Chim Cổ Đỏ

Chương 95



Olso.
Ngày 17 tháng 5 năm 2000


Harry xem đồng hồ đeo tay lần nữa. Anh lật thêm vài trang cho đến khi mắt anh chợt dừng lại ở một cái tên quen thuộc.

Quán Schreder.
Ngày 23 tháng Chín năm 1948.

… một công việc kinh doanh có triển vọng tốt. Nhưng hôm nay những gì tôi lo sợ từ lâu đã xảy ra.

Tôi đang đọc báo thì nhận ra ai đó đang đứng ở bàn tôi quan sát tôi. Tôi ngước mắt lên và máu trong huyết quản tôi đông lại thành băng! Ông ta có phần tồi tàn, tôi có thể thấy được. Quần áo ông ta sờn cả. Ông ta không còn giữ được dáng thẳng tắp, cứng cỏi như tôi còn nhớ. Một điều gì đó ở ông ta đã không còn. Nhưng tôi ngay lập tức nhận ra người tiểu đội trưởng cũ của chúng tôi, người đàn ông chỉ có một mắt.

“Gudbrand Johansen,” Edvard Mosken nói. “Lẽ ra cậu phải chết rồi chứ. Ở Hamburg người ta đồn thế.”

Tôi không biết phải nói gì hay phải làm gì. Tôi chỉ biết rằng người đàn ông ngồi trước mặt tôi đây có thể tuyên án tôi tội danh phản quốc hoặc tội giết người.

Miệng tôi hoàn toàn khô khốc khi cuối cùng tôi cũng nói được. Tôi đã nói vâng, tôi chắc chắn còn sống và để tranh thủ thời gian tôi đã nói rằng cuối cùng tôi được đưa vào một bệnh viện quân y ở Vỉenna, với các chấn thương đầu và bị thương nặng ở chân. Chuyện gì đã xảy đến với ông ta? Ông ta nói rằng mình đã về nước và điều trị tại bệnh viện ở Sinsen, thật khôi hài làm sao khi đó đúng là bệnh viện lẽ ra tôi được gửi đến. Như hầu hết những người khác, ông ta cũng bị tuyên án ba năm, được thả sau khi đã thụ án hai năm rưỡi.

Chúng tôi tám một chút chuyện nọ chuyện kia. Và một lúc sau tôi bắt đầu thấy thoải mái. Tôi gọi cho ông ta một cốc bia và nói về cơ sở vật liệu xây dựng tôi điều hành. Tôi nói với ông ý của mình: đối với những người như chúng ta tốt nhất là tự mình mở cái gì đó, vì hầu hết các công ty đều từ chối tuyển mộ tính từng chiến đấu ở Mặt trận phía Đông (đặc biệt là các công ty có hợp tác làm ăn với người Đức trong chiến tranh).

“Còn anh thì sao?” Ông ta hỏi.

Tôi giải thích rằng việc gia nhập “đúng phe” chẳng giúp tôi được nhiều. Tôi vẫn còn mặc bộ quân phục Đức.

Mosken ngồi đó suốt thời gian vẫn giữ nguyên nụ cười nửa miệng trên môi, và đến cuối cùng ông ta không kềm chế được nữa. Ông ta bảo rằng ông ta đã cố gắng lần theo dấu tôi từ lâu lắm rồi, nhưng toàn bộ các dấu vết đã dừng ở Hamburg. Ông ta suýt bỏ cuộc thì một hôm nhận ra cái tên Sindre Fauke trong một bài báo về những người lính Kháng chiến. Việc đó lại làm ông ta thấy quan tâm; ông ta đã tìm ra nơi Fauke làm việc rồi gọi điện tới. Ai đó mách cho ông ta biết rằng có lẽ tôi đang ở quán Schreder.

Tôi thấy căng thẳng. Nhưng điều ông ta nói cực kỳ khác với những gì tôi đã hình dung.

“Tôi chưa bao giờ cảm ơn anh cho đúng vì đã ngăn Hallgrim Dale bắn chết tôi lần đó. Anh đã cứu mạng tôi, Johansen."

Tôi nhún vai và há miệng nhìn chằm chằm để chuyện đó bớt trầm trọng. Tôi chỉ có thể làm được chừng ấy.

Mosken nói rằng tôi đã chứng tỏ là người có đạo đức khi cứu mạng ông ta. Vì tôi có lý do chính đáng để mong cho ông ta chết. Nếu người ta phát hiện ra thi thể của Sindre Fauke, Mosken có thể làm chứng rằng có lẽ tôi là kẻ sát nhân. Tôi chỉ gật đầu. Sau đó ông ta nhìn tôi và hỏi tôi rằng tôi có sợ hãi ông ta không. Tôi nhận ra rằng mình chẳng còn gì để mất, bèn kể ông ta nghe toàn bộ câu chuyện chính xác như nó đã xảy ra.

Mosken lắng nghe, con mắt duy nhất chú mục vào tôi đôi lần để xem tôi có nói dối không, thỉnh thoảng ông ta lắc dầu, nhưng ông ta biết rõ rằng hầu hết câu chuyện là sự thật.

Kể xong, tôi gọi thêm hai cốc bia nữa và ông ta kể cho tôi nghe về mình. Vợ ông ta đã tìm được người đàn ông khác chăm sóc cho mình và đứa con trai khi ông ta ở trong tù. Ông ta hiểu. Có lẽ đó cũng là điều tốt nhất cho cả Edvard Junior nữa, khi không phải lớn lên cùng một kẻ phản bội như cha nó. Mosken dường như cam chịu. Ông ta nói mình muốn làm việc trong ngành vận tải, nhưng ông ta đã nộp đơn mà chẳng nhận được công việc nào dù chỉ là một chân lái xe.

“Tự mua một xe tải riêng đi!” tôi nói. “Anh cũng nên khởi nghiệp riêng đi.”

“Tôi vẫn chưa có đủ tiền làm thế!” ông ta nói, liếc mắt nhanh về phía tôi. Tôi có ý tưởng mơ hồ cuộc đối thoại này sẽ dẫn đến đâu. “Các ngân hàng thì không sốt sắng lắm với những cựu chiến binh từ Mặt trận phía Đông. Họ nghĩ tất cả chúng ta là một lũ lừa gạt.”

“Tôi có dành dụm được chút tiền,” tôi nói. “Anh có thể vay tôi một ít.”

Ông ta từ chối, nhưng tôi nói vấn đề này coi như xong.

“Dĩ nhiên tôi sẽ cộng thêm lãi suất. Điều đó thì hiển nhiên khỏi cần phải nói!” tôi nói và mặt ông ta tươi lên. Nhưng một lúc sau ông ta trở lại nghiêm nghị và nói như vậy thì quãng thời gian trước khi ông ta có thể thực sự ăn nên làm ra lại có thể trở nên tốn kém quá.

Nên tôi cam đoan với ông ta là mức lãi suất sẽ không quá cao, mang ý nghĩa tượng trưng hơn. Sau đó tôi gọi thêm một chầu bia nữa và khi uống xong, chúng tôi cùng ra ngoài và bắt tay nhau. Chúng tôi đã thỏa thuận xong.

Oslo.
Ngày 3 tháng Tám năm 1950.

… một lá thư đóng dấu bưu điện Vienna nằm trong hộp thư. Tôi để lá thư trên bàn bếp trước mặt và nhìn chằm chằm. Tên và địa chỉ của cô ấy được viết trên mặt sau phong bì. Tôi đã gửi một lá thư đến bệnh viện Rudoly II vào tháng Năm, hy vọng ai đó có thể biết Helena đang ở đâu trên thế giới và gửi đến đó. Phòng khi những con mắt tò mò có vô tình mở thư, tôi cũng chẳng viết gì có thể gây nguy hiểm cho cả hai chúng tôi, và dĩ nhiên tôi cũng chẳng viết tên thật của mình. Và dứt khoát là tôi không dám mong nhận được hồi âm. Mà tận trong său thẳm, tôi cũng chẳng biết mình muốn nhận được thư trả lời không, không, nếu như câu trả lời như tôi mong đợi. Đã kết hôn và làm mẹ một đứa bé. Không, tôi không muốn biết chuyện đó. Ngay cả cho dù đó là những gì tôi đã cầu chúc cho cô ấy, đó là những gì tôi đã cho phép cô ấy.

Lạy Chúa tôi, chúng tôi còn quá trẻ. Cô ấy chỉ mới mười chín tuổi. Và bây giờ, khi tôi cảm lá thư ấy trong tay, tất cả bỗng đâu như không thật, như thể hàng chữ viết tay nắn nót trên phong bì chẳng thể nào liên quan đến Helena tôi đã mơ tưởng suốt sáu năm trời. Tôi mở thư với những ngón tay run run, ép mình phải mong chờ điều tồi tệ nhất. Đó là một lá thư dài và tôi đọc nó mới có vài tiếng trước mà giờ tôi đã thuộc nằm lòng.

Uriah thân yêu,

Em yêu anh. Thật dễ biết rằng em sẽ yêu anh đến cuối đời. Nhưng điều lạ lùng là có cảm giác như thể em cũng đã yêu anh cả cuộc đời em rồi. Khi em nhận được thư anh, em đã bật khóc vì hạnh phúc. Điều…

Harry đi vào bếp với bản thảo trong tay, tìm được cà phê trong tủ chén trên bồn rửa. Anh đặt ấm cà phê lên bếp trong khi vẫn đọc. Về cuộc đoàn tụ hạnh phúc, dù cũng thật khó khăn và đau đớn tại một khách sạn ở Paris. Hôm sau họ đã đính hôn.

Từ đoạn này trở đi, Gudbrand viết ngày càng ít hơn về Daniel. Cuối cùng dường như người này đã hoàn toàn biến mất.

Thay vào đó ông ta viết về một cặp tình nhân rất hạnh phúc trong tình yêu mà, vì vụ sát hại Christopher Brockhard, vẫn cảm thấy hơi thở của những kẻ truy đuổi phả sau gáy mình. Hai người có những buổi hẹn hò bí mật ở Copenhagen, Amsterdam và Hamburg. Helena đã biết danh tính mới của Gudbrand. Nhưng liệu cô ấy có biết toàn bộ sự thật về vụ giết người ở Mặt trận phía Đông không, về vụ hành quyết tại trang trại nhà Fauke không? Có lẽ là không.

Họ đã đính hôn sau khi quân Đồng minh rời nước Áo. Đến năm 1955 cô rời khỏi đất nước mà cô tin chắc sẽ lại bị xâm chiếm một lần nữa, “bởi những tội phạm chiến tranh, những kẻ bài Do Thái và những kẻ cuồng tín không học được gì từ sai lầm của chúng.” Hai người định cư tại Oslo, nơi này Gudbrand vẫn sử dụng tên của Sindre Fauke, tiếp tục điều hành cơ sở kinh doanh nhỏ của mình. Cùng năm đó họ nhờ một linh mục Thiên Chúa làm lễ kết hôn cho mình trong một buổi lễ riêng tư, trong khu vườn ở Holmenkollveien. Tại đây họ vừa mua một ngôi nhà to, riêng rẽ bằng tiền Helena kiếm được từ việc bán cơ sở may mặc của cô ở Vienna. Họ sống hạnh phúc, Gudbrand viết như vậy.

Harry nghe thấy tiếng xeo xeo và ngạc nhiên thấy ấm cà phê đã sôi tràn ra ngoài.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv