Tôi rời nhà khá sớm, chỉ mới hơn bảy giờ đôi chút, còn sớm gần hai tiếng đồng hồ so với giờ đã hẹn Tử Duy. Giờ này chắc em ấy đang ăn cơm ở nhà với gia đình, nếu tôi qua sớm quá lại hóa dở, nhỡ đâu vô tình bắt gặp gia đình em ấy thì thật không biết nên nói sao.
Mặt khác, tôi cũng nhớ lời em ấy nói, mẹ em ấy cực kỳ nhạy bén, chỉ cần giữa hai chúng tôi có điểm gì đó hơi khác thường một chút thôi là sẽ bị nhận ra ngay. Tôi còn ý thức được thời điểm phù hợp nên trước khi cả hai chúng tôi thật sự chuẩn bị hết mọi thứ thì sẽ không xuất hiện trước mặt gia đình nhau.
Chỉ là mọi người biết rồi đấy, trên đời này tồn lại một loại định luật gọi là Murphy, nếu một chuyện gì đó xấu có khả năng xảy ra thì nó nhất định sẽ xảy ra, thậm chí là trường hợp xấu nhất. Sau gần hai tiếng kể từ lúc rời nhà, tôi nhận được một tin xấu.
Tử Duy bị tụt huyết áp, tệ hơn là bị ngất, không biết bao giờ mới tỉnh. Trong một khoảnh khắc ngắn, cả bầu trời, cả thế giới của tôi như muốn sập đổ. Tôi gần như không thể tin vào chính tai mình nhưng biết sao được, người báo tin cho tôi lại là bố em ấy. Đáng sợ hơn, câu đầu tiên bác ấy nói lại là “cháu là bạn trai của Tử Duy phải không?”.
Lúc đó, tim tôi đập thình thịch liên hồi như trống trường, đến hít thở cũng khó thông.
“Vậy ra em ấy bị gia đình phát hiện rồi sao?”.
Tôi chỉ mới nghe tin qua điện thoại thôi mà cả người đã nao nao khó chịu cùng bất an thế này thì thử hỏi, khi em ấy một mình đối diện với gia đình, đối diện với sự bóc mẽ đến tận bí mật sau cùng nhất, tâm trạng của em ấy sẽ như thế nào?
Chắc chắn rất xấu, không thể nào có chuyện tốt được.
Lại thêm chuyện em ấy bị huyết áp thấp do di truyền từ gia đình nhà nội nữa thì tôi thật sự có thể tưởng tượng ra cảnh tượng em ấy bị nó hành hạ đau khổ thế nào. Càng nghĩ, con tim tôi lại càng quặn đau, tôi tức tốc lái xe chạy thẳng đến nhà em ấy nhưng khi đi được nửa đường, tôi lại rẽ hướng chạy ngược ra ngoài khu ngoại ô thành phố.
Tử Duy bị tụt huyết áp đột ngột, em ấy chắc chắn sẽ nôn rất nhiều, lúc tỉnh dậy nhất định sẽ đói đến cồn cào, nên tôi muốn mua cho em ấy thứ gì đó để ăn vào lúc đó. Đường phố đêm ba mươi Tết thật sự rất đông, người người qua lại tấp nập trong không khí Tết đến xuân về, gương mặt ai cũng tươi cười rộn ràng. Duy chỉ có lòng tôi là nao nao không thể kiên nhẫn.
Người đi đường rất đông, xe lại không thể đi nhanh, con số đếm lùi của đèn đỏ chậm chạp đến mức không thể tin nổi. Không phải tôi chưa từng chờ đèn đỏ nhưng vào lúc này, ba mươi giây đối với tôi cứ như một lò lửa, đứng càng lâu trong lòng lại càng không yên. Cá nhân tôi thật sự rất muốn vượt đèn đỏ nhưng mỗi khi ý nghĩ đó bật lên là lời của Tử Duy lại hiện về trong đầu tôi.
Em ấy không muốn tôi đi nhanh, cũng không muốn tôi quá vội vàng với “những chuyến đi” của mình. Nghĩ đến em ấy, tôi có thể lấy lại bình tĩnh của mình, nhưng tôi không chắc, mình có thể duy trì nó được bao lâu nữa. Cũng may lúc đến được quán cháo vịt, tôi đã thực sự bình tâm lại được đôi chút rồi.
Vào đêm ba mươi, gần như trên phố sẽ chẳng có hàng quán nào mở cửa trừ các quán Bar và Pub tổ chức tiệc countdown, cho nên nếu muốn mua cháo cho em ấy thì tôi nghĩ chắc chỉ còn mỗi quán cháo vịt ở khu ngoại ô phía bắc thành phố này thôi. Ngày trước tôi không biết quán này nhưng sau khi em ấy dẫn tôi đến đây ăn thì tôi dần dần nghiện ăn cháo vịt.
Em ấy nói không sai, cháo ở đây thực sự rất ngon, thịt cũng rất mềm, nước mắm lại còn đặc trưng không lẫn vào đâu. Nhớ lại ngày ấy em ấy tươi cười hạnh phúc thế nào thì bây giờ, tôi lại càng đau lòng khi nghĩ đến cảnh em ấy nằm quạnh quẽ một mình ở trên giường, đến mức hai mắt tôi bây giờ cũng đỏ hoe lên rồi.
“Cháo với thịt vịt của cháu đây, cuối năm nên dì lấy bảy ngươi ngàn nhé”, tiếng dì bán cháo vang lên. Tôi vội vàng nhận lấy rồi đưa luôn cho dì một trăm ngàn.
“Dì giữ lấy tiền thừa luôn đi ạ”.
Tôi đợi ở đây đủ lâu rồi nên không còn kiên nhẫn để đợi tiền thối nữa, nên để tiền thừa cho dì ấy luôn cũng chẳng sao, dù gì ngày ba mươi Tết cũng chẳng mấy ai buôn bán kiên trì đến giờ này như dì ấy.
“Vậy dì cảm ơn cháu nhé!”, tiếng của dì ấy vọng lại từ sau lưng, nghe giọng có vẻ vội vàng lắm vì sợ tôi đi nhanh, mà đúng thật là tôi đi rất nhanh.
Duy à, cho anh xin lỗi nhé, phải tạm thất hứa với em rồi.
. . .
Mười một giờ đêm.
Tôi đến khu nhà của em ấy, nhà nào nhà nấy đều đèn điện sáng trưng, từ đèn nháy cho đến đèn phản quang không thiếu loại nào. Nhưng ngược lại với những căn nhà “sống động” đó thì nhà em ấy lại lộ ra sự yên tĩnh nổi bật. Tôi nhớ em ấy từng nói mọi năm đến đêm ba mươi thì cả nhà em ấy mới ra ngoài trang trí với lên đèn nhưng xem ra, năm nay khó làm được chuyện đó rồi.
Tôi đặt tay lên ngực rồi cố gắng hít thở cho thật đều, sau đó liền bấm chuông gọi cửa. Ngay sau đó, hình ảnh của bố em ấy đột nhiên hiện ra trong màn hình bộ chuông cửa, tôi vô thức nuốt xuống một ngụm nước bọt rồi khom người chào hỏi.
“Cháu chào bác ạ!”.
Bác ấy không nói gì, cả gương mặt điềm đạm không biểu lộ chút cảm xúc nào nhưng riêng phần giữa hai chân mày lại nhăn lại khá rõ ràng.
“Đợi bác một chút”, bác ấy nói, giọng cũng lạnh nhạt lắm.
Màn hình đột nhiên tối đen lại, con tim tôi đập thình thịch liên hồi, hai chân có hơi run nhẹ. Mặc dù chưa chính thức gặp mặt bố Tử Duy nhưng tôi không khỏi công nhận, áp lực từ bác ấy thật sự rất đáng sợ.
Trong một thoáng chốc, tôi đã nảy lên ý định quay đầu bỏ chạy, chỉ để lại bịch cháo treo trên cửa. Tuy nhiên, nghĩ đến cảnh một mình Tử Duy phải đối mặt với áp lực như thế này, tôi lại càng không thể nào lùi bước, phải cứng rắn đối diện. Dù sao hiện tại cũng không còn nhiều lựa chọn nữa.
Bố em ấy ra ngoài rất nhanh, trên người mang một bộ đồ ngủ màu xanh thẫm trông khá gần gũi nhưng áp lực trên người lại không gần gũi một chút nào. Tôi nhịn không được nuốt xuống một ngụm nước bọt rồi lại khom mình chào hỏi. Nhưng lời còn chưa kịp nói ra thì đã bị bác ấy cắt ngang.
“Không cần chào hỏi nữa đâu, cháu đến đây có chuyện gì không?”.
Tôi đứng thẳng người lại rồi từ tốn đưa bịch cháo cho bác ấy.
“Duy bị ốm, cháu muốn mua chút gì đó cho em ấy”.
“Của nhà cháu nấu?”, bác ấy chưa nhận vội mà muốn truy vấn ngược lại tôi. Đương nhiên, tôi sẽ không vì vậy mà thu hai cánh tay của mình về. Tôi đáp:
“Dạ không, có một tiệm cháo Duy thích vẫn còn mở cửa bán nên cháu ghé qua mua giúp em ấy”.
“Em ấy?”, giọng của bác ấy đột nhiên cao lên đôi chút, trong lòng tôi liền lộp độp mấy tiếng có chút lo âu nhưng lời đã nói ra rồi, không thể thu lại được. Hơn nữa, tôi cũng không biết nên nói tiếp thế nào cho phù hợp. Dù sao, em ấy vừa mới bị gia đình phát hiện, bây giờ tôi đột ngột gọi thân mật như vậy, bố em ấy chưa quen thuộc cũng là chuyện bình thường.
“Cháu đã nhọc công mua, bác sẽ thay Tử Duy nhận. Nếu không còn chuyện gì nữa thì cháu về đi”, bác ấy đột nhiên nói, đồng thời cũng đưa tay ra nhận lấy bịch cháo rồi quay lưng vào nhà. Thấy vậy, tôi vội vàng nói:
“Bác ơi, khoan đã”.
“Còn gì nữa?”, bác ấy quay phắt lại, ấn đường hơi nhăn, giống hệt như hình ảnh trước đó tôi thấy thông qua màn hình chuông cửa.
Tôi không suy nghĩ gì hết, cả người lập tức quỳ xuống dưới đất rồi thành khẩn nhìn bác ấy.
“Cháu biết hôm nay đến sẽ làm rối thêm mọi chuyện nhưng xin bác, Duy không có lỗi, em ấy cũng không muốn mọi chuyện thành ra thế này. Vì vậy, mong bác đừng giận em ấy, cũng đừng đánh em ấy. Nếu bác giận, vậy hãy trách lên đầu cháu, cháu sẽ thay em ấy nhận hết”.
Tôi không nhận ra rằng, càng nói, giọng mình càng có xu hướng bắt đầu vỡ ra rồi khàn lại, bờ môi cũng run lên liên hồi, không biết có phải vì trời lạnh hay vì tôi sợ bác ấy không nhưng nếu hôm nay tôi không nói những lời này, tôi sẽ hối hận đến hết đời mất.
“Nhận hết? … Cậu nghĩ mình là ai mà dám nhận trách nhiệm thay con trai tôi?”, bác ấy nói, giọng vẫn điềm đạm như cũ, chỉ là xưng hô đã thay đổi. Ở khía cạnh nào đó, cách xưng hô này thật lạnh lùng.
Bác ấy tức giận rồi.
“Cháu … là bạn trai của Duy, cháu có trách nhiệm với em ấy”, tôi níu chặt quần mình, hai mắt nhìn thẳng về phía bác ấy rồi lấy hết mọi dũng khí trong người để nói một câu này.
Đúng vậy, tôi là bạn trai của em ấy, chuyện của em ấy cũng là chuyện của tôi, tôi có mọi trách nhiệm với em ấy. Em ấy ở đâu, tôi phải ở đấy.
Bác ấy hừ một tiếng không nhìn tôi rồi nói:
“Con trai tôi đủ lớn để nhận trách nhiệm về mình, không cần cậu lo”.
Rầm!
Bác ấy triệt để vào trong nhà rồi đóng sầm cửa lại, đến cơ hội để thuyết phục cũng không còn. Trong đầu tôi là một mớ hỗn loạn, tôi không biết bác ấy liệu có nổi giận lên rồi trút giận lên đầu em ấy không nữa. Dù sao nhìn vào biểu hiện đó của bác ấy, tôi nghĩ chắc bác ấy đã nổi một trận lôi đình rồi.
Nhớ lại những gì tôi đọc được từ các bài tâm sự của “đàn anh”, “đàn chị” đi trước trên một diễn đàn thì khi gia đình nổi giận lên vì tính hướng của mình, hậu quả không thể đùa được đâu. Từ khoa học cho đến phản khoa học, chuyện gì cũng có thể làm ra. Tôi vô thức nghĩ đến cảnh gia đình em ấy đưa em ấy đi “trừ tà” mà run rẩy hết cả người, hai chân vội vàng đứng dậy rồi loạng choạng đi đến chỗ chuông cửa để bấm.
Nào ngờ, không một tiếng chuông nào vang lên hết, bố em ấy ngắt chuông cửa rồi. Tôi lại càng lo lắng hơn, trong đầu cấp tốc tìm phương án để giải quyết, đến mức đầu tóc rối xù lên cũng không nghĩ được bất cứ cách gì. Tôi đi qua đi lại trước nhà em ấy mà lo lắng sốt ruột.
Giữa lúc này, một ý nghĩ bất chợt lướt qua trong đầu tôi, hai chân tôi lập tức dừng lại.
Đúng rồi, bố em ấy … không vứt cháo đi. Không vứt đi, tức có hi vọng.
Ôm lấy hi vọng nhỏ nhoi đó, tâm trạng của tôi mới tốt hơn đôi chút nhưng cũng chẳng giải quyết được mối lo âu trong người. Tôi suy nghĩ một hồi rồi quyết định dắt xe rời đi. Gọi là rời chứ thực ra tôi chỉ muốn tạm tránh camera giám sát trước cửa nhà em ấy thôi. Bố em ấy nghiêm khắc như vậy, tôi càng thể hiện đang chống đối bác ấy thì cơn giận của bác ấy sẽ không thể nào nguôi ngoai.
Cho nên tôi đẩy xe đến chỗ đường bên cạnh nhà em ấy rồi ngồi xuống đất chôn mặt vào hai cánh tay. Nước mắt đột nhiên chảy ra.
Tôi làm như vậy để tránh cho bố em ấy nổi giận thêm nhưng không hiểu sao, rời đi thế này lại khiến tôi có lỗi với em ấy nhiều hơn. Tôi sụt sịt rồi ngẩng đầu nhìn lên tầng trên nhà em ấy, khóe miệng run run không nói nên lời, trong đầu đâu đâu cũng là dáng hình thân thuộc tôi hằng mong nhớ.
Duy à, anh nhớ em!