Ăn xong, vì vẫn chưa an tâm với Phương nên tôi không vội về nhà, cùng nó dạo quanh qua những con đường quen thuộc.
Hôm nay, trời đã vào đông , những cơn gió lồng lộng ôm trọn lấy hai đứa bọn tôi. Buổi chiều, trời vẫn khá dễ chịu, tôi chỉ mặc mỗi chiếc áo phông mỏng tanh để ra ngoài. Bây giờ, dù ngồi sau lưng Phương, tôi vẫn không ngừng xuýt xoa vì lạnh. Vậy nên, suốt cả quãng đường, tôi cứ huyên thuyên, nói hết chuyện này đến chuyện khác cho đỡ lạnh.
"Dạo này, tao có xem một bộ phim học đường hay lắm, mày muốn nghe không?"
Phương đáp gọn lỏn: "Nghe."
Tôi bắt đầu kể lại nội dung bộ phim, và rồi khéo léo bày tỏ mong muốn của mình:
"Trong phim có chị kia chơi bóng rổ giỏi lắm. Cảnh chỉ úp rổ, chuyền bóng, lách người cực kì ngầu luôn, còn ngầu hơn cả con trai nữa..."
Dừng một chút, tôi lại nói vu vơ:
"Nếu tao cũng chơi bóng rổ thì không biết có ngầu như chị ấy không ha?"
"Mày muốn tao dạy mày chơi bóng rổ phải không?"
Phương trực tiếp vạch trần tâm tư của tôi. Chỉ chờ có như vậy, tôi cười tít mắt, lập tức reo lên đầy vui vẻ: "Bingo!"
Trái với sự kì vọng của tôi, Quân Phương cứ thế từ chối một cách phũ phàng: "Không thích."
Tôi bắt đầu gấp gáp, cố gắng nói lớn hơn để không bị tiếng xe cộ ồn ào xung quanh át mất, hỏi cho rõ lý do tại sao cậu bạn thân lại từ chối lời thỉnh cầu của mình. Được dịp, Phương bắt đầu "kể tội":
"Mày còn nhớ lần mày xem phim có chị tuyển thủ bơi lội không? Ai là người một hai đòi học bơi nhưng được hai ngày đã bỏ cuộc?"
Tôi lập tức phản bác:
"Tại nắng quá chứ bộ! Với nước hồ bơi đó nghe mùi kì lắm, bơi về, tao bị ngứa với rụng tóc!"
"Vậy có nhớ lần mày mê mệt Ran Mori trong truyện Conan nên nhất quyết đòi học Karate không? Học được đúng một ngày, sang hôm sau, vừa đến trước cổng trung tâm, mày đã làm gì, nhớ không?"
Tôi bỉu môi đáp: "Tao khóc lóc ôm cột đèn không chịu vào."
Song, lại bắt đầu biện minh cho mình: "Tại ông thầy dạy ở đó đáng ghét quá thôi! Hơn nữa... nghĩ lại thì tao cũng biết Vovinam rồi, không cần phí tiền học Karate nữa."
"Còn nữa..."
Phương không chịu buông tha cho tôi.
Tôi ngắt lời Phương, "hứa hẹn đủ đường":
"Lần này sẽ khác, tao hứa. Vả lại, còn có thầy giáo vừa có tài, vừa có đức như mày dạy thì sao tao có thể dễ dàng bỏ cuộc như thế được, phải không?"
Phương phì cười. Nghe thấy mấy lời khen vừa rồi của tôi, tôi đoán mũi cậu ta đã nở to lắm rồi.
"Thế... nếu mày lại bỏ giữa chừng thì sao?"
"Thì... thì... sư phụ cứ từ mặt đứa đệ tử như con đi là được."
Tôi nghĩ ngợi một lúc, cân nhắc kĩ càng rồi bắt đầu "xàm ngôn loạn ngữ".
"Lậm phim quá rồi đó cô nương!"
