Vienna.
Ngày 28 tháng Sáu năm 1944.
“Guten Abend, meine herrschaften(28).”
Người trưởng phục vụ mảnh mai, nhỏ nhắn cúi đầu chào thật thấp. Helena nhéo cánh tay Uriah khi anh không nhịn được cười. Họ đã cười suốt quãng đường từ bệnh viện vì cảnh náo loạn họ gây ra. Hóa ra Uriah là một tài xế kinh khủng nên Helena phải nhắc anh dừng mỗi khi họ gặp xe trên con đường hẹp đến Hauptstra B e. Nhưng Uriah lại tì lên còi, kết quả là các xe đang chạy đến đều phải dạt sang bên hoặc tấp vào lề. May mắn là trên đường phố Vienna lúc ấy không còn nhiều xe, nên họ đến Weihburggasse ở trung tâm thành phố bình an vô sự trước 7 giờ 30.
Trưởng phục vụ liếc nhìn quân phục của Uriah trước khi kiểm tra sổ đặt bàn, trán hằn sâu. Helena nhìn qua vai ông ta. Tiếng trò chuyện và tiếng cười rì rầm dưới những chùm đèn pha lê rủ xuống từ trần nhà hình vòm màu vàng, với những trụ trắng theo phong cách Corinth, chỉ bị át đi nhờ ban nhạc đang chơi.
Vậy ra đây là nhà hàng Husaren, Helena ngắm nhìn thích thú. Như thể bậc tam cấp ngoài kia là nấc thang kỳ diệu, dẫn họ từ một thành phố đang bị chiến tranh giày xéo vào một thế giới mà bom đạn và những nỗi thống khổ khác đều chỉ còn có ý nghĩa thứ yếu. Hẳn Richard Strauss và Amold Schonberg đều đã từng là khách quen ở nhà hàng này. Vì đây là nơi những người có tư duy tự do, có học thức và giàu có ở Vienna họp mặt. Tư duy tự do đến mức cha cô chưa từng nghĩ, dù chỉ thoáng qua, đến việc đưa gia đình đến đây.
Trưởng phục vụ hắng giọng. Helena nhận ra ông ta không hề thấy ấn tượng trước quân hàm Vizekorporal(29) của Uriah mà có lẽ ông ta bối rối trước cái tên nước ngoài lạ lùng trong sổ.
“Bàn của ông bà đã sẵn sàng. Vui lòng theo tôi!” Ông ta nói với nụ cười gượng gạo, lấy lên cuốn thực đơn trên đường đi. Nhà hàng đông nghịt khách.
“Của ông bà đây.”
Uriah mỉm cười cam chịu với Helena. Họ được dành cho một bàn chưa trải khăn cạnh cánh cửa xoay dẫn vào bếp.
“Phục vụ của ông bà sẽ đến ngay ạ,” trưởng phục vụ nói rồi lặn mất tăm.
Helena nhìn xung quanh rồi bật cười khúc khích.
“Nhìn này!” cô nói. “Đó là bàn ban đầu của mình.”
Uriah quay lại. Hoàn toàn đúng: ngay trước mặt ban nhạc, một người bồi bàn đang lau dọn một bàn dành cho hai người.
“Xin lỗi em!” anh n ó i. “Anh nghĩ lẽ ra anh có thể thêm từ thiếu tá trước tên mình khi gọi điện đặt bàn. Anh quá tin nhan sắc rực rỡ của em sẽ khỏa lấp được chuyện thiếu cấp bậc của anh!”
Cô nắm lấy tay anh, đúng lúc đó dàn nhạc tấu một vũ khúc Csardas Hungary vui tươi.
“Chắc họ đang chơi cho chúng ta đấy,” anh nói.
“Có thể là vậy.” Cô cụp mắt xuống. “Nếu không cũng chẳng sao mà. Họ đang chơi nhạc của dân du mục. Nếu do dân du mục chơi thì thật là tuyệt vời. Anh có thấy ai không?”
Anh lắc đầu, mắt chăm chú nhìn kỹ khuôn mặt cô, như thể điều quan trọng là anh phải ghi nhớ từng đường nét, từng vết nhăn trên da và từng sợi tóc.
“Họ đều đi cả rồi,” cô nói. “Những người Do Thái cũng thế. Anh có nghĩ những lời đồn là có thật không?”
