Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 80: Ngày Dài Đằng Đẵng



Tôi không hiểu tại sao mấy tên trộm ấy lại có thể thoát được, không tên nào bị bắt và chỉ bị mất một chiếc xe máy không có biển kiểm soát nhưng điều may mắn là không có ông Bụt nào bị mất (tôi gọi theo đúng từ ở làng tôi hay dùng để gọi chung cho các bức tượng trong chùa), một ông ngồi ở sân chùa, một ông trên cái xe máy bị hỏng và một ông Bụt mới chỉ bị xê dịch vị trí trên điện thờ. Ba ông Bụt bị trộm hụt đều là tượng bằng đồng, màu đen nhánh, trong số đó có một ông Bụt chính là ông Thích Ca trước đây đã từng bị dân làng Trằm bực mình bê ném xuống giếng không chìm, đây là lần thứ ba xảy ra chuyện liên quan đến Phật Thích Ca.

Lần thứ nhất, như tôi đã kể, chính là việc bị khiêng ném xuống giếng chùa, lần thứ hai thì bị trộm khuân đi mất, dân làng tìm không thấy, sau đó mấy ngày đột nhiên thấy mấy người làng Bưởi Nồi, ngôi làng chuyên đúc đồng, công kênh tượng Thích Ca lên trả nhà chùa, hỏi chuyện ra mới biết là bọn trộm đem bán cho lò đúc đồng nhưng nghe nói khi cho vào nồi đun chảy thì tượng lại nhảy ra, mấy lần liền như vậy nên họ sợ quá, biết là đồ của nhà chùa họ không dám nấu đồng nữa sau đó đi hỏi lại người bán nên biết được nguồn gốc và khiêng trả. Lần thứ ba chính là vụ trộm hụt trong đêm vừa rồi tôi có chứng kiến, đối với sự việc lần này thì điều tôi hãi nhất là gặp bà cô tổ mất lúc trẻ, chẳng nói rằng rằng quát tháo rồi ra tay với tôi luôn, bà cô tổ hồi trẻ chắc cũng ghê gớm nên xuống tay không lưu tình, tôi soi gương còn thấy má trái của mình đỏ rực.

Bà Già thì tỏ ra rất vui mừng vì chùa làng lại mất hụt, lại càng tin vào việc ngôi chùa linh thiêng, còn lý do vong hồn bà cô Tổ dựng tôi dậy lúc nửa đêm thì bà Già lý giải rằng bà cô tổ này rất thiêng, lúc bà mới về làm dâu chưa biết nhiều về tính nết nên có đôi lần nằm mơ thấy bị quở trách. Bà Già là con gái lớn của trưởng tộc nên mấy việc cúng giỗ bà rất nhớ và cẩn thận nhưng nghe bảo người mất lúc trẻ mà chưa chồng tính nết thất thường, bảo sao bao nhiêu năm bố tôi dù đi đâu khi lập ban thờ gia tiên thì vẫn có một bát hương nhỏ dành riêng cho bà cô tổ này. Tôi thấy bà H. Lớn có nét tính cách có vẻ giống như tiền nhân, tôi cứ bị sợ, mỗi lần gặp bà H. Lớn là tôi cứ thấy thiếu tự tin, đôi mắt của bà nhìn như xoáy sâu vào tâm can của tôi, khiến tôi ít khi dám nhìn thẳng vào bà, đúng là một số nét tính cách có yếu tố kế thừa.

Chùa làng tuy không mất ông Bụt nhưng lại mất ... cái dùi gỗ để đánh chiêng, dân làng bàn tán rằng bọn trộm kể ra cũng kỳ khôi, còn tôi thì do đêm bị đánh thức nên ngủ gần tới trưa mới dậy. Trong bữa cơm, bà Già kể lại mọi chuyện buổi sáng cho tôi, bà cũng giấu tiệt việc tôi là đứa đánh chiêng vì tôi có dặn là dân làng biết nhiều lại lắm chuyện không hay. Bà rất vui và dặn tôi tìm cách kín kín mà mang dùi trả nhà chùa, bà tôi luôn quan niệm rằng không được tơ hào bạc cắc hay lấy một mảnh sành ở chùa về nhà.

- Cháu nói thật là cháu hãi nhất bà cô trẻ, nửa đêm nửa hôm về báo mộng cho con cháu và còn tát cả cháu một cái.

- Tao nghe ông mày hồi còn sống bảo là bà cô ghê lắm, phải biết lựa tính đấy.

- Bà H. Lớn ấy, cháu thấy có vẻ giống lắm, giống tính cách.

- Làm gì, mày chưa gặp bà H. Con nhà mày thôi, bà ấy mới là ghê gớm có tiếng, tao hồi mới về bị bà ấy lúc đấy chưa lấy chồng bắt nạt suốt.

- Bà ấy cháu chưa gặp bao giờ, trông bà ấy như thế nào bà nhỉ?

- Tao không biết mày gặp bà cô trẻ nhà mày thì nhìn như nào chứ tao nghe bảo là bà ấy với bà H. Con là nhìn giống nhau về hình dáng. Giỗ ông nội mày hôm rồi cũng không thấy bà ấy về, chắc còn bận đi bán hàng.

- Bà nào về chơi cũng được nhưng phải hiền hiền một tí chứ, chứ sao cháu thấy các bà cô, bà nào cũng nhìn cháu kiểu gì ấy, cứ sợ sợ.

- Mày sợ cái gì, mày con cháu đích tôn nên các bà ấy quan tâm mày, cũng như tao đây, sau này tao già rồi tao chết thì cũng đến lượt mày cúng bái chứ ai.

- Bà cứ nói gở, bà còn lâu mới chết, đợt rồi bà ốm cháu nhìn thấy sao băng đấy, cháu ước bà sống đến 200 tuổi - tôi vừa và cơm vừa nói rất nghiêm túc.

- Cái thằng, làm gì có ai sống được đến 200 tuổi, tao giờ già yếu rồi.

- Bà mà yếu cái gì, đêm qua cháu thấy bà gõ thau đồng to thế cơ mà.– Tôi cười lớn – Có khi còn to hơn cả chiêng cháu gõ ấy chứ.

- Cha bố mày, thôi ăn cho xong đi rồi mang cái dùi trả nhà chùa.

- Vâng, mà bà nhớ đừng có nói với ai chuyện cháu gõ chiêng, cháu ngại nhất là cứ phải đi giải thích mấy việc với các cụ, có khi dân quân lại còn bắt cháu để hỏi xem mặt mũi bọn trộm đấy.

- Tao nghĩ hơi tiếc, – Bà Già tỏ ra tiếc rẻ - giá như mày lớn hơn một tí thì mang đòn gánh đi vụt cho chúng nó gãy chân đi, tao là tao ghét cái đám trộm cắp ấy lắm.



- Thôi bà ơi, cháu không có tài đấy đâu, tài của cháu là bỏ chạy thôi.

Bữa trưa hôm ấy hai bà cháu nói chuyện rất nhiều, bà tôi dường như rất vui, bà cụ chỉ tỏ ra tiếc nuối là không bắt được trộm, có vẻ bà tôi – một bà cụ 72 tuổi – rất sẵn lòng tặng đám trộm vài gậy.

Sau bữa trưa thì tôi cũng giấu cái dùi gỗ vào trong người rồi thong thả đi bộ lên chùa, chỉ là cái dùi bằng gỗ thôi nhưng bà Già cứ thúc giục liên tục khiến tôi chẳng thể nào lần lữa mãi được. Cổng chùa rộng mở, ban ngày nó luôn là như vậy, sau khi nhìn trước ngó sau thì tôi đi qua cổng chùa thật nhanh, đầu vẫn ngoảnh nhìn xung quanh còn tay phải đã rút nhẹ cái dùi giấu trong áo thả nhẹ xuống gốc xoài sau đó nhanh chóng quay lưng đi ra thật nhanh.

- Mình có phải ăn trộm đâu mà lấm la lấm lét thế cháu.

Tôi giật bắn người khi nghe tiếng nói từ phía sau nhưng tôi nhanh chóng nhận ra đó là tiếng của ông sư thầy, tôi quay đầu lại nhìn ông cười và gãi đầu.

- Cháu chào ông, cháu định lên chùa chơi nhưng lại nhớ ra có việc ở nhà nên định về thôi ạ.

Sư thầy chẳng nói gì, ông lẳng lặng đi đến gốc cây xoài nhặt cái dùi gỗ và giơ lên.

- Ồ, nằm ngay đây mà bao người tìm từ sáng đến giờ không thấy đâu, cháu thấy có tài không? – Ông vừa nói vừa tủm tỉm cười nhìn tôi. – Tài không?

- Tài quá ông ạ, nhưng chắc do mọi người không tìm kỹ thôi, chứ lúc nào nó chả ở đấy.

- Thôiiiiiii, lại bắt đầu giả đò, ông nhìn thấy hết rồi. Vào đây uống nước đã – Sư thầy lấy tay vẫy tôi lại.

Tôi chép miệng, thở dài thườn thượt rồi đi theo sư thầy vào gian nhà nhỏ của ông ở ngay đầu hồi phía Tây của chùa, ông sư này đi nhẹ thật đấy, chả hiểu khi nãy đứng ở chỗ nào sao tôi lại không nhìn thấy.

- Uống nước đi cháu – Sư thầy rót cho tôi một chén nước từ cái ấm trà rồi đưa cho tôi – Trưa nắng như này thử uống nước này xem, người ta cho ông một ít, quý lắm mới pha uống.

Tôi cúi người nhận chén nước từ thay sư thầy, tôi thấy còn nóng nên đưa lên mũi ngửi thử rồi nhấp một ngụm, trời nắng tưởng ông sư phải mời mình cái gì cho mát chứ sao lại cho uống nóng làm gì, giá như có bát nước vối thêm cục đá thì tốt rồi.

- Ngon không cháu?

- Nước chè hả ông? – Tôi le lưỡi vì thấy đắng – Cháu không quen uống nước chè.

- Tập uống đi, mấy khi đâu, chè này một người bạn ông trên vùng cao gửi cho một ít, nghe đâu quý lắm, được hái từ những cây chè cổ thụ cả nghìn năm.

- Ôi, thế thì ông phải để dành đãi khách chứ, cháu uống mấy thứ quý giá như này thì tiếc lắm ạ.

- Quý đến đâu thì cũng để uống, chè quý thì đãi khách quý là đúng rồi.



- Cháu lên đây lúc nào chả được ạ, - Tôi uống thêm một ngụm để ông sư hài lòng – ông cứ cho cháu uống nước bình thường là được rồi mà.

- Sao được, ta phải cảm ơn cháu đêm qua đã gõ chiêng chùa, cháu không phát hiện ra thì chắc tượng Phật bị lấy trộm mất rồi.

- Sao ... sao ông biết ạ?

- Cả làng này không biết nhưng ông thì biết, cả làng không ai biết người nào đã đánh chiêng mà sáng nay ta có gặp bà cháu, thấy mặt bà cụ có vẻ tươi tắn lắm, lại tủm tỉm cười nhìn tượng Phật là đã đoán ra rồi. – sư thầy nói dứt câu thì đưa chén trà lên miệng uống, điệu bộ rất hài lòng – dù ta không biết làm thế nào cháu phát hiện ra trộm nhưng Đức Phật linh thiêng sẽ có cách để ngăn cản việc trộm cắp. Cháu có biết câu “Người tính không bằng trời tính” không?

- Bà cháu có hay nói câu ấy nhưng cháu không hiểu lắm ạ.

- Từ từ rồi cháu sẽ hiểu, như ta được biết thì những bức tượng đám trộm nhắm đến đều là tượng cổ được làm bằng đồng, có từ ngày xây chùa bằng đất đến nay nên cũng có thể nói là tượng cổ, sắp tới này ta cũng phải cẩn thận hơn trong việc giữ chùa, chứ nếu để mất thì ta cũng là tội nhân thiên cổ.

- Ông cứ yên tâm, chùa thiêng như này làm sao mà ăn trộm được.

- Ta cũng mong như thế.

Hai ông cháu ngồi nói chuyện thêm một hồi rồi tôi xin phép ra về, thứ nước chè đắng làm tôi uống xong cứ muốn uống nước lọc nhưng lại ngại làm ông sư buồn nên cũng đã uống hết hai chén nước chè, lúc ấy tôi không biết đó là thứ chè Bạch Long rất quý hiếm mọc trên núi cao mà nghe đâu thời xưa chỉ có bậc đế vương mới có cơ hội thưởng thức. Lần đầu tôi uống nước chè với một ông già gần sáu mươi, tôi hay nhớ những thứ đầu tiên và vì vậy sau này đôi khi có dịp thưởng thức trà ngon tôi lại cảm nhận thử xem cái vị có giống như thứ trà tôi từng uống với sư thầy hay không, tôi không phải là người biết uống trà, có lẽ trà chỉ ngon khi ngồi cùng người hợp ý mà thôi.

Cả chiều hôm ấy, một buổi chiều khá thư thả của ngày Chủ Nhật cuối cùng của năm 1997 dương lịch, tôi nằm trên võng đong đưa đọc truyện tranh, kể ra đọc truyện tranh rất tốt vì nó giúp cho tôi tăng thêm trí tưởng tượng, tôi cũng tập vẽ truyện tranh trên những tờ giấy photocopy mua trên thị trấn Hồ, tôi biết mình vẽ không đẹp và cũng biết rằng những tờ giấy vẽ những câu chuyện bằng hình ấy sẽ không bao giờ rời khỏi tấm phản gỗ đến tay ai nhưng tôi cũng mơ ước trở thành một họa sỹ truyện tranh. Trẻ con thì luôn có nhiều mơ ước và những mơ ước ấy có khi lại thay đổi theo thời gian hoặc độ tuổi, tôi thấy mình có thể là một nhà văn nhưng định nghĩa về nhà văn hoặc làm thế nào để trở thành nhà văn thì tôi lại không thể biết hỏi ai, cách duy nhất tôi có thể chuẩn bị cho việc sẽ trở thành nhà văn trong tương lai của mình chính là viết nhật ký, vì tôi nghĩ nhà văn viết những cuốn truyện tôi đọc thì phải có tài liệu. Cái ông Nguyễn Nhật Ánh tóc dài mắt đeo kính cận in ở sau mỗi bìa truyện cứ cười cười như trêu ngươi tôi, nhưng một sự thật là ông ấy viết truyện tôi thấy gần gũi với tôi, bởi vậy tôi nghĩ nếu mình viết giống như ông ấy thì giờ cứ ghi lại tất cả mọi thứ để sau này lớn lên bằng tuổi ông ấy, tôi sẽ viết một cuốn truyện để nổi tiếng như ông ấy.

Tôi cũng thích cả ông Hùng Lân họa sỹ, không biết mặt mũi ông ấy ra sao mà vẽ đẹp quá, rồi lại cả cái ông Fujiko vẽ truyện Doremon, giá như mấy ông này làm hàng xóm nhà mình thì tốt biết mấy.

Trở thành nhà văn để viết truyện ban đầu là mơ ước của tôi khi tôi mười ba tuổi nhưng sau đó dần trở thành mục đích mà tôi theo đuổi, bởi thế tôi đọc nhiều và đọc đủ các loại truyện, sách và sau cùng chẳng còn gì để đọc thì tôi đi thuê tiểu thuyết, từ kiếm hiệp đến tình cảm nhưng sau một thời gian đọc mấy chuyện đó tôi thấy không thích bởi vì toàn của Trung Quốc viết, không có mấy tập truyện của Việt Nam mà tôi thì đang muốn bổ sung thêm những cuốn truyện của Việt Nam. Về sau khi lên cấp III, tôi mua rất nhiều truyện của Việt Nam để đọc, kể cả truyện tranh, tôi đã rất ngưỡng mộ những người có thể vẽ và viết ra những thứ khiến tôi mê say đến vậy, tôi chỉ muốn được làm hàng xóm của họ hoặc làm chân sai vặt của họ, đổi lại tôi sẽ được xem trước truyện, đỡ phải chờ.

Tôi lạị nhận ra rõ ràng có nhiều vấn đề khiến tôi thích trở thành nhà văn hoặc họa sỹ truyện tranh vì tôi phát hiện ra chúng tôi hay bàn luận với nhau rằng “truyện này hay quá”, “ông này vẽ đẹp quá” chứ rất ít khi chúng tôi khen ông ấy vẽ truyện giỏi hay viết văn giỏi, trong những cuộc tranh cãi với R9 hay H. Chắc Gạo thì tôi lại nhận ra rằng chúng tôi hay cãi nhau về việc mình thích nhân vật nào. Ví như trong truyện Hesman, tôi chỉ thích nhân vật Kíp vì anh ta rất thông minh, không có tài phép nhưng sự thông minh của anh ta khiến tôi thấy anh ta giống một con người nhất, tôi thích mình giống anh ta, như linh hồn của một đội nhóm. R9 lại thích Gát-cô vì anh ta là người mạnh nhất đội hình và ít nói, H. Chắc Gạo thì thích tất cả, miễn có truyện đọc là ngon rồi, sao phải thích cụ thể một nhân vật nào cho mệt. Tôi nghĩ mãi tại sao ông nhà văn lại có thể một mình nghĩ ra nhiều nhân vật để rồi khiến chúng tôi cãi nhau, sau cùng tôi nhận định rằng nhà văn hoặc họa sỹ truyện tranh nhất định phải là người thông minh, chỉ có người thông minh mới nghĩ ra được nhiều như thế.

Tôi luôn luôn phân định hai khái niệm: thông minh và tài giỏi, tại sao lại như thế, phần lớn mọi người không quan tâm nhưng tôi thì có, tôi luôn tự nhận mình là người thông minh còn tuyệt nhiên không cho rằng mình tài giỏi. Để xem một ai đó có tài giỏi hay không người ta sẽ dùng những thước đo bằng con số như điểm số khi đi học, doanh số khi bán hàng rồi cả cái KPI gì đó mà tôi rất sợ hãi khi lớn lên, tôi luôn cố gắng từ chối hiểu KPI, nhưng điều rất buồn cười là tôi lại cho rằng tài giỏi đôi khi chỉ mang tính nhất thời, không đại diện cho cả một quá trình, kiểu như khi tôi học lớp 8 có thể được 10 điểm môn Vật lý nhưng khi đến lớp 9 làm đúng bài đó tôi không chắc mình có đạt đủ điểm 10 hay không.

Thông minh thì không có thước đo nào cụ thể, giống như tôi tự cho rằng mình là người thông minh trong giao tiếp, vợ tôi thông minh trong việc sắp xếp, bố trí mọi thứ, em gái út của tôi thông minh trong việc săn sale, tìm nơi bán đồ ngon giá rẻ rất nhanh hoặc giả như em trai tôi thông minh trong việc chơi Game Online... nhưng sự thật là chúng tôi đều không học giỏi, như tôi đã phải nghiên cứu chương trình đại học 4 năm trong suốt 74 tháng. Sau khi trải qua nhiều va vấp, bị cuộc đời vả vào mặt nhiều lần cho tỉnh hoặc sụp hố trong những thứ gọi là đam mê thì tôi lại càng khẳng định rằng những đứa hồi đi học rất lớt phớt lại thành đạt hơn những đứa có điểm số cao, tôi không đánh giá thấp việc học giỏi, những người đó thông minh trong học tập và nếu như vừa tài giỏi lại thông minh thì quá tuyệt vời, còn nếu chỉ được chọn một trong hai, tôi sẽ lựa chọn mình là người thông minh, thông minh sẽ sống rất lâu.

Mẹ tôi từng rất nhiều lần nói vui rằng “thằng này may quá nó không đỗ trường Nguyễn Du chứ nếu không nhà mình sẽ có một thằng hâm”, lần nào nghe tôi cũng cười. Trở thành nhà văn là mục đích của tôi và tôi đã có gắng theo đuổi trong 5 năm nhưng ngay sau khi thất bại thì tôi lập tức dừng lại, tôi không thử sức tiếp bởi vì tôi biết, thời gian là thứ quý giá nhất và tôi đã sử dụng “kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” cho ước mơ đầu tiên, nếu tôi tiếp tục thì sẽ ảnh hướng đến “kế hoạch 5 năm lần thứ hai”. Với mục đích trở thành nhà văn, tôi đã đề ra rất nhiều mục tiêu như: viết 100 cuốn nhật ký, đọc tất cả truyện của ông tóc dài đeo kính cận Nguyễn Nhật Ánh hay là viết một truyện ngắn dài ít nhất 30 trang A4..., rất nhiều mục tiêu đã được tôi đề ra để nhằm đạt được mục đích của mình. Một số bạn bè tôi biết, hay nhầm lẫn giữa việc xác định mục tiêu và mục đích, nghe có vẻ giống nhau nhưng thật sự nó là hai thứ khác nhau hoàn toàn bởi vì đơn giản là mục đích là đích đến còn mục tiêu lại là cả quá trình thực hiện để đạt được mục đích sau cùng. Việc xác định rõ những thứ mớ hỗn độn ấy khiến tôi luôn nhìn rõ được bản chất của vấn đề và khi cần, tôi sẽ gạt bỏ những thứ không cần thiết để đạt được điều quan trọng nhất.

Thi thoảng tôi lại hay sa đà vào những thứ hơi dài dòng như vậy.

Nhưng bây giờ tôi cũng có biết làm gì đâu.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv