Bislett.
Đêm Giao thừa 1999.
Harry Hole xuống xe điện tại khách sạn Radisson SAS ở phố Holbergs lúc giữa trưa thì thấy nắng sáng hắt nhẹ lên các cửa sổ khối nhà ở bệnh viện Rikshospital, trước khi biến mất sau những đám mây. Anh đến văn phòng lần cuối cùng, tự nhủ để thu dọn, để chắc chắn anh đã thu nhặt hết mọi thứ. Nhưng một chút ít ỏi tạo nên vật dụng riêng của anh bỏ vừa trong túi đồ siêu thị anh mang từ Kiwi về ngày hôm trước. Những ai không trực đều ở nhà, chuẩn bị cho bữa tiệc cuối cùng của thiên niên kỷ. Một sợi ruy băng giấy nằm vắt ngang lưng ghế nhắc anh nhớ bữa tiệc chia tay nho nhỏ hôm qua, dĩ nhiên dưới sự chỉ đạo của Ellen. Mấy lời chia tay trang nghiêm của Bjame Moller không thực sự phù hợp với những quả bong bóng xanh, ổ bánh bông lan cắm nến, dù sao thì một bài phát biểu ngắn gọn cũng khá tử tế. Có lẽ sếp Đội Hình sự biết rằng Harry sẽ không bao giờ tha thứ cho ông nếu ông dông dài, ủy mị. Và Harry phải thừa nhận anh đã cảm thấy chút kiêu hãnh khi Moller chúc mừng anh trở thành thanh tra, và chúc anh may mắn ở POT. Ngay cả cái cười mỉa mai của Tom Waaler và những cái lắc đầu nhẹ từ những dãy khán giả bên cửa phía sau cũng chẳng làm hỏng được dịp này.
Ý định khi anh quay lại văn phòng là được ngồi đó một lần cuối, trên chiếc ghế văn phòng cót két, xập xệ trong căn phòng anh đã trải qua gần bảy năm. Harry rùng mình. Anh tự hỏi, tính ủy mị này không phải là một dấu hiệu nữa cho thấy anh đang tiến bộ sao?
Harry bước tới phố Holbergs rồi rẽ trái vào phố Sofies. Phần lớn nhà cửa trên con phố chật hẹp này là căn hộ của công nhân có tuổi thọ từ cuối thế kỷ trước sang đầu thế kỷ này, và tình trạng không tươm tất. Nhưng sau khi giá căn hộ tăng lên, và khi những thanh niên trẻ tầng lớp trung lưu không đủ sức sống ở Majorstuen chuyển về đây, khu vực này đã mang diện mạo mới. Bây giờ chỉ còn một nhà gần đây vẫn chưa được cải tạo mặt tiền: số 8, của Harry. Nhưng anh chẳng buồn bận tâm đến chuyện đó.
Anh tự mở cửa vào nhà và mở hộp thư trong hành lang. Một quảng cáo bánh pizza và một phong bì từ trưởng phòng tài chính thành phố Oslo, mà anh ngay lập tức cho rằng có kèm theo nhắc nhở thanh toán vé phạt đỗ xe từ tháng trước. Anh chửi thề khi đi lên cầu thang. Anh đã mua một chiếc Ford Escort mười lăm năm tuổi với mức giá phải chăng từ một người chủ mà nói đúng ra, anh cũng chẳng biết ông ta là ai. Xe tuy hơi gỉ và khớp ly hợp đã mòn, đúng thế, nhưng mui đẩy gọn gàng. Tuy nhiên, các khoản tiền phạt đỗ xe và hóa đơn ga ra cho đến giờ đã nhiều hơn tóc trên đầu anh. Ngoài ra, cái đống bỏ đi không khởi động được, cho nên anh phải nhớ đỗ xe trên đỉnh đồi để nhờ sức đẩy cho xe nổ máy.
Anh mở khóa cửa trước. Đó là một căn hộ hai phòng được trang bị sơ sài. Sạch sẽ và ngăn nắp, không có thảm trên sàn gỗ sáng bóng. Những món đồ trang trí duy nhất trên bốn bức tường là một bức ảnh mẹ và Sis, một tấm áp phích phim Bố già mà anh thó từ rạp phim Symra hồi mười sáu tuổi. Không có cây cảnh, không có nến cũng chẳng có đồ trang trí linh tinh dễ thương nào. Có lần anh từng treo một bảng thông báo vì nghĩ có thể dùng để dán những tấm bưu thiếp, ảnh chụp hay bất kỳ câu châm ngôn nào anh nghĩ ra. Anh đã từng thấy những tấm bảng như thế ở nhà người khác. Khi nhận ra rằng mình chẳng bao giờ được nhận bưu thiếp, cơ bản là cũng chẳng chụp ảnh bao giờ, anh đành cắt ra một câu trích dẫn của nhà văn Bjorneboe:
Và sự tăng tốc trong việc tạo ra mã lực này lại một lần nữa chỉ là biểu hiện sự tăng tốc hiểu biết của chúng ta về cái gọi là các quy luật tự nhiên. Sự hiểu biết này = cảm giác bất an.
Chỉ liếc mắt một cái Harry cũng khẳng định được rằng chẳng có tin nhắn trên máy trả lời tự động (một khoản đầu tư vô bổ khác). Anh cởi cúc áo sơ mi bỏ vào giỏ giặt và lấy một áo sạch từ chồng áo xếp ngăn nắp trong tủ.
Harry không tắt máy trả lời điện thoại (có lẽ ai đó từ tổ chức Gallup Na Uy sẽ gọi), khóa cửa rồi lại đi.
Không một chút ủy mị, anh mua những tờ báo cuối cùng của thiên niên kỷ ở tiệm của Ali, sau đó khởi hành lên Dovregata. Ở phố Waldemar Thranes mọi người đang gấp gáp về nhà cho một đêm trọng đại. Harry run cầm cập trong áo khoác cho đến khi bước vào quán Schroder, hơi ấm người ẩm ướt phả vào mặt anh. Quán đã khá đông, nhưng anh thấy cái bàn yêu thích của mình sắp trống nên bước về phía đó. Ông già từ bàn đứng lên đội mũ, ném nhanh cái nhìn dò xét sang Harry từ dưới đôi lông mày bạc rậm, lầm lì gật đầu chào, rồi bước đi. Bàn nằm gần cửa sổ, nên trong ngày đây là một trong số vài bàn trong căn phòng sáng mờ có đủ ánh sáng để đọc sách. Anh vừa ngồi xuống thì Maja đã đến bên cạnh.
“Chào Harry.” Cô đập phạch tấm giẻ lau xám xuống khăn trải bàn. “Món đặc biệt ngày hôm nay chứ?”
“Nếu đầu bếp không say.”
“Không say đâu. Uống không?”
“Nói mới nhớ.” Anh nhìn lên. “Hôm nay cô giới thiệu thử.”
“Được.” Cô ta đặt một tay lên hông, tuyên bố bằng một giọng to và rõ. “Trái với suy nghĩ của mọi người, thành phố này thực ra có loại nước uống tinh khiết nhất nước. Và những điếu thuốc ít độc nhất sẽ được tìm thấy trong các tòa nhà được xây dựng khoảng vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, chẳng hạn như nhà này.”
“Ai nói với cô điều đó hả Maja?”
“Có lẽ là anh đấy, Harry.” Tiếng cười của cô khàn khàn và thành thật. “À mà kiêng rượu thì có lợi cho anh đấy.” Cô nói câu này lí nhí, ghi lại món anh gọi rồi bỏ đi.
Những tờ báo khác đều dày đặc tin tức về thiên niên kỷ, nên Harry đọc tờ Dagsavisen. Trên trang sáu mắt anh bắt gặp tấm ảnh lớn có tấm biển chỉ đường bằng gỗ được sơn biểu tượng mặt trời. Trên một mũi tên có ghi Oslo 2.611 km và Leningrad 5 km trên mũi tên bên kia.
Bài viết bên dưới được cho là của Even Juul, giáo sư sử học.
Phần tít phụ rất ngắn gọn: Những điều kiện cho chủ nghĩa phát xít nhìn từ tình trạng thất nghiệp gia tăng ở Tây Âu.
Harry đã từng thấy tên của Juul trên báo chí; ông ta như một kiểu quân sư liên quan đến việc chiếm đóng Na Uy và đảng Dân tộc Thống nhất. Anh lật sang phần còn lại của tờ báo nhưng chẳng tìm được thông tin gì đáng chú ý. Anh bèn quay về bài viết của Juul. Đó là bài nhận xét một tường thuật trước đó về vị thế mạnh mẽ mà chủ nghĩa Quốc xã mới nắm giữ ở Thụy Điển. Juul mô tả làm sao chủ nghĩa Quốc xã mới, vốn đã chứng kiến sự xuống dốc thê thảm vào những năm tăng trưởng kinh tế thập kỷ chín mươi, giờ đây đang quay lại với sức sống mới mẻ. Ông cũng viết rằng một đặc điểm của làn sóng mới chính là cơ sở ý thức hệ vững chắc của nó. Trong khi chủ nghĩa Quốc xã mới trong những năm tám mươi chủ yếu là về thời trang và bản sắc nhóm, chuẩn mực đồng nhất trong ăn mặc, đầu trọc cùng những khẩu hiệu cổ lổ như “Sieg Heil,” làn sóng mới này được tổ chức tốt hơn nhiều. Có một mạng lưới hỗ trợ tài chính và nó không dựa trên các nhà lãnh đạo và nhà tài trợ giàu có theo cùng mức độ. Ngoài ra, Juul viết, phong trào mới không đơn thuần chỉ phản ứng lại những nhân tố trong tình hình xã hội hiện tại, như thất nghiệp và nhập cư, mà còn muốn thiết lập một sự lựa chọn thay thế cho nền dân chủ xã hội. Khẩu hiệu là tái vũ trang - về đạo đức, quân sự và chủng tộc. Sự suy tàn của đạo Cơ Đốc được dùng làm ví dụ về sự suy đồi đạo đức, cũng như HIV và sự gia tăng lạm dụng thuốc. Hình ảnh kẻ thù cũng lên một mức độ mới: những nhà đấu tranh cho EU đã triệt hạ các biên giới quốc gia và chủng tộc; những người dân NATO chìa tay ra giúp đỡ người Nga và người Xlavơ sống dưới mức con người; và những ông trùm tư bản châu Á mới đảm nhận vai trò của người Do Thái làm các chủ ngân hàng thế giới.
Maja mang bữa trưa tới.
“Bánh hấp à?” Harry hỏi, nhìn chằm chằm xuống mấy miếng xam xám trên bẹ cải thìa rưới xốt trộn.
“Phong cách Schroder,” Maja đáp. “Những gì còn lại từ hôm qua. Chúc mừng năm mới.”
Harry giơ cao tờ báo lên để ăn, anh mới cắn được một miếng bánh bao giàu chất xơ thì nghe thấy giọng nói từ phía sau tờ báo.
“Tôi dám nói nó thật đáng sợ.”
Harry cố nhìn qua tờ báo. Người Mohican ngồi ở bàn bên cạnh đang nhìn thẳng vào anh, có lẽ nãy giờ ông ta ngồi đó nhưng dứt khoát là Harry đã không nhận thấy ông ta đi vào. Có lẽ họ gọi ông ta là người Mohican vì ông là là người cuối cùng của giống nòi ông. Ông ta từng là thủy thủ trong thời chiến, bị tấn công ngư lôi hai lần và tất cả anh em đồng chí của ông ta đã chết từ lâu. Maja đã nói với Harry như thế. Chòm râu dài, bù xù của ông ta thòng cả vào cốc bia. Ông ta ngồi đó, vẫn mặc áo choàng, ông ta vẫn luôn làm thế, đông cũng như hè. Khuôn mặt ông ta hốc hác đến mức nổi rõ hình dạng mạch máu trông như tia chớp đỏ sẫm trên nền trắng toát. Đôi mắt ướt, đỏ ngầu nhìn Harry trừng trừng sau lớp nếp nhăn trên làn da chảy xệ.
“Đáng sợ thật!”
Trong đời mình Harry đã nghe đủ những câu ba la bô lô say xỉn, nên anh chẳng buồn chú ý đặc biệt đến những gì khách quen quán Schroder nói, nhưng lần này thì khác. Suốt bao nhiêu năm đến nơi này, đây chính là những lời nói đầu tiên của người Mohican mà anh nghe hiểu được. Ngay cả sau cái đêm mùa đông năm ngoái, khi Harry bắt gặp người Mohican đang ngủ tựa lưng vào một tường nhà tại Dovregata và gần như đã cứu sống ông bạn già khỏi bị chết cóng. Nhưng người Mohican đến một cái gật đầu chào anh trong những dịp hiếm cũng không. Và bây giờ có vẻ người Mohican đã bày tỏ ý kiến đủ cho thời điểm hiện tại, và lại chăm chú vào cốc bia. Harry nhìn quanh rồi mới vươ n người sang bàn của người Mohican.
“Ông còn nhớ tôi không, Konrad Asnes?”
Ông già làu bàu, nhìn chằm chằm vào khoảng không mà không trả lời.
“Năm ngoái tôi thấy ông nằm ngủ trong đống tuyết trên phố. Nhiệt độ lúc đó là âm mười tám độ.”
Người Mohican trợn tròn mắt.
“Lúc ấy không có đèn đường, nên rất có thể tôi đã không thấy ông. Ông có thể ngoẻo rồi đấy, Asnes.”
Người Mohican nheo một con mắt đỏ ngầu, nhìn Harry giận dữ rồi nâng cốc lên.
“Phải, tôi muốn cảm ơn anh về chuyện đó.”
Ông ta thận trọng uống, rồi chậm rãi đặt cốc xuống bàn. Như thể quan trọng là phải đặt cốc vào đúng một chỗ cụ thể trên bàn.
“Nên đem bắn hết bọn găngxtơ này đi!” ông ta nói.
“Thật ư? Ai cơ?”
Ngón tay cong cong của người Mohican chỉ về phía tờ báo của Harry. Anh bèn lật tờ báo qua. Trang nhất in rõ nét bức ảnh lớn chụp một tên đầu trọc Quốc xã mới người Thụy Điển.
“Cho chúng dựa cột hết đi!” Người Mohican đập tay xuống mặt bàn cái rầm, một vài gương mặt quay về phía ông ta. Harry đưa tay ra hiệu cho ông ta bình tĩnh lại.
“Chúng còn trẻ dại thôi, Asnes. Giờ thì hãy cố vui vẻ đi. Đêm Giao thừa mà.”
“Còn trẻ dại ư? Thế anh nghĩ chúng ta là ai hả? Như thế thì không ngăn được cản được bọn Đức đâu. Kjell đã mười chín tuổi. Oscar đã hai mươi hai. Bắn chúng đi trước khi chúng lây lan, tôi nói thế đấy. Đó là một căn bệnh, ta phải chặn đứng nó từ sớm.”
Ngón trỏ của ông run run chỉ vào Harry.
“Một trong số chúng đã ngồi chỗ anh đang ngồi bây giờ. Chúng không chết hết mẹ gì đâu! Anh là cảnh sát, anh phải ra mà bắt chúng!”
“Làm sao ông biết tôi là cảnh sát?” Harry ngạc nhiên hỏi.
“Tôi có đọc báo mà. Anh đã bắn ai đó ở một vùng nào đó dưới phía Nam. Điều đó thì tốt rồi, nhưng còn bắn hai thằng ở đây nữa thì sao?”
“Hôm nay ông lắm mồm thật đấy, Asnes.”
Người Mohican ngậm miệng lại, cáu kỉnh liếc nhìn Harry lần cuối rồi quay qua tường ngắm nghía bức tranh vẽ Youngstorget. Harry hiểu rằng cuộc nói chuyện đã kết thúc, anh gọi Maja mang cho mình cốc cà phê rồi xem đồng hồ. Một thiên niên kỷ mới sắp đến rồi. Quán Schroder sẽ đóng cửa lúc bốn giờ để chuẩn bị “tiệc Giao thừa nội bộ” như tấm áp phích treo trên cửa ghi. Harry dò xét những khuôn mặt quen thuộc trong phòng. Theo anh thấy, tất cả khách đều đã đến.