Chim Cổ Đỏ

Chương 41



Phố Vibes, Majorstuen.
Ngày 3 tháng Ba năm 2000.


Một người đàn ông đứng ở cửa, nở nụ cười tươi rói khi Harry lên đến tầng ba, thở hổn hển.

“Rất tiếc về chuyện cầu thang,” người đàn ông nói, chìa tay ra. “Sindre Fauke.”

Đôi mắt ông ta vẫn tinh anh nhưng khuôn mặt ông ta trông như thể đã trải qua hai cuộc thế chiến. Ít nhất là thế. Chỗ tóc bạc còn lại chải ra sau. Ông ta đang mặc áo sơ mi ca rô đỏ của thợ rừng bên dưới chiếc áo len đan Na Uy không cài nút. Cái bắt tay của ông ta ấm áp và rắn chắc.

“Tôi vừa mới pha cà phê,” ông ta nói. “Và tôi biết cậu đến về việc gì.”

Họ bước vào phòng khách được chuyển đổi thành thư phòng có một bàn giấy và một máy tính để bàn. Giấy tờ vung vãi khắp nơi, những chồng sách và tạp chí chất đầy bàn và sàn nhà dọc mấy bức tường.

“Tôi vẫn chưa sắp đặt mọi thứ được,” ông giải thích, dọn chỗ cho Harry trên sofa.

Harry xem xét căn phòng. Trên tường chẳng có bức ảnh nào, chỉ có một tờ lịch siêu thị với mấy bức ảnh Nordmarka.

“Tôi đang làm một dự án lớn mà tôi hy vọng sẽ thành sách. Một cuốn sách về chiến tranh.”

“Chẳng phải đã có người viết rồi sao?”

Fauke cười lớn. “Nhất định cậu có thể nói thế. Họ chỉ là chưa viết được hoàn toàn đúng thôi. Và đây là về cuộc chiến của tôi.”

“À há. Tại sao ông lại làm thế?”

Fauke nhún vai. “Nghe thì có vẻ tự phụ - nhưng những người đã từng tham chiến chúng tôi có phận sự phải ghi lại những gì mình trải qua cho hậu thế, trước khi giã từ cuộc đời này. Bất luận thế nào thì đó cũng là cách tôi nhìn nhận.”

Fauke đi vào bếp, gọi vọng vào phòng khách.

“Chính Even Juul đã gọi đến bảo tôi rằng tôi sắp có khách. Khiến tôi hiểu đó là POT.”

“Vâng, nhưng Juul đã bảo tôi rằng ông sống ở Holmenkollen.”

“Even và tôi không liên lạc với nhau nhiều. Tôi giữ số điện thoại vì dọn đi chỉ là tạm thời thôi. Cho đến khi hoàn thành cuốn sách này.”

“Được rồi. Tôi đã tới đó và gặp con gái ông, cô ấy đã cho tôi địa chỉ này.”

“Con bé ở nhà à? Chắc nó đang nghỉ phép.”

Việc gì? Harry vừa định hỏi nhưng lại thôi, thấy như vậy quá lộ liễu.

Fauke quay lại với một bình cà phê lớn nghi ngút khói và hai cái cốc. “Đen chứ?” Ông đặt một cốc trước mặt Harry.

“Tuyệt.”

“Tốt. Vì cậu không còn lựa chọn nào đâu.” Fauke phá lên cười, suýt làm đổ cà phê ra ngoài khi rót ra cốc.

Harry thấy thật đáng chú ý là Fauke hầu như chẳng có điểm gì nhắc anh nhớ đến cô con gái. Ông ta không có được cách ăn nói, hay cách kiểm soát bản thân có học thức như cô, cũng không vẻ mặt hoặc nước da ngăm như cô. Chỉ có vầng trán là giống nhau. Đều cao có đường gân màu xanh dày chạy ngang qua. “Nhà ông trên đó to thật đấy!” anh nói.

“Bảo dưỡng và cạo tuyết liên tục đấy,” Fauke đáp, nhấp thử cà phê và chép miệng hài lòng. “Tối tăm, u ám và quá xa mọi thứ. Tôi không thể chịu nổi Holmenkollen. Thêm nữa là chỉ rặt một lũ trưởng giả học làm sang sống ở đó. Chẳng có gì cho một lão Gudbrandsdalen di cư như tôi.”

“Thế sao ông không bán nhà đi?”

“Tôi cho rằng con gái tôi thích nó. Con bé lớn lên ở đó, dĩ nhiên rồi. Tôi hiểu là cậu muốn nói về chuyện ở Sermheim, tôi hiểu mà.”

“Con gái ông sống ở đấy một mình à?”

Harry nên cắn lưỡi mình. Fauke tợp một ngụm cà phê trong cốc. Ông cứ đảo ngụm cà phê trong miệng. Một hồi lâu. “Con bé sống cùng một thằng. Oleg.”

Đôi mắt ông ta trống rỗng, và không cười nữa.

Harry rút ra vài kết luận thật nhanh. Có lẽ là quá nhanh nhưng nếu anh đúng thì Oleg chắc phải là một trong những lý do khiến Sindre Fauke đang sống tại Majorstuen. Dù sao thì cũng là vậy đấy. Cô ấy đang sống cùng một người khác, có nghĩ về chuyện này nữa cũng vô ích. Mà dù sao điều đó cũng tốt.

“Tôi không thể nói với ông quá nhiều được, ông Fauke. Vì tôi chắc chắn rằng ông hiểu, chúng tôi đang làm…”

“Tôi hiểu.”

“Tốt. Tôi muốn được nghe những gì ông biết về những người Na Uy ở Sennheim.”

“Ồ. Chúng tôi đông lắm đấy, cậu biết mà.”

“Những người còn sống đến giờ thôi.”

Fauke phá lên cười.

“Tôi không có ý độc địa, nhưng làm thế dễ hơn nhiều đấy. Đàn ông chết như rạ ngoài mặt trận. Bình quân 60% đồng đội của tôi chết mỗi năm.”

“À tôi không bao giờ nghĩ vậy. Tỷ lệ chim chích bờ giậu chết là… ờ.”

“Hả?”

“Xin lỗi. Xin ông cứ tiếp tục.”

Harry ngượng ngùng, nhìn chằm chằm xuống cốc cà phê.

“Vấn đề đó là trong chiến tranh người ta học hỏi được rất nhanh,” Fauke nói. “Trong trường hợp anh sống sót được sáu tháng đầu, cơ hội sinh tồn sẽ lớn gấp nhiều lần. Anh không giẫm lên mìn, anh luôn cúi thấp đầu dưới chiến hào, anh tỉnh dậy ngay khi nghe thấy tiếng lên đạn của một khẩu súng trường Mosin- Nagant. Và anh biết rằng chẳng có chỗ cho những người hùng, và rằng nỗi sợ hãi là người bạn thân nhất của anh. Do đó sau sáu tháng tôi đã nằm trong nhóm ít người Na Uy nhận ra rằng chúng tôi có thể sống sót qua cuộc chiến này. Và hầu hết chúng tôi đã đến Sennheim. Dần dà khi chiến tranh tiếp diễn, họ đã chuyển trại huấn luyện đến những nơi khác, nằm sâu hơn trong lòng nước Đức. Hoặc những người tình nguyện đến thẳng từ Na Uy. Những người đã đến mà không được huấn luyện…” Fauke lắc đầu.

“Họ chết?” Harry hỏi.

“Chúng tôi thậm chí còn chẳng buồn biết tên họ khi họ đến. Để làm gì chứ? Rất khó hiểu, nhưng đến tận năm 1944 mà người tình nguyện vẫn tuôn ào ạt ra Mặt trận phía Đông, rất lâu sau khi những người chúng tôi ở đó biết chiến tranh sẽ đi theo hướng nào. Họ nghĩ rằng họ sẽ cứu Na Uy, của đáng tội.”

“Tôi hiểu ông không còn ở đó vào năm 1944?”

“Đúng thế. Tôi đã đào ngũ. Vào đêm Giao thừa năm 1942. Tôi đã phản bội lại đất nước của mình hai lần.” Fauke mỉm cười. “Và cuối cùng lại vào nhầm trại hai lần.”

“Ông đã chiến đấu cho người Nga.”

“Theo một cách nào đó. Tôi là tù binh. Chúng tôi đang chết đói. Một buổi sáng họ hỏi bằng tiếng Đức rằng có ai biết gì về viễn thông không. Tôi có biết sơ sơ nên liền giơ tay. Hóa ra tất cả những người lính thông tin liên lạc của một trung đoàn đã chết cả. Từng người một! Ngày mai lại là tôi điều khiển một điện thoại dã chiến khi chúng tôi tấn công những đồng chí cũ ở Estonia. Nơi ấy gần Narva…”

Fauke nâng cao cốc cà phê, cả hai tay bao quanh cốc.

“Tôi nằm trên một ngọn đồi nhỏ nhìn quân Nga tấn công chốt súng máy của Đức. Họ vừa bị quân Đức tàn sát chết như rạ. Một trăm hai mươi người và bốn con ngựa nằm phơi xác thành đống trước khi cuối cùng khẩu súng máy nóng rực. Rồi những người Nga còn lại giết chết quân Đức bằng lưỡi lê để tiết kiệm đạn. Từ khi mở đợt tấn công đến khi kết thúc tối đa là nửa tiếng. Một trăm hai mươi người chết. Rồi lại đến chốt súng máy tiếp theo. Cái quy trình ấy lặp lại.”

Harry còn thấy cốc cà phê rung nhẹ.

“Tôi biết mình sắp chết rồi. Và vì một sự nghiệp tôi không tin vào. Tôi không tin cả Stalin lẫn Hitler.”

“Tại sao ông lại ra Mặt trận phía Đông nếu ông không tin vào sự nghiệp ấy?”

“Tôi mới mười tám tuổi. Tôi lớn lên ở một trang trại tận trên Gudbrandsdalen. Nơi ấy thường chúng tôi chẳng thấy ai ngoài hàng xóm gần nhất. Chúng tôi không đọc báo, chẳng có cuốn sách nào - tôi chẳng biết gì cả. Tất cả những gì tôi biết về chính trị là do cha tôi kể. Chúng tôi là những người duy nhất còn lại trong gia đình; những người khác đã di cư sang Mỹ vào những năm hai mươi. Bố mẹ tôi và các trang trại liền kề ở cả hai bên đều thề ủng hộ Quisling và các thành viên của chủ nghĩa Quốc xã. Tôi có hai anh trai, những người anh mà tôi luôn ngưỡng mộ trên mọi phương diện. Họ là một phần của Hirden, những người hoạt động chính trị mặc quân phục, nhiệm vụ của họ ở quê nhà là chiêu mộ thanh niên vào đảng, bằng không họ cũng sẽ phải tình nguyện ra mặt trận. Ít nhất đó là những gì họ nói với tôi. Sau này tôi mới vỡ lẽ việc của họ là tuyển mộ những kẻ chỉ điểm. Nhưng đã quá muộn, tôi đã lên đường ra mặt trận rồi.”

“Vậy là ông thay đổi chính kiến ngoài mặt trận à?”

“Tôi sẽ không gọi như thế là thay đổi chính kiến. Hầu hết những người tình nguyện chỉ nghĩ đến Na Uy, ít nghĩ đến các hoạt động chính trị. Bước ngoặt đến với tôi khi tôi nhận ra mình đang chiến đấu một cuộc chiến của nước khác. Thực ra, chỉ đơn giản vậy thôi. Và thực ra thì chiến đấu cho người Nga cũng chẳng tốt đẹp hơn là mấy. Vào tháng Sáu năm 1944, tôi đã trút bỏ nghĩa vụ tại bến tàu ở Tallinn, ở đó tôi trốn được lên tàu của Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển. Tôi vùi mình trong gian chứa than cốc, trốn ở đó suốt ba ngày. Tôi bị nhiễm độc khí CO nhưng hồi phục được ở Stockholm. Từ đó tôi đã đến biên giới Na Uy rồi một mình băng qua biên giới. Đến lúc đó là tháng Tám rồi.”

“Tại sao ông lại đi một mình?”

“Vài người tôi đã liên hệ ở Thụy Điển không tin tôi; câu chuyện của tôi hơi quá kỳ quái. Mà cũng tốt thôi. Tôi cũng chẳng tin tưởng ai cả.”

Ông ta lại phá lên cười.

“Thế nên tôi ẩn mình và đương đầu theo cách riêng của tôi. Riêng chuyện vượt biên là trò trẻ con. Tin tôi đi, đi từ Thụy Điển sang Na Uy còn ít nguy hiểm hơn là nhặt khẩu phần thức ăn ở Leningrad nhiều. Dùng thêm cà phê nhé?”

“Vâng, xin cho một chút ạ. Tại sao ông không ở lại Thụy Điển?”

“Câu hỏi hay. Và là một câu tôi luôn tự hỏi mình bao nhiêu lần rồi.”

Ông ta lùa bàn tay qua mái tóc bạc lưa thưa.

“Tôi bị ám ảnh ý nghĩ trả thù, cậu biết đấy. Tôi còn trẻ, và khi cậu còn trẻ cậu thường dễ có ảo tưởng về những lý tưởng công lý, cậu nghĩ rằng đó là điều con người ta sinh ra đã có. Khi tôi ở Mặt trận phía Đông thì tôi là một thanh niên với những xung đột nội tâm, và tôi đã cư xử không ra gì với rất nhiều đồng chí của tôi. Đã đành là vậy, hoặc chính xác là vì vậy, tôi thề sẽ báo thù cho tất cả những ai đã hiến dâng đời mình cho những lời dối trá bị mớm cho ở quê nhà. Và tôi sẽ báo thù cho cuộc đời bị hủy hoại của chính tôi, mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ lành lặn lại nữa. Tất cả những gì tôi muốn là trả thù tất cả những kẻ đã thực sự phản bội đất nước chúng ta. Ngày nay các nhà tâm lý học có thể sẽ gọi nó là chứng rối loạn tâm thần vì chiến tranh, và sẽ cho nhốt tôi lại ngay lập tức. Nhưng hồi đó tôi đã đến Oslo, chẳng quen biết ai mà cũng chẳng có chỗ nào ở lại, mang theo những giấy tờ có thể sẽ khiến tôi bị bắn chết tại chỗ như một kẻ đào ngũ. Cái ngày tôi đến Oslo bằng xe tải tôi đã lên Nordmarka. Tôi ngủ dưới những cành cây vân sam, và chẳng ăn gì ngoài quả mọng trong ba ngày trước khi họ tìm thấy tôi.”

“Người của Kháng chiến?”

“Tôi hiểu từ Even Juul rằng ông ta đã kể cho cậu nghe phần còn lại.”

“Vâng.” Harry táy máy cốc cà phê. Giết chóc. Đó là một hành động không thể giải thích nổi, mà cuộc gặp gỡ với người đàn ông này cũng chẳng khiến nó dễ hiểu hơn. Lúc nào câu hỏi cũng ở đó, ngay trước não bộ của anh, kể từ lúc Harry trông thấy Fauke đứng đó mỉm cười trên ngưỡng cửa rồi bắt tay anh. Người đàn ông này đã hành quyết bố mẹ và hai anh trai của ông ta.

“Tôi biết cậu đang nghĩ gì,” Fauke nói. “Nhưng tôi là một người lính được lệnh phải giết người. Nếu tôi không được giao các mệnh lệnh đó, hẳn tôi sẽ không làm thế. Nhưng tôi biết một điều: gia đình tôi nằm trong số những người đã lừa dối đất nước chúng ta.”

Fauke nhìn thẳng vào Harry. Hai tay ông ta bao quanh cốc cà phê không còn run nữa.

“Cậu đang thắc mắc tại sao tôi giết cả gia đình mình khi được lệnh chỉ giết một người,” ông ta nói. “Vấn đề là họ chẳng nêu đích danh người nào. Họ bỏ mặc quyền phán xét sống chết cho tôi. Và tôi không thể làm điều đó. Thế nên tôi đã giết hết. Ngoài mặt trận có một gã chúng tôi gọi là cổ đỏ. Như con chim ấy vậy, chim cổ đỏ. Gã đã dạy tôi rằng giết người bằng lưỡi lê là phương pháp giết người nhân đạo nhất. Động mạch cảnh chạy từ tim đến não và khi ta cắt đứt liên kết đó, não sẽ không nhận được ôxy và nạn nhân ngay lập tức bị chết não. Trái tim bơm ba lần, có thể là bốn lần, nhưng rồi nó ngừng đập. Vấn đề là chuyện đó rất khó khăn. Gudbrand - tên gã - là bậc thầy nghệ thuật đó, nhưng tôi đã vật lộn với mẹ tôi lâu dường như vô tận mà cũng chỉ gây ra vết thương trên da thịt của bà. Đến cuối cùng tôi phải bắn chết bà.”

Miệng Harry khô khốc. “Tôi hiểu!” anh đáp.

Những từ ngữ vô nghĩa lơ lửng trong không khí. Harry đẩy cốc cà phê qua bàn, rút ra một cuốn sổ tay từ trong túi áo khoác da.

“Có lẽ chúng ta có thể nói những người đã ở cùng ông ở Sennheim?”

Sindre Fauke ngay lập tức đứng dậy.

“Tôi xin lỗi, thanh tra. Tôi không có ý định trình bày nó một cách lạnh lùng và tàn bạo như thế. Hãy để tôi giải thích với cậu trước khi chúng ta tiếp tục: tôi không phải là một người tàn bạo. Đây chỉ là cách xử lý mọi chuyện của tôi. Tôi lẽ ra không cần phải nói với cậu về chuyện đó, nhưng tôi làm thế vì tôi không thể chịu đựng được việc ỉm nó đi. Đó cũng là lý do tại sao tôi đang viết cuốn sách này. Tôi phải trải qua nó mỗi lần vấn đề này được nêu ra, công khai hay ngụ ý. Để hoàn toàn chắc chắn rằng tôi không trốn tránh nó. Cái ngày tôi trốn, nỗi sợ hãi sẽ chiến thắng tôi ngay ở trận đầu tiên. Tôi không biết tại sao lại thành ra thế này. Một nhà tâm lý học có thể giải thích được nó.”

Ông thở dài.

“Nhưng giờ tôi đã nói tất cả những gì tôi định nói về vấn đề này. Mà có thể đã nói quá nhiều. Dùng thêm cà phê không?”

“Không, cảm ơn ông,” Harry đáp.

Fauke lại ngồi xuống. Ông ta tựa cằm lên hai bàn tay nắm chặt.

“Được rồi, Sennheim. Đội nòng cốt người Na Uy. Thực ra, chỉ vỏn vẹn có năm người thôi, kể cả tôi. Và một trong số họ, Daniel Gudeson, đã chết vào đúng cái đêm tôi đào ngũ. Vậy là còn bốn người: Edvard Mosken, Hallgrim Dale, Gudbrand Johansen và tôi. Người duy nhất tôi gặp kể từ thời chiến tranh là Edvard Mosken, tiểu đội trưởng của chúng tôi. Đó là vào mùa hè năm 1945. Anh ta bị tuyên án ba năm vì tội phản quốc. Thậm chí tôi còn không biết liệu những người khác còn sống không. Nhưng để tôi nói cho cậu nghe điều tôi biết về họ.”

Harry lật sang một trang mới trong sổ tay.


TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv