là tên gì

Cho dù bạn là ai

Bạn cũng cần đến nó

_JANE HOWARD

Khi còn là một thanh niên, tôi thấy mình giống với Groucho Marx. Cũng như diễn viên hài kịch nổi tiếng, tôi cũng không quan tâm đến việc phải được tham gia làm thành viên của một câu lạc bộ.

Điều này hoàn toàn không phải vì tôi tin vào khả năng độc lập: lúc đó tôi đã biết giá trị và ảnh hưởng của những buổi tụ tập đông người. Bạn cũng không bao giờ nghe tôi phàn nàn vì không có đủ thời gian. (Tôi ghét lời bào chữa này – còn gì quan trọng hơn việc gặp gỡ những người đồng chí hướng?) Và dĩ nhiên tôi cũng không nhút nhát trước đám đông.

Vấn đề là những câu lạc bộ đáng tham gia đều đóng chặt cửa đối với một anh chàng còn trẻ và chưa có nhiều mối quan hệ như tôi.

Những dạng câu lạc bộ như vậy, chỉ tiếp nhận thành viên một cách chọn lọc và có quyền hành riêng, tồn tại vì những lý do chính đáng: Con người luôn khao khát được tụ họp với những người có cùng sở thích, để tạo sự khác biệt trong cộng đồng, và để tạo một môi trường thuận lợi cho hoạt động giao dịch kinh doanh. Các CEO công ty lớn hiểu rằng để làm được việc lớn – cho dù là thay đổi chính sách công hay thỏa thuận thương vụ làm ăn – bạn cần đến sự giúp sức của người khác. Những con người bạn quen biết ấy càng có quan hệ rộng rãi, có quyền lực, có nguồn lực lớn bao nhiều thì bạn dễ dàng thành công bấy nhiêu.

Đó là lý do tại sao những cuộc họp của giới quyền lực và kinh doanh như Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos và Tuần lễ Renaissance là những sự kiện không dễ gì chen chân vào được. Tại tuần lễ Renaissance, tôi đã chứng kiến những nhà chính trị còn vô danh kết nối với những người có thể giúp họ trở thành hình ảnh của đất nước. Tại Davos, chúng ta đã chứng kiến những chính sách kinh tế quốc tế được thông qua, và những thương vụ trị giá hàng tỉ đôla được ấp ủ và chia sẻ bên tách cà phê. Dĩ nhiên, chúng ta hiếm có ai được mời vào Davos. Nhưng ngoài ra cũng có rất nhiều buổi tụ tập hay câu lạc bộ khác mà chúng ta cũng không được mời, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Vậy là bạn không được mời vào cái bữa tiệc đình đám trong ngày mai. Lo đấy. Chúng ta đều có máu kinh doanh trong người, nếu bạn không được chơi trên một ngọn núi nào đó, thì chẳng có gì ngăn cản bạn xây ngọn núi khác.

Tôi có người bạn Richard Wurman là một kiến trúc sư, cách đây hai mươi năm đã tiên đoán sự thay đổi khủng khiếp của nền kinh tế nếu kết hợp công nghệ, giải trí và thiết kế với nhau. “Tôi là người hay bay, và tôi thấy chỉ có nói chuyện với những người làm trong ba ngành này thì mới thấy thú vị,” anh ta đã nhiều lần nói với tôi. “Và khi họ kể về một dự án mà họ đang rất đam mê, thế nào họ cũng nhắc đến tên của những người làm trong hai ngành còn lại.” Và để gom những người trong ba ngành này ngồi lại với nhau, anh ta đã lập nên hội thảo TED năm 1984, đầu tiên chỉ có vài người tham dự và vài người bạn của anh ta đứng lên làm khách mời phát biểu.

Năm nào TED cũng mở đầu bằng một dòng chữ, “Chào mừng các bạn đến với bữa tiệc mà bạn vẫn hằng mong ước mà chưa làm được,” và TED đã trở thành một sự kiện tuyệt vời – đó giữa một bữa tiệc nhộn nhịp và một hội thảo thu hút những sinh viên tốt nghiệp. Năm này qua năm khác, ngày càng có nhiều người từ khắp các ngành nghề đến tham dự: nhà khoa học, tác giả, diễn viên, CEO, giáo sư. Tại TED, không có gì lạ nếu bạn nhìn thấy nhạc sĩ/ nhà sản xuất Quincy Jones tán gẫu với CEO Newscorp Rubert Murdoc, hay đạo diễn Oliver Stones tranh cãi với CEO và nhà sáng lập Oracle là Larry J.Ellison.

Từ thuở ban đầu là những buổi tụ họp không thu lợi và đến nay là những buổi nói chuyện dành riêng cho khách mời, TED cuối cũng đã thu lại hơn 3 triệu đôla hàng năm, và gần như tất cả số tiền này là lợi nhuận. Richard không phải trả phí cho bất cứ diễn giả nào và anh ta tổ chức các sự kiện chỉ với vài phụ tá. Anh ta bán TED được 4 triệu đôla năm 2001, và bây giờ đang bận rộn điều hành một hội thảo mới tên là TEDmed, tập trung vào mối liên kết giữa công nghệ và sức khỏe. Đây là một hội thảo và được tôi ủng hộ hoàn toàn.

Tôi cũng đã từng thử làm tương tự, khi tôi còn là một anh chàng mới tốt nghiệp MBA, mới dọn đến Chicago sau khi nhận lời mời làm việc cho Deloitte. Lúc đó tôi gần như chẳng biết ai trong thành phố này. Việc đầu tiên tôi làm là yêu cầu người ta giới thiệu cho tôi với bạn bè của họ tại Chicago. Khi tôi gặp gỡ những người do bạn bè tôi giới thiệu, tôi bắt đầu hỏi thăm xem có tổ chức nào tôi có thể tham gia để đóng góp thêm cho cuộc sống của thành phố hay không. Vì tôi biết, nhờ vậy, tôi sẽ tìm được thêm khách hàng cho công ty mới của mình.

Tôi còn trẻ, nên chẳng ai quan tâm cho rằng tôi nghiêm túc cả. Những cơ hội kiểu cổ điển, như hội đồng dàn nhạc giao hưởng, hay câu lạc bộ đồng quê, nếu không chào đón tôi. Tôi nhận được nhiều lời mời tham gia những hội đồng của người trẻ. Nhưng những nhóm này chủ yếu là gặp nhau để bù khú. Tôi muốn mình làm được nhiều hơn, như một người hoạt động xã hội, đóng góp làm thay đổi cộng đồng. Tôi không muốn chỉ làm chủ nhà đãi tiệc tại những buổi giao lưu làm quen của bọn thanh niên choai choai.

Vào những lúc như thế này, bạn phải xác định được USP – Unique Selling Proposition – điểm bán hàng độc đáo của mình là gì, theo đúng cách nói của dân MBA. Bạn có thể mang loại nước xốt đặc biệt nào đến bàn tiệc? Điểm độc đáo của bạn có thể là kiến thức chuyên môn, thú tiêu khiển, hay một mối quan tâm đến một lý tưởng nào đó để làm nền tảng xây dựng cả một tổ chức hay câu lạc bộ.

Tất cả mọi câu lạc bộ đều được xây dựng dựa trên những sở thích chung. Thành viên gắn kết với nhau do cùng nghề nghiệp, triết lý, thú vui, hàng xóm, hay nhiều khi chỉ đơn giản là vì họ có cùng chủng tộc, cùng tôn giáo, cùng thế hệ. Họ gắn kết với nhau vì một điểm chung duy nhất giữa họ. Nói cách khác, họ có lý do để tụ tập với nhau.

Bạn có thể dựa trên điểm độc đáo của mình và làm một điều mà ít ai thực hiện. Đó là khởi xướng một tổ chức. Và mời những ai bạn muốn gặp gỡ cùng tham gia. Tìm thành viên không khó. Giống như bất cứ câu lạc bộ nào, tổ chức của bạn khởi đầu là một nhóm bạn, sau đó mở rộng dần. Theo thời gian, người này rỉ tai người kia, họ sẽ giới thiệu thêm nhiều người mới, thú vị cho tổ chức.

Đây là một mô hình thành công rực rỡ mà nhiều doanh nghiệp dựa vào đây để xây dựng công ty của họ. Bạn thử nghĩ đến những trang web thành công nhờ thu hút được nhiều người đến vì một mục đích chung – giống như tham gia đảng chính trị, làm vườn, hay như trường hợp của iVillage, vì bạn là phụ nữ – và thành lập những tổ chức thu lợi nhuận trên cảm giác thân thuộc với cộng đồng. Hãy thử nghĩ đến hãng hàng không hay thậm chí cửa hàng tạp phẩm gần nhà của bạn, bạn sẽ được giảm giá nếu có thẻ khách hàng thân thiết. Xây dựng một cộng đồng những người cùng sở thích, cùng chí hướng từ trước đến nay bản thân nó đã luôn là một điểm đầy thuyết phục.

