Thuyền nhỏ trôi nhẹ trên mặt Tây Hồ phẳng lặng. Tôi lấy tay phả nước để đẩy chiếc đèn hoa ra xa. Giũ tay để mấy giọt nước đọng lại rớt xuống hết, trong khi Mai Hạ Du vừa mới thả đèn của huynh xuống. Tôi bèn hỏi:
- Ca ca! Huynh đã viết gì trong giấy vậy?
- Vậy còn muội, muội đã ước điều gì?
- Muội á? - Tôi nói rồi ngưng, kéo lọn tóc mượt mà trước ngực quấn tới quấn lui. Mai Hạ Du dìu tôi sít lại bên chiếc bàn nhỏ đặt giữa thuyền, huynh tiếp lời:
- Thật ra điều ước không được nói, nếu nói sẽ không ứng thành.
- Vậy thì muội sẽ không nói. - Tôi ngồi ngay ngắn lại, nhìn hai chiếc đèn được gió nhẹ thổi ra ngoài xa. Trong đầu nghĩ về mấy chữ trên giấy, tôi viết nó bằng tiếng Quốc Ngữ: “Đợi một loài hoa nở”. Chữ “đợi” này là đợi ngày trở về, về lại thời không của tôi, về lại gia đình nhỏ ở hiện đại, cũng trong mùa hoa mai vàng nở rộ. Mong rằng ông trời sẽ cho tôi cơ hội, tôi sẽ đợi được ngày tươi đẹp đó.
Gió đêm mát lạnh cứ thổi vào trong thuyền thật khoan khoái dễ chịu. Đây đúng là một nơi bình yên hiếm có để nghỉ ngơi. Tôi ngả lưng tựa vào bên mạn thuyền, nhắm mắt lại:
- Muội thấy mệt rồi à?
Tôi thuận miệng đáp:
- Như vậy có là gì. Trước đây muội còn nhiều đêm thức trắng, bụng đói tới nỗi đánh trống tưng bừng, cũng có những lúc cô đơn đến cùng cực. Còn bây giờ, được ca ca ca quan tâm muội, dẫn muội tới đây để thưởng Hội Hoa Đăng, lại còn được đối đãi ân cần chu đáo. Muội đang cảm thấy vô cùng thoải mái.
Tôi cao hứng, tự nghĩ ra một câu thơ dở dang, đọc to nó:
- Kẻ ở nơi nao mơ bóng nguyệt, người về… người về... - Tôi ấp úng, môi mãi không bật được từ nào. Mai Hạ Du lại ngâm tiếp:
- Người về một cõi mộng hình dung.
Tôi lấy lại cảm hứng, tuôn ra một hơi:
- Nghìn trùng cách trở duyên đành đợi, một đóa hoàng mai cả cuộc đời.
- Ta thấy thơ muội cũng được đó chứ. Đây là thơ gì nhỉ? Tứ tuyệt luật trắc vần bằng có đối. Thật hay cho câu: “Một đóa hoàng mai cả cuộc đời.”
Tôi cười mỉa vần thơ cục mịch của mình:
- Cái gì mà “một đóa hoàng mai cả cuộc đời?” Muội chỉ nói bừa, chẳng qua là “múa rìu qua mắt thợ”. Đã để ca ca cười chê.
Tôi làm sao có thể ngờ được, vần thơ “cục mịch” ấy lại vận vào “cuộc đời của tôi cùng huynh. Cứ ngỡ tôi sẽ phải đợi rất lâu cái viễn cảnh đau thương ấy, nào đâu bi kịch chẳng còn xa. Có điều bây giờ tôi và huynh hai con người trên chiếc thuyền con giữa lòng Tây Hồ không hề ai biết trước.
Rồi tôi đưa tay lên xoa cái trán ê ẩm, sẵn tiện tháo lớp vải ra.
Mai Hạ Du reo lên:
- Muội sao lại tháo ra?
Tôi cười cười rồi xua tay:
- Không sao huynh cứ yên tâm. Muội cảm thấy miếng vải băng vết thương này thật vô dụng. Muội không thích quấn nữa, vướng víu! - Tay giơ ra chạm nhẹ vào vết thương để kiểm tra. Vết thương đã kết vảy cứng, không đáng ngại.
- Muội còn thấy đau nữa không? - Huynh quan tâm hỏi.
- Không còn! - Nói xong, tôi gấp cẩn thận miếng vải cất vào ngực áo. Loay hoay một hồi mới vạch được lớp áo ngoài ra, bỗng tôi sờ phải những vệt cưng cứng ở vải áo trong. Ánh sáng đủ để nhìn ra được vết máu đen đen như những bông hoa nhỏ nở trong đêm tối. Tay tôi khựng lại, thì ra Mã Phong cố tình chỉ thay ngoại y, hắn vẫn giữ phép tắc với tôi. Xem ra tôi đã có quá nhiều thành kiến đối với hắn rồi. Thở dài một cái, lắc đầu tôi cười.
Mai Hạ Du nhìn tỉ mỉ hành động vừa rồi của tôi. Chẳng hiểu sao huynh lại buồn rười rượi, tầm mắt dời xuống chiếc bàn gỗ nhỏ, tay nâng lấy cốc trà Long Tĩnh xoay xoay. Tôi rõ ràng nhận ra được tia buồn trong mắt huynh, bèn giải thích:
- Muội không muốn bất cứ thứ gì của muội phải bỏ lại ngoài đường, trên đây có thấm máu của muội. - Tôi vỗ vỗ ngực, cười xòa, nói thêm. - Nữ nhi phải chu đáo, làm việc gì cũng phải nghĩ trước sau, cẩn thận là tốt nhất!
Mai Hạ Du gật đầu không nói gì. Huynh ngồi ngả ra, dựa mạn thuyền, một chân co làm điểm tựa gác cánh tay lên đầu gối. Dáng vẻ huynh lúc này thật thư thái, tiêu diêu, tự do tự tại, như rũ hết mọi muộn phiền thế gian. Chỉ còn huynh và cảnh đêm của đất trời. Nếu huynh là hoa đăng, huynh sẽ là chiếc đèn hoa sáng nhất mặt nước Tây Hồ. Nếu huynh là đèn trời, huynh sẽ là chiếc đèn bay cao nhất. Nếu huynh là vầng trăng, e rằng sẽ rực rỡ hơn trăng kia bây giờ nữa. Huynh ngắm nhìn mấy chiếc đèn lồng tắt gần hết dập dờn trôi về phía Đoạn Tâm Kiều. Tôi cuộn tròn, sít lại bên góc bàn để nhìn huynh cho rõ. Tay bưng lấy mặt, nghiêng đầu, im lặng thu hết vẻ dịu dàng này của huynh mà ghi nhớ. Quả thật nhìn huynh, trong lòng an tâm lạ! Ánh sáng chiếc đèn lồng treo trước mũi thuyền làm nửa bên mặt phía đối diện tôi bị che tối, chỉ có thể thấy được nửa bên kia của huynh, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ làm trái tim đập mạnh. Chợt tiếng nguyệt cầm từ đâu đưa lại, ngày một gần. Một khúc nhạc nổi danh hoặc tình cờ dạo lên ngay khoảnh khắc hứng khởi nhất thời. Thanh âm bay cao hoà vào nền trời ngập tràn ánh trăng. Cảm giác này thật thân quen, môi không ghìm được, tôi thốt lên:
- Hay quá!
Ma Hạ Du đang ngồi thì phất tay áo ra sau, đôi mắt sáng ánh, huynh nói giọng pha chút tinh nghịch:
- Mai muội muội, đợi huynh một chút! - Nói xong, huynh vội khom người đi lại đằng lái thuyền, dặn dò thuyền phu trông coi tôi cẩn thận, rồi bước lên bờ.
(Ảnh: Internet)
Huynh đi rồi, tiếng nguyệt cầm cũng lặng, nhưng vẫn còn vương vấn những cung bật cảm xúc sâu lắng, cùng nỗi khắc khoải đợi chờ của một người dành cho một người. Rõ ràng ở đây là Trung Quốc xưa, làm sao có được tiếng nguyệt cầm quen thuộc của quê Trường Tấn tôi nhỉ? Rốt cuộc chủ nhân của khúc nhạc dang dở này là ai? Thật làm cho tôi có hứng thú muốn diện kiến. Tôi nhích ra phía trước mũi thuyền, trông sang thuyền bên. Chiếc thuyền nọ đúng là có người vừa mới gãy xong một khúc nhạc, bóng trong thuyền cấp cây đàn đeo lên vai, chậm rãi vén bức màn sáo che trước mui thuyền lên. Cùng lúc, chiếc thuyền nọ trôi tới sát thuyền của tôi, ngay tức khắc tôi nhìn ra được người này. Chính là vị huynh đài hôm đó ở Linh Ẩn Tự. Tôi không thể nào lầm được, gương mặt hệt mẹ của tôi. Cảm giác thân thuộc, gần gũi ùa về, nước mắt xém nữa thì trào ra, không biết khẩn trương do khúc nhạc vừa rồi hay do vị huynh đài kia quá giống mẹ. Tôi vịn lấy thành thuyền nhìn theo cho đến khi chiếc thuyền vị huynh đài kia cập bến. Tôi chạy ngược ra chỗ thuyền phu đứng, định phóng lên bờ thì hắn la toáng lên:
- Tiểu thư, người đi đâu vậy? Công tử vừa rồi dặn người ở yên trong thuyền này. Tiểu thư đi rồi, lát nữa công tử trở lại, tôi biết nói sao với công tử ấy đây?
Tôi ngang bướng, nhảy phốc lên bờ.
- Đừng có lo! Ta đi rồi về ngay mà.
- Nếu công tử hỏi tôi biết nói ăn nói thế nào? Công tử đã dặn phải canh chừng tiểu thư. - Tên thuyền phu ôm cây chèo nãy giờ vẫn còn gác trên thuyền, gãy đầu.
Tôi cảm thấy tên thuyền phu này phiền chết người thật bèn cho hắn một lý do thích đáng:
- Ta đi toilet, đi toilet! Cứ nói vậy nhé!
- Tiểu thư đi... đi cái gì? – Thuyền phu lại gãy đầu.
Tôi che miệng cười khúc khích:
- Đi nhà xí! Đúng rồi đi mao xí! - Nói rồi liền chạy đi. Thuyền phu quả thật không tha cho tôi, hắn liền kêu to:
- Tiểu thư, đi sai hướng rồi! Kế bên đây này. Mai Gia Ký có nhà xí không tính tiền. Đi thẳng, rẽ phải.
Tôi quẳng mấy dư thừa của tên thuyền phu ra sau tai, chạy một mạch theo vị huynh đài kia. May mắn hôm nay tôi không la toán lên như lúc ở Linh Ẩn Tự nên tôi mới theo đuôi huynh cả một quãng dài. Nấp tới nấp lui đến độ chân cũng mỏi, quả thật bám theo một cao thủ như huynh không dễ chút nào. Tôi ôm bụng thở hổn hển, cố theo sát thêm chút nữa thì huynh đột ngột ngừng bước, sửa lại quai đeo đàn, tôi cũng vội dừng, nhìn huynh. Ánh đèn bên đường soi rọi trường bào gấm đen thêu hoàng mai trở nên lấp lánh. “Y phục đặt biệt, nhạc cụ đặt biệt, đúng là một người cổ quái!”, tôi thầm nghĩ rồi chỉ chớp mắt mấy cái mà dáng huynh đã mất hút ở toà nhà cao cao có đề bảng “Mai Gia Ký” trước mặt. Đó là một quán ăn lớn, tấp nập người lũ lượt ra vào. Theo tôi, Mai Gia Ký này là một nhà hàng hạng sang tận năm sao nếu như nó ở hiện đại. Tấm biển sơn son thếp vàng với nét chữ bay bổng ngoài cửa tiệm sáng trưng bởi hai chiếc đèn lồng to tướng cùng vô số đèn lồng đầy màu sắc ở lối vào tạo thành hai bức tường đèn lồng rực rỡ, trông con đường vào cổng vô cùng tráng lệ. Tôi đọc thầm trong miệng: “Mai Gia Ký, Mai Gia Ký!” Tên rất gần gũi! Tôi nhìn được chữ này vì nói giống chữ “mai” khắc trên tấm biển ở Mai gia trang. Tần ngần một chút rồi quyết định bước vào.
Đi được ba bước thì đã bị một kẻ nào đó bịt miệng lôi vào góc tường bên hông Mai Gia Ký. Tôi ngoan cố vùng vẫy, rồi cắn một phát vào bàn tay hắn, không nghĩ liền la lên: - Bớ người ta, bắt cóc! Cứu với, bắt cóc!
Người này chẳng những không kêu đau mà còn dửng dưng như không, bỏ tay khỏi miệng tôi, chầm chậm lấy đâu ra cái quạt giấy, cóc mạnh lên đỉnh đầu tôi một cái, mắng:
- Nha đầu ngốc! Ngươi nói tiếng mẹ đẻ của ngươi, làm sao ai biết mà lại cứu ngươi chứ?
- Cái gì? Anh biết tiếng Việt?
Người trước mặt liền bước ra ánh sáng, chính là vị huynh đài áo gấm đen thêu hoàng mai nhưng nguyệt cầm trên vai thì không thấy đâu nữa. Thiên hạ quả thật rất nhiều chuyện lí thú, nguyệt cầm kia của huynh lại trở thành thứ tôi trân trọng như báu vật, cũng trở thành thứ tan nát dưới tay tôi, có điều chuyện đó là chuyện của rất lâu sau này.
Huynh nhìn tôi, chỉ nhàn nhạt phớt qua, xoè quạt, đỉnh đỉnh phe phẩy, gương mặt chín phần giống mẹ tôi tươi rói, khuôn miệng đầy đặn khẽ cười mỉm:
- Ta không phải biết “tiếng Việt” gì đó như ngươi nói, chỉ là do thường nghe người ở phương Nam buôn bán, giao thương nên dần thành quen.
Tôi khoanh tay, bác bỏ:
- Vô lý! Người phía Nam không có nói tiếng Quốc Ngữ. Thời này là năm Thuần Hy thứ nhất, năm 1176 đời nhà Tống, làm gì ai biết ngôn ngữ này của tôi. Điều quan trọng là làm sao huynh đài biết đó là tiếng mẹ đẻ của tôi chứ? Hai từ "mẹ đẻ" đã tố cáo huynh là kẻ nói dối.
Huynh vừa nghe xong vô duyên vô cớ lại gõ quạt lên đỉnh đầu tôi, mắng tiếp:
- Cô nương thật quá ngu ngốc, chính là giọng nói của cô nương. Tôi có nói “tiếng mẹ đẻ” sao? Bị lãng tai lại còn ngu ngốc!
- Thật quá đáng! Dám đánh tôi, dám mắng tôi. - Tôi ôm đầu, sợ huynh trượt tay làm trúng vết thương trên trán, mới nói tiếp. - Thôi đừng gạt tôi nữa, anh ở đâu tới? Bắc, Trung hay Nam? À, nếu tôi đoán không lầm thì anh ở miền Nam. Bởi vì khúc nguyệt cầm vừa rồi của anh chỉ có xóm nhỏ Trường Tấn của tôi mới có, hẳn anh biết nơi đó đúng không? Còn nữa, anh đến đây lâu chưa, đến một mình hay đến với ai? Làm sao đến đây được, chừng nào thì về, anh có định về không? Nếu muốn về anh về bằng cách nào?
Huynh nghe tới đó thì vội vội vàng vàng, quạt xếp lại, vẻ đùa cợt lúc nãy biến đâu mất, xem ra cũng có phần rụt rịt. Tôi định nói tiếp thì huynh liền lên tiếng trước, cách xưng hô cũng khác:
- Cô nương! Ta không hiểu cô nương đang nói gì? Tại hạ là Nguyệt Cầm Vô Ảnh, đi không đổi tên, ngồi không đổi họ. Người biết danh ta với cái tên gần gũi là Vô Ảnh. Ta chỉ là một cầm sư bình thường ở đất Hàng Châu, vốn không biết cái gì là “Trường Tấn”. Nếu cô nương hỏi ta âm sắc, cung bậc. Cái đó ta có thể giải thích thường tận với cô nương. Còn chuyện mà cô nương đề cập, thật quá hoang đường! - Vừa dứt lời Vô Ảnh liền phe phẩy quạt trước ngực, bỏ đi.
Tôi chạy đến chắn ngang lối đi của huynh, ngang ngược bảo:
- Đứng lại cho tôi! Vô... Vô Không, Vô Đạo, Vô cái gì gì đó! Tại sao anh lại xuất hiện ở Linh Ẩn Tự, tối nay lại xuất hiện ở đây? Anh cố tình đi theo tôi phải không? Anh phải nói cho rõ! Anh Vô.. Vô Hình!
- Tại Hạ Nguyệt Cầm Vô Ảnh. Xin cô nương ghi nhớ cho! - Huynh một mực không thèm trả lời câu hỏi kia của tôi, liền nhắc nhở chuyện ngoài lề.
- Được được được! Anh Ảnh à, cho tôi hỏi chút nữa được không?
- Vô Ảnh!
- Vô Ảnh thì Vô Ảnh! - Tôi chạy lên đi song song Vô Ảnh, khom lưng thấp để nhìn gương mặt của huynh, cảm thán:
- Quả thật anh rất giống mẹ tôi!
- Xin cô nương đừng nói như vậy! - Vô Ảnh tăng tốc, bước thật nhanh.
Tôi cũng đuổi theo, vừa chạy vừa hỏi cho ra lẽ:
- Được, vấn đề đó không nói nữa. Vô Ảnh, hôm Mồng Một ở Linh Ẩn Tự, tôi đã gặp anh. Liều mạng chạy theo anh. Rốt cuộc bị lạc đường! Hại tôi mất cả một buổi tối đi loanh quanh trong thung lũng. Còn hôm nay, anh đột nhiên xuất hiện trước mặt tôi, thế gian làm gì có chuyện trùng hợp như vậy? Rõ ràng là anh theo dõi tôi, chuyện này anh giải thích sao đây?
- Tại hạ thật không nhớ đã từng gặp cô nương. Có lẽ cô nương đã lầm ta với ai chăng? Nhưng nếu người đó là ta đi, thì chuyện làm cô nương bị lạc cũng thật có lỗi với cô nương rồi. Cô nương hãy bỏ qua cho ta! Hơn nữa, thiên hạ này biết bao điều kỳ diệu, hội ngộ đôi lần thì có làm sao? Cô nương đừng quá xem nặng việc này, cứ coi đó là duyên. Xin cô nương chớ hiểu lầm ta có ý đồ xấu với cô nương mà tội nghiệp cho ta!
Vô Ảnh bước nhanh lên phía trước mấy bước dài. Tôi kiên quyết đuổi theo Vô Ảnh. Vô Ảnh lần này ngừng lại, đổi giọng:
- Tốt nhất cô nương đừng đi theo tại hạ nữa! Tạ hạ tắc tội với cô nương rồi! Cáo từ! - Nói rồi Vô Ảnh liền rời đi, chớp mắt lẫn vào dòng người trước mặt, mất dạng.
- Nguyệt Cầm Ảnh Ảnh gì gì chết tiệt! Không phải tại anh trông giống mẹ của tôi, đừng có nghĩ tới việc tôi bắt chuyện với anh. Được rồi, anh không chịu nói thật thì thôi. Dù sao cổ đại anh đã đến rồi thì mặc kệ anh. Anh muốn ở, muốn đi, muốn gì thì tùy. Tôi không có dư hơi mà quản chuyện của anh. Tốn thời gian! - Nói nhảm một hồi tôi sự nhớ tới một điều, tôi quên mất Mai Hạ Du, chắc chắn huynh đang chạy đi tìm tôi. Tay chân tôi quýnh hết cả lên, miệng lẩm bẩm. - Ca ca! Thôi chết! Không biết ca ca đang ở đâu nữa?
Bỗng sau lưng tôi một giọng thật lạnh vang lên:
- Trùng hợp quá, Mai muội muội!