Quyển 1:
Lòng ta tựa ánh trăng,
Vỗ về đêm đằng đẵng
_________________
Lần đầu Tô Tấn gặp Liễu Triêu Minh là vào cuối xuân năm Cảnh Nguyên thứ 23.
Quãng ấy trời mưa sà sã suốt, giăng khắp mười dặm Tần Hoài khiến trời đất tối tăm mịt mùng trông đến là buồn.
Mà cũng buồn thật chứ.
Ngay sau kỳ thi mùa xuân, một cống sĩ có tên đề bảng đã mất tích, ban sáng sang nhà hắn còn thấy cuốn Đại Cáo chép dở đặt trên bàn, thế mà giờ đã sống không thấy người chết chẳng thấy xác.
Nếu có cống sĩ mất tích thì phải đến Đại Lý Tự báo án, hiềm nỗi ông trời không chiều lòng người, mới đi được nửa đường thì sấm xuân đã giật đùng đùng, lát sau mưa trút ngay xuống.
Tô Tấn dầm mưa chạy một mạch qua cầu Chu Tước, lúc Đại Lý Tự sờ sờ ngay trước mắt thì lại có người nhanh hơn nàng một bước, đậu kiệu ngoài cổng công thự.
Trong chiếc kiệu bề thế được tám người khiêng tứ phía, một vị quan lớn mặc bộ thường phục đen bước xuống, được kẻ đứng cạnh che dù cho, trông không rõ mặt, lúc im lặng trông cực kỳ nghiêm nghị. Lúc xuống kiệu, người nọ bỗng khựng bước, ngoảnh đầu nhìn sang đây.
Mới đầu Tô Tấn ngớ ra, sau mới vái chào người nọ qua màn mưa.
Đây là một mùa xuân hỗn loạn, mấy vụ án thủy vận và giấu xác trong kho vũ khí đồng thời xảy ra khiến Đại Lý Tự Khanh vội sứt đầu mẻ trán, lúc nào cũng sống nơm nớp như trứng quẩy đầu gậy, bởi vậy nên khi nha dịch ngoài công thự xem danh thiếp của Tô Tấn, thấy nàng chỉ là một viên tri sự quèn ở nha môn kinh sư bèn nói luôn:
- Đại nhân đang bàn việc, xin quan nhân chờ một lát.
Sau còn chẳng buồn mời nàng vào nha môn công thự.
Tô Tấn cũng không nhất thiết phải chờ ở đấy, chỉ cần nộp báo cáo là xem như đã hết trách nhiệm, khốn nỗi cống sĩ mất tích kia lại là người bạn tri kỷ của nàng. Bốn năm trước, khi nàng bị đuổi khỏi Hàn lâm, nếu không có hắn giúp thì chắc nàng đi bước nào cũng vấp váp bước đó.
Mưa lúc ngơi lúc dày, dưới mái hiên có cả tá người đứng chen chúc trú mưa, xem hoạ tiết trên bộ quan phục mà đoán thì họ cũng chẳng khác gì Tô Tấn, đều là hạng quan tép riu bị đuổi ra đây chờ.
Tô Tấn đang nghĩ xem có nên chen vào đám ấy không thì thấy mưa trên đầu ngừng rơi.
Nàng quay lại nhìn, thấy một gã người hầu mặt mũi thanh tú thình lình xuất hiện che dù cho mình, còn nói:
- Quan gia coi chừng nhiễm lạnh.
Rồi dúi cán dù vào tay nàng, đi vào trong nha môn.
Mặt dù màu xanh da trời trông rất trang trọng. Nha sai của Đại Lý Tự nhác thấy chiếc dù đắt đỏ này là mời nàng vào công thự ngay. Lúc này Tô Tấn mới sực nhớ ra chiếc dù quý này là của vị đại nhân xuống kiệu ban nãy.
Ơ lạ thật, hoá ra thời buổi này mặt dù còn đáng giá hơn mặt người cơ đấy.
Gặp Đại Lý Tự Khanh, Tô Tấn cúi đầu vái chào:
- Hạ quan Tô Tấn kính chào Trương đại nhân.
Trương Thạch Sơn biết Tô Tấn.
Ông ta xuất thân Hàn lâm, đến năm ngoái mới bị điều tới Đại Lý Tự. Năm ấy sau khi đỗ Nhị giáp, Tô Tấn còn từng cùng ông ta hiệu đính cuốn Liệt Tử Truyện ở Hàn Lâm Viện, tiếc là cây cao thường đón gió lớn, nhân tài khó tránh tai ương. Nay gặp lại chàng trai này mới thấy lòng hăng hái bừng bừng năm xưa đã lẩn khuất đâu mất, Trương Thạch Sơn thầm lấy làm tiếc hận nên lúc nói chuyện bất giác dịu giọng hơn, chỉ vào một chiếc ghế bát tiên bảo:
- Ngồi xuống mà nói chuyện.