Vào thời điểm đó, điểm độc đáo của tôi là TQM (Total Quality Management – Quản trị chất lượng toàn diện), một sở thích cá nhân mà, như tôi đã trình bày ở các chương trước, là nền tảng của sự khác biệt khi tôi tìm được công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp Yale và sau đó là một thời gian ngắn làm việc với một giáo sư tại trường kinh tế.

Trên bình diện quốc gia, chính phủ vừa thiết lập một tổ chức gọi là Baldrige National Quality Program chuyên khen thưởng những công ty đạt thành tích xuất sắc về TQM. Tại Illinois, tôi cho là mình cũng có thể thành lập một tổ chức phi lợi nhuận tương tự để hỗ trợ những công ty trong vùng. Nhờ có chương trình liên bang, tôi cho là cũng không quá khó để tìm những người đồng chí hướng – tôi có thể tìm đến các giám khảo hay những thành viên khác của tổ chức thuộc liên bang hiện đang sinh sống tại Chicago, các nhà tư vấn, và những nhân viên các tập đoàn lớn có công việc liên quan đến TQM.

Điều đầu tiên tôi cần làm là kêu gọi sự ủng hộ của một tổ chức hay chuyên gia về TQM nhằm thu hút được những người tiềm năng làm thành viên. Tôi đề nghị người đứng đầu về TQM tại First Chicago, Aleta Belletete, cùng tham gia làm thành viên sáng lập. Bà ấy gọi thêm cấp trên và là một trong những CEO có thế lực nhất tại Chicago lúc đó, Dick Thomas, người đã đứng ra ủng hộ chúng tôi hết lòng. Nhờ sự đồng ý của Dick, Thống đốc Jim Edgar vui lòng chỉ định Phó thống đốc tham gia vào hội đồng điều hành của chúng tôi. Sự ủng hộ của ba người này đã giúp cho một tổ chức mới thành lập như của chúng tôi tạo được niềm tin ngay từ đầu. Chẳng bao lâu sau đã có rất nhiều người xin gia nhập, bao gồm cả người phụ trách TQM tại Amoco và Bệnh viện Rush Presbterian, và họ rủ theo cả các CEO. Lợi thế của tôi: Vì tôi là người sáng lập, tôi nghiễm nhiên là chủ tịch! Dĩ nhiên, công việc của chúng tôi cũng không đơn giản, chúng tôi phải thiết lập, điều hành, và tìm nguồn tài chính cho tổ chức hoạt động. Nhưng phần khó khăn nhất thế là đã qua. Chúng tôi là một tổ chức đáng tin cậy, giờ đây chỉ còn xắn tay áo vào làm việc thực thụ.

Đó là sự ra đời của The Lincoln Award for Business Excellence (ABE – Giải thưởng Lincoln cho Doanh nghiệp xuất sắc). Tổ chức này hiện nay vẫn còn hoạt động như là một quỹ lợi nhuận thành công chuyên hỗ trợ các công ty tại Illinois xây dựng hoạt động hiệu quả. Hiện nay nó có hàng trăm người làm việc tình nguyện, một hội đồng điều hành uy tín, và một bộ máy nhân viên toàn thời gian. Hai năm sau khi tôi thành lập tổ chức này, tôi đã làm thân với hầu hết những CEO lớn tại Chicago.

Bài học rút ra? Bằng cấp MBA từ Harvard hay lời mời tham gia Davos cũng không thể thay thế một ý tưởng cá nhân. Nếu bạn không tìm ra được một nơi nào cho phép bạn tham gia và tạo ra sự khác biệt, thì bạn hãy nhìn lại xem mình có thể làm được gì – từ chuyên môn riêng của mình, các mối liên hệ, sở thích hay kinh nghiệm. Kêu gọi mọi người ủng hộ mình và tạo nên sự khác biệt.

Những ngày mà câu lạc bộ chỉ mở cửa cho những người đàn ông da trắng tụ tập với nhau đã không còn nữa. Chẳng có gì khác nhau giữa một nhóm người chuyên bán thảm tụ họp hàng tuần để bàn luận về những cái được và mất của nghề nghiệp; giữa một hội nghị các phụ nữ đảng Cộng hòa không hài lòng với quan điểm của đảng mình; hay giữa một nhóm những người sành rượu tụ họp hàng tháng để thử rượu, nghe những câu chuyện kể trên khắp các vườn nho, và lập kế hoạch đi du lịch đến Napa. Cho dù mục đích là gì và ai tham gia, tất cả không còn quan trọng nữa.

Chỉ cần đó là một tập hợp những người cùng sở thích tại một địa điểm cụ thể (thậm chí là không gian ảo), bạn sẽ hưởng lợi từ những thành viên khác. Bạn và những thành viên sẽ cảm thấy gắn bó bởi một hướng đi chung. Và khác với trong kinh doanh, khi biên giới của những mối quan hệ được định nghĩa rõ ràng bằng một dự án cụ thể hay một thương vụ xác định và kết thúc khi dự án hay hợp đồng chấm dứt, thành viên câu lạc bộ (nhất là câu lạc bộ do bạn sáng lập) sẽ đưa bạn đến những tình bạn kéo dài nhiều năm liền.

Xây dựng mạng lưới là một con đường mà Franklin để lại trong di sản. Từ ông, chúng ta cũng học được giá trị của sự khiêm tốn và quyền năng làm việc nhóm – khởi đầu bằng một nhóm thanh niên ông tụ tập vào Junto và kết thúc bằng những nhân vật đầy quyền lực đã đóng dấu ấn vào Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp nước Mỹ.

TIỂU SỬ NGƯỜI NỔI TIẾNG

Benjamin Franklin (1706 – 1790)

“Không được tham gia câu lạc bộ sao?

Hãy tổ chức CLB riêng của bạn đi”

Thuật ngữ mạng lưới trong kinh doanh được đưa vào tiếng Anh năm 1966. Nhưng trước đó hơn hai thế kỷ, tại Philadelphia, anh chàng Benjamin Franklin đã biết vận dụng môn khoa học xã hội ngọt ngào này để trở thành một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong một đất nước lúc bấy giờ còn chưa được đặt tên. Trước khi trở thành một người yêu nước đầy sùng kính, một chính khách, một nhà phát minh, ông là một doanh nhân thành đạt nhất nước Mỹ, đi lên từ một người học nghề thành một ông vua nghề in.

Lật nhanh trang sử về năm 1723, vào thời điểm anh chàng Franklin 17 tuổi chưa giàu có cũng không thành đạt. Ông là một doanh nhân khát vọng – được đào tạo nghề in từ người anh James – và là một gương mặt mới tại Philadelphia, mới dọn đến sau khi thất bại không tìm được việc làm tại New York. Franklin chưa quen biết ai trong thành phố mới này, nhưng ông khao khát được mở xưởng in đầu tiên của mình, ông quyết định tận dụng hết khả năng giao tiếp của mình.

Chỉ trong vòng bảy tháng, Franklin đã tìm được việc tại một xưởng in danh tiếng, và làm quen với thống đốc bang Pennsylvania William Keith. Vị thống đốc khuyến khích Franklin đi sang London để mua thiết bị cần thiết cho một xưởng in mới. Keith thậm chí còn hứa sẽ viết thư giới thiệu và đỡ đầu, một việc rất cần thiết để Franklin có thể mua được máy in và phông chữ.

Khi đến London, Franklin phát hiện ra Keith đã không gửi những bức thư này. Franklin mất hai năm liền tại đây để kiếm đủ tiền vé quay về lại nước Mỹ. Trên chuyến tàu trở về, Franklin lại thể hiện khả năng nối kết của mình: Công việc đầu tiên khi quay về lại Philadelphia là làm thư ký cho một cửa hàng của Thomas Denham, một người bạn đồng hành trên chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương.

Không bao lâu sau, Franklin quay lại với nghề in, làm việc trong xưởng in danh tiếng trước kia. Do nhu cầu muốn được học hỏi kiến thức cao hơn, Franklin đã mời khoảng chục người bạn tham gia một nhóm xã hội mỗi thứ sáu gọi là “Junto” – được miêu tả như sau trong quyển tự truyện của ông The Autobiography:

Quy định tôi đưa ra là mọi thành viên, đến lượt mình, phải đặt ra một hay nhiều câu hỏi về Đạo đức, Chính trị, Triết học tự nhiên [vật lý], để mọi người cùng thảo luận; và cứ mỗi ba tháng phải giới thiệu trước toàn thể một bài viết của mình, đề tài tự do tùy sở thích.

Thành viên của Junto là những thanh niên chưa đủ thành đạt và được kính trọng để có thể được mời tham gia vào các câu lạc bộ dành riêng cho nhóm doanh nhân hàng đầu. Cũng như Franklin, họ đều là những người buôn bán, những người bình dân. Dĩ nhiên không cần phải nói – con người mê tham gia câu lạc bộ. Thật vậy, ngoài những bài học về tiết kiệm, kinh doanh, thận trọng, quyển tự truyện của Franklin còn khuyên chúng ta nên tham gia vào một nhóm xã hội , nếu không muốn nói là ít nhất ba nhóm. Ông tin rằng trong một nhóm những người cùng chí hướng, cùng mục đích, thành công của từng cá nhân sẽ được kết hợp để mang lại những kết quả vĩ đại rất khó đạt được nếu chỉ thực hiện đơn lẻ.

Chúng ta lại lật tiếp lịch sử đến năm 1731. Franklin lúc này đã kiếm đủ tiền để mở xưởng in riêng, đầu tư vào một tờ báo sắp phá sản, tờ Pennsylvania Gazette. Franklin đã biến tờ Gazette thành một công cụ sinh lời có số phát hành cao nhất trong toàn vùng thuộc địa bằng cách đưa vào đây nội dung thẳng thắng, hình vẽ táo bạo (hầu hết do chính tay ông thực hiện) và hệ thống phát hành rộng khắp. Sự thành công vượt bậc của tờ báo đã đưa Franklin thành một nhân vật của giới truyền thông thế kỷ 18. Franklin tạo được đủ uy tín – và tiền bạc – để tham gia vào các dự án công, mà đầu tiên phải kể đến là Thư viện cộng đồng Philadelphia, thư viện đầu tiên tại Bắc Mỹ (hiện vẫn hoạt động) .

Chính từ chiến dịch vận động dành cho thư viện, dự án đầu tiên trong số rất nhiều dự án của Franklin dành cho Philadelphia, Franklin càng thấu hiểu giá trị quý báu của việc xây dựng mạng lưới. Sự chống đối mà ông gặp phải, theo như ông kể cho chúng ta:

Giúp tôi sớm nhận ra rằng thật không phù hợp nếu tự giới thiệu bản thân như là người đưa ra đề nghị cho bất kỳ dự án hữu ích nào có khả năng nâng cao uy tín bản thân hơn người lân cận dù chỉ là một chút thôi, nhất là khi ta cần đến sự đóng góp của người đó vào thành công của dự án. Vì vậy tôi cố gắng tránh tối đa không che lấp bằng tên tuổi mình, thay vào đó tôi trình bày dự án như một kế hoạch tập thể của những người bạn đã ủy quyền cho tôi đi giới thiệu với những người cũng yêu thích đọc sách. Bằng cách này, những kế hoạch của tôi được hoàn thành suôn sẻ, và từ đó tôi luôn áp dụng trong cả những tình huống khác.
À, nhắc đến “những tình huống khác”. Sau khi thành lập thư viện năm 1731 (Junto đã giúp Franklin ghi danh được 50 người ủng hộ đầu tiên), tiếp theo là cơ quan giám sát thành phố Philadelphia (1735), công ty cứu hỏa đầu tiên (1736); trường cao đẳng đầu tiên, hai năm sau được nâng cấp lên thành đại học Pennsylvania (1749); bệnh viện đầu tiên của bang và của cả vùng thuộc địa, nhờ sự đóng góp của cả công lẫn tư (1751) . Franklin còn tổ chức quân đội tình nguyện đầu tiên cho Pennsylvania (1747) và đưa ra một chương trình tráng vỉa hè, chiếu sáng, và dọn dẹp đường phố Philadelphia (1756). Mỗi dự án đều lệ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của mạng lưới những nối kết cá nhân và trong công việc của Franklin, và sau mỗi dự án, mạng lưới này càng được mở rộng, tăng cao theo uy tín của Franklin như một người làm việc tốt.

Franklin mất tháng Tư năm 1790, khoảng một năm sau khi George Washington nhậm chức. Hơn 20.000 người dân Mỹ đã đến viếng lễ tang của ông.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv