Khi bà Hoài tỉnh dậy từ cơn mê thì mọi thứ xung quanh cũng đã trở lại dáng vẻ ban đầu. Không còn cái cảnh tượng đẫm m.á.u kia nữa, những gì vừa xảy ra đêm qua ngỡ như chỉ là tưởng tượng của chính bà. Quay sang bên cạnh thấy ông chồng đang ngồi ngủ gật bà Hoài liền gọi:
"Này mình ơi!"
Ông Nhân nghe gọi giật mình mở mắt.
"Mình tỉnh rồi à? Sao thế?"
Bà Hoài lúc này vẫn còn rất yếu, phải vịn lấy tay chồng mới ngồi dậy được. Tựa người vào đầu giường bà không đáp mà hỏi:
"Con tôi đâu rồi mình? Nó không sao chứ?"
Thấy vợ kích động ông Nhân liền vỗ vai bà an ủi:
"Nó không sao đang được cụ với mẹ bế ở nhà trên."
Bà Hoài nghe vậy mới thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ chuyện vừa xảy ra đã tạo cho bà đả kích rất lớn. Người mình vẫn luôn tin tưởng thực chất lại vẫn âm thầm nghĩ cách ám hại mình. Nỗi đau đớn trong lòng còn dày vò hơn vết thương thể xác gấp trăm lần.
Nghĩ đến đây bà lại kìm lòng không đậu mà rơi nước mắt. Khóc lóc một hồi bà mới nhờ chồng dìu lên nhà trên. Ở gian chính cụ Miên đang bồng đứa cháu vừa mới chào đời, khẽ ngâm nga mấy câu hát ru. Đứa nhỏ trong lòng cụ không quấy cũng không khó, yên lặng nhắm mắt ngủ ngon lành.
Bà Hoài được chồng đỡ vào trong, vừa mới đến trước mặt cụ Miên đã quỳ sụp xuống.
"Con đội ơn cụ đã cứu giúp vợ chồng con. Ơn này con xin tạc dạ lưu tâm kiếp sau nguyện làm trâu làm ngựa cho cụ."
Cụ Miên nghe vậy khẽ phất tay, cụ nói:
"Ta nào có ơn đức gì? Máu mủ ruột già há lại trơ mắt thấy c.h.ế.t không cứu? Hơn nữa còn là lệnh của bề trên ta buộc phải nghe theo."
Bà Hoài từ khi về làm dâu đến nay cũng ngót nghét chục năm nhưng chưa bao giờ bà được gặp cụ. Bà chỉ biết bố mẹ chồng lên đây làm ăn đã rất lâu rồi chưa về quê cũ, cũng chẳng thấy họ hàng nào lên thăm. Nghe đâu là do bố mẹ chồng bà có mâu thuẫn với gia đình nên mới đi tha hương cầu thực. Bà cũng không muốn dò hỏi nên chuyện này cứ thế cho qua. Ai mà ngờ được khi lâm vào tình cảnh nguy nan nhất người cứu lấy mình lại là người mình không nghĩ đến nhất.
Bà Hoài dập đầu lạy cụ Miên ba lạy, cụ cũng không ngăn cản cứ để mặc vậy. Sau khi bà Hoài đứng dậy cụ mới ôm đứa bé trong lòng, mang sang cho bà ẵm. Đứa trẻ bị làm phiền "oa, oa" lên vài tiếng xong dường như cảm nhận được là mẹ nên nín khóc, tiếp tục nhắm mắt ngủ. Bà Hoài nhìn con mà hai hàng lệ đã sớm tuôn rơi.
"Đã đặt tên chưa?"
Cụ Miên nhấp một ngụm trà làm ướt cổ họng rồi mới hỏi. Ông Nhân nghe vậy vội vàng đáp:
"Dạ thưa cụ vẫn chưa ạ."
Cụ Miên khẽ gật đầu rồi mới tiếp lời:
"Vậy cứ gọi là Cẩm Hòa đi."
Ông Nhân, bà Hoài gật gù, cái tên Cẩm Hòa này vừa ưu lệ lại trang nhã nghe rất hay. Hai ông bà nhìn nhau rồi cùng đồng thanh.
"Chúng con cảm ơn cụ!"
Cụ Miên lúc này mới ra hiệu cho vợ chồng hai người ngồi xuống. Xong xuôi cụ liền cất tiếng:
"Ngoài chuyện đặt tên ra ta còn chuyện khác muốn nói với hai đứa. Việc tới đây đêm hôm qua vốn không phải chủ ý của ta mà là gia tiên chỉ điểm cho ta được biết."
Nói đoạn cụ lại dừng lời thở hắt ra một hơi thật dài, trong ánh mắt cụ bấy giờ tràn ngập muộn phiền.
"Nhưng từ khi nhìn thấy đứa bé ta đã biết đời này nó không thể nào sống một cuộc sống bình thường. Ta không thể đoán trước được tương lai chỉ biết nó mang trên mình duyên nợ nhất định phải trả. Là nhân duyên hay nghiệt duyên còn phải dựa vào lựa chọn của nó người làm cụ này không thể giúp được hơn."
Nghe lời cụ nói Bà Hoài ngồi kế bên liền nức nở:
"Con van cụ, cụ thương con thương cháu cụ cứu lấy con con. Nó có tội nghiệt gì cứ để một mình con gánh."
Cụ Miên vỗ nhẹ vai bà Hoài khẽ lắc đầu:
"Mỗi người sinh ra trên đời này đều mang trong mình một sứ mệnh khác nhau, đã là duyên thì không hẹn cũng gặp, đã là mệnh thì cố tránh cũng chẳng được. Chúng ta không thể thay đổi tương lai chỉ có thể cố gắng làm cho nó xoay chuyển theo chiều hướng tốt hơn. Người tốt ắt gặp được quý nhân, ta tin chỉ cần hết lòng hướng thiện chuyện dữ cũng hóa lành."
Tiếp đó cụ cụ đưa tay nải của mình cho bà Hoài rồi dặn:
"Cuộc đời nó định sẵn sẽ phải theo nghiệp âm. Đây là tâm huyết tổ tiên truyền lại giờ ta giao cả cho con, khi nào thời cơ đến hãy đưa cho nó. Chỉ mong nó có thể tích đủ âm đức trong kiếp này không cần phải dây dưa đến tận kiếp sau nữa. Chỉ tiếc thọ mệnh ta có hạn không thể tự tay dạy dỗ nó."
Chỉ sau một đêm mà trông cụ Miên cứ như già đi cả chục tuổi. Đôi mắt vốn từng rất minh mẫn kia giờ đây chữa đầy mỏi mệt. Qua lời nói của cụ bà Hoài cảm nhận được có lẽ thời gian của cụ chẳng còn nhiều. Khẽ nuốt xuống nỗi chua xót bà Hoài gật đầu nhận lời.
Cụ Miên cũng nhìn bà Hoài nét mặt đầy trìu mến. Được một lúc cụ với lấy cây gậy trúc dựng bên bàn chậm rãi đứng dậy, bước từng bước rời đi. Ánh chiều tà phủ lên bóng cụ một vẻ cô tịch đến lạ. Ra đến ngưỡng cũ cụ đột nhiên ngừng lại, quay đầu nhìn về phía bà Trần vẫn đứng yên lặng một góc từ nãy đến giờ.
"Chuyện đó ta không còn trách hai đứa đâu."
Bà Trần dường như không ngờ đến cụ sẽ nói ra những lời như vậy, hai mắt bà mở lớn kinh ngạc. Nhưng chưa để bà kịp nói gì cụ đã lại rời đi. Bà Trần ngập ngừng mãi muốn gọi rồi lại thôi, mãi đến khi bóng cụ khuất xa dần bà mới thở hắt ra một tiếng như thể đã trút được cả một gánh nặng.
…
Sau đó mọi thứ lại trở về đúng quỹ đạo ban đầu. Bà Hoài ngay khi vừa hồi phục đã lập tức muốn tìm Cẩm Tú nói chuyện nhưng lại nhận được tin cô đã qua đời vì bạo bệnh. Nghe người ta kể rằng, bà ba nhà họ Hoàng bị trúng gió mà chết. Hơn nữa khi chết tử trạng còn rất kinh khủng, toàn thân thối rữa, trương lên như x.á.c để lâu ngày. Khi được phát hiện ra thì đã không còn lấy một bộ phận nguyên vẹn, còn đâu khuôn mặt tuyệt thế giai nhân thủa nào. Dám chắc khi còn sống đã làm rất nhiều chuyện thất đức nên mới có kết cục như vậy.
Không lâu sau cái chết của Cẩm Tú bà Hoài lại hay tin cụ Miên đã từ trần. Sự việc này để lại quá nhiều đau thương cho gia đình bà. Cả nhà bốn người về lại quê cũ lo liệu tang sự cho cụ, bà Trần cũng ngỏ ý muốn ở lại quê chăm lo cho mộ phần của chồng cũng như cha mẹ.
Ông Nhân chiều theo ý mẹ chỉ đành dẫn vợ con rời đi, sau này làm ăn khấm khá gia đình ba người chuyển lên thành phố từ đấy không còn quay lại ngôi nhà kia nữa."