Phương phì cười, rồi cũng nhanh chóng "bắt nhịp", hùa theo tôi:
"Thôi, từ mặt thì thì hời cho con quá rồi. Tao phải luôn theo sát để trấn áp mày, trừ hại cho dân, không để mày có cơ hội tác oai tác quái chứ."
Tôi giơ tay, bóp nhẹ vào cổ Phương, giả giọng rùng rợn, nói:
"Thế thì... đời này kiếp này, lão nương sẽ ám ngươi đến chết mới thôi."
Chiếc xe đạp lảo đảo một chút, song cũng nhanh chóng ổn định trở lại, vững vàng tiến về phía trước.
***
"Sao tay mày lạnh vậy?"
"Ai biết!"
"Cứ như ma ấy, lạnh hết cả người."
"Thế sao mày không quay lại nhìn thử xem... tao là người hay là... Ê, tự nhiên thấy ghê quá!"
"Tự đùa rồi tự sợ. Khùng!"
"Xí, khùng kệ tao! Khùng mà biết giăng mùng trải chiếu, khùng mà biết ăn hủ tiếu với bún riêu..."
"Nữa rồi đó! Nhét tay... vào túi áo khoác của tao đi nè, chắc đỡ lạnh hơn đó."
"Thôi cảm ơn, tôi có hai cái túi quần của tôi rồi, không đến phiên túi áo của anh."
***
Dựng xe ở sân bóng rổ chẳng có lấy một bóng người nằm trong công viên cách trường tôi vài con hẻm, Phương chống hông, ra điều kiện với tôi:
"Nếu mày lại học được vài bữa rồi bỏ nữa thì phải mời tao đi ăn một bữa, món do tao chọn, được không?"
Tôi cân nhắc một lúc rồi cũng gật đầu đồng ý với Phương.
Công viên này có quy mô khá nhỏ, chủ yếu phục vụ cho các hộ dân trong khu phố nhưng cũng tương đối đầy đủ các dụng cụ và sân tập cho các hoạt động.
Những con đường xi măng uốn lượn giữa những thảm cỏ xanh rờn điểm chút vàng nhạt của đám hoa dại làm nơi tản bộ, trò chuyện. Hai bên con đường trồng xen kẽ sao đen tỏa bóng mát xuống chiếc ghế đá bên dưới, trở thành một điểm nghỉ chân lý tưởng. Góc nhỏ cạnh tường rào của một căn biệt thư mini sang trọng đặt dụng cụ thể thao, trò chơi cho trẻ con, là nơi chúng tôi thường lui tới sau giờ học. Vết sẹo ở đầu gối của tôi cũng được sinh ra tại nơi này vì tội nghịch dại của tôi và Phương. Ba mặt giáp đường, mặt còn lại giáp với một công trình bỏ trống nhiều năm, cho nên tuy nằm lọt thỏm giữa lòng phố thị nhưng công viên lại cực kì thoáng mát, cứ đến chiều tối lại thấy các hộ gia đình xung quanh dẫn con ra đây chơi.
Sân bóng rổ nằm ở rìa trái công viên, sâu bên trong, gần với công trình bị bỏ hoang kia. Nơi này khá vắng vẻ, hợp một đứa sợ đông người như tôi. Vừa bước xuống xe, tôi đã không kiềm được mà khó hiểu hỏi Phương:
"Tập liền luôn hả? Mày có mang bóng không?"
Phương tỉnh bơ đáp: "Không có."
"Nhà của nhóc Thực ở gần đây, để tao qua hỏi mượn nó. Mày đứng đây đợi xíu."
Dứt lời, Phương xoay người định rời đi nhưng lại nhanh chóng bị tôi chụp lấy, khẩn thiết nói:
"Cho tao đi với. Ở đây một mình, tao sợ..."
Tôi từng được nghe vài câu chuyện tâm linh liên quan đến lý do công trình bị bỏ hoang này nên chẳng muốn ở lại đây một mình chút nào. Cuối cùng, Phương đành chở cả tôi đến nhà Trung Thực. Dựng xe ở trước cây bông giấy cạnh cổng nhà, để tôi ngồi chờ ở yên sau, Phương đứng ở trước cổng, gọi điện cho cậu nhóc.
Một lúc sau, từ trong nhà, bóng dáng cao lớn của một cậu trai đang độ dậy thì ôm theo quả bóng rổ từ từ đi ra mở cổng. Hai người họ vừa gặp đã cười nói vui vẻ, được một lúc lại cùng hướng ánh mắt sang chỗ tôi. Thấy vậy, tôi liền mỉm cười, vẫy tay chào hỏi. Cậu nhóc lễ phép đáp lại tôi bằng một cái gật nhẹ đầu. Hai người họ chỉ nói vài câu rồi nhanh chóng tạm biệt, rời đi. Thực vẫn đứng ở cửa chưa vội vào nhà, Phương ôm bóng chầm chậm đi về phía tôi.
Vừa đến gần, Phương đưa quả bóng cho tôi giữ, rồi giơ tay vuốt nhẹ tóc tôi. Tôi theo phản xạ hơi nghiêng người né tránh, vẻ mặt tràn đầy nghi hoặc, hỏi nó: "Gì đây?"
"Tóc dính hoa."
Phương nhẹ giọng đáp.
"Thế lấy xuống giúp tao với."
Tôi không nghĩ nhiều, ngồi thẳng lại, giở giọng nhờ vả.
"Ừ, để tao lấy xuống giúp mày."
Cậu ta mỉm cười, đáp khẽ.
Phương lại chạm vào tóc tôi, có lẽ là vì sợ làm rối tóc sẽ lại bị tôi mắng nên cử chỉ của cậu tavẫn luôn khá chậm rãi và nhẹ nhàng.
Gió đông thổi mạnh, lá cây xào xạc, hoa rơi lả tả, lòng người rung rinh.
***
Khóa học bóng rổ cấp tốc của tôi chính thức bắt đầu khi Phương đột nhiên ném bóng về phía tôi và bảo tôi chụp lấy. Phản xạ của tôi khá chậm nên cứ đứng nhìn quả bóng, để nó đập trúng người mình.
"Sao không chụp?"
"Bất ngờ thế, ai mà chụp được!"
"Thế sao không né?"
"Bất ngờ thế, ai mà né được!"
Phương cố gắng giải thích sơ những điều quan trọng cần phải nắm trong khi chơi bóng rổ cho tôi, sau chuyển sang hướng dẫn một số động tác cơ bản.
Tuy đã nắm rõ lý thuyết nhưng đã hơn hai mươi phút trôi qua, tôi vẫn chỉ dừng lại ở động tác ném bóng vì tôi liên tục mắc lỗi, dù cho Phương đã sửa rất nhiều lần. Tuy vẫn chưa bị mắng, nhưng cứ nhìn đến đôi môi mím chặt và ánh mắt của Phương nhìn mình mỗi khi tôi làm sai, tôi biết có lẽ thời khắc đó sẽ không còn xa nữa.
Sức bền của dân thể thao quả thật rất đáng nể, tôi chỉ vận động một lúc đã mệt đến toàn thân rã rời nhưng tên "gấu ngựa" kia trông dường như chỉ vừa tiêu hao được 1% thể lực.
Tôi thở dốc, đứng dựa vào cột rổ, nhăn mặt nói:
"Học tới đây thôi nha, tao sắp xỉu tới nơi rồi nè!"
Phương nhìn tôi, thầm tính toán gì đó rồi xoay lưng, bước đi. Đi được vài bước, dừng lại ở một nơi cách cột rổ một đoạn không xa, cũng không gần, dùng chân vạch ra một đường dưới đất, nói.
"Mày đứng ở đây, ném vào được thì mình về."
Tôi ủ rũ hỏi lại nó: "Có cần đúng kỹ thuật không?"
"Đúng thì càng tốt."
Vì thấy bộ dạng đáng thương của tôi, Phương nhẹ giọng trả lời, chừa cho tôi "một con đường sống".
Nói rồi, Phương khoanh tay trước ngực, nhìn tôi, rồi hướng về phía rổ bóng hất cằm. Tôi thở hắt ra, chợt cảm thấy hối hận vì nhờ Phương dạy học. Song, tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần, nghiêm túc đối diện với rổ bóng cao vời vợi kia. Tôi mơ mơ hồ hồ thực hiện lại tư thế ném bóng mà Phương đã dạy. Hai chân mở rộng, chân phải nhích lên một chút, trọng tâm gần như đặt hết lên nó, đầu gối hơi trùng xuống, ánh mắt kiên định tập trung nhìn chiếc rổ ở trên cao, khoá chặt mục tiêu, hai bàn tay đưa lên từ từ theo hướng đi lên của hai chân, nhướng người lên và thảy bóng.
Kết quả của cú ném đầy nhiệt huyết và được chuẩn bị khá kĩ lưỡng đến tận vài phút đồng hồ đó của tôi lại hoàn toàn chệch khỏi rổ.
Tôi quay sang nhìn Phương cười trừ, chờ cậu ấy đi nhặt bóng giúp tôi.
Sau đó, tôi cứ như vậy không ngừng ném bóng đi, chẳng còn đủ hơi sức để quan tâm đến kỹ thuật, hoàn toàn dựa vào may rủi.
Mặc dù đã là lần ném bóng thứ bảy liên tiếp nhưng quả bóng của tôi còn chẳng chạm được vành rổ. Tôi mệt đến đầu óc quay cuồng, định bụng nếu lần này còn ném không trúng thì sẽ mè nheo với Phương, để cậu ấy mũi lòng mà "tha" cho tôi.
Vì đây là lần ném bóng cuối cùng trước khi từ bỏ nên tôi tập trung toàn bộ sức lực và tâm trí vào nó. Tôi thực hiện lại những thứ mà Phương đã dạy, từ tư thế chuẩn bị đến tư thế ném bóng cũng chẳng sai một chút nào, có lẽ là vậy.
Quả bóng rời khỏi tay tôi, bay trên không trung theo một đường vòng cung tuyệt đẹp, đập vào vành và rơi tọt vào trong rổ.
Quả bóng cuối cùng cũng đến được nơi mà nó nên đến nhưng tôi lại chẳng thể để ý đến điều đó, bởi bây giờ, cổ chân tôi đang rất đau.
Quay về khoảng vài giây trước, tôi bật người lên để ném bóng với bao nhiêu tâm huyết và mong chờ. Quả bóng thuận lợi rời khỏi tay tôi, bay giữa không trung, đáp vào rổ. Tôi lại không được may mắn như thế, khi đáp đất, tôi bị trẹo chân. Kết quả là sau cú ném bóng ấy, tôi ngã vật xuống đất.
Sau cú ngã ấy, tôi ngồi luôn trên đất, tay ôm chỗ đau, nhăn mặt, rên rỉ. Cú ngã vừa rồi cũng chẳng làm tôi đau đến mức ấy, chỉ là muốn trêu Phương, trả đũa cậu ấy vì đã ức hiếp mình, sẵn viện vào chuyện này mà mè nheo với nó, sớm kết thúc "kỳ huấn luyện tàn độc" này.
Khi tôi vừa ngã xuống, Phương ở bên cạnh nhanh chóng chạy đến, nỗi lo lắng không hề được che giấu, cứ thế xâm chiếm lấy khuôn mặt được mọi người đánh giá là "đẹp trai" của cậu ta. Tôi chỉ vào chỗ đau ở cổ chân phải, làm bộ đáng thương nhìn Phương. Cậu bạn cẩn thận gỡ chiếc sandal ra khỏi chân tôi, nhẹ nhàng xem xét chỗ bị thương. Đôi mày rậm ngày càng nhíu chặt theo từng tiếng than đau của tôi.
Tuy ở trạng thái bình thường, chỗ bị thương chẳng đau mấy nhưng khi Phương hơi xoay nhẹ cổ chân, tôi đau đến mức không kiềm được mà rưng rưng nước mắt, hai tay nắm chặt.
