Mỗi ngôi làng đều có một ông Xã Thần (Thổ Địa) cai quản, đó là điều tôi biết, trong mỗi làng lại có hàng trăm ngôi nhà và vì thế lại có thêm hàng trăm ông Thổ Địa có địa vị thấp hơn ông Xã Thần cai quản làng làm nhiệm vụ trông coi từng mảnh đất cho từng gia chủ. Theo như tôi được biết, được đọc, tuy không nhiều, thì những người được chọn làm Thổ Địa đều hiền lành, tốt tính và phúc hậu. Nhiều người sau khi mất đã tu tập, học hành để trở thành Thổ Địa nên tính ra ngoài điểm chung như tôi đã nói thì mỗi ông Thổ Địa lại có những nét riêng. Ví như ông Thổ Địa trông coi mảnh đất của nhà tôi ở quê từng là một thư lại, cũng có những ông Thổ Địa từng làm quan, có ông Thổ Địa từng học võ ... Từ rất nhiều thế kỷ trước, nhiều ông vua đã ban cho các quan có công, các võ tướng có tài nhiều đất đai, ruộng vườn và vì thế nhiều thái ấp đã được dựng lên. Những vị sáng lập làng ấy sau khi mất đi có thể trở thành Thành Hoàng của ngôi làng hoặc có thể trở thành Thổ Địa của cả một vùng rộng lớn tùy vào công trạng, đức độ đã làm khi còn trên dương thế. Nếu như ai đó may mắn mua một mảnh đất mà ông Thổ Địa từng là người buôn bán hoặc có tài buôn bán trước kia thì sẽ giúp ích rất nhiều cho gia chủ khi buôn bán, khi gia chủ làm ăn phát tài thì Thổ Địa cũng được thơm lây, tôi tin vào điều này.
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng đánh nhau với giặc Đông Hán, nhiều nữ tướng của Hai Bà Trưng cho đến hiện nay vẫn còn có đền thờ ở bên đất Tàu bởi vì có những thời điểm các bà đánh giặc rất bạo, lịch sử Việt Nam ghi nhận có hai vị vua là nữ gồm có: Trưng Trắc - tức Trưng Nữ Vương - và Lý Chiêu Hoàng. Việt Nam trải qua nghìn năm cũng có rất nhiều triều đại, nhiều vua chúa nhưng duy nhất tôi nhớ có ông Quang Trung là dám tự xưng hoàng đế, ông Lý Nam Đế tôi nhớ là không phải và tầm ảnh hưởng của ông cũng không rộng nên lịch sử chẳng mấy khi nói rõ. Tôi từng đọc ở đâu đó viết rằng hoàng đế Quang Trung là hậu duệ của Hồ Quý Ly cũng như tổ tiên của nhà Nguyễn là ông Nguyễn Bặc, danh tướng giúp dựng cơ đồ của vua Đinh Tiên Hoàng.
Trong hai nghìn năm qua thì chiến tranh xảy ra liên miên khắp vùng Đồng bằng Bắc Bộ sau đó là tới khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh rồi mới lan ra cả dải đất hình chữ S hiện nay. Điều này sẽ dẫn đến một một lý giải rằng mỗi tấc đất vùng Đồng bằng Bắc Bộ hay vùng Trung du phía Bắc hẳn là đã chôn thây không biết bao nhiêu người của nhiều thế hệ cha ông đã chết vì chiến tranh, chết vì li loạn, bệnh tật, đói kém ... 600 năm trước dân số toàn khu vực Miền Bắc (gồm một phần Lào) khoảng 5 triệu người, cứ tính tuổi trung bình là 40 thì thật sự đã có đến hàng trăm triệu người chết đi mà dân số hiện nay cũng chỉ 100 triệu dân. Vậy ... những người khuất mặt đang ở đâu? Tôi nghĩ họ đang làm nhiều công việc trong đó Thổ Địa cũng có thể xem là một công việc, một công việc không phải cứ muốn xin là được nhận.
Thuận Thành quê tôi là một vùng đất cổ với khoảng trên 3000 năm lịch sử, nó có tên gọi cũ là Siêu Loại, nằm ở bờ nam của sông Đuống và Thuận Thành có thể xem là một trong những cái nôi của dân tộc Việt Nam. Chùa Dâu - một ngôi chùa cổ - được xây dựng vào cuối thể kỷ thứ II sau Công nguyên và đến cuối thế kỷ thứ VI, tôi nhớ là vậy, thì có một vị thiền sư từ Ấn Độ đến lập ra phái Thiền tông, đó là một trong những lí do chùa Dâu trở nên nổi tiếng ở Bắc Bộ vì có bề dày lịch sử.
Sau khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, ông xưng vương được mấy năm rồi mất thì đất nước lại rơi vào cảnh loạn lạc, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ khắp nơi gây ra loạn 12 sứ quân và Lý Khuê là người chỉ huy một trong số 12 sứ quân ấy đóng trại ở Siêu Loại (gồm các huyện Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình hiện nay). Sứ quân Lý Khuê lựa chọn cách thức toạ sơn quan hổ đấu, không đánh trực diện các sứ quân khác mà lo tích trữ quân và lương thảo cũng như chuẩn bị căn cứ địa. Khoảng năm 965 khi con trai của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn đi đánh dẹp các sứ quân thì bị phục binh bắn chết, Lý Khuê vẫn án binh bất động, mặc kệ các sứ quân khác đánh lẫn nhau. Khoảng năm 968 khi một bộ tướng của Đinh Tiên Hoàng là Lưu Cơ tiến đánh Lý Khuê, sau nhiều trận giao tranh thì Lý Khuê thua trận và mất ở xã Dương Xá ( Gia Lâm, Hà Nội ngày nay) và sau đó ông trở thành Thành Hoàng của làng. Sau này cũng có nhiều giả thiết và nghiên cứu cho rằng vua Lý Công Uẩn là cháu của Lý Lãng Công – Lý Khuê. Từ thời nhà Lý cho đến sau này thì tôi không thấy còn nhiều biến động và những trận giao tranh diễn ra trên vùng đất Siêu Loại này nữa, vùng đất trở nên hiền lành trong suốt nghìn năm lịch sử.
Như tôi đã từng kể, làng tôi và cả xã của tôi trước đây thuộc huyện Gia Bình, mãi đến năm 1980 mới được chuyển cho huyện Thuận Thành quản lý và làng tôi vẫn là một ngôi làng ốc đảo, nhỏ bé và chơ vơ giữa đầu huyện này cuối huyện kia hay giống như tôi hay nói đùa rằng là một ngôi làng “gần thành thị, xa nông thôn”, có lẽ chính bởi như vậy nên làng tôi không có nhiều quan hệ với làng Nghe hoặc trên làng Trằm, lịch sử luôn lí giải được rất nhiều thứ.
…..
Buổi sáng hôm sau khi gặp chị Ma, tôi đi học và … đếm cầu, tính ra từ làng tôi thì Cầu Khoai là cây cầu thứ nhất, tuy nó là cầu tạm nhưng cũng tính là cầu, đến cây cầu thứ hai thì tôi phải rẽ phải vào để đi học cho nên tan học tôi đi trở lại để tiếp tục tiết mục đếm cầu. Đường xá thì tôi không lạ gì nhưng trước nay tôi không quan tâm nhiều đến việc có mấy cây cầu bắc ngang qua con mương Khoai (người ta gọi là sông Khoai nhưng hẹp thế mà gọi là sông thì có vẻ xúc phạm những con sông khác).
Đến cây cầu thứ tư thì tôi dừng lại nhìn xung quanh, tôi không biết mình có nên khóc hay không bởi vì bốn phương tám hướng đều là những cánh đồng bát ngát, nếu đi thêm chừng gần 1km nữa là đến đoạn tôi đã gặp ông sư già cho tôi vài lời khuyên mà tôi không hiểu gì. Tôi dừng xe trên cầu (đúng hơn nên gọi là cái cống thuỷ lợi) để ngó nghiêng nhằm tìm thấy một cái gì đó cho tôi cơ sở để xác định vật mốc đi tìm ngôi miếu đất mà chị Ma đã dặn nhưng ngoài một số cây phi lao chưa cao lắm được trồng bên bờ mương Khoai thì tôi chỉ thấy cơ man là các ruộng lúa đang trơ gốc rạ. Tôi đứng thở dài não nề, quả thật những pha hành động trước đây của tôi chỉ theo kiểu chó cậy gần làng, thông thuộc đường ngang ngõ tắt chứ đây là một cánh đồng hoàn toàn khác, ở một ngôi làng khác thì cái gì cũng mới lạ. Tôi cũng tính đi hỏi thăm vài đứa bạn cùng lớp nhưng giải thích lí do với chúng nó như thế nào cho hợp lý thì rất khó, bọn nó không phải là R9 – một thằng kín miệng, cùng làng – nên tôi sợ rằng chưa làm được việc gì đã được mời về Uỷ ban xã uống nước chè và rồi bác N. tôi sẽ lại phải đứng ra đỡ lời cho, tôi không thích phiền đến ai trong tình huống như vậy.
Sau một hồi suy nghĩ thì tôi lại lấy bút và vở nháp ra rồi dùng cái yên xe làm bàn, bản đồ với những nét vẽ nguệch ngoạc khiến tôi không ưng, cảm giác rất chán nản vì địa hình rất rộng, luỹ tre gần nhất cũng phải hơn 500m ở phía Bắc còn phía Tây thì … tôi không nhìn thấy luỹ tre nào do xa quá tầm mắt. Hướng Nam là một cánh đồng rộng trải dài theo đường Quốc lộ 17 mà tôi biết cái luỹ tre xa xa mờ tít tắp phía chân trời kia thuộc của xã khác, đối với hướng Đông thì nhìn về cái cầu tôi đi học qua mỗi ngày nên không cần quan tâm. Tôi ngồi trên thành cầu xi măng, dựng xe đạp bên cạnh và đong đưa chân nhìn xuống dòng nước màu vàng nhạt phía dưới, sau một hồi tôi chợt nhớ ra thằng bạn cùng lớp có bố nó là trưởng công an xã, làm trưởng công an xã chắc sẽ có bản đồ, bộ đội có bản đồ thì công an cũng sẽ có, nghĩ vậy tôi hứng khởi hẳn lên. Dù sao nhìn được bản đồ của công an hẳn là sẽ bao quát hết như nhìn từ trên máy bay, tôi lên xe và đạp đến nhà thằng bạn học của mình.
-Mày chưa về mà đi đâu đấy? – Thằng T. bạn tôi hỏi khi thấy tôi đứng ở cổng nhà nó.
-Tan học tao chạy lên Hồ tìm mua bản đồ về huyện mình mà chẳng có.
-Bản đồ á? Mày mua bản đồ làm cái gì?
-Mày biết tao thích môn địa lý mà, tao vẽ đầy bản đồ các kiểu rồi mà chưa có tấm bản đồ nào quê mình, mày nghĩ xem có buồn cười không?
-Quê mình thì cần gì bản đồ, muốn đi đâu thì hỏi một cái là tìm đến, mày muốn hỏi nhà ai, mày muốn đi đâu?
-Không phải thế, tao muốn vẽ bản đồ xã mình để treo trong nhà, rồi tô màu lên cho đẹp, ở quê học địa lý mà không biết quê mình thì tao cứ thấy khó chịu.
-Mày đúng là thằng dấm dớ, rảnh thì đi chơi đi chứ vẽ bản đồ đấy cũng chẳng ai quan tâm, cô giáo cũng chẳng cho mày điểm vì mày vẽ quê đâu.
-Tao cần gì điểm, lên lớp là được rồi. Bố mày là trưởng công an xã, kiểu gì chẳng có bản đồ đúng không?
-Làm gì có, nhà tao chẳng có cái bản đồ nào, có trộm cắp gì thì đọc vị trí ra thì chỉ vài phút là có mặt, bản đồ làm gì, mày tưởng như ở Hà Nội chắc?
-Chán nhỉ! – Tôi thở dài não nề, thất vọng tràn trề, ý tưởng vừa mới có đã tịt ngúm.
-Nhưng mà nếu mày cần bản đồ xã mình thì tao biết ở đâu có.
-Ở đâu, ở đâu? – Tôi cầm lấy tay thằng T giật mạnh – Gần đây không?
-Ở trụ sở của xã đấy, bản đồ to đùng luôn, tao thấy người ta hay họp và chỉ trỏ lên trên đó để gieo lúa, trồng khoai, thi thoảng tao đến gọi bố tao về thì thấy như vậy.
-Vậy tao chạy về Uỷ ban xã xem thử.
Tôi vội vàng quay xe định đi thì thằng T. giữ lại.
-Mày dở à, giờ này mới hơn 12g trưa người ta còn kềnh ra ngủ, bố tao cũng đang ngủ trong nhà kia kìa. Tầm 4g chiều mày tới thì thấy thôi, ở xã phải giờ đó người ta mới làm việc, mày cần gì phải vội thế.
-Ừ nhỉ, tao quên. Mà cảm ơn mày nhiều nhé, mai mày ăn gì không tao mời, không có mày chỉ chắc tao chẳng nghĩ ra.
-Uống nước mía được không?
-Thế chiều nay tầm 4g tao đến Uỷ ban xã mày rảnh thì hẹn nhau ở đấy, thích uống gì ăn gì tao mời, một mình mày thôi nhá.
-Nhất trí.
Tôi phấn khởi đạp xe về nhà, phải thế chứ, có thế mà mình chả nghĩ ra, ở một xã nông nghiệp thì kiểu gì cũng có bản đồ địa chính để trồng lúa hoặc phải có bản đồ hành chính, quả nhiên chẳng phải cái gì mình cũng biết.
…..
Buổi chiều, tôi thấy thằng T. bạn mình đã ngồi trên xe đạp ở bậc thềm hội trường của xã giữa nhiều trẻ con khác tầm tuổi tôi hoặc ít hơn, phía trước hội trường là cả một sân cỏ rộng lớn thường mỗi chiều trẻ con, thanh niên hay sử dụng để đá bóng, năm trước hội trại tôi cũng đã ngủ ở đây một đêm, khá là vui. Tôi ngồi trên chiếc xe đạp Peugeot Cá Vàng của mình và vẫy thằng T., nó nhanh chóng nhận ra và đạp xe lại gần, tôi và nó đi tìm nơi uống nước trong chợ của xã ngay sát bên. Thằng T. chọn uống nước mía và gọi thêm vài cái kẹo dồi lạc màu trắng, tôi bảo nó lấy nguyên gói ăn cho đã còn phần mình thì tôi chọn Coca vì tôi nhìn thấy bà bán nước mía đang dở tay băm bèo rồi lấy cây mía quay luôn, tôi là đứa “khôn mồm” như bà Già hay nói nên dĩ nhiên tôi không uống nước mía. Tôi thoáng vui mừng khi thấy trên cái bàn gỗ cũ kỹ của quán nước có mấy chai sữa đậu nành của nhà mình.
- Vậy ra đã bán cả về đây rồi.
Tôi tự nhủ thầm trong đầu, quả nhiên công việc làm ăn ngày càng phát đạt nhưng đầu năm uống sữa đậu nành không cần đá thì không ngon, tôi thích uống lạnh.
Tôi không khó khăn gì để xem cái bản đồ địa chính của xã có đánh tên cả những cánh đồng và tôi nhanh chóng nhận ra nơi mình cần tìm hiểu, thật sự là rất rộng. Tôi xin phép cô văn thư và ngồi tại cái bàn to đùng bắt đầu vẽ lại, việc vẽ bản đồ trên giấy vở Bãi Bằng không có gì khó khăn bởi vì tôi dùng bút chì chia ô lớn giống như trên bản đồ và ước lượng để vẽ, thằng T. quá chán với cái việc buồn tẻ mà tôi làm nên nó đã về trước, bỏ mặc tôi lại, tôi cũng không quan tâm vì tôi cần sự yên tĩnh. Khoảng gần một tiếng nắn nót, tẩy xoá thì tôi cảm thấy ưng ý với thành quả của mình và xin phép ra về, có bản đồ thì công việc tìm kiếm sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, tôi có thể khoanh vùng tìm theo từng ô vuông cũng như căn cứ trên thực địa để chọn các dấu mốc.
-Bà ơi, - Tôi hỏi bà Già trong bữa cơm tối – trước cháu có nghe nói nhà mình có ruộng ở rất xa đây mà bà hay gọi là cánh đồng Quán Dê, cánh đồng đó ở đâu ạ?
-Quán Dê hả? Cánh đồng ấy nằm phía bên trái đường cái quan, gần tới ngã tư Đông Côi, hai chục năm rồi tao chẳng nhớ nữa.
-Sao bà không giữ ruộng đó lại?
-Bố mày, các cô mày với bà Trẻ mày đi làm đậu nên từ hồi sau giải phóng thì tao cũng thôi, trả ruộng lại cho hợp tác.
-Vậy tại sao cánh đồng ấy lại tên là Quán Dê bà nhỉ, tên lạ thế?
-Xưa gần đó cái quán lá ven đường bán thịt dê nên người ta gọi là Quán Dê chứ có gì đâu, gọi thế cho tiện tìm. Bố mày lúc bằng tuổi mày vẫn gánh cơm ra đấy cho tao lúc mùa vụ đấy.
Tôi hỏi thêm nhưng bà Già cũng không biết gì nhiều, cũng dễ hiểu thôi vì cánh đồng đó không còn thuộc địa phận làng tôi, thậm chí một phần còn không thuộc xã tôi thì sao mà bà biết được, cái tên Quán Dê mà bà nói không thể hiện trên bản đồ địa chính của xã nhưng nhờ thông tin của bà thì tôi cũng đoán được đó chính là cánh đồng nằm ở mé trái đường Quốc lộ 17, có thể kéo dài từ cây cầu thứ ba cho đến gần ngã tư Đông Côi mà tôi biết.
Dựa vào những hiểu biết của mình tôi nghĩ rằng cái miếu đất nào đó mà chị Ma nói khả năng sẽ xây trên một cái gò, nhất định phải là một cái gò đất kể cả nhỏ vì địa hình thời trước khi có ruộng hẳn là sẽ có nhiều chỗ lồi lõm, chỉ khi làm ruộng người ta mới làm phẳng đi mà thôi.
Tôi dành buổi chiều đầu tiên thơ thẩn ngoài cánh đồng của một làng tên là làng Kếp, chả có gì đặc biệt ngoài một ngôi đình nhỏ hướng ra cánh đồng, khắp cả cánh đồng nhỏ ấy tôi không tìm thấy gì mặc dù cũng có đôi ba gò đất nhỏ nhưng đều là mộ đất của gia đình nào đó trong làng. Hai buổi chiều tiếp theo thì tôi dành để tìm kiếm trên cánh đồng sát với làng tên là làng Đường, cánh đồng này rộng hơn rất nhiều nhưng cũng không thấy một cái gì có thể gọi là miếu đất cả, trong tưởng tượng của tôi một ngôi miếu thờ bằng đất dù từ lâu đời thì cũng phải nhìn thấy dấu tích hay như thế nào chứ. Ba buổi chiều đã trôi qua nhưng chưa tìm được điều mình muốn, tôi thấy mệt mỏi và tự hỏi có khi nào thông tin chị Ma nói có chỗ nào sai sót hay không? Đứng nhìn về phía cánh đồng rộng lớn phía bên trái Quốc lộ 17 theo hướng từ làng tôi đi ra thì tôi thật sự phải thở dài vì nó quá rộng lớn, xa ngút tầm mắt, giá như thông tin cung cấp chi tiết hơn thì việc tìm kiếm của tôi không khổ thế này. Đôi ba lần tôi muốn bỏ cuộc và nói dối rằng mình không tìm thấy nhưng tôi lại không thể, thứ nhất tôi không muốn nói dối bạn của mình và thứ hai là tôi không muốn bỏ dở một công việc mà mình mới chỉ vừa bắt đầu, kể cả không tìm thấy thì cũng phải cố làm cho xong.
Tôi có phải bắt buộc làm việc này hay không thì tôi không biết nhưng chị Ma đã giúp tôi nhiều thứ, chỉ một việc nhỏ như này chị ấy nhờ mà không giúp được thì còn mặt mũi nào lần sau nhờ vả nữa. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng chị Ma không vô duyên vô cớ nhờ tôi làm việc này, hẳn có việc gì đó mà chị ấy phải lánh mặt hoặc bản thân chị ấy không đủ khả năng làm.
Các buổi chiều tiếp theo tôi dành thời gian tìm kiếm ở cánh đồng lớn, tôi đi theo hình vuông từng khu vực một, đi trên những bờ thửa để không bị mất phương hướng hoặc xiên xẹo, có lẽ vì những thói quen này mà khi lớn lên một vài thứ tôi thích phải cân đối, lệch là tôi không thích, đặc biệt dị ứng với xe máy bị lệch tay lái hoặc ô tô mà vô-lăng một bên nặng một bên nhẹ thế cho nên tất cả các xe máy tôi đã từng đi luôn có trọng tâm chuẩn, thả tay ra có thể chạy rất dài. Cái xe kỷ niệm của hai vợ chồng là chiếc Liberty chỉ vì phía sau có một bên phuộc khiến tay lái không cân đối cũng như bánh xe không thẳng hàng với vè sau nên tôi cũng chẳng đi rồi bán quách cho người quen. Đối với xe ô tô dù là xe ít tiền thì tôi cũng sẵn sàng chi một khoản để đảm bảo khi xe của mình luôn đi thẳng, chỉ cần một ngón tay chạm vào vô-lăng là xe sẽ trở lại vị trí tôi mong muốn.
Tôi không phải người khó tính, thậm chí còn là một người xuề xoà, theo chủ nghĩa qua loa đại khái nhưng có vài thứ ăn sâu vào não mất rồi, muốn thay đổi rất là khó mặc dù tôi biết rằng đôi khi cũng không nên tự làm khổ mình vì những điều chẳng quan trọng nhưng thôi đành, tôi xem đó như chất riêng của mình vậy, dù sao cũng không hại đến ai.
Tôi đã đội nón mê, xắn quần vành nồi rồi còn thêm cả một cái gậy của bà Già và một tay cầm chai nước vối, nhìn tôi có vẻ giống một đứa đi chăn vịt ngoài đồng nhưng không có vịt, gần mười ngày trôi qua thì chân tôi… khoẻ hơn và không còn thấy mỏi, tôi cũng chẳng hiểu sao mình lại có thể làm được như thế, bây giờ bảo tôi đi bộ từ nhà ra chợ thì tôi chắc chắn chấp nhận nhịn đói còn hơn.
Đến buổi chiều ngày thứ mười kể từ khi tôi bắt đầu lùng sục tìm kiếm ngôi miếu đất thì tôi đã có dấu hiệu nản thật sự bởi vì đã tìm gần như hết mọi chỗ rồi mà không thấy gì, tôi chắc rằng chị Ma sẽ không trách gì vì tôi đã cố gắng hết sức rồi. Trên đường quay về, băng chéo qua những thửa ruộng đi cho nhanh ra đến đường Quốc lộ để đến chỗ đã gửi cái xe đạp mini màu xanh, lúc đó tầm gần 5g chiều đã vắng vẻ, tôi nhìn trước nhìn sau không thấy ai thì vạch quần giải quyết nỗi buồn luôn tại một chỗ mà mình đã từng đi qua mấy ngày trước đó. Chỗ đấy là nơi giao nhau của bốn cái ruộng và mỗi góc ruộng khá vuông góc và hơi vát, nhìn rất giống hình chữ thập và ở giữa chữ thập đó là một mảng cỏ màu vàng úa, không rộng lắm, khoảng 1,5m2 là cùng.
Tôi muốn thử sức mạnh của mình bằng cách đứng dưới ruộng và bắn vào đám cỏ màu vàng thì lại thấy nước tiểu bắn ngược vào chân mình, tôi giật mình dừng lại vì sự lạ, lấy chân đá về phía trước nhưng chẳng thấy có vật cản gì nên tè tiếp. Nước tiểu vẫn bắn ngược trở lại chân tôi giống như tôi đang tè vào một bức tường vô hình trước mặt và rồi cái chỗ nước tiểu bắn vào đó bỗng nhiên bốc khói, tôi trố mắt nhìn mà quên mất rằng tay mình đã ướt từ lúc nào vì sợ, ngạc nhiên quá nên tôi không tè xa được nữa. Tôi đứng đó như pho tượng trong một lúc lâu, cái nơi tôi vừa tè kia bốc khói một lúc rồi hết, nhưng đủ thời gian để tôi nhìn thấy bên trong cái lỗ tròn tròn, nho nhỏ kia giống như có cất giấu thứ gì đó vậy, giống như bên trong có những viên gạch vồ màu tối cùng đất và rơm.
Tôi đứng đó một lúc lâu, mồ hôi ướt hết hai bên thái dương, đến khi không còn thấy khói bốc lên nữa thì tôi bình tĩnh trở lại, lau tay vào quần, nhìn ngó xung quanh để xác định rõ chỗ mình đang đứng sau đó tôi ù té chạy băng chéo qua các thửa ruộng, tôi chạy như có ma đuổi phía sau.
Về đến nhà thì trời bắt đầu chập tối, tôi đứng ở sân hổn hển thở, tôi nghĩ mình đã tìm ra cái miếu bằng đất đó rồi nhưng vì sao nó lại ẩn đi như vậy thì tôi không biết, có thể là bùa phép của một tay phù thuỷ nào đó.
-Hay ở đấy giấu vàng nhỉ?
Tôi thầm nghĩ như thế nhưng lại cố gạt đi vì chị Ma không thiếu gì vàng, cho còn không hết thì quan tâm làm gì vàng nữa. Nhưng có một vấn đề hơi tế nhị, chính là tôi cảm thấy cái chỗ tè của mình hơi đau nhức, tôi lấy đèn pin ra kiểm tra thì đã thấy nó tấy đỏ, tôi toát hết cả mồ hôi, ướt cả áo vì ý nghĩ mình sẽ bị cắt chỗ này đi, bị cắt thì mình sẽ thành thái giám, sẽ không có vợ, sẽ không có con …Tuy có hoảng sợ nhưng tôi vẫn động viên mình bình tĩnh tìm cách chữa, mãi sau rồi tôi cũng nghĩ ra một cách và phải thử ngay.
Tôi đã lấy hai cái đũa cả dự phòng mà bà Già cất trên chạn bát sau đó cho vào nồi cơm để hơ nóng bằng hơi rồi tự điều trị cho mình bằng cách kẹp vào cái thứ mà giúp tôi trở thành cháu đích tôn, tôi làm như thế mấy lần và cầu mong mọi thứ sẽ không có gì, nếu bị làm sao thì tôi biết bắt đền ai bây giờ?