“Lời đồn nào?”
“Về trại tập trung.”
Anh nhún vai.
“Trong chiến tranh có đủ lời đồn đại. Về phần mình, anh sẽ cảm thấy khá an toàn nếu bị Hitler giam giữ.”
Ban nhạc bắt đầu chơi một bản cho ba giọng ca bằng một thứ ngôn ngữ lạ. Vài người trong đám khán giả ngồi dưới hát theo.
“Họ hát gì vậy?” Uriah hỏi.
“Một bài Verbunkos,” Helena đáp. “Kiểu một bài hát của lính, giống hệt bài hát Na Uy mà anh hát trên xe lửa ấy. Những bài hát để tuyển mộ thanh niên Hungary tham gia cuộc chiến giành độc lập Rákcốczi. Anh cười gì thế?”
“Về tất cả những điều lạ lùng mà em biết. Em có hiểu luôn họ đang hát cái gì không?”
“Một chút. Đừng cười nữa!” cô cười thầm. “Beatrice là người Hungary, bác ấy thường hát cho em nghe. Tất cả đều là về những anh hùng và lý tưởng bị lãng quên.”
“Bị lãng quên à?” Anh siết chặt tay cô. “Như cuộc chiến này một ngày kia.”
Một người phục vụ đã kín đáo đến bên bàn họ, anh ta dè dặt hắng giọng để ra hiệu rằng mình có mặt.
“Meine Herrschafte n, ông bà đã sẵn sàng gọi món chưa ạ?”
“Chắc là rồi,” Uriah đáp. “Hôm nay các anh giới thiệu món gì?”
“Hăhnchen.”
“Món gà à. Nghe hay đấy nhỉ. Em có thể chọn loại rượu ngon cho tụi mình không? Helena?”
Đôi mắt Helena lướt qua danh sách.
“Tại sao lại không có giá?” cô hỏi.
“Chiến tranh, Fraulein. Giá thay đổi từng ngày.”
“Vậy thì món Hahnchen là bao nhiêu?”
“Năm mươi si linh.”
Từ khóe mắt cô chợt thấy mặt Uriah tái nhợt đi.
“Xúp ragu,” cô nói. “Ngày hôm nay chúng tôi đã ăn rồi, và tôi nghe nói rằng những món Hungary của các anh rất ngon. Anh có muốn thử không, Uriah? Hai bữa tối trong một ngày không quá nặng đâu.”
“Anh…!” Uriah mở miệng.
“Và một rượu vang nhẹ!” Helena đáp.
“Hai xúp ragu và một rượu vang nhẹ ạ?” anh phục vụ hỏi, lông mày nhướng lên.
“Tôi chắc chắn anh hiểu tôi muốn nói gì,” cô trả lại thực đơn cho anh ta và cười tươi, “anh phục vụ ạ.”
Mắt cô và Uriah nhìn nhau cho đến khi anh phục vụ khuất sau cánh cửa bếp, rồi họ bật cười rúc rích.
“Em điên thật đấy!” anh phá lên cười.
“Em á? Em đâu có đặt chỗ ở Zu den drei Husaren này mà trong túi có chưa tới năm mươi si linh đâu!”
Anh rút ra chiếc khăn tay, rướn người qua bàn. “Tiểu thư biết gì không, Fraulein Lang?” anh nói khi lau những giọt nước mắt vì cười của cô. “Anh yêu em. Thật sự yêu đấy.”
Đúng vào lúc đó vang lên tiếng còi báo động không kích.
Khi Helena nghĩ về buổi tối hôm ấy, cô luôn phải tự hỏi mình đã nhớ chính xác tới đâu; bom có rơi sát như cô nhớ, có phải ai cũng quay lại khi họ bước lên dọc lối đi giữa nhà thờ Stephansdom hay không. Cho dù đêm cuối cùng của họ ở Vienna vẫn phủ một bức màn phi thực, vào những ngày lạnh giá hồi ức ấy vẫn không ngừng sưởi ấm trái tim cô. Và cô chỉ có thể nghĩ đến đúng giây phút nhỏ nhoi ấy, trong đúng cái đêm hè ấy, nhưng hôm nay nó sẽ gợi lên tiếng cười còn mai lại là nước mắt, mà cô cũng chẳng hiểu nổi tại sao.