Xem xét được một lúc, Phương cũng thả lỏng cơ mặt, không còn căng thẳng như ban nãy, nghiêm túc nói: "Trẹo chân thôi, không sao đâu, vài bữa là hết. Tao đưa mày về."
Không để tôi kịp nói gì, Phương cúi người nhấc bổng tôi lên khỏi mặt đất. Tôi cao gần 1m4, nặng 38kg, cũng không thể xem là nhẹ cân, nếu không nói là hơi mũm mĩm. Thế mà lúc này, Phương lại có thể nhấc tôi lên nhẹ nhàng như nhấc một bao bông gòn, vẻ mặt cậu ta bình thản đến mức như thể chẳng dùng bao nhiêu sức. Vậy mà mỗi lần chở tôi, cậu ta lúc nào cũng chê tôi nặng, bảo tôi nên tập thể dục để giảm cân. Đúng là đồ đàn ông dối trá!
Phương bế tôi đặt ở yên sau xe đạp của mình, sau đó chúng tôi cùng nhau về nhà.
***
Chẳng biết vì sao bây giờ, tôi lại có cảm giác như mình vừa phạm phải đại tội nào đó, có lẽ nguyên nhân là vì bầu không khí yên tĩnh hiếm thấy giữa hai đứa bọn tôi lúc này. Kể từ khi chúng tôi rời khỏi sân bóng, Phương hoàn toàn không nói thêm bất cứ thứ gì trong suốt quãng đường về nhà.
Tôi bắt chuyện bằng mấy câu than vãn:
"Dạo này tao xui xẻo sao ấy! Hôm nay là lần đầu tiên tao nghiêm túc học một thể thao đến thế mà lại bị ngã trẹo chân, rồi còn chuyện của nhóm Nữ Thần, với cả ông thầy Nam cứ lởn vởn theo 'ám' cuộc đời của tao nữa . Chắc tao phải hỏi Ngọc cách xả xui thôi..."
Mãi một lúc cậu bạn vẫn không nói gì, tôi cũng im lặng, sợ mình lại nói gì sai nên chẳng dám nói thêm lời nào.
Một lúc sau, khi tôi gần như quên mất vừa rồi mình đã nói gì, Phương mới đột nhiên trầm giọng nói: "Lần sau cẩn thận hơn chút."
Tôi biểu môi, cáu kỉnh đáp: "Biết rồi.
Phương chỉ khẽ đáp "ừm" một tiếng rồi lại tiếp tục im lặng.
Trời đầu đông, gió thổi mạnh, không khí giữa hai con người trên chiếc xe đạp ấy chợt trở nên yên lặng đến kì cục.
***
Dừng xe trước cửa căn nhà màu trắng của tôi, sau khi gạt chống, Phương nhanh chóng đi đến bế tôi xuống. Trước khi tôi vào nhà, cậu ta còn cẩn thận dặn dò: "Ngủ sớm đi, ngày mai tao qua đón đi học."
"Hôm nay còn chủ động muốn đón tao đi học cơ à? Mọi hôm năn nỉ gãy lưỡi mới nhờ mày chở được một bữa."
Tôi dẩu môi trêu nó.
"Không muốn thì thôi, mai tao khỏi qua."
Nói xong, Phương quay người leo lên xe định rời đi.
"Mai mấy giờ mày qua?"
Tôi vội vàng nói với theo để không đánh mất cơ hội này.
"6 giờ 15."
Vừa dứt lời, cậu ta đã đạp xe đi mất, không để tôi có bất cứ cơ hội kì kèo nào.
Một lúc sau, khi tôi đang nằm dài trên giường đọc tiếp bộ truyện ngôn tình gắn mác "ngược luyến tàn tâm" của mình, lại đột nhiên nhận được tin nhắn dặn phải chườm đá cho chỗ đau mau lành của Phương.
Cậu bạn này của tôi đáng yêu như vậy, sao đến giờ vẫn chẳng có nổi một mảnh tình nào hết vậy nhỉ?
*****
Sáng hôm sau, đúng 6 giờ, khi tôi vẫn còn đang say giấc trong chiếc chăn ấm áp của mình, điện thoại ở bên lại đột nhiên reo lên ầm ĩ, báo hiệu có cuộc gọi đến. Tôi mơ màng mở mắt, với tay mò lấy chiếc điện thoại đang cắm sạc được đặt dưới đất. Vừa bấm nghe máy, bên tai đã truyền đến âm thanh con trai với giọng điệu có vẻ hơi cáu kỉnh:
"Mới dậy phải không? Lẹ lên, tao cho mày 15 phút chuẩn bị, xuống trễ tao cho tự đi học."
Là Quân Phương. Mọi hôm, tôi toàn đi học lúc 6 giờ 30 nên chỉ đặt báo thức vào lúc 6 giờ 15 để dậy, chuẩn bị và đi học. Cậu bạn thân của tôi hiểu tôi thật, bảo 6 giờ 15 thì đúng 6 giờ đã đứng sẵn dưới nhà, gọi điện nhắc tôi dậy để chuẩn bị đi học.
Tôi vội vội vàng vàng bước xuống giường mà quên mất cái chân bị thương của mình. Cơn đau ập đến đột ngột khiến tôi tỉnh hẳn, nhăn nhó chửi thầm mấy tiếng. Cổ chân tôi hôm nay còn đau hơn cả lúc tôi bị ngã hôm qua.
Khoảng 6 giờ 20 phút, tức trễ hơn giờ quy định của Quân Phương 5 phút, tôi mới xong xuôi mọi việc và xuống lầu. Vừa mở cửa, nhìn thấy cậu bạn yêu dấu vẫn đang đợi mình, tôi vui vẻ vẫy tay chào nó. Thấy tôi, gương mặt cậu ta lập tức cau lại, nhìn chiếc đồng hồ thể thao trên tay, nghiêm giọng nói: "Trễ 5 phút."
Tôi nắm lấy bàn tay đang đưa ra để giúp tôi leo lên xe của Phương, yên vị ngồi vào yên sau xe nó, rồi lại hài lòng nói: "Phải thông cảm cho 'thương binh', nhiều thứ bất tiện lắm. Vả lại, trễ 5 phút nhưng mày vẫn chờ mà."
"Lần sau, tao sẽ làm thật đấy. Hôm nay chỉ cảnh cáo thôi."
Phương giở giọng hăm dọa.
"Được, lần sau tao... vẫn sẽ vậy."
Nói xong, tôi thỏa mãn cười khúc khích.
Tôi biết Phương là người như thế nào, cậu ấy rất tốt với bạn bè, cậu ấy chỉ giỏi làm bộ hung dữ và xấu xa thôi. Dáng vẻ to lớn, hung hãn như loài gấu này được dựng nên để bảo vệ cho một trái tim hiền lành, tốt tính, hay ngượng và dễ bị tổn thương.
Sáng sớm, trước giờ đi học của bọn tôi, trời bỗng đổ một trận mưa lớn làm cho sân trường vô cùng ẩm ướt, đọng lại vô số vũng nước lớn nhỏ. Vì điều kiện không cho phép, hôm nay chúng tôi được chào cờ ở trên lớp. Nếu mọi hôm, sự việc này khiến tôi vô cùng không vui thì hôm nay tôi lại thấy nó khá may mắn.
Tôi được Phương dìu lên cầu thang. Từng bước nặng nhọc, chậm chạp của mình khiến chính bản thân tôi cũng bắt đầu bực bội. Ngược lại, Phương còn chẳng buồn nhăn mặt hay có bất cứ lời than vãn nào, chỉ nghiêm túc đi bên cạnh, cẩn thận làm điểm tựa cho tôi. Trước đó, cậu ấy ngỏ ý muốn cõng tôi lên cầu thang. Vừa nghe đến, chẳng cần nghĩ ngợi gì, tôi lập tức từ chối ý tốt của Phương. Cậu ấy là con trai nên không nghĩ nhiều nhưng tôi là con gái, tôi sẽ nghĩ nhiều, và người khác cũng vậy. Tuy hai người bọn tôi là bạn thân nhưng không phải ai cũng tin, họ sẽ nghĩ lung tung rồi đi đồn vớ vẩn, đến tai các thầy cô theo chủ nghĩa "bài xích chuyện yêu sớm", hoặc đến tai mẹ tôi, khi ấy lại nguy to.
***
Với cái chân bị thương đầy bất tiện, tôi vẫn có thể trải qua một ngày học khá êm đềm nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của đám bạn, đặc biệt là Quân Phương. Tuần này, chúng tôi lại bị đổi thời khóa biểu, hai tiết cuối cùng của buổi chiều hôm nay chính là giờ thể dục của thầy Hưng. Trong gần hai tuần, lớp tôi đã bị đổi thời khóa biểu hai lần liên tục. Thời khóa biểu cũ còn chưa kịp nhớ đã bị đổi sang cái khác, nên gần đây có nhiều bạn lớp tôi nhớ nhầm thời khóa biểu, bị thầy cô mắng cho một trận, còn bị phê bình trong sổ đầu bài.
Vì bị thương ở chân, nội dung của tiết học thể dục chiều nay còn là nhảy qua xà ngang nên thầy Hưng cho phép tôi không cần phải tham gia vào buổi học này.
Ngồi xuống một bồn cây gần đó, lật giở những trang sổ đầu bài xem qua một lượt, tôi ngẩng đầu nhìn các bạn ở bên kia giãn cơ, đùa giỡn. Bình thường, với một đứa lười như tôi, việc ngồi yên một chỗ, không cần phải vận động chính là ước mơ lớn nhất vào những buổi học thể dục. Nhưng, ước mơ ấy còn cần có đám bạn chơi thân cùng tôi thực hiện. Khi ấy, tôi có thể lười biếng dựa vào Ngọc, nói chuyện phiếm với mọi người.
Một mình ngồi ở đây nhìn mọi người vui vẻ ở bên kia khiến tôi cảm thấy có hơi cô đơn, nghỉ học thể dục cũng chẳng vui vẻ như tôi vẫn tưởng. Nhảy xa có mệt đến đâu, mồ hôi có ướt đẫm cả áo nhưng ít nhất cũng có mọi người cùng tôi chịu đựng, còn có thể cười nói vui vẻ, vẫn tốt hơn bây giờ nhiều.
Buổi trưa vì lại bị Phương hối thúc, tôi vội vội vàng vàng ra khỏi nhà, quên đem theo vài cuốn sách hoặc truyện tranh để đọc cho đỡ chán. Bây giờ, tôi chỉ có ba lựa chọn: nhìn mọi người học thể dục hoặc đọc sách giáo khoa, học bài hoặc nhìn trời xanh mây trắng, ngắm nhìn thiên nhiên.
Tôi là người hướng nội điển hình. Những khi ở một mình, tôi luôn có thể tự tìm thú vui cho mình. Tôi chăm học nhưng lại không có niềm say mê với học tập, vậy nên tôi thà nhìn trời, ngắm đất chứ không thích xem sách giáo khoa.
Cúi người, nhặt lên một nhành cây khô vừa tay nằm trên đất, xoay lưng về phía đám bạn đang học nhảy xa, đối diện với cây phượng vĩ, tôi bắt đầu nghịch đất, dùng nhành cây vẽ vời linh tinh trên khoảng đất bé xíu trước mặt.
Vẽ chán, tôi lại chuyển sang ngắm nhìn sự sống đang diễn ra quanh mình. Đối tượng bị tôi nhắm đến không phải là con người mà là thế giới nhỏ bé của loài kiến. Mấy đoạn rễ của cây phượng già phát triển mạnh mẽ trồi lên từ đất, đội cả những miếng gạch hoa lát sân trường, làm chúng vỡ ra, trông như những mái nhà nhỏ liu xiu của đám người tí hon. Đám rễ vẫn lớn lên từng ngày, mạnh mẽ phá tan những thứ kiềm hãm mình.
Binh đoàn kiến vác trên vai mấy hạt cơm, vụn bánh mì hoặc những mảnh thức ăn to hơn cả người chúng, xếp thành một hàng dài hành quân quay về tổ. Chúng cùng nhau vượt qua những "ngọn núi" gạch vỡ bị rễ cây đội lên, nghiêm chỉnh trở về cửa căn cứ nằm ở một góc nhỏ chỗ chân bồn cây tôi đang ngồi. Mỗi con kiến trong đàn đều chăm chỉ làm tốt công việc của mình, chậm chạp mà nghiêm chỉnh đem "chiến lợi phẩm" trở về nhà.
Khi lũ kiến đã không còn thu hút tôi nữa, tôi lại ngẩng đầu nhìn mây, nhìn bầu trời ở phía trên đầu. Hôm nay, trời rất đẹp, màu trời xanh trong, gió thổi nhè nhẹ, mây trắng bồng bềnh chầm chậm trôi. Tôi chợt nhớ đến một số kí ức đẹp đã qua từ rất lâu giữa tôi và ba.
****
Khi tôi còn nhỏ, cả nhà ba người bọn tôi sống cùng với ông bà nội và các cô. Nhà ông bà tôi có một cái sân thượng dùng để trồng cây.
Khi đó, mỗi khi không vui hoặc bực bội chuyện gì, như mẹ mắng chẳng hạn, tôi lại lên ấy ngồi. Gió mát thổi mùi cỏ cây thoảng vào khoang mũi, ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh xanh trên cao, tôi sẽ mau chóng quên đi mọi chuyện không vui của mình. Lúc nhỏ, tôi đã từng cho rằng trong vườn cây của ông bà có một nàng tiên xanh thường nấp mình dưới những chậu hoa, khóm cây, giúp con người xua đi nỗi buồn bực trong lòng nên tôi thường lên đây tưới cây, ngắm hoa lắm.
Ba tôi khi đó làm việc ở xưởng gỗ do một người bạn mở. Có một khoảng thời gian, ba tôi luôn mang vẻ mặt bực bội và cáu kỉnh về nhà mỗi khi tan làm. Thấy ba như vậy, tôi lập tức kể cho ba nghe về bí mật ở sân thượng, về câu chuyện của cô tiên xanh có thể lấy đi nỗi muộn phiền mà tôi nghĩ ra. Sau đó, những hôm trời đẹp, thấy ba không vui, tôi lại kéo ba lên sân thượng ngồi hóng gió với mình.
Cảm thấy hóng gió không cũng chán, hai ba con tôi lại bày ra vài ba trò để chơi với nhau. Trong số đó, có một trò chơi rất đỗi ấu trĩ do tôi nghĩ ra: "Đoán hình đám mây". Quy tắc của trò chơi là từng người lần lượt chỉ vào một đám mây trên trời rồi tưởng tượng xem đó là hình gì, người còn lại sẽ có ba lượt đoán. Nếu đoán đúng sẽ được người kia thơm vào má như một phần thưởng, đoán sai sẽ bị đánh vào tay xem như sự trừng phạt. Hơn nữa, người đoán đúng còn có thể đánh vào tay của người ra đề.
Tôi nhớ khi đó, mỗi lần chơi trò này, ba tôi chẳng bao giờ đoán đúng, chỉ có mình tôi đoán đúng và được ba thơm. Có lúc, tôi thương quá lại thơm ba một cái xem như phần thưởng cho sự cố gắng.
Lúc còn bé đó, mỗi lần như vậy, tôi lại nghĩ bản thân mình rất siêu phàm, cho rằng mình có phép thuật đọc được suy nghĩ của người khác như cô bé phù thủy trên truyền hình. Lớn hơn một chút, tôi không còn chơi mấy trò như thế nữa vì tôi cảm thấy nó thật ngu ngốc. Và, hơn hết là tôi nhận ra mình vốn chẳng phải có siêu năng lực gì cả, không thể đọc được suy nghĩ của người khác, cũng không quá may mắn để có thể đoán trúng phóc được hình ảnh trong tưởng tượng của ba. Chỉ là khi còn nhỏ không biết được người lớn giỏi nhất là lừa gạt mà thôi.