Olso.
Ngày 17 tháng 5 năm 2000
Hamburg.
Ngày 30 tháng Sáu năm 1944.
Sau khi viết thư cho Helena, tôi mở bi đông đổ cuộn giấy tờ tùy thân của Sindre Fauke ra, và thay vào đó bằng lá thư này. Tiếp theo tôi dũng lưỡi lê khắc tên cô ấy và địa chỉ lên rồi bước vào màn đêm. Ngay khi bước ra ngoài cửa tôi có thể cảm thấy hơi nóng. Gió giật đồng phục của tôi, bầu trời trên đầu tôi hình mái vòm vàng ệch. Ảm thanh duy nhất vọng đến tai tôi át tiếng lửa réo xa xa là tiếng kính vỡ, tiếng la hét của những người không biết chạy đi dâu. Dù ít hay nhiều tôi mường tượng địa ngục cũng sẽ như thế này. Bom đã ngừng rơi. Tôi đi dọc theo một con phố mà nó không còn là con phố nữa, chỉ là một dải nhựa đường chạy xuyên qua một vùng trống hoác với hàng đống đổ nát. Thứ duy nhất vẫn còn đứng vững trên “con phố” là một cái cây đen trũi chĩa thẳng lên trời những ngón tay phù thủy. Và một ngôi nhà đang cháy phừng phừng. Đó là nơi vọng ra những tiếng thét. Khi đến gần tới mức hai lá phổi của tôi cháy sém theo từng hơi thở; tôi quay lại và cất bước về phía bến cảng. Con bé đang ở đó. Một bé gái có đôi mắt đen thẫm vì quá khiếp đảm. Con bé giật giật áo khoác của tôi, gào thét đến lạc cả giọng khi tôi đi ngang qua.
“Meine Mutter! Meine Mutter!(47)”
Tôi cứ đi tiếp đường mình, chẳng làm gì được nữa. Tôi thấy một bộ xương người đang đứng trong ánh lửa sáng rực trên tầng thượng. Hai chân bị mắc kẹt vào hai bên bậu cửa sổ. Nhưng con bé tiếp tục đi theo tôi, gào thét những lời van xin tuyệt vọng để tôi giúp mẹ nó. Tôi cố gắng bước nhanh hơn, nhưng vòng tay bé bỏng của con bé giữ chặt lấy tôi, không chịu buông ra nên tôi kéo lê theo con bé đến biển lửa khổng lồ dưới chân chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục đi, một đám rước lạ lùng, hai con người ràng buộc với nhau trên con đường cùng đến sự tuyệt diệt.
Tôi đã nức nở, phải, tôi đã nức nở; nhưng những giọt lệ cũng bốc hơi ngay khi xuất hiện. Tôi không biết ai trong hai chúng tôi là người dừng lại, nhưng tôi đã bế con bé lên. Và tôi quay lại mang theo con bé đến một khu nhà ở tập thể, quàng tấm chăn của tôi quanh người nó.
Sau đó tôi lấy hết đệm từ các giường khác, rồi nằm xuống bên cạnh con bé trên sàn nhà.
Tôi không bao giờ biết con bé tên gì, hay chuyện gì đã xảy ra cho nó, vì con bé đã biến mất trong đêm. Nhưng tôi biết con bé đã cứu mạng tôi. Tôi quyết định mình phải hy vọng.
Tôi thức dậy thì thấy một thành phố đang hấp hối. Vài đống lửa vẫn còn cháy. Những tòa nhà ở bến cảng bị san bằng. Những con tàu đã đến mang theo đồ tiếp tế hoặc để sơ tán người bị thương nằm ngoài quận Aufienalster, không vào được vũng tàu đậu.
Trời tối rồi thủy thủ đoàn mới dọn được một chỗ để họ có thể bốc dỡ; vậy là tôi nhanh chân nhảy lên tàu. Tôi nhảy từ tàu này sang tàu khác cho đến khi tìm được đúng cái tôi đang tìm - chuyến đi đến Na Uy. Con tàu có tên là Anna và đang chở xi măng đến Trondheim.
Điểm đến này thích hợp với tôi vì tôi không hề hình dung các lệnh bắt đã mò tới được nơi ấy. Trật tự ngày thường của quân Đức đã bị hỗn loạn, một nơi những tuyến chỉ huy nói nhẹ là bị rối loạn. Quân hàm SS trên cổ áo còn trẻ, tôi dường như gây được một ấn tượng nhất định. Tôi chẳng gặp khó khăn gì khi lên tàu. Cả trong việc thuyết phục thuyền trưởng bằng các lệnh tôi cho ông xem, ngụ ý rằng tôi phải tìm đường đến Oslo theo tuyến đường trực tiếp nhất có thể. Trong hoàn cành hiện thời, điều đó nghĩa là đi tàu Anna đến Trondheim sau đó đi xe lửa đến Oslo.
Chuyến đi mất ba ngày. Tôi xuống tàu, trình giấy tờ và được đi tiếp. Sau đó tôi đáp xe lửa đi Oslo. Toàn bộ chuyến đi mất bốn ngày.
Trước khi xuống xe lửa, tôi vào nhà vệ sinh và mặc vào người quần áo tôi đã lấy của Christopher Brockhard. Sau đó tôi đã sẵn sàng cho bài sát hạch đầu tiên. Tôi đi bộ lên phố Karl Johans. Trời ấm và có mưa phùn. Hai cô gái tiến đến chỗ tôi, tay trong tay, cười khúc khích lớn tiếng khi tôi đi qua họ. Hỏa ngục ở Hamburg dường như đã cách xa bao nhiêu năm ánh sáng. Trái tim tôi rộn lên vui sướng, tôi đã quay về đất nước tôi hằng yêu thương, và tôi được sinh ra lần thứ hai.
Nhân viên lễ tân trong khách sạn Continental chăm chú xem giấy tờ tùy thân của tôi, trước khi nhìn tôi qua cặp kính.
“Chào mừng đến khách sạn Continential, ông Fauke.”
Khi tôi nằm ngửa trên giường trong phòng khách sạn màu vàng, nhìn chằm chằm lên trần nhà lắng nghe những âm thanh của thành phố ngoài kia, tôi tập đọc to cái tên mới trên đầu lưỡi, Sindre Fauke.
Không quen lắm, nhưng tôi nhận ra rằng có lẽ, có thể nó sẽ được việc.
Nordmarka.
Ngày 12 tháng Bảy năm 1944.
… một người đàn ông tên là Even Juul. Ông ta dường như tin toàn bộ câu chuyện của tôi, giống những người ở hậu phương khác. Mà dù sao thì sao họ lại không nên thế nhỉ? Sự thật - rằng tôi đã chiến đấu tại Mặt trận phía Đông và đang bị truy nã vì tội giết người - thậm chí sẽ còn khó chấp nhận hơn nhiều chuyện tôi đào ngũ và quay về Na Uy qua ngả Thụy Điển. Họ đã kiểm tra thông tin với các nguồn tin và được xác nhận rằng một người có tên là Sindre Fauke được báo cáo mất tích, có khả năng là đào ngũ sang Nga. Hệ thống của người Đức thật là có trật tự.
Tôi nói tiếng Na Uy khá chuẩn, tôi nghĩ đó là kết quả của việc tôi lớn lên tại Mỹ. Không ai nhận thấy rằng khi là Sindre Fauke tôi đã nhanh chóng bỏ được phương ngữ Gudbrandsdal. Tôi xuất thân từ một nơi nhỏ bé ở Na Uy. Nhưng ngay cả nếu có gặp ai đó tôi quen thời còn trẻ (Tuổi trẻ! Chúa tôi, mới chỉ ba năm trước mà tưởng như đã cả một đời rồi) xuất hiện thì tôi cũng chắc chắn rằng họ sẽ không nhận ratôi. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn khác.
Điều làm tôi sợ hơn nhiều là ai đó có biết Sindre Fauke thật xuất hiện. Thật may mắn, hắn ta xuất thân từ một nơi còn cách biệt hơn cả tôi, nếu điều đó xảy ra. Nhưng dĩ nhiên hắn cũng có họ hàng có thể nhận ra hắn.
Tôi đi quanh mà cứ nghiền ngẫm những điều này. Do vậy tôi vô cùng ngạc nhiên khi hôm nay họ ra lệnh cho tôi xử lý một người anh theo Dân tộc Thống nhất của tôi (của Fauke). Đó là để thử xem tôi thực sự đổi phe hay tôi là kẻ thâm nhập. Daniel và tôi suýt phá lên cười - như thể chính chúng tôi khám phá ra điều này vậy. Họ quả đã yêu cầu tôi loại bỏ những kẻ có thể đi tố tôi! Tôi biết thừa là đám chỉ huy của bọn lính giả hiệu này nghĩ rằng việc gia đình tàn sát nhau là đi hơi quá xa, vì họ ở trong khu rừng an toàn này không quen với sự tàn bạo của chiến tranh. Nhưng tôi đã quyết định làm theo lời họ ngay trước khi họ đổi ý. Ngay sau khi trời tối, tôi sẽ xuống thành phố và lấy khẩu súng giấu cùng bộ quân phục của tôi trong ngăn hành lý cất tại nhà ga, rồi bắt đúng chuyến xe lửa vào cái đêm tôi đã bắt để đến đây. Tôi biết tên của ngôi làng gần nhất đến trang trại của Fauke, thế nên tôi chỉ cần hỏi…
Oslo.
Ngày 13 tháng Năm năm 1945.
Một ngày lạ lùng nữa. Đất nước vẫn đang miên man trong cơn sốt giải phóng và hôm nay thái tử Olav tới Oslo cùng phái đoàn nội các. Tôi chẳng màng ra bến cảng xem, nhưng nghe nói “phân nửa” Oslo đã tập trung tại đó. Hôm nay tôi mặc quần áo thường dân cuốc bộ lên phố Karl Johans mặc dù những người “chiến hữu” của tôi không hiểu tại sao tôi lại không muốn khệnh khạng trong bộ quân phục Kháng chiến, và được chào đón như anh hùng. Đây được cho là sự hấp dẫn ghê gớm đối với thiếu nữ thời đó. Phụ nữ và quân phục - nếu tôi không nhầm thì hồi năm 1940 họ cũng thường thích chạy theo những bộ quân phục xanh lá như thế.
Tôi tới gần Hoàng cung để xem thái tử có chường mặt ra ban công, nói một vài lời không. Nhiều người nữa cũng đã tụ tập tại đó. Khi tôi xuất hiện, lính gác đang đổi phiên. Một sự phô trương đáng khinh theo các tiêu chuẩn Đức. Nhưng mọi người vẫn đang reo hò.
Tôi có hy vọng rằng thái tử sẽ dội gáo nước lạnh xuống những người Na Uy được gọi là lương thiện này, những kẻ ngồi đó như khán giả thụ động suốt năm năm mà chẳng chịu nhấc một ngón tay cho cả hai bên rồi giờ đây gào thét đòi báo thù những kẻ phản bội. Thực ra thì tôi đã nghĩ thái tử Olav có thể hiểu chúng tôi, vì nếu tin đồn đúng, ông là người duy nhất ngoài nhà vua và chính phủ, bằng cách ngỏ ý ở lại với người dân Na Uy và cùng chia sẻ số phận của họ, đã cho thấy một chút sự gai góc trong thỏa ước đầu hàng này. Nhưng chính phủ đã can ngăn. Họ biết rất rõ rằng điều này sẽ khiến nhà vua và họ bị nhìn nhận là kỳ lạ, bỏ mặc thái tử ở lại Na Uy trong khi bản thân họ thì trốn chạy.
Phải, tôi có hy vọng rằng thái tử trẻ tuổi (còn biết mặc quân phục, không giống như “những vị thánh ngày nay”) có thể giải thích cho dân tộc những người lính Mặt trận phía Đông đã giành được những gì, nhất là vì chính mắt anh ta đã nhìn thấy mối nguy mà bọn Bôn sẽ vích ở phía Đông đặt ra (và vẫn còn đặt ra) cho dân tộc chúng ta. Hồi đầu năm 1942, khi chúng tôi đang chuẩn bị ra Mặt trận phía Đông, người ta nói thái tử đã có những cuộc hội đàm với tổng thống Roosevelt bày tỏ mối quan ngại về các kế hoạch của người Nga đối với Na Uy.
Cũng có vẫy cờ, có một vài bài hát và tôi chưa từng thấy cây cối xanh hơn thế. Nhưng hôm nay thái tử đã không bước ra ngoài ban công. Thế nên tôi chỉ còn biết tự nhủ phải kiên nhẫn.
“Họ vừa gọi từ Vienna. Các dấu vân tay giống nhau!”
Weber đứng bên ngưỡng cửa vào phòng khách.
“Tốt!” Harry nói với cái gật đầu chiếu lệ, vẫn cắm cúi đọc.
“Ai đó đã nôn trong thùng rác!” Weber nói. “Ai đó ốm rất nặng. Có nhiều máu hơn là chất nôn ra.”
Harry liếm ngón cái và lật tiếp sang trang kế. “Được.”
Im lặng.
“Nếu tôi còn có thể giúp gì…”
“Cảm ơn rất nhiều, Weber, nhưng cứ thế đã.”
Weber nghiêng đầu song vẫn không nhúc nhích.
“Cậu không nên mở đài báo động sao?” cuối cùng ông hỏi.
Harry ngẩng đầu lên, ném sang Weber cái nhìn lơ đãng.
“Tại sao?”
“Tôi biết thế chó nào được,” Weber đáp. “Trên cơ sở không-cần-biết.”
Harry mỉm cười, có lẽ vì câu bình luận của tay cảnh sát già. “Không. Đó chính xác là lý do đấy.”
Weber chờ thêm nữa, nhưng không thấy gì.
“Tùy cậu thôi, Hole. Tôi có mang theo khẩu Smith & Wesson. Được nạp đạn đầy đủ và thêm một băng đạn nữa đây. Bắt lấy nè!”
Harry ngước mắt lên đúng lúc chụp kịp bao súng ngắn đen Weber ném cho anh. Anh lấy khẩu súng ngắn ra. Súng đã được tra dầu, có lớp bóng mờ trên thép mới lau chùi sạch tinh. Dĩ nhiên rồi. Là súng của chính Weber.
“Cảm ơn đã giúp đỡ, Weber,” Harry nói.
“Bảo trọng nhé.”
“Tôi sẽ cố. Chúc một ngày tốt… lành nhé!”
Weber khịt mũi trước lời nhắc nhở. Khi ông lê bước ra khỏi căn hộ, Harry đã lại miệt mài trong chồng giấy.
Phản bội - phản bội - phản bội! Choáng váng, tôi ngồi đó, khuất trong hàng ghế cuối khi người phụ nữ của tôi được dẫn vào, ngồi xuống ghế dành cho bị cáo. Cô ta trao hắn, Even Juul, nụ cười thoáng qua nhưng rõ ràng. Và chỉ nụ cưới thoáng qua ấy cũng đủ cho tôi biết tất cả. Thế nhưng tôi vẫn ngồi đó, đóng đinh trong chiếc ghế dài, chẳng thể làm được gì ngoài nhìn và nghe. Và đau khổ. Tên dối trá đạo đức giả! Even Juul biết rất rõ Signe Aleaker là ai. Tôi chính là người đã nói cho hắn nghe về cô ta. Khó mà trách hắn. Hắn nghĩ rằng Daniel Gudeson đã chết rồi, nhưng còn cô ta, cô ta đã thề thủy chung đến trọn đời. Phải rồi, tôi sẽ nói lại lần nữa: phản bội! Và thái tử đã không nói lời nào. Tại pháo đài Akershus họ đang bắn chết những người đã mạo hiểm mạng sống vì Na Uy. Tiếng vọng những phát súng lơ lửng trong không trung phủ xuống thành phố trong một thoáng, rồi biến mất và mọi thứ còn tĩnh lặng hơn trước. Như thể chẳng xảy ra chuyện gì.
Tuần trước người ta bảo tôi rằng vụ án của tôi bị hủy bỏ; bao hành động anh hùng của tôi vượt xa những tội ác tôi đã phạm. Tôi phá lên cười cho đến khi những giọt nước mắt trào ra khi tôi đọc bì thư. Vậy là họ nghĩ vụ hành quyết bốn người nông dân tay không tấc sắt tại Gudbrandsdalen là một hành động anh hùng, vượt hơn hẳn việc tôi phạm tội bảo vệ cho đất nước tôi tại Leningrad! Tôi ném thẳng cái ghế vào tường, bà chủ nhà chạy lên và tôi phải xin lỗi. Chuyện đó đủ làm người ta phát điên.
Ban đêm tôi đã mơ về Helena. Chỉ Helena thôi. Tôi phải cố quên đi. Và thái tử đã không nói một lời nào. Thật không chịu đựng nổi. Tôi nghĩ…