Khi tiếng còi báo động vang lên, tất cả những thanh âm khác đều im bặt. Trong một giây toàn bộ nhà hàng như bị hóa đá trong thời gian. Thế rồi những tiếng chửi thề đầu tiên vang vọng bên dưới trần nhà hình vòm mạ vàng.
“Hundel(30).”
“ScheiBei(31). Mới tám giờ mà!”
Uriah lắc đầu.
“Chắc người Anh họ mất trí rồi,” anh nói. “Trời thậm chí còn chưa tối!”
Các nhân viên phục vụ ngay lập tức loay hoay bên các bàn, trong khi tay phục vụ trưởng gào lên những mệnh lệnh cộc lốc cho thực khách.
“Nhìn kìa,” Helena nói. “Nhà hàng này cũng sắp bị phá hủy rồi, thế mà họ chỉ quan tâm đến việc hét khách thanh toán tiền trước khi họ chạy trốn.”
Một người đàn ông mặc com lê sẫm màu nhảy lên bục, nơi ban nhạc đang gói ghém nhạc cụ của họ.
“Nghe đây!” anh ta hét lên. “Yêu cầu tất cả những ai đã thanh toán xong ra ngay chỗ ẩn náu gần nhất, xuống đường hầm gần Weihburggasse 20. Vui lòng im lặng và lắng nghe! Khi đi ra nhớ rẽ phải sau đó đi bộ thêm hai trăm mét nữa. Đi tìm những người đàn ông cánh tay đeo băng đỏ. Họ sẽ chỉ đường cho mọi người. Và hãy bình tĩnh. Tạm thời các máy bay vẫn chưa đến đây đâu!”
Đúng lúc đó họ nghe thấy tiếng nổ của loạt bom đầu tiên trút xuống. Người đàn ông trên bục cố nói thêm điều gì nữa, tuy nhiên những giọng nói, tiếng la hét đã át tiếng anh ta. Anh ta bỏ cuộc, làm dấu thánh giá, nhảy xuống rồi tự tìm nơi trú ẩn.
Khách dự tiệc xô đẩy nhau đến lối ra đã ken đặc một đám đông người hoảng loạn. Một phụ nữ trong phòng giữ mũ áo gào lên: “Mein Regenschirm! - ô của tôi!” Nhưng chẳng thấy người phục vụ nào đứng trong phòng. Thêm nhiều tiếng nổ nữa, lần này gần hơn. Helena nhìn qua bàn ăn bỏ trống kế bên họ có hai ly rượu uống dở chạm nhau lanh canh khi cả căn phòng rung lên trong bản giao hưởng hai màn ầm ĩ. Hai phụ nữ trẻ và một người đàn ông trông như con hà mã vui tươi đi sau đuôi đang trên lối đến cửa ra. Áo sơ mi của ông ta xộc xệch, một nụ cười vui sướng nở trên môi.
Trong có mấy phút, nhà hàng vắng hoe, toàn bộ nơi này bao trùm trong sự câm lặng kỳ quái. Tất cả những gì họ có thể nghe thấy là những tiếng nức nở khẽ từ phía phòng giữ mũ áo, nơi người phụ nữ đã ngừng la hét đòi cái ô và đang ghì trán lên mặt quầy. Những bữa ăn còn dở dang, những chai rượu đã khui bỏ lại trên khăn trải bàn trắng. Uriah đang nắm chặt bàn tay của Helena. Một tiếng nổ mới khiến chùm đèn rung lên, người phụ nữ trong phòng giữ mũ áo choàng tính và vừa thét vừa chạy ra khỏi phòng.
“Cuối cùng cũng được một mình!” Uriah nói.
Mặt đất dưới chân họ rung chuyển, lớp vữa lác đác rơi xuống từ trần mạ vàng sáng lấp lánh trong không khí. Uriah đứng dậy, chìa tay ra.
“Bàn tốt nhất của chúng ta vừa được trống, Fraulein. Nếu quý cô không phiền…”
Cô nắm lấy cánh tay anh, đứng dậy cùng anh bước lên bục. Cô không còn nghe thấy tiếng còi đang hụ. Tiếp theo là tiếng nổ ầm ầm đinh tai, vữa từ các bức tường biến thành một trận bão cát, những ô cửa sổ lớn nhìn ra đường Weihburggasse bẹp rúm. Những ánh đèn vụt tắt.
Uriah thắp nến trong ngọn chúc đài trên bàn, kéo ghế ra cho cô, ngón cái và ngón trỏ nhón lấy một chiếc khăn ăn đã xếp, giũ thẳng rồi nhẹ nhàng đặt trên lòng cô.
“Hahnchen und Pradikatwein(32)? anh hỏi, kín đáo phủi mấy vụn kính vỡ ra khỏi bàn, đĩa ăn và tóc cô.
Có lẽ là do những ngọn nến và lớp bụi vàng lấp lánh trong không khí khi ngoài kia chìm trong bóng tối, có lẽ là do luồng gió lùa mát rượi từ ngoài cửa sổ mở giúp họ dễ chịu trong đêm hè vùng Pannonia, hay có lẽ đơn giản vì trái tim của chính cô, với máu như đang chảy giần giật trong huyết quản khi cô cố trải nghiệm khoảnh khắc này mãnh liệt hơn. Nhưng cô nhớ là có tiếng nhạc, dù đó là điều không thể khi ban nhạc đã gói ghém nhạc cụ chạy trốn rồi. Có phải cô đã mơ thấy nó, tiếng nhạc này? Chỉ nhiều năm sau, trước khi cô hạ sinh một bé gái, cô mới nhận ra đó là loại nhạc gì. Trên chiếc nôi mới người cha đứa bé của cô đã treo lên một chiếc chuông gió có những viên bi thủy tinh sặc sỡ nhiều màu. Một buổi tối cô lướt tay qua chiếc chuông gió và nhận ra ngay âm thanh. Và biết rằng nó từ đâu ra. Chính là chùm đèn pha lê trong nhà hàng Husaren đã chơi nhạc cho họ nghe. Những tiếng chuông gió trong vắt, thanh tao của chùm đèn khi nó đung đưa theo tiếng rung dưới sàn nhà, còn Uriah vào ra nhà bếp mang theo món Salzburger Nockerlro(33) và ba chai rượu Heuriger lấy từ trong hầm, ở đó anh cũng bắt gặp bếp trưởng đang ngồi trong góc với một chai rượu. Ông ta chẳng buồn động chân động tay ngăn cản Uriah lấy thực phẩm dự trữ; trái lại, ông ta còn nghiêng đầu biểu lộ sự đồng tình khi Uriah cho biết anh chọn loại rượu nào.
Rồi anh đặt bốn mươi si linh lẻ dưới ngọn chúc đài và họ cùng bước vào buổi tối tháng Sáu êm dịu. Tại Weihburggasse xung quanh hoàn toàn tĩnh mịch, nhưng bầu không khí đầy mùi khói, bụi và đất.
“Ta đi dạo nhé!” Uriah nói.
Không ai nói lời nào về việc sẽ đi đâu. Họ rẽ phải đi lên Kamtner Strape thì bất ngờ đã đứng trước quảng trường Stephansplatz tối om, hoang vắng.
“Lạy Chúa tôi!” Uriah nói. Thánh đường đồ sộ trước mặt họ choán hết bầu trời đầu đêm.
“Stephansdom à?” anh hỏi.
“Vâng.” Helena ngả đầu ra sau, đôi mắt cô dõi theo Sudturm, ngọn tháp nhà thờ màu xanh đen, cao mãi, vươn cao đến tận trời nơi những vì sao đầu tiên mới nhú.
Điều tiếp theo Helena còn nhớ là họ đứng bên trong thánh đường, bao quanh họ là gương mặt trắng bệch của những người tìm nơi trú ẩn tại đó, tiếng trẻ con khóc và tiếng đàn organ. Họ đã bước đến điện thờ, tay trong tay, hay là cô chỉ mơ thấy? Nó có thực sự xảy ra không? Phải anh đã bất thần ôm lấy cô và nói rằng cô sẽ là của anh? Phải chăng cô đã không thì thầm ja, ja, ja khi khoảng không trong nhà thờ chụp lấy lời của cô, tung lên tận mái vòm, con bồ câu và tượng Chúa trên thập giá, nơi những chữ ấy lặp đi lặp lại mãi cho đến khi phải trở thành sự thật? Cho dù điều đó có xảy ra hay không, những chữ đó còn chân thực hơn cả những lời nói cô đã mang theo, kể từ cuộc nói chuyện với André Brockhard.
“Em không thể đi cùng anh.”
Lời ấy đã nói ra, nhưng khi nào và ở đâu?
Cô đã nói với mẹ vào đúng buổi chiều hôm đó, rằng cô sẽ không đi mà chẳng đưa ra lý do tại sao. Mẹ cô đã cố gắng an ủi cô nhưng Helena không chịu nổi giọng nói the thé, tự cho mình đúng của bà, nên cô nhốt mình trong phòng ngủ. Rồi Uriah đến, gõ cửa, và cô đã quyết định không nghĩ gì nữa, mặc cho mình rơi mà không sợ hãi gì, không tưởng tượng bất kỳ cái gì ngoại trừ một vực thẳm khôn cùng. Có lẽ anh đã thấy ngay điều đó khi cô mở cửa. Có lẽ hai người họ đang đứng trên ngưỡng cửa với một thỏa thuận ngầm, họ sẽ sống nốt phần đời còn lại của mình trong những giờ đồng hồ họ có trước khi tàu hỏa rời đi.
“Em không thể đi cùng anh.”
Cái tên André Brockhard có vị đắng ngắt như mật trên đầu lưỡi cô, nên cô đã khạc nhổ nó đi. Cùng với phần còn lại: tờ bảo lãnh, người mẹ đang có nguy cơ bị tống cổ ra đường, người cha không còn muốn quay về với cuộc sống tử tế, Beatrice không còn một gia đình nào khác. Phải, tất cả đã nói ra rồi, nhưng khi nào? Phải chăng cô đã nói hết với anh trong thánh đường? Hay là sau khi họ chạy qua những con phố xuống Filharmoniker straBe? Nơi vỉa hè ngổn ngang gạch và mảnh thủy tinh vỡ, và ngọn lửa vàng liếm ra ngoài những ô cửa sổ ở Konditorei cũ, soi đường cho họ chạy ào vào trong sảnh tiếp tân của khách sạn tối om, hoang vắng đã từng rất sang trọng, thắp một que diêm, tự tiện lấy một chìa khóa trên tường rồi chạy vù lên cầu thang trải thảm dày đến mức họ chẳng gây nên tiếng động nào, những bóng ma lượn qua lượn lại dọc các hành lang tìm phòng số 342. Rồi họ trong vòng tay nhau, xé toạc áo quần của nhau ra như thể hai người đang bốc cháy, hơi thở của anh bỏng rát trên làn da cô; cô cào cấu anh đến khi anh chảy máu rồi sau đó áp môi lên hôn. Cô lặp đi lặp lại câu ấy cho đến khi nghe như niệm chú: “Em không thể đi cùng anh.”
Khi còi báo động ném bom vang lên, báo hiệu rằng lần này trận đánh bom đã kết thúc, họ đang nằm quấn lấy nhau trong những tấm vải trải giường dính máu, cô cứ thế nức nở mãi không thôi.
Sau đó mọi thứ hòa tan vào một vòng xoáy của thân thể, giấc ngủ và những cơn mộng mị. Khi nào thì họ đang làm tình và khi nào cô chỉ mơ rằng họ đang làm tình, cô cũng chẳng biết. Cô thức giấc lúc nửa đêm vì tiếng mưa rơi, theo bản năng cô biết rằng anh không còn bên cô nữa; cô bước đến bên cửa sổ nhìn chằm chằm xuống những con phố bên dưới được gột sạch tro và đất. Nước chảy trên những mép vỉa hè, và một chiếc ô vô chủ mở bung đang trôi xuống con phố hướng về sông Danube. Cô lại quay vào giường. Khi cô thức giấc một lần nữa, bên ngoài trời đã sáng, những con phố đã khô ráo và anh đang nằm bên cô, nín thở. Cô nhìn lên đồng hồ trên chiếc bàn bên giường ngủ. Còn hai giờ nữa tàu chạy. Cô vuốt trán anh.
“Tại sao anh không thở?” cô thì thầm.
“Anh vừa mới dậy. Em cũng không thở nữa này.”
Cô nép vào anh. Anh hoàn toàn trần truồng, nhưng nóng bỏng và đẫm mồ hôi.
“Thế thì chắc chúng ta chết rồi.”
“Ừ,” anh đáp.
“Anh đã đi đâu đấy?”
“Phải.”
Cô cảm thấy anh đang run lên. “Nhưng giờ thì anh đã về rồi,” cô nói.