Tô Tấn nghe lời ngồi xuống, bấy mới để ý thấy vị đại nhân xuống kiệu kia đang ngồi uống trà nhàn nhã ở ghế bên kia.
Từ nhỏ đến giờ nàng đã gặp qua vô số người, tuy người trước mắt có ngoại hình không chê vào đâu được nhưng trong mắt lại phủ mù sương, chẳng biết cất giấu điều gì.
Tô Tấn chợt nhớ tới câu thơ:
Một đóa sen nở sáng,
Trên khói sóng mênh mang.
Trương Thạch Sơn nói:
- Ta đã xem qua báo cáo cậu nhờ Lưu tự thừa trình lên, cậu chớ lo về vụ án của Tiều Thanh nữa, dầu sao cậu ta cũng là cống sĩ triều đình, để ta soạn một bản báo cáo trình lên bộ Lễ, bảo họ phải tìm ra cậu ta cho bằng được.
Đương năm nhọc tháng nhằn nên cứ gặp phải vụ án nào khó giải quyết là Tam Pháp Tư lại đẩy hết đi, nay Đại Lý Tự chịu thụ án đã là rất nể tình, song nếu đợi bộ Lễ duyệt báo cáo xong rồi bắt đầu tìm người thì biết đến bao giờ? Cả đời người học trò chỉ đau đáu mong đề tên bảng vàng, ngày mốt đã phải thi Đình, Tiều Thanh làm sao chờ nổi.
Tô Tấn bèn thưa:
- Không giấu gì đại nhân, nha môn kinh sư đã điều tra vụ này rồi ạ. Suốt nhiều ngày qua Tiều Thanh luôn ở nhà cặm cụi đèn sách, không có điểm nào bất thường, chỉ mỗi hôm mất tích là có Tam công tử phủ Thái phó tới tìm huynh ấy, hình như đôi bên đã nảy sinh tranh chấp, sau đó thì chẳng thấy huynh ấy đâu nữa.
Tam công tử phủ Thái phó Yến Tử Ngôn là người từng hầu đọc cho Đương kim Thái tử, giờ đã được bổ nhiệm làm Thiếu chiêm sự của Chiêm Sự Phủ.
Trương Thạch Sơn hỏi:
- Sao cậu chứng minh được đó là Thiếu Chiêm sự?
Tô Tấn đáp:
- Người nọ có cầm con dấu ngọc của nhà họ Yến, võ vệ ở chỗ cống sĩ đã kiểm tra rồi ạ.
Trương Thạch Sơn chợt lâm vào thế ngặt. Nếu chuyện này mà liên quan tới Yến tam thật thì ông ta biết liệu thế nào? Chẳng lẽ lại cầm con dấu ngọc tới phủ Thái Phó bắt bớ hay sao?
Làm thế chẳng những đắc tội Thái phó mà còn bị Đông Cung ghim thù nữa, biết chịu đời sao cho thấu.
Trương Thạch Sơn nhất thời im lặng, trông ra bầu trời tối đen ngoài cửa sổ.
Mưa xuân đến là phiền, cứ tí tách rơi mãi khiến con người ta nẫu hết ruột gan.
Không ngờ vị đại nhân xuống kiệu ngồi ghế bên kia lại thủng thẳng hỏi:
- Yến Tử Ngôn tới đó rồi có đi không?
- Bẩm có ạ.
- Lúc y đi, Tiều Thanh còn ở đó không?
- Còn ạ.
Vị kia bê tách trà lên, bình tĩnh nhìn Tô Tấn nói:
- Nếu thế thì Yến Tử Ngôn đâu giống như có liên quan gì tới chuyện này. Do nha môn kinh sư không muốn dính vào cái vạ này nên ngươi mới tới Đại Lý Tự cầu cạnh Trương đại nhân, mong ông ấy niệm tình xưa, chỉ nghe lời nói một phía mà đi hạch hỏi Yến thiếu chiêm sự đúng không?
Bị câu này chặn họng, phải mất một lúc sau Tô Tấn mới rặn ra được một chữ “Dạ”, rồi thụp ngay xuống đất, dập đầu một cái rõ kêu rồi la lên:
- Xin Trương đại nhân giúp học trò một lần.
Dù sao cũng là dân trí thức, học hành nhiều tới độ kinh thư ngấm vào xương tủy, hoá thành thói cao ngạo. Người ta hay nói dưới gối có vàng, nếu không vì bạn thân thì đời này làm gì chịu cầu xin ai.
Trương Thạch Sơn thấy nàng như vậy thì đã xuôi xuôi, đang định đứng dậy đỡ nàng thì bị một bàn tay duỗi ra cản lại.
Vị đại nhân xuống kiệu bê tách trà lên, chầm chậm bước tới trước mặt Tô Tấn, nhìn từ trên cao xuống nói với nàng rằng:
- Bản quan sẽ chia sẻ đôi điều thật lòng với ngươi, ngươi hãy lắng tai mà nghe cho kỹ.
- Năm nay vốn đã không thuận lợi gì ngay từ đầu năm, thế đạo ra sao tự ngươi nên hiểu rõ. Đừng nói là có người mất tích, mà dù có người chết, có vài tòa miếu bị cháy thì chỉ cần thiên hạ yên ổn hòm hòm thì mọi chuyện đều có thể từ lớn hoá nhỏ, từ nhỏ hoá không. Ngươi đã làm quan thì phải cho ra dáng làm quan, nếu muốn tới Đại Lý Tự kể lể tình nghĩa cho được việc mình thì trước tiên nên biết rõ mình là ai đã.
Tối đến, Tô Tấn quay lại nha môn phủ Ứng Thiên rồi cứ ngồi thần trên giường mãi.
Châu thông phán ở phòng kế bên thấy vậy, bèn hỏi:
- Cái ông Trương đại nhân kia từ chối đệ rồi à?
Đoạn lắc đầu thở dài than:
- Ta đã khuyên đệ rồi cơ mà, đám quan to lúc nào chẳng thế, giống cục đá trong hầm cầu ở chỗ một là cũ kỹ, hai là thích “ruồi”, đệ hà tất phải tự rước nhục vào thân.
Châu thông phán tự là Cao Ngôn, còn tên chỉ có mỗi chữ Bình, năm ấy rớt kỳ thi xuân, nhưng vì là sĩ tử được đề cử dự thi nên được nhận vào làm trong nha môn kinh sư.
Tô Tấn ngoái lại nhìn hắn một cái, chợt hỏi:
- Cao Ngôn này, huynh biết được bao nhiêu người chưa đến 30 tuổi mà đã làm quan lớn từ tam phẩm trở lên?
Châu Bình lấy làm ngạc nhiên:
- Còn trẻ thế mà đã làm quan lớn ấy hả?
Đoạn ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Nhưng từ khi Cảnh Nguyên Đế chiêu mộ hiền tài một cách rộng rãi thì trong triều nếu không có sáu bảy thì cũng phải ba bốn vị quan lớn như thế.
Tô Tấn không nói gì mà trải một tờ giấy ra bàn, bắt đầu mài mực.
Sau đó nàng đặt bút lên giấy, thoắt cái đến phác họa ra dáng dấp một người. Châu Bình nhíu mày nhìn, rồi tự dưng ngắm đến mê mẩn. Người trên tranh trông rất tuấn tú, có cặp mày trông như màu mực sơn thủy nhuộm thành.
Tô Tấn gác bút hỏi:
- Huynh có biết người này không?
Châu Bình đáp:
- Tuy trong triều có tới mấy người hàm tam phẩm trở lên nhưng người đẹp thế này, có khí chất thế này, nếu không phải là Thị lang bộ Hộ Thẩm Hề thì cũng chỉ có vị quan hàm chính nhị phẩm Tả Đô Ngự Sử Liễu đại nhân Liễu Triêu Minh thôi.
Tô Tấn lặng thinh một lúc, rồi phán nhẹ tênh:
- Ta cũng đoán thế.
Vậy là con đường Đại Lý Tự đã đi tong rồi.
Tô Tấn nằm vật ra giường, nhớ lại bốn năm trước lúc nàng bị phạt gậy đến ngất xỉu bên vệ đường thì chỉ có Tiều Thanh đến tìm nàng. Hôm ấy mưa trút sa sã khiến bùn dính hết vào tay áo trắng của hắn, hắn bận cõng nàng lên lưng phải vứt cả dù đi.
Trong lúc mê man, Tô Tấn buông lời cảm ơn thì Tiều Thanh khựng bước, nghẹn ngào đáp lại một câu:
- Giữa đệ và ta cần gì phải nói cảm ơn.
Đã chịu ơn người lúc nguy can thì phải kết cỏ ngậm vành đền báo cho người.
Châu Bình vừa dậy đã nghe từ thấy tiếng gõ cửa. Trời còn chưa sáng hẳn, Tô Tấn đứng bên ngoài cửa với cặp mắt thâm quầng, có lẽ vì trằn trọc nghĩ ngợi suốt đêm.
Nàng hỏi:
- Tấm thiệp bí mật của tiểu hầu gia đâu? Huynh đưa cho ta đi.
Châu Bình vốn còn ngái ngủ, nghe vậy chợt cả kinh hỏi lại:
- Đệ điên rồi à?
Tô Tấn không nói gì, lấy tấm thiệp bí mật trong tráp gỗ lim ra xem. Bên góc trái của tấm thiệp có khắc hình hoa tử kinh rỗng, bên trong viết một đề nghị luận.
Bề ngoài của tấm thiệp trông rất bình thường, nhưng nội dung bên trong lại chứa nhiều hàm ý. Đương kim thánh thượng lấy văn trị nước nên tháng nào cũng sai Hàn Lâm phát đề thi nghị luận cho các hoàng tử trả lời trong thời hạn ba ngày, nếu làm được thì chẳng có thưởng, nhưng không làm được thì sẽ bị phạt.
Có lẽ tấm thiệp bí mật này do vị điện hạ nào đó làm biếng nên kiếm kẻ dưới viết hộ.
Quy định trong cung rất hà khắc, tuy tấm thiệp bí mật này từng chuyền qua tay rất ít người nhưng nếu ai quyết tâm tra thì vẫn tra được. Bởi vậy mà nửa năm trước, một gã Ti thần ở Khâm Thiên Giám đã bị đánh chết tức tưởi vì làm hộ Thập Tứ điện hạ một bài luận.
Tô Tấn đổ tách trà lạnh trên bàn vào nghiên mực rồi mài mực trải giấy, đặt bút trả lời.
Châu Bình đứng xem mà lấy làm hãi hùng, vội đóng kín cửa lại, đi tới hỏi:
- Hôm qua lúc ta muốn đốt tấm thiệp bí mật này, đệ cản ta lại là vì đã tính làm chuyện này sao?
Tô Tấn ừ một tiếng.
Châu Bình vội hỏi:
- Đệ muốn chết hả? Làm gì cũng phải suy tính chứ, quân tử chớ đứng dưới bức tường sắp đổ.
Tô Tấn đáp:
- Tường sắp đổ tuy nguy hiểm thật đấy song vẫn có đường sống, còn hơn phải khom lưng uốn gối đi cầu cạnh người khác.
Châu Bình đang định khuyên thêm thì bên ngoài có người giục hắn đi làm nhiệm vụ. Hắn vội vàng rửa mặt, lúc ra trước cửa ngoái đầu lại nhìn, thấy Tô Tấn vẫn lia bút như bay, trông rất sẵn lòng chịu chết thì chỉ biết dặn:
- Nếu đệ muốn tìm Tiều Thanh, ta sẽ nghĩ cách giúp đệ. Đệ chớ có xốc nổi, nhớ nghĩ kỹ rồi hẵng làm.
Tô Tấn không ngước lên, chỉ nhờ:
- Giờ Mão huynh nhớ đi điểm danh giúp ta nhé.
Đề nghị luận thường bàn về gốc rễ tạo nên sự hưng thịnh quốc gia, Tô Tấn làm xong bèn thu dọn bút mực rồi ra ngoài.
Ngoài trời lại đổ mưa, hạt mưa như sợi chỉ đứt, mảnh mà dày đặc. Nàng về phòng lấy áo tơi, nghĩ thế nào lại cầm cả chiếc dù giấy màu xanh da trời theo. Đây là dù của Liễu Triêu Minh. Tô Tấn định bụng chuyến này mà tình cờ gặp Liễu Triêu Minh thì sẽ trả dù lại cho chàng.
Châu Bình dặn nàng suy nghĩ cẩn thận, không phải là nàng không muốn nghe theo mà còn cách nào khác đâu?.
Nàng thật sự không muốn mắc nợ ai cả, hễ ai cho một giọt nước là nàng cũng muốn trả bằng cả dòng suối, thế nên cái ơn đùm bọc lúc khốn khó của Tiều Thanh phải trả bằng tính mạng mới đủ.
Số kiếp nàng đã định sẵn sẽ gặp nhiều hiểm nguy trắc trở, về lâu về dài vẫn nên bớt dính dáng đến người khác thì hơn.
Chú thích của tác giả
Phổ cập tên các nhân vật cho người đọc đỡ lộn:
Tô Tấn tự là Thời Vũ.
Châu Bình tự là Cao Ngôn.
Tiều Thanh tự là Vân Sênh.
Tự (hay tên tự, hay tên chữ) là phép đặt tên cho người trưởng thành theo quan niệm Nho giáo.
Truyện này là truyện hư cấu về nữ giả nam trong chốn quan trường lừa gạt lẫn nhau, kết bè kết đảng lộng quyền, đầy lục đục nội bộ và drama nên viết rất đau đầu, lúc viết có cảm giác IQ mình siêu thấp, vậy nên mong mọi người có thể chỉ giúp lỗi sai, hễ thấy bug thì chỉ giùm.
Yêu mọi người.