Bộ Ngoại giao.
Ngày 4 tháng Mười một năm 1999.
Bernt Brandhaug nhìn đồng hồ đeo tay và nhíu mày. Tám mươi hai giây, hơn thường lệ bảy giây. Sau đó ông sải bước qua ngưỡng cửa vào phòng họp, oang oang câu “Chào buổi sáng” vui vẻ, nhoẻn nụ cười trắng lóa trứ danh với bốn gương mặt quay nhìn về phía ông.
Kurt Meirik, POT, ngồi một bên bàn với Rakel (đủ cả cặp cài tóc không hợp, bộ vest và vẻ mặt nghiêm nghị). Điều làm ông chú ý là bộ vest có vẻ quá đắt tiền đối với một thư ký. Ông vẫn tin vào trực giác của mình rằng cô ta đã ly dị, nhưng có lẽ cô ta cưới chồng giàu. Hay là do cô ta có bố mẹ giàu? Chuyện cô ta ngồi đây, tại một cuộc họp mà Brandhaug đã ngầm dặn phải diễn ra hoàn toàn kín, cho thấy chức vụ cô ta giữ trong POT cao hơn ban đầu ông phỏng đoán. Ông quyết tâm tìm hiểu thêm về cô.
Anne Sterksen ngồi bên kia bàn với ông sếp Đội Hình sự cao, gầy gò, tên là gì nhỉ? Trước hết, mất hơn tám mươi giây ông mới tới được phòng họp, rồi bây giờ ông không thể nhớ nổi một cái tên - có phải ông đang già đi không?
Ông còn chưa nghĩ cho đến cùng chuyện này thì những sự kiện đêm qua vụt hiện về trong tâm trí. Ông đã mời Lise, cô nhân viên thực tập Văn phòng Ngoại giao trẻ trung, đến cái ông gọi là một bữa trưa văn phòng nho nhỏ. Sau đó ông mời cô đi uống nước tại khách sạn Continental, nơi được sự bảo trợ của Văn phòng Đối ngoại, ông được tùy nghi sử dụng một phòng thường trực cho những cuộc họp cần kín đáo hơn một chút. Không khó mời Lise đi chơi, cô là một cô gái có tham vọng. Nhưng mọi chuyện hóa ra lại tồi tệ. Việc này chỉ xảy ra một lần, có lẽ vì ông đã uống quá chén, nhưng chắc chắn không phải là ông đã quá già. Brandhaug xô ý thức này vào sâu trong tiềm thức rồi ngồi xuống.
“Cảm ơn vì có thể đến khi được thông báo gấp như vậy,” ông bắt đầu. “Dĩ nhiên, không cần phải nhấn mạnh tính chất bảo mật của cuộc họp này, nhưng dẫu sao tôi vẫn sẽ làm thế vì không phải ai cũng có nhiều kinh nghiệm trong chuyện này!”
Ông liếc mắt nhìn nhanh mọi người trừ Rakel, cho thấy rõ ràng thông điệp này nhằm vào cô. Sau đó ông quay sang Anne Sterksen.
“À mà người của cô sao rồi?”
Cô cảnh sát trưởng nhìn ông có chút bối rối.
“Tên cảnh sát của cô?” Brandhaug nhanh nhảu nói. “Hole, phải anh ta tên thế không?”
Cô gật đầu với Meller, ông hắng giọng hai lần trước khi bắt đầu.
“Trong hoàn cảnh này thì ổn. Dĩ nhiên cậu ấy có bị lung lay một chút. Nhưng… OK rồi.” Ông nhún vai cho thấy chẳng còn gì nhiều để nói.
Brandhaug nhướng một bên lông mày mới tỉa.
“Tôi tin là không lung lay đến mức có thể có nguy cơ rò rỉ?”
“E hèm!” Moller lên tiếng. Ông trông thấy cảnh sát trưởng quay nhanh về phía ông với cái liếc ngụ ý. “Tôi không tin là như vậy. Cậu ấy nhận thức được tính chất nhạy cảm của vấn đề. Và tất nhiên cậu ấy đã thề giữ bí mật về chuyện xảy ra.”
“Cũng vậy với các cảnh sát khác có liên quan tại hiện trường,” Anne Sterksen sốt sắng nói thêm.
“Vậy hãy cùng hy vọng chuyện này trong tầm kiểm soát!” Brandhaug nói. “Tôi sẽ cho mọi người biết vắn tắt tin mới về tình hình. Tôi vừa có cuộc nói chuyện dài với đại sứ Mỹ. Tôi tin mình có thể nói rằng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về các điểm mấu chốt nhất trong sự vụ bi thảm này.”
Ông nhìn lần lượt từng người một. Họ nhìn ông chằm chằm trong bầu không khí chờ đợi căng thẳng. Đợi chờ những gì mà ông, Bernt Brandhaug, có thể nói với họ. Sự tuyệt vọng ông cảm thấy vài giây trước dường như tan biến.
“Ông đại sứ có thể cho tôi biết rằng nhân viên Mật vụ mà người của các vị,” - ông ra dấu về phía Moller và cảnh sát trưởng - “đã bắn tại trạm thu phí đang trong tình hình ổn định và được loại khỏi danh sách nguy hiểm. Cột sống lưng của anh ta bị tổn thương và có xuất huyết trong, nhưng áo gi lê chống đạn đã cứu mạng anh ta. Tôi lấy làm tiếc rằng chúng ta không phát hiện thông tin này sớm hơn, nhưng vì những lý do dễ hiểu, chúng ta đã cố giữ cho mọi thông tin về sự vụ này ở mức tối thiểu. Chỉ những chi tiết thiết yếu nhất mới được trao đổi giữa một số ít người các bên có liên quan.”
“Anh ta đang ở đâu?” Moller hỏi.
“Nói đúng ra thì anh không cần phải biết điều đó, thanh tra Moller.”
Ông nhìn Moller, khuôn mặt ông ta có một biểu hiện lạ. Trong giây lát sự im lặng ngột ngạt bao trùm căn phòng.
Bao giờ cũng lúng túng đôi chút khi ai đó bị nhắc nhở rằng họ không được phép biết nhiều hơn những gì họ cần biết cho công việc của mình. Brandhaug mỉm cười, xòe hai tay ra điều hối tiếc như thể muốn nói: Tôi có thể hiểu rõ tại sao anh hỏi, nhưng phải vậy thôi. Moller gật đầu và cúi nhìn xuống bàn.
“Được rồi!” Brandhaug nói. “Tôi chỉ có thể nói với các vị bấy nhiêu - sau cuộc phẫu thuật anh ta được chở tới một bệnh viện quân y ở Đức.”
“Được.” Moller đưa tay gãi gãi sau gáy. “E hèm..!”
Brandhaug chờ đợi.
“Tôi cho rằng để Hole biết chuyện này thì không sao? Ý tôi là biết rằng tay Mật vụ đó đang bình phục. Việc đó sẽ khiến cho tình hình… à… dễ dàng hơn cho cậu ấy.”
Brandhaug nhìn Moller. Ông ta đang gặp khó khăn giải quyết chuyện làm sếp Đội Hình sự.
“Tốt thôi.”
“Vậy ông và ông đại sứ đã thỏa thuận với nhau về chuyện gì?” Rakel là người hỏi.
“Tôi đang sắp nói đến đây!” Brandhaug nhẹ nhàng đáp.
Thực sự đó là vấn đề tiếp theo của ông, nhưng ông lại không thích bị chen ngang như thế này. “Trước hết, tôi muốn được tuyên dương Moller và cảnh sát Oslo vì đã đánh giá nhanh chóng hiện trường. Nếu các báo cáo là chính xác thì chỉ sau mười hai phút là tay mật vụ đã nhận được sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp.”
“Hole và đồng nghiệp của cậu ấy, Ellen Gjelten, đã đưa anh ta đến bệnh viện Aker,” Anne Storksen đáp.
“Những phản ứng nhanh đáng ngưỡng mộ,” Brandhaug nói. “Và đó là một quan điểm được ông đại sứ Mỹ chia sẻ”
Moller và cảnh sát trưởng liếc nhìn nhau. “Hơn nữa, ông đại sứ đã nói chuyện với Mật vụ và sẽ không có chuyện kiện cáo gì từ phía Mỹ. Tất nhiên rồi.”
“Tất nhiên rồi!” Meirik phụ họa.
“Chúng tôi cũng đồng ý rằng sai sót chủ yếu nằm ở phía người Mỹ. Tay mật vụ trong buồng bán vé lẽ ra không nên có mặt ở đó. Nghĩa là, việc đó là được phép, nhưng lẽ ra sĩ quan liên lạc Na Uy ở hiện trường phải được thông báo. Cảnh sát viên Na Uy tại chốt gác đã để tay mật vụ lọt vào khu vực kiểm soát, và lẽ ra - xin lỗi, đã có thể - thông báo cho sĩ quan liên lạc, lại chỉ xem xét rồi cho qua khi tay mật vụ trình thẻ. Chỉ thị chung đó là nhân viên của Mật vụ có quyền tiếp cận tất cả các khu vực an toàn, do đó viên cảnh sát thấy chẳng có lý do gì phải báo cáo thêm. Nhìn lại, chúng ta có thể nói rằng lẽ ra anh ta cần phải làm thế!”
Ông nhìn Anne Storksen, cô ta không tỏ vẻ sẽ phản đối.
“Tin tốt đó là vào lúc này dường như chưa có thông tin gì bị lộ ra ngoài. Tuy nhiên, tôi không triệu tập cuộc họp này để thảo luận chúng ta nên làm gì thì tốt nhất, chuyện đó không quý giá gì hơn ngồi yên. Tôi cho rằng chúng ta không cần cân nhắc một chuyện như vậy. Sẽ là ngây thơ đến ngớ ngẩn nếu tin rằng vụ bắn nhầm này sẽ không rò rỉ ra ngoài, chẳng sớm thì muộn.”
Bernt Brandhaug úp hai lòng bàn tay lên nhau, như thể muốn gói các câu lại thành từng miếng âm thanh.
“Ngoài hơn hai mươi người từ POT, Văn phòng Đối ngoại và nhóm điều phối biết về vấn đề này, còn khoảng mười lăm cảnh sát chứng kiến tại trạm thu phí. Tôi không mong phải nói từ tồi tệ nào về bất kỳ ai trong số họ. Tôi chắc chắn, nhìn chung họ sẽ tuân thủ những cam kết bảo mật thường lệ. Tuy nhiên, họ chỉ là những cảnh sát bình thường không hề có kinh nghiệm về mức độ bảo mật cần thiết trong những tình huống này. Hơn nữa, còn có các nhân viên tại bệnh viện Rikshospital, nhân viên hàng không, nhân viên Công ty Thu phí Giao thông Fjellinje AS và khách sạn Plaza, tất cả những người mà, ít nhiều gì cũng có lý do để nghi ngờ về chuyện xảy ra. Cũng chẳng có gì bảo đảm rằng đoàn mô tô hộ tống không bị theo dõi bằng ống nhòm từ một tòa nhà xung quanh. Một tiếng từ bất kỳ ai có liên quan đến việc này và…” ông phồng má lên biểu thị một sự bùng nổ.
Quanh bàn mọi người im bặt đi cho đến khi Meller hắng giọng.
“Vậy tại sao lại… à… nguy hiểm đến vậy nếu tin này bị lộ ra ngoài?”
Brandhaug gật đầu cho thấy rằng đây không phải câu hỏi ngu ngốc nhất ông từng nghe, ngay lập tức tạo cho Meller cái cảm giác như đã định rằng điều đó đúng là như vậy.
“Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ còn hơn cả một đồng minh!” Brandhaug nói kèm một nụ cười khó hiểu. Ông nói với ngữ điệu ta dùng để giải thích cho một người không phải dân Na Uy rằng Na Uy có vua, rằng thủ đô của nó là Oslo.
“Năm 1920, Na Uy là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, và có khả năng vẫn là như thế, nếu không nhờ có sự trợ giúp của Mỹ. Hãy quên hết mỹ từ của các chính trị gia đi. Di dân, Chương trình Viện trợ Marshall, Elvis và viện trợ tài chính đầu cơ dầu mỏ đã biến Na Uy thành có lẽ là một trong những nước thân Mỹ nhất trên thế giới. Ai trong số chúng ta ngồi đây cũng đều đã phải phấn đấu nhiều năm mới đạt được địa vị sự nghiệp ngày hôm nay. Nhưng nếu chuyện đến tai các chính trị gia của chúng ta rằng ai đó trong phòng này chịu trách nhiệm về việc gây nguy hiểm cho tính mạng tổng thống…”
Brandhaug để phần câu còn lại lửng lơ trong không khí, đảo mắt qua khắp bàn.
“May mắn cho chúng ta,” ông nói. “Người Mỹ họ thà thừa nhận một trục trặc với một mật vụ của họ hơn là thừa nhận sự thiếu hợp tác căn bản với một trong những đồng minh thân cận nhất!”
“Điều đó nghĩa là,” Rakel nói mà không ngước mắt khỏi xấp giấy trước mặt,”… chúng ta không cần một kẻ giơ đầu chịu báng Na Uy.” Nói rồi cô ngước mắt lên nhìn thẳng vào Bernt Brandhaug. “Hoàn toàn ngược lại. Chúng ta cần một người hùng Na Uy, đúng không?”
Ánh mắt Brandhaug dừng ở cô, vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Ngạc nhiên vì cô đã biết rất nhanh ông đang tiến đến đâu, thích thú vì ông nhận ra cô chắc chắn là người cần phải để mắt đến.
“Chính xác. Cái ngày mà thông tin rằng một cảnh sát Na Uy bắn một mật vụ rò rỉ ra, chúng ta phải công khai lối giải thích các sự kiện của mình,” ông đáp. “Và lối giải thích của chúng ta phải là không có gì không hay từ phía chúng ta. Sĩ quan liên lạc của chúng ta tại hiện trường đã hành động đúng theo chỉ dẫn, có trách thì chỉ trách tay mật vụ kia thôi. Đây là lối giải thích mà cả chúng ta lẫn người Mỹ đều chấp nhận được. Thách thức là làm sao khiến giới truyền thông tin. Và đó là lý do tại sao…”
“… chúng ta cần một người hùng,” cảnh sát trưởng đế thêm vào.
“Xin lỗi!” Moller lên tiếng. “Tôi có phải người duy nhất ở đây không hiểu được phần trọng yếu của chuyện này không?” Ông cố thêm vào một tiếng cười khẽ nhưng khá là không thành công.
“Viên sĩ quan đã cho thấy sự nhanh trí trước một tình huống được xem là có khả năng gây nguy hiểm cho tổng thống,” Brandhaug nói. “Nếu người trong buồng bán vé là một kẻ ám sát, mà anh ta buộc lòng phải giả dụ thế, căn cứ theo những hướng dẫn đặt ra trong tình huống đặc biệt ấy, hẳn anh ta đã cứu mạng tổng thống. Chuyện kẻ đó hóa ra lại không phải là kẻ ám sát cũng chẳng thay đổi được gì.”
“Đúng vậy!” Anne Stơrksen nói. “Trong những tình huống như vậy, các hướng dẫn phải được ưu tiên hơn đánh giá cá nhân.”
Meirik không nói gì, chỉ gật đầu tán thành.
“Tốt,” Brandhaug nói. “Phần ‘trọng yếu’, như anh vừa gọi thế, Bjame, đó là thuyết phục báo chí, các cấp trên của chúng ta và tất cả những ai có liên quan đến vụ này rằng chúng ta không hề nghi ngờ lấy một giây nào là sĩ quan liên lạc của chúng ta đã hành động đúng. Phần ‘trọng yếu’ đó là chúng ta phải hành xử như thể anh ta gần như đã thực hiện một chiến công anh hùng.
Brandhaug có thể thấy sự kinh ngạc của Moller.
“Chúng ta sẽ không tưởng thưởng viên sĩ quan. Chúng ta đã gần như thừa nhận rằng anh ta phạm sai lầm về nhận định trong việc bắn tay mật vụ, và, do vậy, công tác thu xếp an ninh trong chuyến viếng thăm của tổng thống đã thiếu sót.”
Những cái gật đầu đồng tình lan đi khắp bàn.
“Vậy thì…” Brandhaug nói. Ông thích từ này. Đó là một từ có áo giáp, gần như bất khả chiến bại vì nó viện đến uy quyền logic. Từ cái này mà có cái kia.
“Vậy thì, chúng ta trao huân chương cho anh ta?” Lại là Rakel.
Brandhaug cảm thấy nhói bực bội. Cách cô ta nói từ “huân chương”. Như thể họ đang soạn kịch bản phim hài để rồi sốt sắng vồ lấy đủ mọi kiểu đề nghị hài hước. Rằng bài trình bày của ông là một bộ phim hài.
“Không,” ông chậm rãi nói, cố nhấn mạnh. “Không có huân chương gì cả. Huân chương và biệt đãi đều không có vẻ trang trọng. Cũng như chúng không mang lại cho chúng ta sự tín nhiệm mà chúng ta theo đuổi.” Ông ngả người trên ghế, hai tay để sau đầu. “Hãy thăng chức cho anh ta. Đưa anh ta lên làm thanh tra.”
Một quãng im lặng thật lâu theo sau.
“Thanh tra ư?” Bjame Moller nhìn Brandhaug chằm chằm ngờ vực. “Vì bắn một mật vụ ư?”
“Điều đó có thể nghe hơi rùng rợn, nhưng suy nghĩ về nó chút đi.”
“Chuyện đó…” Miller chớp mắt và dường như định nói nhiều điều, nhưng ông lại chọn cách ngậm miệng.
“Anh ta không phải thực hiện các nghĩa vụ thường thuộc về cấp thanh tra.” Brandhaug nghe cảnh sát trưởng nói. Những từ ngữ thốt ra với chút ngập ngừng. Như thể đang xỏ sợi chỉ qua lỗ kim.
“Chúng tôi cũng đã suy nghĩ đôi chút về chuyện này, Anne,” ông trả lời mà nhấn nhẹ ở tên cô. Đây là lần đầu tiên ông sử dụng tên thánh của cô. Một bên lông mày cô khẽ giật, nhưng ông không nhận ra được điều gì khác cho thấy rằng cô phản đối. Ông tiếp tục: “Vấn đề là nếu tất cả các đồng nghiệp của viên sĩ quan liên lạc hung hăng này của cô cho rằng thăng chức là để được chú ý rồi đâm ra nghĩ chức danh như một thứ tô vẽ thì tức là chúng ta vẫn chưa đi được xa. Tức là chúng ta chẳng đi đến đâu cả. Nếu họ nghi ngờ có sự che đậy, tin đồn sẽ ngay lập tức lan rất xa, và chúng ta sẽ tạo ấn tượng rằng chúng ta đã cố gắng che đậy một cách có ý thức sự thật rằng chúng ta, cô, tay cảnh sát này, đã phạm phải một sai lầm ngớ ngẩn. Nói cách khác, chúng ta phải trao cho anh ta một vị trí mà không ai có thể soi mói quá sâu vào những gì anh ta thực sự đang làm. Nói cách khác, một sự thăng chức kèm thuyên chuyển sang một hoạt động kín đáo.”
“Một hoạt động kín đáo. Một kẻ được tự do hành động.” Rakel nở nụ cười chế giễu. “Nghe có vẻ như ông đang tính chuyện gửi anh ta sang chỗ chúng tôi.”
“Anh nghĩ sao Kurt?” Brandhaug hỏi.
Kurt Meirik gãi gãi sau tai trong khi tủm tỉm cười.
“Vâng,” ông đáp. “Tôi cho rằng chúng tôi luôn có thể tìm được mái nhà cho một thanh tra.”
Brandhaug khẽ cúi chào. “Điều đó rất hữu ích.”
“Vâng, chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi có thể.”
“Tuyệt vời,” Brandhaug nói với một nụ cười rộng ngoác, liếc mắt lên đồng hồ treo tường để chỉ rằng cuộc họp kết thúc. Tiếng bàn ghế kéo loạt soạt.